Cuộc thi thơ kỷ niệm 100 năm
Đà Lạt hình thành và phát triển được khởi đầu từ 2/5/ 1993 và khép lại vào ngày
15/9/1993 do Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng chủ trì dưới sự chỉ đạo trực tiếp
của Ban tổ chức kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển của tỉnh. 154
bài thơ của 66 cây bút khắp mọi miền đất nước tham gia dự thi. Vậy là cuộc thi
đã được mở rộng ra khỏi phạm vi địa phương và khu vực. Nó đã cuốn hút nhiều cây
bút chuyên và không chuyên trong cả nước. Điều này cũng dễ hiểu. Từ khi ra đời,
Đà Lạt đã trở thành một bộ phận khăng khít, giàu sức cuốn hút đối với bất cứ ai
sống trên dải đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Có ai trong đời lại không ước
ao một lần đặt chân đến Đà Lạt! Và khi xa Đà Lạt, có ai không lưu lại trong
lòng một chút hoài niệm về thành phố cao nguyên xinh đẹp này! Còn người Đà Lạt?
Phải chăng cùng với năm tháng, tình yêu của những người từng gắn bó với Đà Lạt,
từng chứng kiến những bước thăng trầm, từng sẻ chia bao ngọt bùi cay đắng với
Đà Lạt lại không thể sâu xa hơn, thiết tha hơn? Tình cảm ấp ủ lên men chuyển
hoá thành thi ca, thành nghệ thuật. Đúng như cây bút trẻ Lê Đình Trọng trước
phút chia tay đã viết:
Đà
Lạt ơi!
Em bây giờ xa ngái
Câu
thơ xanh run rủi mãi trong chiều
Ta có cả một bảo tàng trong trí nhớ
Tên em – còn đó một niềm yêu
(Lời trần tình với Đà Lạt)
Đọc các bài thơ được giải, ở những mức độ khác nhau, ta dễ dàng có cảm nhận
này: người viết đã phần nào nhập vào cái hồn của Đà Lạt, thực cũng như mộng, lịch
sử cũng như huyền thoại, thời khắc hiện tại cũng như quá khứ xa xăm. Thấy được
khá sâu và nói được khá hay cái tinh tuý của cảnh và người Đà Lạt có lẽ là
bài Ngẫu hứng phố phường của Uông Thái Biểu. Là người Đà Lạt, ta dễ
thấm thía những vần thơ sau:
Đà
Lạt của tôi người bạn vong niên
Gậy trúc khập khênh
Gõ bậc đá chênh vênh
Chén rượu ngoại ô
Ngấm một tiếng
Không biết có gì trong tiếng gậy trúc khập khênh và tiếng khà sau
ly rượu ngoại ô kia mà lại gợi nhiều trong lòng ta đến thế! Nói đến Đà Lạt có lẽ
ta dễ nghĩ đến bậc đá chênh vênh ấy, tới chén rượu chiều mưa lành lạnh
khiến lòng ta ấm lại ấy. Hơn một lần ta cảm nhận tác giả đã nói hộ lòng người
Đà Lạt chúng ta. Còn du khách? Chắc bạn bè tứ xứ đến Đà Lạt sẽ tìm được sự đồng
điệu của lòng mình trong những vần thơ chắt lọc này:
Đà
Lạt của tôi vó ngựa chiều mưa
Lóc cóc dội về quán trọ
Lữ khách dừng chân giữa đường mưa gió
Ngước nhìn một khoảng trời thông
Trong thơ có vó ngựa, có gió
mưa, có rừng thông… Có những cái rất riêng, rất Đà Lạt. Cũng thật khó lẫn vào
đâu cái dáng núi mờ ảo gắn liền với truyền thuyết giàu chất thơ được cây bút
Nguyễn Thị Thanh Toàn thể hiện trong bài LangBian tình yêu và nỗi nhớ. Huyền
thoại ư? Đúng vậy!
LangBian!
LangBian! Âm hưởng ngân vang
Như suối reo sông nguồn cùng hát
Như trăng sà xuống tắm cùng em, cô gái
K’ho bên thác
Từ thuở nào vẫn nét đơn sơ
Anh săn bắn, em lên nương, dệt vải
Lửa bập bùng nhịp đập của thời gian
Nhưng đây còn là thực tại nữa,
đúng hơn là thực tại quyện hòa vào huyền thoại tạo nên vẻ lung linh hư hư thực
thực riêng có của thành phố mộng mơ:
Nơi
bạt ngàn rừng thông xanh, dập dềnh
mây trắng
Đà Lạt bừng lên giọt nắng lung linh
Cho tóc em dài thướt tha chiều ấy
Đọc các bài thơ được giải, ta dễ liên tưởng đến mỗi loài hoa giàu sắc hương của
Đà Lạt. Vâng, mỗi bài thơ ánh lên vẻ đẹp riêng, rất đáng trân trọng. Đây là nỗi
ưu tư, trăn trở của Thanh Dương Hồng trước những con sóng hồ Xuân Hương xanh
mênh mông và buồn vời vợi giúp biểu lộ nỗi lòng của người viết:
Những
sợi nước cong hình dấu hỏi
Va vào bờ, lay vạt cỏ ngủ vô tư?
(Ngẫu hứng chiều Đà Lạt)
Còn đây là bức tranh có phần cách điệu vì vậy mang sức khái quát cao hơn của
Hoàng Như Thuỷ An:
Hai
dãy phố sớm trưa
Đôi chim bồng bế lên ngàn
Chàng Lang ôm vầng trăng Bian mơ ngủ
Hai đứa trẻ đánh cồng chiêng ca lời tình sử
Đôi bờ nhật nguyệt soi bóng nước xanh
(Trên đỉnh ngàn năm mây trắng)
Đặc biệt, ta bắt gặp ở đây chất giọng quen thuộc của nhà thơ Hà Linh Chi:
Mận,
hồng mang màu lửa
Từ đất nghèo ươm gieo
Những ngọn đèn chẳng ngủ
Soi mặt hồ trong veo
(Cơn mưa qua vườn mẹ)
Và cái chân thực, cái nhạy cảm dễ lay động, dễ cuốn hút của Phạm Quốc Ca:
Đón
chờ con sao đỏ ngôi trường
Giảng đường dưới rừng thông long lanh nắng
Thảm cỏ non xanh, áo sinh viên thì trắng
Cha vẽ cho mình hình ảnh con ngày mai
(Đà Lạt bây giờ là quê hương con)
Cũng cần nhấn mạnh tới ý nghĩa xã hội của những dòng cảm xúc và suy tưởng ở một
số bài thơ. Ở đây, cái riêng phần nào hoà quyện với cái chung, khiến một đôi vần
thơ vươn tới thế đứng của Đà Lạt - Lịch sử, của Đà Lạt - Thế kỷ:
Ngày
đó em ơi, giọt nước mắt long lanh
Tưởng đã cạn trong đau thương thù uất
Lại trào tuôn dưới nón tai bèo tha thiết
Trên ngực gầy… mẹ ta ngỡ chiêm bao
(Khúc hát tháng tư - Quỳnh Dương)
Ở những mức độ khác nhau, các bài thơ Thành phố trong mơ của Phạm
Vũ, Đà Lạt trong mắt tôi và trong mắt ai của Vĩnh Cát, Chiều Đà
Lạt của Nguyễn Ngọc Diên, Cầu vồng Đà Lạt của Nguyễn Tri Tâm và một
vài bài thơ khác cũng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng tốt đẹp khó
quên. Có điều, những bài thơ như thế chưa nhiều. Đó có lẽ là điều đáng nói nhất
về hạn chế của cuộc thi thơ lần này. Ban giám khảo đã không tìm chọn được giải
nhất. Có khe khắt và cầu toàn quá không? Không phải. Nếu có thêm một LangBian
trong thơ viết về Đà Lạt thì đáng được mừng vui lắm chứ! Đáng tiếc những bài thơ
“thường thường bậc trung” quá nhiều. Đấy là chưa nói không ít bài thơ rơi vào
“diễn ca” hoặc “diễn giải”. Do thời hạn cuộc thi ngắn chăng? Hay do sự thông
báo chưa được rộng rãi? Dẫu sao chất lượng nhìn từ bề rộng vẫn khiến chúng ta
băn khoăn.
Vậy là kết quả cuộc thi chưa làm chúng ta hoàn toàn thoả mãn. Tuy vậy, nếu làm
thơ hay là khó, và nếu đánh giá phong trào thơ chủ yếu ở những thành công đã đạt
được thì chúng ta cũng có quyền hài lòng. Nhưng trên hết là sau cuộc thi thơ lại
thêm những tiếng đồng vọng mới của lòng ta… Đó có lẽ chính là một trong những
cách biểu lộ sâu xa nhất của tình cảm chúng ta đối với Đà Lạt đang bước vào “tuổi
tròn trăm”.
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét