Phạm Công Thiện, mới qua đời
tại Houston ngày 8.3.2011, với tôi là chỗ cố tri thân thiết, ngang trang ngang
lứa, cùng tập tành bước vào nghề văn những năm đầu thập niên 1960.
Thời đó, Thiện đã có chút ít
tiếng tăm vì từ 16 tuổi đã có soạn một từ điển tiếng Anh (Anh ngữ tinh âm Từ Điển,
1957) được Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu nồng hậu.
Trước tiên, chúng tôi là bạn
chơi, tại Sài gòn, cùng thân thiết với nhà thơ Hoàng Trúc Ly, đàn anh hiền lành
và hòa nhã. Cùng đi chơi đêm lúc ấy với Thiện, thường có Trịnh Cung và nhà thơ
Ninh Chữ, có tiệm may trên đường Tự Do, thường là kẻ chi tiền, dường như thỉnh
thoảng có cả Tuấn Huy. Là sinh viên bận học tôi không tham dự những cuộc vui
chơi này, nhưng hôm sau được nghe kể lại cặn kẽ.
Tiếp theo là bạn làm báo.
Khoảng 1962-1963 gì đó, anh Hoàng Minh Tuynh làm chủ báo Mai, Sài gòn, bán nguyệt
san. Anh Tuynh là người công giáo tiến bộ, có uy thế lúc ấy, và ưa giao thiệp với
các bạn trẻ mà anh tin cậy, chung quanh Nguyễn Hữu Thái là sinh viên kiến trúc.
Thái kéo bè với đám bạn trẻ như Phạm Công Thiện, Quỳnh Tân, Lê Hiếu Đằng, Bửu Ý
và tôi. Có lúc anh Tuynh sang Đức vài tháng, giao phó tờ báo cho chúng tôi
«muốn làm gì thì làm». Thái và Thiện viết vung vít sao đó, tòa Tổng
giám Mục có lưu ý và anh Tuynh kiểm soát tại tòa soạn.
Thiện và tôi dường như có
duyên nợ. Khoảng 1964, không hẹn mà chúng tôi cùng lên dạy học tại Đà Lạt.
Thiện thích Đà Lạt: gia đình anh dường như trước đó, có trang trại ở Fin
Nom. Thời kỳ êm đẹp: việc dạy học nhẹ nhàng, thành phố đẹp, đồng lương dư
dả. Thiện khoe tôi bài thơ mới làm xong:
Mùa xuân bay thành khói
Tôi ca hát một mình
Suốt đời không biết nói
Nước chảy tràn con kinh.
Thơ hay thiệt hay.
Anh có cho xem bài « gió
thổi đồi tây hay đồi đông » mà nói rằng thơ làm trong cơn mê ngủ.
Vì thân cận, chúng tôi thường
bị ảnh hưởng thơ Hoàng Trúc Ly:
Từ
em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm
thanh…
Cô đơn về trắng sương rừng
Ta nghe tiếng hát
hoang đường nửa đêm
Sau này, Thiện có sửa lại
câu trước.
Thơ Hoàng Trúc Ly:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.
Thơ Phạm Công Thiện:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết
bông.
Nội dung thì khác «chiều
thứ bảy» trong thơ H.T.L. là một ngày trong tuần, trước chủ nhật. Còn
«chiều thứ bảy» trong P.C.T. là lấy ý tự kinh Phật. «Cây khế»
cũng vậy.
Dạo ấy, Thiện đi tu ở Nha
Trang với thầy Trí Thủ, pháp danh Ngươn Tánh. Một hôm xuống chơi nhà Võ Hồng –
mà anh rất thân – khi về chùa thì làm câu thơ này mà về sau anh tự dịch ra tiếng
Pháp:
Je suis le Retour / il fait
tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut du Temple
L’arbre est le Défleuri
Việt Nam giữa thập niên
1960: chính trường biến động, chiến trường xao động và tâm lý giao động.
Phạm Công Thiện xuất bản cuốn «Ý thức mới trong văn nghệ và triết học»
và hằng chục sách khác trong khoảng 5 năm, đáp ứng với tâm trạng thanh niên. Phạm
công Thiện là nhà văn có tài, vô cùng bén nhạy, nắm bắt rất nhanh các luồng tư
tưởng thế giới và tâm lý thời đại, hành văn bay bổng nhiều hình tượng độc đáo,
đã gây ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức miền Nam trong thời kỳ khủng hoảng.
Ra nước ngoài từ 1970, định cư tại Pháp rồi tại Mỹ, Phạm Công Thiện tiếp tục viết
và xuất bản, nhưng dường như không còn quần chúng độc giả.
Thiện với tôi, duyên nợ vẫn
tiếp tục : tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một
hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm
gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại
anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn.
Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời
Montreuil :
Thân anh như con chó
Đứng đợi giữa chợ chiều
Một chiều em qua đó
Dường như thời đó, anh sống
nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.
Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi
trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học
để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con
chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao
thuốc lá. Tôi bảo « vậy tao mua cho mày cả tút » (cartouche). Thiện
trả lời « vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con ». Thời điểm
này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo…quy luật thiên nhiên.
Tình hình cải thiện khi anh
tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học…Tây Phương.
Sau đó, khoảng mười năm
không tin tức, cho đến ngày anh lại tìm tôi tại Paris tặng cuốn kỷ yếu song ngữ
Việt-Pháp có nhiều hình minh họa đẹp.
Phạm Công Thiện là người tự
học, vì vậy, mà cũng vì cá tính, có lối hành văn tự do, phóng túng, không theo
phép tắc trường quy, như nhiều tác gia biên khảo khác. Ví dụ Nguyễn Hiến Lê, là
người đầu tiên ca ngợi Thiện, cũng là người tự học, mà cũng vì cá tính, đã có lối
viết khác. Cả hai đều có nhiều tác phẩm ăn khách, nhưng đóng vai trò hoàn toàn
khác nhau trong xã hội Miền Nam khoảng 1965-1970.
Thiện viết theo cảm hứng và
sống hết mình với từng câu viết. Đặc biệt là Thiện sống vừa thiết tha vừa hờ hững :
ăn khách một thời, thậm chí có độc giả sùng bái, anh không lấy đó là điều quan
trọng. Tác phẩm Phạm Công Thiện đánh dấu một thời đại, nhưng bản thân tác giả
không mấy quan tâm. Có tự hào thì cũng không phải thời thượng, mà tự hào - vì một
lúc nào đó - mình đã sống tận cùng những điều mình viết, dù rằng sau đó, Thiện
có viết khác đi hay ngược lại. Vì vậy, trước những tác phẩm dồi dào, người đọc
khó nói đến một « sự nghiệp » Phạm Công Thiện hay một Phạm Công Thiện
« triết gia » vì tư tưởng không thành hệ thống. Cuộc đời bồng bềnh của
Thiện cũng góp phần soi sáng điều này, như « đi cho hết đêm hoang liêu
trên mặt đất ».
Phạm Công Thiện nổi tiếng về
nhiều câu văn khẳng định, chắc nịch, có khi quá kích hay quá khích, nhưng bản
thân anh là khách hoài nghi. Từ đó, nói về anh, viết về anh là việc khó, như
đưa dòng suối vào chai thì cũng là nước suối đấy thôi, nhưng một triệu chai
không làm sống lại con suối. Chỉ nên dành cho Thiện một kỷ niệm, chút tình cảm,
và niềm suy nghĩ, vậy là đủ.
Cuốn sách văn học đầu tiên
trong đời tôi được đọc, lúc 15 tuổi, là cuốn Việt Thi của Trần Trọng
Kim, dạy phép tắc làm thơ. Và bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được dùng làm chuẩn về
niêm luật là thơ Bùi Kỷ:
Tôi cùng bác quen nhau đã
lâu,
Khi thơ lưng túi rượu lưng bầu.
Trời đất thương tôi, tôi ở lại,
Non sông nhớ bác, bác đi
đâu?
Bệnh
viện La Reine Blanche
12.3.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét