Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Cái hại khó lường của thành kiến văn chương

Cái hại khó lường của thành kiến văn chương
Có lần, dăm ba người có thiên hướng lý luận chúng tôi gặp nhau, một câu hỏi có thể nói là quan thiết được nêu ra: trong quan niệm văn chương, e ngại nhất là thiên hướng nào? Rất mừng là ý kiến khá thống nhất, tuy phải trải qua tranh biện, không đến nỗi quyết liệt, cũng không phải hoàn toàn xuôi chiều hẳn. Có lẽ thế mới hay! Theo kinh nghiệm của riêng tôi, điều gì mà mau chóng dễ dàng nhất trí thường là nhạt nhẽo, chẳng mấy giá trị thực tiễn. Còn ý nghĩa lý luận thì hẳn nhiên là không nên đặt ra làm gì: không có phát kiến mới mẻ đích thực nào lại nảy sinh trong sự êm thuận cả!
Vậy trong quan niệm văn chương ở ta hiện giờ, đáng e ngại nhất là điều gì? Chúng tôi nghĩ, chính là thiển kiến, thiên kiến, thành kiến – nhất là thành kiến. Chắc sẽ có người cật vấn: thế còn lầm lạc, sai lệch trong quan niệm thì sao? Câu trả lời là:  đáng sợ chứ không đáng ngại, vì cái sai ở đây thường dễ phát hiện ra, dễ đồng tình phê phán, và dễ cùng nhau né tránh. Còn thiển kiến, thiên kiến, thành kiến thì khác, khó nhận ra hơn (người ta hay mang tâm lý xem thường chúng), lại phổ biến hơn (hầu như ai cũng mắc phải, không ít thì nhiều).
Biểu hiện rõ nhất của cái nhìn thiển kiến là xem nhẹ đặc trưng văn chương, đánh đồng sản phẩm văn chương với các sản phẩm khác của con người và xã hội, không thấy vẻ linh diệu của lao động sáng tạo, cảm thụ, và phê bình văn chương. Ví như, xem viết văn giống như bao hoạt động sản xuất vật chất, tác phẩm như một loại hàng hóa, và cảm nhận như một quá trình tiêu thụ. Còn thiên kiến trong cái nhìn văn chương lại quá chú trọng đến mặt này hay mặt khác trong nhận diện và đánh giá các hiện tượng,  các hoạt động văn chương. Ví như, có nhà văn quá đề cao quan niệm của M.Proust khi ông cho rằng có hai loại ký ức, ký ức ý thức và ký ức vô thức; chỉ có ký ức vô thức mới liên quan đến sự sáng tạo văn chương. Hoặc như, có người tuyệt đối hóa câu nói sau của Schopenhauer: “Trong một tác phẩm nghệ thuật, cái ý muốn của tác giả, cái mục đích tác giả tự đặt ra cho mình, không có quan hệ gì. Ý muốn ấy, mục đích ấy chẳng có thể khiến văn thơ của một người bất tài trở nên có giá trị”. (Xem Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr 268 – 269).
Những cái nhìn thiển kiến, thiên kiến đối với văn chương nếu kéo dài dễ đưa tới định kiến, thành kiến, và đây mới chính là điều đáng lo ngại nhất. Xin được phép so sánh, có thể là khập khiễng, với chuyện ăn uống. Người ta có thể ốm yếu hoặc sinh bệnh (chứ không thể chết được) do trong một thời gian dài toàn ăn đạm bạc hoặc độc món. Đáng ngại là khẩu khiếu con người dần dà quen đi, đến mức không còn biết phân biệt ngon dở, không biết nhận ra đâu là bữa ăn thanh đạm và đâu là bữa tiệc thịnh soạn nữa. Như vậy, khi thành thói quen, nhất là khi ăn sâu vào nếp cảm nếp nghĩ thì rất khó tẩy rửa, và vì thế rất khó tiếp nhận những gì khác với mình mặc dầu có khi vẫn biết đó là những điều đúng đắn, hợp thời và cần thiết. Tôi tán đồng với nhà thơ Thi Hoàng:
Muốn yêu một cái gì phải tốn sức gấp đôi
Muốn từ bỏ một cái gì
Phải tốn sức gấp hai lần yêu dấu!
Chỉ xin nêu một dẫn dụ: vấn đề nội dung và hình thức của tác phẩm văn chương. Tôi dám chắc một quan niệm như sau còn bám rễ khá sâu trong đầu óc của nhiều người, không loại trừ những người nghiên cứu và giảng dạy văn chương lâu năm mà không chịu tìm tòi, học hỏi:
- Phân tách rạch ròi nội dung và hình thức của tác phẩm.
- Xem hình thức chỉ là cách tổ chức chất liệu ngôn từ, nội dung là hiện thực được tái hiện và tư tưởng được biểu hiện qua hình tượng.
- Nội dung quyết định hình thức và hình thức biểu hiện nội dung.
Quan niệm hiện đại về vấn đề cơ bản này đã thay đổi hẳn:
- Cái nhìn nhị phân bị coi là lỗi thời. Hình thức giờ đây mang tính nội dung, và nội dung mang tính hình thức. Đâu như nhà thơ Nga tài năng Evtushenko có nói rằng: hình của ngọn lửa và dáng của ngựa phi đâu là vẻ bề ngoài còn đâu là chất bên trong, thật khó bề phân biệt nổi. Và nếu một ai đó bảo hình thức là nội dung và nội dung là hình thức thì cũng không hẳn là hoàn tòan phi lý.
- Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức cũng được nhận thức lại: hình thức sáng tạo, sản sinh ra nội dung. Sẽ không có nội dung định hình từ trước, chỉ có nội dung được hình thành dần dần cùng với hình thức.
- Bản chất của hình thức cũng không còn như trước, nó mang tính chủ thể. M.Bakhtin phân biệt rõ hai lớp hình thức: hình thức kiến tạo nội dung và hình thức tổ chức vật liệu tác phẩm. Phương diện đầu là hình thức của nội dung, phương diện sau là kỹ thuật của hình thức, chức năng của từng loại không hoàn toàn giống nhau.
Sở dĩ có sự thay đổi như vậy vì trước nay ta thường đánh đồng phạm trù nội dung và hình thức trong triết học với phạm trù nội dung và hình thức trong nghệ thuật học. Đúng như giáo sư Trần Đình Sử đã viết: “Chỗ khác biệt của hình thức nghệ thuật với hình thức nhận thức là ở chỗ người ta tìm thấy hình thức nhận thức trong đối tượng và không cảm thấy chính mình và tính tích cực của mình” (Xem Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà nội, 1996, tr 120).
Vấn đề nội dung và hình thức trong tác phẩm văn chương chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Định kiến trong quan niệm văn chương còn có thể tìm thấy ở những phương diện khác lắm khi cốt tử và cơ bản hơn nhiều, như quan niệm về chức năng và giá trị văn chương. Ở đây, hoài nghi khoa học rõ ràng cần phải luôn được coi trọng. Đọc Lã thị Xuân Thu tôi đặc biệt thấm thía chủ trương sát (xét) toàn diện mà thấu đáo. Vừa sát kim (xét đời nay), sát hiền (xét người giỏi), sát vi (xét những điều kín đáo), lại vừa sát truyền (xét những lời đồn đại). Đặc biệt là vừa sát nghi (xét những điều ngờ) lại vừa sát bất nghi (xét những điều không ngờ). Thiên Cẩn thính nói: “Nhân chủ chi tính mạc quá ư sở nghi, nhi quá ư kì sở bất nghi; bất quá ư sở bất tri, nhi quá ư kì sở dĩ tri. Cố tuy bất nghi, tuy dĩ tri, tất sát chi dĩ pháp, quỳ chi dĩ lượng, nghiệm chi dĩ số. Nhược thử, tắc thị phi vô sở thất, nhi cử thố vô sở quá hĩ” (Mối lo của bậc nhân chủ vẫn không phải là sai lầm trong những vấn đề ông ta nghi ngờ mà chính là sai ngay ở những việc mà ông ta hoàn toàn nắm chắc không chút nghi ngờ. Không sai ở những việc ông ta không biết, mà lại sai ngay ở những việc ông ta đã biết. Cho nên, dẫu đã biết, vẫn phải dùng pháp chế để thẩm sát lại, dùng độ lượng để đo lường nó, dùng số thuật để nghiệm chứng nó. Như vậy thì sẽ tránh khỏi sự nhầm lẫn phải trái và xử lý không xác đáng).
Từ đó có thể nghĩ, mọi giá trị đều có giới hạn và chỉ là tương đối. Không nên biến những ý kiến, dẫu là khả tín nhất, thành những tín điều, đúng trong mọi lúc, mọi nơi. Tuyệt nhiên không nên lơi lỏng óc tự xét, tự vấn, tự phán. Đã có quá nhiều những bài học chua cay nhắc nhủ mỗi người chúng ta rồi. Chẳng hạn, một thời do không tìm hiểu đến nơi đến chốn bài báo Lev Tôlstôi như là tấm gương của cách mạng Nga được V.Lênin viết tháng 9 – 1908, nhiều người đi đến chỗ đồng nhất lý luận nhận thức với lý luận nghệ thuật. Nên nhớ Lênin viết bài báo này gần như cùng một lúc với cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán – công trình chủ yếu tập trung thể hiện nhận thức luận của Người. Lênin viết bài báo trên nhằm làm sáng tỏ bản chất của nhận thức  chứ không nhằm minh họa cho bản chất của nghệ thuật. Vậy là sẽ không có cơ sở để xem phản ánh hiện thực như là bản chất của mọi tác phẩm nghệ thuật, và như là quy luật của mọi sáng tạo nghệ thuật.
Trong tư duy khoa học, việc tìm hiểu cặn kẽ và vận dụng sáng tạo mọi lý thuyết tưởng là chuyện cũ hóa ra lại luôn mới. Đáng lưu tâm là hiệu quả thực tế của nó. Phải chăng mọi trì trệ trong sáng tác văn chương đến giờ có căn nguyên sâu xa trước hết ở quan niệm nông cạn và ít đổi thay của người cầm bút?
Trước thách thức của văn hóa nghe - nhìn
 Cách đây không lâu, một cây bút có tuổi gặp tôi. Anh không giấu nổi cơn thịnh nộ trước nhận xét của một tờ báo nọ về cái gọi là “Sự lên ngôi của văn hoá nghe - nhìn”. Anh lại càng tỏ ra bực bội hơn khi chính tôi lại đứng ra bảo vệ ý kiến đó.
- Là người cầm bút, anh lại có thể tán đồng với quan niệm xem nhẹ văn hoá đọc được ư? Quá vẩy nước vào mặt mình còn gì!
- Nhưng, anh bạn ơi, sự thật dẫu sao cũng vẫn là sự thật. Ta phải chấp nhận, và quan trọng hơn, phải vuợt qua thách thức này.
Mà nói đâu xa, thưa các bạn, cứ từ mình mà suy ra cũng đủ rõ. Này nhé, ở nhà, nếu rảnh rỗi đôi chút là ta bật ti vi lên. Màn ảnh nhỏ có sức hút thật mạnh. Không ngồi trước máy thì thôi, đã ngồi vào là triền miên, hết chương trình này đến chương trình khác, cái nào cũng hay cả, khó dứt ra lắm. Đấy là tại nhà. Khi ra khỏi nhà thì nào rađiô, nào “phôn”. Rời ra không được. Vật bất ly thân mà! Ngơi ra là nghe tin tức, nghe ca nhạc... Bảo văn hoá nghe - nhìn “lên ngôi” chứ bảo văn hoá nghe - nhìn thành “môi trường sống” của con người hiện đại e cũng không quá đâu. Tôi thấy nhịp sống của con người thời nay biến đổi nhanh lắm, nhiều lúc đến chóng mặt. Con người cứ như quay cuồng trong việc thỏa mãn nhu cầu làm việc, nhận thức, hưởng thụ, vui chơi... của mình. Thời gian thì vẫn thế thôi. Một ngày vẫn 24 tiếng, một tiếng vẫn 60 phút, một phút vẫn 60 giây... mà sao cứ thấy ngày tháng trôi đi vèo vèo. Loáng một cái đã hết một ngày. Quay đi quay lại đã mất đứt một tuần, một tháng... Và vì nhịp độ cuộc sống như vậy nên con người hiện đại dường như  ít đọc hơn trước.
Đôi lúc nghĩ quẩn tôi lại ao ước bao giờ cho đến... ngày xưa. Thời ấy yên tĩnh đến lạ lùng. Người ta mê đọc sách, đọc nhiều, đọc kỹ, đọc có suy nghĩ. Đó bao giờ cũng là mảnh đất tốt cho việc hình thành các tư tưởng. Mà đã là nhà văn lớn thì phải có tư tưởng riêng. Có tư tưởng nhất là tư tưởng riêng, theo tôi, không dễ chút nào. Có người nghĩ hễ có tri thức là có tư tưởng. Không hẳn vậy đâu. Tư tưởng là sự kết tinh của tri thức và nhiều thứ nữa. Đó là muối của muối. Muốn lắng đọng không thể thiếu tĩnh tâm. Để chiêm nghiệm, để ngẫm nghĩ. Kẻ tầm phào đã hẳn không thể có tư tưởng. Loại “trí thức vỉa hè”, cái gì cũng biết một chút, cũng không có tư tưởng nốt.
            Nhà văn muốn trau dồi tư tưởng không thể xem thường văn hoá đọc, bởi văn hoá đọc đòi hỏi tính tự giác rất cao. Cần gì thì đọc nấy. Thiếu sách cần thì tìm. Muốn đọc kỹ, đọc sâu thì ta dừng lại. Chả có gì cản trở cả. Tư tưởng là bạn đồng hành của văn hoá đọc, theo ý tôi, là theo nghĩa đó. Vậy muốn trở thành nhà văn, hơn thế nhà văn lớn, sao có thể ít đọc cho được. Trong khi ngoài đời văn hoá đọc đang bị xâm lấn từ nhiều phía...
Từ sự lên ngôi của văn hoá nghe - nhìn, nhiều người e ngại rồi con người hiện đại sẽ đến lúc xem thường văn chương. Tôi không nghĩ như vậy. Văn hoá đọc có vai trò và ưu thế riêng của mình. Văn hoá nghe - nhìn có phát triển đến đâu cũng sẽ không bao giờ thay thế được nó. Tuy nhiên, thách thức của văn hoá nghe - nhìn đối với nhà văn là không thể không thấy. Hãy vượt qua thách thức này cùng những thách thức khác để văn chương ngày càng đáp ứng đòi hỏi mới của con người hiện đại theo đặc trưng của chính mình.  
Đà Lạt, 5-9-97
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...