Cách đây gần mười lăm năm, sau
quá trình cầm bút dài lâu, thành có bại có, Nguyễn Khải đã đưa ra một chiêm
nghiệm nghề nghiệp rất đáng lưu tâm: “Trong khoảng hai chục năm ngồi trước
trang giấy tôi không bao giờ phân vân về các chức danh của mình: là người lính,
là đảng viên, là nhà văn. Với tôi tất cả chỉ là một. Cho tới một lần các bài
báo tôi viết bằng tâm huyết lại bị mấy người có trách nhiệm trong cơ quan tuyên
huấn của Đảng đánh giá là xỏ xiên, là có ác ý thì tôi mới bị bật ngửa ra rằng
hình như tất cả không phải là một. Hình như có một khoảng cách nào đó giữa người
cầm bút và người cầm quyền. Người cầm bút chỉ chăm chú tới tính chân thật của
tác phẩm nghệ thuật và anh ta sẵn sàng phơi bầy ngay cả những thói xấu kín mật
của chính bản thân để đạt tới sự chân thật đó. Còn người cầm quyền họ lại quan
tâm trước hết đến lợi ích của cộng đồng” (Văn nghệ Trẻ, số 4/1995). Có lẽ
vì vậy mà trước khi qua đời ít lâu, Nguyễn Khải có ý đề nghị nên gọi những văn
nghệ sỹ từng tham gia Cách mạng và Kháng chiến là Chiến sỹ - Nghệ sỹ, thay
cho cách gọi quen thuộc Nghệ sỹ - Chiến sỹ một thời. Kể ra, sự
thật không hoàn toàn như vậy. Mọi chuyện còn tùy thuộc vào từng người trong từng
hoàn cảnh và thời điểm cụ thể, thậm chí từng tác phẩm nhất định, không thể có
cái nhìn nhất loạt, bất biến mà thuyết phục cho được. Khác biệt còn ở mức độ tự
giác đến đâu. Cũng không nên bỏ qua tâm thái của người trong cuộc. Có người
trôi theo tự nhiên, không mấy khi day dứt. Có người lại dằn vặt khôn nguôi.
Dẫu thế nào thì ý kiến mới
đây của Trần Đăng Khoa cũng rất cần suy ngẫm: “Điều đáng sợ nhất của văn chương
ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó
không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ, nó chỉ nhạt
nhẽo, không có sắc thái và cá tính. Nhưng nó lại được nhiều nhà quản lý, lãnh đạo
ủng hộ vì nó luôn bảo đảm sự ổn định và an toàn. Nó yếu đuối, không có sinh
khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo” (Văn
nghệ, số 44/2007). Đáng suy ngẫm nhất có lẽ là ở chỗ, tại sao vào lúc này, khi
các cuộc kháng chiến ác liệt mà hào hùng đã kết thúc từ lâu, và khi cả dân tộc
đang hướng thẳng tới một xã hội hiện đại bằng quyết tâm đổi mới triệt để mà đây
đó vẫn còn duy trì, bảo vệ cái nhìn lỗi thời ấy. Ý thức sáng tạo cá nhân cần được
coi trọng. Hơn thế, xã hội cần tạo mọi điều kiện cho nó tự khẳng định. Đặc thù
lao động nghệ thuật bao đời nay là vậy mà. Mãi đến thời gian gần đây, tôi mới
thấy nhà phê bình Hồ Sỹ Vịnh trong bài Văn hóa của lương tri và chủ nghĩa
nhân văn in trên Văn nghệ, số 44/2007, nhắc lại câu
nói nổi tiếng từ lâu của nhà văn Nga Platonov (1899 - 1953). Được biết, ngay từ
những năm sau Chiến tranh vệ quốc, nhà văn này đã nêu lên một công thức tuyệt vời: “Không
có tôi, nhân dân đã không trọn vẹn”. Rất mừng là tác giả bài viết đã giảng giải
câu nói theo tinh thần mới của thời đại: “Tất nhiên là Cái Tôi viết hoa khẳng định
giá trị của từng cá nhân đối với cộng đồng; cá nhân không phải là phương tiện của
lịch sử mà là con người sáng tạo lịch sử”.
Văn chương, thời nào và ở
đâu cũng đều thế, bao giờ cũng bị điều kiện hóa bởi hoàn cảnh. Viết văn, ở một
góc độ nào đó, chỉ là một lối ứng xử xã hội thôi mà! Nhiều nhà văn từng thú nhận
và thừa nhận như thế. Cũng không chỉ xảy ra với sáng tác thôi đâu! Lý luận, phê
bình văn chương không là ngoại lệ. Nó thường xuyên bị hoàn cảnh chi phối, lắm
khi còn khe khắt, nghiệt ngã hơn là đằng khác. Theo hồi ức của Vũ Đình Huỳnh,
nguyên là Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì trong lần sang thăm Pháp năm
1946, vào ngày 25/6, Vị Chủ tịch của nước Việt Nam mới có tiếp triết gia Trần Đức
Thảo. Trước nguyện vọng trở về phục vụ Tổ quốc của ông, Người tỏ ý băn khoăn: “Sớm
muộn gì cuộc chiến tranh Việt – Pháp sẽ không tránh khỏi phải diễn ra. Chú Phạm
Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa)…sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc. Chú Trần Hữu Tước
bào chế thuốc men… Đó là những yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này. Còn chú, nhà
triết học… - Hồ Chí Minh nở nụ cười nhìn Trần Đức Thảo dí dỏm… - Chú về lúc này
sẽ không có đất mà cắm dùi đâu…” (Văn nghệ, 46/2007). Thật là một bộ óc
nhìn xa thấy rộng! Ấy là bởi Người rất trọng tính xác thực của sự tồn tại.
Vấn đề đặt ra là cần làm sao
để sớm chấm dứt tâm trạng không hay ho gì từng xảy ra với nhiều nhà văn, nhà
thơ tài năng sau những lần gặp phải những “sự cố” nghề nghiệp không mong muốn
mà lại rất dễ bất chợt xảy ra trong đời người cầm bút. Như trường hợp Phạm Tiến
Duật. Trong “vụ” Vòng trắng, nhà thơ có gặp Tố Hữu, người giữ trọng trách
về văn nghệ thời ấy. Sau này, Phạm Tiến Duật nhớ lại: “Suốt hơn tiếng đồng hồ
ông Tố Hữu không hề đả động gì đến bài thơ, chỉ nói tình hình thời sự thế giới
trong nước, như muốn gia cố tư tưởng cho mình. Mình hỏi thì Tố Hữu chỉ nói một
câu: “Hóa ra một tiền đạo giỏi lại đá thủng lưới nhà”, rồi thôi. Có vẻ như
ông không hề đọc bài thơ – PQT nhấn mạnh, không một câu, một ý nào được
ông dẫn để phê phán. Sau này Tố Hữu có nói đại ý: Trong lúc đêm tối, thấy cái
gì trắng trắng người ta tưởng là ma, nhưng sáng rõ ra rồi mà vẫn trắng thì là
trắng chứ không phải ma”. Nhà thơ Chế Lan Viên khi ấy gặp Phạm Tiến Duật tỏ ra
rất cảm thông bảo: “Bây giờ với Phạm Tiến Duật là người đi đường gặp mưa. Có
hai cách: một là trú lại, chờ trời tạnh. Trú thì an toàn, nhưng khi mình trú
thì đoàn lữ hành sẽ đi xa. Cách thứ hai là đội nón mà đi. Hôm nay tôi cấp cho
Duật một cái nón như vậy” - “Có một cái nón cụ thể nào không?” - “Có!”. Nói rồi
Chế lan Viên vào phòng trong, mang ra cho ông bộ Thủ lăng nghiêm kinh hai
tập. Đọc xong bộ kinh, Phạm Tiến Duật thấy thanh thản hẳn. “Đó là một bộ sách
nhất thiết phải đọc” - Ông rút ra kết luận như vậy sau bước thăng trầm trong cuộc
đời viết văn đầy khốn khó mà cũng lắm đam mê của mình (Văn nghệ, số Thơ,
11/2004).
Tuy nhiên, hãy cùng trở về với
ý thức thẩm mỹ một thời. Có một thực trạng nếu tinh ý sẽ thấy khá là nghịch lý.
Ấy là: hầu như tất cả các nhà phê bình, lý luận văn chương có đóng góp quan trọng
trước Cách mạng thì sau này, mỗi khi có dịp quay nhìn về quá khứ, đều luôn mang
một nỗi mặc cảm đôi khi phải nói là khá nặng nề, cho dầu họ ở những hoàn cảnh
khác nhau. Thiếu Sơn chẳng hạn. Sau 1945, ông viết và làm báo công khai hợp
pháp ở Sài Gòn. Rồi từ năm 1954 trở đi, ông đứng trong hàng ngũ thuộc “lực lượng
thứ ba”, đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, trên các tờ Thần chung, Điện
tín, Công lý…Trong buổi nói chuyện tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, ngày
22/11/1970, do Ban Đại diện Phong trào Tự trị đại học tổ chức, ông có nhắc lại
cuộc tranh luận nghệ thuật giữa những năm 1930 mà ông là người khởi đầu. Nói đến
hai tờ báo nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX là Đông Dương tạp
chí và Nam Phong tạp chí, ông cả quyết: “Cho đến bây giờ tôi mới
nhận thấy cái nguy hiểm tai hại vô cùng của hai ngân hàng thuốc mê cũ. Tôi là
người bị uống thuốc mê và bị nó ngấm lâu quá!”(1, tr.452). Ông đã nói quá đi
chăng? Riêng cuốn Phê bình và Cảo luận của mình thì ông bảo: “Bây giờ
thỉnh thoảng có nhiều sinh viên, các vị giáo sư yêu cầu cho tái bản lại quyển
đó. Tôi rớ tới sách cũ, đọc chưa hết hai chương thì hoảng hồn: toàn là những
chuyện tầm phào, gần như phản động. Sách đó không phải phản dân tộc nhưng là
phi dân tộc…mấy em đừng nên đọc những quyển sách đó. Tôi sẽ có một quyển sách
làm quà cho mấy em, đó là những bài viết chín chắn sau này đăng trên báo Thần
chung… Còn những sách cũ của tôi, hồi tiền chiến là chuyện đời xưa, kể như bỏ
đi…” (1, tr.453). Theo Hoài Anh, đầu năm 1972, Mỹ Ngụy lại bắt ông vì những bài
báo của ông đăng trên Thần chung, Điện tín nhân kỷ niệm ngày sinh của
Hồ Chí Minh. Rồi Hoài Anh đưa ra nhận xét: “Thiếu Sơn đã trả xong món nợ Nghệ
thuật vị nghệ thuật trong bài báo thành khẩn tự phê bình trên Tiếng
nói Dân tộc Xuân 1973” (1, tr.455). Người bình luận ở đây xem ra vẫn chưa
được trang bị bằng cái nhìn thật sự mới mẻ.
Song có lẽ không đâu lại rõ
rệt như trường hợp Hoài Thanh – bạn văn cùng thời và cũng có thể nói là cùng
chí hướng với Thiếu Sơn. Ông sớm tham gia cách mạng và kháng chiến, rồi được Đảng
phân công giữ nhiều trọng trách trong lãnh đạo và quản lý văn nghệ. Ta thấy có
tới hai bài Hoài Thanh viết sau hòa bình 1954, rất thành khẩn, rất tâm huyết về
hai sự kiện lớn gắn với hoạt động văn chương trước Cách mạng của ông là Nhìn
lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 – 1936 và Một vài ý kiến về
phong trào Thơ Mới và quyển Thi nhân Việt Nam. Cả hai trường
hợp đều như có sự hối thúc mạnh mẽ từ bên trong. Cảm giác bao trùm là ông không
thể không viết. Mà phải viết ngay lập tức, chậm trễ tất sẽ hối tiếc. “Nhưng
không thể chờ lâu hơn nữa” – Hoài Thanh thổ lộ trong bài đầu (2, tr.149). Còn
đây là ở bài sau: “Nhưng năm tháng trôi qua, không thể cứ chờ mãi được” (3,
tr.218). Về cuộc tranh luận nghệ thuật trong quá khứ, Hoài Thanh rất nghiêm khắc
với mình: “Tôi tính chuyện làm văn và lấy văn chương làm một lẽ sống mới. Thực
ra trong cái lẽ sống ấy đã bao gồm cả lẽ chết mà phần chết lại nhiều hơn phần sống”
(2, tr.168). Ông không ngại dùng từ nguy hiểm – “nguy hiểm
về lý luận lại càng nguy hiểm hơn về sáng tác” (2, tr.174) để kết án nặng nề và
có phần vô lối bản thân cùng những người đồng chí hướng với ông thời ấy. Thậm
chí, ông còn so sánh tội của phái Nghệ thuật vị nghệ thuật với tội của
nhóm Nhân văn - Giai phẩm vừa bị quyết liệt lên án và bài trừ: “Cả
hai bên đều đòi tự do hoặc để không đi theo cách mạng, hoặc để chống lại cách mạng;
đều ném ra một thứ quan niệm chung chung về con người để xóa nhòa ranh giới
giai cấp, do đó mà tự giác hay không tự giác đều đòi quyền làm người cho bọn
chuyên nghề áp bức bóc lột hoặc ăn bám đang sắp sửa bị lịch sử tước mất quyền ấy”
(2, tr.173). Về Thơ Mới và cùng với phong trào này là cuốn Thi
nhân Việt Nam, cái nhìn và thái độ cũng khe khắt không kém. Hoài Thanh đánh
giá Thơ Mới: “Nhìn chung “thơ mới” chìm đắm trong buồn rầu, điên loạn, bế
tắc. Đó là chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa. Nguy hiểm nhất (lại nguy
hiểm! - PQT nhấn mạnh) là nó tạo ra một thứ say sưa trong đó… Cho nên mặt
chính của “thơ mới” phải nói là mặt tiêu cực” (3, tr.224). Về cuốn Thi
nhân Việt Nam, ông nhận xét: “…[s]ai lầm không chỉ ở chỗ đề cao quá đáng nhà
thơ này hay nhà thơ kia. Có thể nói toàn bộ sự đánh giá ở đây là sai vì sai từ
gốc sai đi. Ngay những đoạn có vẻ đúng, thật ra vẫn là sai và sai về căn bản”
(3, tr.228). Nên, không có gì lạ, trước thú nhận sau của ông: “…[t]ất nhiên quyển
sách của chúng tôi đã tác hại nhiều. Nhất là chúng tôi đã nói điều sai lầm ấy với
một giọng nói chân thành và tha thiết” (3, tr.229). (!?).
Vũ Ngọc Phan – nhà văn tiêu biểu
cho khuynh hướng phê bình khoa học trước Cách mạng cũng không đi ra ngoài qũy đạo
chung đó. Sau này, ông tự đánh giá bộ phận phê bình trước Cách mạng trong đó có
tập Nhà văn hiện đại của bản thân trong một bài viết quan trọng mang
tựa đề Phê bình văn học trước Cách mạng tháng Tám. Về hạn chế đáng
nói nhất của phê bình thời trước, ông viết: “Nhưng do có tư tưởng chuyên về văn
học thuần túy và sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, tôi đã không thấy được
trong phê bình văn học, cũng như trong sáng tác văn học, nội dung chính trị
cũng quan trọng như hình thức nghệ thuật, nên tôi không thấy được đối tượng phục
vụ của văn học phải là nhân dân lao động” (4, tr.287). Ông không quên đề cao một
chiều phái Nghệ thuật vị nhân sinh trong cuộc tranh luận nghệ thuật
1935 – 1939 thuở nào, do dựa trên quan niệm giai cấp có phần sơ cứng: “Như vậy,
giữa hai nhóm lý luận phê bình có những ý kiến khác nhau về căn bản và nhiều luận
điểm của nhóm Hải Triều đến nay vẫn còn giá trị” (4, tr.292). Đó chính là điểm
tựa đưa ông tới nhận xét có phần giản đơn về tình hình lý luận, phê bình văn
chương sau Cách mạng vốn thường xuyên bị điều kiện hóa chặt chẽ bởi hoàn cảnh
chiến tranh thật oanh liệt mà cũng thật khốc liệt. Ông khẳng định: “Nhưng phải
đến sau Cách mạng tháng Tám, người làm công tác văn học, nhờ ánh sáng của chủ
nghĩa Mác – Lênin mới hiểu được phê bình văn học là lãnh đạo văn học theo
đường lối của Đảng…- PQT lưu ý. Nếu so sánh tình hình phê bình văn học của ta
ngày nay với tình hình phê bình văn học thời xưa thì rõ ràng là xa nhau một trời
một vực”. Đặc điểm nổi bật của nền phê bình thời ấy là ở tính quần chúng trong
việc “nâng cao những dư luận tốt của quần chúng một cách sáng tạo, hướng dẫn quần
chúng hiểu thêm giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn học” (4, tr.293),
và ở tính giai cấp với định hướng “phục vụ cách mạng…luôn luôn gắn liền
văn học với đấu tranh giai cấp” (4, tr.292). Ông chỉ nhìn thấy mặt thuận để phê
bình văn chương hiện thời phát triển, mà chưa nhận ra những thách thức, đôi khi
rất gay gắt và quyết liệt, khi phê bình văn chương bước vào thời hội nhập rộng
rãi để tự đổi mới: “Cái thuận lợi nhất của phê bình văn học sau Cách mạng là sự
lãnh đạo của Đảng” (4, tr.293). Vậy nên, niềm tin của ông vào tương lai văn
chương dân tộc khó tránh khỏi dễ dãi: “Nếu người sáng tác và người phê bình đều
tuyệt đối theo đúng đường lối văn nghệ của Đảng thì giữa người sáng tác và người
phê bình sẽ có sự nhất trí căn bản” (4, tr.293). Thực tế riêng biệt và phức tạp
của văn chương không phải bao giờ cũng diễn ra như mong mỏi tốt đẹp của ông.
Phần nào ngoại lệ chăng là ở
trường hợp Xuân Diệu. Trong cuộc tranh luận tập thơ Từ ấy vào năm
1959, ông thẳng thắn nêu lên và bảo vệ quan niệm có phần trái chiều của mình, rằng:
“Thơ Tố Hữu trước cách mạng tức là sự thoát thai từ phong trào thơ mới (từ 1932
trở đi) kết hợp với tinh thần, với tư tưởng cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp
công nhân đưa đến” (5, tr.567). Nhưng sau đó, tiếc thay, trước những ý kiến
trao đổi lại, mà không phải ý kiến nào cũng đều thấu lý cả, chính Xuân Diệu đã
buộc phải tự phê bình, nghĩa là tự điều chỉnh: “Tôi đã viết một câu giản lược,
gây nên những sự nhầm lẫn (…) chữ “thoát thai” của tôi dùng không thỏa đáng”
(5, tr.569). Tuy, trong thâm tâm, như nhiều người xác nhận, Xuân Diệu không khi
nào đánh giá thấp Thơ Mới cũng như xu hướng mỹ học làm tiền đề cho
nó.
Cần giải thích sao đây, cái
nhìn có phần khe khắt đối với những đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau trong
hoàn cảnh đặc biệt ở các nhà lý luận, phê bình tiến bộ và cách mạng một thời?
Rõ ràng có cái thuộc về nhận thức ấu trĩ của một thời. Hãy nương theo hồi ức
nghề nghiệp của Tô Hoài: “Bấy giờ, (vào những năm sau hòa bình 1954 - PQT
) những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại” (6, tr.64). Những ai
ham khám phá, chuộng mới lạ tất bị sách nhiễu trước tiên. Như Nguyễn Tuân: “Những
khác người trong lối sống, nhưng tế nhị kiểu cách mà không ồn ào. Cả trong văn
Nguyễn Tuân cũng thế, từ triết lý đến mỗi câu mỗi chữ. Những người có trách nhiệm
đã bỏ công soi mói, bẻ hành bẻ tỏi chỉ là gò ý và trịch thượng… Công việc được
gọi là theo dõi ấy thật sự đố kỵ bề trên… Đó chỉ là những áng văn vẫn bộc lộ những
nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi còn đâu phong
cách Nguyễn Tuân” (6, tr.70). Cho nên, có thể chia sẻ phần nào với tâm sự thành
thực này của Tô Hoài: “Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế, bảo là cần thì
cần lắm, mà cho là thường thì cũng thường thôi” (6, tr.67). Ngay cả ý nghĩ sau
về sự kiểm duyệt khó tránh của báo chí một thời cũng nên được cảm thông: “Có một
thời, những người “theo dõi” báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong
làm lính gác. Lính gác thì phải có việc, chẳng lẽ ăn lương chỉ đứng không.
Nhưng thật người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy,
bài ấy có vấn đề. Tự nhiên người ta cảm thấy có vấn đề thật và người ta dò tìm
từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề!” (6, tr.71). Xem ra nhận xét của một
nhân vật trong truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh mang
tính phổ quát khá rộng rãi: “Cuộc đời chiến sỹ chỉ dạy tôi điều đơn giản, nếu kẻ
thù ở hướng nào thì phải quay súng về hướng ấy. Còn nếu nó ở bốn phía (như khi
chiến tranh kết thúc - PQT) thì chính mình phải nổ tung”. Tuy đó mới chỉ
là một khía cạnh. Điều sau đây mới thật đáng kể: “Lại thêm trong nhiều chục năm
chúng tôi luôn luôn bận rộn bởi nhiều cuộc tranh cãi về lập trường, quan điểm
giai cấp trong văn nghệ. Các cuộc đấu tranh ấy lại diễn ra trong bầu không khí
chính trị thường xuyên căng thẳng của một thế giới chia đôi, một đất nước chia
đôi và một xã hội cũng bị chia ra bởi các cuộc đấu tranh giai cấp”. Ai từng sống
trong hoàn cảnh tương tự sẽ có điều kiện thấm thía cùng người viết.
Chắc chắn có nguyên cớ trực
tiếp đến từ nước láng giềng anh em. Bởi, vào thời kháng chiến chống thực
dân Pháp, ảnh hưởng mọi mặt từ Trung Quốc, trong đó có tư tưởng văn nghệ thật
rõ rệt mà cũng thật sâu sắc. Trong các mục quảng cáo sách thời này trên tạp chí Văn
nghệ, dưới các tiêu đề Đón coi, Đã xuất bản, Sắp xuất bản, Đã có bán, Mới
phát hành…ta thấy trong mảng lý luận và trao đổi về văn nghệ, ngoài các cuốn
sách đến từ Liên Xô, không ít cuốn đến từ Trung Quốc như: Vấn đề văn học
và nghệ thuật của Mao Trạch Đông, Văn nghệ nhân dân mới (Báo cáo
văn nghệ của Chu Dương tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc tại Trung Hoa tháng
9/1949). Trong thư nhà văn Nguyên Hồng gửi Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Xuân Sanh
thay cho một văn bản báo cáo công tác đề ngày 10/8/1952 có nhắc tới việc nghiên
cứu để thấm nhuần bài viết lưu hành nội bộ có tên Kiên quyết quán triết đường
lối văn nghệ Mao Trạch Đông của Chu Dương (7, tr.41). Tạp chí Văn nghệ số
36 tháng 10 và số 37 tháng 11 năm 1952 sau đó có đăng lại, kèm theo lời giới
thiệu của Tòa soạn:“Những tư tưởng chính xác dưới đây cần được chúng ta nghiên
cứu kỹ”. Trong bức thư gửi Mao Chủ tịch nhân ngày sinh của ông, thay mặt
Ban chấp hành Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Nguyễn
Tuân khi ấy trân trọng biểu lộ: “Toàn thể văn nghệ sỹ Việt Nam cũng như toàn thể
nhân dân chúng tôi rất hân hoan sung sướng đón mừng ngày sinh của Chủ tịch vĩ đại…Trung
Quốc mới trên con đường do Chủ tịch hướng tới đã có những thành tựu to lớn. Tất
cả những cái đó đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động
Việt Nam và Chính phủ, công tác văn nghệ của chúng tôi cũng theo phương hướng
văn nghệ công nông binh do Chủ tịch vạch ra” (8, tr.797 - 799). Không khí
tinh thần chung và không khí văn chương riêng xem ra đều như vậy cả. Ảnh hưởng
quan trọng nhất, đáng kể nhất tới việc chỉ đạo văn nghệ ở ta là hai bài diễn
văn Khai mạc và Bế mạc của Mao Trạch Đông tại Hội nghị Văn nghệ Diên An tháng 5
năm 1942. Vấn đề chức năng của văn nghệ và chức phận của văn nghệ sỹ cách mạng
được đặt ra và giải quyết dứt khoát trong quan hệ phụ thuộc của văn nghệ vào
chính trị. Đặc biệt, việc “cải tạo tư tưởng” tiểu tư sản của các văn nghệ sỹ đã
thành một một yêu cầu gắt gao. Nhà văn Nguyễn Thành Long sau này có dịp nhớ lại:“Để
viết cho dân hiểu, người viết phải đi theo hướng quần chúng hóa. Thậm chí chúng
tôi hiểu chủ trương này một cách cực tả, không đúng. Khi đọc tài liệu Văn
nghệ Diên an của Mao Trạch Đông, tôi còn nhớ nguyên văn một câu gây ấn tượng
dai dẳng trong tôi: ‘Trí thức là cục phân’” (9, tr.528).
Có
dịp giở lại những lá thư chủ yếu là của các văn nghệ sỹ gửi cho nhà văn Nguyễn
Huy Tưởng trong năm 1952 mới thấy được phần nào không khí tư tưởng một thời. Từ
cuối tháng 2 đến đầu tháng 5 năm ấy, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi học Trường Đảng
Nguyễn Ái Quốc. Trong lá thư đề ngày 29/3/1952, Tố Hữu viết: “…[c]húng mình sẽ
cần phải trải qua học tập hẳn hoi như vậy mới có thể làm nổi nhiệm vụ của Đảng
giao cho chúng mình trên mặt trận văn nghệ”. Ông còn nhắc tới Lớp chỉnh huấn
Khóa hai của Văn nghệ “có cả bác Tố [Ngô Tất] cụ Phan Khôi, Nguyên Hồng, Văn
Cao v.v…về dự”, và “báo cáo về, cho biết đợt học tập đầu có kết quả khá, nhờ
kinh nghiệm lớp trước”. Tố Hữu không quên nhắc tới nhiệm vụ mà Ban Tuyên huấn đặt
ra trong năm 1952 là tiếp tục “chỉnh huấn văn nghệ sỹ” (7, tr.29). Một cán bộ
phụ nữ tên là Tâm Trung, trong là thư tâm tình của mình gửi Nguyễn Huy Tưởng
thì viết: “Anh Tưởng đi dự lớp là thấy vui rồi. Ngoài việc học tập và học tập
xung quanh để kiểm thảo tư tưởng; còn được gặp bao nhiêu các đồng chí công nông
ở bốn phương tới… Như thế cho nên tin anh Tưởng đi học đến với Tâm Trung như một
tin trời nắng khi buổi sớm mai người ta dậy, sau một đêm mưa dầm” (7, tr.31).
Người nữ cán bộ làm văn nghệ này còn kể về cuộc chỉnh huấn “ở nhà” cho Nguyễn
Huy Tưởng được rõ: “Nói chung, anh chị em rất cảm động (…) cảm ơn chỉnh huấn.
Bích Thuận (…) người vô tư thế, trở nên suy nghĩ rất nhiều. Sau một đêm suy
nghĩ, rất thù ghét cái giai cấp xấu xa của mình và giáo dục gia đình đã cho
mình nhiều xấu xa đến thế; trước vẫn tưởng mình đẹp, sau mới thấy mình xấu xa
và càng thấy thương mình nhiều. Thanh Hương khóc, mắt ngơ ngác. Thanh Hương có
kiểm thảo về luyến ái quan…” (7, tr.32). Chị cũng nhắc tới công việc dồn dập
trước mắt: “Dạo này Tâm Trung không viết gì ngoài những công việc hàng ngày. Cảm
thấy rõ rệt công việc nào cũng phục vụ nên vui, an tâm anh ạ. Tuy vậy, thỉnh
thoảng cũng còn chất décadent (suy đồi, ủy mỵ) như buổi chiều mây nặng
trĩu thì vẫn có cảm giác buồn. Được một phút, rồi cũng tự điều chỉnh ngay… Xung
quanh nhân dân tiến lên cả. Và càng tiến thì càng vui. Nắng không bao giờ buồn
cả” (7, tr.32 & 33).
Vì vậy, có lẽ nguyên nhân
chính yếu của cái nhìn khe khắt trên nằm ở sự đấu tranh, giằng xé đôi khi rất
quyết liệt trong tư tưởng của người nghệ sỹ. Tất thảy là nhằm tìm đến một sự
hài hòa có thể có giữa con người cầm bút và con người công dân. Vì, như nhiều
người đã rõ, phần đông các nhà văn theo kháng chiến và cách mạng đều xuất thân
từ tầng lớp tiểu tư sản trí thức, được đào tạo và trưởng thành trong nhà trường
Tây học. Đi vào kháng chiến, trước hoàn cảnh mới với nhiều thử thách mới, phần
nhiều nghệ sỹ nhận đường rất chật vật. Cái mới và cái cũ, cái tốt và
cái xấu đan xen luôn tranh chấp, xung đột. Lấy trường hợp Nguyễn Huy Tưởng làm
ví dụ. Đọc nhật ký của ông viết cuối năm 1947 ta thường gặp những câu hỏi, hướng
hẳn vào sáng tác: “Chỉ toàn những ý kiến, những dự định, và những uất ức vì chẳng
một dự định nào thực hiện được. Có lẽ mãi thế hay sao?” - “Càng thấy hứng khởi
muốn viết, nhưng viết gì?” - “Nói chuyện về A. France, về R. Rôlllad. Sao mà
tác phẩm của họ vĩ đại thế?” (9, từ tr.73 đến tr.76). Nhưng nổi lên
là những băn khoăn. Do đâu? Chính là từ thực tế chiến đấu hy sinh hào hùng của
toàn dân tộc. Ông ghi lại chuyện Xuân Diệu kể: “Mai Lương trong Bộ Kinh tế đi
công tác. Nửa đường đánh rơi 4.000đ. Không biết mất ở đâu. Vài hôm sau: UBHC
nơi mình đi qua gọi lên. Các em nhi đồng đã nhặt 3.800đ đem nộp để trả cho người
mất tiền. Còn thiếu 200đ, thì vừa lúc ấy một cụ già đem nộp nốt…” (Ghi
ngày 2/11). Và một chuyện rung động lòng người khác cũng đi thẳng vào những
trang nhật ký chân thực của Nguyễn Huy Tưởng: “Nghĩa nói chuyện về một Vệ quốc
đoàn ở giải phẫu viện. Bị đạn ở chân. Xin cưa. Trước khi cưa, cởi trần truồng.
Run bắn người… đánh thuốc mê…cắt thịt đến xương… Ghê rợn… Lúc xong bỏ thuốc mê.
Trái với những người khác kêu khóc, chửi rủa, anh ta nói mê: Không! Mình là một
chiến sỹ cách mạng. Mình không… Người chiến sỹ cách mạng thì phải cưa chân. Rồi
tôi bảo vợ con tôi là đừng có thương tôi. Rồi hát Đoàn quân Việt Nam đi…
Mình là một quân nhân cách mạng kia mà. Trong khi ấy thì một chị cứu thương cầm
cái cẳng mới bị cưa, vứt vào sọt. Ghê người. Người chiến sỹ vẫn cứ nói…” (Ghi
ngày 6/1). Rồi chuyện nhận được thư của bạn: “Nhận thư của Vũ Văn Hiền do Nha
Công an gửi tới (Viết 29/9/1947) có đoạn: “Gần đây số người bi quan về
tương lai đã ít hơn tháng trước”… Trên đường về, dân quân đang phá hoại. Một em
bé vung búa đào hầm. Em vui vẻ nói: “Không để một sức nào lại”…(9, tr.82). Và
còn nhiều, rất nhiều những trang nhật ký kịp ghi lại những sự thật hào hùng diễn
ra hàng ngày hàng giờ biến thành thói quen, thành nếp sống của mọi tầng lớp
nhân dân tham gia kháng chiến như thế nữa…
Vậy là, thực tế kháng chiến
với bao câu chuyện, bao tấm gương cao đẹp hối thúc các văn nghệ sỹ sáng tạo.
Như nhà phê bình Thiếu Sơn từng chân tình giãi bày: “Qua thời kỳ tiền chiến và
kháng chiến tôi thú nhận rằng tôi học tập được rất nhiều ở anh em công nhân,
nông dân, học tập ở những người sống chết với quê hương. Với họ bản thân và quê
hương gắn liền nhau thật mật thiết; họ mong ước thay đổi quê hương để họ được
thay đổi số phận. Các tầng lớp trí thức, quả thật tôi e ngại nhiều…” (1,
tr.453). Và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thì từ tốn nói: “Thế hệ chúng tôi sống
trong cảnh nước mất nhà tan, đi theo Cách mạng và Cách mạng thành công – đó là
điều vô cùng mãn nguyện. Chúng tôi chỉ còn làm cho tốt hơn chứ không đập phá.
Cái gì nhất thời nóng vội rồi tự khắc nó biến mất. Không chỉ tôi mà cả thế hệ
nhà văn thời tiền chiến đi theo Cách mạng đều như vậy” (Văn nghệ, số
14/2009). Chỉ có điều, cái cũ, oái oăm thay, lại thường đứng ra ngăn lối ngáng
đường. Khúc mắc, trắc trở là khó tránh khỏi. Vẫn những trang nhật ký của Nguyễn
Huy Tưởng: “Sao chưa có kịch, tiểu thuyết tả người anh hùng ấy?” - “Nhưng liệu
có ai (nghệ sỹ) dám đi không?” - “Bao giờ ta có thể viết lại được?”. Trong khi:
“Đêm trằn trọc: lo còn bao nhiêu tác phẩm. Mà mình đã già rồi! Những tác phẩm đồ
sộ. Dầy như Chiến tranh hòa bình” (9, tr.92). Phải thấy, chỉ những
nhà văn giàu tâm huyết mà lại giàu tài năng như Nguyễn Huy Tưởng mới có những nỗi
day dứt đáng quý ấy. Vậy nên họ khó tránh khỏi những “sự cố” đáng tiếc xảy.
Nguyễn Đình Thi có lần kể lại
chuyện xảy ra với chính mình trong bài Chuyện cũ về một vở kịch đầu
tay (Văn nghệ, số 1- 2/2001). Cuối năm 1954, ông đi dự Đại hội Nhà văn
Liên Xô, có xem vở múa rối Vua nai,Vỡ bờ quyển 1, “để thay đổi sang một
không khí khác, tôi đã viết rất nhanh vở Con nai đen, phỏng theo vở múa rối
mà tôi vẫn không quên”. Vở kịch được in năm 1962. Sau Đoàn kịch nói Nam Bộ dựng,
Thế Lữ đạo diễn. Trong Hội diễn kịch nói năm ấy, vở kịch gây nhiều tranh luận.
Thậm chí, “vở kịch bị phê phán khá nặng. Có lẽ cũng một phần là thời gian đó
trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em đang dậy lên cuộc tranh luận gay gắt về
chủ nghĩa xét lại, và trong kịch của tôi phe chính và phe tà đấu với nhau về những
chuyện quân nước ngoài định xâm lấn, làm cho người xem có thể nghĩ là tôi muốn
ám chỉ những vấn đề thời sự”. Thế rồi vở kịch thôi không diễn nữa. Năm
1983, ông viết lại Con nai đen. “Và để ý chính được rõ, tôi đặt tên
cho vở kịch một tên thứ hai là Tình yêu không lầm”. Cho tới năm 1993,
Nhà xuất bản Văn học in lại Con nai đen trong tuyển tập kịch của ông,
là theo bản sửa năm 1983 mà ông “coi đó là bản chính, thay cho bản 1961”. Có
thể đó là sự điều chỉnh bình thường của sáng tác nhằm theo kịp những chuyển biến
của tư duy và tư tưởng. Song, nếu do nỗi vấn vương chuyện cũ, mà điều này lại
khó tránh khỏi, thì lại là vấn đề khác. dựng theo một vở kịch cổ Italia. Về
nước, sau thời gian đánh vật với
Trong bài Điều Tử Nguyễn
Huy Tưởng, Nguyễn Huy Thắng (Văn nghệ, số 15/2007) ngậm ngùi nhớ lại
không ít chuyện từng bất ngờ ập đến với cha mình. Sau chiến thắng Việt Bắc
thu đông 1947, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bắt tay viết Những người ở lại. Vở
kịch là cả một nỗi niềm của ông nhớ về Hà Nội. Nhưng ông chỉ viết về người trí
thức, giới ông am hiểu hơn cả. Họ có đời sống nội tâm phong phú vì thế mà phức
tạp. Tuy vậy, họ thiết tha yêu nước, quyết xả thân vì đại nghiệp. Ông nghĩ thế
và viết thế. Nào ngờ, sau khi ra đời, vở kịch đã phải hứng chịu không ít dị nghị.
Đây đó có ý kiến cho rằng ông vuốt ve tiểu tư sản, lạc lõng với thời cuộc… Rồi
có những cuộc phê bình công khai trong các hội nghị đoàn thể cũng như trong giới
văn nghệ. Thật chua xót, vì tác phẩm mang nhiều tâm huyết của ông lại
tỏ ra phản tác dụng. Ông luôn tâm niệm: “Giúp đời, giúp cho cuộc chiến đấu, rút
cục đấy vẫn là công việc chính của mỗi người, của con người văn nghệ”. Vậy mà
thật xót xa, chính ông có lúc hoài nghi bản thân mình: “Những người ở lại thì
nó giúp cái gì?”. Có khi ông còn tỏ ra ngao ngán, đi tới tự phủ nhận bản thân:
“Ta muốn sống như một người bình thường. Ta không muốn là Nguyễn Huy Tưởng”.
Chưa hết, một chuyện tương tự khác lại xảy ra sau hòa bình 1954. Năm 1956, ông
viết tùy bút Một ngày chủ nhật, gần chục trang, cũng gây không ít sóng
gió: “Nói những sai lầm, mà bút run run, rồi sẽ bị đả kích đến thế nào?”. Do dự,
phân vân, viết hay sao được! Nhưng rồi ông lại tự động viên mình: “Phải dũng cảm
mà phê bình xã hội. Tự hào, phải có cái tự hào của người cầm bút”. Đứng vững
trong hoàn cảnh ấy là khó. Nhưng dầu có đứng được vững, thì sau cơn bĩ cực,
trái tim người nghệ sỹ vốn dễ bị tổn thương vẫn không thể mau chóng nguôi quên…
1. Hoài
Anh - Chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001.
2. Hoài
Thanh - Phê bình và Tiểu luận, T1, Nxb Văn học, HN, 1960.
3. Hoài
Thanh - Phê bình và Tiểu luận, T 2, Nxb Văn học, HN, 1965.
4. Vũ
Ngọc Phan - Toàn tập, tập 2, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.
5. Nhiều
tác giả - THữu – thơ và CM, Nxb Hội Nhà văn, HNội, 1996.
6. Tô
Hoài - Cát bụi chân ai – Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.
7. Nguyễn
Huy Thắng (Sưu tầm và Biên soạn) - Với Nguyễn Huy Tưởng, Nxb Hội Nhà
văn, Hà Nội, 1998
8. Viện
Văn học - Lý luận và phê bình văn học, đổi mới và phát triển, Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
9. Nhiều
tác giả - Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, Nxb Khoa học Xã
hội, Hà Nội, 1995.
Đà Lạt, 5/2009
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét