Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lại bàn về truyền thống văn chương

Lại bàn về truyền thống văn chương
Cá biệt đôi người xem hết thảy những gì cha ông để lại cho con cháu đều là truyền thống. Phần đông thì nghĩ khác, truyền thống chỉ là những tinh hoa còn lại sau sự sàng lọc khắc nghiệt dài lâu của thời gian. Và nếu thế, thì truyền thống kết tinh ở những tác phẩm và tác giả trong quá khứ được coi là cổ điển.
Truyền thống vốn đa dạng, bao gồm nhiều bộ phận khác nhau. Có sáng tác và lý luận, có phê bình và tiếp nhận. Riêng sáng tác, có dân gian và thành văn, có văn chương chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc ngữ. Chớ nên xem nhẹ một bộ phận nào cho dầu bộ phận này trên thực tế tỏ ra non yếu hơn bộ phận khác. Cũng chớ nên nhìn từng bộ phận trong sự tách biệt, cô lập với các bộ phận khác. Và với cái toàn thể. Truyền thống là nhất quán, mọi yếu tố đều liên hệ, tác động qua lại hết sức tinh vi, phức tạp. Cái chung bao giờ cũng chi phối cái riêng; cái quan yếu bao giờ cũng chi phối cái thứ yếu.
Tuy vậy, truyền thống không thể và không phải là một khối nguyên chất. Các yếu tố cấu thành, về tính chất có thể khác nhau, kể cả đối lập nhau. Lời nói đọi máu là truyền thống, và Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau cũng là truyền thống; Lấy chí nhân để thay cường bạo là truyền thống, và Phải có danh gì với núi sông cũng là truyền thống. Thái độ biện biệt, tinh thần lọc lựa không chỉ là một yêu cầu mà là một đòi hỏi, hơn thế một nguyên tắc bắt buộc trong việc tiếp thu truyền thống.
Cũng còn vì một nguyên do khác: nhu cầu hiện tại. Rất thấu đáo cái phương châm quen thuộc Học xưa vì nay. Nói thì dễ, quán triệt trong suy nghĩ, trong việc làm thì rất khó. Sức mạnh truyền thống bao giờ cũng tiềm ẩn trong thế khả năng. Việc tiếp thu cái gì, hiệu quả đến đâu, tất thảy tùy thuộc vào từng cá nhân người tiếp nhận. Truyền thống chỉ thành báu vật trong tay những người biết quý trọng và biết làm chủ nó. Nếu không, như người đời thường dạy, thuốc bổ cũng trở nên có hại. Người đắm mình trong truyền thống, tôi thích. Người vẫy vùng trong truyền thống, tôi còn thích hơn. Không chỉ thích mà còn phục – phục cái bản lĩnh cao cường của một tài năng.
Tôi không thật ưa cách nói tiếp thu truyền thống. Từ thấm nhuần có lẽ đắc dụng hơn. Thấm nhuần trọng hồn cốt hơn chất liệu. Hoà nhập một cách tự nhiên mới được gọi là thấm nhuần. Nói như người thơ mới quá cố Trinh Đường: Thơ chảy tự nguồn. Nương theo truyền thống không gò ép, không cố ý là nghệ thuật đích thực, nghệ thuật cao cường. Và bao giờ cũng là yêu cầu tối thượng, không dễ một sớm một chiều mà làm nổi.
Thêm nhiều lần trở ngại nếu đó là những truyền thống mới. Sẽ có người ngạc nhiên: sao lại thêm định ngữ mới liền kề truyền thống? Câu trả lời: truyền thống không nhất thành bất biến. Chẳng có gì trên đời này không biến đổi, không thể biến đổi cả. Truyền thống không phải là thứ ao tù nước đọng chỉ độc rong rêu lưu cữu. Nước ao thường xuyên lưu chuyển. Những giá trị mới liên tiếp gia nhập truyền thống. Có lẽ, truyền thống mới được tạo dựng thường năng động hơn những gì muôn năm cũ. Đặc biệt là trong việc loại bỏ, đẩy lùi dần những cái đã rỏ ra lỗi thời, ngáng trở sự nảy sinh những cái mới. Truyền thống có thêm sức sống mới và năng lượng mới phần chính là vì thế.
Ở nhà văn – nghệ sĩ ngôn từ, lối ứng xử với truyền thống đặc biệt rõ qua lối ứng xử với ngôn ngữ dân tộc. L.Tôlxtôi nói: Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Bởi vậy Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời không còn là ý nguyện của riêng ai. Song, chớ nên chỉ biết có hưởng thụ. Đóng góp, dẫu là chút ít, làm cho tiếng Việt ngày một giàu có hơn, mà trước hết là ngày một trong sáng hơn luôn là một ước nguyện chung của cả đội ngũ những người cầm bút chúng ta, già cũng như trẻ. Ở đây, Nguyễn Tuân, Tô Hoài là những tấm gương sáng.
Người cầm bút ai cũng muốn là đứa con ruột rà của dân tộc mình. Thực tế không phải người nào cũng được toại nguyện. Thành ra mới có bi kịch của sự ruồng bỏ. Với người nghệ sĩ, sự dửng dưng, ghẻ lạnh của dân tộc cũng là một bi kịch. Ăn năn thôi là chưa đủ. Tuy hối cải không bao giờ là muộn màng. Dân tộc bao giờ cũng bao dung. Mọi đúng sai, phải trái rồi sẽ được phân minh. Mọi oan uổng, mập mờ rồi sẽ được giải định. Hỡi những người oan khuất, cứ yên lòng nhắm mắt ra đi.
Cuối cùng, tôi muốn nói, mọi truyền thống, không có ngoại biệt, đều có những giới hạn. Rất có thể, truyền thống biến thành tảng đá nặng kìm chân ta đi về phía trước. Trong khi thời đại luôn đổi thay, văn chương lại không được phép bắt chước và nhai lại, nguy cơ này càng cần được cảnh báo. Vậy có nên chỉ xem di sản văn chương dân tộc là truyền thống? Tôi xin đưa ra câu trả lời qua bài học của các nhà văn Mỹ Latinh. Với nhà văn bậc thầy Achentina J.L.Borges thì truyền thống văn chương là toàn bộ Châu Âu. Hơn thế, nhà thơ lừng danh Mexico Ô.Paz lại coi toàn bộ nền văn chương nhân loại là truyền thống. Theo ý của nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Trung Đức thì: Nhờ tinh thần hội nhập ấy mà Mỹ Latinh đã trở thành người đồng thời của nhân loại hôm nay. (Văn nghệ, số 16/2000).
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...