Người ta nói rất đúng rằng,
báo chí là chứng ngôn của lịch sử. Vào thời gian gần đây, như một sự tình cờ
may mắn, tôi có trong tay số báo Tuổi trẻ Chủ nhật ra ngày 24/5/1987. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Số báo ra đời vào những năm tháng đầu tiên
của thời Đổi mới ở ta. Rất nhiều điều mới lạ. Trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính
trị, văn hoá, xã hội. Lạ nhất là ở cái nhìn mới – cái nhìn có sức soi rọi nhiều
điều, lật tung nhiều điều, và làm sáng tỏ nhiều điều. Báo chí chuyển động nhịp
nhàng trong sự chuyển động chung của đời sống.
Tâm điểm của số báo là Mục Bạn
đọc đặt câu hỏi. Người được hỏi là nhà thơ tài danh Chế Lan Viên. Vẫn bức ảnh
thân thuộc: Chế Lan Viên cười thật tươi, và cũng thật cởi mở. Tôi để ý đến mái
tóc không được chải chuốt mà có phần tự nhiên, không ít sợi chĩa ra chung
quanh. Theo tôi, đây là cứ liệu quan trọng về quan niệm nghệ thuật của Chế Lan
Viên trước khi nhà thơ qua đời. Ông đặt rất nhiều tâm huyết và trí
tuệ vào từng câu trả lời. Đặc biệt là trách nhiệm công dân rất cao của người cầm
bút. Toà soạn lưu ý bạn đọc tới bức thư ngắn gởi kèm, trong đó có đoạn: Những
vấn đề này đều hóc búa… Toà soạn đừng bỏ, thêm, bớt gì. Tôi sẽ vui lòng hoãn để
làm thêm, thậm chí nếu vì lý do nào đó Tòa soạn không đăng, cũng không can gì,
nhưng nếu đã đăng xin cho y nguyên vậy. Rất đúng phong cách của Chế Lan
Viên. Cũng gợi lại không khí công khai, dân chủ buổi đầu. Sau đây là những câu
hỏi, những câu trả lời đáng suy nghĩ nhất. Tôi cũng xin được phép lạm bàn về
chúng.
1- Hỏi: Động cơ
nào đã thúc đẩy ông có một sự chuyển hướng mạnh mẽ trong nguồn cảm hứng trước
và sau Cách mạng tháng Tám?
- Trả lời: Tôi
cũng như các anh Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh… chuyển hướng vì muốn
có ích hơn.
- Nhời bàn: Thật
thẳng thắn và trung thực. Cũng rất xác thực. Cứ đọc bất cứ bài thơ nào của thế
hệ các nhà Thơ Mới đi theo Cách mạng cũng thấy rõ điều đó. Vậy là, không chỉ
đúng với Chế Lan Viên. Câu trả lời có ý nghĩa tiêu biểu.
2– Hỏi : Ông nhận
định sao về thơ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám?
- Trả lời: Thơ lãng
mạn tiền chiến là đỉnh cao trong di sản dân tộc, sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
nhưng rồi nó bế tắc. Đó là một trong nhiều nguyên nhân đưa các nhà thơ tiền chiến
đi theo Cách mạng.
- Nhời bàn: Một
cái nhìn Thơ Mới trên tinh thần đồi mới. Giờ thì không mấy ai ngạc nhiên. Vào
thời ấy thì khác, đã thật sự khiến nhiều người ngạc nhiên. Không, phải nói là
kinh ngạc. Tôi thích từ tiền chiến được Chế Lan Viên sử dụng. Đây là
tờ báo của Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã không một chút e dè. Có lẽ vì thế mà
khi nói nó bế tắc, sức thuyết phục càng cao hơn chăng?
3- Hỏi: Ông đánh
giá sao về thơ sau Cách mạng tháng Tám? Các nhà thơ nổi danh thời tiền chiến
bây giờ làm thơ kém đi?
- Trả lời: Nền thơ
Cách mạng với tất cả nhược điểm của nó vẫn là lớn nhất trong lịch sử thơ dân tộc…
Cùng với Tố Hữu, các nhà thơ tiền chiến đã là chủ lực thơ Cách mạng. Có người
viết hay hơn trước, có người viết kém đi. Cho dù tất cả viết sút đi, cũng không
can gì, ngoài họ ra còn hàng trăm thi sĩ hậu chiến do Cách mạng đẻ ra
nữa.
- Nhời bàn: Biện
chứng và sắc sảo. Đáng nói nhất là lập trường trước sau đều vững vàng. Vào thời
ấy, rất cần một tiếng nói thành thật, đầy uy lực của một nhà thơ lớn, một nhà
hoạt động văn hóa lớn như Chế Lan Viên. Tác dụng thật sâu và rộng.
4- Hỏi: Đời sống của
chú hiện nay ra sao?
- Trả lời: Chú và
vợ chú hiện vẫn ở trong biên chế, chưa hưu. Nhưng đời sống rất cực… Một năm rưỡi
nay ăn giá gạo cao chưa được bù. Nhuận bút càng thảm hại… Tuyển tập Chế
Lan Viên 50 năm chú lãnh 3000 đồng… Trong khi đó lương
công nhân là 4000 đồng… Thôi nói chuyện ấy buồn lắm. Nhưng cháu đừng lo. Cô chú
vẫn làm việc…
- Nhời bàn: Câu hỏi
đi thẳng vào một trong những vấn đề nhức nhối và nhạy cảm. Câu trả lời cũng rất
thẳng, đi ngay vào hiện trạng. Không quên nói lại. Vấn đề được lật đi lật lại,
vừa thấu lý vừa đạt tình. Thực tế là cay đắng, ai cũng thấy thế mà không mất
lòng tin.
5- Hỏi: Chắc chắn
Bác là người đã được tận mắt chứng kiến số phận của những người cùng thời với
Bác trong nhóm Nhân văn Giai phẩm… Ta sử dụng nhiều mũ để chụp lên đầu
họ chăng? … Nên chăng chúng ta cần có cách định công luận tội đối với
họ công bằng hơn, trung thực hơn, nhân đạo hơn?
- Trả lời: Về vấn
đề Nhân văn, hồi ấy nhiều anh em đã có ý định xin Đảng cho mình làm một tờ báo
để đánh Nhân văn sắp ra… Anh Xuân Diệu thì là kiện tướng có bài liên tục đánh
Nhân văn. Thế là rõ. Về số phận anh em Nhân văn… năm 73, đồng chí Lê
Đức Thọ đã thay mặt Bộ Chính trị gặp anh em xoá cái án ấy. Nhưng đừng thấy bây
giờ có người nói bậy gấp mười Nhân văn vẫn không có tội gì mà bảo hồi ấy Nhân
văn không có tội. Đừng xí xoá… Nhưng thành kiến với anh em còn rất nặng. Có anh
con đi học, vợ đi nước ngoài còn gặp khó khăn. Theo tôi, nên cho phép và khuyến
khích rõ ràng anh em đăng sáng tác của mình, ký tên thật. Những gì viết hay hồi
chưa Nhân văn, xem lại, thấy khá thì in lại.
- Nhời bàn: Chuyện Nhân
văn Giai phẩm dễ gây đụng chạm. Đến giờ vẫn thế. Nhưng người ta hỏi, tin mình
mà hỏi, mình không nên né tránh. Thoái thác càng không nên. Câu trả lời rõ về ý
tứ, mềm mỏng trong cách nói. Quan trọng là lộ rõ quan điểm của ông xung quanh một
hiện tượng phức tạp vào bậc nhất về chính trị, gắn chặt với văn chương. Lại là
một trong những điểm nhạy bén của tư duy thời Đổi mới.
6- Hỏi: Nhà thơ B.Paxternak
hiện nay được phục hồi. Tại Việt Nam, với tư cách là nhà thơ ông có suy nghĩ
gì? Trong nền văn học cách mạng đương đại có trường hợp nào đáng tiếc tương tự?
Nếu có thì được phục hồi không?
- Trả lời: Hoan
nghênh việc phục hồi B.Paxternak. Thơ ông ấy hay lắm. Ở ta à? Phải bình tĩnh
xem lại đã, đừng thấy anh em làm rồi mình sốt ruột. Tây, Mỹ đang khoét vụ này,
mà quên rằng Tây thì truất tượng Aragông, Mỹ đụng cả đến cổ điển. Nhưng ở ta
thì có cái chuyện có một thời gian dài các nhà phê bình thích gọi phê bình là
con roi mà quất luôn luôn. Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Hà Minh Tuân, Nguyễn
Thành Long, Dũng Hiệp, Phạm Tiến Duật … đều bị quất. Thường là đánh không cho
cãi lại. Giờ đọc lại các tác giả trên có khi không sai gì, hay sai nhẹ thôi,
không đáng ầm ỹ nặng nề thế. Hiện nay dễ chịu hơn nhiều, coi chừng có nơi buông
lỏng. Mà cũng cần cảnh giác cái bệnh quất roi kia, dễ di căn, biến chứng, tái
phát, phục hồi.
- Nhời bàn: Xem
ra, Chế Lan Viên gắng giữ sự cân phân trong quan điểm của mình. Không thiên tả
cũng không thiên hữu. Thời gian đã xác minh chỗ đứng của ông là đứng đắn. Tâm đắc
nhất là sự chê trách, không, phải nói là phê phán, có phần chế nhạo của ông đối
với kiểu phê bình được so sánh với ngọn roi. Gần đây, rất lấy làm lạ
là có nhà phê bình còn bám vào cái roi ấy. Trong nhận thức và cả trong hành động.
Rõ ràng, lương tri của Chế Lan Viên được thức tỉnh từ rất sớm. Ông cố vượt
thoát ra khỏi những ràng buột dai dẳng của thời mình.
7- Hỏi: Cách đây nửa
thế kỷ, ông đã nhận định về thơ Hàn Mặc Tử: Mai sau còn một chút gì đáng kể
đó là thơ Hàn Mặc Tử. Hiện nay ông đang thực hiện Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử.
Xin ông cho biết ý kiến của ông về câu nói đó?
- Trả lời: Câu ấy
viết bởi cậu bé 20 tuổi là tôi lúc ấy sai 50%. Làm sao cậu ấy biết tất cả để viết Tất
cả những gì của thời kỳ này sẽ biến tan đi. Huống nữa lúc ấy có Xuân Diệu,
Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Quách Tấn, Bích Khê và trong bí mật có Tố Hữu. Nhưng câu
của cậu ta cũng đúng 50%. Hàn Mặc Tử với tất cả nhược điểm lồ lộ của mình vẫn
là một thiên tài của dân tộc, của thế kỷ. Do đó tôi 67 tuổi rồi còn lo tuyển tập
cho anh Hàn.
- Nhời bình: Chế
Lan Viên thừa nhận sự ấu trĩ không vượt thoát được của thời trẻ. Ông không phủ
nhận sạch trơn: 50% là đúng. Rồi ông đưa ra một nhận định bao quát thật xác
đáng về Hàn Mặc Tử. Sức thuyết phục nhờ thế mà tăng hơn nhiều.
Đấy là những câu hỏi và những
câu trả lời đáng bàn nhất. Ý nghĩa của chúng sẽ tăng thêm nếu đặt tờ báo, số
báo vào không khí chung của thời ấy. Cùng xuất hiện trên mặt báo là những bản
tin, và những bài viết đáng chú ý sau:
- Ngẫm chuyện thơ ca giữa
mùa hè nóng bức của nhà thơ Đỗ Trung Quân, có đoạn: Đôi khi bực bội,
buồn nản tôi thoáng tự hỏi: trong thời buổi chật vật, nháo nhào này liệu những
nhà thơ có còn cần thiết không? Tất nhiên sẽ không cần thiết chút nào nếu như
thơ anh chỉ nói nhăng nói cuội…
- Nhà văn Valentin Raxputin
và cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường của nhà báo Hồng Lĩnh, có đoạn: Ông
(Valentin Raxputin) vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất chống lại
hiểm hoạ ô nhiễm vùng Xibêria, quê huơng ông, và đặc biệt là hiểm hoạ ô nhiễm hồ
Baican, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, một khu thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước
Xô Viết.
- Bản tin về kết quả
liên hoan phim quốc tế Cannes 1987: Phim “hối hận” (Liên Xô) được tặng thưởng
đặc biệt của ban giám khảo. Đây là một tác phẩm điện ảnh gây dư luận nhất
tại Liên Xô vào thời gian đó, sau khi nó được giài phóng khỏi kho lưu trữ những
phim bị cấm để chiếu rộng rãi.
Đặc biệt, Ban biên tập Tuổi
trẻ Chủ nhật chắc có dụng ý khi cho đăng ngay cạnh bài báo trên là hai bài
thơ chưa từng được công bố của Chế Lan Viên: Bộ ba và Đôi giày
chặt. Kết thúc bài thơ thứ hai là những câu thơ:
Càng lên cao Tháp cao – nhìn
xa
Càng không được đi cà nhắc…
Tuổi trẻ Chủ nhật số 20
năm 1987 là một tư liệu văn chương quý giúp bạn đọc có thể hồi hiện lại không
khí đã diễn ra trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới văn hoá, văn chương ở
ta. Đó chính là giọt nước giúp ta hình dung ra phần nào sự bao la của biển cả.
Bút ký văn học
Dạo này, tôi thường hay đọc
lại những trang hồi ký của các nhà văn Việt Nam về nghề nghiệp, về thời cuộc,
nhất là các cuốn “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học”, “Chiến trường,
sống và viết”... Rồi Nguyên Hồng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan,
Nguyễn Đình Thị... Đó là những tư liệu sống thật sự quý giá. Đọc chúng quả rất
bổ ích, ngay cả lúc này, khi mọi chuyện về nghề viết tưởng như khác trước, khác
rất nhiều rồi.
Trong chiến tranh, thiếu thốn
đủ thứ. Cái ăn, cái mặc còn thiếu, nói gì đến phương tiện để viết. Nhà văn
Thanh Giang kể “Ở chiến trường, sáng tác về đêm. Chỉ dưới ánh đèn hạt đậu
bằng chai rượu cồn, chúng tôi viết trang này qua trang khác, viết thâu
đêm” (Chiến trường sống và viết). Còn nhà văn Phan Tứ thì nhớ mãi cái
“chỗ ngồi viết lý tưởng” của mình vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là kho
thóc của B28 (tức Đảng ủy Nam Tam Kỳ) ở trong một cụm rừng ven núi, giữa thôn Tứ
Mỹ và nóc ông Bền - một làng người Thượng. Ông cam đoan sẽ tự túc gạo, muối và
giữ kho thóc. Tuy ông cũng được ưu tiên hưởng sinh hoạt phí 5 đồng tiền Ngụy, đủ
để mua hai lon gạo và một ít muối. Trong Ban Tuyên huấn khu V chỉ có đồng chí
Phó Ban và ông là được cấp đến mức này (Chiến trường sống và viết). Sống
kham khổ vậy mà nào có được yên để viết. Đỗ Chu, theo hồi ức của Lưu Quang Vũ,
khi còn là một chiến sĩ phòng không, “ở trong một chiếc lều vải bạt cùng với
các chiến sĩ của khẩu đội. Bàn viết của Chu là một hòm đạn pháo 57. Anh đang
chuẩn bị tập “Phù sa” cho Nhà xuất bản Văn học; công việc của anh luôn bị ngắt
quãng bởi những hiệu lệnh báo động. Đỗ Chu bỏ bút, chụp lên đầu cái mũ sắt, chạy
ra ụ pháo, ngồi vào vị trí pháo thủ số 5 mà anh đã rất thành thạo” (Chiến
trường sống và viết).
Có thể đọc nhiều, rất nhiều
những dòng, những trang như vậy. Và chợt một câu hỏi lớn nảy ra trong đầu tôi :
Vậy tại sao giờ đây, khi điều kiện sống và viết của các nhà văn ta đã được cải
thiện về căn bản, hầu như không còn ai sống quá kham khổ, quá chật vật, mà sao
vẫn có người chưa dám xả thân vì nghề, chưa thật thiết tha với trang giấy và
ngòi bút như cần phải có ? Để phần nào giải đáp câu hỏi lớn nhức nhối này, tôi
lại lần dở tiếp những trang sách còn nóng hổi sự sống văn chương kia. Và...
Nguyễn Thi thổ lộ: “Ước mợ của
tôi là được sống và chiến đấu cùng với đồng bào Nam bộ. Nghệ thuật của tôi cũng
bắt nguồn từ đó. Tsêkhốp đã từng nói: Nghệ thuật sở dĩ đáng quí và thuyết phục
được mọi người chính là ở chỗ không cói dối được đó. Tôi phải đi chiến trường mới
được” (Chiến trường sống và viết). Nguyễn Thị, một nhà văn - chiến sĩ
tiêu biểu nhất đã đổ máu vì những trang viết chân thực như vậy đấy! Ở đời mỗi
người tự chọn cho mình một cách chết, và cách chết thể hiện cách sống của mỗi
người là theo ý nghĩa này chăng? Con người ấy sẽ làm nên trang viết ấy, nào có
khó hiểu gì đâu.
Ý nghĩ của nhà văn Nguyễn
Thi có gì thật gần gũi với ý nghĩ của nhà thơ Xuân Diệu trong cuộc kháng chiến
chống Pháp khi lần đầu tiên ông tiếp xúc với chất thơ mới mẻ của bài “Cá nước”.
“Một chất gì đó đã sinh ra - Xuân Diệu kể lại - cái chất đó có thể sinh ra được
do tâm hồn người... Đó là lòng chân thành , chân thành, đó là Tố Hữu, Tố Hữu.
Chúng tôi, một số thi sĩ đã viết thơ từ trước Cách mạng tháng Tám, không phải
là chúng tôi không biết xào nấu cho thơm điếc mũi lên! Nhưng chúng tôi đứng lặng
trước cái chất tình người này: Một thoáng lặng nhìn nhau - Mắt đã tìm hỏi
chuyện - Đôi bộ áo quần nâu - Đã âm thầm thương mến, trong tiếp xúc hàng
ngày, những con người đã thấu đến cốt lõi của nhau: Tình giai cấp, tình kháng
chiến” (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy). Cách viết của Xuân Diệu
là vậy: Đầy cảm xúc và rất phóng khoáng. Nhưng thật, thật lắm! Ta hoàn toàn có
thể tin được.
Ở một góc độ khác, Nguyên Ngọc
“nhớ lại và suy nghĩ”: “Những năm tháng đó trên chiến trường, những
người viết văn và làm nghệ thuật chúng tôi đều thầm có một mong muốn, còn hơn
thế nữa, một khát vọng, một nhu cầu tinh thần bức bách : Khát vọng được sống
như những người anh hùng”. (Chiến trường sống và viết). Tôi nghĩ
“khát vọng” này đã thật sự truyền sức sống sang “Đất nước đứng lên”, “Đường
chúng ta đi”, “Rừng Xà nu”... cùng nhiều tác phẩm say cuốn lòng người khác
của anh. Người đọc được soi sáng bởi lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp của nhà văn, để rồi:
Không ai có thể ngủ yên
trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những
vầng trăng
(Thơ
Chế Lan Viên)
Những trang sách đi ra từ tầm
cao của cuộc đời và góp phần nâng cuộc đời lên những tầm cao mới...
Tôi lại đọc, đọc hồi ức của
Nguyên Hồng về những ngày cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng - một nhà văn không chỉ
lớn nơi trang sách mà còn lớn, rất lớn trong cuộc đời riêng: “Nguyễn Huy Tưởng
mổ xong, nằm thiêm thiếp. Gương mặt anh hốc hác, nhợt nhạt. Người anh đẫy chắc
thế mà gầy rám xuống giường. Thấy tôi vào, Nguyễn Huy Tưởng từ từ mở mắt. Anh
đưa ngay tay đón bắt tay tôi, cười, giọng thều thào :
- Tơ rai!... Tơ
rai! ... Tơ rai! (Tiếng Anh) nghĩa là: Tin tưởng!) (Sức sống của
ngòi bút). Hãy nhớ lại, Nguyễn Huy Tưởng sống trong những năm tháng đầy
khó khăn như thế nào ! Mọi chuyện đâu đã được an bài. Xung đột là có thật, cuộc
xung đột quyết liệt diễn ra hàng ngày, trong từng văn nghệ sĩ. Vậy mà họ đâu có
mất niềm tin và hy vọng vào sự nghiệp này, vào cuộc sống này. Và họ đã tìm cách
để vươn dậy, để vượt thoát mọi thách thức, mong giữ cho được lòng tin. Thử tưởng
tượng, một người bình thường khi mất lòng tin thì sẽ ra sao? Huống hồ, đây lại
là nhà văn. Bạn đọc biết nương tựa vào đâu khi nhà văn - người đại diện cho
lương tri của thời đại, lương tâm của dân tộc lại bị nao núng, bị lung lạc. Đừng
đánh mất cái quí giá nhất của người cầm bút, đó là lòng tin. Bài học thấm thía
rút ra từ cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Tưởng đâu có nhỏ. Nghĩ tới ông, tôi
hay liên tưởng tới Phađêev ở Liên Xô (trước đây), nhà văn gần như sống cùng thời
và có hoàn cảnh tương tự như Nguyễn Huy Tưởng. Hoàn cảnh sống càng tăm tối, tấm
gương của nhà văn này lại càng tỏa sáng... Đấy là chưa nói thiếu hoặc mất lòng
tin, thì nhà văn chưa thể cầm bút để viết được cái gì cho ra hồn cả. “Các tác
giả chỉ nhằm trình bày một sự thật mà họ tin hoàn toàn rằng chính đó mới là sự
thật. Họ chỉ cốt diễn tả một chân lý mà họ tin đến tuyệt đối rằng chính điều đó
mới là chân lý” (Nguyễn Khải - Một bản thu hoạch).
Tôi đọc tiếp những hồi ức của
Văn Cao về Thâm Tâm. Khoác ba lô đi theo kháng chiến, từ “chân trời của một người”
tới “chân trời của tất cả”, Thâm Tâm viết khá chật vật. Do vậy khi làm xong bài
thơ “Chiều mưa đường số 5”, nhà thơ vui sướng lắm, tâm đắc lắm. Ông
nói với Văn Cao :
- Đã lâu mình mới làm được một
bài đấy!
- Sao anh không làm nhiều
vào?
Thâm Tâm cười khẩy:
- Cũng muốn làm nhưng không
được.
Vâng, làm thơ, viết văn, một
thứ văn thơ đích thực, đâu có dễ dàng như... đi dạ hội, hay như... đi ăn tiệc. Tay
tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm (Kiều), ấy là khi cảm hứng dâng đầy, câu chữ
cứ như tuôn trào dồn dập, tự nhiên. Không thể dừng, không thể dứt được! Nhưng cảm
hứng, nói như văn hào Pautôvxki, sẽ không đến nếu ta bỏ “đói” nó. “Tứ khổ, ngôn
cam”, suy nghĩ khổ đắng, nói ra mới ngọt ngào được! Thấy nhiều nhà thơ (thường
là loại “bậc trung”), viết nhanh đến phát khiếp đi được... Khi mà tài năng ở
người cầm bút chưa đủ lớn, tôi có thói quen đoán định giá trị của tác phẩm qua
công sức của người viết. Trở lại câu chuyện trên, Thâm Tâm viết khó khăn là thế
mà Văn Cao cũng đã hài lòng với bài thơ ấy đâu: “Tôi không thích bài thơ ấy lắm,
mặc dù nội dung của nó đã khác hẳn thơ anh ngày trước. Tôi thấy bài thơ hơi dễ
dãi, không mang màu sắc gì riêng của tác giả” (Chiến trường sống và viết).
Ôi, cái nghiệp văn chương mới
cay nghiệt làm sao! Nhiều người kinh hãi là phải. Rất dễ đi vào và rồi bước ra
tay trắng lại hoàn tay trắng như chơi. Văn chương, nghệ thuật, đâu phải chuyện
“lấp trống thời gian... việc giống nhau ngày này qua ngày khác... chuyện kỹ xảo...
không phải là cuộc sống dễ dàng” (Pautôvxki).
Đà Lạt, 3/1998
Đà Lạt, 3/1998
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét