Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Lời giới thiệu Chuyên luận "Thơ trong con mắt người xưa"

Lời giới thiệu Chuyên luận 
"Thơ trong con mắt người xưa"
 Đã là người cầm bút viết văn viết báo thời nay, chẳng mấy ai lại không nói rằng mình rất yêu mến nền thơ cổ điển của dân tộc. Nhưng trong thực tế số người nhớ được ít câu thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, số người đọc kỹ và thấm thía được tinh thần toát ra qua lời bàn về thơ của Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích, Nguyễn Đức Đạt, Miên Thẩm... số đó rất ít. Lý do:
- Ở trường phổ thông thì giờ dành cho việc dạy và học văn học cổ điển quá ít. Chương trình nặng về văn học hiện đại.
-  Sách vở nghiên cứu có in ra nhưng thường thiếu sức thuyết phục. Sau khi ở trường ra, muốn có tính chuyện tự học thêm cũng hơi khó.
Ai cũng biết bản thân văn học cổ có những quy phạm riêng, những mã số riêng. Nếu không thuộc các quy phạm ấy, thì không thể hiểu nói chi đến chuyện yêu các sáng tác đã cách xa hàng thế kỷ.
Trong tình hình ấy, những cố gắng của nhà nghiên cứu Phạm Quang Trung là rất đáng hoan nghênh. Do sự phân công của nhà trường nơi ông giảng dạy mà cũng do ý hướng của bản thân, ông đi vào thơ cổ ở cái phần tinh chất của nó: những lý luận những quan niệm về thơ. Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay vốn liên quan xa gần đến luận án Phó Tiến sỹ của tác giả. Theo chỗ chúng tôi được biết, chỗ xuất phát của ông cũng như đa số chúng ta, là không biết chữ Hán, không được học một lớp chuyên tu Hán học nào hết, và ông phải bắt đầu từ đầu. Nhưng có lẽ chính vì thế, cuốn sách lại có một chỗ mạnh riêng: bao giờ tác giả cũng đứng rất gần với bạn đọc.
Tôi không đủ trình độ để đánh giá tính khoa học của công trình, nhất là mức độ tin cậy của những kết luận mà Phạm Quang Trung đã nêu. Song trong quá trình đọc sách, tôi thấy có nhiều kiến thức mới, mà nếu không đọc, tôi sẽ không biết. Nếu có thì giờ, tôi cho rằng chúng ta nên cùng tác giả suy nghĩ tiếp về các ý tưởng ông đã nêu và về toàn bộ vấn đề của cuốn sách nói chung: chắc chắn là nền thơ của chúng ta hôm nay vẫn nằm trong cái mạch chung của thơ ca dân tộc.
Trên ý nghĩa ấy, xin trân trọng giới thiệu Thơ trong con mắt người xưa với bạn đọc. 
                                            Hà Nội, 5-1998
  Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
Theo http://www.pqtrung.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...