Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Góp bàn về thơ hôm nay

Góp bàn về thơ hôm nay
Vài năm lại đây, thơ được in ra nhiều, nhiều lắm, có vẻ như một hiện tượng lạ. Chả khó khăn gì để nhận ra hiện trạng ấy. Nhiều người gọi là sự “lạm phát” của thơ. Nếu nghĩ kỹ sẽ thấy có gì đó chưa thật ổn. “Lạm phát” vốn là từ chuyên dùng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, để chỉ tình trạng đồng tiền của một nước nào đóbị mất giá nên phải phát hành nhiều tiền mặt, nhiều hơn giá trị vốn có của nó. Vậy trên thực tế, đâu phải cứ in ra nhiều là đồng tiền mất giá, mà ngược lại, chính vì đồng tiền mất giá mà phải in ra nhiều... Trở lại câu chuyện ta đang bàn, ai cũng biết, thơ (đây là thơ hay, thơ đích thực) bao giờ cũng cần, không khi nào và không ở đâu bị mất giá cả. Điều này bất chấp mọi tình huống, ngay cả khi cứ mỗi ngày lại có chừng một, hai tập thơ được in ra như hiện nay. Vậy sao có chuyện “lạm phát” thơ?
Nhưng ở đây quả tồn tại một sự trùng hợp thú vị: Cũng như đồng tiền khi mất giá, thơ được “sản xuất” ra khá ồ ạt. Thực tế này buộc những ai quan tâm đến sự hưng thịnh của nền thi ca nước nhà phải tỏ thái độ. Đại để có hai phản ứng gần như trái ngược nhau. Không ít người bình tâm với ý nghĩ rằng, đời sống thi ca vận hành theo quy luật của nó. Cái gì không hay, không đáng là thơ sẽ tự khắc bị đào thải. Rồi trật tự sẽ được vãn hồi, không chóng thì chầy. Nhiều người khác thì thật sự lo lắng. Lám thơ làng nhàng, kể cả thơ giả nữa, thì việc bạn đõc dửng dưng với thơ dám chắc có thể tính bằng tuần bằng tháng. Một nước có tiếng là hay thơ như nước ta rồi sẽ ra sao khi bước vào thiên niên kỷ mới!
Có thể thấy rõ, cả hai thái độ trên đều có cơ sở. Và thế là, chỉ tội cho bạn đọc, nên tin vào ai đây? Sốt ruột, kể cả hoang mang nữa, khi nghĩ tới triển vọng của nền thi ca hiện đại của dân tộc trong vài thập kỷ tới là tâm trạng có thật, không nhiều thì ít. Riêng phần mình, tôi vừa bình tĩnh vừa lo lắng. Nhưng cái cớ có lẽ hơi khác.
Tôi nghĩ, so với các ngành nghệ thuật khác, văn chương có cái dễ và cái khó của riêng mình. Chất liệu của văn chương là ngôn từ. Công cụ của nhà văn là ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ lại là tài sản chung của nhiều người, cũng như hoạt động nói năng là loại hoạt động chung của toàn xã hội. Riêng ở góc độ này mà nhìn, cái “ưu” và cái “liệt” của văn chương bộc lộ khá rõ. Cái “ưu” dễ thấy nhất là văn chương có điều kiện gần gũi hơn cả với mọi người. Cảm thụ cũng vậy, mà sáng tạo cũng vậy. Ai đến tuổi trưởng thành cũng đều có một trình độ và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nhất định. Vậy nên, chả có hàng rào ngăn cản nào khiến họ không đến với văn chương. Trước hết là thưởng văn, và sau nữa, nếu có nhu cầu và điều kiện, còn làm văn nữa. Trong quan niệm có lẽ là ấu trĩ của không ít người, nhà văn vốn được mệnh danh là “nghệ sĩ ngôn từ” hơn người chủ yếu là ở khả năng sử dụng ngôn từ giỏi giang. Ngộ nhận tai hại này trước nhất được vận dụng vào người làm thơ. Đã đành, “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn chương” (M .Gorki). Ở nhà văn vốn ngôn ngữ phải giàu hơn người khác. Cố nhiên! Có điều tư chất nghệ sĩ của nhà văn trước hết và chủ yếu được bộc lộ qua những phẩm chất trong đầu và tim họ như: Trí tưởng tượng sáng tạo, khả năng rung cảm mãnh liệt, sự quan sát tinh nhạy, tài cảm thông với muôn vật, muôn loài... Do vậy, viết văn làm thơ vừa là hoạt động ngôn ngữ vừa là hoạt động nghệ thuật. Và cái sau mới là cái chính, cái quyết định. Ở thế kỷ trước, có nhà phê bình phân biệt hai câu thơ và hai câu có vẻ là thơ. Một câu là văn vần: Con mèo, con chó có lông/ Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai. Và hai câu ca dao: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Xét về vần điệu thì hai câu trên không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, nhà phê bình nọ chỉ chấp nhận câu ca dao là thơ, là văn chương. Đọc lên, ta cảm nhận được cả tấm lòng với bao dằn vặt, rồi ước ao, trăn trở nữa. Nó như một tiếng kêu thảm thiết giữa đất trời, rất cần được bao dung, rất cần được chia sẻ. Câu văn vần đầu tiên không có được những sự khơi gợi ấy nên không dính dáng đến hoạt động tinh thần cao quý và thâm hậu được gọi là nghệ thuật.
Từ đó, có lẽ ta nên phân biệt hai cách in thơ: vì nghệ thuật đích thực với mong mỏi tạo ra ý nghĩa xã hội rộng rãi, và vì mục đích thiết thực, nặng ý nghĩa riêng tư. Ví như, một cây bút có tuổi, sau khi in tập thơ đầu khá dày dặn gửi tặng tôi với lời phân trần: “Thơ phú gì đâu, tôi chỉ xem đó là ký ức được ghi lại bằng hình thức ngắn gọn, dễ nhớ thôi mà!” Có lẽ nhiều người dễ tán đồng với tôi rằng, những tập thơ dạng ấy được in ra không phải không có ích, nhưng ý nghĩa của nó nằm ở chỗ khác, không giống với những tập thơ được các cây bút vì nghệ thuật đích thực viết ra. Dĩ nhiên, trong thực tế, sự phân biệt vừa nói không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ở đây đòi hỏi con mắt am tường đã đành, còn đòi hỏi lòng trung thực của bạn đọc, và nhất là của các nhà phê bình.
Đó là tất cả các nguyên do khiến tôi không quá sốt ruột khi chứng kiến việc xuất bản thơ quá ồ ạt trong những năm vừa rồi. Tuy, phải nói là tôi thực sự lo ngại. Rất lo cho sự huyễn tưởng của một ai đó. Cũng rất lo cho sự nhầm lẫn đáng tiếc của dư luận, và càng đáng lo hơn nếu sự nhầm lẫn, thật giả lẫn lộn xảy ra trong giới nhà văn chúng ta. Vì sao vậy?
Ai đến với nghề văn một cách thật sự nghiêm túc đều thấy rằng cái luật của nghề này khắt khe lắm! Nó không bao giờ chấp nhận những ai thiếu tài năng. Không ít người mon men đến lãnh địa văn chương, sớm tỉnh ngộ, nên đã kịp chia tay với nó. Họ vẫn đủ thời gian tạo lập nên sự nghiệp của đời mình, khác với sự nghiệp văn chương, nhưng danh giá chẳng kém cạnh gì so với sự nghiệp văn chương cả. Và thế là có quyền mãn nguyện rồi. Nói như nhiều người, họ đã thật sự hạnh phúc vì đã đứng đúng ở nơi mà cuộc đời vốn dành cho họ. Đáng buồn là không phải ai cũng có may mắn như họ. Có một thực tế là cái danh trong văn chương dễ làm mê hoặc con người lắm đấy! Nó ngọt bùi nhiều hơn là cay đắng. Tôi muốn nói đến những bước đầu tiên ấy. Còn vào cuộc rồi, sống chết xả thân vì nghề, lại là chuyện khác. In được dăm ba tập thơ dễ nghĩ mình là tác giả, tác giả thành đạt, thành danh. Các nhà phê bình không để mắt đến mình, đã làm toáng lên bảo là do thiển cận hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp đấy thôi. Rất dễ hiểu nếu những cây bút loại này nằng nặc xin vào Hội Nhà văn. Và biết đâu, giữa biển cả thi ca khó bề làm chủ như hiện nay, lại không có nhà thơ hội viên chép miệng, gật đầu. Và sẽ là tai họa nếu không may được Hội đồng thơ, kể cả Ban chấp hành nữa, ghi nhận! (Tôi chỉ giả thiết vậy thôi, chứ chuyện đó khó bề xảy ra được). Tôi muốn nói “tai họa” trước tiên đổ xuống đầu “vị thi sĩ” có danh mà không có thực kia. Vì biết đâu chả có lúc lương tri thức tỉnh trong anh ta, và câu chuyện “Con cá vàng” mà Raxun Gamdatôv từng kể lại không có tác dụng trên thực tế:
- Ôi! Cá vàng! Hãy cho ta tài năng, một chút xíu thôi! – Thi sĩ bất tài nọ năn nỉ.
- Người nói sao? Tài năng ư? Ta đã cho ngươi tất cả để trả công ngươi tha mạng ta. Riêng tài năng thì không thể. Vì chính ta cũng có tài năng thi ca đâu!
Còn gì xót xa, bất hạnh hơn khi suốt đời không đứng đúng nơi số phận dành riêng cho mình.
Có lẽ tôi đã nói hơi thật và hơi thẳng? Kẻ khôn khéo ít khi xử sự như vậy. Nhưng tôi tin là nhiều người sẽ hiểu tôi. Một lần Đoàn Thị Lam Luyến tâm sự với tôi rằng: “Để có những vần thơ hay nhiều khi người viết phải biết hi sinh một phần cái tôi của mình đi”. Nhà thơ nghĩ được thế, sao nhà phê bình lại có thể kém cạnh để nghĩ khác đi cho được.                                                                                              Đà Lạt, 7/98
Thơ trẻ ư? Còn lắm ngại ngần
Thơ trẻ tôi nói đây không phải là thơ của giới trẻ nói chung, mà là thơ trẻ trung, thơ tân kỳ. Chỗ xuất phát là ở tư duy thơ: mới mẻ hay mòn sáo, là ở tâm thế người làm thơ: bứt phá hay yên vị. Trong nghệ thuật, không ai không muốn quý cái mới mẻ đi liền với những bứt phá. Nhưng để quý thật sự, theo kinh nghiệm của riêng tôi, phải học, mà cũng phải học thật sự.
Không cứ người trẻ mới có thơ trẻ. Song thơ trẻ phần nhiều do người trẻ tuổi viết ra. Xem qua nhìn lại, số người này thì nhiều, cái tên đáng nhớ lại ít, có thể tính đếm trên đầu ngón tay. Mà xem ra ngày càng thưa vắng quá! Vì sao vậy? Ưu thế của tuổi trẻ là rất nhạy cảm, nhạy bén. Họ không chịu nổi mọi sự gò bó, trói buộc. Đó là một tiền đề quan trọng cho mọi sự khám phá. Để biến tiền đề thành khả năng, họ cần khắc phục một nhược điểm cố hữu của tuổi trẻ là dễ nản chí nản lòng. Hăm hở bước tới với bao dự định tốt đẹp, khi bất chợt gặp trở ngại họ lại dễ mỏi gối chùn chân. Thế rồi đâm ra hoài nghi – hoài nghi người và hoài nghi mình, hoài nghi tất cả. Không khéo đó lại là dấu hiệu tàn phai của một tài năng đang hé nụ! Thái độ quan tâm, khích lệ tích cực kịp thời của người đi trước bao giờ cũng là cần thiết. Thế nhưng, ta đã làm gì? Tôi có hỏi một bạn làm thơ đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ mới từ Hà Nội trở về câu hỏi ấy. Anh chân tình bảo: có làm, làm nhiều là đằng khác, nhưng thiếu hiệu quả. Lại là vấn đề muôn thuở: hiệu quả. Dễ tưởng thiếu hiệu quả là do cách làm. Tôi nghĩ không hẳn là vậy. Chủ yếu là do cách nghĩ.
Nên bắt đầu từ chính những nhà văn đã trưởng thành chúng ta. Nhiều, rất nhiều tâm huyết dành cho thế hệ cầm bút trẻ, ai cũng nhận thấy. Nhưng dường như tâm lý hoài nghi sáng tác trẻ vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong đầu óc của không ít người. Và thế là nảy sinh ra e ngại, phòng ngừa – e ngại trước cái mới và phòng ngừa nguy cơ chệch hướng. Thôi quý vị hãy cảm thông cho xin một chữ bình an. Tôi nghĩ, trong chính trị rất cần chữ an. Dân có yên thì nước mới thịnh. Sự ổn định về chính trị của Việt Nam trong thế giới nhiều bất ổn hiện nay đang là ước ao của bao người.Trong nghệ thuật, có lẽ ngược lại, an lại đồng nghĩa với nguy. An kéo dài là đại nguy. Nhìn sang các nước láng giềng mà lòng cứ không yên. Ở Trung Quốc, vào thời đổi mới, thơ mông lung xuất hiện đã gây nhiều tranh cãi. Cho tới năm 1982, Hội Nhà văn Trung Quốc trao tặng thưởng cho hai tập thơ mông lung là Con thuyền hai cột buồm của Thư Đình và Nốt nhạc màu xanh của Phó Thiên Lâm thì nó mới có chỗ đứng trên thi đàn (Xem Văn nghệ, 25/2000). Tiếc là tôi chưa có dịp đọc hai tác giả trên, mới chỉ được tìm hiểu sơ qua thơ của Cố Thành – một trong những tên tuổi nổi bật của xu hướng thơ mông lung. Rất nhiều điều có thể chia sẻ cùng ông. Tôi ưa quan niệm thơ là giọt mưa long lanh trên cây lý tưởng của ông. Cũng rất ưa ý nghĩ sau của ông: Tôi ngây thơ như lá non, bé nhỏ và vui vẻ như các sinh vật phù du. Bài Xa và gần của ông nhanh chóng nhập vào trí nhớ của tôi:
Em
lúc nhìn anh
lúc nhìn mây
Anh cảm thấy
Lúc em nhìn anh rất xa
Lúc em nhìn mây rất gần
(Xem Văn học nước ngoài, 5/1996)
Đằng sau vẻ mơ hồ là nhấp nhô, dập dồn ý tứ, vỗ liên hồi vào trí tưởng tượng của người đọc.
Đấy là Trung Quốc, một nước mới chạm chân vào thời khoáng đạt. Nhìn ra xa hơn, ở Âu Mỹ, lòng tôi đôi lúc cứ nôn nao. Xin không lấy thực tế ở những nền thơ sôi động như Pháp, Anh, Mỹ, chỉ dừng lại ở nước Áo. Khoảng năm 1954, Nhóm Wien được hình thành với sự tham gia của nhiều nhà văn trẻ tuổi, hăng hái thể nghiệm và tìm tòi cái mới, và được xem là một hiện tượng mới trong sự phát triển của văn chương Áo. Bài thơ sau của G.Riihm- một trong những chủ tướng của nhóm này, cứ ám ảnh tôi hoài:
Yên lặng
Có ai tìm tôi
Yên lặng
Ai tìm tôi
Yên lặng
Tìm tôi
Yên lặng
Tôi
Yên lặng
(Xem Văn học nước ngoài, 5/2001)
Mối quan hệ  của ngôn ngữ thông thường bị gỡ bỏ mà ngữ nghĩa vẫn được bảo tồn. Ý nghĩa của thơ ngân vang đến không cùng, trong khi số chữ lại được dồn nén, giảm thiểu đến mức tối đa. Thơ lạ mà hay, rất hay.
Trở lại với thơ trẻ của ta. Nhiều người lấy cái chưa tới, chưa đạt của các cây bút trẻ nhằm biện minh cho thái độ tiêu cực của mình. Tôi thừa nhận là dòng thơ trẻ hiện hữu, thường là thầm lặng, chừng mươi năm trở lại đây, chưa sản sinh ra được những giá trị văn chương độc sáng. Thể nghiệm thơ mới chỉ là những cố gắng đơn độc của một số ít người. Sáng tạo vốn dĩ  là cô đơn, với họ càng cô đơn hơn. Hình như họ chưa đủ lực tạo ra sự kinh ngạc của phê bình, điều mà P.Neruda coi là chứng chỉ đầu tiên  của thành công. Mà nếu xét kĩ thì giới phê bình chưa hẳn đã hoàn toàn vô can. Sự dửng dưng, lạnh nhạt của phê bình trước cái mới còn phiêu diêu là có thật vàphần nào tỏ rõ sự bất cập, mà cũng có thể nói là sự bất lực của phê bình. Có thể tán đồng, có thể không, nhưng cũng nên có tiếng nói. Chỉ phê thôi cũng được. Cốt là cái tâm phải sáng và nhãn quan nghệ thuật phải sắc.
Nhớ đến tấm gương của nhà phê bình Biêlinxki trong quan hệ với nhà thơ trẻ Nhêkraxôv. Tập thơ đầu tay Những ước mơ và những âm thanh của Nhêkraxôv vừa ra đời đã được báo chí chính thống đương thời đánh giá là một tư tưởng tuyệt đẹp do một tài năng kỳ diệu viết ra. Với thái độ nghiêm khắc, Biêlinxki chỉ xem tác phẩm là những lời thơ chung chung…, sức rung cảm yếu kém. Thật bất ngờ, làm Nhêkraxôv choáng váng. Tuy nhiên, khi tĩnh tâm trở lại, nhà thơ trẻ đã đi đến một quyết định can đảm là tới các hiệu sách vét toàn bộ tập thơ của mình đem về nhà đốt. Không lâu sau, Nhêkraxôv đã trở thành một trong những nhà thơ lớn của nước Nga. Khi biết tin Biêlinxki qua đời, ông đã òa khóc và nói: Anh ấy là người thầy đã giáo dục cho tôi phẩm chất làm người, anh là người đã chú ý, yêu mến và chỉ đường vạch lối cho tôi trong giai đoạn khó khăn nhất của đời mình… Biêlinxki đã cứu thoát tôi (Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, 11/2001).
Với dòng thơ trẻ hiện giờ, rất cần thật nhiều những con mắt, những tấm lòng Biêlinxki trong giới phê bình. Một khi không khí sáng tạo còn chưa thật thuận thì những người cầm bút trẻ rất cần nương tựa vào sức mạnh của chính mình. Ai đây trong số họ có thể lớn tiếng nói như I.Kant: Có thể tôi sai lầm trong phương pháp nhận thức… Song tôi lại nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục nó bằng tất cả mọi cách, bởi vì dầu tôi có sai lầm thì sai lầm ấy của tôi sẽ bổ ích cho những người khác (Nhà văn bàn về nghề văn, tr.139). Chẳng người cầm bút nào muốn thất bại. Nhưng trong sự thất bại kiểu này không phải mọi thứ đều hoàn toàn vô nghĩa cả. Mà lạ quá, sao chúng ta, những nhà văn đã thành đạt, lại chỉ xem mình là những chứng nhân?.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...