Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Tìm đến một giọng thơ

Tìm đến một giọng thơ
Cũng như người sáng tác, người phê bình  có cái nghiệp riêng, trời gông vào cổ, bắt cảm nghĩ cái điều cần cảm nghĩ. Và nếu giữa đại ngàn thi ca muôn hình vạn dạng, tôi có đặt ra câu hỏi “Vậy, rốt cuộc thơ đích thực là gì?” thì xin chớ ai nghĩ tôi mắc bệnh nghề nghiệp, bao giờ và ở đâu tôi cũng muốn đi đến cùng cái “lý” của mọi sự. Cái phận nó bắt vậy, đã chấp nhận, tôi không thể thoái thác. Với tư cách là một nhà thơ, Hoàng Cát có quyền viết: Ta ấp ủ cho tháng ngày thắp lửa/ Như cây hồng, ủ nhựa sống bật hoa.
Còn tôi, người viết phê bình, tôi có cái quyền của riêng tôi, có sự “ấp ủ” của riêng tôi. Vì thế, đi tìm bản chất địch thực của nghệ thuật chả phải là chuyện diệu vợi, vu khoát đối với nhà phê bình.
Tôi nhắc đến câu thơ của Hoàng Cát vào chính lúc này, khi tôi chợt nghĩ đến cái nghiệp của người cầm bút, là có duyên của nó. Trong tay tôi từ lâu đã có một tập thơ của anh - tập “Ngôi sao biếc”. Tôi đã đọc nó không phải một lần, thường vào lúc thảnh thơi, thanh vắng. Lần đầu tôi thấy thích, những lần sau không chỉ thích mà còn quý, rất quý nữa. Ấy là bởi, giữa thời buổi khá nhốn nháo, thật giả vàng thau lẫn lộn, các giá trị ngàn đời của văn chương luôn bị cân đong đo đếm, thì thơ Hoàng Cát thật sự giúp tôi ít nhiều sáng tỏ trong nhận thức để có thể bình tâm nhìn vũ trụ xoay vần. Tôi muốn nói, đến với thơ anh là đến vói một trong những thứ thơ đích thực, gần gũi với quan niệm lâu này của tôi về thơ. Lại được thể hiện bằng một giọng thơ riêng, ít hòa trộn với người khác.
Xưa nay người ta đã bàn về thơ nhiều rồi, chắc người ta còn bàn nữa, bàn mãi. Trong vô vàn quan niệm thơ, tôi đặc biệt chia sẽ với ý kiến của Tố Hữu cho rằng: “Thơ là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu”. Nói như nhiều nhà lý luận: “Thơ là tiếng nói của con tim”. Tôi dám chắc là Hoàng Cát chịu ảnh hưởng có thể nói là sâu đậm của quan niệm này. Có lần, anh thẳng thắn viết: Là thi nhân, tôi chỉ có trái tim (Dâng tặng Sài Gòn).
Một lần khác, chia xẻ với con mình, anh nhắc lại: Câu thơ của ba chắt tự máu tim mình (Khát vọng).
Không lạ nếu biết thơ anh chính là cái tình trải nghiệm nặng ưu tư, trắc trở và dằn vặt. “Hát một mình” là bài thơ anh viết về bạn bè để tặng bạn bè. Tuy nhiên, do từ mình mà hiểu người, nên trong bài thơ có một đoạn vận dụng rất đúng vào thơ anh: Chẳng còn nữa những khúc vui hăm hở/ Hát vang trời, ré cổ, say sưa;/ Chỉ còn lại khúc trầm tư ký ức/ Trào qua tim như sóng cuộn xô bờ.
Anh quả luôn sống với ký ức, có buồn có vui, nhưng không bao giờ yên ả. “Với tôi, thơ là nỗi nhớ” Xuân Thiều từng viết như vậy. Vấn đề là nhớ gì? Nhớ như thế nào? Và điều này làm nên sự khác biệt giữa các nhà thơ. Hãy nghe Hoàng Cát bộc lộ nỗi thèm khát của mình: Anh thèm cái đã mất/ Anh khát cái đã quên (Đừng đánh mất).
Vậy là rất giàu tâm sự rồi đấy! Chẳng lạ nếu anh viết nhiều về ký ức tuổi thơ đến thế. Chỉ cần chạm khẽ vào “cái thuở trong trẻo ngọc bích ấy” là lòng anh lại xốn xang trong nỗi ngẩn ngơ nuối tiếc: Ai có được phép màu biến cải/ Đưa ta về trở lại tuổi thơ ta (Ôi, tiếc lắm!).
Anh không ngần ngại giãi bày: Chỉ còn kỷ niệm thời thơ bé/ Nuôi dưỡng hồn tôi như nắng trong... (Nuôi dưỡng hồn tôi).
Xin đừng trách cứ anh. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Riêng tôi, với tư cách là người đọc, tôi phải cảm ơn những kỷ niệm tuổi thơ của anh đã kịp đọng lại, kịp sáng tỏ trong không ít những vần thơ lung tlinh màu ngọc bích của ký ức. “Xin cho tôi” là một trong những bài thơ hay như thế: Và tôi lại phập phồng trốn mẹ/ Ra gốc cây xoài đợi gió những ban trưa/ Mắt hấp háy nhìn quả vàng chín mọng/ Cầu trời rung cho xoài rụng bất ngờ...
Bảo tài thì đúng là tài thật, nhưng ở đây quyết không phải là tài “nhả ngọc phun châu”. Đó là tài “sống” để có thể truyền đạt “sự sống”, làm nên “sức sống” cho thơ. Có phải đó là bí quyết của thơ anh? Để rồi anh có thể tự hào khi nhận ra: Ôi thoáng chốc mà đầu tôi đã bạc/ Khi tim tôi hãy còn trẻ dại khờ!
Tôi chợt nghĩ đến ý nghĩ tương tư của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu, người có lẽ đã “ngộ” ra được cái gì đích thực là văn chương, trong quan niệm cũng như trong sáng tác. Sinh thời, anh từng khuyên các nhà văn hãy học sự hồn nhiên của con trẻ. Đó là bản tính quý giá của người nghệ sĩ.
Sự hồn nhiên ta nói đây hẳn là rất xa lạ với vẻ nông cạn hời hợt. Bởi thế, Hoàng Cát mới viết: Mới hay – tóc bạc tình thếm nặng (Quê hương).
Rồi nữa: Nhao nhác cuộc đời, không biến dạng trái tim (Nguyên vẹn).
Đã lộ ra sự phòng ngự, cả sự chống trả nữa, không thể bào là không quyết liệt, cam go. Chính điều này góp phần làm nên góc cạnh của thơ anh. Xin được dừng lại ở bài “Tôi yêu em”. Không ót những câu thơ đẹp: Và tôi đã hôn em trong sương gió/ Em bình dị, mà âm thầm sức lửa/ Tòa nồng say trong trái tim tôi.
Nhưng có lẽ bài thơ “sống” được là nhờ những câu thơ khác mà nếu tách khỏi bài thơ chúng sẽ trờ nên vô tình, vô duyên, thậm chí vô nghĩa nữa. Đó là những câu: - Tôi yêu em – Tôi đã yêu em/ - Tôi yêu em – Em đừng hoài nghi.
Để rồi đoạn kết bật ra câu “Suốt một đời – Em có hiểu tôi không?” kịp hóa giải tất cả. Tôi yêu em, mong em hiểu cho lòng tôi. Đó là tình yêu vẹn nguyên rất khó bộc lộ. Biết bao cảnh ngộ, trắc trở, hữu hình có, vô hình có, liệu em có hiểu cho chăng? Có gì đó tồi tội đáng được cảm thông trong sự phân bua có phần bất lực của một người đang yêu khiến người đọc không thể dễ quên cho được.
Đcọ bài “Hoa không héo” sẽ thấy rõ hơn điều vừa nói. Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ “rằng hay thì thật là hay” nhưng không hề gây bất ngờ cho ai cả: Có một loài hoa không bao giờ héo/ Là hoa trong mắt của em nhìn/ Là hoa trên miệng em cười nở/ Là lửa âm thầm cháy giữa tim.
Đoạn kết, trong cái vẻ âm thầm, nhỏ nhẹ của ý thơ, lại gây nên sự xao động lớn: Cũng có khi buồn, lúc giận nhau/ Nhanh thêm những sợi nắng trên đầu/ Nhưng sua giông bão trời xanh lại/ Như thể chưa từng xanh bấy lâu...
Cái thần tình ở đây là gì? Chính là ở cái “chân”, cái “thật” đến độ khó có thể “chân, thật” hơn thế của thơ Hoàng Cát. Thơ anh có thể nói trần trụi như chính lòng anh vậy. “Trái tim tôi là một nấm mồ” – Đó là tên một bài thơ của anh. Mấy ai làm được như vậy? Như anh từng viết về thương tật của mình trong bài “Tâm sự”: Trời ơi, chân giả tháo ra/ Cò cò lết lết như là trẻ con/ Trót duyên thơ phú văn chương/ Đêm ngày bò xổm trên giường với văn.
Dể thấy là anh đang “tự trào”, nhưng cười đấy mà nước mắt trào ra ngay đấy. Thật xót xa, xót xa không kém gì những vần thơ bộc lộ nỗi “khao khát” này: Được thả gót giày dịu nhẹ bên em/ Không làm vỡ ánh trăng, không làm tan hương hoa sữa...
Để rồi câu thơ “tập tễnh bóng trăng... Tim thắt trong mình...” cứ ám ảnh tôi hoài...
Anh là vậy, luôn đối mặt với sự thật, kể cả những sự thật cay đắng, sự thật nhức nhối của những mất mát, chia ly. Tôi tin ai đã từng đọc bài thơ “Ba nén hương” sẽ không thể cầm được lòng mình bởi ấn tượng nghiệt ngã của nó: Ba nén hương, một mình tôi làm giỗ/ Giỗ chính mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi...
Tất cả đều là sự thật! Không nảy sinh một chút hoài nghi! Từ cái riêng đến cái chung: Tôi không khóc, lệ vẫn trào lặng lẽ.
Người ta có cơ sở để tin vào những giọt nước mắt ấy của anh trong “Cảm xúc qua miền Trung”. Rồi cả cảm xúc của anh trong bài: “Lau Quảng Trị” nữa: Tôi đã một mình khóc giữa đêm/ Khi chân đặt xuống nước sông Hiền/ Chao ôi, Tổ quốc thành da thịt/ Da thịt bời bời lau trắng im.
Dễ gì có được sự tin cậy ấy nơi bạn đọc! Đó là sự đền bù xứng đáng cho mọi sự trăn trở, tìm tòi: Cái gì ở cuối vô biên/ Cái gì đích thực ở tim con người?
Xin chúc anh thực hiện được ý nguyện của đời thơ mình, vừa “giữ cho trái tim đừng nguội lạnh đam mê”, vừa “dẫu khổ đau, anh vẫn được là mình”. Sự “đam mê” giữ được là khó, giữ cho “được là mình” có lẽ còn khó hơn nhiều. Với tất cả những gì Hoàng Cát đã làm, ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào anh, vào chặng đường thơ kế theo của anh.                                                                                        Đà Lạt, 7/98
Tiếng thơ Thu Loan
 Có người từng thống kê: cứ một ngày thì ở ta có một tập thơ mới ra đời. Chẳng biết chính xác đến mức nào nhưng cầm chắc là gần đây thơ in ra nhiều, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Đáng vui hay đáng buồn đây? Nhiều người hỏi tôi câu ấy. Tôi trả lời: vừa đáng vui lại vừa đáng buồn. Vui vì mọi tiềm năng thi ca có điều kiện phát lộ. Buồn vì các bài thơ làng nhàng “kém phẩm chất” được sinh ra ngày càng lấn át thơ thật, thơ hay. Quả khó cho những ai muốn dấy nghiệp lên từ thơ. Trong thị trường thơ ca hỗn tạp, được người đọc chú ý, rồi được lọt vào mắt xanh các nhà phê bình đâu có dễ gì!
      Thơ và người viết thơ thì nhiều, song thơ hay và thơ đích thực vẫn hiếm. Mà đã là thơ hay thì bao giờ cũng cần, nhất là ở xứ sở thi ca đất Việt chúng ta: Trong bụng mẹ đã từng mơ tiếng hát/ Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ (Nguyễn Bính). Chẳng cứ gì xứ ta, giải Nobel Văn chương năm 1996 chả rơi vào tay một nữ sĩ Ba Lan là gì!
      Tôi nói lai rai vậy vì trên tay tôi là một tập thơ khá nặng ký của một cây bút vùng Cao nguyên gần đây viết nhiều truyện ngắn nhưng duyên nợ ban đầu của chị với văn chương lại là thơ. Cảm giác lần đầu đọc thơ Thu Loan đọng lại trong tôi cho đến giờ. Đó là bài Tuổi thơ với những câu nũng nịu mà ám ảnh đến dễ sợ:
                                                Tuổi thơ là tuổi thơ ơi
                                    Cái tay ngúng ngoắng cái cười vô tư
      Nhất là câu:
                                         Dùng dằng túi kẹo viên bi
                                         Cho nhau thì lấy, đổii thì lại không
Thật lắm mà đã mấy ai nói lên được bằng một giọng điệu “dễ thương” đến vậy. Người ta bảo cái giỏi của nghệ sĩ là ở khả năng nhập thân, hoá thân. Không là anh, tôi cảm tôi nghĩ như anh, không là bây giờ, tôi cảm nghĩ như là bây giờ. Khó và đáng khâm phục hơn là ở sự hồn nhiên này:
Thời gian đi chẳng bao giờ trở lại
Chỉ trái tim muôn đời vụng dại
Xao xuyến hoài trước một tiếng ve kêu
(Đi tìm năm tháng tuổi thơ)
Trái tim nghệ sĩ là thế: luôn biết rung động trước những cái thoáng qua tưởng không có gì đáng níu kéo, đáng lưu giữ. Để gửi gắm lòng ta, để nhắn nhủ lòng người. Chế Lan Viên viết rằng: Chỉ khi nào uống ngụm nước giếng bên đường anh thấy say, chừng ấy anh mới là thi sĩ (Say). Tất thảy tuỳ thuộc ở con mắt ta mà suy cho cùng là ở tấm lòng ta. Phải giữ cho được sức thanh xuân của tâm hồn! Nói thì dễ mà làm thì nào có dễ. Chẳng phải có người chưa đến ba mươi đã thấy mình già lắm đó sao! Thi ca góp phần trẻ hoá con người. Và con người không biết đến sự già nua của tâm hồn bao giờ cũng tìm đến với thơ, rồi không ít lần trong đời tâm hồn họ ngân lên thành vần thành điệu:
                                    Tôi đang đi lại từ đầu
                                    Cỏ hoa trong những sắc màu lung linh
                                   (Thơ Bùi Đức Long)
Nói thế không phải thơ hay cứ như gió thoảng, cứ như mây trôi… Trong cái vẻ dung dị tưởng không có gì ấy, thơ đánh thức trí ta. Thu Loan không thiếu những câu thơ như vậy: Niềm vui ào đi như thác lũ/ Nỗi buồn đọng lại phù sa (Phố mưa). Đặc biệt câu: Đường đi quen đếm bước/ Chẳng mấy khi nhìn trời (Bong bóng). Thú thật, tôi giật mình thảng thốt khi đọc những vần thơ ấy. Dễ gì làm chủ những khát khao từng được ấp ủ trong tuổi hoa niên? Cuộc sống cơm áo ngày thường cần không? Cần chứ! Nhưng nếu chỉ cúi gằm mặt mà đi, liệu con người có còn xứng đáng là con người nữa không nhỉ?
      Để có được cái nhìn vừa hồn nhiên vừa vấn vương khi viết về mình, nhất là khi viết về đời qua mình, về Pleiku, về Đêm hội làng, về tượng gỗ Tây Nguyên, về người Gia Rai…, tôi biết Thu Loan, một cô gái miền xuôi thứ thiệt phải tự vượt mình ghê lắm. Thầm lặng mà không ít trăn trở, ưu tư. Đáng mừng là chị đã chấp nhận, tình nguyện chấp nhận không do dự phân vân cho một cuộc đánh đổi:
                                    Vượt khoảng cách làm người dẫu
                                    mong manh sợi tóc
                                    Suốt cuộc đời em còn phải đi…
                                    (Khoảng cách)
Phải đi, phải vượt khoảng cách để có thể đến được cái mà đời mình cần đến:
                                    Em biết yêu tiếng chim lảnh lót
                                    Gió mùa về heo hút nẻo sông
                                    (Khoảng  cách)
Khi ấy những gì chị trải nghiệm sẽ có điều kiện thăng hoa. Có thể nói, chị đã được thoả nguyện, dẫu ít dẫu nhiều:
                                    Nếu em chỉ là người ca sĩ lang thang
                                    Hát những câu nói vu vơ lên thành giai điệu
                                    Thì thơ em như làn gió chợt đến rồi bay biến
                                    Có cần thiết gì đâu!
      Không khó để nhận ra hiệu quả của thơ Thu Loan. Đáng mừng cho chị, cho tôi và nhiều người khác gắn bó với Tây Nguyên, vùng đất nhiều tiềm năng nhưng mới bước đầu được đánh thức. Cuộc sống và con người ở đây đâu đã hết cái cần phải yêu, yêu tha thiết, yêu chân thành. Tôi như cánh rừng luôn khát gió - chị đã viết vậy. Câu thơ đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vâng, tâm hồn chị chính là những cánh rừng luôn khát gió. Sống với rừng, với núi, chị là người của núi, của rừng, tự khi nào chính chị đôi khi cũng không hay. Chỉ một lần xuống núi gặp đồng bằng bốn phía rộng huênh chị đã thành thực viết: Ta như giọt nước/ Chông chênh/ Loãng tan vào biển. Và một lần khác Qua Huế chị đã cảm nhận cảnh vật Cố đô qua trái tim Cao nguyên thuần khiết. Không một chút làm duyên, Thu Loan viết:
                                    Có nỗi buồn ngàn năm vạn năm đổ ập vào
                                    lòng ta đêm nay qua Huế
                                    Trăng neo vào đất dáng con đò
                                    Ta – gió lạ ngông nghênh của núi rừng
                                    hoang dại
                                    Chợt hiền khô mềm mại một câu hò
Không còn là mong mỏi nữa, hiện thực mười mươi rồi. Do vậy tôi không chút ngạc nhiên trước lòng tự tin ẩn chứa trong câu thơ vang lên như một tuyên ngôn này của chị: Ta ủ tiếng chuông lòng lặng lẽ/ Âm thầm ngân vang với núi non (Đời thường). Cũng vì vậy tôi không hề ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của nhiều người: là phụ nữ sao Thu Loan viết nhiều về rượu, lại bằng lối cảm, lối nghĩ của người thật sự say, nhiều lần say, say bằng tình bằng nghĩa hơn say rượu nồng. Gửi những buôn làng tôi đã đi qua là một bài hay, xúc động. Bài thơ trong tập có tựa đề chung là Một thời trăng. Trăng trong tập thơ chị quả nhiều dáng vẻ: Trăng rơi giếng nước gió ngồi bờ tre (Tuổi thơ) - Đâu dấu trăng mờ in lối cũ (Trở về).  Bởi lòng chị luôn rung lên với nhiều tâm trạng: Ta về nhặt ánh trăng vàng mình ta (Người dưng) - Vầng trăng vỡ tan lạnh ngắt dòng sông (Gương mặt). Nhưng chưa khi nào ánh trăng lại neo vào lòng tôi như trong bài thơ vừa nhắc tới: Cang rượu cần nghiêng ngả trăng sao… Rượu buôn làng Tây Nguyên đã rưới đẫm thơ chị như vậy đấy! Đến nỗi trong Đời thường khi một lần lòng u ám ủ ê như cây mùa đông, ta chợt đồng cảm với những dòng thơ nao lòng sau của chị:
                                    Có lúc quên tháng ngày xoay tít
                                    Bạn cùng ta nghiêng ngửa ly không
                                    Uống tiếng cười uống tình đời trong vắt
                                    Giữa phù du gặp gỡ vô cùng
Thu Loan từng da diết mong tiếng nói nhỏ nhoi đồng vọng đến muôn người. Chị có thể yên tâm vì nỗi mong mỏi của chị đã có cơ sở để biến thành hiện thực. Và riêng tôi, khi đọc xong thơ Thu Loan, tôi tự nhiên cảm thấy yên lòng hơn trước triển vọng của lớp thơ trẻ hiện nay.                                                                                               
Đà Lạt, 09/1997
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...