Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Cảnh Trà - Người với thơ, thơ với người

Cảnh Trà - Người với thơ, thơ với người
Có lúc tôi cứ ngỡ nhà thơ Cảnh Trà đã gác bút, đã yên phận với công việc của xã Hòa Thạnh (Châu Thành - Tây Ninh). Thậm chí có lúc còn nghĩ tệ hơn: ông này lo cái gì đâu không biết, còn biết gì đến thơ với phú nữa. Thế mà có lúc anh ấn vào tay tôi cả trăm bài thơ. Có ý đồ hẳn hoi. Tập bản thảo thứ nhất anh dành để viết về quê hương, về những người thân quen, ruột thịt mà anh nhớ đến. Tập thứ hai, anh dành cho nơi anh đang sống, cùng với một số bài nhớ về những ngày chiến đấu xưa, khi anh còn là một anh lính trụ bám ở đất lửa Vĩnh Linh. Những bản thảo rời là những bài mới viết. Thì ra thế, cái người đã vướng vào nghiệp văn chương rồi thì dễ gì mà bỏ cho được, nhất là với Cảnh Trà, người đã một thời cận kề với khốc liệt chiến tranh mà vẫn làm thơ. Những bài thơ đã lọt vào con mắt tinh tường của Hoài Thanh, một trong những nhà phê bình hàng đầu của Việt Nam, rung động mà viết một bài giới thiệu khá dài có cái tên rất ấn tượng: CẢNH TRÀ, MỘT TIẾNG THƠ TỪ TUYẾN LỬA VĨNH LINH. Đó là vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Ngay từ ngày ấy, thơ Cảnh Trà thực sự đã có vị trí trong làng thơ Việt Nam rồi. Sau gần hai chục năm trời, thêm một tập thơ mới của Cảnh Trà: NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG, là những bài thơ chắt ra từ những bản thảo vừa nói ở trên. 
                Hôm nay, tôi nhận thêm tập thơ thứ hai, có cái tên mộc mạc: NHỮNG CƠN MƯA. Cũng như tập thơ trước, chẳng có bài nào trong tập được chọn làm tên sách. Lần trước khi đọc xong tập bản thảo của anh, tôi hỏi tại sao anh lại đặt tên tập là NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG? Anh cười đọc cho tôi nghe một câu tục ngữ mà như anh nói, ai cũng biết ai cũng thuộc: “Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn”. Cái lão này thế mà hóm. Hôm đó tôi đã nói với anh như vậy.  Thế thì ở tập thơ này, chắc là anh cũng có dụng ý gì đây.
Nhưng có lẽ trước hết phải kể chút ít về Cảnh Trà đã. Không nói gì nhiều về thân thế sự nghiệp của anh làm gì. Chỉ nói về đoạn sau của đời anh thôi. Trước đây anh làm  phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam, thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi chiến tranh biên giới xẩy ra, anh đã có mặt tại Châu Thành, Tây Ninh. Đã có lúc anh sống và viết ngay trên mảnh đất này khi còn giăng giăng mìn của Khơ me đỏ cài lại. Có lẽ vì thế, ông Tám Vân, Chủ tịch huyện lúc bấy giờ rất quý mến anh. Nhưng có lẽ người quý mến anh đặc biệt hơn cả là ông Hai Bình, bí thư đảng uỷ xã Hoà Thạnh. Nghe tin anh về hưu, ông Hai Bình tìm mọi cách kéo anh về làm Chủ tịch mặt trận xã. Nể quá, anh nhận lời. Không hiểu vì sao, anh có thể ngồi ở cái ghế Chủ tịch mặt trận này lâu đến như thế? Mà hình như xã Hoà Thạnh cũng chưa muốn để ai làm thay anh. Thôi thì đủ mọi thứ vận động. Nhà tình nghĩa, nhà tình thương, ủng hộ người nghèo, lo đời sống đồng bào dân tộc Khơ me… công việc “thổi tù và” ấy kéo dài hơn chục năm nay rồi, anh vẫn chưa nghỉ. Có một chuyện vui thế này: đã làm Chủ tịch thì phải viết báo cáo. Hồi đó đến kỳ phải nộp báo cáo. Mà báo cáo của ta thì ai mà không biết: từ trung ương đến địa phương hình như chỉ có một cái mẫu. Làm mà không đúng cái mẫu đó là không được. Nhà thơ kính mến của chúng ta muốn làm một cuộc “cải cách” với một bản báo cáo ngắn gọn, đủ ý, đủ lời và đủ thông tin. Mấy ngày sau, nhà thơ nhận lại bản báo cáo ấy với dòng chua của một ông chắc là cán bộ lớn lắm của tỉnh Tây Ninh: “Không biết làm báo cáo, cần phải cho đi học lại”. Đành vậy chứ sao bây giờ. Làm lại, đúng như bài bản. Khi kể chuyện này, nhà thơ Cảnh Trà vẫn với cái giọng thật thà nhưng có chút hóm hỉnh: “Mình quên, viết báo cáo mà tưởng đang làm thơ. Ít chữ, kiệm lời, ý tại ngôn ngoại, chết người”. Anh được huyện Châu Thành cấp cho một lô đất ở thị trấn. Anh dành để cất nhà cho vợ và các con ở. Còn anh, anh lên ở ngay tại xã Hoà Thạnh. Đất đai anh trồng đủ thứ. Ngoài mấy cây tầm vông, mấy cây mít vào loại có giá, còn lại là cỏ và chồi cây rừng còn sót lại. Anh làm một cái chòi theo đúng nghĩa. Thấp chủm, nền đất, và trong đó chỉ kê được một cái giường con, một cái bàn con. Sau này khi biết được chỗ ở của anh, tôi đã dẫn nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ Phạm Quốc Ca và nhà văn Tô Đức Chiêu lên thăm anh. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Vốn quen biết nhau từ thời làm thơ trong chiến tranh, Nguyễn Đức Mậu có vẻ như ngậm ngùi cám cảnh trước sự đơn chiếc quạnh hiu của bạn thơ. Phạm Quốc Ca thì lắc đầu. Còn tôi phải nhắc nhà văn Tô Đức Chiêu: “Tô đại nhân có vào chòi thì không được đứng lên đấy. Coi chừng đại nhân cao lớn vậy đội cả nóc chòi của nhà thơ lên, không có tiền mà bồi thường đâu.” Cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn, nhà thơ sau đó phải di dời lên ngay bờ sông Vàm Cỏ đông, nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Lúc đó, trời xế chiều, dòng sông lóng lánh những giọt nắng. Ly rượu chuyền tay, không ồn ào, mà từ tốn, nhẹ nhàng với những câu chuyện làm xao xuyến lòng nhau. Toàn là những kỷ niệm. Toàn là những câu thơ tâm đắc. Và cũng lạ, không ai hỏi thăm về cảnh riêng cuộc sống của Cảnh Trà. Giống như sự đương nhiên. Nhà văn, nhà thơ, sướng hay khổ, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay lẻ loi đơn chiếc là chuyện riêng của mỗi người. Điều quan trọng hơn là còn hồn văn không, còn hồn thơ không kia. Anh có ghi lại chuyện này trong bài thơ NHỚ NGÀY BẠN VĂN ĐẾN THĂM và in trong tập NHỮNG CƠN MƯA . Trước đây, anh cho một chủ trại quan tài mượn đất phía trước cửa. Tôi thường nói giỡn: “Muốn đến nhà thơ Cảnh Trà, qua phà Bến Sỏi, đến chợ Hoà Bình hỏi đến xã Hoà Thạnh. Trên đườnng đến Hoà Thạnh gặp một ngã ba quẹo trái. Chạy chừng hơn trăm thước thấy chỗ nào chất đống quan tài đỏ thì chạy vô. Đó là chòi của nhà thơ Cảnh Trà”.
Rồi bây giờ tôi có tập thơ NHỮNG CƠN MƯA trên tay. Nếu ở tập NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG đằm thắm nghĩa tình với quê hương xứ Nghệ, người xứ Nghệ thì ở tập này, Cảnh Trà mới phô ra sự già giặn của một người làm thơ quen với sự trầm lắng, quen với cách nhìn thật kỹ, thật sâu, để khi viết ra thấy vững vàng sự trải nghiệm.
Xin cùng đọc bài thơ in ở cuối tập: ngày mới/ mong/ không phải chịu/ những cái bắt tay/ khô và lơi/ lỏng và lạnh/ bồn chồn/ chỉ mong/ được gặp/ những cái bắt tay/ chặt mềm và ấm/ Bình yên. (NHỮNG CÁI BẮT TAY)
Không nhiều lời mà nhiều nỗi niềm, nhiều cả sự tưởng tượng nữa. Gặp nhau, bắt tay nhau, ấy là chuyện thường. Sung sướng biết bao nhiêu khi ta gặp một người, hai bàn tay đưa ra nắm lấy nhau xiết chặt. Cái tình người nồng hậu nó hiện ra ngay trong cái bắt tay. Thêm một nụ cười nữa thì hoàn hảo. Nhưng bỗng gặp một người có khi còn được giới thiệu đó là người bạn thân thiết của mình nữa, nhưng khi bắt tay, bàn tay ấy không ra nắm, không ra buông, lòng bàn tay có khi còn lành lạnh nữa thì thật thất vọng. Người phương Tây người ta gặp nhau là ôm lấy nhau mà hôn. Ở mình ngày xưa thời phong kiến, đế quốc gặp nhau cúi rạp xuống mà chào. Kẻ dưới cúi thật thấp, kẻ trên gật gật cái đầu. Ta đã đấu tranh để rũ bỏ cái kiểu chào nhau nô lệ ấy và mới lấy cái bắt tay để thể hiện sự tôn trọng và thân thiết. Ấy vậy mà thà là ngoảnh mặt làm ngơ, còn hơn nắm lấy tay nhau để nhận từ cái bắt tay sự thờ ơ nhạt nhẽo.
Đọc hết tập thơ, có những bài làm tôi cứ mang mác một nỗi buồn. Nỗi buồn sâu thăm thẳm trong từng câu, từng chữ của Cảnh Trà. Thế mới lại càng thấy người thơ vương vấn hồn thơ. Buồn, đúng là nguồn cơn, là tài sản của nhà thơ. Nhưng cái buồn của Cảnh Trà luôn gắn liền với những điều tai nghe mắt thấy thường ngày. Anh vừa viết xong bài thơ mà sao lại buồn đến vậy vì chẳng biết đó có phải là thơ không, thôi thì cứ tự cho nó là thơ để tựmình an ủi mình vậy. Có điều càng tự an ủi thì lại càng thấy mình bé nhỏ, và:
Lại bắt đầu từ con số không
Rất đầy
Rất tròn
Rất vĩ đại
Có ai đó hỏi thầm bên tai
Thơ là cái gì?
KHÔNG ĐỀ (2)
Đến tận lúc này mà còn hỏi thơ là gì ư, thưa nhà thơ? Một đời xoay xở với những con chữ. Không nhiều như người ta nhưng cũng đủ để người ta nhớ, người ta nhắc, người ta tìm… Thế mà còn hỏi thơ là gì? Viết đến đây, tôi nhớ một chuyện. Khi anh đưa bản thảo tập NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG đến nhà xuất bản, anh có trao đổi với tôi. Trong đó anh cho in lại bài thơ nổi tiếng một thời của anh. Đó là bài ĐƯA DÂU QUA CẦU BẾN HẢI. Tuổi tôi nhỏ hơn anh, nghiệp văn đến với tôi muộn hơn anh, quả thực tôi chẳng dám nói gì về bài thơ này, nhưng nó cứ gợn gợn một cái gì đó. Một hôm mượn rượu (cám ơn rượu vì nhờ nó có khi người ta dám liều) tôi bảo: “Anh xem bài ĐƯA DÂU QUA CẦU BẾN HẢI  in trong tập này có ổn không, nó không thật hợp với không khí chung của toàn tập đâu! Đang da diết với quê hương như thế, bỗng lại có một bài mừng đại thắng. Hay thì hay thật, nhưng không hợp”. Anh có vẻ trầm tư. Cả tuần sau anh điện cho tôi: “Chú nói phải đấy. Tôi gọi điện xuống Hoàng Đình Quang (*), kêu chú ấy bỏ bài thơ ấy ra rồi”. Lần gặp sau anh mới giải thích thêm: "Thơ lạ lắm chú ạ. Hôm nay thì nó đúng, nó hay. Ngày mai đọc lại thấy không được. Làm được một bài thơ lúc nào cũng đúng cũng hay, để ở đâu cũng đúng cũng hay thật khó". Có phải vì thế mà hôm nay anh vẫn cứ loay hoay với câu hỏi “thơ là cái gì?”. Hỏi thì cứ hỏi, nhưng làm anh cứ làm. Và nỗi buồn trong anh cứ ứ tràn khi bắt gặp những cảnh trớ trêu ở đời. Hội nghị chẳng hạn. Hội nghị thì có gì mà thành thơ. Thế mà anh viết. Giỏi là ở chỗ anh bắt người đọc nghe được âm thanh trong chữ. Một hội nghị, người dẫn chương trình làm công việc của mình là giới thiệu quan khách. Giới thiệu lần đầu tiếng vỗ tay rào rào: cả hội trường đứng dậy vỗ tay/ rốp… rốp… rốp…rốp… rốp. Giới thiệu thêm người thứ hai vẫn còn: rốp… rốp… rốp… rốp. Nhưng đến lần thứ ba thì: rốp… rốp… rộp. Còn lần thư tư, thứ năm… chỉ còn: rộp… rộp. Chữ rốp mất dần, thay vào đó là chữ rộp. Rồi:
Tiếng vỗ tay thưa dần
Nhỏ dần
Nhạt dần
Nhàm chán
TIẾNG VỖ TAY
Cách nói mộc mạc, cách nhìn mộc mạc nhưng bài thơ khiến cho ta có cảm giác buồn. Buồn vì có những việc diễn ra một cách máy móc, buồn vì hình thức nhạt nhẽo. Tôi nhớ có thời chúng ta lưu hành cụm từ “đổi mới tư duy”. Ây thế là khắp nơi đổimới tư duy. Tới ông tổ trưởng tổ dân phố cũng đổi mới tư duy. Không nói đổi mới tư duy là không đổi mới. Nói thì cứ nói còn đổi ra sao, làm sao đổi thì chưa hẳn ai cũng biết. Chao ôi, những người dùng chữ hay đến tuyệt vời như các nhà thơ, nhà văn mà có được một từ thôi ở đâu người ta cũng nhắc đến như đổi mới tư duy thì tuyệt vời quá. Chúng ta bây giờ có quá nhiều hội nghị. Từ trung ương xuống đến tận xã ấp, chỗ nào cũng thấy hội nghị. Những cán bộ đầu ngành ngày nào cũng phải hội nghị. Một ông cán bộ có khi được bố trí vào không biết bao nhiêu ban bệ. Ban an toàn giao thông, ban sinh đẻ có kế hoạch, ban phòng chống ma tuý, ban bảo vệ môi trường, ban… Cứ có tên trong ban là phải hội nghị. Có người từng hóm hỉnh nói: mỗi một cơ quan nên sắm lấy một ông để chuyên đi họp. Chỗ nào cũng trịnh trọng giới thiệu, người ta chỉ có thể vỗ tay nồng nhiệt một lần thôi, đâu có thể nồng nhiệt mãi được. Mà vỗ tay chỉ là hình thức bề ngoài, còn cái bên trong mà Cảnh Trà muốn nói là: hội nghị vừa vừa thôi kẻo tốn người, tốn của, tốn thời gian. Xem ra nhà thơ này ngây thơ thật. “Phi hội nghị bất thành… quản lý”. kia mà! Cảnh Trà buồn vì những chuyện như thế.
Đương nhiên Cảnh Trà có cả những nỗi buồn riêng. Nhưng không như một vài người làm thơ khác hay than thân, trách phận, thương vay khóc mướn, tình yêu dang dở. Nỗi buồn riêng của Cảnh Trà là nỗi buồn cho những thân phận mà anh gặp.
Nhưng nỗi buồn không phải thài độ chính trong thơ Cảnh Trà. Bao trùm hơn cả trong thơ Cảnh Trà là sự hóm hỉnh dễ thương. Có một đêm nhà thơ mất ngủ. Tiếng dế kêu nỉ non. Mèo gào thảm thiết. Mưa gõ rùng rùng trên mái tôn. Hàng xóm có người chết chồng, mùi nhang khói phảng phất. Thế mà sáng ra:
Vợ hỏi đêm qua ai hớp hồn
Nhớ con mệ nào mà trằn trọc
Nghe xong đang buồn càng vui hơn
Chuyển cộng sang trừ, lạnh thành nực
Mình bò ra cười trên giường
Vợ khóc ỉ ương vạ dưới đất.
MẤT NGỦ
Thương cho cảnh đồng sàng dị mộng. Thì ra nhà thơ đâu có thao thức một mình mà cả đêm vợ cũng không ngủ được. Ngấm ngầm ghen bóng ghen gió mà thương chồng không làm chồng bận lòng, phải chờ đến sáng mới hỏi một câu. Một câu thôi cũng đủ để nhà thơ hiểu được tấm lòng người vợ. Phải người khác thì sẽ buông một vài câu xum xoe với vợ trong thơ mình, còn Cảnh Trà thì thật thà hơn, vui quá vì vợ còn thương mình. Cười như thế thì vợ chỉ nằm vạ chút chút thôi.  Cái chuyện ghen tuông của chồng vợ trong thơ Cảnh Trà đúng là để làm duyên, làm dáng. Có hiểu người chung chăn gối với mình thì mới có thể cười bò ra khi vợ ghen như thế.
Không phải đến bây giờ Cảnh Trà mới hóm hỉnh như vậy. Trong một bài thơ đề ngày 11 tháng 2 năm 1973, viết về chuyện cùng Bế Kiến Quốc thăm Chùa Thầy, anh viết:
Gặp hai cô đứng chắp tay
Ngỡ Quốc là tiểu
(đẹp trai quá chừng)
Hai cô cúi đầu khom lưng
“ai di đà Phật"
(mắt lưng mắt đầy)
Quốc ta cúi đầu, chắp tay
“hai cô đẹp thật”
(mắt đầy mắt lưng)
Hai cô đỏ mặt thẹn thùng
                Bế Kiến Quốc lệ rưng rưng… cười xoà.
                Ra cái chuyện trai lẳng gái lơ ghê, mà duyên dáng, kín đáo cũng ra dáng trai thanh gái lịch lắm lắm. Đọc bài thơ xong cứ phải tủm tỉm cười về sự lầm của cô gái, và câu tán khéo của Bế Kiến Quốc. Bài thơ viết trên ba mươi năm, đọc ra vẫn thấy Bế Kiến Quốc một thời trẻ măng và chắc là cũng nghịch ngơm hóm hỉnh lắm.
Cũng cái đà hóm hỉnh ấy, Cảnh Trà đưa ta về với đồng ruộng. Thì tất nhiên là có lúa, có nắng, có đất, có gió đồng. Nhưng anh còn cho chúng ta thấy sức sống mãnh liệt hơn ở miền quê ấy:
Trong tiếng cười rúc rích của trai gái làng
ghẹo nhau
quấn quýt vào nhau
mùa động cỡn.
Đêm trăng thanh
Mùa lúa no nê
nồng nàn
đa tình
Hương lúa thơm như môi em
đê mê
lim dim
nóng sực
MÙA LÚA CHÍN
Nông thôn vào ngày mùa, nhà nhà vui vì thấy được cái ấm, cái no. Nhưng ấm no thì chưa đủ, hạnh phúc mới là cái người ta vươn tới. Chẳng lúc nào cánh đồng đông vui như ngày lúa chín. Tay liềm, tay hái, người người ra đồng và trong lúc rộn ràng với công việc cũng là lúc những cuộc tình nẩy nở. Những cặp gái trai đã tìm thấy nhau và hạnh phúc bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc. Để rồi sau đó là đám cưới, là sinh con, tạo ra lớp người mới làm cho đồng lúa lại xanh, lại chín và mãi mãi bao giờ cũng có xanh, có chín trên đồng. Cảnh Trà đã dùng cách nói rất riêng của mình để cho người đọc hình dung được một cách cụ thể. Và nhất định khi đọc thế nào cũng phải tủm tỉm cười vì sự hóm hỉnh của anh.
Buồn, hóm hỉnh đã chạy suốt trong tập thơ NHỮNG CƠN MƯA. Anh chỉ trở lại sự đằm thắm trong thơ khi lại trở về với xứ Nghệ quê anh. Anh dành khá nhiều tình cảm cho bạn văn thơ mà anh quen biết, đó là Ngô Khắc Tài, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Quang Hà… Tất nhiên là không thiếu vắng tôi, Nguyễn Đức Thiện. Đọc hết tập thơ mới hiểu được anh. Đời người gặp biết mấy cơn mưa. Cơn mưa nào cũng làm ta rười rười mát, nhưng đôi khi cũng rười rượi buồn. Thế mới ra thơ.  Mỗi câu thơ là một giọt mưa. Mỗi bài thơ là một cơn mưa. Có những cơn mưa sầm sập tối đất, tối trời. Có những cơn mưa rả rích khêu gợi. Lại có những cơn mưa tưới mát hồn ta. Mưa trong thơ Cảnh Trà có nắng, có hoàng hôn, có tình người đắm say, có bạn bè một thuở, có những day dứt nỗi niềm và trong những cơn mưa ấy là cả một tấm lòng của người thơ với đất trời và người.  Rất may, tên tôi cũng góp một giọt mưa trong thơ anh.
Một điều cuối cùng muốn nói là: nhà thơ Cảnh Trà sinh năm 1937 ở Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1973, từ tuyến lửa Vĩnh Linh, anh ra dự lớp viết văn khoá 5 do Hội Nhà văn mở tại Quảng Bá, Hà Nội. Cái tên cha mẹ đặt cho anh là Đặng Đức Cảnh. Làm thơ anh lấy bút danh là Cảnh Trà, và bây giờ chỉ người nhà mới gọi tên thật của anh, còn bạn bè nhất là những bạn văn, bạn thơ đều gọi anh bằng cái tên Cảnh Trà. Không mấy ai biết Trà là tên một người bạn thân một thời với anh. Anh ghép tên mình và tên bạn mà thành bút danh. Trà là bộ đội đặc công. Cho đến nay, chưa ai biết người chiến sĩ đặc công ấy đã hy sinh ở đâu, nhưng cái tên của anh đã cùng đi suốt đời thơ của Cảnh Trà. Mới hay cái nghĩa bạn bè sâu đậm lắm trong anh. Năm nay anh tròn 70 tuổi. Từ đầu năm tôi hứa sẽ làm cho anh một tiệc mừng đại thọ, nhưng anh cứ chối đây đẩy. Tôi gặng: không làm lớn đâu, vài xị rượu, với mấy anh em làm thơ, viết văn ở Tây Ninh thôi. Anh có vẻ chịu. Nhưng đến lúc chợt nhớ ra thì đã qua ngày sinh của anh cả tháng trời. Thì ra anh cố tình quên và cũng cố tình không nhắc tôi. Ở Tây Ninh bây giờ chỉ có hai anh em là Hội viên hội nhà văn, thương nhau nhiều nên cứ muốn làm cho nhau đẹp lòng, thế mà tôi quên mất. Thì thôi, xin bằng bài viết này mừng anh đại thọ và mong anh khoẻ dài dài để mà buồn vui với thơ, hóm hỉnh và đằm thắm cùng thơ.
Anh quan niệm:
Thơ với Người
Người với Thơ
Cuộc hôn phối này do thiên sứ định!
Đúng là Người với Thơ phải quện chặt với nhau mới nên hồn thơ và người thơ. Có lẽ vì thế mà Cảnh Trà vẫn cứ trẻ trung trong thơ cho đến lúc đã bảy mươi tuổi tròn.
HOÀNG ĐÌNH QUANG hiện là Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
NGUYỄN ĐỨC THIỆN
Theo http://www.pqtrung.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...