Chúng tôi về dự Trại viết Văn
học Dân tộc và Miền núi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trại dành cho các
cây bút thơ, văn, lý luận, phê bình đang sống và làm việc ở Tây Nguyên và một số
tỉnh phía Nam.
Nhà
sáng tác nằm cạnh hồ Đại Lải, không gian rộng và thoáng, nhìn ra dãy núi nhấp
nhô xanh nhạt vốn là nguồn cảm hứng vô tận của thi sỹ Tản Đà - tác giả bài
thơ Thề non nước danh tiếng. Trong tiếng Việt ta non nước đồng
nghĩa với Tổ quốc. Có lẽ không ở đâu ý nghĩa quen thuộc này lại được cảm
nhận một cách cụ thể gần như bằng mọi giác quan như ở đây. Cùng với cảnh quan mở
ra tầm nhìn khoáng đạt thì còn có một nguyên do khác nữa nâng cao tầm nghĩ của
mỗi người: Ấy là bởi cách đây không xa là khu di tích Đền Hùng. Chúng tôi từ
Nam ra, trong bao nỗi khát khao ấp ủ, có nỗi khát khao ấy: Trở về cội nguồn
dân tộc Việt. Đứng ở vùng đất cách đây hàng nghìn năm, các vua Hùng từng dốc
tâm, dốc trí, dốc sức ra dựng nước, lòng chúng tôi, dù là ai, thuộc dân tộc
nào, cũng đều trào lên bao nỗi xúc động lớn lao. Chúng tôi đã đi hàng nghìn bậc
đá từ đền Hạ lên đền Trung tới đền Thượng và trở về giếng Ngọc. Soi lòng mình
vào từng hiện vật thiêng liêng, chúng tôi như có dịp nhận ra chính bản ngã của
mình. Những ấn tượng về thời Hùng Vương chắc sẽ theo chúng tôi đi suốt cuộc đời
cầm bút của mỗi người. Và đây chính là nền tảng của mọi sáng tạo văn chương
chân chính. Vì, như Phạm Văn Đồng - người bạn lớn của văn nghệ sỹ đã từng
nói: Văn học nghệ thuật là dân tộc. Nhà văn bao giờ cũng là con đẻ của một
dân tộc. Ai quên điều hiển nhiên ấy liệu có còn xứng đáng với danh hiệu nhà văn
hay không?
Những
ngày ở Nhà sáng tác, công việc chủ yếu của chúng tôi là ngồi vào bàn sửa chữa,
nâng cao những trang viết dang dở hoặc thực hiện những dự đồ sáng tác mới mẻ.
Có thể không ngần ngại mà cả quyết rằng: chúng tôi đã sống và sáng tạo hết mình
trong những ngày ở Đại Lải. Câu thơ của Lương Định đã nói đúng nỗi lòng của mỗi
người chúng tôi: Tim ơi cạn máu vì yêu! Cũng từ ý thơ của một cây bút
khác, Inrasara - Phú Trạm, tôi muốn nói thêm: hình như trái tim của chúng tôi
như lặng câm suốt nhiều năm tháng, giờ như có dịp lên tiếng, và tiếng nói ấy nếu
chăm chú lắng nghe thì không thể nói là không da diết, mạnh mẽ. Sự sống đã được
kết tinh vào những trang bản thảo thơ, văn, kịch, tiểu luận, phê bình.
Thu
hoạch lớn nhất đối với chúng tôi trong những ngày dự trại chính là ý thức trách
nhiệm với vùng đất mà mình từng gắn bó, với dân tộc mà mình đã sinh thành. Mâu
thuẫn giữa những gì mình ưa viết với những gì mình cần viết luôn tồn tại trong
thực tế. Một cây bút có tinh thần công dân cần giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn
này. Ngoài những vấn đề chung thuộc dân tộc và thời đại, mỗi vùng đất lại nảy
sinh những vấn đề riêng mà những cây bút gắn bó với nó không được phép tránh né
nếu không muốn những trang văn của mình rơi vào sự thờ ơ, lãnh đạm của người đọc.
Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, mình không làm sẽ không ai làm thay mình cả. Nền
văn học đa dân tộc Việt Nam đang cần những đóng góp mang bản sắc riêng biệt đó.
Ai khước từ những đòi hỏi da diết của vùng quê mình, của dân tộc mình, người ấy
sẽ không xứng đáng với lòng tin và niềm hy vọng mà bạn đọc gửi gắm nơi người cầm
bút.
Thu
hoạch về nghề nghiệp đáng nói nhất qua những ngày dự trại lại là ở những trang
viết. Chúng tôi có dịp soi vào mình và soi vào nhau để ngẫm nghĩ và cùng nhau
ngẫm nghĩ. Mới hay, những gì mình làm được chưa đáng là bao. Số lượng là vậy mà
chất lượng cũng là vậy. Văn chương mới nghiệt ngã làm sao! Cần tạo ra những tác
phẩm hữu ích mà lại có sức ám ảnh người đọc. Và đó là công việc cực nhọc của cả
cuộc đời người cầm bút. Thỏa mãn với mình, dầu chỉ trong khoảnh khắc, là tự hại
mình. Bởi vậy, câu nói quen thuộc Thời gian là hữu hạn, nghệ thuật là vô
cùng chưa bao giờ được chúng tôi thấm thía như những ngày vừa qua.
Thời
gian sống và viết ở Đại Lải, ký ức chúng tôi được nối dài bởi chuyến đi du thuyền
trên hồ và du ngoạn trên đảo. Tắm mình trong những làn gió mát rượi từ Tam Đảo
thổi tới, đằm mình trong vẻ đẹp nguyên sơ của cỏ cây sông nước, chúng tôi như
có dịp thấm thía đến tận cùng câu nói của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Y
Ngông Niếk đăm trong lần gặp gỡ thân mật với Trại viết: Các nhà văn hãy
góp sức mình vào sự nghiệp gìn giữ môi trường thiên nhiên khi chưa quá muộn!
Con
thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi dạo quanh hồ để trở về với bút viết và bàn làm việc.
Sóng vỗ dưới mạn thuyền lao xao. Gió thổi hất tung những mái tóc lộ ra những vầng
trán đầy ưu tư. Dãy núi xanh đậm phía trước chập chờn hư ảo. Nghệ sỹ Linh Nga tự nhiên
cất lên bài ca quen thuộc của Phan Huỳnh Điểu. Chúng tôi cùng hát theo chị. Tiếng
hát hòa vào mênh mang sông nước.
Chỉ
còn anh và em
Là
của mùa thu cũ
...
Mùa
thu ra biển cả
Theo
dòng nước mênh mông
Có
phải nghệ thuật đích thực là vậy chăng? Đó trước hết là nỗi lòng day dứt của
riêng ta. Nhưng cũng như nước của sông hồ, văn chương nghệ thuật chỉ trở thành
bất tử khi gặp biển lớn của nhân dân, của thời đại...
Đại
Lải, 6/1996
Đầu năm nay, khi
đọc Danh sách các nhà văn được nhận Giải thưởng Nhà nước Đợt 2, thấy tên nhà thơ
dân tộc Tày quen thuộc Y Phương, tôi đã điện chúc mừng anh. Vậy là lại thêm
thành tựu của một nhà thơ dân tộc thiểu số chính thức được thừa nhận. Ai quan
tâm tới bộ phận văn chương đặc sắc từng có nhiều cống hiến quý giá cho nền văn
chương đa dân tộc Việt Nam mà chẳng vui sướng và tự hào. Tôi chợt nhớ tới bài
thơ, ngắn thôi, song lại nhiều ý nghĩa của Y Phương: Ai cũng như con tằm/
nhả tơ cho dân tộc mình/ Tổ quốc Việt Nam vàng ươm. Là người từng gắn bó với
nhiều dân tộc anh em trên dải đất thân thương hình chữ S của chúng ta, tôi bao
giờ cũng xúc động và trân trọng những ý nghĩ đứng đắn như thế. Mặc dầu, trong
lĩnh vực văn chương – nghệ thuật đặc thù này, hầu như ai cũng biết, chỉ riêng
tư tưởng cao đẹp thôi là chưa đủ, tôi vẫn cứ muốn nghĩ rằng bệ phóng cho mọi
khám phá nghệ thuật trước hết vẫn cứ là tư tưởng. Riêng với Y Phương tôi nhận
ra mối quan hệ hài hòa này qua việc xác định những nét riêng biệt trong chức
năng văn chương. Xin chỉ giới hạn suy nghĩ của tôi chung quanh điều này.
Bấy lâu, nhất là khi công cuộc
Đổi mới được khởi động, ta đã quen với ý nghĩ sau: nếu văn chương chỉ làm cái
điều mà các lĩnh vực khác cũng làm, thậm chí làm tốt hơn, thì lẽ tồn tại của nó
ở đâu? Vai trò của nhà văn đối với xã hội khi ấy tất sẽ bị đặt câu hỏi hoài
nghi. Tôi thấy Y Phương trước sau nhất quán một xác tín nghề nghiệp: Cao
hơn cơm là nước/ Cao hơn nước là khí trời/ Cao hơn khí trời là em bồ - câu
– lơ – mơ – thơ của ta. Đừng ai nghĩ là anh cao giọng để trấn an mình rồi
trấn an người. Ta biết trong thực tế còn phổ biến những cái nhìn lệch
lạc, xem nhẹ văn chương, coi thường nhà văn. Như bất cứ người cầm bút sống chết
với nghề nào, anh đau lòng lắm chứ. Trái tim người nghệ sỹ như bao con người khác
thôi, đâu phải là gỗ đá. Điều này lý giải nỗi xót xa trong phép đối sánh xưa
– nay trong bài thơ chất chứa nhiều tâm trạng có tên là Núi. Đây
là xưa, cứ như là xứ thần tiên trong cổ tích: Người trần bán
thơ/ Mua bánh trăng/ Bánh trăng nhân trứng chim/ Trứng chim nở ra muôn nghìn
bài hát. Mua bán, sinh thành toàn những thứ tưởng như vu vơ: những thơ,
những trăng, những bài ca… Người ta làm sao có thể chết vì thiếu
chúng. Nhưng giá thiếu vắng những giá trị tinh thần quý giá đó trên đời thì người
có đích thị còn là người nữa không nhỉ? Con người vẫn tồn tại, chứ
sao nữa, nhưng có thể bảo là sống, nhất là sống theo nghĩa
CON NGƯỜI viết hoa được không! Bởi khi ấy, chắc không còn cảnh: Người trần
chập vào nhau/ Làm thành núi… Mất đi chất keo gắn kết giữ người với người, xã hội
vì thế cũng tan biến theo. Nhà thơ của chúng ta thật tinh tường khi thoáng nghĩ
về một nơi nào đó vào thời nay: Người trần xa lánh rồi/ Núi đứng núi
ngồi/ Nhớ người trần/ Núi cay xè muối ớt. Người thơ như hóa thành núi
kia, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Bài thơ gợi nhiều nỗi bùi
ngùi, nhưng chưa làm người ta e ngại. Bài Chơi râu thì khác, buộc nhiều
người phải giật mình: Trời bảo:/ Ứ thèm chơi với ta nữa đâu/ Tùy thôi. /
Trời bảo:/ Ta là đồ linh tinh, đồ dở hơi/ Tùy thôi./ Trời không chơi thì
ta ngồi ta chơi râu ta. Bài thơ ngắn và gọn như thường bắt gặp trong thơ Y
Phương. Đó có thể xem là thế mạnh, tạo nên sự chất chứa nén dồn của thơ anh.
Tôi biết anh bao giờ cũng kỹ lưỡng chữa đi chữa lại thơ mình, cả trước và sau
khi đã công bố. Có khi hay hơn, có khi lại giảm thú vị đi. Cũng là chuyện thường
tình. Ai từng vật lộn với câu chữ trên trang bản thảo thì đều cảm thấy sự thật ấy.
Riêng trong trường hợp này, thú thật, tôi thích dị bản khác kia. Nó dài hơn. Có
điều xem ra nó có lý hơn: Trời xanh bảo:/ Ứ thèm chơi với ta nữa đâu /
Đành thôi./ Trời xanh bảo:/ Ta là đồ linh tinh/ Ta là đồ dở hơi/
Đành thôi./ Trời xanh không chơi thì ta ngồi ta chơi râu ta. Như bạn đọc
đã thấy, Y Phương có sửa, chủ yếu là lược bỏ đi. Trước hết là từ xanh. Chắc
với mong muốn làm cho lời thơ cô đúc hơn và ý thơ mạnh mẽ hơn. Tôi lại nghĩ
khác: hình như anh đã đi xa hơn cái mình muốn tỏ bày. Cụm từ trời
xanh có lẽ diễn tả chính xác hơn điều bài thơ định nói. Xanh kia thăm
thẳm tầng trên…Lại được cả nhịp điệu. Nó không cộc lốc như trời bảo. Cũng
nên nhắc lại hai lần ta là. Thêm một lần nhấn nhá là thêm một sự chuẩn
bị quyết liệt cho sự bùng nổ ở câu kết. Trong lần xuất bản mới đây Y
Phương chỉ thay duy nhất đành thôi bằng tùy thôi. Không rõ
vì sao tôi nghe sức nín chịu trong cụm từ đành thôi hơn hẳn tùy
thôi. Có lẽ do cách nói sau hướng về phía người đối thoại. Trong khi cách
nói đầu thì nghiêng hẳn về phía mình. Nó như dồn nén vào bên trong để có cơ
bùng nổ ra bên ngoài. Biểu hiện của sự bùng nổ tưởng khơi khơi ta ngồi ta
chơi râu ta mà đáng sợ lắm đấy. Tất nhiên là chỉ với những người am hiểu.
Mới hay, dài ngắn trong thơ là so với sự biểu hiện của ý tưởng. Không ai, kể cả
người đã cho bài thơ sự sống, có thể lộng hành tới mức muốn làm gì thì làm.
Riêng về điều này, là một nhà thơ sành nghề, chắc chắn Y Phương hiểu
rõ hơn tôi.
Cố nhiên, đó chỉ là theo thiển
ý của tôi. Có thể hợp, cũng có thể không hợp. Tôi thành tâm nghĩ sao nói vậy.
Trường hợp sau đây thì chỉ độc một nỗi thán phục. Ấy là bài thơ Hạt
trăng, nói về sự chinh phục tự nhiên của văn chương. Hãy xem, Y Phương sắn
tay cày xới: Những hạt trăng vương vãi/ Đang ồn ào đi lại. Và, anh
gieo trồng: Có một hạt trăng hồn nhiên/ lăn về ta. Rồi anh thu hoạch: Ta
uống em/ Trẻ mãi/ Không già. Mãn nguyện, một cảm giác hoàn toàn mãn nguyện
trong tôi. Với tư cách người đọc. Cả với tư cách người làm lý luận. Cứ nghĩ kỹ
mà xem, văn chương chân chính mọi thời mọi nước đa dạng là vậy, nhưng nếu từ lẽ
tồn tại mang tính nghề nghiệp mà xét thì chỉ có hai loại hình chính yếu thôi: một
là, loại văn chương trực tiếp vì con người; và hai là, loại văn
chương gián tiếp qua chất nghệ thuật để đạt mục đích cao cả đó. Ấy là tôi chỉ
muốn nói tới thứ văn chương tích cực vì xã hội, vì con người thôi. Ngoài nó ra,
những thứ văn chương hoặc quá chú tâm vào kỹ thuật, kỹ xảo, hoặc chỉ viết khơi
khơi cho vui vui thì tính đến làm gì! Hai loại hình trên, tôi đặc biệt ưa thích
loại sau. Chỉ bởi, nó hợp với lẽ tự nhiên của văn chương vốn được xem là thứ
nghệ thuật ngôn từ linh diệu vào bậc nhất của xã hội. Tuân Tử xưa từng chê
trách Mặc Tử bị cái dụng che lấp mà không biết cái văn vẻ…chỉ là
cái đạo của những kẻ phục dịch. Về điểm này, Y Phương viết thật thấm thía.
Không ai có thể ép buộc ta đến với văn chương cả. Nó là chuyện đồng điệu, tự
nguyện và tự giác. Chỉ có những người lơ ngơ đi trên cỏ, để tâm
hồn thơm như cỏ (Xin hiểu cỏ đây là văn chương) mới có
thể trẻ mãi, không già. Khi ấy, nỗi xúc động do cái Đẹp mang lại mới
đáng kể: anh nằm đọc sách: nước mắt ứa ra; anh ngồi dậy: nước mắt
tràn qua; và khi anh đứng lên: nước mắt òa (Hạt bụi). Chớ bảo những
giọt nước mắt nhỏ xuống trước nghệ thuật là yếu mềm. Tôi thèm những nỗi xúc động
như thế. Mỗi lần được vậy, nói theo Aristote, tâm hồn ta thêm một lần
được thanh lọc hóa, con người sẽ giàu chất người hơn. Sự trẻ trung do
nghệ thuật đích thực đem lại mang ý nghĩa ấy: Mùa xuân năm ngoái/ Tôi soi
gương/ Giật mình/ Quái! Lão già nào mặc bộ complê của mình thế nhỉ?/... Mùa
xuân năm nay/ Tôi soi gương/ Chà chà!/ Chàng trai nào mặc bộ complê của mình
đây? Câu kết đến như một sự tất yếu, không hề đường đột: Cảm ơn mùa
xuân.
Tôi cứ muốn nghĩ mùa
xuân đây là thơ của chính anh đó! Thi ca làm cho anh, cho ta trẻ mãi – cố
nhiên là sự trẻ trung của tâm hồn. Cái quý nhất của thi ca, của văn chương, nghệ
thuật là ở chỗ đó chăng? Khi được thế, thì: Ước một đời trẻ lại khó gì
đâu. Bởi, con người đã có được tâm thế không dễ có: Ấy là khi anh cười
rung rung chòm râu. Rất hợp với lời của một bài hát quen thuộc. Văn chương đem
lại cho ta nỗi mênh mông, dâng hiến cho ta niềm hân hoan – chẳng
một ai chết vì thiếu những thứ đó, chỉ có nghèo nàn, khô héo đi về tâm hồn. Tâm
đắc nhất là sự gợi mở này: sống cùng với văn chương để rồi chỉ còn lại mình
ta với nỗi nồng nàn muôn thuở. Ý nghĩa đích thực của văn chương
rốt cuộc có lẽ là vậy, biến tài sản tinh thần của người viết gửi gắm qua tác phẩm
thành nỗi riêng tây có sức lay động tâm trí mỗi người.
Tôi tâm đắc khi chia sẻ những
suy nghĩ bằng thơ về sứ mệnh thi ca, sứ mệnh văn chương của Y Phương. Có
thể qua đây mà lần tìm những nguyên cớ sâu xa làm nên những thành công của thơ
anh, rộng ra là thành đạt của đời anh. Tôi muốn nói, nhân nào quả ấy, chẳng có
gì là quá ngẫu nhiên trên đời này cả!
Xin được chúc mừng Y Phương!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét