Thưa các anh, các chị!
Chuyện mà tôi có ý định tâm
sự cùng các anh, các chị tại diễn đàn trọng thể này của Hội Nhà văn chúng ta bảo
là cũ thì quả là “cũ như trái đất”, mà bảo là mới thì cũng thật là mới, đến mức
bất cứ ai khi cầm bút viết văn đều phải đối mặt với nó, thậm chí bị hút vào
vòng xoáy của nó tựa như bị thôi miên vậy. Đó là gì vậy? Chính là thách
thức ghê người của nghề nghiệp chúng ta.
Gần đây, tôi có thói quen đọc
lại những trang viết ngây ngô thời trẻ trong những cuốn “Sổ tay văn học”. Thời
ấy, những bạn trẻ ham thích văn chương thường có cuốn sổ như vậy để ghi lại những
châm ngôn của các danh nhân cùng những cảm nghĩ của bản thân. Bất ngờ, tôi bắt
gặp câu nói của văn hào M.Gorki trong lá thư gửi cho I.Đ. Xuragutsev vào năm
1912: “Nếu cảm thấy mình xứng đáng thì nhà văn phải là một nhà văn: Ở nước Nga
chúng ta đấy là chức vụ trọng yếu và khó khăn nhất”. Thú thật, dạo đó và cho
mãi hàng chục năm về sau, lời nói của ông chẳng lưu lại thật nhiều ý nghĩa
trong tâm trí bộn bề bao ước vọng của tôi. Chỉ đến lúc này, khi được vinh dự
gia nhập Hội Nhà văn, nghĩa là có ý thức hơn đối với nghề viết, đọc lại ý kiến
của nhà văn bậc thầy kia, tôi mới thấy vang lên âm thanh khác hẳn. Đúng, viết
văn trong xã hội ta, vào thời đại ta là một trong những công việc “trọng yếu
và khó khăn nhất”.
Tiếc là không phải lúc nào
tôi cũng nghĩ được như thế! Còn nhớ cảm giác ngất ngây đến như chuếnh choáng của
tôi khi nhận tấm thẻ hội viên từ tay nhà văn Anh Đức tại phòng khánh tiết sang
trọng của khách sạn Sài Gòn vào đầu năm 1997. Ôi ! Giá có cánh, tôi có thể bay
lên được ! Nhất là lúc nhà thơ Nguyễn Duy mời tôi lên phát biểu. Tôi xúc động
nói rằng, đây là một vinh dự quá lớn lao đối với một người không có gì quá đặc
biệt như tôi. Từ nay, tôi được đứng trong một đội ngũ đông đảo những nhà văn
tài năng, giàu bản lĩnh và nhân cách, không ít tên tuổi trong số họ sáng chói
có thể làm danh giá cho bất cứ một nền văn chương nào. Vâng, tôi đã nói vậy, và
đến lúc này tôi vẫn nghĩ vậy. Có điều, càng ngày tôi càng nhận thấy trách nhiệm
xã hội đè nặng lên đôi vai yếu ớt cùng cây bút thanh mảnh của mình. Tôi nghĩ,
chỉ bằng lao động đam mê ngày này qua ngày khác, lao động khổ ải tựa như vần một
tảng đá lớn, mới mong trả nghĩa cho đời, để không hổ thẹn khi mang danh hiệu “Nhà
văn Việt Nam”.
Lại nhớ đến một kỷ niệm nghề
nghiệp khác mới xảy ra với tôi cách đây không lâu. Chả là, tôi có một người bạn
từng học chuyên ngành văn học ở Liên Xô trước đây. Bẵng một thời gian khá dài,
đâu đến 9, 10 năm, chúng tôi mới có dịp gặp nhau ở Đà Lạt. Câu chuyện lâu ngày
chủ yếu xoay quanh các vấn đề văn chương. Thỉnh thoảng, chúng tôi chen vào đôi
ba từ Nga như để nhớ lại những năm tháng đẹp đẽ xa xưa …
- Ông
thấy chất lượng văn chương của ta hiện giờ thế nào? – Như một thói quen nghề
nghiệp, tôi chủ động hỏi.
- Như
ông biết đấy, đã có mấy ai hài lòng đâu?
- Nguyên
cớ chủ yếu là ở đâu?
- “Baza”,
“baza” ! (nghĩa là “nền móng”, “nền tảng”), ông ạ!
- Ý
ông muốn nói “baza Kulturưi”! (nghĩa là “nền tảng văn hóa”)
- Không
chỉ có thế! – Ngừng một lát, bạn tôi nói tiếp:
- Ông
có nhớ kul (trong kultura) nghĩa là gì không? Nghĩa là “cái
bao lớn”. Thú vị chưa? Không thể có tài năng lớn khi chỉ mang cái bao nhỏ xíu!
Chúng tôi cùng cười phá lên!
Thế rồi ngay sau đấy cả hai lại cùng im lặng. Không rõ bạn tôi nghĩ gì, còn tôi
thì chợt nhớ tới đòi hỏi rất cao của Nguyễn Văn Siêu về cái mà cụ gọi là “áng
văn chương của tạo hóa”. Để có những tác phẩm văn chương có giá trị như thế,
nào có dễ dàng gì! Riêng phần tôi, tôi xin bắt chước nhà văn quá cố Nguyên Hồng
để lấy câu Kiều linh thiêng sau làm vật chứng giám cho những ý nguyện
nghề nghiệp của mình:
Hồn con mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì
trúc mai
Xin cảm ơn!
Nỗi thao thức chẳng của
riêng ai
Tôi có một người bạn cùng
trường đại học, dạy lý, rất mê văn chương. Gặp nhau, chúng tôi ham đàm đạo đủ chuyện
đời chuyện nghề, nhiều nhất vẫn là chuyện văn. Anh đã buộc tôi ngạc nhiên không
phải một lần. Chẳng hạn, anh bảo:
- Tôi làm vật lý lý thuyết.
Anh biết không, ngành này gần với văn chương lắm đấy! Đó là thơ của vật lý
mà...
Quê anh ở Ý Yên, Nam Định,
cách làng cụ Nguyễn Khuyến chỉ một cánh đồng. Học phổ thông, anh là học sinh giỏi
văn của một tỉnh vốn rất ham học và cũng rất có kinh nghiệm luyện “gà nòi”. Một
lần, anh đưa ra nhận xét:
- Tiểu thuyết viết về chiến
tranh ở ta nghiêng về lý tưởng hóa, hoặc bi kịch hóa. Không đúng! Mà cuộc chiến
tranh của ta đâu có thường. Sao mình không viết được như các nước khác nhỉ? Thiếu
tài năng ư? Có đấy! Nhưng phải chăng là thiếu nhiệt huyết.
Nói đến đây, anh kể cho tôi
nghe vì sao anh sớm nhập ngũ. Và cho đến giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này,
tôi vẫn chưa thôi kinh ngạc.
- Tôi cầm súng là do nhu cầu
sống còn của dân tộc. Ấy là cái chung. Và còn do một động cơ riêng này nữa: Để
viết tiểu thuyết nhiều tập về người lính nữa. Đọc những “Chiến tranh và
hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”... thấy kinh quá! Tuổi trẻ thường tự tin và
lãng mạn, tôi nghĩ., có thể viết chưa bằng họ nhưng quyết phải viết. Và thế là
tôi nảy ra ý định ra chiến trường khi vừa tốt nghiệp phổ thông...
- Vậy vì lẽ gì mà đến giờ
anh vẫn chưa thực hiện được một trong những ý định trọng yếu của đời mình? -
Tôi thẳng thắn hỏi.
- Cầm súng thì bị hút vào cuộc
chiến. Khi hòa bình thì lại quá nhiều cái phải lo. Đời sống hàng ngày hối thúc
dữ lắm, không cưỡng lại được. Nhưng ý định thì vẫn còn nguyên vẹn. Chưa làm,
chưa thể yên tâm. Như người ta thương nói: Đó là món nợ tinh thần.
Với thế hệ hôm nay và thế hệ ngày mai. Mà trước hết là với đồng đội mình, những
người đã ngã xuống và những người đã để lại một phần xương máu ở khắp các chiến
trường ác liệt hôm qua.
Theo cách diễn đạt quen thuộc
của một nhà thơ nổi tiếng thuộc Liên Xô trước đây, tôi muốn nói: Nỗi thao thức
này chẳng của riêng ai.
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét