Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lý luận, phê bình Việt Nam thế kỷ XX - Nhìn lại và hướng tới

Lý luận, phê bình Việt Nam 
thế kỷ XX - Nhìn lại và hướng tới
I/ Rồi sẽ có người đặt câu hỏi: cần có không vẻ đặc sắc dân tộc trong nền lý luận, phê bình văn chương mà chúng ta đang mong muốn tạo dựng? Tôi cho là cần. Ở nước Trung Quốc láng giềng vốn nhiều điểm tương đồng với ta, các nhà lý luận nghệ thuật cũng đã nói đến hướng này (17, tr.167). Bảo họ là nước lớn, có truyền thống học thuật độc đáo, vĩ đại và lâu đời thì mơ đến điều đó là phải. Còn ta? Nào có truyền thống lý luận gì đáng kể đâu! Ngay đầu những năm 1930, một câu hỏi lớn từng được đặt ra: liệu nước Nam ta đã có một nền quốc học thật sự chưa? Cả một cuộc tranh luận sôi động đã diễn ra, thu hút những đầu óc thông thái nhất, trách nhiệm nhất của thời ấy. Rút cuộc, các học giả  đều gần như đi đến một thống nhất là so với văn nghệ thuật giàu có, đáng tự hào, văn luận thuyết của ta còn kém cỏi lắm. Thậm chí, học giả Phan Khôi còn dám cả quyết: “Nước ta không có cái đáng gọi là quốc học” (12, tr.170). Suốt những năm tháng sau đó, do phải tập trung vào công cuộc cứu nước, tình hình vẫn không đổi khác là mấy. Khi hòa bình được vãn hồi sau 1975, bao tâm sức lại phải dồn cả vào sự nghiệp thóat nghèo, ta cũng chả làm được bao nhiêu. Đến nỗi vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, một nhà văn ở hải ngoại đã phải buột mồm thốt lên một cách chua chát là hình như dân tộc ta “đố kỵ cái trừu tượng”!
Đó là một sự thật lịch sử xem ra không ai có thể bác bỏ nổi. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực lý luận nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu thời hiện đại đã không ngừng tìm tòi trong muôn vàn gian khó nhằm phát hiện ra những điều quý giá trong di sản lý luận của ông cha. Thế hệ đi đầu, tiêu biểu là Phương Lựu với hai công trình khoa học đồ sộ theo hướng vĩ mô là “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” (1985) và “Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam” (1997). Thế hệ đi sau cũng mải miết tìm tòi nhưng theo hướng vi mô, tiêu biểu là các chuyên luận “Học giả với thi nhân” (1994), “Thơ trong con mắt người xưa” (1999) của Phạm Quang Trung, “Lê Quý Đôn trên tiến trình ý thức văn học dân tộc” (1996) của Đinh Thị Minh Hằng và “ Ý thức văn học trung đại”( 2001) của Đoàn Lê Giang … Như một nghịch lý, càng đi sâu vào kho tàng lý luận văn chương cổ, ta càng như ý thức được hơn giới hạn của ông cha ta trên phương diện tư tưởng học thuật, mà nói riêng là tư tưởng lý luận nghệ thuật.
Tuy nhiên đấy chỉ là một mặt của vấn đề. Cũng trong cuộc tranh luận giàu ý nghĩa về quốc học kia, các học giả tiền bối vẫn một mực đeo đuổi ý hướng là cần tạo dựng nền học thuật riêng sao cho thật phù hợp với nước ta. Ấy là các cụ rút ra được những bài học bổ ích từ một số nước Âu châu, đặc biệt là từ nước Nhật ở Đông Á. Trên tạp chí Nam Phong số 163, 6-1931, Phạm Quỳnh xác quyết rằng: Nước Pháp, nước Anh, nước Đức… tuy về đời trước thời nguồn gốc vẫn là do ở Hy Lạp, La Mã ra, mà về sau thời thường chịu ảnh hưởng lẫn của nhau nhiều, nhưng nước nào cũng có cái văn minh, học thuật của nước ấy, không giống với các nước kia; học thuật riêng đó, tức là quốc học của mỗi nước. Như nước Nhựt ở Á Đông ta cũng vậy, thật là “con tinh thần” của nước Tầu, đồng văn đồng hóa với Tầu nhưng vẫn có một lối học riêng của họ, tuy cũng xuất ở Tầu mà ra, mà có cái đặc sắc khác với Tầu, có thể gọi là quốc học Nhựt Bổn được” (12, tr.141). Như vậy là Phạm Quỳnh đã giải thích “quốc học” theo nghĩa “tương đối” được xác định ở chỗ “mỗi dân tộc hấp thụ được cái văn minh học thuật của ngoài, tất có biến hóa theo tinh thần riêng của mình, mà thành hẳn ra của riêng” (những chỗ gạch dưới là do PQT nhấn mạnh). Tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ được với Phạm Quỳnh.
Điều kiện tiên quyết là cần tránh tâm lý thụ động của một nước nhược tiểu, chỉ muốn làm “học trò suốt đời” (lời Phạm Quỳnh). Lịch sử dân tộc ta từng có nhiều tấm gương sáng chứng tỏ ý thức tự lập, tự cường về văn hóa. Thời Bắc thuộc, hai quan thái thú là Tích Quang và Nhâm Diên sang Việt Nam cai trị hai châu Giao Chỉ và Cửu Chân đã làm nhiều việc gọi là khai hóa cho dân tộc ta. Nhưng 400 năm sau, một sứ giả của Ngô Tôn Quyền tên là Tiết Tống sang thanh tra, tìm hiểu dân tình hai châu, khi về dâng biểu lại xác nhận là không còn vết tích nào của văn hóa Trung Quốc ở hai quận do người Tàu cai trị (18, tr.274). Điều này chứng tỏ có thời dân tộc ta đã có khuynh hướng chối bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà hai học giả người Pháp Pierre và Maurice Durand đã đi tới nhận định: “Trải qua các thế kỷ, văn hóa Việt Nam đã luôn luôn chứng tỏ mối bận tâm không bao giờ chịu nhận một yếu tố ngoại lai nào Ấn Độ, Trung Quốc, Chàm hay Tây Phương mà không tìm cách in dấu ấn riêng của mình vào” (18, tr.275).
Vả lại, nào có nền lý luận chung hòan tòan mang tính phổ biến đâu. Bởi, muốn thống nhất về mặt lý thuyết thì trước hết cần phải thống nhất về khái niệm văn chương vốn là đối tượng của lý thuyết. Vậy mà mấy ai dám nói là đã có sự nhất trí một cách tương đối trong quan niệm bản thể văn chương của mọi người, mọi thời. Xin nêu ra hai dẫn dụ. Công trình “Nhập môn văn học” của ba tác giả người Mỹ S.Barnet, M.Berman và W.Burto xuất bản ở Hoa Kỳ 1981, sau chừng mười năm được tái bản đến 7 lần. Uy tín là vậy, thế mà sau khi đưa ra ba lý thuyết văn học chính nhằm giải đáp câu hỏi “văn học là gì?”, các học giả này cũng phải thú nhận: “Khó mà đưa ra một câu trả lời thỏa đáng” (1, tr.12). Một công trình khác của  giáo sư danh tiếng người Anh, T. Eagleton. Theo ông, trả lời câu hỏi về khái niệm văn chương là khởi đầu của mọi sự khởi đầu. Ông đưa ra nhiều quan niệm để rồi tỏ ra bất lực bằng cách tạm hài lòng với thứ chủ nghĩa tương đối của nhận thức: “Khi tôi sử dụng những từ “tính văn học” và “văn học” … là tôi đặt chúng dưới dấu hiệu giao thoa không thể nhìn thấy, để chỉ ra rằng những khái niệm này không thật sự phù hợp, nhưng những gì chúng ta có được vào thời điểm này thì chẳng có khái niệm nào tốt hơn” (5, tr.71). Tôi, cũng như nhiều nhà lý luận khác, từng nhiều năm ưu tư bởi câu hỏi ấy. Để rồi cho tới nay phải buộc lòng hoài nghi mọi cách tiếp cận đơn lẻ. Văn chương như tình yêu vậy, không thể đưa ra một quan niệm biệt lập nào mà không có nguy cơ rơi vào phiến diện. Thế là, nói cho vui, tôi đã đi từ khái niệm đến giải khái niệm.
Nói vậy để thấy rất cần sự đổi mới triệt để về lý luận, phê bình, từ tư duy đến quan niệm, phương pháp cho thật phù hợp với hòan cảnh nước nhà. Đó là đòi hỏi của chính đời sống, đồng thời là đòi hỏi của chính văn chương. Tôi nhớ tới tâm sự rất đáng suy nghĩ của nhà văn sớm thành danh Tạ Duy Anh. Anh từng học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Sau khi ra trường, sóat xét lại một cách nghiêm túc những ngày dùi mài kinh sử ở trường, anh bảo rằng, cái ý nghĩa nhất, cái đáng kể nhất là Nhà trường đã giúp anh dần dần phá bỏ những quan niệm văn chương cũ kỹ, lỗi thời bám rễ  sâu vào đầu óc mình ngay từ lúc còn học ở phổ thông. Có hai câu hỏi tự nhiên được đặt ra. Tại sao cần phải kiên tâm đào thải những quan niệm văn chương cũ, mới có thể viết văn hay? Có được mấy nhà trường, mấy ông thầy giúp học trò của mình làm được việc khó khăn như dời một trái núi kia?
Đổi mới, đổi mới triệt để, như vậy là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng con đường đi tới của văn chương dân tộc. Bằng cách nào đây? Vẫn có thể học hỏi từ cuộc hội nhập lần thứ nhất của văn chương Việt Nam vào thế giới hồi đầu thế kỷ XX. Nhà yêu nước Hùynh Thúc Kháng ngay từ dạo ấy đã chỉ giáo: “Một mặt thì đem cái học cũ của ta mà đãi bòn lựa lọc, bỏ cái hư xấu mà lặt điều tinh túy, một mặt thì tựu trung học thuyết mới mà lựa chọn điều hay, điều tốt thích hợp với tình thế, có thể bỏ chỗ khuyết điểm cho học giới ta, lần lần du nhập cho người mình” (12, tr.202). Từ hướng nghĩ này, tôi cho rằng để xây dựng nền lý luận, phê bình văn chương như mong muốn, hiện giờ chúng ta cần làm hai việc cùng một lúc: Đánh giá lại thật khách quan, công tâm lý luận, phê bình văn chương Việt Nam thế kỷ XX, nhất là trào lưu mácxít; và lọc lựa lấy những cái hay mà phù hợp của các trường phái, trào lưu lý luận, phê bình phương Tây hiện đại để bồi đắp cái thiếu của mình.
Đó cũng là đường hướng chung trong việc xây dựng nền văn chương nước ta phù hợp với quy luật phát triển của các nền văn chương lớn trên thế giới. Văn hào Lỗ Tấn từ lâu đã chỉ rõ: “Chọn dùng phương pháp tốt của nước ngòai, rồi phát huy lên, để cho tác phẩm của chúng ta càng thêm phong phú, đó là một con đường. Chọn lấy di sản của Trung Quốc, đem dung hòa với cái mới để cho tác phẩm sau này có một phong cách mới, đó cũng là một con đường” (14, tr.202). Thành tựu của nền văn chương Mỹ Latinh có thể xem là minh chứng điển hình. Ai cũng biết đây là một trong những truyền thống văn chương lớn, đặc sắc của thế giới. Có đến năm tên tuổi sáng chói được vinh dự nhận Giải thưởng Nobel thuộc về nền văn chương trẻ trung, mới có lịch sử phát triển chừng 400 năm này. Đó là G. Mistral (người Chile), M.A. Asturias (người Guatemala), P. Neruda (người Chile), G.G. Marquez (người Colombia), O. Paz ( người Mexico). Thế mà, như nhà văn lão thành người Veneduyela – Uxla Pietri trong cuốn “Sự sáng tạo của châu Mỹ Latinh” đã thừa nhận, đặc trưng văn hóa, và nói riêng về văn chương vùng đất này lại là  ở chất lai. Nhà nghiên cứu văn chương đồng thời là nhà thơ R. Rêtamar (người Cuba) cũng xác nhận: "Dĩ nhiên là những bậc thầy văn chương Tây Ban Nha này là của chúng ta. Nhưng cũng chính từ lý do ấy, văn hóa châu Phi cũng là truyền thống văn hóa của chúng ta. Ngay cả những người Anh điêng từng bị diệt chủng rồi cũng thuộc về văn hóa của chúng ta" (13, tr.5).  Kỳ lạ là thứ văn chương lai ấy tác động trở lại rất tích cực đối với nguồn ảnh hưởng từ châu Âu. Như“Phong trào Môđéc” diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà đại diện xuất sắc nhất là nhà thơ Ruben Dario (người Nicaragoa sinh năm 1867 mất năm 1916). Đã có cuộc tranh luận kéo dài suốt từ đầu thế kỷ XX cho đến nay chung quanh vai trò của nhà thơ lớn này và chủ nghĩa Môđéc nói chung. Vào mùa xuân 1913, tại Buenos Aires, hai nhà thơ được xếp vào hàng đầu thế kỷ XX là Lorca và Neruda đã trao đổi với nhau về R. Dario.
Lorca: Chúng ta sẽ gọi ông là nhà thơ của châu Mỹ và của Tây Ban Nha. Ruben…
Neruda: Dario. Bởi vì, thưa các bà!
Lorca: Và thưa các ông!
Rồi sau đó, Lorca nói: “Pablô Neruda - người Chile và tôi, người Tây Ban Nha, chúng tôi thống nhất rằng Ruben Dario là nhà thơ lớn của Nicaragoa, của Achentina, của Chile và của Tây Ban Nha.” Và cả hai nhà thơ cuối cùng nói to: "Vì vinh quang của chúng ta hãy nâng cốc chúc mừng Người". Không gì cảm kích hơn! Chẳng lạ khi Clara Sanchez – một người Tây Ban Nha, lại nói: "Người Mêhicô thường nói về "3 nhân vật vĩ đại" của họ là Orôxcô, Xikâyrốt và Rivêra (3 hoạ sỹ lớn của Mêhicô trong thời kỳ này). Chúng tôi, người dân Tây Ban Nha, chúng tôi cũng hay nói về "3 nhân vật vĩ đại", tức "ba Pablo" của mình. Đó là, P. Kadal (nghệ sĩ biểu diễn Violonxen), P. Picaso và P. Neruda (13. tr.6).
Vậy là, cần hết sức tránh bài ngọai, sa vào khuynh hướng dân tộc hẹp hòi. Cũng cần hết sức trách sùng ngọai, rơi vào chủ nghĩa thế giới. Thái cực nào cũng đều không hay, và cũng không phải con đường chúng ta cần đi. Hãy nhớ lại lời nhắc nhở chí tình chí lý của. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời cách đây gần 40 năm mà cho đến nay vẫn chưa mất đi ý nghĩ thời sự: "Người làm văn học, nghệ thuật phải làm chủ kho tàng về văn học, nghệ thuật của nước mình và của thế giới" (6, tr.438). Đặc biệt, ông còn tin tưởng: “Làm chủ kho tàng văn học nghệ thuật dân tộc, ta hòan tòan có thể làm được. Làm chủ kho tàng văn học nghệ thuật của thế giới thì có khó hơn, nhưng tôi nghĩ ít lâu nữa thì chúng ta làm được” (6, tr.439). Niềm tin của ông ngày nào vẫn dồi dào sức cổ vũ chúng ta trên con đường đi tới…
II/ Cần xem xét lại tình hình lý luận, phê bình thế kỷ vừa qua trước khi có ý muốn định ra con đường xây dựng nền lý luận, phê bình trong thế kỷ này. Bởi, nói như Cụ Huỳnh Thúc Kháng ngay từ đầu thế kỷ XX rằng: “Phải biết, đất có đào hết cỏ, thì trồng được lúa tốt. Ao có dội sạch bùn thì sau mới chứa được nước trong”. Gần đây, một số nhà nghiên cứu đã bắt tay vào làm. Có thể tạm chia thành ba hướng chính sau:
- Nhìn nhận, đánh giá lại một số hiện tượng văn chương tiêu biểu như công trình “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (Nxb Khoa học xã hội, 2004) của Nguyễn Ngọc Thiện…
- Đưa ra một cái nhìn bao quát về lý luận, phê bình thế kỷ XX tiêu biểu là phần viết về lý luận, phê bình của Trần Đình Sử trong công trình tập thể “Văn học Việt Nam thế kỷ XX – Những vấn đề lịch sử và lý luận ”(Nxb Giáo dục, 2004)…
- Một loạt bài viết về lý luận, phê bình theo phương pháp khái quát - loại hình của Trịnh Bá Đĩnh: “Phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX” (Tạp chí Nhà văn – 3/2001), “Các hình thái tư duy phê bình đầu thế kỷ XX” (Hồn Việt, số 2), “Nửa thế kỷ phát triển lý luận văn học ở Việt Nam” (Việt Nam, những chặng đường lịch sử, Nxb Giáo dục, 2005). Cũng có thể kể thêm tới những tiểu luận khác như “Phong cách học và phê bình văn học” của Đỗ Lai Thúy, “Trên đường đến với tư duy lý luận văn học hiện đại” của Trương Đăng Dung (Văn học nước ngoài – 01/2005)…
Mặt mạnh ở xu hướng đầu là tư liệu, ở xu hướng sau là sức khái quát, còn xu hướng cuối là cái nhìn mạnh dạn và thẳng thắn. Cái nọ bổ sung cho cái kia, nhưng ấn tượng chung là còn nhiều điểm trắng, nhiều ý kiến chưa thật thuyết phục, và vì vậy mà chưa làm chúng ta thỏa mãn. Ví như, việc phân loại đội ngũ lý luận, phê bình. Nghiêng về nhân thân nghề nghiệp, Trần Đình Sử chia làm ba lọai: nghệ sỹ, chuyên nghiệp và báo chí. Cũng chia làm ba, Trịnh Bá Đĩnh lại gọi là: nhà bình giải văn học, nhà phê bình khoa học, nhà phê bình thi pháp. Có lẽ anh chưa thật nhất quán trong tiêu chí phân lọai. Theo ý tôi, nên giải quyết vấn đề một cách dung dị hơn là xuất phát từ bản chất của chính phê bình văn chương để phân lọai. Phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Công trình phê bình hay nhà phê bình nào  nghiêng về khoa học thì gọi là phê bình mỹ học; ngược lại, công trình phê bình, nhà phê bình nào nghiêng về mặt nghệ thuật thì gọi là  phê bình thẩm mỹ. Nhà phê bình và công trình phê bình tiêu biểu cho loại thứ nhất là “Nhà văn hiện đại” và Vũ Ngọc Phan. Tiêu biểu cho loại sau là công trình “Thi nhân Việt Nam” và Hoài Thanh - Hoài Chân. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh quả là tinh tường khi đưa ra nhận xét: “Có thể nói, đến với văn học phê bình Việt Nam trước 1945, ta có thể gặp nhiều cái hay ở Hoài Thanh, và nhiều cái đúng ở Vũ Ngọc Phan”  (9, tr.168). Đấy là xét chung. Ở ta có lẽ cần thêm lọai phê bình tư tưởng, hoặc chính trị hoặc triết học. Tiêu biểu cho lọai đầu là nhà phê bình Vũ Đức Phúc, và lọai sau là nhà phê bình Hòang Ngọc Hiến. Chắc cũng không rời xa tiêu chí phân lọai, vì dù là phê bình nào, khoa học hay nghệ thuật, thì cũng đều chịu sự chi phối của ý thức hệ mà rõ nhất chính là tư tưởng chính trị và tư tưởng triết học.
        Cố nhiên, tôi không cho rằng quan niệm của mình đã thật sự hoàn hảo. Cần được trao đổi thêm. Duy tôi lấy làm lạ về cách xem xét và ý kiến đánh giá của một vài nhà nghiên cứu trong một số bài viết gần đây. Chẳng hạn, tôi không thể chia sẻ với Trịnh Bá Đĩnh khi anh dựa vào đặc trưng của hình thái tư duy phê bình mà anh gọi  là luận học để biện minh cho cho cái sai lệch dễ thấy của Phạm Quỳnh. Lời  Phạm Quỳnh trong bài diễn thuyết kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Du vào năm 1924 có đoạn sau: “…Nhân ngày giỗ này, đốt lò hương so phím đàn, chiêu hồn quốc sỹ, “thác là thể phách còn là tinh anh”, áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chùng trên ngọn khói, xin chứng nhận lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng Truyện kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài ”. Tác giả bài viết “Các hình thái tư duy phê bình đầu thế kỷ XX”lên tiếng biện hộ: “Trong ngữ cảnh này của văn diễn thuyết, nó không có gì là sai trái vì lời văn biện thuyết về đối tượng thường mặc vừa cho đối tượng. Nó thường rộng hơn hay hẹp hơn mà ở trường hợp này thì rộng hơn” (18, tr.208). Tôi nghĩ là trong bất kỳ trường hợp nào thì nhận định của nhà phê bình đưa ra cũng cần đạt tới sự chân xác khoa học, không thể như cái áo, có thể lúc rộng lúc hẹp được.
Vậy là, nói gì thì nói, đây mới chỉ là những bước đi dò dẫm đầu tiên trên con đường nhận diện lý luận, phê bình thế kỷ XX . Trước mắt chúng ta còn ngổn ngang  bao việc cần làm, quá nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết nếu không muốn chậm trễ hay vô trách  nhiệm. Để có câu trả lời thấu đáo quả không dễ dàng gì. Phải lao lực, lao tâm, đã đành. Còn cần rất nhiều dũng khí của người cầm bút, bản lĩnh của nhà văn học. Nhất là rất cần trang bị phương pháp mới, trau dồi cái nhìn mới. Đại để có những vấn đề cơ bản sau:
- Đánh giá lại một số hiện tượng lý luận, phê bình như những Tuyên ngôn của nhóm Xuân Thu nhã tập cũng như của nhóm Dạ Đài…
- Phát hiện thêm những đóng góp quý giá của các nhà phê bình Lê Thanh, Kiều Thanh Quế…
- Nhìn nhận thỏa đáng vai trò của Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan trên phương diện phê bình, của Phan Kế Bính, Đinh Gia Trinh trên phương diện lý luận…
-          Giải quyết những tồn đọng như vấn đề Nhân văn - Giai phẩm trên phương diện học thuật…
-          Tổng kết lý luận, phê bình sau 20 năm đổi mới.
-          Nhìn lại lý luận, phê bình ở miền Nam 1954 – 1975.
-          Đánh giá lý luận, phê bình đương đại Việt Nam ở hải ngọai …
Cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, chuyên sâu, huy động mọi tiềm năng chất xám hiện có ở trong nước và cả ở ngòai nước. Không nhất thiết mọi vấn đề đều phải giải quyết rốt ráo, đều cần có kết luận cuối cùng. Bởi vì, xem ra, ngay những vấn đề tưởng đã được giải quyết xong từ lâu nhưng xét lại, xét kỹ đâu đã hết chuyện để bàn. Sự nghiệp của Đặng Thai Mai chẳng hạn. Có thể nói ông là một uy tín văn học, thậm chí có thể nói là một quyền uy học thuật đã được xác lập khá vững vàng. Dường như không mấy ai nghi ngờ cả. Nhưng liệu ta đã thấy hết vị trí tập “Văn học khái luận” (1944) của ông chưa? Ai cũng biết đây là công trình lý luận văn chương theo khuynh hướng mácxít có hệ thống đầu tiên ở nước ta. Giá trị lý luận thật sự của cuốn sách, theo tôi, lại chưa được đánh giá cho tương xứng. Dùng chính cách nói của Đặng Thai Mai, thì ông đã viết tập sách này bằng “một khối óc sôi nổi”, dưới ánh sáng của “một thế giới quan và nhân sinh quan sinh động”. Có phải vì thế mà lý ông đưa ra thường nhuần và tình được biểu hiện thường đằm. Sách lý luận mà viết nhuần nhị được thế thì thật là đắc dụng.Tôi đồng ý với Trịnh Bá Đĩnh là nhiều công trình lý luận viết sau này ở ta còn thua xa “Văn học khái luận”. Ở góc độ khác, tôi lại thấy vấn vương trước nhận xét của Trương Chính về các tập“Trên đường học tập và nghiên cứu” được Đặng Thái Mai viết sau Cách mạng tháng Tám: “ Chỉ có ... “Văn thơ Phan Bội Châu” và “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX”…là hai tác phẩm chính trong sự nghiệp văn chương mà nhà văn Đặng Thai Mai thật sự viết với tất cả tâm huyết của mình” (10, tr.23). Nhận xét ấy liệu có đúng? Nếu đúng thì tại sao lại có chuyện ấy? Bài học rút ra ở đây là gì?
Việc đánh giá vị trí của Vũ Ngọc Phan trong lĩnh vực phê bình, theo ý tôi, cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Người ta thường biết đến và đề cao những công trình văn chương dân gian của ông như “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Tục ngữ và dân ca Việt Nam”. Đó hiển nhiên là những cống hiến to lớn và quý giá. Bằng chứng là chúng được in đi in lại nhiều lần, tên tuổi của chúng hằn sâu trong trí nhớ của nhiều người thuộc nhiều thế hệ. Thế còn bộ “Nhà văn hiện đại” hàng nghìn trang, năm quyển, bốn tập ra đời trước Cách mạng? Đúng là vào thời Đổi mới bộ sách có được tái bản hai lần vào năm 1989 và năm 1994. Không như trước đây, hiện giờ muốn tìm đọc bộ sách quý này thì chả khó khăn gì. Nhưng xem xét thấu đáo, bằng cái nhìn mới mẻ lại hình như chưa hề diễn ra. Ngoài thói quen đánh giá thấp những công trình khoa học, nghệ thuật ra đời trước 1945 ra, ở trường hợp Vũ Ngọc Phan, tôi thấy hình như còn gặp thêm ngáng trở này nữa: ông sống và làm việc quá ư thầm lặng. Có thể hoàn toàn tán đồng với nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh: “Ông vào nghề một cách tự tin, không nóng vội, không ồn ào, không tìm cách gây tiếng vang hấp dẫn” (9, tr.167). Lối ứng xử nghề nghiệp ấy gần như được ông gìn giữ suốt cả cuộc đời. Nhìn nhận sự nghiệp của Vũ Ngọc Phan phải chăng cần đặc biệt lưu tâm tới điều đó.
Tôi muốn nói thêm tới trường hợp Nhân văn – Giai phẩm. Xin không xét ở góc độ chính trị, mặc dù ai cũng biết là nó gắn với những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất. Theo tôi, rất cần có tiếng nói minh bạch trên lĩnh vực văn chương, văn học. Ta không làm thì người ngoài làm, vấn đề sẽ thêm phức tạp và bất lợi. Ta không làm thì con cháu sẽ làm, vấn đề lại trở nên trễ tràng và khó tránh khỏi sự phán xét nghiêm khắc của thế hệ đi sau. Ít nhất là sự trách cứ. Hiện trong giới có nhiều luồng ý kiến không chính thức khác nhau, có khi khá xa nhau. Người thì cho Nhân văn – Giai phẩm chỉ lạc điệu, lạc thời; kẻ thì bảo lạc đàn thậm chí lạc loài. Nên phán xét sao đây? Không nhất thiết phải có sự nhất chí tuyệt đối, song chí ít mọi sự đều phải cho rõ, nhất là về thái độ. Tất cả là nhằm định hướng dư luận. Món nợ tinh thần nếu không thanh toán kịp thời một lần cho dứt khoát thì để càng lâu càng thêm rắc rối, càng thêm nặng nợ.
Hồi tưởng lại không khí văn chương thời ấy, trong hồi ký “Nhớ lại…” in năm 2002, nhà thơ Đào Xuân Quý có nhắc tới vụ Nhân văn – Giai phẩm mà ông cho là chuyện “kinh thiên động địa trong văn học”. Khoảng những năm 1955 – 1956 ông dưỡng bệnh ở Nam Ninh (Trung quốc) cùng với Chế Lan Viên. Tin tức đời sống văn chương trong nước vang sang tận đây. Đào Xuân Quý viết: “Vì chỉ nghe những tin gián tiếp, mà lượng thông tin không đầy đủ, không biết hết các tình tiết của sự việc, nhưng tôi cảm thấy có điều chưa thật ổn lắm, cần phải bình tĩnh, phải thận trọng hơn, đặc biệt là phải chú ý phân biệt những kẻ thực sự cố tình chống đối với những người vì non nớt về chính trị, bị cám dỗ… rồi bị lôi cuốn theo”(3, tr.68). Ông có viết thư cho nhà thơ Xuân Diệu nói rõ tâm tư của mình. Sau đó, trong thư phúc đáp Xuân Diệu viết ngày 4/12/1956 có đoạn: “Diệu rất cảm kích lời Quý khuyên trong thư. Chú ý đến nhau, tha thiết theo dõi và giúp đỡ. Giai đoạn vừa rồi là một sai lầm chung. Trong đó có cái lệch của mình, có phần nào do tự phụ, tự mãn, cho ý kiến của mình là đúng hơn người khác” (3, tr.68). Có thể xem đây là một tài liệu phản ánh khá trung thực phản ứng của dư luận trong giới chung quanh hiện tượng văn chương vô cùng phức tạp mà đến nay vẫn chưa soi tỏ được là mấy. Nó đồng thời nói về thói quen giải quyết vấn đề văn học nghiêng về lối ứng xử xã hội ở ta. 
Nhìn lại quá khứ, đánh giá đúng quá khứ trước hết là cho hôm nay, hơn thế còn cho mai sau. Thái độ thật sự cầu thị trên tinh thần khoa học luôn cần đặt ra. Tôi muốn nói nhiều đến việc xem xét lại nền lý luận, phê bình văn chương cách mạng được hình thành và phát triển trong suốt 60 năm qua. Có một số điều tôi luôn có ý thức quán triệt trong việc nhìn nhận lại di sản này cũng như di sản mỹ học Mác – Lênin nói chung:
1. Những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin bàn không nhiều về văn chương nghệ thuật, mà nếu có bàn thì thường nhìn văn chương, nghệ thuật chủ yếu dưới góc nhìn của triết học và chính trị. Chỉ xin nêu ra hai điểm thường được nhắc tới là quan hệ giữa triết học và mỹ học, và quan hệ giữa chính trị và văn chương. Phải thấy quan hệ giữa chúng là tất yếu. Thậm chí có thể nói đến sự chi phối của triết học tới mỹ học, sự chỉ đạo của chính trị đối với văn chương. (Chỉ cần hiểu những chữ chi phối, chỉ đạo cho sát đúng). Tuy nhiên cũng phải thấy chúng là những lĩnh vực khác nhau, có đặc thù riêng, không thể thay thế nhau được. Tiếc là đã có một thời, phải nói là quá dài, người ta hoặc vô tình hoặc cố ý đồng nhất chúng với nhau. Giờ thì mọi sự xem ra đã rõ, nhưng chưa phải đã hết chỗ để nói. Đơn giản như vấn đề nội dung và hình thức của một công trình nghệ thuật. Không ít người hiện còn lẫn lộn, dùng cách giải quyết của triết học thay cho cách giải quyết của mỹ học. Biểu hiện? Một là, quan niệm nhị phân, đối lập hình thức với nội dung; hai là, tuyệt đối hóa nguyên lý nội dụng quyết định hình thức; ba là, đánh đồng nội dung với chất liệu; và bốn là, không phân biệt được cách thức tổ chức tác phẩm bên trong với hình thức tổ chức chất liệu bên ngoài. Chỉ cần nhắc lại ở đây ý kiến thấu đáo của nữ văn sỹ Mỹ F.Connor (1925-1964), mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Bà viết: “Một số người có ý niệm rằng bạn có thể đọc truyện rồi sau đó trườn ra khỏi truyện đi vào ý nghĩa, nhưng đối với bản thân người viết truyện, toàn bộ truyện là ý nghĩa”. Bà còn nói: “Một truyện là một cách để nói một điều gì đó không thể nói được bằng cách nào khác” (1, tr.16). Có thể nói, trong một công trình nghệ thuật đích thực hình thức chính là nội dung, và nội dung chính là hình thức. Cách nói có vẻ phi logic ấy lại ẩn chứa một sự thật hiển nhiên ở bên trong.
2. Tư tưởng mỹ học Mác-Lênin chủ yếu được đúc rút nên từ những thành tựu của văn chương phương Tây cuối XIX, đầu XX. Thế mà quan điểm thực tiễn của triết học mácxít luôn yêu cầu lý luận phải gắn với thực tiễn, được hiểu là lý luận cần được khái quát lên từ thực tiễn, được đo bằng thực tiễn, và quay trở lại chỉ đạo thực tiễn. Những ý kiến của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin về văn chương, nghệ thuật được phát biểu vào lúc khuynh hướng hiện thực đang chiếm thế thượng phong, gây nên một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ từ Tây sang Đông. Những tác phẩm chính của ba nhà văn hiện đại được xem là có tiếng vang nhất trong thế kỷ XX là F.Kafka (1883-1924), M.Proust (1871-1922), J.Joyce (1882-1941) hoặc chưa xuất hiện, hoặc tác động còn rất hạn chế. Những công trình mang khuynh hướng cách tân rõ rệt của họ như “Đi tìm thời gian đã mất”, “Vụ án”, “Lâu đài”, “Ulysses”… chưa được nhiều người trên thế giới biết đến. Không lấy làm lạ nếu kiểu tư duy nghệ thuật coi trọng cách thức thể hiện bằng chính những hình thái của đời sống còn quen thuộc, vì vậy được đánh giá cao. Trong khi những hình thái giả tưởng, phát huy tối đa sức tưởng tượng sáng tạo của nhà văn lại bị xem nhẹ, thậm chí bị chối bỏ, coi là ngoại đạo. Trên đường xây dựng nhận thức luận, việc Lênin tìm đến những tác phẩm của L.Tolstoi cũng là chuyện tự nhiên. Sự thống trị của chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật hiển nhiên là những bằng chứng tốt nhất chứng minh cho bản chất phản ánh của nhận thức trong triết học.
3. Mỹ học Mác-Lênin truyền bá vào nước ta thường qua trung gian là Liên Xô, nhất là Trung Quốc. Vì vậy đôi khi rất cần phân biệt đâu là quan niệm của mỹ học mácxít đích thực, còn đâu là quan niệm mỹ học được Liên Xô và Trung Quốc vận dụng vào hoàn cảnh của họ trong những điều kiện lịch sử - cụ thể thật đặc biệt. Chẳng hạn, vào một thời gian dài ở nước ta từ thập niên 1940 đến thập niên 1970 dễ thấy dấu ấn sâu đậm của tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông được tập trung phát biểu trong lễ khai mạc nhất là lễ bế mạc Hội nghị văn nghệ Diên An tổ chức vào tháng 5/1942. Nhiều ý kiến của ông du nhập vào nước ta được nâng lên thành phương châm trọng yếu chỉ đạo văn nghệ một thời, như vấn đề “cải tạo tư tưởng” cho văn nghệ sỹ, hay quan niệm rằng trong tình hình “hiện nay vấn đề quan trọng hơn vẫn là về mặt chính trị”, mặc dù ông không quên nhắc nhở tới sự “thống nhất giữa chính trị cách mạng và nghệ thuật cao” (11, tr.484). Đến giờ có lẽ không còn mấy ai nêu ra mệnh đề “văn nghệ là vũ khí của cách mạng”, “nghệ thuật là công cụ để tuyên truyền”. Đơn giản là vì đất nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, lấy hòa bình và dựng xây làm nhiệm vụ trung tâm, nghĩa là căn bản khác về chiến lược so với thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng xem ra đâu đó vẫn còn lảng vảng những quan niệm đã trở nên lỗi thời kia dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trở lại tận nguồn những ý kiến của Marx và Engels, ta càng có điều kiện nhận ra sự thiên lệch nói trên. Năm 1846, nhân bàn về đại thi hào Goethe trong bài “Chủ nghĩa xã hội Đức trong thơ và văn xuôi”, Engels đề cao hai nguyên tắc lịch sử và nguyên tắc mỹ học vốn được xem là đặc trưng nổi bật của mỹ học mácxít thực thụ: “Chúng tôi quyết không phải trách Goethe từ quan điểm đạo đức và đảng phái, mà chỉ trách ông ta từ quan điểm lịch sử và mỹ học” (15. tr.580). Mười ba năm sau, cụ thể hóa thêm sự kết hợp giữa hai nguyên tắc này, trong thư “Thư gửi Lassalle”, Engels nói đến “sự kết hợp hoàn mỹ giữa chiều sâu của tư tưởng với mục đích lịch sử được ý thức với tính sinh động và phong phú theo kiểu Shakespeare” (15, tr.580). Vậy là, tính tư tưởng luôn hài hòa với tính nghệ thuật trong nhận thức mỹ học của những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Marx.
Về lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn được du nhập vào ta từ Liên Xô cũ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều người đã đồng nhất tính chân thực của nghệ thuật với tính xác thực của nhận thức, xem nhẹ tính chủ thể trong sáng tạo. Từ chỗ sai căn bản này, việc vận dụng càng ngày càng trở nên rời xa bản chất đích thực của nghệ thuật chân chính. Hãy đọc lại những lời phê phán cuốn “Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” của R.Garaudi của một số nhà văn học trước đây. Không nói tới lời lẽ lắm khi nặng nề. Nhiều chỗ lý lẽ lên án tỏ ra có phần vô lối. Chẳng hạn, việc phê phán  ý kiến của R.Garaudi chung quanh nhiệm vụ của nghệ thuật. Nhà mỹ học người Pháp cho rằng nghệ thuật cần xây dựng “thiên nhiên thứ hai” (Đúng chứ, nghệ thuật đâu phải là đời sống!), có thể bổ sung cho “thiên nhiên thứ nhất” là đời sống (cũng không sai, như thế người đời mới cần đến nghệ thuật! Nghệ thuật làm giàu đời sống chính là theo nghĩa này). Chẳng phải Lênin đã lưu ý: “Cũng vẫn là một tư tưởng thôi, nhưng ở trường hợp này thì được thể hiện chủ yếu theo quan điểm mỹ học, còn ở trường hợp kia thì được thể hiện chủ yếu theo quan điểm nhận thức luận” (8, tr.205). Lênin còn nói rõ thêm: “Hình ảnh có thể phản ánh vật thể một cách trung thực, hoặc nhiều hoặc ít, nhưng ở đây mà nói giống hệt thì ngu xuẩn” (8, tr.206). Đấy là chưa nói Lênin luôn yêu cầu chúng ta “còn phải tiếp tục đẩy tới mọi hướng, nếu không muốn lạc hậu với cuộc sống” (8, tr.206). Bài học rút ra ở đây là sự vận dụng. Không nên coi một hệ thống lý thuyết nào, dù ưu việt đến đâu, đều có thể giải quyết được mọi vấn đề trong mọi tình huống.
Cũng cần nhìn nhận mọi sự sao cho thật thỏa đáng, trên tinh thần đối thọai. Tiếc là một vài người chỉ thấy cái hạn chế tất yếu mà chưa nhận ra cái ưu thế cũng tất yếu của mỹ học mácxít. Nên nhớ đôi khi cái hay đi cùng hoặc xen lẫn cái dở. Ranh giới giữa chúng nhiều chỗ khá mong manh. Xin nêu một dẫn dụ. Một trong những đặc điểm cơ bản của mỹ học mácxít là xem nghệ thuật là một hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội. Trong khi chịu sự chi phối mang tính quyết định của đời sống, nghệ thuật, cũng như bất cứ hình thái ý thức nào khác, luôn giữ tính độc lập tương đối, đồng thời tác động trở lại cơ sở kinh tế - xã hội. Nếu không nhận thấy đặc trưng cùng tính tích cực của nghệ thuật, dẫn đến quyết định luận thì rơi vào giản đơn, dung tục. Có điều, nếu vận dụng đúng hướng, các nhà nghiên cứu vẫn có thể nhận ra những quy luật diễn biến và phát triển cơ bản nhất của nghệ thuật. Hãy nhớ lại phát kiến gây nhiều sửng sốt cửa F.Jamenson, nhà mỹ học mácxít Hoa Kỳ, khi ông dựa vào các thời kỳ khác nhau trong tiến trình lịch sử của chủ nghĩa tư bản để lý giải đặc trưng của văn hóa, nghệ thuật tương ứng. Đầu tiên là thời kỳ tư bản thị trường diễn ra trong suốt thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Thành tựu nổi bật của thời kỳ này là máy hơi nước, song hành với mỹ học hiện thực. Sau đó là thời kỳ tư bản độc quyền diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Điện khí và động cơ nổ là những thành tựu khoa học đáng kể nhất, đi song song với mỹ học hiện đại. Rồi tiếp theo là thời kỳ tư bản đa quốc gia kéo dài từ giữa thế kỷ XX cho đến nay. Thành tựu khoa học tiêu biểu là nguyên tử lực và kỹ thuật điện tử, đi cùng với mỹ học hậu hiện đại. Có thể ta không hoàn toàn tán thành với cách phân chia quá rạch ròi xuất phát từ cái nhìn có phần máy móc của F.Jamenson. Tuy nhiên, nếu khách quan mà đánh giá, không ai không thấy tính biện chứng trong tư duy của nhà khoa học do thấm nhuần cái nhìn của triết học mácxít.
Có thể dẫn chứng trên còn xa vời. Nhưng chẳng lẽ chúng ta không nhận thấy tính nhân văn, tính hiện thực vốn thể hiện sự ưu việt dễ nhận ra của mỹ học mácxít. Việc đề cao nền nghệ thuật vì con người, vì đời sống phải chăng đã lỗi thời? Tôi tin người nghệ sỹ chân chính ở đâu và thời nào cũng đều có thể học nhà thơ lớn Chế Lan Viên để lên tiếng “biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn”. Nhiều tuyên ngôn nghệ thuật bằng thơ có giá trị của ông vẫn mãi mãi  soi sáng con đường nghệ thuật phía trước của chúng ta.
Bài thơ anh, anh là một nửa mà thôi
Còn một nửa dành cho mùa thu làm lấy
Cái xào xạc của hồn anh là cái xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Chế Lan Viên đã đọc những vần thơ giàu ý nghĩa mỹ học phổ biến này tại Hội nghị thơ Á – Phi tổ chức năm 1973 ở Êrêvan, sau khi ông khẳng định đầy sức thuyết phục rằng nhà thơ lớn nhất của đất nước chúng ta khi ấy chính là sự sống.
Một đặc điểm khác cần được xem là một đóng góp quý giá của lý luận nghệ thuật Việt Nam hiện đại vào kho tàng lý luận nghệ thuật tiên tiến của thế giới là nguyên lý tính dân tộc. Cũng là do hoàn cảnh lịch sử riêng biệt góp phần tạo dựng nên. Điều này có gốc rễ sâu xa từ quan niệm văn chương yêu nước của ông cha ta. Theo Phương Lựu thì đây là nét dễ phân biệt giữa lý luận văn nghệ cổ Việt Nam với lý luận văn nghệ cổ Trung Hoa. Lịch sử hai nước không giống nhau. Dân tộc ta thường xuyên phải đánh giặc và giữa nước nên văn bút không thể không trở thành tảo thiên quân chi trận. Thời cận đại, khi cuộc giao lưu Đông Tây được đẩy mạnh, ý thức văn hóa dân tộc không ngừng được bồi đắp, nhiều nhà văn nước ta như nhà phê bình Lê Thanh từng trăn trở về việc lưu giữ cái mà ông gọi là “hương hỏa về tinh thần” do tổ tiên để lại. Trong tập “Cuốn sổ văn học” (1944), ông viết : “Có người hỏi tôi : tôi có đứa con… bây giờ biết cho nó học gì, tiếng gì ? … Tôi giả lời ngày là chỉ nên cho nó học tiếng Việt Nam, học cho biết tường tận” (4, tr.83). Ngay một khuynh hướng trước nay ta thường nghiêng về phê phán như Tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm Xuân Thu nhã tập (1944) cũng ẩn chứa tinh thần dân tộc khá sâu đậm. Họ lên tiếng đòi hỏi thi ca  “gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sông thực của ta ; không quanh co lúng túng vì ảnh hưởng ngoài – ngăn cái họa mất gốc ”. Đương thời, nhà nghiên cứu Đinh Gia Trinh đánh giá cao Xuân Thu nhã tập ở điểm này trong bài “Đọc Xuân Thu nhã tập”, in trên tạp chí Thanh Nghị. Cần thấy xu trào chung của lịch sử được kết tụ trong ba phương châm dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa của Đề cương văn hóa 1943. Giờ đây, ta vẫn còn thấm thía với phương châm dân tộc hóa và khoa học hóa. Riêng phương châm đại chúng hóa có lẽ cần phải được hiểu và vận dụng một cách uyển chuyển hơn. Nhiều người gần đây hay nhắc tới tính chuyên nghiệp của các hội văn học nghệ thuật từ trung ương tới các địa phương phải chăng là nhằm tạo ra những đỉnh cao nghệ thuật đáp ứng những đòi hỏi của lọai công chúng tiên tiến được giáo dục về nghệ thuật.                                                         
III/ Dễ nhận thấy là vào thập niên 1990, đặc biệt là những năm đầu thế kỷ XXI, việc du nhập các trường phái, trào lưu lý luận, phê bình văn chương nước ngòai, nhất là từ phương Tây được đẩy mạnh rõ rệt. Bức tranh chung là khá sôi động và khả quan. Công đầu phải kể đến  Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa đầy 10 năm, Tạp chí này đã làm được nhiều việc thật sự hữu ích trong việc giới thiệu lý luận, phê bình từ bên ngoài, chủ yếu là từ phương Tây hiện đại với độc giả chuyên biệt Việt Nam. Đó xứng đáng là thứ đại cát như nhận xét đích xác của một nhà thơ. Qua cửa sổ khá rộng mở này, ta có thể nhận ra đủ mọi trường phái, trào lưu thuộc nhiều chân trời khác nhau như: Văn hóa – lịch sử, Phân tâm học, Hình thức luận Nga, Phê bình mới Anh – Mỹ, Ký hiệu học, Cấu trúc luận, Văn học so sánh, Lý thuyết tiếp nhận, Chủ nghĩa hậu hiện đại…
Một số tập sách tư liệu dầy dặn, công phu mang tính chuyên đề đã xuất hiện như “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”,  “Những vấn đề thi pháp của Dostoevski”, “Nghệ thuật như là thủ pháp”, “Chủ nghĩa cấu trúc và văn học”… Lần đầu tiên chúng ta có dịp làm quen với những tên tuổi hàng đầu của lý luận, phê bình phương Tây hiện đại như: R.Jakobson, M.Bakhtin, T.S.Eliot, R.Ingarden, R.Barthes, L. Goldmanns, Iu.Lotman, H.Jauss, W.Iser, G.Lukacs, M.Kundera… Đặc biệt, chúng ta được tiếp xúc gần như nguyên vẹn nhiều công trình mỹ học, không qua trích dẫn  hoặc tiếp nhận của người khác dễ làm giảm tính khách quan chân thực như: “Văn học là gì” của J.Sartre (Pháp),  Mỹ học của M.Kundera (Cezch), “Truyền thống và tài năng cá nhân” của T.S.Eliot (Anh – Mỹ), “Tác phẩm văn học” của R.Ingarden (Ba Lan), “Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học ” của H.Jauss (Đức) ; chùm bài về Ký hiệu học văn học của các tác giả R.Barthes (Pháp), A.Propp (Nga), Iu.Lotman (Nga), và M.Riffaterre (Mỹ) ; chùm bài về Chủ nghĩa hình thức Nga của các tác giả V.Shklovski, B.Eikhenbaum, R.Jakovson; chùm bài về Thuyết cấu trúc trong văn học của các tác giả: Tz.Todorov và Iu.Lotman…
Cũng cần nói đến những cố gắng bước đầu của nhiều nhà lý luận, phê bình nước ta trong việc bàn luận, tổng thuật, giới thiệu một cách tương đối trung thực, có chọn lọc một số trường phái, trào lưu như Phương Lựu, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Trịnh Bá Đĩnh… Tiêu biểu nhất là các cuốn  “Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX” của Phương Lựu và “Tác phẩm văn học như là quá trình” của Trương Đăng Dung. Do chính người trong nước viết ra, lại qua thâu nhận của mỗi cá nhân, nên nhiều lý thuyết cao siêu của nước ngòai đã trở nên vừa tầm, gần gũi và phù hợp hơn đối với người Việt.
Dư luận trong giới đặc biệt đánh giá cao một số công trình phê bình vận dụng một số lý thuyết văn chương có ảnh hưởng rộng rãi ở nước ngoài khá nhuần nhị, đưa tới những thành công khả quan, rất đáng kích lệ. Nổi bật là hai tên tuổi gắn liền với thi pháp học nhưng đi theo hai hướng khác nhau, góp phần bổ sung cho nhau là Trần Đình Sử với hai công trình “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều”, “Thi pháp thơ Tố Hữu”, và Đỗ Đức Hiểu với hai tập sách có sức nặng không kém là “Đổi mới phê bình văn học” và “Thi pháp học hiện đại”. Ý kiến đánh giá về những tác phẩm phê bình của hai nhà nghiên cứu này chưa phải đã hoàn toàn thống nhất, nhưng đóng góp khai mở của họ trong đổi mới phê bình thì gần như được nhiều người nhất trí thừa nhận. 
Cũng không khó nhận ra nhiều khiếm khuyết và những giới hạn trong việc giới thiệu lý luận, phê bình văn chương nước ngòai trong thời gian vừa qua.Việc giới thiệu còn mang tính tự phát, tùy tiện, theo khuynh hướng cá nhân. Thích gì, gặp gì thì làm. Do sự thúc bách tự nhiên của lòng đam mê văn chương, văn học là chính. Vì vậy ở ta chưa có những bộ tùng thư tư liệu nghiên cứu và dịch thuật như ở Trung Quốc. Chẳng hạn “Tùng thư lý luận văn học Âu Mỹ thế kỷ XX” do Viện Văn học nước ngoài thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, hay “Tuyển tập lý luận văn học mới nhất của phương Tây” do tập thể các tác giả Vương Phùng Chấn, Thịnh Ninh, Lý Tự Tu biên soạn (17, tr.163).
Trước tình hình ấy, đòi hỏi về tính toàn diện trong công việc xem ra vẫn còn xa vời. Đã là tự phát tất khó tránh khỏi một chiều. Chỉ xin nêu một ví dụ. Tôi không thật hiểu vì sao trường phái mácxít (có lẽ nên gọi là trào lưu mới đúng vì phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của nó) ở phương Tây lại chưa được các dịch giả, các nhà lý luận của ta chú ý một cách thích đáng. Như nhiều người đã biết, lý thuyết văn chương mácxít không chỉ xuất hiện một cách chính thống trong Cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Rất nhiều tên tuổi nổi bật khác ở phương Tây cũng đi theo xu hướng mácxít nhưng với những biểu hiện khác như C.Caudwell, T.Eagleton (Anh), Th.Adorno, W.Benjamin (Đức), P.Macherey (Pháp), F.Jameson (Mỹ)…chưa được làm quen ở Việt Nam. Đấy là chưa kể các tác phẩm của một số nhà mỹ học một thời bị ghép vào khuynh hướng xét lại như G.Lukacs (Hungary) và R.Garaudi (Pháp) … cũng gần như vắng bóng. Được giới thiệu nhiều hơn cả trong thời Đổi mới có lẽ chỉ có G.Lukacs với “Đặc trưng văn học” (Văn học nước ngoài, số 5 - 1998), “Nghệ thuật và chân lý khách quan” (Văn học nước ngoài, số 6 - 1999), và sau đó là C.Caudwell với “Ảo ảnh và hiện thực” (Văn học nước ngoài, số 5 - 2000). Không thật hiểu là vì trong khi chúng ta dường như thờ ơ thì nhiều học giả lớn trên thế giới đã công khai thừa nhận tác động sâu rộng như một trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa Marx và nói riêng là các lý thuyết văn chương mácxít trong thế kỷ XX. J.Derrida trong tác phẩm “Những bóng ma của Marx” (1993) đã khẳng định: cần phải kế thừa di sản của chủ nghĩa Marx (19, tr.167). Riêng về mỹ học, vào năm 1991, trong cuốn sách lý luận nổi tiếng của mình, nhà nghiên cứu M.Mitchell coi lý thuyết mácxít như một trong những trào lưu phê bình quan trọng nhất vào thời hiện đại(1).
Tôi muốn nhấn mạnh tới một điểm quan trọng khác. Do tính tự phát, ta không có điều kiện tiếp xúc một cách chân thực, một cách hệ thống tư tưởng mỹ học của các nhà lý luận, phê bình lớn trên thế giới. Báo Văn nghệ số 11 (ra ngày 12/03/2005) đưa một thông tin quan trọng là nhà xuất bản Voskresenhie đang bắt tay thực hiện dự án công bố  “Toàn tập mới Đostoevki” gồm 18 tập, có nhiều cái mới, cái khác với Bộ 30 tập in thời Xô viết. Toàn tập này lần đầu tiên đưa ra những tác phẩm mới chưa hề được cộng bố, đặc biệt là những bản gốc chưa bị lược bỏ, sửa chữa theo kiểu áp đặt chính trị xu thời hoặc không đúng phong cách ngữ pháp đặc trưng của tác giả. Theo logic đó thì ai có thể đảm bảo là những bản dịch ở ta xuất phát từ đúng nguyên bản chân xác, chưa bị điều chỉnh cho hợp với quan niệm và ý muốn của người công bố? Nếu rơi vào thảm trạng ấy, tác phẩm văn chương bị xuyên tạc một, công trình lý luận, phê bình được viết bằng văn phong chính luận sẽ bị xuyên tạc gấp nhiều lần. Ai có đủ cam đảm để tin cho nổi! Hòai nghi là khó tránh khỏi.
Đấy là chưa nói tới công việc dịch thuật. Gần đây nhiều người đã lên tiếng phàn nàn là nhiều bản dịch văn chương, văn học ở ta quá ẩu. Tôi muốn nói thêm, nhiều trường hợp còn sai lạc nữa. Chẳng hạn, việc dịch tên, chỉ tên thôi, bài báo nổi tiếng của Lênin viết vào năm 1905. Nguyên văn bài báo là “Partiynaia oranizatsia i partiynaia literatura”. Có ba điểm cần lưu ý :
- Từ đảng không viết hoa.
- Từ đảng được dùng như một định ngữ chứ không phải như một danh từ theo ý nghĩa định danh.
- Từ Literatura theo tiếng Nga có hai nghĩa: văn chương và xuất bản phẩm hoặc sách báo.
Ở đây nên dịch là “Tổ chức đảng và sách báo đảng”. Nếu dịch như nhiều người trước đây là “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” là không thật sát hợp, từ đó, dễ dẫn đến những sai lệch đáng tiếc khác trong nhận thức.
Cũng cần lưu ý là do xuất phát từ sở trường, sở thích riêng nên tính đối thoại bị hạn chế, mà thường nghiêng về đề cao, ca ngợi một chiều. Ở đây, cần học hỏi tinh thần tiếp thu có phê phán của các nhà nghiên cứu nước ngoài, trên cơ sở phân tích khá kỹ càng, thấu đáo những cái ưu, cái liệt của mọi trường phái, trào lưu lý luận, phê bình theo phép biện chứng sắc sảo. Trong Lời nói đầu và Lời người biên soạn tập sách “Tuyển tập phê bình mới”, nhà nghiên cứu Triệu Nghị Hành thường xuyên nhắc nhở bạn đọc lưu tâm tới những cống hiến độc đáo cùng những mặt phiến diện, thậm chí sai lầm của trường phái Phê bình Mới Anh Mỹ (17 ,tr.165). Tuy nhiên không ở đâu mà tinh thần đối thoại lại thể hiện cởi mở như ở trường hợp Terry Eagleton. Nhà phê bình Anh danh tiếng theo khuynh hướng mácxít này không ngần ngại tranh luận cả với Karl Marx trong việc đánh giá “sự quyến rũ vĩnh cửu” của nghệ thuật Hy Lạp ngay cả khi điều kiện xã hội nảy sinh ra nó vĩnh viễn không còn nữa (5, tr.72), đồng thời thẳng thắn chê trách cách thu thập tài liệu trong phạm vi hẹp dễ đưa đến những đánh giá thiên lệch, chủ quan của I.Richards, nhà Phê bình thực hành nổi tiếng người Anh (5, tr.77). Ông đặc biệt tập trung bác bỏ đặc trưng thi ca theo quan niệm của các nhà Hình thức luận Nga biểu hiện ở chỗ “làm biến dạng”, làm “lệch chuẩn” ngôn ngữ bình thường. Rất có lý, ông đặt ra câu hỏi: vậy coi đâu là ngôn ngữ chuẩn trong xã hội có nhiều tầng lớp với những trình độ riêng biệt khác nhau ? Hơn nữa, có những trường hợp như  “tiếng lóng”, lệch chuẩn đấy nhưng đâu có thể xem là thơ? (5, tr.62). Ngữ cảnh xã hội và ngữ cảnh lịch sử tạo ra sự khác biệt của các kiểu diễn ngôn, tất dẫn đến chủ nghĩa tương đối trong nhận thức.
Trong sự tiếp nhận bất cứ trường phái lý luận, phê bình văn chương nước ngoài nào, nhất là thuộc phương Tây hiện đại, tôi thường tự nhủ mình bám sát bốn điểm sau: một, cố gắng hiểu thật tỏ tường, có chứng lý rõ ràng, cần biết đâu là điều cốt yếu nhất của từng khuynh hướng, tránh xa cái lối tiếp thu từng bị cụ Hùynh Thúc Kháng chế nhạo là “bàn giải trống không, dựa hơi sủa bóng” (12, tr.189); hai, đánh giá thỏa đáng cả cái hay lẫn cái dở của mỗi xu hướng, tránh thiên kiến, gắng bám sát phương pháp lịch sử - cụ thể khi phân tích, biện giải; ba, từ sự tìm hiểu kỹ càng, thấu đáo, phải đi tới cái nhìn bao quát trên tinh thần biện chứng, lấy yêu cầu xác thực và toàn diện làm mục đích; bốn, phải đề cao chủ kiến, rút ra những kết luận cần thiết, phù hợp và hữu ích, hướng tới việc tạo dựng một nền lý luận, phê bình của ta trong hoàn cảnh và điều kiện mới.
Tôi nghiệm ra, khó nhất, thách thức nhất là quán triệt điểm 3 và 4. Cần có tầm nhìn khái quát trên cơ sở nắm bắt thật chắc những biểu hiện cụ thể thường phức tạp và đa dạng, rồi đặt trong hệ thống cũng như trong trạng thái diễn biến và đổi thay liên tục của mọi hiện tượng. Phải học người, lại phải biết cách rời xa người, quyết không mù quáng bắt trước, nhằm dần dần tạo ra quan niệm riêng cho mình. Trong việc hình dung ra bức tranh chung của lý luận, phê bình phương Tây thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Hậu Thành cho rằng: “Trải qua ba lần chuyển hướng (chuyển hướng phi lý tính, chuyển hướng ngôn ngữ luận và chuyển hướng văn hóa luận) và ba giai đoạn là hiện đại, hậu hiện đại và sau hậu hiện đại, đã đi theo con đường từ nghiên cứu ngoại bộ sang nghiên cứu nội bộ và rồi trở về nghiên cứu ngoại bộ (đương nhiên không trở về một cách đơn giản mà tiến theo hình xoáy trôn ốc)” (17, tr.164). Nhà nghiên cứu Phương Lựu ở ta lại viết: « Trước hết là tâm lý học văn học manh nha từ cuối thế kỷ 19… Hai là ngôn ngữ học văn học manh nha từ Nhóm ngôn ngữ học Moscou và Hội nghiên cứu ngôn nữ thơ ca Pétespurg đều ra đời từ 1915, mà sau này người ta quen gọi là chủ nghĩa hình thức Nga…Ba là một khuynh hướng quan trọng khác, lâu đời hơn, đó là xã hội học văn học ». (15, tr 578)…Tôi thì dựa hẳn vào quy trình văn chương đời sống – nhà văn – tác phẩm – người đọc – đời sống mà quan niệm chỉ có 4 thiên hướng chính:
- Chú trọng tới đời sống, có thể gọi là xu hướng thực chứng.
- Chú trọng tới nhà văn, có thể xem là xu hướng tâm lý.
- Chú trọng tới tác phẩm, có thể quy là xu hướng bản thể.
- Chú trọng tới người đọc, có thể coi là xu hứơng tiếp nhận.
      Mỗi xu hướng có những mặt mạnh tạo nên những đóng góp riêng. Cần kết hợp những mặt mạnh của từng xu hướng vào một hệ thống nhất quán chung để bồi đắp quan niệm của mình. Có lẽ ở đây cần nhắc tới một điều là một vài nhà lý luận, phê bình ở ta có thói quen tôn thờ, khuyếch trương những trường phái bản thân có điều kiện đào sâu, thấm nhuần, đến mức coi nó hầu như là tất cả. Nên có ý thức phân biệt việc lập thuyết với việc vận dụng. Ở hướng sau, cũng cần thấy sự khác biệt giữa vận dụng  lý luận vào phê bình với vận dụng lý luận cho lý luận . Trong lập thuyết rất cần đẩy ý tưởng đến tận cùng. Còn trong ứng dụng tôi nghĩ có lẽ khác. Có thể vận dụng vào phê bình thì còn chấp nhận xu hướng tuyệt đối hóa ở một mức độ và giới hạn nhất định. Riêng ứng dụng để tạo dựng lý luận thì lại nên giữ trạng thái hài hòa theo hướng trung dung. Cái gì hay ta chọn, cái gì không phù hợp ta lọai. Rồi uyển chuyển tổ hợp các hạt nhân hợp lý nhờ học hỏi vào một hệ thống chung thích hợp với dân tộc mình và thời đại mình.
            Sau đây, tôi thử đưa ra một sơ đồ, mặc dầu trong khoa học xã hội – nhân văn như văn học tôi rất e ngại việc sơ đồ hóa. Đối tượng của văn học là văn chương, một thực thể sống, lại là thực thế sống tinh thần. Sao có thể lấy những bộ khung sơ cứng áp đặt lên mà không rơi vào máy móc, thô thiển. Vậy hãy xem sơ đồ sau như một công cụ trợ giúp cho việc nhận thức trở nên rành rẽ hơn mà thôi:
                                                             Ý thức xã hội
           
                                         Nhà văn           Tác  phẩm              Độc giả

                                                                Đời sống      
Nền lý luận, phê bình cần lấy tác phẩm làm yếu tố trung tâm, lấy đời sống làm nền tảng, xem trọng chủ thể sáng tạo, và không quên chủ thể tiếp nhận. Đặc biệt, ta không thể bỏ qua tính chỉ đạo thường là gián tiếp và «suy cho tới cùng»  của ý thức xã hội (gồm tư tưởng xã hội và tâm lý xã hội) tới mọi yếu tố chính yếu của đời sống văn chương. Điều này không xa lạ với tư tưởng của các bậc tiền bối như Phan Kế Bính. Để trả lời câu hỏi“cái hay của văn chương ở đâu?” trong “Việt Hán văn khảo” (1918), cụ cho rằng, trước hết là ở “tư tưởng cao”, sau đó mới “ở kiến văn rộng”, “ở nhời bàn thấu lý”, “ở câu nói đạt tình”. Điều đó cũng không xa lạ với tư tưởng của các nhà mỹ học, các nhà văn thuộc mọi khuynh hướng khác nhau. G.N.Pôxpelôv, nhà lý luận nổi tiếng thời Xô viết trước đây quả quyết: “Trong những định nghĩa nghệ thuật có sức thuyết phục cao thì sự nhận thức một cách tư tưởng – cảm tính những đặc điểm của đời sống xã hội là đặc tính quan trọng nhất của nghệ thuật” (16, tr.75). Nhà văn đương đại danh tiếng người Mỹ Raymond Carver trong bài viết “Nguyên lý của truyện ngắn” tỏ lòng ngưỡng mộ Tsêkhôv ở “sự trong sáng của câu văn và những ý nghĩa còn ẩn giấu đằng sau”. Ông trước sau quan niệm dứt khoát: “Một bài thơ hoặc một truyện ngắn hoàn toàn có thể viết về những điều bình thường bằng một thứ ngôn ngữ thông dụng nhưng chính xác. Bằng cách đó, nhà văn có thể cung cấp cho những sự vật rất đổi thân quen… những ý nghĩa phong phú và đáng ngạc nhiên”(2).
Tôi không rõ những điều nói trên đã thật rõ ràng và xác đáng chưa. Có điều, cách ứng xử với tri thức nói chung nên theo một tinh thần như vậy. Nói một cách khác, việc học hỏi người ngoài chỉ thật sự có ý nghĩa đối với những đầu óc độc lập, sáng tạo. Từ kinh nghiệm hay cũng như dở của người, ta cần biết rút ra những bài học thiết thực và bổ ích cho mình. Chẳng hạn, từ việc tìm hiểu sự nghiệp các nhà lý luận, phê bình lớn ở Liên Xô và Trung Quốc được phục hồi vào Thời kỳ mới, tôi đặc biệt thấm thía sự cần thiết của không khí học thuật dân chủ đối với sự vận động của văn chương, văn học.
Hãy nhớ lại cách đối xử một thời của chính quyền Xô viết đối với M.Bakhtin và Iu.Lotman. Bakhtin (1895 – 1975), người được thế giới xem là một trong những nhà nghiên cứu văn chương lớn nhất của thế kỷ XX. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Petrograd năm 1918. Những công trình khoa học đồ sộ, giàu ý nghĩa cách tân của ông tiêu biểu là “Những vấn đề thi pháp của Dostoeivski” được viết vào những năm 1920 – 1940 hầu như đương thời không được thừa nhận. Ông phải lui về giảng dạy và nghiên cứu văn chương ở Trường Đại học Quốc gia Moldovia. Mãi tới năm 1963, tên tuổi ông mới xuất hiện trở lại trước công chúng. Từ đó đến nay, những công trình mang tên ông được tái bản nhiều lần, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở nước Nga mà trên toàn thế giới.
Iu.Lotman (1922 - 1993) là tác giả của gần 800 công trình khoa học gồm các bài báo và hàng chục đầu sách, được xem là một trong những người khởi xướng cấu trúc luận trong nghiên cứu văn chương và phân biệt nó với phương pháp ngôn ngữ học. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad năm 1950. “Năm 1961, Lotman bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ… và bắt đầu công bố nhiều bài viết và những cuốn sách. Hồi đó những tư tưởng không chuẩn mực và hành vi phóng khoáng của nhà khoa học trẻ tuổi này đã làm dấy lên thái độ ngờ vực của các quan chức Maxcơva và địa phương đã cấm ông xuất ngoại…Thậm chí ông không được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sau khi đã trở thành Viện sỹ của Viện Hàn lâm khoa học Anh quốc, Nauy ”(20. tr.246). Suốt từ năm 1951 cho đến cuối đời, Iu.Lotman giảng dạy và  nghiên cứu văn chương  ban đầu ở Tổ bộ môn Văn chương Nga sau sang Tổ bộ môn Lý luận thuộc Trường Đại học Tổng hợp Estonia. Tại đây, ông đã sáng lập ra trường phái Tartu nổi tiếng khắp thế giới.
Hồ Phong (1902 – 1985) từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nhà văn Trung Quốc. Vào năm 1954, ông viết “Tài liệu thuyết minh mấy vấn đề có tính lý luận” tức bức thư 30 vạn chữ, tỏ rõ quan điểm mỹ học của mình. Sau đó, ông bị bắt giam đến năm 1979. Năm sau, 1980, ông chính thức được minh oan. Quan niệm văn chương của ông, nhất là về chủ nghĩa hiện thực, có nhiều điểm độc đáo và sáng tạo. “Hồ Phong xem hiện thực là cái mà chủ quan đã thể nghiệm, ông gọi đó là thế giới đã được cảm thụ. Ngoài ra trong tâm trí nhà văn còn có một thế giới cần phải có, ông gọi là thế giới được quan niệm” (20, tr.172). Thẳng thắn phê phán khuynh hướng khách quan chủ nghĩa và công thức chủ nghĩa vốn là căn bệnh tràn lan trong văn chương thời bấy giờ, ông lên tiếng đòi hỏi phải điều chỉnh cả hai phía: “Nhà văn phải rót sự tán thành, phản đối của mình vào những biểu hiện sống động của hiện thực, còn hiện thực sinh động cũng điều chỉnh, thậm chí đổi thay hẳn thái độ, quan niệm chủ quan của nhà văn” (20, tr.173). Ở đây, Hồ Phong không hẳn không có lý khi nhấn mạnh đến tính chủ thể trong hoạt động đặc thù của sáng tạo nghệ thuật cho dầu đấy là nghệ thuật hiện thực.
Nghĩ tới những vụ việc trên, tôi nhớ tới không khí tranh luận, biện bác, tôn trọng ý kiến khác, thậm chí trái với mình, làm nên “một cái triệu hay” (lời nhà phê bình Thiếu Sơn) ở ta hồi đầu thế kỷ XX. Phạm Quỳnh yêu cầu phải “dám tranh luận”. Phan Khôi thì đòi hỏi “sự biện luận” đi cùng với “óc phê bình”. Muốn thế, cần có sự tranh đua giữa các trường phái. Cụ Huỳnh Thúc Kháng rút ra những bài học quý báu từ kinh nghiệm đời Trần ở nước ta: “…Học phong đời Trần có vẻ đặc biệt mà có một điều xuất sắc nhất là các nhà có thế lực danh tiếng, tụ hội muôn khách thu dụng nhân tài, có cái phong khí hào hiệp như đời Chiến quốc…Lúc bấy giờ tín giáo có tự do, cái học khoa cử chưa bó buộc, học thuyết Tống Nho cũng mới truyền sang, chưa thạnh hành nên học vấn có vẻ phát triển, mà nhân tài đời ấy cũng sản xuất nhiều tay lỗi lạc phi thường, có mạt như lối học nhà Nho sau này đâu!” (12, tr.186-187). Rõ ràng, rất nên tránh thái độ biệt phái trong học thuật.
 Bảo giờ đây ta hạn chế dân chủ trong sinh hoạt học thuật là không đúng. Nhưng xem ra chưa tạo thành nếp. Trước hết là trong giới chúng ta. Ví như, đã thật sự có đối thoại chưa? Theo tôi là có, nhưng hạn hẹp lắm. Hiện vẫn còn tồn tại hay ít ra là vẫn còn sự dung dưỡng lối phê bình quyền uy. Không khí học thuật có cái khác nhưng chỉ là cái khác được phép chứ còn ít cái khác chưa được phép. Tôi nghĩ trình độ lý luận cũng như nhận thức dân chủ của ta giờ đây đã đổi khác rồi. Không phải ai nói gì người ta cũng nghe đâu. Lắm lúc rất muốn đối thoại mà không có điều kiện. Đi theo con đường bàng thống nhiều người lại không muốn. Có lẽ giới lý luận, phê bình chưa bao giờ lại khao khát một diễn đàn học thuật cởi mở, đa phương, đa chiều  như bây giờ. Thế và lực nước ta  căn bản đã khác trước. Phải chẳng một đòi hỏi như vậy không còn là quá đáng nữa.
Tất thảy là vì một nền lý luận, phê bình thật sự khoa học, chứ không phải là thứ lý luận, phê bình nhuốm màu đạo học lỗi thời theo cách phân định thật tinh tường, thật thấu lý của nhà khai sáng Trung Quốc Lương Khải Siêu. Trong bài Tựa Bản tiết yếu sách “Minh Nho học án”, ông viết: “Đạo học với khoa học, phải nên phân biệt cho rất rõ. Đạo học là cái học thụ dụng, tự mình tìm lấy được… cổ kim Đông Tây chỉ có một, chớ không có hai. Khoa học là cái học ứng dụng, nhờ các biện luận tích lũy mà thành ra, tùy cái trình độ văn minh trong xã hội mà tiến hóa, cho nên khoa học chuộng mới. Đạo học thời những lời nói cũ tự trăm, ngàn năm về trước, kẻ hiền triết ngày nay vị tất đã nói được hay hơn. Khoa học chuộng rộng…” (12, tr.146). Vậy chớ nên biến khoa học thành một thứ tôn giáo. Theo nghĩa này, gọi một nhà khoa học nào đó là vị giáo chủ, xem một nền lý luận nào đó là thánh đường, vị tất đã là sự đề cao.
        Tôi hình dung nền lý luận, phê bình mà chúng ta đang mong muốn tạo dựng phải là sự kết tinh di sản đã có của ta và của người trên tầm cao mà thời đại cho phép, đúng theo tinh thần mà nhà phê bình Lê Thanh từng mơ ước : « Đem cái học cũ và cái học mới ra dung hòa để đúc chuốt nên một nền văn học không Tầu, không Tây, mà hòan tòan Việt Nam (4). Cố nhiên nền lý luận, phê bình ấy không thể đơn phương, đơn nhất, lại phải hệ thống, nhất quán và vươn tới tầm cao của tính khoa học. Hãy xốc tòan thể đội ngũ lại theo một đường hướng chung phù hợp. Tôi tin rồi nền lý luận, phê bình mà ta mong mỏi bấy lâu sẽ hiển hiện trong một tương lai gần.
Nói thế có nghĩa nền lý luận, phê bình văn chương hiện đại mang màu sắc Việt Nam với những đòi hỏi khe khắt như trên vẫn còn ở trạng thái mong ước. Cần phấn đấu để mau chóng thiết lập. Bước đột phá, theo tôi, nên bắt đầu từ giáo dục mà trước hết là giáo dục ở bậc đại học. Chẳng cần quan sát kỹ cũng nhận thấy rõ hiện trạng của việc dạy và học môn lý luận văn chương ở các khoa Ngữ văn hiện giờ ra sao. Thiếu thống nhất, rất thiếu thống nhất. Ai cũng biết phải thay đổi hệ thống lý luận văn chương vốn đã quá lỗi thời, bị thực tiễn vượt qua từ lâu. Nhưng biết làm gì đây? Quả là còn rất nhiều lúng túng. Thế hệ cao tuổi thì hầu như chép miệng buông xuôi, tạm hài lòng với việc bổ sung ít ỏi vào hệ thống lý luận đã quá quen thuộc. Lứa trung niên thì dựa vào chút ít kinh nghiệm vốn có, mạnh dạn công phá hệ thống lý luận cũ, nhưng chưa thiết lập nổi hệ thống mới. Thế hệ trẻ thiết tha với đổi mới, nhưng khá chông chênh, thậm chí hoang mang, chưa biết nên bắt đầu từ đâu và rồi sẽ đi đến đâu. Tình hình thật đáng báo động. Việc cần làm ngay theo tôi bây giờ là nên khẩn thiết tập hợp giới lý luận trong cả nước xây dựng một bộ giáo trình, rồi bộ sách giáo khoa lý luận văn chương theo tinh thần đổi mới cho thật chuẩn. Rồi từng bước đưa vào giảng dạy ở đại học và sau đó ở phổ thông. Có thế, may ra mới cứu vãn được tình hình khi chưa quá muộn. Tiếng kêu cứu của cụ Huỳnh Thúc Kháng cất lên từ năm 1931, đến nay nghe vẫn còn thảng thốt làm sao: “Than ôi! Cái học Khổng Mạnh lai ra Tống Nho, Tống Nho lại lai sang khoa cử, đến Tống Nho và khoa cử nhập chung lại… thì trong giới ấy còn bảo có nhân tài xuất hiện được hay sao? ”(12, tr.196). Thế là mọi sự đã rõ. Xin không có lời bàn luận gì thêm.
TÀI LIỆU CHÚ THÍCH
 1. Barnet B., Berman M., Burto W. – Nhập môn văn học, Trường Viết văn Nguyễn Du – 1992.
 2. Carver  R. – Nguyên lý truyện ngắn – www.evan.com.vn.
 3. Đào Xuân Quý – Nhớ lại… , Văn hóa, 2002.
 4. Đinh Thị Minh Hằng – Lê Thanh, Nhà nghiên cứu phê bình văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 11/2004.
5. Eagleton T.– Lý luận văn học : dẫn luận, Phê bình – Lý luận văn học Anh Mỹ, Tập 1, Giáo dục, 2002.
6. Hồ Chí Minh…- Về văn hóa văn nghệ, Văn hóa – 1976.
7. Mitchell M. - Bảy luận đề về thời đại hoàng kim của phê bình văn học – www.tienve.org.
8. Nhiều tác giả - Từ điển văn học, Tập 1, Khoa học Xã hội, 1984.
9. Nhiều tác giả - Kỷ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan, Hội Nvăn, 2002.
10. Nhiều tác giả - Nhớ Đặng Thai Mai, Hội Nhà văn, 2002.
11. Nhiều tác giả - Việt Nam, những chặng đường lịch sử, GD, 2005.
12.  Nguyễn Ngọc Thiện – Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Tập 1, Lao động, 2001.
13.  Phạm Quang Trung – Văn chương Mỹ Latinh - Trường Đại học Đà Lạt, 2001.
14. Phương Lựu – Lỗ Tấn – Nhà lý luận văn học, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1977.
15. Phương Lựu – Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Văn học, 2001.
16 . Pôxpêlôv G.N.– Lý luận văn chương, (Tiếng Nga), Trường cao đẳng, M. 1978.
17. Trần Hậu Thành – Tình hình du nhập lý luận phê bình văn học đương đại phương Tây vào Trung Quốc từ thời kỳ văn học mới, Văn học nước ngoài, số 5/1999.
18. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Hồn Việt, Tập 2, Vhọc, 2004.
19. Trương Đăng Dung - Trên đường đến với tư duy lý luận văn học hiện đại, Văn học nước ngoài – 01/2005.
20. Viện Thông tin Khoa học xã hội – 100 nhà lý luận phê bình văn học thế kỷ XX, 2002.
Đà Lạt, 23/10/ 2005
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...