Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Về sự hội nhập của văn chương Việt Nam vào thế giới

Về sự hội nhập của văn chương 
Việt Nam vào thế giới
 Mở cửa hướng ra thế giới, ngoài mặt tích cực dễ nhận thấy, còn có mặt tiêu cực thậm chí mặt hiểm họa thường khó nhận ra, và vì thế dễ bị bỏ qua hoặc bị xem nhẹ. Điều này đúng với kinh tế, lại càng đúng với văn hóa, với tư tưởng. Vậy mà không một ai trong chúng ta lại không ý thức được vai trò to lớn và sâu xa của văn hóa và nói riêng của nghệ thuật - phần tinh tuý nhất của văn hóa, đối với sự tồn vong, hưng phế của một dân tộc. Tôi nhớ tới câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư  Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trước kia: “Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không bị đồng hóa là vì sao? Vì sớm có nền văn hóa của mình”.
Xem xét đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay, thấy nổi lên hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau:
1- Làm thế nào để giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong điều kiện mới?
2- Làm thế nào để đưa văn hóa Việt Nam mau chóng có chỗ đứng trong cộng đồng nhân loại?
Đã có những ý kiến khác nhau, hơn thế, trái ngược nhau trong việc giải đáp hai câu hỏi hệ trọng này. Là một người nghiên cứu và giảng dạy văn chương, tôi xin được đưa ra quan niệm của mình nhân việc lý giải những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong quá trình hội nhập của văn chương Mỹ - Latin vào thế giới hiện tại. Tôi nghĩ, những bài học thành công của một nền văn chương được cả nhân loại thừa nhận này có lẽ sẽ gợi ý cho chúng ta tìm được những bài học bổ ích gì chăng?
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (The magic realism) gắn liền với những tên tuổi lừng danh như Miguel Angel Asturias, Alejo Carpentier, Jorge Amado, Gabriel Garcia Marquez... Nhiều người đã nói đến cái gọi là “sự ồn ào” của văn chương Mỹ - Latin, đặc biệt là tiểu thuyết Mỹ-Latin trong suốt ba thập kỷ qua. Tại sao ở những xứ sở nền kinh tế chưa được phát triển bao nhiêu lại có thể sản sinh ra một nền văn chương khiến cả thế giới kinh ngạc đến nhường ấy? Một số người tìm lời giải thích trong những tìm tòi về hình thức, những cách tân về kỹ thuật. Một số khác lại lý giải qua các vấn đề tư tưởng đặt ra mang tầm nhân loại. Không phải những kiến giải đó không có cơ sở, song theo tôi, nguyên do chính yếu nằm ở chỗ khác, và điều đó may thay lại được chính những đại diện xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nói ra. Khi trả lời câu hỏi: “Thật ra có sự ồn ào về các nhà văn Mỹ-Latin không?”, Marquez đã khẳng định: “Cái gọi là sự ồn ào về các nhà văn Mỹ-Latin trên thực tế là hệ quả lôgic của cách mạng Cuba”. Thế rồi ông luận giải tiếp thế này: “Khi nhận được tin tức về cách mạng Cuba, những người Châu Âu nhất là người Pháp, đã tự hỏi: Cuba ở đâu, và họ khám phá ra rằng có một phần của thế giới được gọi là Mỹ-Latin. Khi đó họ mới để ý đến nó, bắt đầu tìm hiểu nó, cố gắng hiểu nó”(1) (P.Q.T nhấn mạnh). Trong “một phần của thế giới” mà nhân loại chưa được biết rõ, có văn chương Mỹ-Latin, và cũng nhờ văn chương Mỹ-Latin mà nhân loại có điều kiện hiểu thêm về “một phần của thế giới” kia.
Như  vậy, cái quyết định thành công của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là ở chỗ nó biết bảo tồn màu sắc Mỹ-Latin. M.V.Llosa, nhà văn lớn của Pêru từng nói : “Nét căn bản và tiêu biểu nhất, cũng như sự đóng góp của  nhà văn xuôi Mỹ-Latin hiện đại, theo tôi, là ở chỗ nó đã và đang giúp cho người ta ý thức được cái gì là chất Mỹ-Latin” P.Q.T nhấn mạnh). Không phải ngẫu nhiên mà Marquez từng coi tập Nhật ký hành trình của Crixtốp Côlông in năm 1493 là “kiệt tác đầu tiên của văn chương kỳ diệu đó”. Cũng không phải ngẫu  nhiên mà khái niệm “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” lại được sử dụng lần đầu tiên trong tập Những truyền thuyết của Goatemala in tại Paris 1930. Đây là tác phẩm văn xuôi đấu tiên của Asturias, trong đó chất liệu sáng tác được rút ra từ kho tàng văn chương dân gian Maya, phong cảnh quê hương và hồi ức tuổi ấu thơ của tác giả. Xin nhớ lại Asturias và các nhà văn tiêu biểu khác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo từng gắn bó và am hiểu lịch sử và con người Mỹ-Latin như thế nào. Asturias sinh ở Xiuđat thủ đô Goatamêla vốn là  trung tâm của truyền thống văn hóa Aztêccơ thuộc nền văn minh Maya. Đấy là nước có nền văn chương dân gian phong phú và độc đáo. Ông nhận bằng tiến sĩ Luật với đề tài “Vấn đề xã hội của người Anh điêng”. Ông từng dành nhiều năm để nghiên cứu văn minh cổ xưa của châu Mỹ qua các thư tịch cổ và các thần thoại của người Maya. Còn Carpentier? Trong khoảng tám năm ở Paris (1931-1939), ông miệt mài nghiên cứu các thư tịch của châu Mỹ. Đây là thời kỳ ông ấp ủ “luận thuyết về cái kỳ diệu Mỹ-Latin” vốn đặt cơ sở lý luận cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông còn viết một cuốn sách về lễ nghi tôn giáo của ngươì Mỹ da đen in ở Mađrít. Nhà văn nhiều lần nhấn mạnh: “Sự thật châu Mỹ-Latin là một thế giới kỳ diệu và là một kho tài liệu còn mới nguyên đối với nhà tiểu thuyết nói riêng và cho cả các nhà nghệ thuật nói chung”(2). Marquez, đại diện lớn nhất của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì sao? Khi nhận Giải thưởng Nôbel (1983) ông đã thừa nhận: “Những người châu Âu rất đáng phục về sự chiêm nghiệm những thành tựu văn hóa của mình, nhưng không biết tìm một phương pháp khả dĩ lý giải được cuộc sống của chúng tôi !”. Và, thế là nhà văn lao vào công cuộc tìm kiếm không ngừng không mỏi quá khứ cũng như hiện tại của châu lục mình với mong mỏi da diết: “Châu Mỹ-Latin không phải là con tốt đen vô ích trên bàn cờ quốc tế”.
Có thể thấy, lịch sử hình thành và những đóng góp quí báu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vào nền văn minh nhân loại gắn liền với ý thức sâu xa về truyền thống và đặc trưng dân tộc. Đúng như José Marti - nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng và người anh hùng dân tộc vĩ đại của Cuba từng nói: “Không thể có văn học Mỹ-Latin một khi Mỹ-Latin chưa được hình thành”. Vẻ độc đáo thẩm mỹ, cái không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật, cái bạn đọc thuộc mọi chân trời luôn trông chờ có đựợc là vì thế.
Từ những gì vừa trình bày, theo tôi có thể rút ra kết luận sau:
1- Không một dân tộc  nào trên hành tinh này lại không mong muốn đóng góp thật nhiều, thật xứng đáng vào di sản văn hóa nhân loại. Bởi ai cũng ý thức được rằng: vị thế văn hóa của một dân tộc tùy thuộc ở sự cống hiến của dân tộc đó vào nền văn minh chung của nhân loại.
2- Điểm xuất phát của con đường vào cộng đồng nhân loại lại ở dân tộc. Hãy đi tới tận cùng dân tộc ta sẽ bắt gặp nhân loại. Muốn được quốc tế hóa, văn hóa phải mang đậm màu sắc dân tộc luôn gắn với hiện tại, đó là dân tộc - hiện đại.
Để kết thúc bài này, tôi xin được nhắc tới hai ý kiến của  nhà văn Kenzaburô Oe và nhà thơ Tố Hữu. Kenzaburô là nhà văn Nhật được nhận Giải thưởng Nobel năm 1994. Trả lời câu hỏi của phóng viên một tờ bào Pháp: “Ông suy nghĩ như thế nào về xã hội Nhật Bản đương thời? ”, nhà văn nói: “Đang ở trong một lối cụt. Nói rằng nước Nhật phát triển về kinh tế và giàu có là một nhận thức đơn giản chủ nghĩa. Nhật là một nước đã mất bản sắc của  mình. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là làm thế nào tìm lại được bản sắc” (Văn nghệ, số 32 năm 1995). Nhà thơ Tố Hữu tại lễ bế mạc Nhạc hội đàn bầu lần thứ 1 do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức đã nói: “Nếu chúng ta tạo ra được một thứ thiên tài nào đó của một nước nào đó có lẽ nhân loại cũng cảm ơn. Nhưng như thế là ta tự đòi hỏi ta một chuyện ngoài sức, trong lúc nhân loại đang đòi hỏi không phải là tạo ra  một tâm hồn, một tài năng một nước nào đó trong con người nghệ sĩ của ta, mà là một tâm hồn, một tài năng Việt nam”(3). Câu nói được Tố Hữu phát biểu cách đây gần mười bảy năm, nhưng thời gian chỉ càng chứng minh sự đúng đắn của nó, nhất là khi cánh cửa hướng ra thế giới rộng mở như hiện nay.
(1) Số phận của tiểu thuyết, Nxb Tác phẩm mới, 1983, tr.350
(2) Nhà văn bàn về nghề văn, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng xb, tr.143 và tr.295
(3) Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật Nxb Văn học, 1981, tr.91
Tư chất nghệ sỹ hàng đầu ở nhà văn
Điều này từ lâu đã được các nhà tâm lý học sáng tạo văn chương bàn nhiều rồi. Họ nói đến trí tưởng tượng sáng tạo, khả năng quan sát tinh tế, tâm hồn giàu cảm xúc, năng lực trí tuệ sắc sảo, tài dự báo, dự đoán... và nhiều, nhiều nữa. Tôi thấy đúng cả, nhưng chưa thật trúng lắm. Có gì chưa hoàn toàn thích hợp với nghề văn. Riêng tôi cho rằng khả năng cảm thông với thế giới (với cảnh vật, sự việc, và nhất là con người) nên được coi là phẩm chất quan trọng nhất, nổi trội nhất nơi nhà văn. Nhà thơ Huy Cận viết: “Muốn làm thơ hay phải có khiếu thơ. Có khiếu thơ chưa đủ, phải thấu hiểu cuộc đời, cảm thông với tạo vật - PQT nhấn mạnh, có vậy cảm xúc thơ mới sâu đậm được” (Tạp chí Văn học số 10/1996). Cố nhiên cảm thông tôi nói đây không tách rời cảm nhận, nhưng là thứ cảm nhận trong “ta” có “vật”, trong “vật” có “ta”, thứ cảm nhận được chuyển hoá, nâng cao về chất, thứ cảm nhận gắn với tình cảm, với niềm tin. Mọi cảm thông bao giờ cũng mang tính định hướng là vì vậy.
Tại sao với tôi đây lại là phẩm chất đáng nhấn mạnh nhất? Trước hết là bởi với nhà văn nó là gốc của mọi khả năng khác. Cứ hình dung xem nếu thiếu cảm thông thì sự tình sẽ ra sao? Không thể có một mẩu tưởng tượng nếu anh không nhập cuộc, nhập thân. Cũng không thể có chút ít rung động nào nếu anh không “thương người như thể thương thân”, người ở đây theo nghĩa rộng để chỉ khách thể nói chung. Tương tự, nhà văn sẽ không quan sát được gì đáng kể cả nếu chỉ là một chàng phóng viên lớt phớt, sẽ không  dự báo, dự cảm được gì thật sự thuyết phục cả nếu không xuất phát từ hiện trạng, nhận chân đến tận cùng hiện trạng. Sau nữa và nguyên do này thật đáng lưu tâm, khả năng cảm thông ở nhà văn bắt nguồn từ vị thế của văn chương đối với cuộc đời. Con người sinh ra văn chương có duyên cớ riêng, ấy là để tạo ra mối giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với đất trời, cây cỏ. Không có hoặc thiếu đi mối giao hoà này thì không thể mường tượng nổi con người sẽ ra sao nữa. Mất cảm thông, cộng đồng từ đơn vị nhỏ là một gia đình đến đơn vị lớn hơn là một tộc người đều không có cơ sở để tồn tại. Vậy nên, vai trò của văn chương, của nghệ thuật lớn lắm!
Có thể nói, chính vì tầm quan trọng của năng lực cảm thông đối với nghề văn mà tôi nghĩ nó là phẩm chất hàng đầu đối với nhà văn.       
Đà Lạt, 9-96
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...