Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Nhà văn Phạm Quang Trung với "Hồn cây sắc núi"

Nhà văn Phạm Quang Trung 
với "Hồn cây sắc núi"

Tuần giữa tháng Ba năm 2010 này, tập tiểu luận, phê bình văn chương - nghệ thuật dân tộc - miền núi có tiêu đề Hồn cây sắc núi của nhà văn, PGS-TS. Văn học Phạm Quang Trung chính thức ra mắt bạn đọc. Nhà văn Phạm Quang Trung hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam…
Tuy sinh ra ở Ninh Bình nhưng anh lại là người có đến hơn 40 năm gắn bó với núi rừng từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên, có lẽ vì thế mà mảng đề tài dân tộc và miền núi đã được anh quan tâm một cách rất có trách nhiệm với tư cách là một hội viên của Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cũng có thể nói, đây chính là cơ duyên để tập tiểu luận, phê bình Hồn cây sắc núi (Nxb Hội Nhà văn – 2010) dày trên 300 trang của anh có điều kiện ra đời.
Trong buổi giao lưu do Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt vào tháng Ba năm 2010, nhà văn, PGS-TS. Văn học Phạm Quang Trung bộc bạch: với trên 40 năm sống với núi rừng, nên rừng núi và con người cùng dòng chảy văn chương nghệ thuật mang đậm dấu ấn “miền thượng” đã ngấm vào máu thịt của tôi, một người sinh ra ở “miền xuôi” tự lúc nào không hay. Cái “ngấm” ấy rất tự nhiên như vốn dĩ phải thế. Và nhờ vậy, mảng đề tài miền núi đã chiếm một khoảng “không gian” không nhỏ trong lao động nghệ thuật cũng như giảng dạy của tôi trong suốt những năm tháng đầy ý nghĩa vừa qua. Tập Hồn cây sắc núi, như tên gọi, là sự tập hợp gần 60 bài viết về văn chương và nghệ thuật thuộc đề tài dân tộc và miền núi của nhà văn Phạm Quang Trung được viết và đăng từ vài mươi năm nay. Đó chính là những trăn trở về nghề nghiệp (sáng tác, lý luận, phê bình, giảng dạy văn chương…); những suy tư về cuộc sống gắn với nghiệp văn trong mảng đề tài dân tộc và miền núi; đó còn là sự cảm nhận, suy ngẫm, nhận định của tác giả đối với những tác phẩm viết về dân tộc miền núi của các tác giả là người dân tộc thiểu số và người Việt viết về dân tộc thiểu số. Những trăn trở và suy tư của nhà văn Phạm Quang Trung được thể hiện rõ qua các bài viết: Sự tồn tại hội nghề nghiệp - cần thiết ở chỗ nào?, Vươn tới những đỉnh cao trong sáng tạo, Thật sự làm chủ hiện thực dân tộc và miền núi, Ước gì có thật nhiều tiểu thuyết sử thi về Tây Nguyên hùng vĩ, Hướng tới nền lý luận văn học nghệ thuật cho các dân tộc thiểu số Việt Nam… Còn đây là những cảm nhận và chia sẻ của anh về văn chương dân tộc – miền núi qua các tác giả tiêu biểu: Đoọc va trên núi đá (viết về nhà thơ dân tộc Pa Dí Pờ Sảo Mìn), Thơ Inrasara – Phú Trạm - đến từ quan niệm, Thơ Lương Định – vài cảm nhận, Bài ca “Những người con của bản” (viết về nhà thơ dân tộc Thái Cầm Hùng),  Lũng núi ấy… đã sinh ra một nhà văn (viết về nhà văn người Tày Cao Duy Sơn)…
Trong lời ngỏ đầu cuốn sách, nhà văn Phạm Quang Trung viết như một lời tâm sự: “Khi nào tôi cũng tự biết rằng, sẽ không bao giờ trả hết được món nợ tinh thần to lớn mà Núi và Rừng đã hào phóng ban tặng cho bản thân mình”. Còn trong lời Bạt của tập sách, PGS-TS. Văn học Trần Mạnh Tiến – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì cho rằng: “Hồn cây sắc núi là tập tiểu luận phê bình văn chương hay đúng hơn là tập lưu niệm tri ân với người và với thơ văn nơi suối ngàn thác đổ, sương lam hoa núi, mây chiều và tiếng chim ban mai, nồng nàn trong một tấm tình đồng nghiệp ấm áp".                                                                (Tạp chí LangBian, Số 5-6/2010)
* Inrasara: “Bằng sự nhiệt tình hiếm có, Phạm Quang Trung (1951, Kinh, cư trú Lâm Đồng) cũng đã đóng góp phần mình vào việc giới thiệu mảng văn học ít nhiều vẫn còn bị xem như vùng ngoại vi này. Hai tác phẩm Thổ cẩm dệt bằng thơ (phê bình, 1999) và Hồn cây sắc núi (lí luận - phê bình, 2010) là hệ quả của nỗ lực đó. Ông đi nhiều, biết nhiều nên trong các bài viết của ông luôn có đời thực của các tác giả dân tộc thiểu số” - (Thực trạng sáng tác & Lí luận phê bình văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay).
Nhà báo  Khắc Dũng
Lời bạt Tập "Hồn cây sắc núi"
Tuổi thanh xuân lên Thành Tuyên, rồi cùng với những năm tháng học tập dưới mái trường Việt Bắc, dạy học ở Tây Bắc, để giờ sống ở Đà Lạt, gần gũi với Tây Nguyên, Phạm Quang Trung thành người tình của núi rừng tự khi nào! Sớm có thiên hướng và nỗi đam mê văn chương, anh đã tự đào luyện mình thành một nhà văn - một cây bút lý luận phê bình nhạy bén, luôn có ý thức nối liền văn chương với cuộc đời. Cầm tập bản thảo Hồn cây sắc núi trên tay, dù chưa đề tên tác giả, tôi vẫn nhận ngay ra cái hồn cốt của Phạm Quang Trung, một người có duyên với xứ sở lâm tuyền. Anh là một cây bút nhạy cảm với những ba động của văn chương, văn học từ nhiều phía: những trăn trở về nghề văn, nghề dạy văn; những tinh hoa của văn nghệ dân gian; những sinh hoạt văn hoá và học thuật… trong đó nổi bật lên là tình cảm đặc biệt anh luôn dành cho các cây bút Dân tộc và Miền núi.
Trong sự khát thèm cái đẹp, hành trình ngược xuôi vào Nam ra Bắc với Phạm Quang Trung như là một nghiệp dĩ tự nhiên. Anh đi nhiều, đọc nhiều, nghĩ nhiều và hồn nhiên tranh luận, nhưng không hiếu thắng, không nặng nề thù hận mà mong chú tìm lẽ phải. Tính tình Phạm Quang Trung đôi khi như gióng trúc, có lúc lại tựa mây song. Từ các khách sạn hạng 5 sao sang trọng đến những ngôi nhà sàn chìm trong bản vắng mù sương, anh đều dễ thích nghi nếu nơi ấy thật sự có tình người, tình đời. Trong nghiệp văn, Phạm Quang Trung tâm huyết với Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu, Lò Văn Mười, Vương Trung, Vương Anh, Mã A Lềnh, Y Phương, Mai Liễu, Lò Ngân Sủn, Lâm Quý, Dương Thuấn, Pờ Sào Mìn, Cao Duy Sơn, Inrasara – Phú Trạm, Lương Định, Triệu Lam Châu, H’Linh Niê, v.v… bởi trong anh dồi dào chất men say người, say tình miền núi. Từ đồng cảm, trân trọng và thán phục, Phạm Quang Trung dễ nhận ra những câu thơ hay nhất cũng như những câu chuyện hay nhất về núi về rừng. Anh luôn tìm thấy những vẻ đẹp riêng của xứ sở sơn lâm hiện hình trong văn chương nghệ thuật. Trong cách nhìn của nhà phê bình Phạm Quang Trung, mỗi nhà văn trong đại gia đình các dân tộc thiểu số là kết tinh của một nền văn hoá mang bản sắc riêng của từng cộng đồng. Chỉ một khi cảm nhận được tầng sâu văn hóa đó thì mới có điều kiện nhận ra những cái đẹp tiềm ẩn trong thơ văn Dân tộc và Miền núi. Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan niệm của anh bộc lộ trong một lần trò chuyện rằng, nếu một người tài năng nhưng lại thiếu bề dầy văn hóa của dân tộc mình thì sẽ không thể làm nên những tác phẩm lớn. Các nhà văn như Lan Khai, Bàn Tài Đoàn, Lâm Quí v.v… là những người sớm tiếp cận được tầng sâu văn hoá mỗi dân tộc miền núi, nên văn thơ họ mới trở thành hoa thơm trái ngọt giữa đại ngàn thơ văn đất nước. Dẫu thành cát bụi, nhưng sự nghiệp của họ sẽ ở lại mãi với đời… Phạm Quang Trung nhận ra rất đúng chân dung nhà thơ Bàn Tài Đoàn: ngoài tài năng thiên phú ra ông còn có ý thức làm thơ bằng tiếng dân tộc mình và viết bằng chữ Nôm Dao. Rồi chân dung nhà thơ Cao Lan Lâm Quí: cũng từ tài năng và trách nhiệm với thơ, với dân tộc mình như thế! Điều đó gợi nên trong tôi ý nghĩ: nên chăng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Lâm Quý một danh hiệu cao hơn nữa bởi hoạt động văn chương mang chiều sâu văn hoá của một con người độc đáo đại diện cho một dân tộc đặc sắc mà tôi từng may mắn được biết đến. Phạm Quang Trung cũng từng tìm ra những câu thơ hay nhất của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara – Phú Trạm và có những suy cảm sâu xa: “Một dân tộc như vậy cố nhiên không chỉ có bản tính cảm xúc mạnh mà còn có khả năng suy nghĩ sâu... Inrasara chính là con đẻ của nền văn hoá ấy”.
Có dịp gần gũi với sáng tác của các nhà thơ nhà văn dân tộc thiểu số, Phạm Quang Trung vừa tỏ ra vui mừng lại vừa thấy băn khoăn. Vui mừng vì những tiềm năng không ngừng phát lộ từ nội lực của những người cầm bút; băn khoăn về những con đường và những tiền đề cho sự vận động của từng cá nhân đến cả đội ngũ, từ mỗi bông hoa đến cả vườn hoa… Phạm Quang Trung đã nhìn thấy đặc điểm và thế mạnh của các thế hệ nhà thơ nhà văn dân tộc trong tiến trình đổi mới của đất nước, nhưng đồng thời không quên khẳng định là trong lĩnh vực đặc thù này không gì có thể thay thế được ý chí và tài năng của mỗi người cầm bút. Anh vạch ra một lộ trình cho thế hệ mới như cần tập trung cho sáng tạo; cần sự sáng tạo dài hơi; và cần sự khám phá, tìm tòi đúng hướng… thể hiện rõ cái tâm của mình với những người cầm bút. Anh cũng không quên chỉ ra những hạn chế của lĩnh vực lý luận phê bình Dân tộc - Miền núi từ đội ngũ đến phạm vi và chất lượng hoạt động, để rồi đề xuất những yêu cầu nhằm tạo ra sự vận động và phát triển hài hòa cho một bộ phận văn chương nghệ thuật giàu tiềm năng.
Đặc biệt theo sát những thành tựu sáng tạo của các nhà thơ ở mọi vùng miền như Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Pờ Sảo Mìn, Lương Định, Bùi Thị Tuyết Mai, PLin…, Phạm Quang Trung tâm đắc với cách nhìn và lối cảm riêng của từng cây bút xuất phát từ sức sống và vẻ đẹp truyền thống của quê hương xứ sở và những yếu tố hồn nhiên của thi ca. Theo anh: “Người tình trong thơ Y Phương luôn là người tình lý tưởng”. Và nguyên do chính làm nên những bài thơ hay của Mai Liễu là ở tài “nhập thân”: Tiếng họa mi yên ả đâu đây - Lảnh lót nỗi buồn ban mai trong trẻo. Anh nhấn mạnh tới Tình đá trong thơ Pờ Sào Mìn: Đá thương cây, cây thương đá, sinh ra hoa, mọc ra quả. Cái thi vị trong thơ Dương Thuấn nằm ở cách nói tự nhiên của dân tộc mình: Ta là chàng trai của núi/ Ta chỉ biết nói lời cho sai quả. Phạm Quang Trung tìm thấy những điệu hồn lay động của Plin dân tộc K’Ho trong bài thơ Người Tây Nguyên: Người có chữ/ Như cây Jri/ Vui cái bụng/ Sáng con mắt/ Nhức cái đầu… Cùng với những bài phê bình các nhà thơ dân tộc thiểu số, Phạm Quang Trung còn dành nhiều bài viết đậm tình dành cho các cây bút người Kinh gắn bó lâu năm với miền núi như Nguyễn Anh Tuấn, Châu Hồng Thủy, Hữu Chỉnh, Thu Loan, Phạm Doanh, Văn Công Hùng, Cao Xuân Thái, Lưu Thị Bạch Liễu, Phan Hữu Giản, Nguyễn Lương, Nguyễn Mộng Sinh, Trần Sĩ Thứ, … Mỗi người thơ dầu ở những cương vị và công việc khác nhau, nhưng ai có những ý tưởng hay, những câu thơ đẹp thì anh đều dừng lại bình phẩm với cái nhìn trân trọng mến yêu, chứ không phải chỉ thân người để cố yêu thơ. Phạm Quang Trung rất bén nhạy với mạch cảm xúc và suy tưởng tự nhiên của những người làm thơ trước vẻ đẹp vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng, vừa phô bày vừa bí ẩn của sông núi đại ngàn.
Hồn cây sắc núi là tập tiểu luận phê bình văn chương hay đúng hơn là tập lưu niệm tri ân với người và với thơ văn nơi suối ngàn thác đổ, sương lam hoa núi, mây chiều và tiếng chim ban mai, nồng nàn trong một tấm tình đồng nghiệp ấm áp.
Hà Nội, ngày cuối Đông  Kỷ Sửu
PGS-TS. Trần Mạnh Tiến
Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Theo http://www.pqtrung.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...