Trịnh Công Sơn - chỉ cần một
cái tên, không kèm theo chức danh hay một lời chú giải nào cả, thì công chúng của
hơn hai thập niên cuối thế kỷ XX, từ già đến trẻ, từ trí thức đến người lao động
bình thường... hầu như ai cũng biết ông là ai.
Ông là ai? Giới vǎn nghệ sĩ thân ái gọi ông là: Người thơ ca (Vǎn Cao), Người
tình lãng du của nhiều thế hệ (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Thiền sư du ca (Đỗ Minh
Tuấn), Ông hoàng tình ca (Nguyễn Trọng Tạo), Thi sĩ của âm nhạc, hay Nhạc sĩ
của thi ca. Còn ông trả lời theo cách riêng: "Tôi chỉ là tên hát rong đi
qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư
ảo...".
Chẳng phải vô cớ nhiều nhà thơ đã gọi Trịnh Công Sơn là thi sĩ. Ca từ trong nhiều bài hát của ông tách rời khỏi giai điệu vẫn đẹp như một bài thơ. Riêng điều đó đã cho thấy vị trí ca từ đặc biệt đến mức nào trong nhạc Trịnh.
Nổi lên trong nội dung lời ca của Trịnh Công Sơn là các chủ đề: tình yêu - quê hương - thân phận. Ranh giới giữa các chủ đề không phải lúc nào cũng phân định rõ ràng. Trong quê hương có Em, trong tình yêu Em có tình yêu xứ sở. Trong tình yêu cho riêng Em, cũng như trong tình yêu nhân thế luôn có Tôi, gắn liền với thân phận Tôi, thân phận một đời người, và đôi khi, thân phận một đất nước.
1. Thân phận
Cái làm cho ca khúc Trịnh Công Sơn độc đáo khác thường, trước hết là nhờ nhân vật "Tôi". Cái Tôi xuyên suốt mọi chủ đề, và hình ảnh Tôi hiện lên trọn vẹn nhất trong những bài hát nói về thân phận, về kiếp luân hồi và giải thoát bản ngã.
Tôi là ai? Đã hơn một lần, nhân vật Tôi ấy lặng lẽ nhìn lại mình. Phải trả giá bằng những nǎm tháng trẻ thơ đầy ảo tưởng, "ngày nay không còn bé" tôi mới "chợt nhìn ra tôi", thấy tôi như chiếc bóng phai mờ, như vết mực nhòe, như hòn đá nặng "tình cờ rớt xuống mịt mùng", và tôi cứ "trôi trong cuộc đời... không chờ ai".
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi
(Lặng lẽ nơi này)
Hết âm thầm gõ buồn gót chân hành hương bóng đổ một mình tôi, tôi lại khép cửa quỳ bên vết thương, nhốt mình trong cǎn gác đìu hiu, soi bóng mình giữa tường trắng lạnh câm, rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình mà thốt lên: "ô hay mình vẫn cô liêu!".
Hiu quạnh, lạnh lùng, im vắng, tịch lặng, bǎng giá, xa lạ, xa vắng, lặng câm, hư vô, hun hút, lẻ loi, âm u, lạnh lẽo, bơ vơ, lạc loài... Bao nhiêu tính từ kiểu đó cứ chồng chéo, vây bủa lấy thân phận Tôi, đan kết thành một tấm lưới khổng lồ vô hình có tên là Cô đơn.
Nhiều người đã nói đến màu sắc của triết lý Phật giáo và triết học hiện sinh trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chẳng phải ông đã từng thú nhận: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình" đó sao. Nhưng đây là "một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ". Chẳng phải ông đã cho rằng: "Hiện sinh chân chính đâu phải xấu", và "bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật". Nhưng hoàn toàn không phải kiểu hiện sinh sống gấp và phản kháng bằng nổi loạn đập phá, mà là "một sự phản kháng tiềm tàng trong suy nghĩ", để được "sống bình tĩnh trong từng sát na", thức tỉnh và ơn đời.
Một phát hiện của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn gần gũi từ nhỏ của Trịnh Công Sơn: nỗi đau phận người được nhà Phật gói lại trong bốn từ "sinh - lão - bệnh - tử" đều có mặt trong lời ca của Trịnh Công Sơn.
Đúng vậy. Chẳng mấy khó khǎn để lượm nhặt đủ bốn chữ của nhà Phật trong lời ca của "vị thiền sư" này. Chữ "sinh" ẩn náu trong "cây non trên núi đầu thai", lẩn khuất trong "tiếng khóc cười của bào thai". Chữ "sinh" nằm trong hạt bụi "vươn hình hài lớn dậy", cất lên "tiếng khóc ban đầu", để báo "tin buồn mẹ cho mang nặng kiếp người".
Vừa sinh ra, con người đã lập tức khởi đầu một quá trình lão hóa. "Từng tuổi xuân đã già", để "chợt một chiều tóc trắng như vôi" và chấp nhận "có một bạc đầu tôi đi, tôi đi". Chữ "lão" chập chờn trên "lau trắng trong tay", trên "tóc người dòng sông xưa ấy đã phai". Chữ "lão" được viết trên chiếc lá thu phai, trên mặt trǎng đã già, trên cuộc đời đã phủ rêu phong.
Đời người là một nỗi đau triền miên, với những "cơn đau chưa dài" và những "cơn đau lên đầy". Những cơn đau dài, đau vùi ấy đã khắc sâu trǎm vết thương sầu cho một con tim tật nguyền, một thân thể mệt nhoài, gối chân mê mỏi. Chữ "bệnh" như ám vào tấm "thân đau muốn nằm", vào "từng chiều lên hấp hối". Dấu chấm cho một kiếp rong chơi trên cõi tạm là cái chết. Cái chết không khoác áo choàng đen, mang bộ mặt khủng bố bên lưỡi hái lạnh lùng. Với Trịnh Công Sơn, cái chết quen thuộc như một chốn trở về nghỉ ngơi sau chuyến đi hoang tạm bợ:
Tôi nay ở trọ trần gian
Trǎm nǎm về chốn xa xǎm cuối trời
(Ở trọ)
Nhiều người nhận thấy Trịnh Công Sơn hay "nói dại miệng" về chuyện "nằm xuống". Cứ như thể biết trǎm nǎm chỉ ở đậu ngàn nǎm, nên ông sốt ruột "còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây, còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này".
Luôn quan tâm đến cái ngày "thân xác không còn", chẳng phải vì chán sống, trái lại, ông "nghĩ đến cái chết nhiều là vì quá yêu cuộc sống". Mà cái chết lại rất gần gũi sự sống, ngay "trong xuân thì" ông đã thấy "bóng trǎm nǎm" rồi. Chữ "tử" cứ treo lơ lửng trong giấc ngủ, để giật mình tỉnh ra lại nói gở: "Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi chia ly cùng đời sống". ông muốn nhìn nhận cái ngày về nơi cuối trời làm mây trôi đó một cách bình tĩnh, không sợ hãi, không ân hận. Cũng tự nhiên như "lá úa trên cao rụng đầy", cái việc "cho trǎm nǎm vào chết một ngày" được đón nhận bằng một thái độ bình thản "lòng không buồn mấy", hệt như một giấc mơ "tôi thấy tôi qua đời" mà thôi.
Giải thoát khỏi nỗi sợ chết bằng cách chuẩn bị trước cho mình một cái chết nhẹ nhàng, không thắc mắc gì cả, "một cái chết như vậy cũng giống như cái sống". Để ý nghĩa sự sống vượt qua cột mốc của cái chết, để một đời người nối dài tới cõi hư vô, còn có cách gì hơn sống trọn vẹn cho hiện tại, sống với một tấm lòng. Đó chính là chữ "tâm", chữ "tình" mà Trịnh Công Sơn muốn gửi lại cho đời, muốn "trao đến muôn loài chút tình tôi".
Để đến với đời, trước hết phải biết lắng nghe. Tôi không chỉ lắng nghe tôi, nghe buồn vui trong mình, mà còn lắng nghe đất trời trở mình hú than, nghe tiếng muôn trùng, nghe im lặng của đêm ngày, của tình người, nghe đời nhấp nhô, nghe đời mênh mông.
Lắng nghe, cảm nhận, để hóa thân thành muôn loài: tôi đã biến mình thành lá cỏ hay nụ hồng, đốm lửa hay ngọn đèn, thác đổ hay mưa tan, con chim hay đứa trẻ.
Khát vọng được hòa đồng, chia sẻ với đời đã biến "em là tôi và tôi cũng là em", đã cứu rỗi tôi trong cơn tuyệt vọng. Dù cho thân phận là mong manh và sự sống là hữu hạn, tôi vẫn xin "tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai".
Cái Tôi càng hay triết lý sự đời trong những bài hát ở giai đoạn sau này. Những "lý sự" ấy vừa ngấm chất thiền, vừa quẩn quanh trong nhiều cái tiến thoái lưỡng nan, vừa rất giản đơn sau nhiều cái ngộ ra ở tuổi già, lại vừa mang nét ngộ nghĩnh bất ngờ của trẻ thơ.
Bao nhiêu nǎm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
(Một cõi đi về)
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Ta xô biển lại sóng về đâu
(Sóng đừng xô tôi)
2. Quê hương
Thực ra quê hương cũng vẫn là thân phận và tình yêu, nhưng không của một người, mà mang tính bao quát hơn: tình yêu cho nhiều người và thân phận của nhiều người - cho quê hương và của quê hương.
Tình yêu quê hương chính là tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên, đất trời. Không chỉ là người tình của con người, Trịnh Công Sơn còn tự coi mình là một "người tình của thiên nhiên". Có những tình yêu tìm thấy
Từng ngọn núi con sông ruộng vườn
Từng dòng suối con sông đầu làng
Đã mang hình bóng quê hương
...Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá
Góc phố nào cũng thấy quê nhà.
(Tình yêu tìm thấy)
Thiên nhiên gắn bó với từng buồn vui đời người. Trong cô đơn, Trịnh Công Sơn đâu chỉ có gọi em, ông còn mê mải gọi tên bốn mùa, gọi nắng, gọi mưa. Thiên nhiên bình đẳng với người trong sự sống. Nắng hờn ghen, rồi nắng chết trên sông dài. Đồi núi thắp nắng đứng ngóng, cứ nghiêng nghiêng đợi chờ cho đến lúc người về để đồi núi reo ca. Dòng sông chở hồn thương đau, chở ngày hấp hối, rồi dòng sông cũng qua đời. Mặt trời lẻ loi, cúi nhìn mây bay buồn rầu. ông đã nghe gió tự tình, gió thở dài, đã thấy từng giọt sương nhỏ nhoi mà thu nổi vào mình hết cả mênh mông, đã cảm được nỗi đau của bia đá, để hiểu rằng sỏi đá cũng cần có nhau.
Một hiện tượng thiên nhiên được thầy phủ thủy Trịnh Công Sơn thổi vào nhiều hồn người nhất, đó là mưa. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, mưa là một hình tượng sống, có màu sắc, có linh hồn. Mưa rớt trong lòng người, đem cả lòng người ra "cô đơn dệt hè phố" rồi "rưng rức khóc bên đường". Mưa thì thầm, lạnh lùng, lặng lẽ. Mưa thưa tựa áo trời, mà có khi lại mang sức mạnh hủy diệt để nhận chìm cả ngàn nǎm trước và ngàn nǎm sau, khiến cho đất phải trở mình và đời hóa thành biển động. Mưa rơi, mưa bay, mưa ru trong rất nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn, vì mưa chính là một biểu tượng của Huế. Cùng với những hình ảnh dòng sông, thành cổ, lǎng miếu, khói sương và những dáng gầy mong manh, mưa đã làm nên một không gian rất Huế, để khỏi cần nhắc đến Huế dù chỉ một lần, mà người nghe vẫn nhận ra chất Huế mặn mà trong Trịnh Công Sơn.
Trong những bài hát về chiến tranh, hình ảnh quê hương bị mất hết vẻ lung linh thơ mộng. Quê hương đắm chìm trong tiếng nổ: tiếng nổ nghe quen như câu dạo buồn, đại bác ru đêm thay tiếng mẹ ru, người già co ro buồn nghe bom nổ, trẻ con quên lớn để từng đêm nghe ngóng. Quê hương phủ một màu tang tóc: người con gái chưa từng hát ca dao một lần đã thành kẻ mất trí lên đồi cao hát trên những xác người, người mẹ mê sảng hò ơ ru con, đứa con đã ngủ vĩnh viễn trong tuổi đôi mươi.
Chiến tranh đem đến những câu chuyện ngụ ngôn lạnh lùng:
Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan
(Ngụ ngôn mùa đông)
Cái chết tự nhiên của một kiếp người không đáng sợ. Nhưng cái chết nhan nhản khắp mọi nơi trong chiến tranh sao mà hãi hùng và oan nghiệt đến thế: chết vội vàng, chết vô tình, chết lạnh lùng, chết nghẹn ngào, chết cong queo.
Trong chiến tranh, tình yêu quê hương, tình yêu con người càng sâu nặng, khát khao hòa bình càng cháy bỏng. Từ trong đau thương mất mát, cái nhìn nhân bản của Trịnh Công Sơn đã vượt qua tất cả, thời gian, khoảng cách, hận thù, để thấy một ngày tương lai người Việt gần nhau trong tiếng nói da vàng, cùng nhau đi khâu vá non sông Việt Nam, để mỗi con người đều được yêu được sống trọn vẹn một vòng Sinh Tử.
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi vòng tay lớn mãi cho hết sơn hà
Mặt đất nguy nga anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Tử Sinh
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
(Nối vòng tay lớn)
3. Tình yêu Bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng những tình khúc, Trịnh Công Sơn đã gặt hái nhiều thành công từ những bài hát về những mối tình không thành công, gần như đơn phương của mình. Như có lần ông đã thổ lộ: "Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, sương khói, hoàn toàn không có gì cụ thể". Yêu thầm một mái tóc, một dáng hình, để khi từng mối tình khói mây ấy "bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" thì cuối cùng ở lại chỉ còn một nỗi đau rất thật.
Bởi vậy, hình tượng người tình của Trịnh Công Sơn thật đẹp và buồn, thật mảnh mai và xanh xao: xanh mướt hồng nhan, gầy yếu hư hao, mình hạc xương mai, nụ cười mong manh, mướt xanh như ngọc. Nếu thiên nhiên luôn mang tình người, thì người tình luôn được đối chiếu với vạn vật: đôi môi lửa cháy, mi cong cỏ mượt, tay xanh ngà ngọc, đôi vai lụa mát, da thơm quả ngọt, và: từng phiến mây hồng em mang trên vai, thân mong manh như lau sậy, như hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa. Cứ thế, chân dung Em được vẽ bằng cả đất trời: nắng gió mây mưa...
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi.
(Như cánh vạc bay)
Đôi vai thon, gầy, ướt, mềm... lại phải gánh cả không gian - "biển rộng hai vai", cả thời gian - "chở chiều trên vai", "một ngày trên vai". Em đi vào đời người, tình người bằng những gót nhỏ, gót hồng, bằng những bước chân nhè nhẹ, âm thầm, mềm mại.
Đã có tóc dài, bồng, xanh, mây, buông lơi..., em còn mang "tóc gầy" và "tóc buồn". Em càng đẹp, buồn và hư ảo với những mắt biếc, mắt sâu, mắt xanh xao, mắt cười mênh mông, với những môi thơm, môi mềm, môi hồng đỏ, hồng đào, hồng vừa, hồng nhạt và hồng "như lá hư không".
Hơn tất cả mọi vai tóc mắt môi..., ấy là tay! Những ngón tay mǎng mềm, gầy, muốt dài, biết ưu phiền và nuối tiếc, biết ngóng đợi rồi lãng quên. Tay em vừa hiền vừa ác, vừa xây vừa phá, "kết nụ nuôi trọn một đời" hay "dựng đời bão lên làm từng vết thương" cũng từ một "tay em" mà ra.
Cho nên, em yếu mềm, dịu dàng thật đấy, mà "một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn, từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên". Em chẳng an phận một chiều trong mắt Tôi, khiến Tôi "nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ".
Khắc khoải với Tình nhớ, Tình xa, Tình sầu, Trịnh Công Sơn đưa ra hàng loạt "định nghĩa" về tình bằng những hình ảnh so sánh rất Trịnh Công Sơn, thực thực - ảo ảo: tình vừa mong manh như nắng, lại có sức tàn phá như cơn bão đi qua địa cầu, tình lên cao vút như chim xa lìa bầy, rồi lại chìm mau như bóng chim cuối đèo.
Tình yêu của Trịnh Công Sơn, cũng giống như hình ảnh người con gái của lòng ông, đẹp và buồn. Một vẻ đẹp mong manh, dễ vỡ và một nỗi buồn lặng lẽ, rất đỗi dịu dàng. Thêm một khía cạnh nữa cho bức chân dung Tôi: rất chân thành, tận tụy và bao dung trong tình yêu. Một người đã từng vài lần ru đời, vừa rơi lệ ru người vừa ngậm ngùi tự ru, thì nhất định phải để dành nhiều lời ca nhất để ru tình, ru em. Một người sẵn lòng làm tất cả, làm hạt mưa giọt sương hay cụm mây ngọn gió, làm cây đèn giọt mực hay giấc mộng nụ cười, cốt để được thấy em yêu đời. Tôi xin làm quán trọ, buồn chân em ghé chơi
...Tôi xin làm đá cuội và lǎn theo gót hài
(Biết đâu nguồn cội)
Ngay cả khi bị em phụ rẫy vẫn một mực "yêu em yêu thêm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ". Dù em đã để lại một vết thương cho riêng một người, thì người ấy vẫn cứ dịu dàng mà "xin cho bốn mùa đất trời lặng gió, đường trần em đi hoa vàng mấy độ".
Tấm lòng là một nét đẹp trong tình ca Trịnh Công Sơn. Cái đẹp còn được tạo bởi một yếu tố khác: chất thơ. Nếu trong chủ đề thân phận trĩu nặng tính triết lý, thì không đâu trong ca khúc Trịnh Công Sơn lại đậm đặc chất thơ như trong chủ đề tình yêu.
Chất thơ đầy ắp trong cảnh, trong tình. Nhờ con mắt thi sĩ - họa sĩ, Trịnh Công Sơn đã nắm bắt được những gam màu lạ lùng: màu mắt em "lung linh nắng thủy tinh vàng" và màu áo trắng "trong như ánh sao bǎng", màu "chiều tím loang vỉa hè" và "vàng chiều ngơ ngác giǎng lên nhịp cầu", màu "thành phố mắt đêm đèn vàng" và "tiếng hát xanh xao của một buổi chiều"... ông đã thấy "chiều đã đi vào vườn mắt em... ngàn cây thắp nến lên hai hàng", thấy em "chở chiều trên vai, ngậm buồn trên môi" và thấy người phu quét lá bên đường đã quét cả nắng vàng mùa thu, quét cả gió nồm mùa đông, quét cả nắng hồng mùa hạ để góp lá cho mùa xuân.
Trong mắt ông, bao nhiêu cảnh bình thường bỗng hóa ra khác thường, đầy biểu cảm:
Một chiều xa đã bay về gần
Rơi trên sông rơi sau bờ thành
Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn em áo lụa thinh không
Mặt trời như trái cây tuyệt vọng...
(Níu tay nghìn trùng)
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng
Xóa một ngày đìu hiu
(Tình nhớ)
Thương ai về ngõ tối
Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói
Ngập ngừng lá hôn vai
(Thương một người)
Trịnh Công Sơn tả tình, tả tâm trạng với cách riêng. Dân gian có "quen hơi bén tiếng", Trịnh Công Sơn viết "thương áo quen hơi", để lúc rời nhau "hồn mình như vá khâu". Ví tình như chiếc áo rồi, thì ngại gì mà không đem "treo tình trên chiếc đinh không, phơi tình cho nắng khô mau". Chẳng những "lòng ta trǎm con hạc gày vút bay", mà cả nụ cười cũng "vội cất cánh bay" luôn.
Cách dùng từ, ghép từ độc đáo đã biến cái thực thành không thực, và ngược lại, cái trừu tượng, cái không thể sờ nắm được lại có cơ hội hiện hữu bằng chất liệu thật - thật mà rất thơ. Nắng trở nên lung linh, lấp lánh hơn khi được nương nhờ vào vật chất để thành "nắng thủy tinh". Cách nói thông thường, kiểu như: sống quá nửa đời người, rõ ràng không ấn tượng bằng biến đời thành đá để có thể diễn tả như Trịnh Công Sơn: "Ta lǎn đời đã quá".
Không biết có phải vì muốn phá vỡ tính cân bằng, đối xứng, vì luôn cảm nhận được sự chông chênh trong lòng, bấp bênh trong đời và bất định trong tình, nên ông thích xoay nghiêng nhiều thứ: "nghiêng tay, nghiêng vai, nghiêng đầu, nghiêng sầu, nghiêng tình" rồi hỏi: "Này nhân gian có nghe đời nghiêng?". Sức tưởng tượng bay bổng được kết hợp với tính linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ đã làm cho lời ca của Trịnh Công Sơn "chẳng giống ai", đẹp, lạ, và đôi khi ngữ nghĩa cứ chờn vờn, không dễ nắm bắt. Vẻ mơ hồ, trừu tượng ấy góp phần không nhỏ làm nên nét độc đáo trong ca từ của ông. ông đưa ra nhiều cụm từ thật ấn tượng: "vết lǎn trầm, vòng tiều tụy, bờ mộng mị, vùng ǎn nǎn". Đôi chỗ tính từ đại diện luôn cho danh từ vắng mặt, càng tǎng thêm vẻ bí ẩn, "vô thường" cho đối tượng được ám chỉ: yêu dấu tan theo, nghe những tàn phai, ôm lấy mịt mùng, cười với âm u. Sự bí ẩn còn tạo bởi cách diễn đạt cầu kỳ: "Xin vỗ tay cho đều, môi người thôi những âm ba", và những hình ảnh "kinh dị": loài sâu ngủ quên trong tóc chiều, rồi lại hát lên khúc ca cuối cùng trong vùng u tối nào đó, đến nửa đêm thì quên hết ưu phiền "để người về hát đêm hồng địa đàng còn in dấu chân quên".
Sự bí ẩn nhiều khi chỉ để cảm nhận, chứ không thể, hay không cần giải mã cụ thể, cặn kẽ. Dù không phải tất cả lời ca đều dễ hiểu với bất cứ ai, vậy mà người ta vẫn cứ nghe, vẫn cứ cảm, vẫn mê say ca khúc Trịnh Công Sơn. Với ông, thế là đủ, bởi điều quan trọng nhất trong nghệ thuật là "làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm".
Bằng lời ca đầy chất thơ và tính nhân bản, bằng nét nhạc trữ tình mềm mại, không cầu kỳ, vừa gần gũi với tai người Việt, vừa có cái duyên riêng, ca khúc Trịnh Công Sơn dễ ngấm đọng trong lòng người. Người nghe không chỉ thưởng thức, mà đôi khi còn cảm thấy như chính lòng mình đang được hát lên, và những cảm xúc trong cõi riêng của mình đang được giãi bày... Trịnh Công Sơn đã và sẽ nói hộ cho nhiều người, nhiều thế hệ. Đúng như linh cảm của ông: "Tôi mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. ở lại như một chứng tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của một cõi người", và "đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình".
Và sẽ không quá nếu nói rằng lời ca độc đáo, vừa "thiền" vừa thơ góp phần quyết định để làm nên một tên tuổi Trịnh Công Sơn.
Chẳng phải vô cớ nhiều nhà thơ đã gọi Trịnh Công Sơn là thi sĩ. Ca từ trong nhiều bài hát của ông tách rời khỏi giai điệu vẫn đẹp như một bài thơ. Riêng điều đó đã cho thấy vị trí ca từ đặc biệt đến mức nào trong nhạc Trịnh.
Nổi lên trong nội dung lời ca của Trịnh Công Sơn là các chủ đề: tình yêu - quê hương - thân phận. Ranh giới giữa các chủ đề không phải lúc nào cũng phân định rõ ràng. Trong quê hương có Em, trong tình yêu Em có tình yêu xứ sở. Trong tình yêu cho riêng Em, cũng như trong tình yêu nhân thế luôn có Tôi, gắn liền với thân phận Tôi, thân phận một đời người, và đôi khi, thân phận một đất nước.
1. Thân phận
Cái làm cho ca khúc Trịnh Công Sơn độc đáo khác thường, trước hết là nhờ nhân vật "Tôi". Cái Tôi xuyên suốt mọi chủ đề, và hình ảnh Tôi hiện lên trọn vẹn nhất trong những bài hát nói về thân phận, về kiếp luân hồi và giải thoát bản ngã.
Tôi là ai? Đã hơn một lần, nhân vật Tôi ấy lặng lẽ nhìn lại mình. Phải trả giá bằng những nǎm tháng trẻ thơ đầy ảo tưởng, "ngày nay không còn bé" tôi mới "chợt nhìn ra tôi", thấy tôi như chiếc bóng phai mờ, như vết mực nhòe, như hòn đá nặng "tình cờ rớt xuống mịt mùng", và tôi cứ "trôi trong cuộc đời... không chờ ai".
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi
(Lặng lẽ nơi này)
Hết âm thầm gõ buồn gót chân hành hương bóng đổ một mình tôi, tôi lại khép cửa quỳ bên vết thương, nhốt mình trong cǎn gác đìu hiu, soi bóng mình giữa tường trắng lạnh câm, rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình mà thốt lên: "ô hay mình vẫn cô liêu!".
Hiu quạnh, lạnh lùng, im vắng, tịch lặng, bǎng giá, xa lạ, xa vắng, lặng câm, hư vô, hun hút, lẻ loi, âm u, lạnh lẽo, bơ vơ, lạc loài... Bao nhiêu tính từ kiểu đó cứ chồng chéo, vây bủa lấy thân phận Tôi, đan kết thành một tấm lưới khổng lồ vô hình có tên là Cô đơn.
Nhiều người đã nói đến màu sắc của triết lý Phật giáo và triết học hiện sinh trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chẳng phải ông đã từng thú nhận: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình" đó sao. Nhưng đây là "một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ". Chẳng phải ông đã cho rằng: "Hiện sinh chân chính đâu phải xấu", và "bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật". Nhưng hoàn toàn không phải kiểu hiện sinh sống gấp và phản kháng bằng nổi loạn đập phá, mà là "một sự phản kháng tiềm tàng trong suy nghĩ", để được "sống bình tĩnh trong từng sát na", thức tỉnh và ơn đời.
Một phát hiện của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn gần gũi từ nhỏ của Trịnh Công Sơn: nỗi đau phận người được nhà Phật gói lại trong bốn từ "sinh - lão - bệnh - tử" đều có mặt trong lời ca của Trịnh Công Sơn.
Đúng vậy. Chẳng mấy khó khǎn để lượm nhặt đủ bốn chữ của nhà Phật trong lời ca của "vị thiền sư" này. Chữ "sinh" ẩn náu trong "cây non trên núi đầu thai", lẩn khuất trong "tiếng khóc cười của bào thai". Chữ "sinh" nằm trong hạt bụi "vươn hình hài lớn dậy", cất lên "tiếng khóc ban đầu", để báo "tin buồn mẹ cho mang nặng kiếp người".
Vừa sinh ra, con người đã lập tức khởi đầu một quá trình lão hóa. "Từng tuổi xuân đã già", để "chợt một chiều tóc trắng như vôi" và chấp nhận "có một bạc đầu tôi đi, tôi đi". Chữ "lão" chập chờn trên "lau trắng trong tay", trên "tóc người dòng sông xưa ấy đã phai". Chữ "lão" được viết trên chiếc lá thu phai, trên mặt trǎng đã già, trên cuộc đời đã phủ rêu phong.
Đời người là một nỗi đau triền miên, với những "cơn đau chưa dài" và những "cơn đau lên đầy". Những cơn đau dài, đau vùi ấy đã khắc sâu trǎm vết thương sầu cho một con tim tật nguyền, một thân thể mệt nhoài, gối chân mê mỏi. Chữ "bệnh" như ám vào tấm "thân đau muốn nằm", vào "từng chiều lên hấp hối". Dấu chấm cho một kiếp rong chơi trên cõi tạm là cái chết. Cái chết không khoác áo choàng đen, mang bộ mặt khủng bố bên lưỡi hái lạnh lùng. Với Trịnh Công Sơn, cái chết quen thuộc như một chốn trở về nghỉ ngơi sau chuyến đi hoang tạm bợ:
Tôi nay ở trọ trần gian
Trǎm nǎm về chốn xa xǎm cuối trời
(Ở trọ)
Nhiều người nhận thấy Trịnh Công Sơn hay "nói dại miệng" về chuyện "nằm xuống". Cứ như thể biết trǎm nǎm chỉ ở đậu ngàn nǎm, nên ông sốt ruột "còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây, còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này".
Luôn quan tâm đến cái ngày "thân xác không còn", chẳng phải vì chán sống, trái lại, ông "nghĩ đến cái chết nhiều là vì quá yêu cuộc sống". Mà cái chết lại rất gần gũi sự sống, ngay "trong xuân thì" ông đã thấy "bóng trǎm nǎm" rồi. Chữ "tử" cứ treo lơ lửng trong giấc ngủ, để giật mình tỉnh ra lại nói gở: "Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi chia ly cùng đời sống". ông muốn nhìn nhận cái ngày về nơi cuối trời làm mây trôi đó một cách bình tĩnh, không sợ hãi, không ân hận. Cũng tự nhiên như "lá úa trên cao rụng đầy", cái việc "cho trǎm nǎm vào chết một ngày" được đón nhận bằng một thái độ bình thản "lòng không buồn mấy", hệt như một giấc mơ "tôi thấy tôi qua đời" mà thôi.
Giải thoát khỏi nỗi sợ chết bằng cách chuẩn bị trước cho mình một cái chết nhẹ nhàng, không thắc mắc gì cả, "một cái chết như vậy cũng giống như cái sống". Để ý nghĩa sự sống vượt qua cột mốc của cái chết, để một đời người nối dài tới cõi hư vô, còn có cách gì hơn sống trọn vẹn cho hiện tại, sống với một tấm lòng. Đó chính là chữ "tâm", chữ "tình" mà Trịnh Công Sơn muốn gửi lại cho đời, muốn "trao đến muôn loài chút tình tôi".
Để đến với đời, trước hết phải biết lắng nghe. Tôi không chỉ lắng nghe tôi, nghe buồn vui trong mình, mà còn lắng nghe đất trời trở mình hú than, nghe tiếng muôn trùng, nghe im lặng của đêm ngày, của tình người, nghe đời nhấp nhô, nghe đời mênh mông.
Lắng nghe, cảm nhận, để hóa thân thành muôn loài: tôi đã biến mình thành lá cỏ hay nụ hồng, đốm lửa hay ngọn đèn, thác đổ hay mưa tan, con chim hay đứa trẻ.
Khát vọng được hòa đồng, chia sẻ với đời đã biến "em là tôi và tôi cũng là em", đã cứu rỗi tôi trong cơn tuyệt vọng. Dù cho thân phận là mong manh và sự sống là hữu hạn, tôi vẫn xin "tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai".
Cái Tôi càng hay triết lý sự đời trong những bài hát ở giai đoạn sau này. Những "lý sự" ấy vừa ngấm chất thiền, vừa quẩn quanh trong nhiều cái tiến thoái lưỡng nan, vừa rất giản đơn sau nhiều cái ngộ ra ở tuổi già, lại vừa mang nét ngộ nghĩnh bất ngờ của trẻ thơ.
Bao nhiêu nǎm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
(Một cõi đi về)
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Ta xô biển lại sóng về đâu
(Sóng đừng xô tôi)
2. Quê hương
Thực ra quê hương cũng vẫn là thân phận và tình yêu, nhưng không của một người, mà mang tính bao quát hơn: tình yêu cho nhiều người và thân phận của nhiều người - cho quê hương và của quê hương.
Tình yêu quê hương chính là tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên, đất trời. Không chỉ là người tình của con người, Trịnh Công Sơn còn tự coi mình là một "người tình của thiên nhiên". Có những tình yêu tìm thấy
Từng ngọn núi con sông ruộng vườn
Từng dòng suối con sông đầu làng
Đã mang hình bóng quê hương
...Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá
Góc phố nào cũng thấy quê nhà.
(Tình yêu tìm thấy)
Thiên nhiên gắn bó với từng buồn vui đời người. Trong cô đơn, Trịnh Công Sơn đâu chỉ có gọi em, ông còn mê mải gọi tên bốn mùa, gọi nắng, gọi mưa. Thiên nhiên bình đẳng với người trong sự sống. Nắng hờn ghen, rồi nắng chết trên sông dài. Đồi núi thắp nắng đứng ngóng, cứ nghiêng nghiêng đợi chờ cho đến lúc người về để đồi núi reo ca. Dòng sông chở hồn thương đau, chở ngày hấp hối, rồi dòng sông cũng qua đời. Mặt trời lẻ loi, cúi nhìn mây bay buồn rầu. ông đã nghe gió tự tình, gió thở dài, đã thấy từng giọt sương nhỏ nhoi mà thu nổi vào mình hết cả mênh mông, đã cảm được nỗi đau của bia đá, để hiểu rằng sỏi đá cũng cần có nhau.
Một hiện tượng thiên nhiên được thầy phủ thủy Trịnh Công Sơn thổi vào nhiều hồn người nhất, đó là mưa. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, mưa là một hình tượng sống, có màu sắc, có linh hồn. Mưa rớt trong lòng người, đem cả lòng người ra "cô đơn dệt hè phố" rồi "rưng rức khóc bên đường". Mưa thì thầm, lạnh lùng, lặng lẽ. Mưa thưa tựa áo trời, mà có khi lại mang sức mạnh hủy diệt để nhận chìm cả ngàn nǎm trước và ngàn nǎm sau, khiến cho đất phải trở mình và đời hóa thành biển động. Mưa rơi, mưa bay, mưa ru trong rất nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn, vì mưa chính là một biểu tượng của Huế. Cùng với những hình ảnh dòng sông, thành cổ, lǎng miếu, khói sương và những dáng gầy mong manh, mưa đã làm nên một không gian rất Huế, để khỏi cần nhắc đến Huế dù chỉ một lần, mà người nghe vẫn nhận ra chất Huế mặn mà trong Trịnh Công Sơn.
Trong những bài hát về chiến tranh, hình ảnh quê hương bị mất hết vẻ lung linh thơ mộng. Quê hương đắm chìm trong tiếng nổ: tiếng nổ nghe quen như câu dạo buồn, đại bác ru đêm thay tiếng mẹ ru, người già co ro buồn nghe bom nổ, trẻ con quên lớn để từng đêm nghe ngóng. Quê hương phủ một màu tang tóc: người con gái chưa từng hát ca dao một lần đã thành kẻ mất trí lên đồi cao hát trên những xác người, người mẹ mê sảng hò ơ ru con, đứa con đã ngủ vĩnh viễn trong tuổi đôi mươi.
Chiến tranh đem đến những câu chuyện ngụ ngôn lạnh lùng:
Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan
(Ngụ ngôn mùa đông)
Cái chết tự nhiên của một kiếp người không đáng sợ. Nhưng cái chết nhan nhản khắp mọi nơi trong chiến tranh sao mà hãi hùng và oan nghiệt đến thế: chết vội vàng, chết vô tình, chết lạnh lùng, chết nghẹn ngào, chết cong queo.
Trong chiến tranh, tình yêu quê hương, tình yêu con người càng sâu nặng, khát khao hòa bình càng cháy bỏng. Từ trong đau thương mất mát, cái nhìn nhân bản của Trịnh Công Sơn đã vượt qua tất cả, thời gian, khoảng cách, hận thù, để thấy một ngày tương lai người Việt gần nhau trong tiếng nói da vàng, cùng nhau đi khâu vá non sông Việt Nam, để mỗi con người đều được yêu được sống trọn vẹn một vòng Sinh Tử.
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi vòng tay lớn mãi cho hết sơn hà
Mặt đất nguy nga anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Tử Sinh
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
(Nối vòng tay lớn)
3. Tình yêu Bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng những tình khúc, Trịnh Công Sơn đã gặt hái nhiều thành công từ những bài hát về những mối tình không thành công, gần như đơn phương của mình. Như có lần ông đã thổ lộ: "Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, sương khói, hoàn toàn không có gì cụ thể". Yêu thầm một mái tóc, một dáng hình, để khi từng mối tình khói mây ấy "bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" thì cuối cùng ở lại chỉ còn một nỗi đau rất thật.
Bởi vậy, hình tượng người tình của Trịnh Công Sơn thật đẹp và buồn, thật mảnh mai và xanh xao: xanh mướt hồng nhan, gầy yếu hư hao, mình hạc xương mai, nụ cười mong manh, mướt xanh như ngọc. Nếu thiên nhiên luôn mang tình người, thì người tình luôn được đối chiếu với vạn vật: đôi môi lửa cháy, mi cong cỏ mượt, tay xanh ngà ngọc, đôi vai lụa mát, da thơm quả ngọt, và: từng phiến mây hồng em mang trên vai, thân mong manh như lau sậy, như hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa. Cứ thế, chân dung Em được vẽ bằng cả đất trời: nắng gió mây mưa...
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi.
(Như cánh vạc bay)
Đôi vai thon, gầy, ướt, mềm... lại phải gánh cả không gian - "biển rộng hai vai", cả thời gian - "chở chiều trên vai", "một ngày trên vai". Em đi vào đời người, tình người bằng những gót nhỏ, gót hồng, bằng những bước chân nhè nhẹ, âm thầm, mềm mại.
Đã có tóc dài, bồng, xanh, mây, buông lơi..., em còn mang "tóc gầy" và "tóc buồn". Em càng đẹp, buồn và hư ảo với những mắt biếc, mắt sâu, mắt xanh xao, mắt cười mênh mông, với những môi thơm, môi mềm, môi hồng đỏ, hồng đào, hồng vừa, hồng nhạt và hồng "như lá hư không".
Hơn tất cả mọi vai tóc mắt môi..., ấy là tay! Những ngón tay mǎng mềm, gầy, muốt dài, biết ưu phiền và nuối tiếc, biết ngóng đợi rồi lãng quên. Tay em vừa hiền vừa ác, vừa xây vừa phá, "kết nụ nuôi trọn một đời" hay "dựng đời bão lên làm từng vết thương" cũng từ một "tay em" mà ra.
Cho nên, em yếu mềm, dịu dàng thật đấy, mà "một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn, từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên". Em chẳng an phận một chiều trong mắt Tôi, khiến Tôi "nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ".
Khắc khoải với Tình nhớ, Tình xa, Tình sầu, Trịnh Công Sơn đưa ra hàng loạt "định nghĩa" về tình bằng những hình ảnh so sánh rất Trịnh Công Sơn, thực thực - ảo ảo: tình vừa mong manh như nắng, lại có sức tàn phá như cơn bão đi qua địa cầu, tình lên cao vút như chim xa lìa bầy, rồi lại chìm mau như bóng chim cuối đèo.
Tình yêu của Trịnh Công Sơn, cũng giống như hình ảnh người con gái của lòng ông, đẹp và buồn. Một vẻ đẹp mong manh, dễ vỡ và một nỗi buồn lặng lẽ, rất đỗi dịu dàng. Thêm một khía cạnh nữa cho bức chân dung Tôi: rất chân thành, tận tụy và bao dung trong tình yêu. Một người đã từng vài lần ru đời, vừa rơi lệ ru người vừa ngậm ngùi tự ru, thì nhất định phải để dành nhiều lời ca nhất để ru tình, ru em. Một người sẵn lòng làm tất cả, làm hạt mưa giọt sương hay cụm mây ngọn gió, làm cây đèn giọt mực hay giấc mộng nụ cười, cốt để được thấy em yêu đời. Tôi xin làm quán trọ, buồn chân em ghé chơi
...Tôi xin làm đá cuội và lǎn theo gót hài
(Biết đâu nguồn cội)
Ngay cả khi bị em phụ rẫy vẫn một mực "yêu em yêu thêm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ". Dù em đã để lại một vết thương cho riêng một người, thì người ấy vẫn cứ dịu dàng mà "xin cho bốn mùa đất trời lặng gió, đường trần em đi hoa vàng mấy độ".
Tấm lòng là một nét đẹp trong tình ca Trịnh Công Sơn. Cái đẹp còn được tạo bởi một yếu tố khác: chất thơ. Nếu trong chủ đề thân phận trĩu nặng tính triết lý, thì không đâu trong ca khúc Trịnh Công Sơn lại đậm đặc chất thơ như trong chủ đề tình yêu.
Chất thơ đầy ắp trong cảnh, trong tình. Nhờ con mắt thi sĩ - họa sĩ, Trịnh Công Sơn đã nắm bắt được những gam màu lạ lùng: màu mắt em "lung linh nắng thủy tinh vàng" và màu áo trắng "trong như ánh sao bǎng", màu "chiều tím loang vỉa hè" và "vàng chiều ngơ ngác giǎng lên nhịp cầu", màu "thành phố mắt đêm đèn vàng" và "tiếng hát xanh xao của một buổi chiều"... ông đã thấy "chiều đã đi vào vườn mắt em... ngàn cây thắp nến lên hai hàng", thấy em "chở chiều trên vai, ngậm buồn trên môi" và thấy người phu quét lá bên đường đã quét cả nắng vàng mùa thu, quét cả gió nồm mùa đông, quét cả nắng hồng mùa hạ để góp lá cho mùa xuân.
Trong mắt ông, bao nhiêu cảnh bình thường bỗng hóa ra khác thường, đầy biểu cảm:
Một chiều xa đã bay về gần
Rơi trên sông rơi sau bờ thành
Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn em áo lụa thinh không
Mặt trời như trái cây tuyệt vọng...
(Níu tay nghìn trùng)
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng
Xóa một ngày đìu hiu
(Tình nhớ)
Thương ai về ngõ tối
Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói
Ngập ngừng lá hôn vai
(Thương một người)
Trịnh Công Sơn tả tình, tả tâm trạng với cách riêng. Dân gian có "quen hơi bén tiếng", Trịnh Công Sơn viết "thương áo quen hơi", để lúc rời nhau "hồn mình như vá khâu". Ví tình như chiếc áo rồi, thì ngại gì mà không đem "treo tình trên chiếc đinh không, phơi tình cho nắng khô mau". Chẳng những "lòng ta trǎm con hạc gày vút bay", mà cả nụ cười cũng "vội cất cánh bay" luôn.
Cách dùng từ, ghép từ độc đáo đã biến cái thực thành không thực, và ngược lại, cái trừu tượng, cái không thể sờ nắm được lại có cơ hội hiện hữu bằng chất liệu thật - thật mà rất thơ. Nắng trở nên lung linh, lấp lánh hơn khi được nương nhờ vào vật chất để thành "nắng thủy tinh". Cách nói thông thường, kiểu như: sống quá nửa đời người, rõ ràng không ấn tượng bằng biến đời thành đá để có thể diễn tả như Trịnh Công Sơn: "Ta lǎn đời đã quá".
Không biết có phải vì muốn phá vỡ tính cân bằng, đối xứng, vì luôn cảm nhận được sự chông chênh trong lòng, bấp bênh trong đời và bất định trong tình, nên ông thích xoay nghiêng nhiều thứ: "nghiêng tay, nghiêng vai, nghiêng đầu, nghiêng sầu, nghiêng tình" rồi hỏi: "Này nhân gian có nghe đời nghiêng?". Sức tưởng tượng bay bổng được kết hợp với tính linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ đã làm cho lời ca của Trịnh Công Sơn "chẳng giống ai", đẹp, lạ, và đôi khi ngữ nghĩa cứ chờn vờn, không dễ nắm bắt. Vẻ mơ hồ, trừu tượng ấy góp phần không nhỏ làm nên nét độc đáo trong ca từ của ông. ông đưa ra nhiều cụm từ thật ấn tượng: "vết lǎn trầm, vòng tiều tụy, bờ mộng mị, vùng ǎn nǎn". Đôi chỗ tính từ đại diện luôn cho danh từ vắng mặt, càng tǎng thêm vẻ bí ẩn, "vô thường" cho đối tượng được ám chỉ: yêu dấu tan theo, nghe những tàn phai, ôm lấy mịt mùng, cười với âm u. Sự bí ẩn còn tạo bởi cách diễn đạt cầu kỳ: "Xin vỗ tay cho đều, môi người thôi những âm ba", và những hình ảnh "kinh dị": loài sâu ngủ quên trong tóc chiều, rồi lại hát lên khúc ca cuối cùng trong vùng u tối nào đó, đến nửa đêm thì quên hết ưu phiền "để người về hát đêm hồng địa đàng còn in dấu chân quên".
Sự bí ẩn nhiều khi chỉ để cảm nhận, chứ không thể, hay không cần giải mã cụ thể, cặn kẽ. Dù không phải tất cả lời ca đều dễ hiểu với bất cứ ai, vậy mà người ta vẫn cứ nghe, vẫn cứ cảm, vẫn mê say ca khúc Trịnh Công Sơn. Với ông, thế là đủ, bởi điều quan trọng nhất trong nghệ thuật là "làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm".
Bằng lời ca đầy chất thơ và tính nhân bản, bằng nét nhạc trữ tình mềm mại, không cầu kỳ, vừa gần gũi với tai người Việt, vừa có cái duyên riêng, ca khúc Trịnh Công Sơn dễ ngấm đọng trong lòng người. Người nghe không chỉ thưởng thức, mà đôi khi còn cảm thấy như chính lòng mình đang được hát lên, và những cảm xúc trong cõi riêng của mình đang được giãi bày... Trịnh Công Sơn đã và sẽ nói hộ cho nhiều người, nhiều thế hệ. Đúng như linh cảm của ông: "Tôi mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. ở lại như một chứng tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của một cõi người", và "đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình".
Và sẽ không quá nếu nói rằng lời ca độc đáo, vừa "thiền" vừa thơ góp phần quyết định để làm nên một tên tuổi Trịnh Công Sơn.
Nguyễn Thị Minh Châu
Theo http://216.119.90.158/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét