Tôi có cơ may quen biết nữ sỹ
Hiền Phương đã từ lâu. Chị là bạn đồng niên lại cùng vào Hội Nhà văn một năm với
tôi. Nhớ mãi cái ngày gặp mặt tân hội viên phía Nam tổ chức trang trọng tại
khách sạn Sài Gòn vào đầu xuân năm 1997. Nhà thơ Nguyễn Duy thay mặt Ban tổ chức
xướng danh sách lên, lúc đầu gọi chúng tôi là “ông”, “bà”, sau thấy “nghiêm”
quá, cũng không mấy thích hợp, anh liền chuyển sang gọi thẳng là “nhà văn”,
“nhà phê bình”. Nghe thấy vui vui, cử tọa tự nhiên cùng phá lên cười. Trong tiếng
cười “cộng đồng” ngày ấy, tôi vẫn như còn nghe rõ giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm của Hiền
Phương. Lúc đầu, quả thực tôi không hề biết chị là ái nữ của nhà văn Hoàng Yến
đâu. Vài ba năm sau, nhân một cuộc gặp mặt thân mật giữa những người viết với
nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh có mặt Hiền Phương, một bạn văn ngồi cạnh, thầm
thì vào tai tôi với một giọng điệu vừa trang nghiêm vừa bí ẩn: “Con nhà văn
Hoàng Yến đấy!”. Thế là tôi chủ động gặp chị, muốn biết thêm về thân phụ của chị,
nhất là sự nghiệp văn chương không ít trầm luân của ông. Cánh đây chừng ba năm, chị
đề tặng tôi Bộ “Hoàng Yến - Tuyển tập” (*) gồm ba cuốn, ngót 1400
trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Có được những tư liệu văn
chương quý giá này, với tôi, có thể xem như một cái duyên nghề nghiệp hiếm hoi.
Tôi quyết định dành thì giờ để đọc Bộ sách trong sự đợi chờ, hơn thế, trong sự
háo hức… Sau đây là những thu hoạch nhỏ nhoi của tôi trước một văn nghiệp đồ sộ
của Hoàng Yến với niềm tin hiển ngôn rằng: ĐÓ LÀ MỘT TÀI NĂNG VĂN CHƯƠNG KHÔNG
DỄ LÃNG QUÊN!
1.
Từ một quan niệm riêng về tiểu thuyết lịch sử…
Nhiều người biết nhà văn Hoàng Yến (1922 - 2012) tên thật Lê Hoàng Yến tham
gia cách mạng rồi kháng chiến từ rất sớm. Ông từng vinh dự chiến đấu cùng
Đại đoàn 304 qua nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ lịch
sử. Đặc biệt, ông từng làm Thư ký tòa soạn Báo Khu 4 và là hội viên sáng lập Hội
Nhà văn Việt Nam năm 1957. Tuy nhiên, ít người biết trước Cách mạng tháng
Tám năm 1945, ông đã học hết Thành chung, có thời gian dạy học tại trường
Ecpic Phan Thiết. Có thể nói, chính nhờ vốn liếng văn hóa, văn chương Pháp mà
sáng tạo của ông sau này luôn đậm đà chất văn và lấp lánh quan niệm hiện đại. Dưới
nhiều bút hiệu khác như Thạch Tiễn, Hoàng Lan, Hoàng Đức Anh, nhà văn
Hoàng Yến đã để lại nhiều công trình nghệ thuật ấn tượng, bao gồm cả thơ, dịch
thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lẫn kịch bản sân khấu. Bộ sách Hoàng Yến
Tuyển tập chứng tỏ sức lao động bền bỉ, giàu tính tự giác và tính
sáng tạo của ông.
Nhìn lại cuộc đời lao động
nghệ thuật không ít sóng gió qua nhiều giai đoạn của Hoàng Yến, nhiều người thường
nhắc tới những huy chương vàng và huy chương bạc dành cho các tác phẩm sân khấu
của ông. Cố nhiên, những đóng góp của Hoàng Yến trong lĩnh vực nghệ thuật này
là lớn và quý, nhất là khi ngành nghệ thuật sân khấu ở nước ta vào thời ấy chưa
có nhiều kinh nghiệm mà cũng chưa thu được những thành tựu đáng nể trọng như
sau này. Nhưng có lẽ sự nghiệp lớn nhất, lấy của ông nhiều tâm huyết nhất lại
chính là văn chương. Không ít người còn nhớ tới tập thơ trữ tình với nhiều cảm
xúc khác lạ so với cảm hứng chung của thi ca cùng thời được Nhà xuất bản Hội
Nhà văn ấn hành năm vào 1957 - tập Tình người soi dặm đường. Riêng
tôi thì nhớ nhiều hơn tới bài phê bìnhTập thơ “Việt Bắc” có hiện thực
không? của Hoàng Yến vốn khai mào cho một cuộc tranh luận văn chương cởi mở
đầu tiên ngay khi hòa bình mới lập lại năm 1954 trên miền Bắc. Bài viết mới đầu
đăng trên báo Văn nghệ số 65 ra ngày 11/03/1955. Trên cơ sở bài này,
tác giả đã mở rộng và đào sâu thêm để in thành ba kỳ trên báo Nhân
dân, số ra ngày 3, 4, 5 tháng 04 năm 1955, với tên Đọc thơ “Việt Bắc”
của Tố Hữu. Thời gian khá dài sau tôi mới được trực tiếp đọc những ấn phẩm
mang tính sự kiện nói trên của ông. Và mãi đến khi ba tập Hoàng Yến Tuyển
tập gần đây ra đời, tôi mới có dịp thưởng ngoạn những tuyệt phẩm khác của
ông như các cuốn tiểu thuyết Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở, Người
học trò áo xanh… Theo tôi, chính những cuốn tiểu thuyết gắn với lịch sử
này mới giúp các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau nhận diện rồi đi tới lý giải
con đường cũng như sức sáng tạo nghệ thuật riêng biệt của nhà văn.
Nghĩ tới các nhà văn viết về
đề tài lịch sử trong đầu tôi thường hiện lên hai tên tuổi xuất hiện vào hai
giai đoạn với dáng dấp và tầm vóc khác nhau. Đó Nguyễn Huy Tưởng và Hoàng Quốc
Hải. Năm 2012 này, giới nhà văn và bạn đọc chúng ta kỷ niệm tròn 100 năm
ngày sinh của Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960).Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với
Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề Nguyễn Huy Tưởng với
đề tài lịch sử. Không thể quên được vở kịch Vũ Như Tô và truyện Lá
cờ thêu sáu chữ vàng. Mục đích và tính chất của các tác phẩm này lộ lên
khá rõ: phải văn chương hoá lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sử
học Dương Trung Quốc có dịp tham dự đã lên tiếng khẳng định rằng Nguyễn Huy Tưởng
cùng văn nghiệp của ông mang cốt cách một người viết sử. Các bộ tiểu thuyết lịch
sử đồ sộ của nhà văn Hoàng Quốc Hải có thể nói cũng đi theo một khuynh hướng
xác định như vậy. Tôi muốn nhắc tới bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” (4 tập)
và “Bão táp triều Trần” (6 tập) với chừng 6500 trang lấy mất 30 năm lao động
nghệ thuật bền bỉ của nhà văn và thật sự trở thành một sự kiện văn chương lớn
nhân cả nước nồng nhiệt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào
năm 2010. Khi trả lời phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng ngày
04/10/2009, Hoàng Quốc Hải thẳng thắn mong mỏi: “Chỉ khi nào nền văn
học văn chương hóa được lịch sử - PQT lưu ý, thì người dân của dân tộc
đó mới thấu hiểu được nhiều hơn về lịch sử, mới thấm được nhiều hơn khí phách
dân tộc...”. Định hướng và tính chất sáng tạo tiểu thuyết lịch sử của nhà văn lộ
rõ trong câu nói ấy.
Chủ trương của nhà văn Hoàng
Yến khi xử lý chất liệu lịch sử trong sáng tạo tiểu thuyết có trường hợp giống
mà cũng có trường hợp khác các nhà văn nói trên. Giống là khi ông viết cuốn Câu
thơ yên ngựa từ cuối năm 1979 đến đầu năm 1983. Tương tự như đường hướng của
nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trước ông và nhà văn Hoàng Quốc Hải sau ông, Hoàng Yến
muốn tập trung bút lực nhằm giải mã bản tính và sức mạnh của các nhận vật lịch
sử mà ở đây là danh nhân Lý Thường Kiệt. Một lần, khi trả lời phỏng vấn báo
chí, nhà văn Hoàng Quốc Hải có nhắc tới tác phẩm vừa nêu của Hoàng Yến, xem như
là một trong những mạch nguồn ảnh hưởng trực tiếp tới mình khi dụng bút. Nhưng
đến tiểu thuyết Chân mây khép mở hoàn thành năm 1991 thì lại có phần
khác. Ở đây, Hoàng Yến chủ động xem con người và sự kiện lịch sử như bất cứ chất
liệu sáng tạo nào khác trong tay nhà văn. Cái chính là ý đồ nghệ thuật. Mọi thứ
đến từ xưa hay nay, ngoài hay trong đều chỉ hướng tới phục vụ ý tưởng cụ thể,
xác định nảy sinh từ chính đời sống. Có lẽ đấy là chỗ làm nên sự khác biệt căn
bản giữa ông với các nhà văn Việt Nam viết về đề tài lịch sử từ trước đến nay
chăng? Tính hiện đại của tác phẩm nhờ thế được gia tăng hơn. Bởi hiện giờ,
nhiều người thường có xu hướng phân biệt giữa mô phỏng với tái
hiện - một ý niệm mang đậm tinh thần cách tân. Ví như nhà nghiên cứu J.
Baudrillard. Theo ông, tái hiện là mô phỏng cái đã được mô phỏng, do
đó, hầu như cắt đứt hoàn toàn với vật mẫu đầu tiên được xem như là “hiện thực”.
J. Baudrillard gọi sản phẩm sáng tạo này là “ngoại thực”, ở đó người viết tạo
ra một tác phẩm hư cấu hầu như thuần tuý. Tái hiện khác hư cấu bình
thường ở chỗ nó “không chỉ trình bầy một vắng mặt như đang hiện diện, một tưởng
tượng như đang có thực, mà còn là làm xói mòn bất cứ mâu thuẫn nào với cái có
thực, hấp thu cái thực vào bên trong chính nó”. Vì tái hiện, theo J.
Baudrillard, có điều kiện xóa đi sự khác biệt giữa sự thực và tưởng tượng.
Tinh thần tái hiện như
thế được bộc lộ qua những đoạn trữ tình ngoại đề của tiểu thuyết Người học
trò áo xanh được nhà văn Hoàng Yến hoàn thành vào năm 1995. Nhân vật
xưng “tôi” tâm tình: “Nghe đến ‘cổ’ là tôi đã háo hức cả người…”. Anh ta còn bảo:
“Không hiểu sao cái quá khứ bí ẩn của thế giới xa xưa cuốn hút tôi, quyến rũ
tôi như khuôn mặt người tình đã mất”. Cái “cổ” xa xăm gây nên cảm hứng thật là
đặc biệt. Nó giúp những người có ý thức nhận chân ra con đường và lẽ sống đích
thực ở đời. Từ đó, không ai có thể dễ dàng lừa mị ta, giúp ta luôn tỉnh táo
trong việc định hướng suy nghĩ và hành động trước bao sóng to gió cả của cuộc sống.
Vậy là, câu chuyện và vấn đề trong những trường hợp như thế tưởng như “rất cũ”
đã trở nên “rất mới”. Sự soi sáng của tư tưởng giữ vai trò quyết định. Đúng như
nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Nếp rêu con cũng chói loà ánh sáng/ Khi mặt trời
tư tưởng rọi hang sâu”. Bởi vậy, lúc “nghe nói tới một hộp gỗ cũ mới thấy ở
ngôi nhà từ đường”, rất tự nhiên, nhân vật trong truyện cảm thấy “tâm linh” bỗng
trở nên “xao động” dầu chỉ nhận ra ở bên trong vẻn vẹn một cuốn sách cổ. Bất
giác, anh “đưa tay với muôn vàn thận trọng” như “nâng hứng từng trang, từng
trang”, cứ sợ trong phút chốc chính “nó có thể tan biến thành bụi”. Thái độ thận
trọng, nghiêm cẩn trước những dấu vết của quá khứ ở đây thật đáng nể phục. Rồi,
như không cưỡng lại nổi, anh lập tức chủ động giải mã, bằng sự cố gắng “hình dung
nối kết những đoạn văn rời rạc, sắp xếp lại có mạch lạc lớp lang”, hơn thế “cố
sống lại, cố nhìn thấy, cố lắng nghe bằng con mắt, lỗ tai của thời gian tôi
chưa sinh thành”. Nhờ sự toàn tâm toàn ý mà “nguyện ước” của người xưa, tưởng
là “một câu chuyện hoang đường” chìm sâu trong quá vãng đã trở nên rất “thực”,
cái chân cái giả đan xen “như mây lồng mây, như khói lồng khói” đã được bóc
tách và sáng tỏ dần.
Tiếp cận với sự thật bị phủ
bởi lớp bụi dầy của thời gian quả không mấy dễ dàng. Khó khăn đến từ nhiều
phía. Trước hết là những văn bản cổ “trang đậm trang mờ, chữ còn chữ mất, những
mạch đứt trong câu, những quãng trống trên giấy- những chỗ để tưởng tượng người
xem bắc cầu vồng giải yếm- những tờ mủn ra thành bụi khi mó tay vào”. Sau đó là
những cơn gió hữu hình, nhất là những cơn gió vô hình nổi lên lắm khi thật bất
thường và vô cớ: “Và gió, gió. Những ngọn gió vô hình vần vũ trên tờ giấy, thổi
bụi thành chữ, kết bụi thành nét, tụ bụi thành hình, bốc lên những đám cháy
không lửa, dội lên những tiếng la thét không cấu âm, gợi lên những ký ức không
tên”. Người đọc dễ cảm thông với tình cảnh đôi khi thật oái oăm của nhân vật:
“Và mỗi lần mắt tôi lướt qua, những hàng chữ xém lửa thời gian ấy bỗng dãn nở
ra trong một hóa thân trọn vẹn. Cảnh vật chung quanh ta tan biến nhường chỗ cho
những hạt bụi giấy từ trang sách đổ về như đám tinh vân chuyển động, trong đó
trồi lên những gương mặt vớt được từ dĩ vãng mù tăm, hiện lên những nhân vật,
bước ra từ trong huyền thoại, như những hình thù quái dị lặng lẽ nối nhau đi
trong những đêm sốt cuồng thời thơ ấu”. Tuy vậy, dường như không một trở ngại
nào có thể làm nản chí nản lòng con người luôn da diết kiếm tìm sự thật, khiến
anh có đủ can đảm để “lật cuốn quyển từng tờ tường tờ một mạch cho tới trang cuối”.
Sau cùng, mọi nỗ lực kiên trì đã được đền đáp xứng đáng.
Tuy nhiên, theo một cách rất
riêng… Bởi, như nhân vật trong truyện đã xác định: “Tôi không phải là nhà khảo
cổ học”, mà chỉ là “kẻ hành hương khảo cổ”. Sự khác biệt nằm trong chủ đích hướng
về quá khứ. Điều này càng đọc lại càng nhận thấy rõ hơn. Đoạn văn sau giúp ý định
xuyên suốt được hé lộ dần dần: “Có phải vì khi tôi ngồi trong bóng tối của dĩ
vãng nhìn ra thấy rõ hơn sự phức tạp đang diễn biến… Tôi chỉ biết đối với tôi
hình như quá khứ hiện hữu trong mỗi hạt bụi cũ thức tỉnh tôi hơn cả những hạt
vàng của tương lai mờ ảo…”. Một sự liên tưởng vô cùng sát hợp đến liền ngay sau
đó: “Phải chăng đây là loại bia chôn nơi sa mạc, chai quăng trên biển cả, lá thắm
thả trôi dòng, cất giấu một sự thật cấm kỵ, mang một thông điệp cho thế gian, gửi
gắm một lời trối trăng với hậu thế, nhắn nhủ một nỗi niềm…”. Cái quyết định
nằm ở thông điệp muốn nhắn gửi. Mọi cái khác chỉ là những phương tiện giúp
thông điệp có điều kiện thấm sâu vào tim óc người tiếp nhận. Ta chợt thấu hiểu
tâm thế lạ kỳ của người gửi thông điệp: “Giống như chất rượu mạnh ngấm vào cơ
thể trước lúc hơi men bốc lên đầu, những năm tháng, những sự việc, những mẩu đời
xa xưa trên trang sách cổ thấm vào khắp giác quan tôi, xuyên qua cơ thể tôi trước
khi đến với tâm hồn vào một thời gian xa lạ với thời gian của con người, một thời
gian nhìn thấu vào bên trong thực tại, một thời gian đậm đặc tâm linh không
mang bản chất duy lý”. Những dòng suy tưởng cuồn cuộn và sống động. Sức mạnh, sức
sống của sản phẩm sáng tạo từ chất liệu lịch sử phải chăng nằm ở chỗ đó!
Trở lại với tiểu thuyết Chân
mây khép mở. Thông điệp chính nhà văn muốn trao gửi tới con người của
mọi xứ sở và mọi thời đại nằm ở đâu? Ở chính nhân vật trung tâm của tác phẩm là
Trần Kồ. Lần đầu tiên ông xuất hiện là ở “đệ nhất tửu lâu” trong kinh thành
Thăng Long. Lão Tô - người chủ tửu lâu hỏi việc đón ông đã chu tất chưa thì được
thưa lại rằng: “Ông ấy nhắn tin về, khắc đi khắc đến chẳng cần ai đưa đón”. Thật
độc lập và chủ động trong mọi việc! Một ý nghĩ chợt đến ngay trong đầu lão Tô:
“Chà, đúng là cái giọng kinh bạc”. Vẻ tự tin phớt đời ấy của “ông nho sỹ ngông
cuồng nổi tiếng đất đế đô” được tác giả chủ ý tô đậm dần dà theo cốt truyện. Chẳng
hạn, với ký ức của viên Tuần sát Trại Sành thì ông là “một nho sỹ nức tiếng cầm
kỳ thi họa từ lúc 15 tuổi, nổi danh về tính ngạo ngược nhất kinh kỳ”. Đây là cảnh
Trần Kồ vẽ liễu: “Năm đầu ngón tay của Trần Kồ đã nhúng vào nghiên mực đặt ở trền
bàn, tay kia giữ thẳng vạt áo trắng, nguyệch ngoạc mấy nét vờn. Và trước mắt
người hiện lên… một gốc cây liễu rạp mình trước cơn gió dữ. Như có cái gì hơn
thế nữa, một thân phận đàn bà trước ngọn gió số phận phũ phàng…”. Từ cách vẽ đến
thần thái của bức vẽ đều tỏ rõ không chỉ cái tài tình mà trước nhất là cái tính
khí cương cường của người vẽ. Tiếp theo là việc dùng “ngọn bút lông” để “đổi mới
toàn bộ hoa văn họa tiết kệch cỡm của ngành gốm thô sơ” rất là thần tình: “Bảy
mươi bộ bát sứ Bồ Bát đồ cống cho nước Tống, chàng chỉ phóng bút trong mươi
hôm” nhưng vẫn nhận được “tiếng khen của triều đình”. Rồi tác giả như nương
theo cảm nhận của công tử Khánh để thể hiện tính cách có một không hai của nhân
vật: “Hồn ngươi say mê đi theo nét bút của chàng, lượn trên lưng rồng, bay trên
đuôi phượng, vờn trên mây sóng, chấm phá đậm nhạt trên hoa lá bốn mùa. Ngươi cảm
nhận được sự khám phá của chàng trong cái thần của vạn vật, phần sâu sắc nhất của
thiên nhiên qua bốn mùa tuần hoàn xoáy ốc xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm,
đông tàn. Nhưng trong cái hữu hình của nét họa, cái vô hình vẫn ẩn tàng
đâu đó”. Cuối cũng viên công tử vỡ ra rằng “chất thơ trong đường nét đã đánh thức
cái trường cửu của sinh hóa còn ngủ sâu trong tầng tầng lớp bụi của thời gian”.
Chính sự hiểu biết ấy đã giúp công tử Khánh nhích lại gần chàng, và từ đó hai
người trở thành đôi bạn tri kỷ.
Đặc biệt, hầu như trong suốt
cuộc đời mình, mọi việc làm và ý nghĩ của Trần Kồ luôn thấm nhuần tư tưởng thân
dân. Ông thường day dứt: “Dân nghèo như con giun xéo lắm cũng quằn. Mỗi lần quằn
dậy lên một đợt sóng. Triều đình chỉ lo mỗi việc dẹp, diệt. Diệt sao hết được
ngoại duyên”. Căn nguyên của quan niệm cao cả ấy nằm ở chỗ ông có ý thức “làm
ló đoá hoa tâm trong người lâu nay còn lấp dưới bùn”. Ông bảo: “Tôi là người
tơi nón ngũ hồ, lấy chân trời làm nơi nương, lấy góc bể làm chỗ tựa. Trên đường
đi bóng cây sẽ là nhà, đoá hoa nào đó sẽ là khách…”. Ông là người của tam giáo.
Trong sự hài hoà giữa những khuynh hướng tư tưởng khác nhau, đến độ biến chúng
“thành một dòng nước hát ca” quyện hoà trong ông. Nhà văn đưa ra lời bình luận
thấu đáo: “Chàng lấy ở đạo Khổng cái gốc dân, ở đạo Lão cái huyền trời đất, ở đạo
Phật cái tâm tỉnh thức. Và tất cả tạo cho chàng một phẩm-cách-người tuyệt diệu
có một không hai”. Xa và cao hơn: “Trong người chàng không có chút ngả nghiêng,
hài hòa linh hoạt như ngọc lăn trên bàn đá”. Do vậy, Trần Kồ có thể cảm nhận được
biết bao lẽ phải thường ẩn khuất giữa dòng đời đục trong cuộn trôi hối hả. Ví
như, dầu không thể “biết được những chuyện trong mai hậu” nhưng ông đã “nghiệm
thấy rằng hễ sức mạnh đồng tiền càng tăng thì sức mạnh tinh thần và phẩm cách
con người càng sa sút”. Nói khác đi “người nằm trên tiền nhưng rồi tiền lại nằm
lên người”. Chân lý và lẽ phải như những giọt phù sa lắng lại trong tâm tưởng của
những người giàu trải nghiệm mà cũng giàu thiện chí như ông.
Từ đó, Trần Kồ có thể dễ
dàng nhận chân ra bao lẽ đúng sai, thật hư, xấu tốt ở đời. Cái gốc nằm ở trí tuệ
và cảm nhận của người dân. Một lần Trần Kồ hỏi: “Thời buổi đảo điên này, biết lấy
gì mà phân biệt được tốt với xấu?”. Lão Tô đáp ngay: “Lấy mũi mà ngửi. Cái tốt
thơm lừng còn cái xấu buồn nôn lộn mửa”. Như việc quan Phụng ngự Đỗ Quảng
dâng vua một con ngựa cái hoa đào. Nhiều người đồn đoán biết bao điềm lành.
Riêng Trần Kồ tức tối nói: “Dân đang chết đói như ngả rạ làm gì có điềm lành…
Chỉ được điềm nịnh”. Sự thật ở chỗ: “Đình thần bịa chuyện hót mong vinh thân.
Còn vua thích nghe hót để quên chuyện an dân”. Thực chất bên trong lập tức bị
phanh phui trong cái nhìn của con mắt sáng. Mắt sáng nhờ cái tâm sáng. Trung
ngôn vốn nghịch nhĩ. Chuyện đến tai vua quan, đám sỹ tử trong chùa cùng ông bị
bắt. Vụ án được xử kín hay đúng hơn là gần như không xử. Nó bị chôn sống trong im
lặng như biết bao sự ngang trái khác ở đời. Nhưng lòng dân Thăng Long lại xôn
xao. Nên khi “đám sỹ loạn tuy dập tắt” mà “không khí kinh sư vẫn hừng hực thuốc
nổ”. Mọi chuyện có nguy cơ trầm trọng hơn. May cho Trần Kồ là nhờ sự can thiệp
của những bậc thần thế trong triều nổi bật là công tử Khánh do hâm mộ tài năng
của ông, vì vậy “tội năng” được ân giảm. Đáng lẽ ông bị đày về làm hoành nô Cao
Điền thì lại được chuyển sang làm quan Trung khách, cũng một loại nô nhưng làm
việc nhẹ hơn nhiều ở cửa công. Trần Kồ vốn chẳng lạ gì cái thói đời đen bạc ấy.
Chúng là dấu hiệu của thời suy loạn. Chẳng phải có lần nhân bàn về những chuyện
rối ren của triều đình, Trần Kồ đã cười giễu: “Cái này phải chửi bố thằng Cao
Biền. Hắn qua đây yểm tiệt mạch rồng mạch cọp, chỉ để lại mạch rắn mạch giun.
Bây giờ mới sinh ra bọn quần thần ươn hèn như vậy”. Tuy lão Tô đại diện cho thứ
minh triết ngàn đời của nhân dân lại nghĩ khác: “Không đúng đâu. Thiền sư La
Quý An đã phá sạch mọi trù yểm của Cao Biền, để lại cho hậu thế cả một sấm trên
cây gạo thiêng trồng trước chùa. Nhờ vậy vua Lý Thái Tổ mới ra đời”. Những lời
luận bàn có sức soi rọi đến muôn đời.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết,
ta có dịp thấm thía bao điều lớn nhỏ. Trong đời và cả trong văn. Người viết như
thoát ra khỏi những ràng buộc vô hình của chất liệu lịch sử bằng một ngòi bút tự
chủ, tự quyết đáng nể phục. Với tiểu thuyết gia Hoàng Yến, ý đồ nghệ thuật là tối
cao, sự hư cấu là nguyên tắc bất di bất dịch. Chúng hoàn toàn chi phối sự sáng
tạo của nhà văn. Suốt cả quá trình và trong mọi thao tác. Chất liệu nóng hổi của
thời hiện đại hay trầm tích nơi lịch sử xa xăm với ông đều thế cả. Đó phải
chăng là một phương diện khác của tài năng làm nên tên tuổi Hoàng Yến. Chúng ta
chắc sẽ còn tiếp tục kinh ngạc trước những khám phá mới mẻ về ông…
2.
Đến cái chết bay bổng của nữ nhân vật Ngoạn Thiềm…
Người
ta không thể chọn sự sinh. Bởi rất dễ hiểu rằng một người sinh ra khi nào và ở
đâu bao giờ cũng là một lẽ nhiệm mầu đầy bí ẩn. Có lẽ chỉ có Tạo hoá mới biết
rõ mà thôi! Riêng sự chết thì không hẳn thế. Nếu không có gì thật bất thường,
ta có thể ít nhiều dự đoán trước cách ra đi của một con người. Ý
nghĩa nhân sinh lạ kỳ của sự chết nằm ở chỗ đó chăng! Nói chung nhất thì cách sống
sẽ quyết định cách chết. Đó là lý do chính lý giải mối quan tâm đặc
biệt của các nhà văn tới sự rời bỏ cuộc sống của những đứa con tinh thần mà họ
đã dứt ruột sinh hạ trong một tâm thế sáng tạo vô cùng đặc thù.
Đọc tiểu thuyết Chân mây khép mở của nhà văn Hoàng Yến, tôi để tâm tới
sự ra đi của ba nhân vật. Trước tiên là Lý Huệ Tôn. Nhà vua chờ đợi
cái chết ép uổng khi đã tắm gội sạch sẽ, thay quần áo tươm tất, thơm tho. Tác
giả không tả, cũng không kể, chỉ đưa ra những suy tư: “Ai cũng ham kéo dài ngày
sống. Và khi cái chết đến ai cũng cho rằng nó đến quá sớm hoặc đến chưa đúng
lúc. Vì vậy ai cũng sợ chết. Chỉ cần biết… chết là số lớn của trời đất… Cái chết
đến đúng lúc là một sự giải thoát. Nó đến lâng lâng như một sự hoàn tất. Lúc ấy
ta biết yêu cái chết cũng như ta biết yêu cái sống” . Cái chết này gợi nhiều dư
vị đắng chát về số phận bi thảm của một kiếp người. Sau đó là sự ra
đi của Trần Tự Khánh - người mang hoài bão xã hội tốt đẹp của nhà văn về mẫu
chính khách lý tưởng có thể có trong quá khứ và cả trong hiện tại: “Ông nhắm mắt,
trao ánh mắt và chút hơi ấm tàn cho mặt trời, thở hắt ra trả hơi thở cuối cùng
cho bầu thinh không và giữ lại cái xác lạnh cho đất. Trong cái chết, nét mặt
ông tìm được vẻ thanh thản đến hồn nhiên, sự thanh thản mà ông không tìm thấy
trong cuộc đời”. Cái chết của ông rõ ràng gợi nhiều ý tưởng thanh cao. Cuối
cùng, và đặc biệt là cái chết của nàng Ngoạn Thiềm. Hãy nhớ lại lời
trăn trối của người tình trong mộng của Trần Kồ: “Em ra đi trước chàng và được
gặp chàng trước lúc ra đi. Ôi! Cái chết ngọt ngào… Giọng nàng bây giờ như hơi
sương nhạt lơ lửng giữa trời cao… Em xuống dưới ấy lo chuẩn bị đàng hoàng để chờ
chàng. Dưới ấy không còn gì có thể chia cắt được chúng mình… tuổi tác… chức phận…
thứ bậc… cả miệng lưỡi thị phi của trần thế”. Cái chết này thật sự gợi những
suy tư nhiều phần lãng mạn. Như hư mà cũng như thật. Nó có sức thôi thúc ta hướng
tới những vẻ đẹp toàn bích. Không hẳn trong đời thực mà nhiều hơn trong tâm tưởng.
Nhưng sao nó cứ ám ảnh ta hoài?
Muốn
hiểu nàng không thể không hiểu nhân vật Trần Kồ vốn được nhà văn tạo dựng với
nhiều dụng công nhằm gửi gắm biết bao tâm sự. Thường là những tâm sự rất khó
nói trực tiếp bằng lời. Cần nói bằng văn chương thôi! Mà phải là thứ văn chương
ám gợi: rất nhiều ý nghĩa trong từng chi tiết cũng như trong mỗi lời kể. Xét
riêng trong tình yêu, Trần Kồ có ba mối tình đậm nhạt khác nhau. Với Đào Nga, Ả
Kắm và Ngoạn Thiềm. Họ có những số phận không giống nhau: Đào Nga hiện sống yên
vui với chồng con; Ả Kắm thì đã nằm yên dưới ba tấc đất; Còn Ngoạn Thiềm thì
không thôi trăn trở dưới mồ. Nhất là sự khác biệt trong cách chết: Đào Nga chắc
sẽ chết già; Ả Kắm chết trong chờ đợi; Còn Ngoạn Thiềm - nhân vật ấn tượng hơn
cả thì “chết trong ngọt ngào”. Mối tình giữa Trần Kồ và Ngoạn Thiềm được phủ bởi
một sắc màu lãng mạn hơn cả, đến mức nếu có tồn tại thì phần nhiều chỉ có thể tồn
tại trong sách vở mà thôi! Cho dầu chính nhà văn Hoàng Yến đã có lúc xem mối
tình giữa Trần Kồ với Đào Nga “là một kỳ tình trong lệ sử” bởi “người ta có thể
giữ được tình đẹp đời đời” bằng cách “xa nhau mãi mãi”.
Ngoạn Thiềm vốn là cô học
trò yêu của Trần Kồ. Chuyện là thế này, khi còn chế ngự vùng biển, Trần Tự
Khánh đã dự tính đến tương lai, nên đã buộc tất cả con em trong dòng tộc mình đều
phải học hành. Cứ hai tháng một kỳ, bọn học trò họ Trần trong đó có Ngoạn Thiềm
lại kéo đến Ấp Hải nghe Trần Kồ bình văn. Ông bắt đầu để ý, rồi quan tâm tới cô
học trò duyên dáng này. Khó quên nhất với Trần Kồ là khi ông Trần Lý mất, dầu
chỉ là con nuôi, nhưng nàng lại tỏ ra vô cùng đau xót vì tiếc thương. Nên nhớ,
khi đó nàng chỉ là một cô bé chưa quá mười tuổi, nhưng đã ngất xỉu do đau buồn.
“Qua làn khói vàng mã đốt bay mù mịt, dưới vành khăn tang trắng lộp, chàng
trông rõ đôi mắt nó nhắm nghiền, dòng nước mắt bên khoé vẫn chảy dài xuống mang
tai”. Trần Kồ bế con bé lên, và cảm thấy rất rõ là “dường như thân hình còm
nhom của nó quá bé nhỏ không kham nổi niềm đau quá lớn”. Vậy mà chỉ vài năm
sau, cô bé bỗng lớn vổng lên và thật sự trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, khiến
ông hết sức ngỡ ngàng: “Cái đập vào mắt trước tiên là sự trong trắng trinh
nguyên như toát ra từ đường nét thanh tú trên người nàng. Làn tóc đen như bóng
đêm ôm một khuôn trăng. Đôi mắt ướt buồn sườn sượt được cảm nhận như một nỗi
đau của linh giác”. Bảo cô đẹp thì đúng rồi, nhưng là một vẻ đẹp trắng trong,
tinh khiết đến siêu việt. Sức quyến rũ của nàng toát lên từ tâm hồn hơn là từ
thân xác. Ông để ý tới thói quen sau của nàng: mỗi khi hái trầu đằng sau nhà
bao giờ cô bé cũng trò chuyện thầm thì với cây trầu những mong an ủi nó vì “sợ
làm đau” thân trầu. Lạ nhất là trong cảm nhận của nàng, trầu không khô héo mà đỡ
đau thật, nên vẫn tươi tốt, trong khi “kẻ khác động tay vào là hôm sau nó xàu
lá” ngay. Lạ hơn nữa là “giàn trầu bên kia xuống màu” thì giàn trầu bên này của
nàng “cũng xuống màu theo”. Theo giải thích của chàng thì “mọi vật đều tương
quan”. Nên: “Dường như những ý nghĩ tốt lành của con người truyền ra một luồng
khí thiện khiến ngoại cảnh chung quanh hớn hở tươi vui. Ngược lại phải chăng mọi
ý nghĩ độc ác làm ngột ngạt ô trọc bầu khí sống của thế gian này. Và đến cả sự
thịnh suy của thời thế phải chăng cũng do những luồng khí thiện ác này tác động”.
Với tư chất như vậy, nàng dễ
dàng tìm đến với thi ca. Chẳng phải người đời thường bảo thơ là tiếng nói giàu
cảm xúc, là tiếng lòng da diết của con người là gì! Nhưng đột nhiên nàng quyết
định không làm thơ nữa. Vì sao vậy? Trả lời nỗi băn khoăn của Trần Kồ, nàng bảo:
“Dạ… cháu nghĩ… mình làm thơ dở, sợ làm đau thơ”. Cứ như trong huyền thoại vậy.
Nếu trong cuộc đời mà có thế thì cũng thật là hiếm hoi. Nhưng nếu hiểu được bản
tính dịu dàng giàu cảm thông với muôn vật muôn loài của nàng thì ta có thể cảm
thông được phần nào. Chẳng phải, với nàng, “thơ cũng có linh hồn” đó sao! Nên
không lạ, trong mắt của chàng “bước chân cô gái nhẹ tênh như đi trong cõi
không”, còn “con đường nhỏ bên bờ ao bỗng biến thành dải lụa bạch mà chân nàng
không hề làm nhàu nát”. Những bước đi khoan thai nhưng vô cùng cẩn trọng.
Nàng “như sợ dẫm phải một sinh vật nào trên đất”. Đúng hơn là nàng “sợ làm đau
đất”. Viết đến đây, như không kìm nổi lòng mình, tác giả chợt thốt lên: “Ôi! Một
sinh vật chỉ với vũ khí duy nhất là tâm hồn sợ làm đau người đau vật làm sao bước
qua khỏi đoạn đường thời buổi tao loạn hiện nay, đầy giặc cướp, đầy chém giết,
đầy bạo lực phũ phàng”. Nỗi lo ngại có thực này, suy tới cùng, nào của riêng
ai?
Khi con đường hoạn lộ
mở rộng ra phía trước với dòng họ Trần thì quận chúa Ngoạn Thiềm lại nảy ra ý định
bỏ về quê với ý muốn làm ni cô. Để thoát tục ư? Không hẳn: “Dạ thưa, người sinh
ra vốn đã tục. Cõi đời là cõi tục. Chỉ có chết mới thoát tục”. Trong khi nàng
chưa hề muốn chết. Hay đi tìm sự “vĩnh cửu”? Cũng không hẳn: “Vĩnh cửu là cái
có trước” khi con người sinh, và “cũng lại có sau” khi con người chết. Trong
khi với nàng ngày ấy vẫn chưa đến. Trần Kồ sững sờ vì chưa thật hiểu sự “kén chọn”
của nàng: “Thơ… một tâm hồn thơ… cháu đã lấy thơ làm chồng”. Quyết định gắn bó
số mệnh mình với văn chương ư? Người đời khó hiểu là phải. Không loại trừ cả Trần
Kồ khi đó. Chỉ khi nàng uống thuộc độc vì phẫn chí, chàng mới dần hiểu ra
mọi sự. Nàng nói trong tuyệt vọng: “Thầy không hiểu được là từ lâu em xa lánh bụi
đời nhẫn nhục mặc chiếc áo sương phụ để chờ… thầy”. Đúng là nàng đã yêu chàng -
một mối tình câm lặng, có lẽ “chỉ có các vì sao trên dòng Ngân kia biết”. Khi
đưa thi thể nàng trở về Ấp Hải với bao kỷ niệm thân thuộc, thì đột nhiên: “Có
cái gì đã khuấy đảo sâu xa trong người chàng. Một tiếng động khác thường, một ý
thức đang ngủ yên sực tỉnh, một cánh cửa hé ra, một tấm màn vén lên, một chân
mây chợt mở”. Chàng kịp ngộ ra: “Đúng là chàng yêu Ngoạn Thiềm”. Nhưng cho tới
lúc ấy người tình nhân tội nghiệp này vẫn không sao lý giải nổi. Ngay cả cái điều
căn cốt nhất: tình yêu này thuộc về “tâm tư hay xác thịt”? Rồi chàng quả quyết:
nó thuộc “về linh hồn”. Đúng vậy! Chàng đâu yêu một khuôn mặt, một dáng hình, một
giọng nói cụ thể. Chàng yêu một cái gì “ở sau mọi thứ ấy”, như “một ảo ảnh đuổi
bắt đời đời từ kiếp này qua kiếp khác”. Đúng hơn nữa là chàng yêu “cái bí ẩn của
tình yêu” nghĩa là yêu “chính cái bí ẩn của linh hồn mình”. Bởi vậy, không có
gì là khó hiểu nếu “chính nàng trong tình yêu dám dấn đến những chân mây mà người
đời tới đó sẽ mất thăng bằng trượt ngã, còn nàng thì bay bổng tiến tới những
biên giới không ngờ để chàng nối bước theo chân”. Chợt nhớ tới những giọt nước
mắt chia ly của đôi lứa. “Dòng lệ rơi vì tình như mưa rơi không cần ai thông dịch”
- Hoàng Yến đã viết như vậy.
Thực tế đã xác minh cái điều
nhà văn dự cảm. Sau vụ Cửu Liên, mọi người trong gia tộc được hưởng nhiều lợi
quyền, danh vọng. Riêng Ngoạn Thiềm khi thành quận chúa lại nghĩ tới việc bỏ về
quê muốn làm ni cô thoát tục để truy tìm “cái vĩnh viễn”. Chớ quên tới việc
nàng đã trân trọng ra sao khi dâng những vần thơ “vụng dại” của mình cho Trần Kồ.
Trước sự giãi bày của Ngoạn Thiềm - “món nợ của em chính là món nợ với văn
thơ”, Trần Kồ đi tới một phán quyết nghiêm khắc với mình: “Mi đã cảm thấy… đã
làm những việc phù phiếm tội lỗi so với cái việc mi cần phải hoàn thành ngay
trong đời”. Bởi lẽ: “Mỗi người có một chân mây, mi đã tự khép chân mây của
mình”. Lúc ấy, ông còn nhắc tới “Toà án sám hối” - một thứ toà án cao nhất đồng
thời công minh nhất trong quan niệm của mình. Rất kịp thời, câu nói của người
xưa vang lên: “Tri quá cận hồ dũng” (Biết lỗi là đã gần cái dũng). Thế là ông
đi tới sự dứt khoát cho một cuộc chọn lựa. Khi đó “có cái gì mát lạnh làm chàng
tỉnh lại”. Nhìn ra xa: “Hoàng hôn đang thay nhanh màu áo”. Ngẩng đầu lên: “Chợt
thấy vầng trăng tái nhợt trên nền trời”. Chính nàng ở nơi cao vợi xa xăm kia để
chờ chàng. “Không sao đâu, chỉ chốc nữa thôi, chàng sẽ được gặp lại màu trăng bạc
của một đêm trăng thượng huyền”.
Một quyết định hoàn toàn xa
lạ với mong muốn của bao người tưởng là thân thiết bao quanh chàng. Đây, lời nhắc
nhở đầy ân tình trước khi rời dinh thư nhà mình của bà Dung, giờ đã là phu nhân
của Thái sư quyền uy Trần Thủ Độ: “Anh Kồ thích rượi ngon và bạn hiền. Nay anh
Khánh không còn nữa. Ông phải thay anh Khánh mà tiếp đãi anh ấy”. Bà cũng không
quên dò hỏi: “Thế nào, ông đã nghĩ nên phong chức quan gì cho anh ấy chưa?”.
Trong đầu Thái sư đã có một loạt chức tước quan trọng như Tham tri chính sự, Đại
phu Trung thư, hoặc Quốc viện sử… dành cho Trần Kồ. Tuy nhiên, đúng như Trần Thủ
Độ nghĩ: “Cả bà và tôi không ai muốn được cả. Còn tuỳ anh ấy có muốn không”. Thực
tế đã diễn ra đúng như phán đoán của Trần Thủ Độ. Lúc bước chân qua khỏi cổng
phủ Thái sư, tâm trạng Trần kồ cảm thấy “lâng lâng”, như vừa “bước qua mọi ràng
buộc” của tục luỵ. Đó là “một cảm giác thoắt lên mây nhẹ tênh tênh giống như
khoảnh khắc ý thơ của chàng đột phát thoát khỏi lồng giam từ ngữ”. Hình như ai
đó trên cao đang nhìn ông. “Chàng ngửa đầu nhìn lên, bắt gặp mặt trăng tròn nụ
cười ánh bạc”. Một ý nghĩ ập đến tràn ngập trong ông: “Ngoạn Thiềm! Chính em đã
thức tỉnh ta ra khỏi cơn mê trần thế. Chính em đã nhắc ta đừng quên thiên chức
của mình. Chỉ có em mới giúp ta lay đổ nổi cây cổ thụ từ ngữ nghìn xưa rễ sâu bền
gốc. Chỉ có em mới chắp cánh ta bay qua cái hữu hạn văn chương của cõi - bụi để
đặt chân lên cõi - chưa - biết của thi ca”. Kết thúc tác phẩm ngập tràn ý nghĩ
bay bổng: “Cái ngày xa lơ xa lắc ấy bao giờ đến nhỉ?”. Một câu hỏi buông ra:
“Hay đó là giấc mơ của dã tràng xe cát”? Vì vẫn chưa hết những nỗi day dứt:
“Nhưng đã chót sinh làm kiếp dã tràng thì hãy cam tâm xe cát biển đông”. Tưởng
là vô lý và vô vọng. Không đâu! Cuộc sống có khi nào không tồn tại dưới dạng thức
chưa hoàn kết đâu! Chính vì thế mới cần đến những con người quả cảm giàu trí lự,
luôn tìm cách xông lên phá bỏ mọi rào cản hữu hình và vô hình nhằm hướng tới một
mục đích duy nhất không gì so sánh nổi: Tự do.
Có thể nói, chính mối tình da diết với thơ, với Trần Kồ trong sự vươn dậy một
cách vô vọng nhằm vượt thoát mọi ràng buộc đôi khi vô tình vô lý của xã hội đã
giải thích cái chết có phần diệu vợi của Ngoạn Thiềm. Nhà văn thành công trong
việc huyền thoại hoá nhân vật đáng yêu này. Để cho nàng cái cơ may sống mãi
trong tâm tưởng của bạn đọc hôm nay và mai hậu…
3. Và một ý niệm ám gợi
về mối quan hệ giữa văn chương và chính trị…
Tôi
muốn đi sâu vào mối quan hệ giữa văn chương và chính trị vốn là một vấn đề lý
luận căn cốt mà nhạy cảm nhiều khi đến mức nóng bỏng qua cuốn tiểu thuyết Chân
mây khép mở của nhà văn Hoàng Yến được hoàn thành trong thời kỳ Đổi mới và
chính thức ra mắt vào năm 1991. Như nhiều người trong giới đều biết, cùng với mối
quan hệ giữa văn chương và đời sống thì đây là một vấn đề trọng tâm khác, quyết
định tới sự đổi mới tư duy lý luận buổi đầu ở nước ta.Tuy nhiên, cho đến giờ,
trong đầu óc của không ít người, chưa hẳn đã hết những tỳ vết của lối nghĩ giản
đơn thậm chí sai lệch. Việc chủ động đặt ra và trả lời theo cách riêng của
mình, lại bằng hình tượng văn chương sống động đến mức ám ảnh, chắc mang một ý
nghĩa nhất định trong sự nghiệp sáng tạo của nhà văn giàu tài năng và tâm huyết
này.
Đi
suốt cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công với cái tên đầy khơi gợi - Chân
mây khép mở là hai nhân vật có thể xem là trung tâm làm bật nổi một trong
những ý tưởng cơ bản của nhà văn: Trần Kồ - hầu như hoàn toàn hư cấu, và
Trần Thủ Độ - con người mang dáng dấp lịch sử. Hoàng Yến chủ ý khắc hoạ tính
cách nghệ sỹ ở nhân vật Trần Kồ. Quả là đời ông gặp không ít sự ngẫu
nhiên, trong đó buồn vui, thành bại, sướng khổ xáo trộn, đan xen. Nhưng xem ra,
chỉ con đường văn thơ của ông là trước sau như nhất. Nó gần như là một nhân tố
bẩm sinh nằm trong máu huyết quyết định tới số phận của đời ông. Người đọc
không thể quên sở thích của ông cố tứ đại dòng họ Trần gắn với gốc cây vải cụt
cổ thụ nổi tiếng to nhất vùng. Xưa, cành là của nó um tùm, “che rợp một khoảng
đất hơn mươi sải”, “từng ôm ấp một nỗi luyến tiếc khôn nguôi” của cụ. Một chuyện
lạ kỳ như thế này đã xảy ra: cụ từng làm Thị lang trong thư sảnh, một chức quan
to được quyền tâu lên vua “mọi đề nghị sửa đổi và tuyển bổ các quan lại”. Tuy
nhiên, chỉ vì tính tình cương trực, dám nói thẳng khi can gián vua, nên cụ buộc
phải sớm từ quan về hưu tại quê nhà. Thế rồi, chẳng bao lâu sau đó, cụ mắc phải
chứng bệnh “nghiện chim gáy” đến như không phương cứu chữa. Thiếu tiếng chim
hót là gần như cụ không thể sống yên ổn cho nổi. Uống trà mỗi sáng với cụ phải
có tiếng chim. Cụ nhấp trà cùng tiếng chim. “Dường như tiếng chim quyện với chất
trà tạo nên một hương vị khác thường nào đấy”. Cụ ưa dùng những chiếc lồng mồi
hình quả đào đẹp do chính tay mình làm ra để đánh bẫy chim. Lúc đầu quả thật cụ
chỉ thích các trận chim đấu hót, rồi dần dà mê say giọng chim thành nghiện. Thường
loài chim ưa thích lồng rộng. Nhưng ở lồng rộng thoải mái nó lại gáy ít, “lồng
chật tức khí nó gáy nhiều”, lạ thế!
Vào một buổi sáng nọ, cụ
đang ngồi uống trà thì chợt nghe thấy một tiếng chim rất lạ. “Cụ bàng hoàng sững
sờ cầm mãi chén trà trong tay”. Ấy là bởi cụ đã bắt gặp giọng hót mà mình từng
ao ước bấy lâu. Trước nhất là vì chất giọng: “Một giọng thổ trầm pha chuông
chen lẫn giọng kim trong thanh lảnh lót... Những tiếng bổ giọt sau cùng là những
giọt ngọc âm thanh”. Sau đấy là đến sự giàu có của giọng điệu: “Âm sắc của tiếng
gáy giàu như sóng dợn… Tưởng như con chim ngậm cả một dàn đàn trong cổ họng”.
Nhưng trên hết là ở sức gợi đến mức ám ảnh của nó: “Tiếng nhạc chim kêu gọi
khêu gợi một thời thơ dại xa xôi, những giọt nước mắt cười rè, những trận cười
đắng miệng, những buồn vui lẫn lộn của một giấc người”. Những khi ấy, “hớp trà
cụ vẫn giữ trên đầu lưỡi kỳ cho nó thấm đượm tiếng chim rồi cụ mới uống ực vào
tận gan ruột, vào tận tâm hồn”. Cụ vô cùng ngạc nhiên khi thấy con mèo tam thể
hay rình vồ lồng chim nhưng cứ mỗi lần tiếng chim quý kia cất lên thì nó “cũng
mê mẩn lim dim mắt, dỏng tai vểnh râu nghe say sưa đắm đuối”. Một ý tưởng hay
được đúc kết: “Hóa ra cái tuyệt hay tuyệt đẹp cũng có khả năng chinh phục ngay
đến cả kẻ thù của mình”. Rồi cụ nảy ra ham muốn lén nhìn thấy bằng được con
chim lạ, quan sát kỹ càng sắc diện của nó. Như nhiều chim gáy khác, con này
mình thon, đầu bé, cuống mỏ to và ngắn. Cườm nó dày gọn, điểm những hạt vừng
phơn phớt vàng. Song lạ nhất là lông ở hai cánh của nó lại màu trắng. Và cụ đã
thành thật cảm tạ trời đất vì lần đầu tiên cho mình cái duyên gặp được một con
chim trắng. Thế là cụ tìm nhiều cách bắt nó mà không được. Treo giải cho các lực
điền giăng bẫy bắt cũng không xong, ngược lại, con chim sợ quá bay đi mất tăm mất
tích. Cụ liền lâm bệnh tương tư. Ông cụ tứ đại của Trần Kồ đã ốm liệt giường
vì tương tư một tiếng chim. Thương cụ, người con rể đành phải mượn một con chim
gáy cự phách nhất vùng, treo ngay ở đầu nhà. Cũng như con chim trắng kia, nó
hót hai lần trong một ngày với chất giọng rất quyến rũ. Nghe tiếng chim, cụ tỉnh
dần, bệnh tình có chiều thuyên giảm. Nhưng khi gượng dậy lần ra hiên uống trà,
tập trung thính lực để lắng nghe, cụ đột nhiên phát hiện ra con chim trắng đổ
những chín giọng, trong khi con này chỉ có bốn giọng nghèo nàn thôi. Thế rồi bệnh
cũ lại tái phát.
Ông cụ chỉ khoẻ lại
khi người con nuôi làm thợ săn hứa sống hứa chết là sẽ bằng mọi cách đem được
con chim lông trắng hót đa giọng kia về cho cụ. Anh ta lặn lội đây đó và cuối
cùng tìm ra tung tích con chim. Mặc dầu dưới ánh sao với muôn nghìn thận trọng,
anh ta vẫn làm xổng con chim, chỉ chụp được 17 chiếc lông đuôi của nó. Nhưng lạ
thay, trước con mắt kinh ngạc của cả nhà, ông cụ cười khoái chí, bệnh từ đó
không cánh mà bay. Theo lời cụ giảng giải thì: “Chim gáy thường chỉ có 12 lông
đuôi. Mắt ta chỉ một lần được thấy con có 12 chiếc. Còn con này có những 17. Ta
là cái gì, phúc phận ta ra sao mà dám mơ ước có được con chim này. Con không bắt
được con chim trắng cho ta là phải”. Ngay giữa lúc đó thì “đột nhiên quãng đời
làm quan trước kia bỗng trải ra trước mặt cụ”. Cụ vốn “đã bỏ lại đằng sau
lưng”, “đi qua nó như đi trên sa mạc khô cằn đơn điệu chẳng có gì để mà nhớ”.
Và chính từ khi bắt đầu ham mê chơi chim, đắm say tiếng hót của chim, cụ mới thấy
là mình được sống một cách đích thực. Đó chính là cái “còn nhớ” và “đáng nhớ”
trong cuộc đời dài lâu không ít ý nghĩa của đời cụ. Cụ không quên dặn con cháu:
“Hạnh phúc ở đời như con chim trắng. Ai ai cũng muốn nắm bắt nó. Có người tay
trắng, có người may ra được vài chiếc lông đuôi. Ta đã săn đuổi làm con chim hoảng
sợ. Nhưng phúc phận của ta may sao còn giữ được 17 chiếc lông. Đừng tham lam.
Các con nên nhớ con số 17 là chỉ số cùng cực phúc hạnh của một đời người”.
Không có gì tuyệt đối cả! Lý tưởng thẩm mỹ cũng vậy. Nó ấp ủ trong ta, thôi
thúc ta hướng tới những chân trời cao đẹp. Còn đạt tới mức hoàn thiện hoàn mỹ
ư? Khó lắm! Hãy bằng lòng với tất cả những gì mình có sau những nỗ lực bền bỉ
vượt bậc để vươn tới. Nghe chuyện cũ dường như quá tầm nhận thức của không ít
người này, tôi chợt nhớ phản ứng tự nhiên của nhân vật Trần Thủ Độ. Ông ta
không thể nào tin được: “Có ai lại ốm tương tư vì một con chim!”. Cũng phải thối!
Trần Kồ buộc phải giải thích: “Chín người mười thích. Ai đam mê cái gì thì
tương tư cái ấy. Sao đệ cứ muốn mọi người đều đam mê như nhau, đều tương tư
cùng một thứ”. Sự khác biệt căn bản giữa hai người có lẽ nằm ở chỗ đó chăng!
Chỉ có điều, trong một thời
gian dài, dễ chừng phải tới hai mươi năm kể từ loạn Quánh Bốc, tập Trường
thiên trích quái tiếp theo của Trần Kồ, buồn thay, vẫn còn nằm ngẩn ngơ
trong dự định chờ đợi nét bút lông Nôm tài hoa kia. Năm tháng chảy về đâu? -
đôi lúc ông băn khoăn tự hỏi. Bao trăn trở thức dậy: “Thời gian tượt qua kẽ tay
như dòng bụi không tiếng động. Con người bươn chạy theo những sự việc hàng ngày
tưởng như cần thiết”. Trong khi trên thực tế “ngọn bút không chọc vào mạch sống
xốn xao của hoài vọng và càng ngày càng ngẩn ngơ trong nỗi hối tiếc mỏi mòn”. Tại
sao ư? “Phải chăng vì ngẫu nhiên mình đã quá tận tuỵ với tình bằng hữu của Tự
Khánh?” để chạy theo những đòi hỏi mang tính nhất thời của chính sự. Tiếng nói
biện hộ tự sâu thẳm bên trong kịp cất lên: “Không, không phải thế!”. Cứ như có
một con người khác trong ông lên tiếng phản bác vậy. Có điều, cuối cùng Trần Kồ
cũng phải thú nhận: “Cái này ràng buộc cái kia”. Một câu hỏi như lời tự thú đột
nhiên xuất hiện như một tất yếu: “Tôi có được tự do đâu?”. Lời của Trần Thị
Dung được nhắc lại đúng lúc có giá trị như một sự cứu rỗi: “Phải tự do ngay với
tự do của mình”. Câu nói như một châm ngôn sống động có sức giải phóng thật lớn
lao.
Tuy nhiên, tự sâu xa trong bản
chất, dù ít dù nhiều, Trần Kồ vẫn khác biệt với Trần Thị Dung. Ông cậu Tô Trung
Từ nói với bà Dung khi Thái tử nhà Trần có ý định cầu hôn thế này: “Cháu cần hiểu
rằng Thái tử cưới cháu không như cưới một người thường… Vì vậy từ trang điểm ăn
mặc đến đi đứng nói năng cháu phải tỏ ra khác người”. Câu giải thích liền sau
đó như nói với chúng ta tất cả: “Điều này quan hệ đến tương lai của cháu và của
dòng họ”. Rồi nàng thành thật bộc bạch với An Ly: “Như vậy chị không còn là chị
nữa. Chị phải ưỡn ẹo lượn lờ màu mè đóng vai tiên nữ như một con hát cửa đình.
Trời ơi! Sao nhục nhã đến thế này”. Có thể đó là tâm trạng thật. Nhưng phần chắc
chỉ là tâm trạng nhất thời: “Là nàng tiên, chị phải sắm vai nàng tiên để xứng
đôi với ông hoàng tử thiên thần”. Đối với bà, khi chiếc đu nhao về phía nào thì
ở đó chính là lẽ phải. Vậy khi lấy Hoàng tử Sảm đâu phải là trái mà lúc cưới Trần
Thủ Độ cũng nào phải là sai. “Bà không buộc mình vào cột buồm của bất cứ tín điều
nào”. Nhưng đâu phải bà đã được hoàn toàn giải thoát để có tự do đích thực! Suy
cho cùng, bà chỉ biết để con người tự do của mình lên tiếng tùy nơi tùy lúc và
cho phép nó toàn quyền phán quyết xem đâu là phải, đâu là trái. Bà tuyệt đối
không bao giờ để cái lẽ phải nhất thời bé mọn như “móng tay” ấy biến thành “lẽ
phải của toàn thân”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong vụ Cửu Liên, Trần Thị Dung
sau khi sinh công chúa Thuận Thiên liền được sắc phong hoàng hậu. Ông cả Trần
Thừa được vua Huệ Tôn cho giữ chức Nội thị phán phủ, ông Hai Trần Tự Khánh được
mời làm Thái úy phụ chánh, còn Trần Thủ Độ được giao chức Phó Điện tiền. Hình
như nhà văn Hoàng Yến đã đúng khi viết: “Bước chân lịch sử bao giờ cũng chấp
chưởng, xiêu vẹo, như bước chân một cô gái đỏng đảnh say men”. Hơn thế nữa, Trần
Cảnh con Trần Thừa sau này đã lấy cháu mình là Lý Chiêu Hoàng rồi lên làm vua
trong tấn kịch “nhường ngôi” phải nói là khá kệch cỡm. Rồi, điều này mới vượt
xa trí tưởng tượng của không ít người, khi Huệ Tôn chết, hoàng hậu Trần Thị
Dung bị giáng xuống làm công chúa Thiên Cực trước con mắt sửng sốt của bách
quan. Để rồi chỉ mấy ngày sau, công chúa được nhà vua đem gả cho Thái sư Trần
Thủ Độ. Khi ấy mới vỡ ra mọi chuyện. Lòng người thật khôn lường. Bà nói với An
Ly lúc đã quá tuổi 30 rằng: “Trước kia vì họ Trần mà anh Độ với chị phải xa
nhau, nay cũng vì họ Trần mà lấy nhau”. Không thật thuyết phục lắm đâu. Chân lý
chưa khi nào lại nảy sinh một cách tuỳ tiện như vậy cả. Cũng chẳng thuyết
phục gì hơn khi bà bảo: “Chị đổi cả triều đình để được sự có mặt của anh Kồ
trong buổi lễ hôm nay”. Nghe cứ giả giả nơi đầu môi chót lưỡi thế nào ấy!
Nhưng nhân vật đối trọng trực
tiếp với Trần Kồ chắc không phải là Trần Thị Dung mà là Trần Thủ Độ. Hãy nhìn lại
con đường làm quan của ông. Đầu tiên, ông chỉ là Tổng quản các đội thuyền buôn
của Ấp Hải. Đáng nhớ nhất ở ông nằm trong đôi bàn tay, đúng với nghĩa của từ
“Thủ” nơi chữ lót. Nó không theo nghĩa “tay” mà theo nghĩa “nắm” hoặc “giữ”.
Đôi bàn tay gần như dị dạng “to bè, ngón ngắn củn, vuông vắn như tấm bánh
chưng”. Người đời đồn rằng “đôi bàn tay thằng bé đã nắm chặt cứng lại khi còn
trong bụng mẹ và lúc cu cậu lọt lòng ra người nhà không ai gỡ nổi”. Đôi bàn tay
đó một khi đã nắm được vật gì thì trời có muốn gỡ cũng không chịu buông ra. Hai
nhân vật, hai xu hướng “chẳng có điểm gì giống nhau” cả: “Một đằng tính khó đăm
đăm lại dốt chữ, một đằng chữ nghĩa đầy mình mồm mép nhênh nhang”. Người ta kể,
lúc Trần Thủ Độ đầy năm, nhà làm lễ tuổi tôi, bày ra đủ thứ dụng cụ để thằng bé
chọn nghề. Đứa trẻ “gạt phăng bút nghiên sang một bên”, “mắt chăm chăm nhìn về
một phía” để “cuối cùng cu cậu đưa tay với cái bay thợ nề”. Khi lớn lên cậu rất
chểnh mảng chuyện học hành, cắp sách bữa đực bữa cái, “có mắng lắm mới nhét được
dăm ba chữ vào bụng”. Do vậy, Trần Thủ Độ sau này rất ghét bọn nho sỹ mà ông ta
gọi họ là “những con công múa chữ”. Mới gặp, do mặc cảm về học vấn nên Trần Thủ
Độ tỏ ra khá lạnh nhạt với Trần Kồ. Nhưng hai người nhanh chóng gần nhau ở tính
thẳng thắn bộc trực gần như bẩm sinh. Nói như tác giả: “Hai người như lật ngửa
hai bàn tay soi mặt vào nhau để nhận ra nhau”. Trần Thủ Độ dần dần nhận ra Trần
Kồ là “một con người khí phách chứ không phải nói phách”. Đặc biệt, con người
ít học này nhận thấy ở ông cái “sức quyến rũ” bao la “như biển khơi”. Chẳng thế
mà Trần Thủ Độ có thể ngồi nghe ông nói hàng giờ liền, chăm chú đến nỗi mặt như
“treo lên miệng người kể”, “thả tâm trí chu du trong thế giới lạ lẫm của sách vở
cũng bao la đa dạng như biển cả”. Tuy thế, Trần Thủ Độ là mẫu người nếu có “đọc
thiên kinh vạn quyển” thì vẫn chỉ là một “kẻ vô học”. Những người này “khư khư
giữ sự hiểu biết cứng nhắc của mình như hòn đá tảng đeo chân”. Bởi, sự học đích
thực, theo nhà văn Hoàng Yến, “là phải ý hội và vận dụng”. Thậm chí, nếu so
sánh với một người tưởng chỉ là kẻ võ biền như Nguyễn Nộn thì Trần Thủ Độ cũng
nhiều phần khác. Chẳng phải Nguyễn Nộn từng yêu thích giống khướu bạc má vỡ giọng
nhờ vẻ bách thanh của nó đó sao? “Nó hót rời từng tiếng. Không tiếng nào giống
tiếng nào. Trong giọng nó có đủ giọng”. Trong hoàn cảnh đặc biệt hữu duyên hữu
số ấy, giữa Trần Kồ và Trần Thủ Độ hình thành nên một mối tình huynh đệ. Nhưng
chẳng ai quên bản tính của họ khác nhau một trời một vực. Như sự thổ lộ thẳng
thắn của Trần Kồ: “Huynh là kẻ sỹ dù là danh sỹ cũng là cái thá gì trong một xứ
chỉ thích làm quan”. Có chút dư vị ngậm ngùi nhưng khó lòng phản bác cho nổi.
Ý đồ nghệ thuật của Hoàng Yến
thêm một lần thuyết phục bởi cái nhìn không hề giản đơn một chiều của một nhà
viết tiểu thuyết hiện đại bậc thầy. Nhân vật Trần Tự Khánh đem lại sự dung hoà ấy.
Có thể nói, ông là mẫu hình chính khách mà người nghệ sỹ chân chính mọi thời mọi
nơi từng ao ước. Hai Khánh là người “duy nhất không xa lạ với lối viết” của Trần
Kồ trong tác phẩm Trường thiên trích quái. Bởi giữa họ có một mối đồng cảm
thật lớn lao: “Chàng Hai ước mơ đem cái ánh vàng của lúa chín mạ lên cảnh nghèo
khổ của dân. Còn Trần Kồ muốn gieo rắc những hạt bụi vàng của văn thơ lên chiếc
xích tháng năm xám xịt của cuộc đời”. Với người nghệ sỹ này thì “viết không có
chấm câu, chấm câu tự người đọc tìm lấy”. Đáng nói nhất là “viết không trò tiểu
xảo, không bàn tay thợ khéo, không lạc vào hoa hòe hoa sói”. Cao hơn nữa, “viết
là trải một chân mây bát ngát, bên kia mọi nghĩa, bên kia mọi trời”. Người đọc
không quên đoạn văn lột tả tư chất văn chương hiếm hoi tiềm ẩn nơi Trần Kồ:
“Coi khinh mọi khuôn phép văn chương cung đình, Trần Kồ hiểu sâu sắc rằng những
nghĩa đẹp ý hay là những con chim không gian. Đem nhốt chúng vào lồng chữ
nghĩa, dẫu có xòe hết cánh cũng không sao cất mình bay cao được. Phải phá cách,
phá nghĩa. Phải biết đánh giá và tận dụng cái ma lực của tượng thanh trong tiếng
nói, cái bè đệm nhạc tính của từ ngữ và nhất là ma lực của các khoảng trắng
trên trang giấy, những khoảng trắng giữa hai chữ, hai dòng chữ, những khoảng trắng
lặng biết diễn cảm, biết bật nói, bật khóc, bật cười, như qua một móng tay thấy
cả một cánh tay thậm chí cả một con người, như trong một sợi tóc dài có cả một
mùa đông”. Những trang văn nồng nàn và bay bổng nói với ta về những phẩm chất của
thứ văn chương đích thực có cơ hội trở thành “cảo thơm” lưu danh muôn thuở. Ông
Hai cẩn trọng giữ gìn các tập sách ấy như bảo tồn hương thơm của văn thơ và
tình người là vì thế. Ông không chỉ đồng cảm chia sẻ mà trong thực tế còn trở
thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho Trần Kồ khi bất ngờ gặp phải những cơn
giông gió trong cuộc đời cũng như trong văn chương. Mỗi khi Trần Kồ “cảm thấy
toàn thân bức bối như cảnh con chim trời sa bẫy”, “linh hồn chàng như gào lên
đòi thoát ra khỏi những sợi giây ràng buộc vô hình” thì “ánh nhìn tin yêu ấm áp
của chàng Hai” có sức mạnh “xóa tan ngay” những cảm giác khó chịu ấy.
Giữa hai người thật sự nảy nở
mối cảm thông bởi thứ lương duyên vô cùng đặc biệt. Và cũng thật hiếm có. Trần
Cồ biết Phật của Trần Tự Khánh “không ở trong tiếng mõ hồi chuông, câu kinh lời
kệ” mà “nằm sâu trong chất người của chàng”. Khi đảm đương trọng trách Thái uý,
mối lo chính của ông là ở sự chăm chú vun đắp cho thật bền thật chắc cái “gốc rễ”
sâu xa. Nằm ở đâu vậy? “Khánh nghiệm thấy ông vua nào lên cũng nói lòng dân ý
dân là cái gốc của đạo trị nước… Nhưng chỉ nên coi đó là lời hoa mỹ trong một
phút người của một ông vua. Những lời ấy vua không nên nói trước dân chúng mà tốt
hơn nên bộc bạch trước bàn thờ Phật. Vì lời nói và việc làm của kẻ trị vì thường
không đi đôi. Họ có thói quen nhắm mắt lại khi nói và mở to mắt khi làm”. Nghĩ
vậy nên Trần Tự Khánh chú tâm làm nhiều mà nói ít. Sự nghiệp trong lòng dân sẽ
nói lên tất cả về người trị nước. Như lời khuyên của bố ông: “Con phải
đem cái phúc của một tộc họ ra ngoài thiên hạ. Muốn thế cần phải tích trữ lương
thực bố thí lòng nhân”. “Lương thực” ở đây cố nhiên không chỉ là của cải vật chất
mà cao hơn là “cái vết tích tinh thần, cái công đức của con người để lại cho đời”.
Vậy với 7 năm cầm cương chính sự, ông đã “tích trữ” được những gì? Đêm đêm, qua
những tờ biểu tấu, những đơn kiện tụng, những cáo trạng, những sớ kêu oan, ông
“nghe tiếng rên xiết của dân lành như dội vào ngực”. Nào ông đã làm được bao
nhiêu đâu theo ý nguyện của mình và của các bậc tiền bối. Vì vậy, ông thường tỏ
ra “ngao ngán thở dài” và “”cảm thấy như mình đang cố vớt một mảng trời xanh
trên mặt nước sông buồn”. Trong giờ phút hấp hối, nổi lên trong lời di huấn của
ông là: “Lấy lễ lớn mà đãi, lấy thưởng hậu mà dụ”. Ai có thể nghĩ, nhất là có
thể làm được theo lời ông đây? Một thoáng hoài nghi trong đôi mắt của người sắp
ra đi. Nên ông cố thu tàn lực để nói đôi lời cuối cùng rồi rơi vào vực thẳm hôn
mê. Mọi người gắng căng tai để nghe cũng chỉ nhận biết được những tiếng thì
thào đứt quãng: “Tránh đổ máu”. Không ngạc nhiên nếu cái chết của Trần Tự Khánh
có lúc đã khiến cho Trần Kồ “như mất phương hướng”. Bởi, dẫu sao “chàng đang
tìm, chàng muốn biết”. Nhưng biết gì đây? “Chính chàng cũng chưa rõ”. Trong mâu
thuẫn rối vò: “Mà xưa nay có ai sung sướng vì biết bao giờ. Biết lắm khổ nhiều,
thêm lo nhiều”. Tự nhiên, chàng quyết định “đi lại giữa ánh sáng” vây quanh.
“Nhưng ánh sáng không giúp chàng soi sáng cái điều còn mù mờ trong đầu óc. Cuối
cùng chàng hiểu ra rằng chàng đang cố gắng một cách vô ích xé toạc phong thư
niêm kín của thời gian để biết những gì xảy ra trong mai hậu”. Dẫu vậy,
đã mấy ai thoả nguyện được như ông!?
Viết đoạn kết của cuốn tiểu
thuyết, Hoàng Yến hầu như huy động tất cả bút lực tiềm ẩn để chuẩn bị cho một
cuộc gặp gỡ mà đúng hơn là một cuộc đụng độ quyết liệt sau cùng giữa Trần Kồ và
Trần Thủ Độ. Đoạn văn đầy chủ ý được viết kỹ lưỡng tới từng câu từ, từng chi tiết
vì vậy được nâng lên một tầm cao chưa từng có về mặt ý tưởng cũng như về mặt lịch
sử. Đặc biệt rất giàu kịch tính. Có thể nói, văn chương ta xưa nay chưa từng có
một cuộc xung khắc nào kín kẽ mà lại gay cấn, quyết liệt trong vẻ âm thầm, lặng
lẽ một cách tự nhiên đến thế. Vào cuộc, một ý nghĩ chợt đến trong trí não có
chiều xao xuyến của Trần Kồ: “Nhà! Chàng làm gì có nhà”. Bởi: “Nhà nào chứa đựng
được khát vọng chân mây của chàng?” Cố nhiên, nên hiểu khái niệm “nhà” ở đây
theo nghĩa rộng. Trong khi chờ đợi Trần Kồ, dòng suy tưởng thư thái chảy đều đều
trong đầu óc như hoàn toàn mãn nguyện của Thái sư Trần Thủ Độ: “Ngồi lặng im ngắm
nghía niềm hoan hỉ của mình. Cuộc sống của ông thanh đạm không tham phú quý,
không nghiện rượu chè trầu thuốc. Có lẽ cái thú độc nhất trong đời ông là được
ngồi một mình nhấm nháp lại những thành quả của ông trên đường chính sự. Trong
ông mọi ham muốn của bản thân đều kiềm chế được, duy cái thói đam mê quyền lực
là ông thả nổi cho nó mặc sức vẫy vùng, vô thức như làn khói trầm cuộn khúc bay
cao, lên cao, cao mãi”. “Cái thói đam mê quyền lực” hầu như tuyệt đối và vô tận
ấy ẩn chứa vô vàn tai hoạ. Cho mình và cho người. Nó mãi mãi là bài học cảnh tỉnh
cho mọi loại chính khách nhỏ to, xưa cũng như nay…
Mở đầu, hai người nhắc tới
cái chết của Nguyễn Nộn với hai chiều suy nghĩ khác nhau. Xung đột bên trong bắt
đầu khơi nguồn từ đó. Trần Kồ đâu cho là “công lao” như cách nhìn nhận của Thái
sư: “Tiểu huynh chỉ biết làm tròn lời hứa với người đã khuất”. Hoàn toàn được
hiểu theo ý nghĩa đạo lý. Nên lưu tâm tới cách xưng hô: vẫn là “huynh” nhưng giờ
tỏ ra khiêm nhường hơn là “tiểu huynh”. Trong con mắt ông, Trần Thủ Độ “ngưng lại
một vẻ thờ ơ xa vắng”. Câu hỏi đầu tiên của ông vang lên như hướng thẳng tới
người đối thoại nhưng với một vẻ “mệt mỏi” hiếm thấy: “Huynh cứ tưởng khi con
người đã biết trồng trọt chăn nuôi thì phải nghĩ nhiều đến vun trồng nuôi dưỡng.
Sao lại cứ phải giết nhau?”. Ông không ngờ mình nhận lại một lời đáp lạnh lùng
đến thế: “Vì mình không giết nó, nó sẽ giết mình”. Lý lẽ thẳng thớm, không hề
vòng vo, úp mở đến mức nghiệt ngã. Phải chăng đây là lối ứng xử điển hình cho
chính giới? Những đoạn đối thoại sau đó được tác giả có ý thức nâng lên tầm mức
khác, cao hơn nhiều. Hỏi: “Thế đến bao giờ con người mới khỏi phải giết nhau?”
(Câu hỏi thấm đẫm tinh thần nhân bản mà văn chương, nghệ thuật chân chính đời
nào và ở đâu cũng luôn đề cao). Đáp: “Khi trên mặt đất không còn con người nữa”.
Ôi! Đến thế thì vô tình mà sát ván quá! Biết là xung đột có thể bùng lên dữ dội
nên Thái sư chủ động dò hỏi: “Nhưng tại sao huynh lại hỏi đệ điều ấy?”. Đáp:
“Vì huynh không hiểu tại sao Thái sư phải giết Lý Huệ Tôn”. Một sự thật gắn với
một tội ác rất khó biện minh. Với thói quen bao biện thường thấy, Thái sư cho rằng
nguyên nhân của lưỡi gươm vung lên là vì sự tồn vong của cả vương triều, ở chỗ:
“Họ Lý đâu chịu nằm dưới yên”. Và không chỉ có thế: “Thà đổ máu một ông vua còn
hơn sau này đổ máu bách tính”. Sự biện bạch có nguy cơ đẩy xa hơn, nhưng càng
chủ động đẩy xa thì càng có nguy cơ lầm lẫn hồ đồ. Trần Kồ cương quyết không
cho là vậy: “Nhưng đây là dòng vua đã xuống ngựa, một ông vua đã ở dưới yên. Ai
lại đi giết một kẻ đã ở dưới yên?” Lý lẽ sắc như dao. Hơn thế: “Máu của vị vua
là máu của lịch sử, không thể đem ví với máu của bách tính được”. Ông chủ động
nắm thắt lưng đối thủ để tiến công. Liên tiếp tấn công. Rồi ông đưa ra lời khẳng
quyết chắc như dao chém đá: “Đó là một tội ác”. Như một lời tuyên cáo. Trước
lương tri. Và đâu chỉ có vậy, đúng hơn là trước lịch sử. Không thể biện hộ.
Không một ai có thể biện hộ. Bị đẩy vào thế yếu, thế bí, Thái sư vẫn cố biện
minh: “Đệ nghĩ, đệ làm một cái ác nhỏ để đưa lại một cái thiện lớn cho thiên hạ”.
Rất cố chấp. Và lỳ lợm. Nhưng điểm cốt lõi nắm ở chỗ có cần thiết thực thi cái
ác như thế không? Trần Kồ trước sau cho rằng đây là “một cái ác không cần thiết’.
Thậm chí “chẳng ích lợi gì cho ai cả”. Trừ phi “có ích cho ông và nàng Dung”.
Ván bài đến đây đã được Trần
Kồ thẳng thừng lật ngửa ra trong nỗi lo ngại có thật vì ông cố ghìm lời nói
trên môi mà không được. Ấy là lúc ông chợt nhìn thấy đôi bàn tay to bè của Trần
Thủ Độ “xoè ra như nải chuối mắn rồi nắm lại như nắm chắc từng tiếng nói buông
ra rành rọt: Đệ là người làm chính sự đệ phải phòng xa lo diệt trừ hậu hoạ”. Có
cảm giác đỉnh điểm của cuộc xung đột đã tới. Trần Kồ cười to, đắc thắng bằng việc
vạch trần cái đích đến của những người chỉ quen với mưu mô của kẻ làm chính sự:
“Thái sư muốn cạo trọc đầu để khỏi mất công gội tóc. Đó là cách làm giản tiện
nhất”. Chỉ có điều ông không nói hết thâm ý “đồng thời hèn nhát nhất” mà thôi!
Ai rồi cũng sẽ nghĩ như Trần Kồ: “Mai sau lịch sử sẽ lên án”. Và câu nói chắc sẽ
đi vào lịch sử đột nhiên cất lên từ chính miệng viên Thái sư: “Đệ chỉ biết làm
cái việc đệ thấy phải với mình, còn lịch sử là thằng nào mà dám bình phẩm phải
trái”. Tôi vừa dùng từ “đột nhiên”. Nhưng nếu đặt trong tương quan toàn cảnh
thì phải nói là “tất yếu”. Chỉ có điều nó quá thô thiển, không, phải nói là thô
bạo quá. Câu nói ấy sẽ còn vang lên từ mọi phía, cả bên này lẫn bên kia với những
dụng tâm khác nhau, nhưng đều nổi bật bởi tính điển hình hiếm có trong mỗi cảnh
huống. Chẳng thế mà trong đầu Trần Kồ chợt vang lên ý nghĩ sau về đối thủ: “Đây
mới chính là thiên tử”, nhưng chỉ là “một vị thiên tử không có mũ bình thiên”.
Thế nhưng, với bản tính vốn có, sự kinh bạc cố hữu trong ông như không kìm giữ
nổi đã trỗi dậy khiến ông “cười ròn rã”, vì “ngu huynh đang nghĩ… không biết
bao giờ Thái sư lấy đầu kẻ sỹ này”. Một ý vị chua chát thấm sâu tới từng lời. Vậy
nên, đến lúc này, việc Trần Kồ nhận lời ra làm quan cho triều đại mới chỉ còn
là một dự tính xa vời. Không lạ nếu Trần Thủ Độ “ngẩn ngơ nhìn một cách bất lực
con người không ham muốn gì hết ngoài tự do của mình”. Ông ta vừa bực bội vừa
khâm phục khi buông ra một nhận xét, đúng hơn là một lời than thở: “Giữa huynh
với đệ chẳng khác gì giữa âm với dương”. Thế nhưng, chính giữa lúc này lại vang
lên lời nhắc nhở chứa nhiều hàm ý của Trần Kồ: “Thái sư thấy giữa âm dương có
bao giờ triệt hạ sạch nhau không?”. Một triết lý phương Đông đã và mãi tồn tại.
Giữa vũ trụ bao la. Và trong xã hội bất tận. Kết thúc cuộc đối thoại là cảnh kiệu
bà Dung trở về, với câu nói dứt khoát, đầy quyền uy: “Ông ấy mà giết huynh em sẽ
không để ông ấy sống yên đâu!”. Đó cũng chính là động lực thực tế để Trần Kồ bộc
lộ ước muốn về quyền hạn của mình - “Quyền được cãi lại Thái sư khi thấy sai”.
Trần Thủ Độ chỉ còn biết gật đầu chấp thuận dầu có phần khiên cưỡng: “Nay huynh
muốn đi ngao du, đệ không ngăn cản. Chỉ mong huynh thấy ở đâu còn có gì oan ức
bất bình, huynh cho đệ biết. Họ Trần muốn có được sự công minh”. Giọng điệu nhiều
phần đãi bôi như đã và từng thấy xưa nay trong những hoàn cảnh tương tự…
Gập cuốn tiểu thuyết lại, ý
nghĩ của Trần Kồ về sự bất tử của tháp Báo Thiên cứ như ám ảnh mãi tâm trí của
những người đọc tinh hoa: “Liệu nó còn đứng mãi được trong muôn đời sau không?
Ai lường được cuộc đời dâu bể, ai biết được những kiếp nạn đao binh của một dân
tộc… Nhưng cho dù mỗi viên gạch in bốn chữ Long Thụy Thái Bình của nó tan vụn
không còn một nét chữ, dù cây tháp đổ nát trở thành tro bụi trên nền tháp hoang
tàn, vẫn còn một cái gì đấy, vẫn lưu lại một cái gì đấy bất diệt bất biến”. Đó
chính là hình ảnh bóng tháp như “cái cổng lên nhà Trời”. Hay nói chính xác hơn
đó là “cái chí khí mở cổng Trời, cái ý chí chọc một lỗ thủng mở-chân-mây cho trời
Đại Việt. Dù mai sau có biến đổi, cái ấy vẫn còn nguyên không bao giờ bị hủy diệt”.
Với ý nghĩa ấy, nên chăng có
thể xem cuốn tiểu thuyết Chân mây khép mở đích thực là một tuyên ngôn
nghệ thuật giàu minh triết mà đầy quả cảm của nhà văn Hoàng Yến?
* Tất cả những đoạn trích
trong bài viết đều rút ra từ bộ sách này. Đà Lạt, Xuân Quý Tỵ
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét