Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Bài ca không quên

Bài ca không quên
Xin được lấy tên bài hát quen thuộc của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn làm tiêu đề cho bài viết của tôi về tập thơ mới của anh Phạm Đình Ân – tập “Hương rễ”(*). Nhạc và thơ ở đây đều là những bài ca nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên những thời không thể nào quên– thời đánh giặc và giữ nước trong quá khứ gần và cả quá khứ xa xưa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi một bộ phận thi ca giữa lúc này cứ “ lẩn vào yêu đương ích kỷ/ lẩn vào cô đơn mượn vay/ lẩn vào buồn đau làm dáng/ lẩn vào chữ , câu” (Thơ ơi) . Để rồi cái điều đáng trách nhất đâu đó đã xảy ra: “Thơ biết tất cả đấy/ chỉ điều này là không/ vô ơn và tàn nhẫn “ (Thơ ơi). Cuộc đời sản sinh ra thơ mà thơ đang tâm lãng quên ư? Vậy nên với tôi, với bạn, và với hết thảy chúng ta, những bài ca trên vẫn cần, vẫn mãi mãi cần… Đặc biệt khi:
Nhiều năm rồi được đắm trong bình yên
ta dường như quên đi quá khứ.
Câu thơ trên tôi rút ra từ một bài thơ Phạm Đình Ân mới viết đây thôi, vào một ngày tháng 4/1999 khi “NATO tấn công Nam Tư“ . Dòng tin ngắn và có phần quá đơn giản nhưng “đằng sau là bạo tàn/ chết chóc/  tro than“. Trái tim tôi lúc ấy cùng hàng triệu trái tim lương thiện trên khắp hành tinh đã thật sự  nhói đau. Họ  đã nhân danh ai, nhân danh cái gì  để gieo tội ác lên một dân tộc chỉ có một “sai phạm” duy nhất là không biết cúi đầu. Đúng là lý lẽ của kẻ mạnh như đế quốc Mỹ đã từng “lý sự“ vào 12 ngày đêm trong tháng chạp 1972 lịch sử ở Việt nam. Và như trong những trường hợp tương tự, lương tri của một nhà thơ chân chính kịp thời thức tỉnh:
Chưa bao giờ tôi đau đớn như đêm nay
Thình thình bom dội xuống tôi
Tôi tan ra. Được sống thành nghìn triệu
Nơi nào bom, cũng có tôi
Chở che
Cùng hy sinh
Cùng nạp đạn
Tôi quý thơ Phạm Đình Ân trước hết bởi ý thức công dân luôn thường trực trong anh. “Trước nỗi đau lớn thấy mình  đổi khác”. Với anh , “đổi khác” tức là lớn lên cùng thời đại mình, cùng dân tộc mình. Ở đây nếu có phải rơi lệ thì sẽ không bao giờ là những giọt lệ yếu mềm :
Đất nước của tôi ! Nhân dân của tôi !
máu còn rỉ chưa ngừng
Hôm nay …  chúng lại đánh bệnh viện
có người bệnh chỉ còn nửa bàn chân vùi trong
                                                              đống thủy tinh
Ban trưa tôi lao ra nhà trẻ
thấy một hố bom!
Run run, tôi moi lên bốn ngón tay tí xíu ngỡ
đang ngọ nguậy
nghe trái tim mình vỡ tan!
Như bao nghệ sỹ khác, Phạm Đình Ân có khả năng dùng các chi tiết nghệ thuật “đặc hữu” nhằm ám ảnh tâm trí người đọc. Phải nói là trong không ít trường hợp anh đã thành công. Xin nêu một chi tiết khác trong một bài thơ viết về cuộc chiến tranh khác:
Cạnh cây đa già ngã tư phố Trần Hưng Đạo
nghiêng tấm biển chỉ đường
đạn mới xuyên qua rạn thủng :
Hữu Nghị Quan : mười tám kilômét
Đoạn thơ như một thước phim tư liệu quý được quay bởi một đôi tay khéo léo cùng một khối óc minh mẫn. Không một chi tiết thừa ! Chúng lại biết nói một cách hùng hồn. Không cần đến bất cứ một lời giải thích nào. Người viết đã biết im lặng để cho sự thật tự lên tiếng … Người ta hay ngại ngùng trước những vần thơ “hướng ngoại”  . Đọc những câu thơ trên và những câu sau đây nữa, chắc nỗi e ngại sẽ giảm đi nhiều lắm. Tôi muốn dừng lại đoạn thơ rất đặc trưng trong bài “ Thái Nguyên” , một trong những bài thơ hay thể hiện rõ bản sắc của thơ Phạm Đình Ân :
Những nhà dân nhiều năm không có số
búp chè chát, dứa vườn thơm, rát luỡi
miền ngược, miền xuôi gánh gồng qua lại
áo chàm, áo nâu thơm thảo, hiền lành
Tôi từng gắn bó với Thái Nguyên suốt bốn năm thời sinh viên. Sau này, mỗi khi có dịp, tôi lại trở về đây, soi vào từng kỷ niệm trong trẻo một đi không trở lại. Và ngay từ dạo ấy, tôi đã có ý muốn ghi nhớ những vần thơ hay viết về thành phố gang thép. Thú thật là tôi đã reo lên khi đọc đến đoạn thơ trên của Phạm Đình Ân. Cứ như bắt được của quý. Mà quý thật chứ! Liệu có mấy ai biết làm bật nổi những nét riêng của Thái Nguyên bằng những vần thơ trần trụi như anh? Cũng đã mấy ai biết ghi lại những hình ảnh chân thực mà lại có khả năng chạm khắc sâu vào ký ức sinh viên thời sơ tán như anh đã làm qua những câu thơ này:
Mì nắm luộc suông, canh măng lễnh loãng
Soi thấy mình chân thật đến vô tâm
Tôi như được sống lại những năm tháng “trong thiếu thốn cả một trời đầu đủ” của đời sinh viên qua thơ anh. Người ta bảo, tuổi càng cao con người càng ưa nhìn lại dĩ vãng. Tôi đã già thật rồi chăng? Nhưng nếu chấp nhận tuổi trẻ để quên đi quá khứ thì liệu tôi có còn là tôi nữa không? Nói vậy chỉ vì một điều giản dị: quên quá khứ nghĩa là quên đi nguồn cội:
Ngửa bàn tay, úp bàn chân
Rưng rưng nghe tiếng thì thầm tổ tiên
Câu thơ tôi rút trong bài “Nhà giữa biển khơi” được Phạm Đình Ân làm ngay ở đảo Tốc Tan của “Trường Sa đảo nổi, đảo chìm“. Đúng là ở đó con người dễ tĩnh tâm cảm hoài về sự sâu xa, vẻ thiêng liêng của nguồn cội. Có điều, tôi nghĩ, chính cái ý thức của người viết mới là yếu tố quyết định.
Khói hương thơm mọi đền thờ
Tình xưa thắm nghĩa bây giờ, mai sau…
Câu thơ anh viết trong cuộc hành hương về chốn “Ngọc Hân đợi chờ”. Và nói chung, khi ít khi nhiều, mỗi bài thơ của Phạm Đình Ân trong “Hương rễ” đều là những cuộc hành hương trở về nguồn:
Bước một bước thoắt vào hoang dã
Đáp người xưa hỏi chuyện hôm nay
Xin được nói thêm, chủ đích của những cuộc hành hương qua thơ anh cũng luôn xác định :
Xin được đắm vào một thời đáng nhớ
Cho muôn thời cháy lửa, thơm hương
Biết vậy, nên dường như mọi tinh lực của thơ anh như được dồn tụ về  hướng ấy. Chẳng hạn, anh cảm xúc trước “ Những cánh cung đông bắc” của Tổ quốc cũng chỉ để làm bật nổi điều sau :
Mọi cánh cung đều quay ra hướng đông bắc
đuôi chụm ở Tam Đảo
đất tổ Hùng Vương
lại như từ đây xòe nan quạt
mát lạnh không gian đông bắc
Tuy có lẽ chưa ở trường hợp nào tổ tiên lại ban phát cho anh nhiều tiềm năng sáng tạo đến thế như khi anh viết về Xứ Thanh ruột rà của mình. Đó là một bài thơ khá dài, nhưng nếu có dài thêm nữa chắc cũng không thể diễn tả hết được tình sâu nghĩa nặng của anh đối với quê hương. Tôi không lạ khi bài thơ khởi đầu bằng những kỷ niệm thuở nhỏ:
Tôi đã mò cua trên cánh đồng Thanh Hóa
hoa lúa trôi vèo lạch nước tuổi mười ba
Rồi nữa, những vần thơ lung linh  nhất nhà thơ cũng nâng niu dành cho thời ấu thơ ấy :
Tôi lớn lên ở vùng nửa núi đồi
hoa lạc chơi chốn tìm trong đất
mía ăn mòn hết răng
Phạm Đình Ân còn trở đi trở lại với lịch sử cùng dáng hình quê hương anh trong một loạt bài thơ khác nữa. Lạ nhất, và Phạm Đình Ân nhất có lẽ là bài “ Núi Nưa hình lược” . Ngay từ nho, anh say ngắm hình dáng ngồ ngộ giống như hình cái lược của núi Nưa mà không sao giải thích nổi. Lớn lên, anh mới sững sờ khi nhận thấy hình núi gắn với cái chết rất trẻ của Bà Triệu. Anh kết thúc bài thơ trong nỗi thảng thốt dường như không kìm giữ được:
Thế mà, người xưa ơi, không tiếc
hai mươi ba tuổi
cái lược tuổi xuân của bà chải mướt suốt đời tôi.
Tôi biết đây không phải là giả thiết lịch sử mà chỉ là giả thiết thi ca. Nhưng hãy cho tôi cái quyền được tin những giả thiết như thế, để từ đó, tôi có quyền được tin vào những truyền thống linh thiêng của quê cha đất tổ -  chúng luôn vọng lại từ ngàn xưa và vang mãi tới muôn sau.
“Bài ca không quên” từ khi ra đời đã được nhiều ca sĩ thể hiện. Nhưng theo tôi, có lẽ ca sĩ Cẩm Vân chiếm được cảm tình của người nghe hơn cả. Bí quyết thành công ở đâu? Chính là bởi chất giọng trầm ấm, lắng sâu phát xuất từ tâm hồn yêu thương và căm giận hết mực của chị. Tôi cho rằng, nhà thơ Phạm Đình Ân cũng đã có một giọng điệu thi ca tương tự trong “Hương rễ”. Đã đành, anh có nhiều tìm tòi về cấu tứ, câu chữ, hình ảnh để tránh sự dễ dãi, khô cưng, sáo mòn. Nhưng trên tất cả chính là tấm lòng của nhà thơ dành trọn vẹn cho quá khứ đau thương mà oanh liệt của quê hương mình, dân tộc mình. Tôi nhớ tới bài “Từng dòng suối nhỏ” của anh. Thơ anh có gì đó từa tựa như những dòng suối ấy:
Chảy từ xưa hoang sơ
Trải hiểm nghèo ghềnh thác
Lọc thời gian, không gian
Nước cội nguồn trong vắt
Cho tôi được chia sẻ niềm vui mới trong lao động sáng tạo “Hương rễ”  của Phạm Đình Ân. “Hương” thơ có được là nhờ gốc “rễ” bền chắc của truyền thống được hun đúc từ hàng ngàn năm về trước. Chắc anh cũng sẽ nghĩ như thế! Vậy ta nên cám ơn ai đây?  Câu trả lời xin nhường lại cho bạn đọc.
(*)  Hương rễ - Phạm Đình Ân, Nxb Quân đội nhân dân, H., 2000.
 Đàlạt, 5/8/2000
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...