“Nguyễn Du là đại diện
sáng giá cho những ai làm thơ, chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề và nghiệp
của mình”, GS Phong Lê đã nói như vậy ở Hội thảo “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với
văn chương hiện đại” tổ chức tại Hà Nội ngày 13.10.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học,
nhà văn, nhà thơ, đông đảo bạn đọc đã tham gia sự kiện.
Tại hội thảo, các tham luận
và ý kiến được đưa ra đã chứng minh sức sống vượt thời gian của thơ Nguyễn
Du và những cống hiến của Nguyễn Du đối với đời sống văn học Việt Nam.
Nguyễn Du có ảnh hưởng đến các thế hệ nhà văn, nhà thơ đương đại và cả những thế
hệ viết văn sau này bởi tinh thần tươi mới cho văn chương, ngôn ngữ.
Nguyễn Du và tác phẩm
"Truyện Kiều" sẽ mãi là
di sản quý, niềm tự hào của người dân Việt
Nam.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều, hai ảnh hưởng lớn nhất của Nguyễn Du đối với văn chương Việt Nam, thứ nhất
là nhân cách luôn chứa đựng lòng yêu thương con người sâu thẳm của đại thi hào;
thứ hai là sự kỳ diệu tuyệt đỉnh của thể loại lục bát trong thơ Nguyễn Du.
“Đó là sự “chuyển dịch thần
kỳ” bởi từ một văn bản bình thường của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân người Trung
Quốc, Nguyễn Du đã biến thành một tác phẩm kỳ vĩ. Ông coi đó là một thực tế, một
hiện thực để viết lại tác phẩm”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng, ảnh hưởng của Nguyễn Du không chỉ đối
với văn chương Việt Nam mà còn hiện hình trong tất cả các loại hình nghệ thuật
trong đó có cả sân khấu, điện ảnh… Thậm chí, thơ của Nguyễn Du còn tác động tới
từng cá nhân người đọc.
“Chúng ta ai cũng có thể từng
đọc "Truyện Kiều" của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, từng lẩy Kiều,
bói Kiều, thậm chí nảy ý định tập Kiều, cảm hứng đưa Kiều vào điện ảnh, sân khấu,
thi ca, văn chương … Nhưng có lẽ vẫn cất giữ riêng tư “Truyện Kiều” trong sâu
thẳm tâm linh để luôn được tự mình chiêm nghiệm Kiều trong suốt cuộc đời dài dặc
của từng cá nhân người đọc”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
chỉ ra rằng, bí mật của "Truyện Kiều" là ở chỗ Nguyễn Du đã đọc vỡ chữ
tác phẩm gốc của người Trung Quốc và sáng tác Truyện Kiều bằng tinh thần Việt
hóa.
Nhà thơ Vũ Quần Phương ví
von, đại thi hào Nguyễn Du đã “lấy nguyên liệu ở “kho chứa” của Thanh Tâm Tài
Nhân nhưng thổi vào đó cái hồn để làm vật chất run rẩy. Thế giới thơ của Kiều
khác với thế giới của nhân vật trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.
Còn nhà thơ Vương Trọng thừa
nhận “Truyện Kiều” của đã dạy ông làm thơ như thế nào.
“Với lứa tuổi thiếu nhi của
tôi, Truyện Kiều đồng nghĩa với thơ và thơ đồng nghĩa với Truyện Kiều bởi vì ở
vùng quê tôi thời đó, ngoài Truyện Kiều ra, khó có thể tìm đâu một tập thơ quốc
âm nào khác nên tôi tập làm thơ là làm theo thể thơ lục bát và cố viết làm sao
cho giống ngôn ngữ của Truyện Kiều… Sau này, khi đã tương đối hiểu Truyện Kiều,
tôi cảm nhận được nhiều cái hay của tuyệt tác này nhưng để vận dụng vào sáng
tác của mình thì chỉ được một phần nhỏ”, nhà thơ Vương Trọng chia sẻ.
Với "Truyện Kiều",
Nguyễn Du là người đầu tiên duy nhất cho đến giờ đưa tiếng Việt lên đến đỉnh
cao và làm cho nó trở thành cổ điển. Nguyễn Du với tiếng Việt được ví như
Aleksandr Sergeyevich Puskin với tiếng Nga, Johann Wolfgang von Goethe với tiếng
Đức, William Shakespeare với tiếng Anh …
“Nguyễn Du đã tạo ra thể loại
truyện thơ và thơ lục bát độc đáo ở Việt Nam, cống hiến cho nhân dân Việt Nam một
đỉnh cao văn chương ở thể loại truyện - tiểu thuyết bằng thơ lục bát độc nhất
vô nhị khiến người người thán phục, say mê”, nhà thơ Đỗ Trung Lai nhận định.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch
Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định vai trò, giá trị của “Truyện Kiều” đối với văn
chương đương đại là rất lớn. Nguyễn Du và tác phẩm "Truyện Kiều" sẽ
mãi là di sản quý, niềm tự hào của người dân Việt Nam.
An Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét