Dõi theo lý thuyết tiếp nhận
văn chương cực kỳ phong phú và phức tạp xưa nay rất dễ nhận ra sự khiếm khuyết
sau: mới chỉ có dạng thức tiếp nhận tác phẩm được chú tâm nghiên cứu
và ứng dụng. Điều này thực ra không khó hiểu cho lắm. Nếu thu hẹp phạm vi văn
chương chỉ còn là những hiện tượng thì bao giờ cũng phải coi tác phẩm là hiện
tượng văn chương đầu tiên, cơ bản và luôn luôn giữ vị thế trung tâm. Bởi một lẽ
giản dị là từ tác phẩm mới có những hiện tượng văn chương khác như tác giả, xu
hướng, trường phái, giai đoạn, thời kỳ hay nền văn chương… Các hiện tượng này
sau khi được phát sinh trên một nền tảng tương đối thống nhất đều xoay quanh
tác phẩm và đều coi tác phẩm là hạt nhân. Tiếp nhận văn chương bao giờ cũng coi
trọng tiếp nhận tác phẩm là vì thế. Tuy nhiên, nếu xem xét thật bao quát
và thật cặn kẽ thì một khi đã tồn tại nhiều hiện tượng văn chương thì
tất phải có nhiều dạng thức tiếp nhận văn chương. Nói khác đi, có bao nhiêu hiện
tượng văn chương điển hình thì cũng có bấy nhiêu dạng thức tiếp nhận cơ bản
tương ứng. Như vậy, về mặt lý thuyết, hoàn toàn có cơ sở để nói tới các dạng thức
như: Tiếp nhận tác giả, Tiếp nhận giai đoạn, Tiếp nhận nền văn chương, Tiếp
nhận các trào lưu, trường phái văn chương, v.v… Khác với tiếp nhận tác phẩm khi
nào cũng hướng tới tính cụ thể của đối tượng, các dạng thức tiếp
nhận vừa nêu mang đặc điểm chung nhất là thường tiếp cận đối tượng một
cách bao quát (Phải trên cơ sở tiếp nhận tác phẩm, cố nhiên!). Dễ là ở đó,
mà khó cũng nằm ở đó. Nếu không biết cách và không có khả năng kết hợp với tiếp
nhận tác phẩm, các dạng thức tiếp nhận này dễ chông chênh hoặc dễ vu khoát.
Chông chênh thì thiếu/ kém/ không thuyết phục. Còn vu khoát thì lại trở nên vô
ích, vô bổ. Bài viết tập trung phân tích dạng thức tiếp nhận tác giả lấy
sự đối chiếu với đời sống văn học trong và ngoài nước làm hướng đi chính.
Rất dễ nhất trí, tiếp nhận
tác giả là dạng thức tiếp nhận bao quát, toàn diện, không chỉ phân tích mà còn
lý giải, không chỉ nhận diện mà còn đánh giá. Yêu cầu chung nhất quán là cần phải xác
đáng - mọi ý kiến lớn nhỏ phải có cơ sở lý luận và thực tế, khái quát
cao - hết sức tránh sa đà, vụn vặt, đồng thời mang tính phát hiện -
so với những tiếp nhận trước đó do tư liệu mới, cách nhìn mới, phương pháp tiếp
cận mới… Các khuynh hướng phổ biến nên tránh đã được nhiều bậc thức giả nhắn nhủ
người và nhắc nhủ mình gồm “trọng xưa khinh nay”, “trọng ngoài khinh trong”,
“trọng xa khinh gần”, “trọng danh khinh tiện”… xin miễn bàn thêm. Tôi chỉ nhấn
mạnh tới hai thói tật “trọng tử khinh sinh” và “trọng nạn khinh thường” khá lan
tràn trong đời sống văn học ở ta hiện nay. Thói “trọng tử khinh sinh” thì quá
rõ rồi! Lúc sống, các nhà văn, kể cả những nhà văn có những đóng góp thật sự,
thường ít được công luận đề cao hơn là khi họ đã mất. Hình như người đời có
thói quen vô cùng thận trọng với những tài năng đương ra hoa hoặc mới kết trái,
nên rất dè dặt khi cần đưa ra những nhận xét chung về văn nghiệp của họ. Tình
hình xem ra có khác khi một nhà văn không may vừa qua đời. Trước sự mất mát, tiếc
thương quá lớn, người còn sống, nhất là các đồng nghiệp thường thiên về ngợi
ca, trong đó không thiếu lối nói, lối viết mang đậm phong cách “thậm
xưng”. Những lời thống thiết trong điếu văn là một bằng chứng. Hoàn toàn
có thể hiểu được! Trừ những trái tim gỗ đá thì chẳng một ai lại lên tiếng trách
cứ cả. Nặng lời lại càng hiếm. Tuy nhiên, chớ nên lạm dụng những đánh giá kiểu
đó, nhất là trong những luận văn mang tính học thuật nghiêm cẩn. Chuyên luận
khoa học lại càng nên tránh. Thói tật tạm gọi là “trọng nạn khinh thường” cũng
đáng phàn nàn không kém. Rõ nhất là đối với những hiện tượng văn chương từng có
“vấn đề” này nọ trong quá khứ. Bước vào thời Đổi mới ở ta, sự nghiệp văn chương
của họ được nhìn nhận lại, thường đi cùng với thái độ bao dung hiếm thấy. Để bù
đắp phần nào sự thiệt thòi do “số phận” nghiệt ngã của nghiệp văn vận vào họ đấy
mà! Rất nhiều ưu ái! Rất nhiều cởi mở! Có thể cảm thông, nhưng chỉ một phần nào
đó thôi. Mọi sự nên có chừng có mực. Vượt quá giới hạn cần có dễ trở nên lố bịch.
Thiết nghĩ, mọi giá trị văn chương đích thực bao giờ cũng được đo bằng những
tiêu chí chung phổ biến và bền vững. Quyền ban phát lời khen là thuộc về anh,
nhưng tin hay không, tin đến mức nào lại còn thuộc về người nghe. Hơn thế, còn
thuộc về lịch sử công minh và dài lâu nữa. Và, điều này thì khó, nếu không muốn
nói là không thể, đoán định cho nổi… Sau đây, tôi đi vào xem xét một số vấn đề
nổi cộm nhất từ hình thái tiếp nhận tác giả.
1. Những “nghịch lý”
không khó thấy
Mỗi dạng tiếp nhận văn
chương, bên cạnh yêu cầu chung, lại có những đòi hỏi riêng cùng những “nghịch
lý” riêng. Xin nêu một vài trong muôn một.
Tiếp nhận tác giả, ở một
góc độ nào đó, thường phức tạp hơn so với tiếp nhận tác phẩm. Ngoài những
nguyên cớ thuộc về văn chương, việc nhìn nhận nhà văn nhiều khi còn bị chi phối
bởi những nguyên cớ liên quan tới tính cách và cuộc sống riêng của họ. Đánh giá
hài hòa giữa đời sống riêng với cuộc sống chung, giữa sự nghiệp “lập ngôn” với
“lập đức” và “lập công” ở một người bình thường vốn đã không dễ. Với nhà văn
càng khó gấp bội. Bởi, như các nhà nghiên cứu thường khái quát, nhà văn là
con người “hiện thực” hơn bất cứ một loại người nào khác. Đặc biệt, do phải vắt
kiệt mình cho sáng tạo nên hình như nhà văn rất ít quan tâm tới đời thực. Sinh
thời, Nguyễn Khải từng khuyên người đời chớ nên quá gần gũi với nhà văn làm gì,
chỉ toàn rác rưởi thôi, mọi tinh hoa họ dồn cả vào tác phẩm mất rồi! Cách nói
hơn thái quá, nhà văn mà, nhưng không phải không có điều khả dĩ chấp nhận được.
Cái khó trong tiếp nhận tác giả nằm ở chỗ, phải hiểu con người tiểu sử của họ,
càng nhiều càng hay, riêng với những nhà văn cùng thời, nếu có điều kiện tiếp
xúc trực tiếp với họ là tốt hơn cả. “Văn tức là người”, hiểu người hỗ trợ cho
hiểu văn. Thế nhưng, biết nhiều - cả cái hay lẫn cái dở, nhất là gần gũi nhà
văn quá lại thường bị cái yêu cái ghét thường tình chi phối. Vượt thoát được là
khó lắm. Cho nên, lúc tìm hiểu thì cần phải gần, sát sạt càng tốt, nhưng khi mổ
xẻ, đánh giá thì lại cần lùi xa ra, có gián cách mới mong khách quan cho nổi. Vậy
mà vẫn khó tránh khỏi lầm lạc. Vì, nói gì thì nói, chuyện văn chương cũng chỉ
là chuyện con người đấy thôi. Ai dám nói là có thể vượt thoát khỏi bản thân
mình? “Chỉ bằng một bước mà bước không qua, là gì vậy?” Cái bóng của chính
mình. Câu đố dân gian quả là thâm thúy!
Xin nêu một dẫn dụ: sự nghiệp
của nhà văn E. Poe. Ở Mỹ, R. Griswold - nhà viết tiểu sử đầu tiên và người quản
lý văn chương sau khi E. Poe qua đời lại ứng xử với nhà văn “như một kẻ thù ác
cảm nhất” do “đã chọn cách bôi bẩn ký ức về Poe”, bằng việc “lên án ông là cư xử
bất lịch sự, là nghiện rượu không tha thứ được, là rất đáng khinh thường”. Đáng
tiếc là dẫn chứng thiên lệch của ông này về thói tật của E. Poe nói chung “được
tin là thật”, và trên thực tế đã “tạo ra quanh Poe một bức màn tiếng xấu” nên
đã góp phần “làm nản lòng công chúng Mỹ vốn khe khắt về đạo đức” khi muốn đến với
các tác phẩm của ông. Ấn tượng xấu của R. Griswold mặc dầu bị công luận xem chỉ
là “lòng hận thù ghen ghét” với E. Poe vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiếp nhận
toàn bộ văn nghiệp của ông không chỉ ở Mỹ (1, tr.118&119). Trong lịch sử
văn chương nhân loại, E. Poe không hề là một ngoại lệ. H. Melviller (1819-1891)
là một trường hợp khác tiêu biểu không kém. Được xem là một trong những tác giả
nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỷ XIX, nhưng bản thân ông lại không may mắn
chứng kiến tài năng của mình được thừa nhận. Gần đây cuốn Tiểu sử
Melviller của E. Hardwich được xuất bản, đã kể về cuộc đời sôi động mà
cũng đầy bi kịch của ông. Thật ra có nhiều lý do phức tạp liên quan tới việc
đánh giá văn nghiệp của nhà văn này. Tác phẩm đầu tay của H. Melviller là Taipi ra
đời năm 1846, kể về cuộc sống hòn đảo nơi ông trú ngụ, phần nào bộc lộ xu hướng
tình dục, nên có nhà báo thời ấy đã buộc tội ông lợi dụng sự ngây thơ của các
cô gái trên đảo để thỏa mãn thú vui của riêng mình. Đặc biệt là cuộc hôn nhân nặng
nề của ông với Elizabeth. Bà phải chịu tâm trạng luôn thay đổi của chồng. Con
trai đầu lòng sinh năm 1849 đã tự sát. Con trai thứ hai sinh năm 1851 bị điếc
và chết sớm vì bệnh lao. Những sự kiện riêng tư chẳng mấy suôn sẻ và hay ho ấy
chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận độc giả trước một công việc mang
tính xã hội rộng rãi như nghề viết văn (2).
1.2 Đánh giá của các
“ông thánh” - tin hay không tin?
“Ông thánh” nói đây là các
tên tuổi văn chương có uy tín, nhiều thẩm quyền trong việc thẩm định các giá trị
văn chương. Thường họ là các nhà hoạt động văn chương bậc thầy. Ảnh hưởng của họ
đối với đời sống văn chương đương thời là rất lớn. Bởi, có ai dám cả quyết là
khi xem xét văn nghiệp của một tác giả nào đó lại không hề có dấu ấn của họ? Nếu
có cự tuyệt thì cũng thật hiếm hoi. Mà cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định. Họ
được xem là thuộc về thế giới của những thiên tài. Phát ngôn của họ bất kể ra
sao cũng đầy quyền uy. Người trần mắt thịt như chúng ta muốn “tồn tại” phải
nương tựa vào sự đánh giá đôi khi rất chủ quan của họ thôi! Số phận của
nhà văn Pháp G. Sand (1804-1876) là một dẫn dụ điển hình.
Năm 2004, hoạt động kỷ niệm
200 năm sinh của nữ văn hào lần đầu được tổ chức với quy mô nhà nước ở Pháp và
với nhiều hình thức sôi động ở nhiều nơi trên thế giới. Thật là một phát hiện mới
mẻ. Trước đây, ta quen nghe tới những tên tuổi lớn của văn chương Pháp thế kỷ
XIX như Balzac, Hugo, Zola, Stendhal, Flaubert … Tài năng của bà chỉ được
phục hồi sau gần một thế kỷ, trong khi đương thời bà rất nổi danh. Văn hào Nga
Dostoievski từng coi bà là nhà văn“hầu như độc nhất bởi sự cường tráng về trí
tuệ và tài năng”. Balzac bảo, bà thể hiện con người như cần phải vậy, còn với
ông, con người thế nào thì mô tả thế ấy, và nhà văn kết luận “cả hai chúng tôi
đều có lý”. Flaubert tương phản với Sand về nhiều phương diện - từ cái nhìn tuyệt
vọng, chủ trương nghệ thuật khách quan không thuyết giáo, đến sự “tuẫn nạn về từ
ngữ”, lại vẫn gọi bà là “bậc thầy yêu quý”. Thế mà trong suốt gần một thế kỷ bà
dường như bị quên lãng. Có nhiều nguyên do đưa ra để giải thích điều đó, nhưng
các nhà nghiên cứu thường coi những nhận xét cay nghiệt của Baudelaire là lý do
chủ yếu. Nhà thơ danh tiếng này đương thời từng cho bà là “lắm điều” vì viết
quá nhiều và quá nhanh, đặc biệt “chưa khi nào là nghệ sỹ” cả. Và nếu Balzac khẳng
định bà có bút pháp, thì nhà thơ lại nói đó là thứ “bút pháp lưu loát
của giới trưởng giả”. Cái chính là do bà khác Baudelaire quá nhiều chăng? Cần
lưu ý hơn tới tính lý tưởng trong sáng tác của G. Sand. Bà từng tuyên bố: “Tôi
mơ mộng vậy tôi tồn tại” (3). Ở đây, rất cần giải quyết hài hòa giữa ý kiến
của các nhà văn, nhà phê bình uy tín với sự cảm thụ, nhìn nhận độc lập của mỗi
cá nhân trên cơ sở tác phẩm.
2. Những thách thức khó
vượt qua
Cũng
như ở các dạng thức khác, tiếp nhận tác giả có những thách thức riêng không dễ
vượt qua.
2.1. Tầm nhìn hạn hẹp
trong không gian và thời gian
Thách thức lớn hơn cả đối với
sự hoàn thiện của dạng thức tiếp nhận tác giả là phải bằng mọi cách để vượt qua
giới hạn tất yếu của lịch sử và xã hội. Trong bài Họa sỹ của đời sống
hiện đại, Baudelaire xác định tính hiện đại là ở “sự nỗ lực thường xuyên
thoát khỏi cái nhất thời” (1, tr.117). Hài hòa giữa cái nhìn cận cảnh với
cái nhìn dài lâu, giữa tầm nhìn dân tộc với tầm nhân loại luôn được đặt lên
hàng đầu. Ở đây, tiếp nhận tác giả có sự khác biệt nhất định với tiếp nhận tác
phẩm khi dạng thức sau luôn đòi hỏi cao hơn ở sự tinh tế, nhạy bén trong năng lực
cảm thụ và sự sâu sắc, mới mẻ trong phân tích. Tác nhân cản trở sự hài hòa
nhiều mặt trong đánh giá một tác giả có nhiều. Đáng kể nhất là những tác nhân đến
từ sự nông cạn của giới quản lý, lãnh đạo văn nghệ liên quan tới việc chỉ đạo
hoạt động lý luận, phê bình trong một thời kỳ nào đó với những trường hợp cụ thể
nào đó. Chung quanh vấn đề này, trong đời sống văn chương hiện đại của dân tộc,
có lẽ không một hiện tượng nào lại điển hình như trường hợp Vũ Trọng Phụng. Vào
tháng 6/1960, Viện Văn học tổ chức hội thảo quy mô về Vũ Trọng Phụng với sự góp
mặt của đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình. Cần nhắc tới bài viết
13 trang đánh máy nhan đề Một vài ý kiến về vấn đề Vũ Trọng Phụng trong
văn học Việt Namcủa Hoàng Văn Hoan khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch
Quốc hội. Bài viết phân tích khá kỹ thời đại, con người và tác phẩm Vũ Trọng Phụng.
Đáng chú ý là do cách sử dụng tư liệu tuỳ tiện, cắt xén có định kiến, Hoàng Văn
Hoan đã đi đến những kết luận nặng nề như sau: “Nếu đứng trên lập trường cách mạng
mà nhìn thì văn chương Vũ Trọng Phụng là một thứ văn chương chống cách mạng, đứng
về mặt văn hoá mà nhìn thì… là một thứ văn học đồi truỵ, một thứ văn học đầu
cơ… Trong văn học Việt Nam, những loại văn chương như của Vũ Trọng Phụng là thuộc
vào loại nguy hiểm, vì nó có chỗ xem qua thì tưởng là tốt mà kỳ thực chất chứa
rất nhiều chất độc”. Bài viết này tuy không được công bố, song đã khiến vấn đề
Vũ Trọng Phụng trở nên rất nghiêm trọng. Tác phẩm của nhà văn tài năng này liền
bị âm thầm đưa ra khỏi chương trình nhà trường, không những không được in lại
mà hầu như còn bị cấm lưu hành, thậm chí bị liệt vào loại đồi truỵ, phản động.
Đó là một bài học cay đắng cho bất cứ ai muốn đánh giá một cách công tâm một
văn nghiệp nào đó đến từ quá khứ.
Ở đây, cần xuất phát từ một
nguyên tắc gần như bất di bất dịch: Phải đặt tiêu chí văn chương vào trung tâm.
Nên nhớ tới lời nhận xét của L. Tolstoi về M. Gorki: “Trí tuệ của trí tuệ thì
luẩn quẩn, nhưng trí tuệ của trái tim thì sáng suốt” (4, tr.69). Là nhà
văn thì chắc chắn “trí tuệ của trái tim” qua tác phẩm phải được coi trọng hơn.
Cũng cần quán triệt chỉ dẫn đúng đắn sau của V. Lenin: Phải xét những đóng góp
lịch sử không phải căn cứ vào chỗ là những nhà hoạt động lịch sử đã không làm
được cái gì so với những yêu cầu hiện tại, mà ở chỗ là họ đã làm được cái gì mới
so với những người đi trước họ. Nhân vật lịch sử ở đây có cả các nhà văn, các
nhà nghệ sỹ. Rõ ràng cái nhìn của V. Lenin rất gần gũi với quan niệm của nhà
văn người Czech M. Kundera. Nhìn chung về con người, M. Kundera cho rằng: “Con
người sống cho bản thân mình một cách có ý thức nhưng nó tham dự một cách vô ý
thức vào sự đuổi theo những mục đích lịch sử của nhân loại” (5, tr.83). Nói
khác đi: “Con người ta giống như kẻ bước trong sương mù”. Trước đó, M. Kundera
nhấn mạnh “sương mù” chứ không phải là “bóng tối”: “Trong bóng tối người
ta không nhìn thấy gì hết… người ta không tự do. Trong sương mù người ta tự do,
nhưng là thứ tự do của kẻ trong sương mù”. Rồi ông bàn tiếp một cách thấu lý:
“Nhưng khi ta nhìn lại phía sau để phán xét những con người của quá khứ ta nào
có thấy sương mù trên đường đi của họ” (5, tr.84). Cuối cùng, ông nêu ra câu hỏi:
“Vậy thì ai mù hơn ai?” - chúng ta, những người nhìn theo lối gián cách để
không nhận ra sương mù, hay các nhân vật lịch sử bị che phủ bởi sương mù tất yếu
của thời đại?
Trong
đời sống văn chương của một dân tộc vào một thời điểm nhất định khi nào cũng có
những “tượng đài” được những người đọc tinh hoa nhiều thế hệ tạo dựng, coi đó
là “mẫu mực” ở một phương diện nào đó của các giá trị Chân, Thiện và Mỹ. Cần
lưu ý, mọi giá trị đều có tính lịch sử và tính tương đối. Hầu như không tồn tại
ngoại lệ. Như vậy, mọi giá trị luôn cần được xem xét lại. Nên quán triệt quy luật
sàng lọc nghiệt ngã này khi đánh giá sự nghiệp của bất cứ nhà văn nào. Vào thời
kỳ perestroika ở Liên Xô cũ, nhà văn I. Xemenov đưa ra một nhận xét rất đáng
suy ngẫm: Giới phê bình của chúng ta đã tạo nên tệ sùng bái các ông vua văn học,
nhưng kỳ thật những vị quốc vương này té ra lại “cởi chuồng”. Ở đây liên quan
trực tiếp tới vấn đề luôn nhạy cảm và nóng bỏng là các giải thưởng văn chương.
Xét ở một góc độ nào đó thì rất cần hệ thống giải thưởng. Nơi đó thường tập
trung sự đánh giá mang tính cộng đồng nhằm tôn vinh những đóng góp giàu ý nghĩa
của cá nhân, động viên kích lệ cống hiến của người khác. Nhưng chớ nên tuyệt đối
hóa vai trò của các giải thưởng. Mọi giải thưởng dù lớn dù nhỏ cũng chỉ là một
cách đánh giá của một hội đồng xét giải nào đó. Chẳng có hội đồng nào là hoàn
thiện cả. Dầu là toàn những “vị thánh sống”. Đấy là chưa nói tới những lũng đoạn
có thể xảy ra. Đôi khi khá là phổ biến và trầm trọng. Hầu như ai cũng biết
nhưng thường chép miệng bỏ qua. Hoặc cho đó là thói đời thông tục, ở đâu mà chả
có. Hoặc buông xuôi vì nghĩ có làm thì cũng chẳng thể nào ngăn chặn cho nổi. Lắm
khi lại sinh chuyện. Cái xảy nảy cái ung. Tệ hại nhất là lâu dần tạo thành cái
nếp vô hình có sức bào mòn năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân và cả cộng đồng một
cách ghê gớm. Đến khi sáng mắt nhận ra thì mọi sự đã đi quá xa mất rồi. Có muốn
thành tâm quay lại cũng hoàn toàn bất khả.
Một vấn đề liên quan khác
cũng cần được lưu tâm là việc đánh giá các tài năng văn chương mới xuất hiện. Rất
hay bị các bóng cổ thụ che phủ. Như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Vào thời Đổi mới,
đây là một “hiện tượng” đúng nghĩa, sớm thu hút được sự chú ý của nhiều tầng lớp
độc giả trong xã hội, khởi dậy nguồn cảm hứng tranh luận sôi động khác thường
trong phạm vi toàn quốc, thậm chí lan rộng bên ngoài biên giới. Tòa soạn Báo Văn
nghệ nhận xét: quả thật Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng phong phú và phức
tạp. Giới thiệu mảng phê bình Chung quanh sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Toà
soạn Tạp chí Văn học viết Lời đề dẫn: Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng
văn chương được bàn luận sôi nổi. Trong cuộc Hội thảo về văn xuôi do Báo Văn
nghệ tổ chức, Nguyễn Quang Thân và Xuân Thiều đã nhiệt liệt biểu dương,
hoan nghênh “hiện tượng anh Thiệp”. Tuy nhiên, nhà văn Mai Ngữ vừa thừa nhận
đây là một cây bút tài hoa, vừa băn khoăn cái hiện tượng văn học này “đáng mừng
hay đáng ngại”? Nhà phê bình Văn Tâm gián tiếp trả lời câu hỏi ấy trong bài viết
bênh vực Nguyễn Huy Thiệp một cách đầy tin tưởng: “Hiện tượng văn học này là
đáng mứng chớ không đáng ngại”. Ở đây, tốt hơn cả có lẽ nên nhớ tới nhận
xét của Lenin: Khi cái mới vừa xuất hiện, cái cũ luôn luôn vẫn còn,
và trong một thời gian cái cũ còn mạnh hơn cái mới. Điều đó thường xảy ra trong
tự nhiên và xã hội. Chúng ta cần nghiên cứu một cách cẩn thận những mầm mống của
cái mới, có thái độ quan tâm tới nó và tìm mọi cách giúp nó phát triển (Tác
phẩm Sáng kiến vĩ đại). Lời nhắc nhở luôn tỏ ra hữu ích!
2.3. Câu chuyện muôn đời:
“Chúng tôi chăm sóc những tài năng trẻ”
Đó là vấn đề “muôn đời”, rất
dễ nghĩ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng lạ thay luôn đối mặt với chúng ta.
Cần chăm sóc các nhà văn trẻ ra sao cho phù hợp và hiệu quả? Đâu dễ trả lời thỏa
đáng. Biết bao bài học, thành công có, thất bại có, nhưng vẫn thật khó vận dụng
khi đề cập tới những cây bút cụ thể. Chẳng hạn: trường hợp Phan Thị Vàng Anh trong
bước khởi đầu. Báo Văn nghệ Trẻ, số 1/1995, dành hai trang giới thiệu
về chị. Nguyễn Khải hứng khởi thốt lên: “Lại thêm một cây bút văn xuôi rất có
tài”. Nguyễn Quang Sáng thì không ngại ngần tiên đoán: “Tác giả… sẽ đi rất
xa”.Trong khi chính nhà văn trẻ này lại nghĩ: “Đọc lại những gì đã viết, tôi thấy
hình như mình chỉ mới đi vòng quanh mình”.Thái độ nâng đỡ kiểu ấy của các nhà
văn đàn anh có khi lợi bật cập hại. Chợt nghĩ tới ý nghĩ của một nhân vật trong
truyện Con người giữa đám đông của E. Poe: “Ông ta là con người giữa
đám đông. Theo đuổi ông ta là vô ích vì tôi sẽ chẳng biết được gì hơn về ông ta
cũng như những hành vi của ông ta”. Vậy mà người ta vẫn cố tình theo đuổi cơ đấy!
Cố nhiên, việc ứng xử với thế
hệ trẻ ra sao luôn luôn khó, chẳng ai có thể đảm bảo chắc chắn như trên đường
ray cho được. Hãng BBC vào ngày 10/5/2013 có đưa một tin khá “giật gân”. Một
trường trung học ở Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị truyền thông xã hội nước
này chế giễu sau khi dựng bức tượng về một học trò cũ sinh năm 1993 đoạt khôi
nguyên trong kỳ thi tuyển sinh. Cựu học sinh được lập tượng, Yang Yuang, nói rằng
anh rất bối rối về bức tượng này và nhấn mạnh anh “không hề hay biết gì” về nó. “Bức
tượng không thích hợp - anh nói với tờ China Daily - Đừng dựng đài tưởng
niệm cho những người vẫn còn sống… Người ta chỉ viết cáo phó cho một người đã
chết thôi”. Trong khi vị hiệu trưởng lại giải thích với Tân Hoa Xã: “Có
những bức tượng của Lão Tử và Khổng Tử, vậy tại sao chúng ta không thể có những
bức tượng của học sinh để chúng thành những tấm gương cho mọi người học tập?”.
Chuyện đời là vậy, và không phải không giúp soi tỏ phần nào những chuyện phức tạp
bội phần trong văn chương.
Tôi
muốn đề cập tới một số dạng tiếp nhận tác giả mang tính đặc thù.
3.1. Dịch có phải luôn
“đường thông hè thoáng”?
Như thường thấy, việc tuyển
chọn, dịch thuật và giới thiệu văn chương nước ngoài đối với một chính thể,
trong một giai đoạn nhất định thường bị ràng buộc bởi những diễn ngôn thống
soái nhiều khi rất vô hình nhưng dường như không thể nào cưỡng lại nổi. Chỉ xin
nêu hai trường hợp, trong và ngoài nước. Trường hợp thứ nhất là Xôngiênhitxưntrong
đời sống văn chương ở miền Nam 1954 - 1975. Ông là nhà văn Nga, Giải thưởng
Nobel văn chương năm 1972, sinh năm 1918, tốt nghiệp đại học Rôxtôv năm 1941, từng
tham gia binh chủng pháo binh trong chiến tranh Vệ quốc 1941 - 1945. Từ cuối
năm 1945 đến năm 1953 do một số hành vi bị coi là chống đối chính quyền đương
thời, ông bị đưa đi cải tạo. Năm 1957, được trả tự do, ông vừa dạy học vừa viết
văn. Đề tài các tác phẩm của ông tập trung vào “cuộc sống khổ ải” ở “các nhà tù
Soviet”. Các tác phẩm của ông thường tỏ rõ sự bất mãn đối với chính quyền. Ở miền
Nam nước ta khi ấy hầu như toàn bộ những gì Xôgiênhitxưn viết ra đều được dịch,
bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, thư ngỏ, diễn văn, trả lời phỏng vấn… Tác phẩm Tầng
địa ngục thứ nhất có tới ba bản dịch của ba dịch giả khác nhau: Hải Triều,
Vũ Minh Thiệu, Thanh Tâm Tuyền. Cuốn Quần đảo Gulắc - tác phẩm nổi bật
nhất của ông chỉ trong hơn một tháng sau khi được viết ra ở Paris đã có ngay bản
dịch đăng tải cùng một lúc trên hai tờ báo Sóng thần của Chu Tử và Dân
chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Bài Diễn từ ông đọc khi nhận Giải Nobel, trong
đó chứa đựng nhiều sự hằn học đối với đảng và nhà nước Liên Xô, được dịch và in
với độ nhanh nhậy hiếm thấy. Tuần báo Pháp L Express đăng ngày
4/9/1972, đến ngày 28/9/1972, tức 24 ngày sau, Giai phẩm Văn đã in bản
dịch của Mạc Đỗ. Tên tuổi Xôngiênhitxưn còn được quảng cáo tán dương trong hàng
trăm bài viết trên nhiều tờ báo khác nhau. Tạp chí Văn học và tạp chí Văn ra
số đặc biệt ngợi ca ông như “nhà văn lớn nhất thời đại”. Trên tạp chí Bách
khoa, dưới bút hiệu Tràng Thiên, Võ Phiến viết liền ba bài ca tụng ông hết
lời, đăng trên các số 332, 333 năm 1970 và số 408 năm 1974. Các cây bút
thi nhau viết Tựa, Bạt cho các tập sách dịch Xôngiênhitxưn. Rồi sau
đó tập hợp lại thành những cuốn khảo luận như Tầng địa ngục và lương tâm của
một văn sỹcủa Hoàng Hải Thủy, do Nhà xuất bản Đất mới ấn hành (Sài
Gòn, 1973). Thực hư ra sao? Quả không biết đâu mà lần!
Trường hợp thứ hai là sự
nghiệp của nhà văn Mỹ E. Poe qua những bản dịch phổ biến rộng rãi tại Pháp của
nhà thơ Baudelaire trong thế kỷ XIX. Khi dịch E. Poe sang Pháp ngữ, nhà thơ khi
đó đã rất nổi tiếng hoàn toàn có ý thức nương theo thiên hướng cá nhân của
mình. Ông thổ lộ: “E. Poe, người không phải thế ở Mỹ, cần phải trở thành một
nhân vật lớn ở Pháp - ít nhất là thành cái mà tôi muốn” (1, tr.118). Sau này, một
nhà văn sử dụng tiếng Anh là A. Huxtey từng phê phán E. Poe rất kịch liệt thậm
chí gạt bỏ mạnh mẽ sự nghiệp của ông vì khi đọc trực tiếp qua nguyên bản đã
“coi câu chữ của ông là hung hăng và gây xốc”, “văn của ông là xấc xược và thô
tục”. Ông thẳng thừng chê các nhà văn Pháp tiếp xúc tác phẩm của E. Poe qua các
bản dịch mang đậm tính chất được gọi mỉa mai là Podelaire nên
“họ không đánh giá được những sắc thái thô tục rất tinh vi mà Poe đã hủy hoại
chúng tôi” (1, tr.120). Như vậy phải chăng họ “đã tạo ra một Poe của Pháp thông
qua các bản dịch và việc đọc chúng?”. Vấn đề đặt ra là sự so lệch đến mức gần
như khác biệt giữa văn bản trong “ngôn ngữ nguồn” so với “ngôn ngữ đích”. Đến nỗi
một dịch giả Pháp là C. Richard sau này đã quyết định dành hẳn cả cuộc đời dạy
đại học của mình để khôi phục sự nghiệp văn chương của E. Poe ở Pháp bằng những
bản dịch “chính xác và hàn lâm”. Rõ ràng, đúng như tác giả bài báo nhận xét:
“Như vậy, bản dịch của Baudelaire có tốt nhất cũng là không chính xác, mà tệ nhất
là dịch sai” (1, tr.123). Chắc không ở đâu ý nghĩa của câu nói “dịch là phản dịch”
lại linh ứng hơn trường hợp này cả! Biết thế để người tiếp nhận lường trước
mong tránh xa mọi cạm bẫy có thể có trên “đường xa” thoạt nghĩ mà đã thất kinh.
Các
nhà văn có trong chương trình giảng dạy ở nhà trường, phổ thông hay đại học,
thường được tiếp nhận một cách đặc biệt. Họ dễ được xem là những tác gia cổ điển
của dân tộc và nhân loại, không cần phải xem xét lại, đánh giá thêm. Xu hướng
ngợi ca một chiều là khá phổ biến. Đôi khi được coi là lẽ đương nhiên. Việc dạy
và học quy giản đến mức gần như tối đa, chỉ còn biết hút càng nhiều càng tốt thứ
mật ngọt kết tinh trong sự nghiệp văn chương “lóng lánh” giá trị của họ. Cố
nhiên, không ai phủ nhận là do tính sư phạm, tính giáo dục và tính khoa học thường
khe khắt của nhà trường, quá trình chọn lựa các tác giả thường rất kỹ càng, đảm
bảo yêu cầu cao nhất có thể trên mọi phương diện nên về cơ bản là đáng tin cậy.
Nhưng, thứ nhất, chẳng có viên ngọc nào trên đời lại không có tỳ vết
cả. Nhất là đối với một con người, hơn thế một nhà văn. “Nhân vô thập toàn” mà! Thứ
hai, điều này mới cần nhấn mạnh, dạy và học theo tinh thần hiện đại đâu phải
ở chỗ nhồi nhét cho thật nhiều, thật đầy những hiểu biết dầu quý giá đến đâu,
mà tập trung ở khả năng khơi gợi, chỉ đường cho người học tự đến. Đã nghe vang
lên nhiều lần rằng, nếu mục tiêu của nền giáo dục tiên tiến là khai phóng con
người thì không đâu lại thuận lợi và hữu hiệu như ở lĩnh vực văn chương, nghệ
thuật cả. Nơi đó, sự bình đẳng, tính dân chủ luôn được đề cao, sự độc đoán, ép
buộc luôn bị đẩy lùi. Nhà thơ Giải Nobel Văn chương người Nga J. Brodsky cho rằng:
“Một sự chọn lựa thẩm mỹ lúc nào cũng có tính cá nhân, một nỗi đau thẩm mỹ lúc
nào cũng là một nỗi đau của chỉ một người. Mỗi thực tại thẩm mỹ đều làm cho con
người nó tiếp xúc trở thành một người còn riêng tư hơn nữa… Kinh nghiệm thẩm mỹ
của một cá nhân càng phong phú, thì thẩm thức của anh ta càng vững vàng, sự chọn
lựa tinh thần của anh càng sắc sảo, anh càng tự do, mặc dù có lẽ anh không vì
thế mà hạnh phúc hơn” (Diễn từ Nobel 1987 - tienve.org).
Ngoài ra, tôi còn muốn lưu ý
thêm một phương diện khác nữa: Đó là luật “may rủi” trong sự chọn lựa các tác
giả đưa vào chương trình giảng dạy. Chỉ xin đưa ra một ví dụ: nhà văn Thạch
Lam. Như nhiều người đều biết, nhà văn này là hiện tượng hiếm hoi trong trường
phái Tự Lực văn đoàn được đánh giá tương đối suôn sẻ trong hơn 70 năm qua. Hai
truyện ngắn Hai đứa trẻ và Nhà mẹ Lê dường như có vị trí
khá ổn định trong chương trình phổ thông thường xuyên thay đổi ở nước ta. Từ
lâu trong đầu tôi đã nảy ra câu hỏi: Vì sao như thế? Cố nhiên có căn nguyên từ
cuộc đời nhìn chung không có vấn đề gì thật nổi cộm của Thạch Lam, nhưng có lẽ
phần chính là bởi đề tài hai truyện trên phù hợp với tuổi thơ, và nhất là, nhờ
sự tuyển chọn tài tình của các nhà sư phạm. Hầu như không thể chê trách gì
ở đây cả. Nhấn mạnh tới điểm sau là bởi khi có dịp đọc hầu như toàn bộ các truyện
ngắn không nhiều nhặn gì của Thạch Lam, tôi thấy đó là hai tác phẩm xuất sắc
hơn cả. Về mọi phương diện. Trong khi tôi không khỏi ngạc nhiên vì nhận ra sao
nhiều truyện ngắn của ông nhạt nhẽo và khuôn sáo đến thế! Văn phận của Thạch
Lam không thể bảo là không may mắn vậy!
3.3 Thì ra văn chương vẫn
luôn là chính nó
Cần rất lưu tâm tới chủ
thể tiếp nhận đi cùng với cách thức tiếp nhận. Theo kinh nghiệm của tôi thì một
vấn đề khá hệ trọng trước khi tiếp nhận sự tiếp nhận của người khác là xem họ
là ai? Có phải là nhà văn hay không? Và hình thức biểu đạt là tiểu luận văn
chương hay văn chương mang tính tiểu luận? Tôi muốn nói tới, chẳng hạn, Chân
dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, và nhất là Chân dung nhà văn của
Xuân Sách. Ở trường hợp sau có tất cả là 100 chân dung kể cả chân dung tự họa của
tác giả. Đều viết dưới hình thức thơ. Có thể xem đây là những nhận định độc đáo
của một nhà thơ bằng hình tượng về nhiều gương mặt văn nghệ sỹ tiêu biểu đương
thời. Tính chủ quan vốn có trong đánh giá lại thêm một lần được nhấn nhá ở người
nghệ sỹ. Ai đó đã từng nhận xét rất đúng rằng nghệ thuật là “tôi”, trong khi
khoa học là “chúng ta” mà! Như chân dung Nguyễn Đình Thi: Xung kích tràn
lên nước vỡ bờ/ Đã vào lửa đỏ hãy còn mơ/ Bay chi mặt trận trên cao ấy/ Quên
chú Nai đen vẫn đứng chờ. Hay về nhà văn Nguyên Hồng: Bỉ vỏ một thời oanh
liệt nhỉ/ Sóng gầm sông lấp mấy ai hay/ Cơn bão đến động rừng Yên Thế/ Con hổ
già uống rượu giả vờ say. Xin được nhắc lại, vì tác giả Chân dung nhà
văn là một nhà thơ, nên không ít chân dung thể hiện cái nhìn rất chủ quan
của người viết.
Chẳng hạn, chân dung nhiều phần phiến diện về nhà thơ Chế Lan Viên: Điêu tàn ư? đâu chỉ có Điêu tàn/ Ta nghĩ tới Vàng sao từ thuở ấy/ Chim báo bão lựa chiều cơn gió dậy/ Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa. Còn đây là chân dung khá lệch lạc, một chiều về nhà phê bình Hoài Thanh: Vị nghệ thuật nửa cuộc đời,/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ Thi nhân còn một chút duyên/ Lại vò cho nát, lại lèn cho đau/ Bình thơ tới thuở bạc đầu/ Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình/ Giật mình mình lại thương mình/ Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan. Ngay những chân dung người viết tỏ ra khách quan cũng khó tránh khỏi cái nhìn riêng tư. Như chân dung nhà văn Nguyên Ngọc: Mấy lần đất nước đứng lên/ Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm/ Hại thay một Mạch nước ngầm/ Cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng xà nu.Cả chân dung chan chứa lòng cảm thông đối với nhà văn Kim Lân cũng không là ngoại lệ: Nên danh nên giá ở làng/ Chết vì ông lão bên hàng xóm kia/ Làm thân Con chó xá gì/ Phận đành xấu xí cũng vì miếng ăn. Vì vậy, theo tôi, như dân gian bao đời nay đã dạy: cần hết sức tránh lộng giả thành chân.
Chẳng hạn, chân dung nhiều phần phiến diện về nhà thơ Chế Lan Viên: Điêu tàn ư? đâu chỉ có Điêu tàn/ Ta nghĩ tới Vàng sao từ thuở ấy/ Chim báo bão lựa chiều cơn gió dậy/ Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa. Còn đây là chân dung khá lệch lạc, một chiều về nhà phê bình Hoài Thanh: Vị nghệ thuật nửa cuộc đời,/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ Thi nhân còn một chút duyên/ Lại vò cho nát, lại lèn cho đau/ Bình thơ tới thuở bạc đầu/ Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình/ Giật mình mình lại thương mình/ Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan. Ngay những chân dung người viết tỏ ra khách quan cũng khó tránh khỏi cái nhìn riêng tư. Như chân dung nhà văn Nguyên Ngọc: Mấy lần đất nước đứng lên/ Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm/ Hại thay một Mạch nước ngầm/ Cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng xà nu.Cả chân dung chan chứa lòng cảm thông đối với nhà văn Kim Lân cũng không là ngoại lệ: Nên danh nên giá ở làng/ Chết vì ông lão bên hàng xóm kia/ Làm thân Con chó xá gì/ Phận đành xấu xí cũng vì miếng ăn. Vì vậy, theo tôi, như dân gian bao đời nay đã dạy: cần hết sức tránh lộng giả thành chân.
Thái độ cần có của giới sáng
tác khi viết chân dung đồng nghiệp là phải thấu lý, hơn thế phải thật thấu
tình. Cùng một kiếp chân trời lận đận kia mà! Quan niệm đúng mực
của nhà thơ Trần Nhuận Minh có thể coi là một tấm gương. Trong bài Phút
lâm chung của cụ Hãn, ông đã nói điều cần nói bằng một cách nói riêng. Ẩn
ý đấy mà nhiều người vẫn nhận ra. Cụ Hãn thời bao cấp là một nhân viên kiểm
soát vé trong một rạp chiếu phim. Trong giờ phút hấp hối sau này, cụ chỉ băn
khoăn mỗi một điều là đã có lúc mình hơi quá quắt đối với bọn trẻ nghịch ngợm
hay trốn vé: Một đời tôi chuyên đánh chúng/ Có đứa đến hộc máu mồm. Ý
muốn của cụ là chính đáng và tốt đẹp lắm chứ! Tuy sự thật lại không giống
với mong mỏi của cụ: Đất nước chả giàu lên được/ Dù tôi chắt bóp từng đồng. Hình
như giới hạn lại nằm ở phía khác, cao hơn mà cũng quyết định hơn. Bởi thế mà cụ
luôn cảm thấy không yên: Muốn thiện lại thành ra ác/ Có ai giống với tôi
không? Nhân danh lương tri có thể có của những người cầm bút lương thiện,
nhà thơ hạ bút viết câu kết đầy nhân ái: - Hỡi các bạn trẻ/ Tha cho lỗi lầm
thế gian. Đọc xong, ta không thể không suy ngẫm. Và tâm hồn mỗi người bỗng
trở nên cao thượng, cận nhân tình thế thái hơn nhiều.
Trở lên trên là một số
suy nghĩ của tôi chung quanh hình thái tiếp nhận tác giả - một lĩnh vực thật sự
quan yếu nhưng vẫn chưa được các nhà văn học chú tâm nghiên cứu. Để thiết thực
và sinh động, bài viết hơi thiên về những biểu hiện đa dạng của đời sống văn
chương. Nên xem đó là do chủ ý của người viết. TÀI LIỆU CHÚ
THÍCH
(1) Anne
Garrait-Bourrier - Baudelaire dịch Poe: sự tái cấu trúc bản sắc, Tạp
chí Nghiên cứu văn học, số 4/2007.
(2) Báo Văn
nghệ, số 41/2002.
(3) Báo Văn
nghệ, số 29/2004.
(4) Hoàng
Ngọc Hiến - Triết lý văn hóa và triết luận văn chương, Nxb Giáo dục,
H., 2006.
(5) Hoàng
Ngọc Hiến - Sương mù trên đường đi của nhà thơ, Tạp chí Thơ, số
11/2008.
Đà lạt, 14/5/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét