Anh sáng tác với cường độ
khá cao, nhiều bài viết mang tính nghiên cứu nghiêm túc và có chất lượng. Chỉ
trong khoảng sáu năm qua, người đàn ông chưa tới năm chục tuổi này đã liên tiếp
cho ra mắt bạn đọc hàng loạt cuốn sách như Học giả với thi nhân (khảo
cứu1994);Văn chương với Lê Quý Đôn (khảo cứu – 1994); Tiếp cận giá trị
văn chương (lý luận, phê bình – 1995); Lý luận trước chân trời mở (lý
luận – 1998); Cảm xúc văn chương và vấn đề dạy văn ở trường phổ
thông (khảo cứu – 1998); Lặng lẽ giữa trang văn (lý luận, phê
bình – 1998); Nhà văn Xuân Thiều như tôi được biết (phê bình –
1999); Thơ trong con mắt người xưa (khảo cứu – 1999); Thổ cẩm dệt
bằng thơ (phê bình – 1999); Sống với văn chương cùng thời (lý luận,
phê bình – 2000)… Với số lượng viết như vậy, trong bối cảnh văn đàn nước ta bị
xâm nhiễm nặng nề bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường ở mức độ sơ
khai, thì đó là điều mơ ước của nhiều người viết lý luận phê bình văn học đang
sống và làm việc ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Và nếu kể
cả việc Đà Lạt không phải là một nơi thường xuyên tiếp nhận đầy đủ các thông
tin, sự kiện về tình hình văn hóa nước nhà, rất có thể ai đó sẽ thật sự ngạc
nhiên trước trường hợp hơi đặc biệt như thế của Phạm Quang Trung.
Riêng tôi, đã có dịp gặp và
thăm anh ở Đà Lạt, trong cái lạnh se se của buổi chiều chạng vạng, tôi không
nhìn thấy ở anh cái vẻ hãnh tiến hoặc kiêu kỳ mà chúng ta vẫn thường nhận ra một
cách dễ dàng với một số người khác. Cảm nhận đó khá quan trọng để tôi có thể
bình tâm đọc những cuốn sách của anh mà không phải bứt rứt về động cơ viết sách
nhằm gặt hái sự nổi tiếng của con người này. Anh ham viết vậy thôi, viết như một
tình cảm thôi thúc và như một phương cách để tự hoàn thiện mình trong mối quan
hệ nhân quả văn – người. Không phải chỉ một lần chúng tôi đã nói chuyện với
nhau về tình hình lý luận, phê bình văn học của nước nhà, hay đúng hơn tôi nghe
anh tâm sự về sự cần thiết phải có một đội ngũ lý luận, phê bình văn học trẻ,
ngay bây giờ chứ lo rằng chẳng mấy chốc những cây viết lớn tuổi sẽ ra đi hoặc
xuống sức. Thực ra về chuyện này tôi đã được nghe rất nhiều lần từ những nhà
văn khác, song nếu những thổ lộ như vậy phát ra từ một nơi chốn xa xôi như thế
này thì có nghĩa là bản thân nó cũng có giá trị nhất định về yếu tố vùng, khu vực
và đúng ra những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo văn học cần có sự quan
tâm sâu hơn nữa đến thổ lộ ấy. Và ở một tầm nhìn khái quát, tâm tư mong mỏi của
Phạm Quang Trung đối với vấn đề lý luận, phê bình văn học được rút tỉa theo
kinh nghiệm sống và nghiên cứu của anh: “Phê bình ở nước ta cần nhanh nhạy như
báo chí, lôi cuốn như văn chương và thuyết phục như khoa học”.
Mà không chỉ có phê bình, những
trăn trở của anh cũng không thể không hướng đến tình hình sáng tác trẻ hiện nay,
những điều mà Nhà nước ta cần chú ý hơn trong những cuộc thi văn chương, hoặc
như một nhận xét của G.G.Máckết mà anh có lần đã trích dẫn: “Hiện nay các nhà
văn đang sa vào cơn hiểm nghèo trầm trọng khi họ tự đặt ra cho mình nhiệm vụ
giành chiến thắng trong các cuộc thi văn chương... Các cuộc thi là sự giúp đỡ
đáng kể. Song các nhà văn đều mang trong mình một nguy cơ: viết để giành chiến
thắng trong các cuộc thi. Từ đó mục đích chỉ quy vào điều này. Viết vội vã cho
kip thời gian quy định. Và chiến thắng trong cuộc thi sẽ là kẻ viết đúng lúc nhất
chứ không phải người có công viết cho hay hơn Cavantes hoặc Shakespeare”. Phải,
cứ nhìn vào những vận động của văn học nước ta trong những năm gần đây thì những
lời có tính chất phiền trách được trích dẫn một cách tượng trưng trên cũng dễ
dàng nhận ra yếu tố ẩn dụ chua chát của nó. Để bổ sung cho cách đánh giá này,
trong bài viết Một căn bệnh chết người dễ lây nhiễm (Tập phê bình -
tiểu luận Sống với văn chương cùng thời), Phạm Quang Trung đã tự nhủ:
“Về phía chủ quan, phải thấy cái tài ở một số nhà văn ta chưa phải đã lớn. Một
người có tài cao bao giờ cũng tự biết mình. Họ không huyênh hoang, khoác lác đã
đành, mà trong thâm tâm họ luôn cảm thấy cái mình đã làm được chẳng đáng là bao
so với những gì được thụ hưởng từ dân tộc, nhân dân và thời đại”. Tôi hoàn toàn
đồng ý với anh về điểm này, vì ít nhất một lý do đơn giản: Phạm Quang Trung
không phải là kẻ hay ba hoa khoác lác, mà ngược lại, có vẻ anh đang dần chín
cho một sự nghiệp lý luận, phê bình văn học có ảnh hưởng tốt đối với nhận thức
xã hội.
Lâu nay, người ta hay nói đến
một hiện tượng lăng xê lẫn nhau giữa một số nhà văn và nhà phê bình, về căn bệnh
“vĩ cuồng” mà chúng ta quả là đã chán ngấy khi phải nghe nhắc tới nó. Đối với
hiện tượng này, sự thể hiện của Phạm Quang Trung không phải ở chỗ thỏa hiệp với
nó mà là một tinh thần phê phán thẳng thắn, và cũng rất quan trọng: phê phán có
tính khoa học và không phải bằng những đánh giá có tính chất chụp mũ, mà thuyết
phục hơn, bằng vào sự phân tích khách quan, hàm chứa cả một lý lẽ triết học và
không ngần ngại sử dụng hệ thống phương pháp luận Mácxít, điều mà một số người
hiện nay đang tỏ ra miễn cưỡng khi đề cập tới. Bởi thế chúng ta có ít nhất một
sự bảo đảm về mặt nhân cách để nói đến Phạm Quang Trung cùng với những tác phẩm
của anh mà không lo lắng về sự khiên cưỡng hoặc thiên vị. Cũng bởi, Phạm Quang
Trung tuy chỉ là một cây viết lý luận, phê bình văn học “trẻ” (tức được xếp vào
khoảng năm chục tuổi), nhưng vốn dĩ đáng quý và cần được trân trọng trong tình
hình ngành lý luận, phê bình văn học nói riêng và xã hội nhân văn nói chung ở
nước ta đang còn trong “giai đoạn thử sức”.
Bổ sung: Đọc những trang viết
của Phạm Quang Trung, trên tạp chí Lang Bian Số 20, Inrasara - Phú Trạm không
ngần ngại viết: “” Lời văn “Ngắn, sắc và rạch ròi – Đó là các phẩm chất toát ra
từ tiểu luận văn chương cuả Phạm Quang Trung. Các bài viết của anh đăng tại rải
rác trên các trang báo từ vài năm qua đã gây cho tối ấn tượng mạnh, đậm… Nhà lý
luạn Phạm Quang Trung hầu như đụng đến tất cả những điểm cốt yếu của vấn đề văn
chương hiện đại Việt Nam. Có mặt ở những điểm nóng, anh góp một tiếng nói
riêng, đĩnh đạc”.
Phạm Chí Dũng
(Báo Văn
hóa và Thể thao, số 103, ra ngày 26/12/2000)
Theo http://www.pqtrung.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét