Bản sắc riêng của thơ Tây
Nam Bộ, có hay không? Tôi cho là có. Chỉ còn chuyện là tìm. Cùng nhau đi
tìm. Cần bàn bạc, trao đổi. Chớ nên áp đặt. Cũng không nên nghĩ là có thể dễ
dàng giải quyết qua một cuộc hội thảo, cho dầu đó là cuộc hội thảo được chuẩn bị
chu đáo, rất nhiều tâm huyết, rất nhiều kỳ vọng.
Chẳng
hạn, có người cho rằng, sự chân tình và giản dị chính là hồn cốt của thi ca miền
Tây. Rất có thể. Chỉ xin đừng tuyệt đối hóa những đặc tính ấy. Đọc Kim Ba, tôi
lại thấy khác. Ấn tượng nhất có được từ bài Trăng hoàng hôn là những
câu thơ chất chứa suy tưởng:
Ta
vẫn quen nghĩ về trăng một vật thể cổ xưa mà quên rằng trăng có khoảnh khắc hóa
thân này bởi làn ánh sáng biết run rẩy!
Ta vẫn quen nghĩ về trăng một
hành tinh chết lặng mà quên rằng trăng tự tái sinh mỗi ngày như tín hiệu tình
yêu tồn tại!
Đây là nỗ lực tìm tòi để đổi
mới thơ theo hướng hiện đại. Có lẽ nhờ vậy mà anh được Giải nhất Cuộc thi thơ của
Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1993.
Tuy nhiên, không ở đâu cái
chất triết lý lại đậm đặc như trong thơ của bậc kỳ lão Trang Thế Hy. Tôi đã có
dịp đến thăm ông, chăm chú lắng nghe ông nói. Toàn những điều thú vị được chắt
lọc từ đời sống nhất là từ sách vở. Ông đọc rất nhiều, đủ loại sách Đông Tây
kim cổ. Phần nhiều là văn chương. Và tôi biết ông nghĩ còn nhiều hơn. Phụ bản
thơ Báo Văn nghệ số 3 năm 2003 có trân trọng giới thiệu một chùm thơ
của ông. Định lý và định lý là một bài thơ đặc sắc. Thật khó quên những
khái quát sau của một nhà hoạt động văn nghệ lịch lãm: “Một cơn đói ngắn hạn
có khi là cô đỡ giúp một thiên tài đẻ ra tuyệt tác / Còn sự đói bụng kéo dài
quá lâu của một cộng đồng quá lớn người nghèo khổ chỉ đẻ ra nhà giam để nhốt
người phạm pháp mà thôi. Thơ Trang Thế Hy thường thế! Là một nhà viết truyện
bậc thầy, ông quen dùng hình thức thơ - văn xuôi để diễn tả những cảm xúc và
suy nghĩ sâu lắng của mình. Các bài thơ khác như: Người bạn đường có tên
là Hy vọng, Dấu răng, Từ một món đồ chơi của tuổi thơ nghèo... “ cũng cùng
một cách nghĩ, cách cảm, cách viết tương tự. Có thể chân tình, nhưng không thể
bảo chỉ có giản dị.
Để nhận ra nét riêng biệt của
một vùng thơ, điều quan thiết nhất có lẽ là cùng xác định cơ sở xuất phát
chung. Có thế mới dễ trao đổi và mới đi đến hiệu quả. Đó là gì vậy? Phải chăng
đó là nét đặc thù của lịch sử, của thiên nhiên, của văn hóa. Cần chú trọng điểm
sau cùng. Và cũng cần lưu ý đến đặc trưng của nghệ thuật, ở đây là thi ca, mà
điểm nổi bật là cái chung phải được chuyển hóa trong cảm nhận riêng của từng
người cầm bút.
Đội
ngũ sáng tác thơ ở Đồng bằng Sông Cửu Long có thể nói là khá hùng hậu. Ta có thể
dễ dàng bắt gặp bóng dáng sông nước, hình ảnh con người Nam bộ qua tâm tình của
bất cứ cây bút thơ nào ở đây. Bài Tản mạn hoàng hôn của Quốc Bình chọn
những ý thơ thật đẹp:
Chờ
ai qua buổi muộn màng
Đò
ngang chở giọt nắng tàn rơi theo
Người
về bến cũ gieo neo
Trả
cho sông lạnh cánh bèo phân ly
Những con đò, bến cũ,
sông lạnh, cánh bèo... có lẽ không mới, thế mà vẫn gieo vào lòng ta một cảm
giác bâng khuâng. Hình như ta đã bắt gặp đâu đó cảnh tượng ấy. Và thế là lòng
ta cứ như có sóng vỗ... Cây bút trẻ Vũ Hồng chuyên viết văn xuôi và có thể xem
là đã sớm thành danh trên địa hạt này khi có dịp đến với thơ cũng đã tạo nên
nhiều ấn tượng. Bài Người Phương Nam nói với tôi về điều đó:
Người
Phương Nam say thì say trọn
Người
Phương Nam buồn thì buồn sâu
Không rõ có gì trong những vần
thơ dung dị kia lại có thể găm vào trí nhớ của tôi ngay từ lần đầu được nghe ở
Đà Lạt. Cảnh và người ở Đà Lạt có phần khác, chính vì thế cái lạ của hai câu
thơ thể hiện cái lạ của cảnh và người miền Tây có dịp nổi bật lên chăng!
Các
tác giả ở đây phần đông đều ý thức được trách nhiệm xã hội đặt lên vai mình.
Đây, hai câu đầu bài Vô đề của Tô Nhược Châu:
Vắt
cạn máu đời lên nghiên mực
Giận
mình không viết được câu thơ
Người cầm bút có trách nhiệm
nào đều hơn một lần trải nghiệm điều ấy. Sống hết mình mà sao vẫn cứ chật vật
trước một câu thơ? Cố nhiên, đây là những câu thơ tâm huyết trong mong đợi của
ta và của người. Tâm huyết chứ chưa hẳn là hay. Hay được, dẫu chỉ là một câu,
là khó lắm. Có khi phải đánh đổi một đời. Hai câu sau đẩy ý thơ đi xa hơn:
Quẩn
quanh giữa trận đồ hư thực
Không đúng vậy sao! Ngoài
chuyện riêng - chung ra, thi ca bao đời nay rút cuộc chỉ xoay quanh chuyện hư -
thật. Lúc nghiêng về phía này, khi ngả về phía kia. Rất cần sự hòa quyện giữa
chúng. Đã mấy ai đắc đạo thi. Lòng buồn hiu như tranh giấy trắng. Vẫn cứ đợi cứ
chờ. Vẫn không thôi vươn tới. Người ta gọi văn chương là cái nghiệp, phải quá rồi.
Thật đáng yêu, đúng quý cái sự bất lực trong thể hiện ý đồ sáng tạo thi ca kiểu
ấy. May thay, hướng đi của các cây bút thơ Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung
được xác định rõ ràng: Thơ, nói gì thì nói, cần phải hữu ích.
Người
đọc lắng nghe gì trong thơ? Tâm tình. Tình lại được khởi phát từ cảnh, từ sự,
như nhà bác học Lê Quý Đôn từng dạy. Nhập vào cảnh và sự để cái tình phát lộ.
Muốn được như vậy, người cầm bút không chỉ là nhân chứng mà phải nhập cuộc, thật
sự nhập cuộc, như một thành viên, không một phút tách rời. Nếu không, những vần
thơ nhàn nhạt, quá dư thừa, có cơ nảy nở. Thơ chấp chới bởi người viết
chấp chới; chân không tới đất, cật không tới trời. Kiểu như: “Ơi cô gái miền
Tây/ Ngực căng đầy sức sống/ Sau một ngày lao động / Dường như em đẹp thêm/
Cô gái miền Đông Nam Bộ không thế chăng?/ Miền Bắc, miền Trung không thế
chăng?”. Hay như: “Có một thời ta nói với nhau/ Về hạnh phúc về những
gì rất thật/ Trái ổi chín sau vườn thơm nức/ Chim sẻ bay qua buổi sáng trong
lành”. Đọc lên nghe cũng dìu dịu, êm êm. Nhưng chẳng vương chút vị đậm đà
nào như vị sầu riêng miệt vườn, chỉ một lần nếm là nhớ mãi. Chớ nên viết những
câu thơ hợp với mọi nơi, mọi thời, khi chưa thật sự có tài. Tôi e những câu thơ
trên sẽ như con chim sẻ không có chỗ đậu, do thế mà bay đi mất hút.
Thơ
hay cần được ghi dấu địa chỉ tâm hồn. Câu chữ, hình ảnh là chuyện đến sau. Có dịp
dừng chân ở thị xã Trà Vinh, bạn sẽ thấy bạt ngàn cây xanh. Phần nhiều là cổ thụ.
Nhà thơ Lê Tân, một trong những chủ nhân của thị xã đáng yêu ấy, có lần đưa
chúng tôi đi dạo, không sao kìm nén được niềm tự hào. Nếu có gọi là tự mãn thì
cũng chẳng quá đâu. Đáng tự mãn, tự kiêu lắm chứ! Xin cảm ơn Thái Hồng đã sáng
tạo nên Tình ca xanh để ca ngợi Trà Vinh
xanh:
Giọt
đàn thánh thót chiều êm
Chừng
như trong tiếng gió mềm lá rơi
Tinh tế, quả là tinh tế. Lại
còn phát hiện ra vẻ chung tình, rất chung tình nữa kia:
Ví
như tình đã trăm năm
Lá
vàng cứ rụng vẫn thầm đợi nhau
Liên tưởng khoáng đạt mà nhất
quán. Đọng, rất dễ đọng trong tâm trí.
Sáng
hôm ấy, Lê Tân còn cho tôi đi qua Cầu Ngang - một địa danh nổi tiếng ở Trà
Vinh. Chợt hiện trong tôi những câu thơ của Tăng Hữu Thơ:
Lơ
lửng chiều, cò trắng chớp trong mây
Mùi
rơm rạ, mùi trâu bò vương vất
Và:
Chân
chưa chạm mặt đường, chân đãmê bước tới
Người
chưa rõ mặt người, hồn đã vang tiếng gọi
Thương
mến ơi! Tình đã thắm bao ngày
Thi ca giúp tăng thêm ấn tượng
của một chuyến đi. Chúng tôi dừng chân ở Ba Động. Lê Tân chỉ cho tôi hoa muống
biển và đọc cho tôi nghe những vần thơ quen thuộc viết về loài hoa ấy của chính
mình:
Đã
đi cuối đất cùng trời
Hoa
lan, hoa cúc... giữa đời ngát hương
Mà
sao cứ nhớ, cứ thương
Màu
hoa muống biển suốt đuờng tôi qua
Và cho tới lúc này, hồi ức
tôi vẫn còn âm vang Chiều Ba Động của Châu Thị Cẩm Liên:
Chân
trần êm êm cát mịn
Tôi
về Ba Động chiều nghiêng
Tôi thích cái cảm giác đặt
bàn chân trần trên cát mịn, như muốn hòa quyện hồn vía vào đất mẹ, lấy sức mạnh
từ nơi đất mẹ. Cát êm hay lòng êm? Chiều nghiêng hay lòng nghiêng? Để rồi tôi
có dịp gặp lại hoa muống biển trong thơ qua một cảm nhận khác, giữa động cát,
xao xuyến đến ngỡ ngàng:
Động
cao trải dài năm tháng
Triền
xanh muống biển dịu dàng
Nhớ
ai mà hoa tím vậy
Ám ảnh ta nơi đồng bằng
không chỉ có hoa muống biển. Còn có màu điên điển nở vàng như nỗi nhớ, vàng đến
nao lòng. Rất nhiều lần, dọc ngang miền Tây trên xe máy cùng với một người bạn,
tôi đã dừng lại, lặng ngắm từng cánh hoa điên điển với mong muốn lưu giữ thật
lâu dư vị của đồng bằng. Tiếc là trời không cho tôi khiếu làm thơ để có thể viết
về loài hoa đặc trưng kia như Mai Nhã Tú đã viết: “Thương loài hoa chân chất/
Cánh bé nhỏ đơn sơ/ Rụng vàng bên bờ đất/ Trong gió đồng phất phơ”. Vâng,
cánh hoa điên điển quả là mảnh mai, không một chút kiêu sa, chính vì vậy mà có
thể hòa vào sông nước mênh mông, vào màu xanh ngút ngàn của Đồng bằng Nam Bộ.
Nghĩ về loài hoa ấy không hiểu sao tôi lại liên tưởng tới những con người của
vùng đất ấy, rất bình dị, khoáng đạt và thủy chung. Trước hết là những người
con gái:
Nơi
những cô gái gội tóc bằng tro bếp
Xõa
dài cho gió hong khô
Như
ngô non thơm mát hồn nhiên
Râu
lún phún đón phấn vàng hào phóng
Vòng
ngực căng hơi thở nội đồng
(Trầm Hương - Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ)
Đất ấy đã sinh ra người ấy với
những phẩm chất thật thanh cao. Và khi đã sống hòa vào thiên nhiên và cảnh vật
thì con người hình như có sức quyến rũ riêng, ít đâu có được:
Có
phải em thường ngủ chung với ngâu
nên
em thơm... buổi chiều quá đỗi!
Và:
Em
thường lội hái sen
Sao
em thoang thoảng giữa sen và nước
Hoa đẹp hơn hay người đẹp hơn? Khó
mà đoán định nổi. Bài thơ Gái và hoa của La Quốc Tiến muốn thể hiện
điều đó chăng? Xin cảm ơn những cây bút Đồng bằng đã giúp người và hoa ngoài đời
thăng hoa trong nghệ thuật với vẻ đẹp vừa hư vừa thực ấy! Dấu ấn của đất trời
và con người phương Nam trong thơ Đồng bằng quả là sâu đậm.
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét