Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Đọc tập tiểu luận "Tiếp cận giá trị văn chương" của Phạm Quang Trung

Đọc tập tiểu luận "Tiếp cận giá trị 
văn chương" (1) của Phạm Quang Trung
Tập tiểu luận của Phạm Quang Trung tập hơn 22 bài viết, đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng của văn học: thế nào là một tác phẩm văn học lớn; chức năng đặc thù của văn học là gì; có hay không lý luận, phê bình văn học trong thời trung đại Việt Nam; phân loại tác phẩm văn học; chống văn chương phi nghệ thuật và chủ nghĩa hình thức trong điều kiện đất nước mở về phía kinh tế thị trường và thế giới hiện đại; quan hệ của văn hoá và văn học; v.v...
Ngoài ra có bốn bài bình văn cũng góp mặt trong tập tiểu luận này.
1. Đọc “Tiếp cận giá trị văn chương”, tôi thấy hai lần ở hai bài viết Phạm Quang Trung (PQT) nhấn mạnh đề xuất của mình về tiêu chí của một tác phẩm lớn: giàu có trong sự khám phá hiện thực, mang tầm tư tưởng cao và sức chấn động lớn (tr.40 và tr.45). “Lưu giữ tình cảm, tạo ra sự cảm thông phải chăng là chức năng đặc thù của nghệ thuật ?” (tr.109). PQT đặt câu hỏi thăm dò như vậy sau khi cho rằng: “Ngay cả khi một tác phẩm biết tách cái ngẫu nhiên để đi vào cái qui luật, biết loại cái hiện tượng để đi vào bản chất, nghĩa là miêu tả một cách thành công hiện thực, thì đứng ở góc độ văn chương giá trị cũng không là bao” (tr.107). PQT lưu ý với bạn đọc “nguyên lý về vai trò quyết định của chủ thể sáng tạo ngày càng được thừa nhận như là vấn đề cốt lõi của đặc trưng văn chương” (tr.17), rằng nhà văn phải có “tư tưởng riêng” (tr.93), phải “đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người” (tr.28). Tóm lại, PQT muốn “ thử nhìn nhận mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực từ một góc độ khác xem sao. Thực chất cách nhìn này là ở chỗ vai trò tích cực của chủ thể sáng tạo chủ yếu không ở sự phản ánh mà ở sự biểu hiện, nghĩa là ở cái nhìn, ở quan niệm, ở sức soi sáng, ở tính đề xuất của nhà văn trước thực tế đời sống” (tr.105).
Có thể nghi nhận ở đây một nỗ lực tìm tòi lý luận, một “hệ thống lý luận” giống như “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (thơ xưa nghiêng về yêu thích cảnh thiên nhiên đẹp). Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ trong một “hệ thống lý luận” không thể tồn tại những “cấu tử” mâu thuẫn đối kháng. Đã khẳng định một tác phẩm lớn tất phải giàu có trong sự khám phá hiện thực, thì không thể nói: một tác phẩm bộc lộ được bản chất của hiện thực, xét về văn chương, không có giá trị là bao (!).
Vai trò tích cực của chủ thể sáng tạo thể hiện ở chỗ người nghệ sĩ có tư tưởng riêng, có lý tưởng cao cả nghĩa là người nghệ sĩ này đã nhận thức sâu sắc hiện thực, thấy rõ những yêu cầu bức thiết và lâu dài của cuộc sống xã hội – tất cả những cái đó được người nghệ sĩ suy ngẫm chọn lọc, đưa vào tác phẩm, làm cho tác phẩm “gây chấn động lớn” trong tâm hồn người đọc, trong dư luận xã hội.
Hơn nữa, khi nói tới chủ thể, thì không nên chỉ thấy chủ thể sáng tạo – tức là nghệ sĩ, mà còn phải chú ý đến chủ thể đối tượng – tức những hình tượng văn học, chủ thể tiếp nhận – tức độc giả. Vả lại, chủ thể luận phải được thống nhất với phản ánh luận. Không có sự thống nhất đó ở nhà lý luận văn học, thì anh ta sẽ khó đánh giá điều này: thực tiễn – tức toàn bộ hoạt động vật chất có tính lịch sử - xã hội của con người nhằm thay đổi thế giới xung quanh theo lý tưởng của mình khi nương theo những qui luật vận động khách quan của nó – vừa là xuất phát điểm, là cơ sở, vừa là động lực của nhận thức, vừa là tiêu chuẩn của chân lý. Nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ để tác động vào cuộc sống – xã hội bằng tác phẩm văn chương – cũng không xa lạ với điều này. Chính với ý nghĩa đó, trong thư gửi F.Lassalle ngày 18-5-1859, Engels viết: “Sự thống nhất hoàn toàn giữa bề sâu về mặt tư tưởng, về nội dung lịch sử đã được nhận thức – mà anh đã gán rất đúng cho ngành kịch Đức – với tính sinh động và sự hữu hiệu kiểu Shakespeare, thì chắc hẳn sau này mới đạt tới được và có thể là không phải do người Đức. Dù sao, tôi vẫn thấy tương lai của ngành kịch chính là ở trong sự thống nhất đó”.
Những lời trên của Engels cho thấy luận điểm “Sự kết hợp giữa tính hiện thực và tính lý tưởng” tồn tại trong lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam trong những năm 1970 và những năm 1980, là một sự bắt chước... không mấy sáng tạo.
Những lời như vậy của Engels cho thấy quan niệm tác phẩm lớn là tác phẩm giàu có trong sự khám phá hiện thực, mang tầm tư tưởng cao và có sức chấn động lớn – là quan niệm đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây phải thêm: tác phẩm lớn là tác phẩm còn cống hiến cho văn học một mô hình nghệ thuật đầy sức mạnh, độc đáo.
Phản ánh hiện thực là thuộc tính của văn chương, của nghệ thuật, so với các hình thái ý thức xã hội khác, là ở chỗ: 1. Đối tượng trung tâm của văn chương, nghệ thuật là con người; 2.  Cách tiếp cận của văn chương, nghệ thuật đối với cuộc sống con người là cách tiếp cận mang hình thức cảm tính – cụ thể và phụ thuộc vào chất liệu xây dựng tác phẩm văn chương, nghệ thuật; 3.  Văn chương nghệ thuật là thế giới người, trong đó chân, thiện, mỹ khắc phục cái giả, cái ác, cái xấu một cách thắng lợi sớm hơn so với trong cuộc sống xã hội.
Vì thế, nói “ lưu giữa tình cảm, tạo ra sự cảm thông là chức năng đặc thù của nghệ thuật” chỉ đúng ở phương diện nhấn mạnh cái tâm của nghệ sĩ và của công chúng tiếp nhận nghệ thuật.
Xét riêng về đặc trưng thẩm mỹ của một hiện tượng nghệ thuật, có thể nói tới ba bình diện (cũng là ba cấp độ):  
a) đặc trưng của hình tượng cảm tính mà nghệ sĩ trình bày cho công chúng;  
b) đặc trưng cảm nhận khi tác phẩm truyền cho công chúng sức sống, niềm xúc động; 
c) đặc trưng của cõi vĩnh hằng mà nghệ thuật vươn tới để con người tìm thấy sự tự khẳng định của chính mình (1).
2. Đối thoại với tác giả bài “Về công tác lý luận, phê bình” (Văn nghệ số 13, 1/4/1995), Phạm Quang Trung không đồng tình với ý kiến: “Cả nền văn học trung đại nước ta, thành tựu thơ văn rạng rỡ là thế, nhưng về lý luận, phê bình thì quả là ông cha ta không sành lắm”. Phạm Quang Trung cho rằng tác giả này “khẳng định có phần ngược lại với chính mình” trong quyển “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” được xuất bản năm 1985 và “với nhiều người khác”, như các giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Lê Đình Kỵ... Phạm Quang Trung quả quyết một cách có lý: “Theo lẽ thường, sáng tác ắt sẽ sinh ra quan niệm, dầu là tập trung hay phân tán, trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác” (tr.98). Sự quả quyết này tìm thấy chỗ dựa nơi “Từ trong di sản...” (Nxb Tác phẩm mới, H.,1980), trong Tập I “Người xưa bàn về văn chương” của ông Đỗ Văn Hỷ, ở chính công trình của Phạm Quang Trung “Học giả và thi nhân” (Nxb Văn hoá  – Thông tin, H., 1994) và trong bài báo cũng của Phạm Quang Trung “Người xưa với mục đích của việc bình thơ”.
Cần tiếp tục đầu tư trí và lực cho việc vạch rõ cái nhìn trong lý luận, phê bình của văn học trung đại Việt Nam có nguồn gốc nội sinh và cái nhìn của nó liên hệ với nguồn gốc ngoại sinh. Đây là một vấn đề phức tạp, không dễ dàng phân định rạch ròi. Chẳng hạn, trong “Thư kinh” có câu “thi ngôn chí” (thơ nói chí); “tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi” (ở trong lòng là chí, phát ngôn ra thành lời là thơ). Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói tương tự. Rồi, Chu Đôn Di bảo: “Văn dĩ tải đạo dã” (Văn là để chở đạo); Nguyễn Đình Chiểu dõng dạc: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm...” Các nhà nghiên cứu phải làm sáng tỏ: đâu là vận dụng sáng tạo lý luận, phê bình văn học của nước láng giềng vào văn học nước nhà; đâu là sản phẩm lý luận, phê bình văn học do người Việt Nam sáng tạo ra.
Phải chăng Phạm Quang Trung đã bước đầu cố gắng đi theo hướng nghiên cứu như vậy, khi anh viết những lời sau đây về bình thơ của Việt Nam thời trung đại: “Việc chú trọng tới cá tính của thi nhân trong bình thơ của các nhà nho nước ta thật sự đáng được chú ý nếu có dịp đối chiếu chẳng hạn với lịch sử phê bình Trung Hoa thời phong kiến. Theo Lixêvits thì nhìn chung, những lời phẩm bình văn chương ở Trung Hoa xưa kia mang tính chất đưa đẩy... nhằm phục vụ mục đích chung là bàn qua về văn”. Tới nhà phê bình Chung Vinh “cá tính sáng tạo mới được ở vào trung tâm chú ý của tác giả và sự miêu tả cá tính mới đươc rộng mở và gồm nhiều bình diện”. Cũng theo Lixêvits, “Thi phẩm” (của Chung Vinh) là một trường hợp hiếm hoi “không điển hình cho tư tưởng văn học Trung Quốc” (tr.71)?
Phạm Quang Trung không đồng ý với tác giả bài “Về công tác lý luận, phê bình” dùng sự yếu kém, nếu quả tình hình có như vậy chăng nữa, trong lý luận, phê bình văn học thời trung đại, để giải thích một chiều sự yếu kém của lĩnh vực này trong văn học hiện nay của Việt Nam. Phạm Quang Trung cho rằng: “Chớ nên đổ tất cả lỗi lên đầu thế hệ đi trước” và lý sự: “Sự thành đạt của một Đặng Thái Sơn đâu phải trên cây đàn dân tộc!” Phạm Quang Trung khăng định: “Tôi tin vào nhiệt huyết và trí tuệ người Việt Nam trong thời mở cửa trên mọi lĩnh vực, trong đó có lý luận, phê bình văn chương” (tr.101).
3. Trong tập tiểu luận của Phạm Quang Trung có bốn bài viết về Chế Lan Viên. Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: Phạm Quang Trung phản đối sự đánh giá cao di cảo thơ Chế Lan Viên so với thơ của ông được xuất bản trước đó, để rồi đối lập một cách giả tạo Chế Lan Viên – nhà thơ – công dân với nhà thơ của di cảo thơ. Nghĩa là Phạm Quang Trung thừa nhận: “Không thấy làm lạ nếu bộ phận di cảo được công bố sẽ giúp ta có dịp hiểu thêm những phương diện khác trong con người nhà thơ” (tr.131); thế nhưng Phạm Quang Trung không chấp nhận lối suy nghĩ: “So sánh những tác phẩm công bố sau khi Chế Lan Viên mất và những gì được in khi nhà thơ còn sống, tôi chợt nhận ra: diện mạo thơ, chân dung thơ Chế Lan Viên trước đây sắc sảo đến mấy, thần sắc đến mấy cũng chỉ mới ở trên một mặt phẳng, còn thơ chưa in và in sau khi nhà thơ từ trần đã tạo nên một diện mạo có chiều kích khác. Đó là phù điêu. Đó là tượng tròn. Đó là tượng đài”. Phạm Quang Trung nhận định: “... Như các tài năng thi ca khác, người công dân - Chế Lan Viên đi vào trong thơ đã thật sự tạo nên bản sắc riêng cho mình. Đó là tiếng thơ nghiêng về triết lý, sâu xa và đặc sắc. Thậm chí, các nhà phê bình còn nói tới hẳn một dòng thơ riêng mang tên Chế Lan Viên lừng lừng chảy trong nền thi ca hiện đại ở cuối thế kỉ XX này”. “Sự hoài nghi bản sắc độc đáo của cảm hứng cộng đồng, cảm hứng xã hội trong thơ là thiếu cơ sở”. Phạm Quang Trung kết luận: “Có một Chế Lan Viên khác mà không lạ hiện lên trong Di cảo. Song chủ yếu vẫn là một Chế Lan Viên quen thuộc mà ta đã bắt gặp trong suốt nửa thế kỉ qua” (tr.33).
4. Trong tập tiểu luận của Phạm Quang Trung hiện diện bốn bài bình văn của chính tác giả. Tôi tâm đắc nhất bài “Cảm hứng về nguồn” bình bài thơ của Vũ Đình Liên “Ông đồ”. Phạm Quang Trung nói đúng: “Có thể khẳng định cảm hứng hoài cổ chỉ là ở bề mặt, cảm hứng về nguồn mới là bề sâu, thấm vào từng lời từng ý của bài thơ” (tr.161)
Xin chân thành giới thiệu với bạn đọc tập tiểu luận của Phạm Quang Trung và mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn những vẫn đề mà trong bài này của tôi, tôi chỉ mới kịp nêu lên cái tên của những vẫn đề ấy
(1)   Nxb Thanh niên, H., 1995.
(2)   Xin xem Trần Đình Sử: Nghĩ về đặc trưng thẩm mỹ của văn học cách mạng 1945 – 1975 (Tuần báo Văn nghệ số 42, 21/10/1995, tr.3).
Đà Lạt, 21- 01-1996
LÊ CHÍ DŨNG
(Tạp chí Văn, Số 53, ra tháng 3/1996)
Theo http://www.pqtrung.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...