Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Sự tương đồng giữa giá trị báo chí và văn chương

Sự tương đồng giữa giá trị 
báo chí và văn chương
Rất nhiều lần, gặp tôi, các nhà báo đưa ra câu hỏi: Anh nghĩ thế nào về một bài báo hay? Đôi lúc, tôi cười trừ rồi lảng tránh bằng sự im lặng. Đâu phải với ai ta cũng đều có thể cởi lòng, cởi dạ! Nhưng nhiều khi tôi thẳng thắn đưa ra quan niệm của mình. Ấy là lúc gặp những người tri kỷ. Tôi giãi bày và chấp  nhận sự giãi bày, cả tranh luận nữa  của các nhà báo, những người tôi luôn quý trọng tin yêu. Ý kiến của tôi có thể trúng, có thể trật, là nhà văn mà, mấy ai thoát khỏi cái bóng chủ quan thường nặng nề của mình. Nhưng bao giờ tôi cũng muốn chân thành, chân thực. Không thế, liệu có còn xứng đáng là bạn tâm giao? Nhân ngày Lễ trọng của các nhà báo (21-6), tôi xin chính thức bày tỏ quan niệm của mình một cách rộng rãi từ góc nhìn của văn chương. Do hạn chế về dung lượng, tôi chỉ xin được lạm bàn về sự gần gũi trong thẩm định giá trị của một tác phẩm báo chí và một tác phẩm văn chương.
Thứ nhất, như một nguyên lý bất di bất dịch, cái hay có tính quyết định của một bài báo và một áng văn khi nào cũng nằm ở nội dung. Nếu không có gì đáng viết thì một người cầm bút có ý thức lấy động lực tinh thần đâu để viết? Khi đi tìm cái cần viết, cả nhà báo lẫn nhà văn đều xuất phát từ các hiện tượng mang tính sự kiện nghĩa là các hiện tượng có vấn đề. Cuộc sống luôn nảy sinh ra nhiều vấn đề thuộc nhiều lãnh vực khác nhau như : kinh tế, chính trị, đạo đức, tôn giáo, khoa học, văn chương, nghệ thuật... Một hiện tượng có vấn đề bao giờ cũng tồn tại những mâu thuẫn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy cuộc sống phát triển. Cả nhà văn lẫn nhà báo đều có thể cần thiết đặt ra và giải quyết mọi vấn đề của con người của đời sống, không loại trừ vấn đề nào cả. Tuy nhiên, giá trị của một tác phẩm văn chương hay báo chí phần nhiều lệ thuộc vào những kiến giải sáng suốt về những vấn đề lớn lao và trọng yếu. Ở đây, đòi hỏi ý thức công dân và sự nhạy bén nghề nghiệp cao của người cầm bút. Cần nhấn mạnh rằng, sự lý giải đúng đắn hay lầm lạc, sắc sảo hay nhạt nhẽo tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như : tầm tư tưởng, vốn văn hóa, óc tư duy, phương pháp tiến cận... Riêng các nhà báo, tôi đặc biệt xem trọng lòng trung thực. Nghề nào cũng có những kẻ bất lương. Chúng thường lợi dụng ưu thế của nghề để hoành hành. Uy lực của báo chí nằm ở tính nhanh nhạy của những thông tin. Nhằm trục lợi, nhiều kẻ táng tận lương tâm có thiên hướng săn lùng những tin giật gân liên quan tới một ai đó, một ngành nghề nào đó để khai thác phục vụ cho những mục đích cá nhân dơ bẩn của mình. Chúng biết”cái giá” của thông tin trong việc hăm dọa đối phương. Kết quả của mọi sự “dàn xếp” bao giờ cũng có lợi cho chúng. Ở đây chúng đặt cái riêng lên trên cái chung, không mảy may đoái  hoài tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội...
Liên quan đến sự kiến giải, tôi đồng thời muốn lưu ý tới không khí dân chủ bao giờ cũng là môi trường thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh của báo chí và văn chương tiến bộ ở mọi thời, mọi nước. Cố nhiên, tôi không hiểu khái niệm “dân chủ” và đi liển với nó là khái niệm “tự do”, theo nghĩa tuyệt đối. Chưa hề có và sẽ không khi nào có thứ tự do theo kiểu muốn làm gì thì làm, muốn viết gì thì viết. Xin ghi nhớ chân lý ẩn trong lời nói nổi tiếng của Elgels: “Tự do là tất yếu được nhận thức”. Vậy thì, không ai có quyền nhân danh một thế lực nào để chà đạp lên sự thật và công lý. Nếu đụng phải những trường hợp gay cấn này, dũng khí của người làm báo rất cần được đề cao. Tôi nghĩ, các nhà báo chân chính sẽ tìm được sức mạnh tinh thần để đủ can đảm nói lên toàn bộ sự thật nếu ta tin rằng sự thật ấy thuộc về nhân dân, Tổ quốc và sự nghiệp cao cả. Tôi cả quyết  là khi ấy nhà báo sẽ là người đại diện cho lực lượng tiến bộ, và chắc chắn sẽ được công chúng rộng rãi đồng tình, ủng hộ.
Thứ hai, tôi muốn nói tới cách thức thể hiện. Cũng lại như một nguyên lý bất di bất dịch là dầu tác phẩm báo chí hay văn chương thì cũng đều phải hấp dẫn về hình thức. Không thế người ta không đọc, hoặc nếu có đọc thì tác động, hiệu quả cũng sẽ rất hạn chế. Theo tôi, có hai yếu tố quan trọng về phương thức biểu hiện được cả nhà văn và nhà báo đặc biệt chú trọng là sự đa dạng của cấu trúc và giọng điệu. Đó không chỉ là đòi hỏi của nghề văn hay báo, mà là sự đòi hỏi của chính đời sống. Đáng buồn là không phải nhà báo nào cũng  đều nhận ra điều đó. Có người nghĩ, báo chí có từng ấy thể loại, từng ấy cách viết, cứ chọn được vấn đề mới lạ, trọng yếu rồi nhét vào những cái rọ có sẵn ấy là xong, làm gì phải nhiêu khê bàn đến sự biến hóa của kết cấu với giọng điệu làm gì! Tôi đã tranh luận với họ và không phải khi nào chúng tôi cũng đi tới sự thống nhất. Mới hay, trên thực tế, nhà báo giỏi không nhiều lắm đâu! Nhưng ở lãnh vực nào bao giờ người thông nghề, tinh nghề cũng cần, trước hết để “nêu gương” và sau nữa là để tạo “động lực”, động lực đẩy lùi cái dở, cái dốt. Về cấu trúc của một tác phẩm có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều. Cứ xem các nhà báo và các nhà văn bậc thầy dụng bút cũng đủ rõ. Họ không bao giờ chịu khuôn sáo, gò bó, mà luôn đi tìm những lối “khép” “mở” linh hoạt, uyển chuyển đến không ngờ. Chỉ xin bàn thêm về “giọng điệu” mà có nhà báo thẳng thừng tuyên bố là chỉ thích hợp với tác phẩm văn chương, xa lạ với tác phẩm báo chí. Tôi không tin là họ có lý. Cứ từ giao tiếp ngôn ngữ thông thường hàng ngày thôi, ta cũng đủ rõ : liệu có ai nói không có giọng điệu và liệu có ai thông minh lại chỉ dùng một giọng điệu duy nhất cho mọi tình huống? Báo và văn  đều vậy cả, giọng điệu tác phẩm bị chi phối bởi vấn đề do cuộc sống khơi gợi. Có lúc trầm tĩnh, lại có lúc sôi nổi, có khi giản phác, lại có khi văn hoa... Nói gọn lại, giọng điệu phong phú như chính cuộc đời. Tuy nhiên, trước và trên cái hay là cái đúng : đúng câu, đúng từ, đúng phong cách... tựa như phải biết đi vững mới tự nhảy múa các điệu. Về chuyện này còn phải bàn tới dài dài. Và tôi cứ nghĩ còn văn chương và báo chí là còn  “dọn vườn”. Có cái sai phạm thuộc về trình độ, lại có cái sai phạm thuộc về ý thức. Tôi chỉ ao ước mọi người cầm bút viết báo cũng như viết văn đừng một phút xem thường bạn đọc. Tôn trọng người, với tôi, chính là biểu hiện của lòng tự trọng. Xin chúc các nhà báo luôn luôn thành đạt trong sự nghiệp vẻ vang của mình.
 Đà Lạt, 24/5/2000
Khi nhà văn sống và viết hết mình
I.Bunin, nhà văn Nga đầu tiên được Giải thưởng Nôbel về văn chương có một truyện ngắn đặc sắc viết về chàng thủy thủ Bécna trên con thuyền của Môpatxăng. Bécna, một thủy thủ tuyệt vời, trước lúc qua đời đã nói: “Hình như tôi đã là một thủy thủ không đến nỗi tồi”. Và I.Bunin đã tự viết về mình rằng, ông sẽ thật sự là người hạnh phúc nếu lúc từ giã cõi đời có quyền nhắc lại câu nói của Bécna: “Hình như tôi đã là một nhà văn không đến nỗi tồi”. Thật nhiều ý nghĩa thâm trầm trong ý nguyện cuối đời tưởng như bình dị ấy. Sự thành đạt trong văn chương mới khó làm sao. Một tài năng lớn như I.Bunin cũng đâu dám thỏa mãn với những gì mình viết ra vốn đã được nhiều người ưa thích.
Có một sự thật tưởng nghịch lý mà hóa ra rất thuận lý là càng lâu năm trong nghề, càng nhiều thành đạt, người cầm bút dường như lại càng cảm thấy chật vật hơn trước trang viết. Họ e ngại cho thanh danh mình ư? Không hẳn. Chủ yếu liên quan đến trách nhiệm trước dòng chữ. Càng viết trách nhiệm này càng cao, và vì vậy sức nặng đè lên ngòi bút càng lớn. Am ảnh họ là những con chữ nhợt nhạt, vô hình vô ảnh vô tâm vô tình, nói gọn lại là vô hồn - Họ e sợ và né tránh chúng như tâm trạng của con người trước hiểm nguy đại dịch vậy.
Từ đó, theo tôi, nên coi ý thức trước trang viết, khả năng dám sống và viết hết mình là một trong những tiêu chí chủ yếu để nhận ra nhà văn đích thực trong đời sống văn chương thật phong phú mà cũng thật đa tạp như hiện nay. Tôi nói thế là bởi giờ đây người cầm bút thì nhiều mà người chuyên tâm với nghề, dám xả thân “sinh nghề, tử nghiệp” hình như lại không nhiều như chúng ta đòi hỏi và mong muốn. Thật khác với thế hệ các nhà văn lớp trước. Thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ý thức nghề nghiệp ở các nhà văn sâu sắc và triệt để lắm. Được cầm bút viết văn là một vinh dự lớn do chức phận xã hội của nhà văn luôn được xác định là rất thiêng liêng. Vậy nên, các nhà văn sẵn lòng hiến thân cho nghề văn gần như không một chút đắn đo, không một chút cầm chừng. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng viết những dòng đầy tâm huyết thế này: “Kiếp tái sinh của chúng tôi... một khi chúng tôi lại thấy mùi đất ẩm, thấy không khí, thấy mặt trời, thì khi ngồi dậy chúng tôi sẽ lại cầm ngay lấy bút mà viết... lại tiếp tục làm những công việc hàng ngày để xây dựng đất nước, Tổ quốc Việt Nam và tương lai rực rỡ của nhân loại. Là vì:
                        Hồn còn mang nặng lời thề
                        Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
                                    (Sức sống của ngòi bút)
Thời ấy hầu như không mấy ai xem thường văn chương và nghề văn cả, dẫu chỉ là thoáng qua hoặc nằm trong ý nghĩ thôi. Giờ đây, buồn thay mà cũng tiếc thay, tình hình không còn được như trước nữa. Thậm chí chả nói gì các cây bút nghiệp dư, có những nhà văn hẳn hoi vẫn xem văn chương chỉ là nghề tay trái, rảnh rỗi tranh thủ làm cho vui, vậy thôi. Nghe họ lý sự cũng hay hay: Tạt ngang mà hái được hoa thơm quả ngọt mới tài chớ, còn những kẻ hùng hục, xắn tay lên mà viết, mong lấy công làm lãi thì kể đến làm gì (!?). Họ xa lạ với sự nghiệt ngã của nghề văn. Họ không hiểu rằng lao động văn chương để có hiệu quả cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt như bao nghề khác. Nhằm thuyết phục người và tự thuyết phục mình, họ dẫn ra hết nhà văn này đến nhà thơ kia, viết cứ như chơi ấy, chẳng vất vả gì, vậy mà liên tục gặt hái những thành công được người đời hết lòng ngưỡng vọng. Họ đâu biết muốn có được những giây phút thăng hoa như vậy, các nhà văn, nhà thơ phải trải qua quá trình ấp ủ, không ít nhức nhối và đau khổ, không ít dằn vặt và ưu tư. Người ta gọi quá trình sáng tác là quá trình thai nghén là với ý nghĩa ấy. Bề ngoài có vẻ nhàn nhã thung dung lắm, nhưng sâu thẳm bên trong luôn quằn quại một nỗi đau sinh thành. Dự đồ nghệ thuật khiến nhà văn không yên : Phải bằng mọi cách thể hiện trên trang giấy với sự hoàn thiện cao nhất, có thể có được. Rồi đến khi mọi thứ được bày trên bản thảo, đọc lại, không mấy khi nhà văn hài lòng với những gì được viết ra. Họ lại lao vào sửa. Lầm lũi làm một công việc vô cùng nặng nhọc mà không kém hứng khởi là tẩy và xóa... Không ít trang viết lại, có khi lại bắt đầu từ những chữ đầu tiên. Muốn thành công hầu như không có con đường nào khác. Thật nghiêm ngặt và khắt khe. Xưa đã thế, nay vẫn thế, và mai sau còn thế. Vậy vì lẽ gì mà giờ đây một số nhà văn mới bước vào nghề lại chưa thật sống và viết hết mình?
Có thể thấy hiện nay ra một đầu sách chẳng khó khăn là mấy. Tư tưởng được cởi mở hơn trước. Sự phát triển cực nhanh của công nghệ vi tính trợ giúp rất nhiều cho việc in ấn. Đấy là một cơ may chưa từng có đối với nghề viết văn, tuy thách đố cũng nhiều và dữ lắm. Lối làm ăn kiểu ăn xổi ở thì có cơ nảy nở lan tràn. Văn phẩm làng nhàng, được sản sinh không từ những thôi thúc mãnh liệt bên trong, cứ thế được in ra, được bày bán. Chúng lại thường được trình bầy khéo, trang trí đẹp, hơn hẳn những tác phẩm được xếp hạng của các tác gia lớn xưa nay. Hay dở khó bề phân biệt. Thị trường sách vô tình kích thích những cây bút lười nhác muốn thành danh bằng con đường ngắn, ít tốn công tốn sức nhất. Vài tháng viết xong một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn. Chừng năm năm đã có một văn nghiệp dầy dặn đáng kể rồi. Thời trước có nằm mơ cũng không thấy. 
Đó là nguyên do thuộc hoàn cảnh bên ngoài. Tôi muốn nói nhiều hơn tới những nguyên do sâu xa bên trong mang tính quyết định. Ai cũng biết ngày nay con người bị hút từ nhiều phía. Ý chí con người hiện đại luôn phải đặt trước những thử thách lớn. Biết bao nhu cầu vật chất cũng như tinh thần vời gọi, cái nào cũng có vẻ cần thiết và quyến rũ cả. Trước mắt, nhiều ngả đường mở ra, ngả đường nào cũng hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp. Rất khó chọn lựa mục đích. Chọn được rồi, con người cũng khó kiên tâm đeo đuổi đến cùng. Có thể nói chưa bao giờ con người lại ít có khả năng làm chủ bản thân đến thế. Nhiều người thiếu bản lĩnh đã thật sự rơi vào trạng thái mất trọng lượng về tinh thần. Sẽ là bi kịch nếu họ đã bước vào tuổi “tam thập nhi lập”. Nghề văn cũng không ra khỏi cái khó chung ấy. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, hiện trạng này cũng có cái hay của nó. Cuộc sống tự thanh lọc. Ai sớm nhận ra tư chất văn chương ở mình, nguyện sống chết suốt đời với nó thì người ấy sẽ có cơ sở đến đích...
Một ngáng trở khác, trực tiếp hơn mà cũng đáng nói hơn, nằm trong quan niệm về sứ mạng văn chương ở người cầm bút. Trước đây, trong thời chiến, ý nguyện xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn của non sông thấm vào mọi suy nghĩ và hành động của mỗi người Việt Nam, trong đó có văn nghệ sỹ, một cách rất tự nhiên.
            Máu thấm vào lòng đất đã sâu
            Sao trang giấy lòng anh suy nghĩ cạn?
Đó là nỗi trăn trở không chỉ của Chế Lan Viên. Giờ đây, khi trở về với cuộc sống đời thường, dường như trong quan niệm của một số người văn chương không còn mang sứ mạng vẻ vang như trước nữa. Vậy có cần hiến thân cho văn chương như thế hệ đàn anh đã từng làm? Ở đây, tôi thấy cần nhắc lại câu nói của văn hào Đôxtôievxki: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Câu nói càng đặc biệt có ý nghĩa khi nhân loại đứng trước nguy cơ kỹ trị như hiện nay. Nhiều người có trách nhiệm và giàu tâm huyết đã từng rung chuông báo động về tấn bi kịch khủng khiếp này rồi. Khi con người không còn biết rung động trước cái đẹp nhỏ nhoi, cái đẹp mong manh thì cuộc sống sẽ ra sao đây!
Dẫu thế nào, trang giấy và ngòi bút vẫn luôn chờ đợi lao động sáng tạo miệt mài của nhà văn. Bêse viết rằng: Một nghệ sỹ quên rằng anh ta trước hết và chủ yếu là một người lao động thì hoặc đã lầm lẫn trong việc chọn nghề hoặc đã phản bội nó, từ bỏ sở nguyện của mình. Có lẽ, đó là điều cốt tử nhất đối với những ai muốn dấn thân vào con đường viết văn.
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
Vâng, nghiệp văn là vậy, nếu muốn chiếu sáng thì hãy tự cháy lên!.
 Đà Lạt, 20-9-97
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...