Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

“Đập gương xưa tìm bóng” Đoàn Chuẩn - Từ Linh

“Đập gương xưa tìm bóng” Đoàn Chuẩn - Từ Linh
Trước nay,  cứ mỗi độ thu sang, lòng người lại bâng khuâng chộn rộn với lá vàng rơi, hòa trong những cơn gió se sẽ thổi, và phố phường bao trùm bởi không gian thu trầm tĩnh, quyến rũ. Mùa thu - mùa của sự sáng tạo, để rồi người nhạc sĩ thăng hoa và xuất thần trên từng phím nhạc. Thu cũng rất biết cách làm cho người bình thường bỗng dưng trở thành thi sĩ.
Đã biết bao nhiêu thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... đóng dấu ấn qua những tác phẩm về mùa thu sống mãi cùng năm tháng. Và, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, chàng lãng tử đa tình chính là người như thế. Cũng chính trong những ngày đang trong thu này, tối 28/10 tại Nhà hát Lớn thành phố một đêm nhạc với bản chân dung số 6: Đoàn Chuẩn - Lá đổ muôn chiều được người dân Hà Nội đón chờ với nhiều nỗi niềm tâm trạng khác nhau.
Đã có bao nhiêu đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh nhỉ? Không ai có thể nhớ nổi, kể cả anh Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn,  là một nghệ sĩ ghita Hawai  và còn là một tay vợt có hạng trong làng bóng bàn nghiệp dư; người cực kỳ am hiểu sự nghiệp sáng tác cũng như "chiều sâu" tâm hồn  của cha mình?
Gói ghém trong hành trang của người đời nghệ sĩ,  Đoàn Chuẩn sáng tác chỉ có 20 ca khúc nhưng đều đặc sắc. Nhạc của ông không dành cho số đông, nhưng nếu dung hòa được thì người nghe như bị cuốn vào men say, ru hồn người lại để chìm vào trong các nốt nhạc phiêu linh, truyền cảm.
Nếu họa sĩ Bùi Xuân Phái qua nét bút tài hoa làm nên phố cổ Hà Nội trở thành thương hiệu, thì mùa thu Hà Nội lại được tạo bằng âm thanh của người nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Bản năng nghệ sĩ trong ông dồi dào như một quả cầu lửa, có thể bùng lên bất cứ lúc nào, hăm hở, tỏa nhiệt... và đôi khi cảm thấy thiêu rụi đi những thứ chung quanh, chẳng vậy mà đã biết bao nhiêu tuyệt sắc giai nhân đã từng ngây ngất, xiêu vẹo trước chàng lãng tử, hào hoa, hết mực đa tình bậc nhất Hà thành vào những năm giữa thế kỷ trước.
Những câu chuyện về  "ăn", "chơi"  và "yêu" của ông thật "ngông" đến hết mức. Không một nhà văn lãng mạn nào có thể tưởng tượng ra được và mang đậm màu sắc phiêu linh của một người mang chất "giang hồ đất Cảng" từ trong máu và chất lãng tử của người thanh niên Hà Nội.
Vào cái thời ấy mà đã có chàng trai tặng hoa hồng cho một cô gái, mỗi ngày một bông và gần 3 năm sau khi tặng đủ cô gái 1.000 bông hoa hồng thì chàng trai mới xuất hiện... thì quả là Đoàn Chuẩn đã đi đến tột đỉnh của sự lãng mạn. Làm vợ của một nhạc sĩ tài hoa và đa tình như Đoàn Chuẩn, hẳn chẳng dễ dàng gì. Nhiều bạn hữu của gia đình đều xác nhận "Đoàn Chuẩn chưa hề yêu ai dưới cái sự xinh".
Phải nói rằng, sự yêu của ông cũng kỳ lạ như thể ông sinh ra là chả phải nghĩ gì ngoài việc say đắm, ấp ủ cho men tình nồng đượm và lãng đãng mây gió... Bà Lệ Hằng giờ đã 74 tuổi vẫn lưu giữ nét đẹp diễm kiều còn phảng phất, mà khi xưa chính là ca sĩ sắc nước hương trời của Đoàn Văn công Việt Bắc. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha bật mí, bà Lệ Hằng chính là nguyên mẫu trong 6 ca khúc, bắt đầu từ ca khúc "Tà áo xanh" đến... "Vĩnh biệt".
Mối tình ngang trái, giữa người nhạc sĩ đã có vợ con đề huề và mỹ nữ Lệ Hằng đã lấy đi không ít nước mắt của cả ba người. Cuối cùng, Lệ Hằng ngậm ngùi ra đi, trong sự tan vỡ, tuyệt vọng này, nàng đã xé hết những bức thư tình nồng đượm của nhạc sĩ viết tặng được ghi thành những bản nhạc trên giấy. Chính trong lúc đau khổ, giằng xé đó, người nhạc sĩ đã cho ra ca khúc "Bài ca bị xé" và sau đổi tên thành "Vĩnh biệt".
Theo như lời nhạc sĩ Đoàn Đính con trai của cố nhạc sĩ thì rất nhiều ca sĩ tài danh trong nước và hải ngoại như NSND Lê Dung, NS Lan Hương... thể hiện ca khúc nhưng không ai hát thành công bài hát này bằng ca sĩ Ánh Tuyết. Và, khi người ca sĩ này cất tiếng hát, lời ca là người nhạc sĩ lại rưng rưng với một trạng thái bay bổng, ngơ ngẩn như đang say, như người mất đi "báu vật" với một nỗi niềm thênh thang buồn.
Để, đến nỗi, khi sắp từ giã cõi đời ông chỉ có một ao ước duy nhất là được nghe đi nghe lại bài hát này cho đến khi chìm dần vào giấc ngủ không bao giờ trở dậy. Điều mong ước ấy của ông đã được thực hiện nghiêm cẩn.
Nhưng, giai nhân cho dù là nàng thơ kiều diễm cũng không phải là mối quan tâm duy nhất của ông. Ông là một nghệ sĩ chơi đàn đầy ngẫu hứng, điêu luyện... Chính vậy, Đoàn Đính còn có người bạn tri âm, tri kỷ, không thể rời xa. Đó là cây đàn ghita Hawai. Cây đàn này cũng có một lịch sử lãng mạn.
Số là ở miền Bắc thời kỳ đó chỉ có 2 chiếc Cadilac, chủ nhân của chiếc xe là viên Thủ phủ hiến Bắc Kỳ và người thứ hai, không ai khác chính là lãng tử hào hoa Đoàn Chuẩn. Sau khi hòa bình lập lại,  Đoàn Chuẩn còn lại duy nhất một chiếc Cadilac và ông đã đổi cái xe rất đắt tiền cốt chỉ để lấy một cây đàn ghita Hawai.
Chỉ vì theo như nhạc sĩ Đoàn Đính giải thích, từng cung bậc trong đàn ghita Hawai  rất hợp với mùa thu. Giờ đây, cây đàn vẫn được nhạc sĩ Đoàn Đính trân trọng lưu giữ như kỷ vật thiêng liêng của người cha quá cố của mình. Tôi đồ rằng, cái "đáng yêu" của Đoàn Chuẩn ở ngoài đời chính là sự vô tư quá, ngơ ngác quá.
Ông cũng giống như nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng với bài "Tiếng thu" khi có người hỏi tuổi, hỏi trường lớp của con mình thì cả hai ông đều giật mình ngơ ngác! Có lẽ bao tâm can, bao sâu sắc, bao buồn thương, nồng nàn và dịu êm, ông đã neo hết vào các lời thơ, nốt nhạc. Nên ngoài đời ngơ ngác và vô tư thế chăng?!--PageBreak--
Sau này, cũng có không ít những kẻ tự cho mình là nghệ sĩ, tập tọe học đòi theo lối chơi, lối yêu của ông và rút cục đã trở thành trò cười cho thiên hạ.
Rồi tại sao âm nhạc của ông lại chỉ hai màu “xanh và tím”...?
Tại sao ông  lại ngừng sáng tác tới 31 năm?
Đó là những ẩn số mà chắc chắn không có lời giải.
Hiếm có một nhạc sĩ nào ở Việt Nam từ trước tới nay lại được người yêu nhạc đặt nhiều "dấu hỏi" đến như vậy như Đoàn Chuẩn.
Và cũng chính vì vậy mà đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh , người được mệnh danh là "vua nhạc tình". Người ta trông mong vào một đêm nhạc mà ở đó,  người nghe sẽ được “đập gương xưa tìm bóng” để cảm nhận được “hồn cốt" nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Người nghe sẽ hy vọng có một đêm nhạc thăng hoa và gợi cho mọi người trở lại với những kỷ niệm của một Hà Nội vào thu: “Vàng phai mấy lá” “Thu quyến rũ”, “Lá đổ muôn chiều”; “Gửi gió cho mây ngàn bay"... Từ trước tới nay, người ta vẫn đồn rằng mỗi bài hát, Đoàn Chuẩn viết tặng cho một người mình yêu và không ít cô đã khóc khi nghe và đinh ninh rằng bài hát, người yêu mình viết cho mình.
Trong bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”, không hiểu Đoàn Chuẩn đã xót thương cho ai đến mức mà lấy ý thơ của Vua Tự Đức tặng cho một ca nương tên là thị Bằng, hồng nhan, bạc mệnh để đưa vào bài hát của mình.  Trong bài thơ "Khóc thị Bằng", Vua Tự Đức đã có những câu xé lòng  thế này: 
“Ới thị Bằng ơi đã mất rồi
Ớ  tình, ớ nghĩa, ớ nhân ơi
Mưa hè nắng chái,
oanh ăn nói
Ngõ sớm sân trưa
liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra,
tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để
dành hơi...".
Và trong “Gửi gió cho mây ngàn bay”, Đoàn Chuẩn có những lời ca   tuyệt xướng: “...Dòng đời, thôi đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng... Nhưng, thôi tiếc mà chi... Chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần xa cách mãi...".
Người nghe cũng sẽ được thưởng thức ca khúc đầu tay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh đó là bài “Ánh trăng mùa thu”. Bài hát này, Đoàn Chuẩn sáng tác từ năm 1947, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà lại “không cất nên lời” cho đến hôm nay. Từ trước, ai cũng nghĩ bài hát “Tình nghệ sĩ” sáng tác năm 1948 là tác phẩm đầu tay của Đoàn Chuẩn. Theo nhạc sĩ Đoàn Đính, thì bài hát này không phải là bài hát được sáng tác đầu tiên.
Mà, “Ánh trăng mùa thu” là bài hát được sáng tác khi Đoàn Chuẩn ở  làng  Đống Năm huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, với lời đề tựa “Kỷ niệm những ngày ở Khuốc. Thu 1947”. Không hiểu bài hát này ông viết tặng cho một cô gái nào ở đất chèo Thái Bình. Bài hát này thật ra đã được biểu diễn từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, và đã được in thành sách từ năm 1953. Mãi sau này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, học trò của Đoàn Chuẩn đã tặng lại bản in cho gia đình.
Đã có một thời gian dài, những tác phẩm âm nhạc mang đậm chất lãng mạn phương Tây như các sáng tác của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn, Lê Thương, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... bị lùi vào góc khuất, nhường chỗ cho dòng âm nhạc cách mạng, hào hùng, sôi nổi, đem lại nhiệt huyết cho lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, hoặc "Chắc tay súng, vững tay cày", bảo vệ hậu phương...
Nhưng khi  nhiệm vụ của cuộc cách mạng đã thay đổi, thì những tác phẩm âm nhạc như của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... lại được công chúng đón nhận với một tình cảm sâu lắng. Những tác phẩm âm nhạc này đã mang lại cho người nghe một bức tranh Hà Nội vào thu bằng âm thanh và bằng những ca từ đầy lãng mạn: “Với bao tà áo xanh, đây mùa thu. Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ. Lá vàng, từng cánh, rơi từng cánh... Rơi xuống, âm thầm trên đất thu" (Gửi gió cho mây ngàn bay)
Người Hà Nội yêu nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh chắc chắn sẽ được thưởng thức một đêm nhạc mang đậm dấu ấn thu Hà Nội của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhưng cũng không ít người e ngại rằng, một vài bài hát của ông sẽ bị "phá" hỏng, sẽ mất đi cái "chất"  Đoàn Chuẩn - Từ Linh, bởi những ca sĩ có lối  phá cách, tìm tòi thể hiện cái mới  như Thanh Lam, Tùng Dương... khi hai ca sĩ này cùng song ca hai ca khúc  "Gửi người em gái miền Nam" và "Tình nghệ sĩ".
Sắp đến giờ “đập gương xưa tìm bóng" Đoàn Chuẩn rồi, chúng ta hãy... chờ!.
Trần Mỹ Hiền
Theo http://antg-sandbox.awifi.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...