Như một số điạ phương khác,
tạp chí văn học nghệ thuật của Lâm Đồng nơi tôi đang sống lấy tên ngọn núi cao
nhất vùng làm tên gọi: LangBian. Qua khí thiêng sông núi, chúng ta muốn gửi gắm
khát vọng sáng tạo không cùng của chính mình. Đã nhiều lần, tại các diễn đàn
văn chương lớn, tôi được nghe những tiếng nói chân tình mà da diết xoay quanh nỗi
ao ước: cần sớm có những đỉnh cao trong sáng tạo. Nhà thơ Lò Ngân Sủn chân tình
bộc lộ: “Tác phẩm văn học dân tộc miền núi của chúng ta muốn được cả đất nước
biết đến, muốn được cả thế giới biết đến để cùng đọc, cùng suy ngẫm, ngưỡng mộ
thì phải như các hoa hậu, á hậu” (1-1). Còn vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật
Sơn La - Đinh Ân thì nói một cách ví von: “Làm thế nào để
vượt qua khói bếp nhà sàn ?” (1-2). Có người bảo, đó là đòi hỏi
muôn thuở mà cũng chả riêng gì đối với các nhà văn dân tộc thiểu số, đặt vấn
đề ấy ra xem chừng vu khoát quá! Tôi thì không nghĩ vậy. Đã đành đây là chuyện
của mọi thời, mọi người, nhưng với chúng ta, vào lúc này vẫn là chuyện đáng bàn
nhất. Không ai không thấy những đóng góp về nhiều mặt, đi liền với những trưởng
thành về nhiều mặt của văn chương các dân tộc thiểu số nước ta từ sau Cách mạng
tháng Tám đến nay. Ta hoàn toàn có quyền tự hào về những gì ta đã làm. Nhưng liệu
đánh giá sau của nhà thơ Dương Thuấn đã thật sự thuyết phục mọi người: “Bây giờ
ta có hẳn một đội ngũ nhà văn gồm nhiều dân tộc được cả nước biết đến, tác phẩm
của họ được phổ biến rộng rãi ở trong nước và cả nước ngoài” (1-3). Có lẽ, cần
khe khắt hơn trong việc nhìn nhận những gì đã có, bởi bao giờ nó cũng là tiền đề
cho chúng ta đi tiếp, đi nhanh và xa hơn…
Vậy đâu là những khâu mắc nhất
cần được tháo gỡ? Tôi chỉ xin đi vào hai điểm mà bản thân cho là chính yếu nhất.
1. VẤN ĐỀ SÁNG TÁC BẰNG TIẾNG DÂN TỘC
Chuyện hệ trọng này tưởng đã
được giải quyết, nhưng trong thực tế vẫn còn được đặt ra, có trường hợp không
thể nói là không cấp thiết đến mức nóng bỏng. Xin được đưa ra một ví dụ. Ở ta
có hai nhà thơ dân tộc Dao, một già một trẻ, đó là Bàn Tài Đoàn và Triệu Kim
Văn. Họ có hai cách ứng xử gần như khác nhau đối với việc sáng tác bằng tiếng
dân tộc. Nhà thơ lão thành Bàn Tài Đoàn bao giờ cũng viết bằng tiếng Nôm - Dao
rồi sau đó mới dịch ra tiếng Việt. Nhà thơ Triệu Kim Văn thì quan niệm: “Không
phải chỉ có một cách viết bằng tiếng mẹ đẻ, mà vấn đề là viết bằng lối suy
nghĩ, bằng tâm hồn, bằng trái tim của dân tộc mình, nói được vấn đề mà dân tộc
mình muốn nói” (1-4). Từ đó, anh coi viết thẳng bằng tiếng Việt phổ thông
mà nhà thơ bảo là “đi tắt” làm chính…
Tôi dám chắc không chỉ dân tộc
Dao mới nảy sinh chuyện này. Ý nghĩa phổ biến của nó là điều dễ thấy. Vậy
nên giải quyết sao đây? Trước hết, ta mừng vì không một ai băn khoăn là
nên có hay không bản sắc dân tộc trong sáng tác. Nỗi băn khoăn chỉ là: làm cách
nào để gìn giữ và nâng cao bản sắc dân tộc trong sáng tạo? Ở đây tiếng nói dân
tộc là một nhân tố cực kì quan trọng. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Phương
tiện sáng tác bao giờ cũng có vai trò to lớn trong việc thể hiện nội dung,
không nên và không được phép xem thường. Trên tinh thần đấy, ta hoàn toàn có cơ
sở để quý trọng những bài thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài
Đoàn, Cầm Biêu, Vương Trung… Một số nhà thơ lớp sau cũng theo gương sáng của
các bậc tiền bối như Lò Ngân Sủn, Triệu Lam Châu… Cần khuyến khích hướng đi
giàu triển vọng này. Ngay cả khi do những lý do nào đấy nhà thơ, nhà văn dân tộc
thiểu số viết bằng tiếng Việt, thì cái vốn tiếng mẹ đẻ quý giá kia vẫn sẽ giúp
ích rất nhiều cho người cầm bút. Sáng tạo văn chương là thế, kỳ lạ lắm. Trong
đó tình yêu tiếng mẹ đẻ từ máu thịt bao giờ cũng tiếp sức sống cho từng con chữ.
Đó là một mặt của vấn đề, có
lẽ dễ thống nhất giữa chúng ta. Mặt khác, tôi nghĩ, yếu tố quyết định làm nên bản
sắc dân tộc trong sáng tạo lại là ở cách nhìn, lối cảm, kiểu nghĩ dân tộc.
Bài Bóng cây Kơnia luôn gợi cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Thời
tôi còn học phổ thông, bài thơ được chú giải là dân ca Hơrê. Giờ thì ai cũng rõ
đó là bài thơ của Ngọc Anh - một nhà thơ dân tộc Kinh. Tôi còn biết tới một trường
hợp khác - nhà văn Ngọc Phượng. Chị có tập truyện Nàng Hêrat rất là…
Khmer. Đến giờ không ít người còn lầm chị là nhà văn người Khmer. Tôi không
quên lời kết thúc bài phát biểu tại cuộc gặp mặt các nhà văn dân tộc thiểu số
tháng 9 năm 1995: “Phần tôi, bao giờ cũng mong muốn được đứng trong lòng dân tộc
này để hòa chung tiếng nói đã là tình cảm thiết thân suốt cuộc đời tôi” (1-5).
Từ đó, tôi có thể chia sẻ với
tâm sự ở trên của nhà thơ Triệu Kim Văn. Tuy tôi không cho rằng làm thơ, viết
văn bằng tiếng Việt (tiếng Việt chứ không phải tiếng Kinh như một vài người
quen gọi) là “đi tắt”. Ở đây có vấn đề quan niệm. Thiệt tình, tôi không thật hiểu
một số người cầm bút tại sao lại xem tiếng Việt là một thứ ngoại ngữ. Tiếng Việt
xa lạ với họ vậy sao? Tôi xin được dẫn ra ý kiến của nhà thơ Đaghextan Raxun
Gamzatov - người rất được các nhà văn dân tộc thiểu số ở ta tôn sùng. Trong lời
Tựa tập thơ Những ngôi sao xa, ông bộc bạch: “Tôi - con một dân tộc
nhỏ nhưng kiêu hãnh. Về số dân, như người ta vẫn nói, cả dân tộc tôi có thể nằm
gọn trong lòng bàn tay. Chỉ có hai mươi lăm nghìn người Ava trên trái đất…Từ rất
trẻ, con trai của dân tộc tôi đã phải cầm vũ khí trong tay, ít khi được buông
xuống cầm bút. Nhưng tôi may mắn được sinh ra vào lúc người Ava chúng tôi đã có
thể yên tâm treo dao găm lên tường, không còn lo kẻ thù bất ngờ kéo đến. Tổ quốc
của chúng tôi đã trở thành đất nước Xô Viết vĩ đại. Bố tôi - nhà thơ nhân dân
Đaghextan, Gamzat Xađax - đã viết những bài thơ hay nhất về nó. Và cùng với
số phận vĩ đại của nó là thơ của tôi, nỗi buồn và niềm vui của tôi” (2). Do vậy,
mỗi nhà văn dân tộc thiểu số chúng ta đều có thể học Raxun Gamzatov mà nói rằng:
chúng ta có hai dân tộc - dân tộc sinh ra ta và dân tộc Việt Nam yêu
dấu của hết thảy chúng ta. Chớ nên coi tiếng Việt là một thứ ngoại ngữ để rồi ứng
xử với nó như một thứ ngoại ngữ xa lạ cho dầu là một thứ ngoại ngữ thiết yếu.
Trong nhiều lý do tôi quý
thơ Inrasara - Phú Trạm có lý do này. Lịch sử để lại bao chuyện ngang trái
trong quan hệ Kinh - Chăm. Inrasara - Phú Trạm đã tự mình vượt qua bao trở ngại
lớn nhỏ để có được cái nhìn sáng sủa mà thực tế và đúng đắn của thời đại mới. Để
nhà thơ kiêu hãnh được mang hai tên, như từng viết thơ bằng hai thứ tiếng,
cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Và còn để những vần thơ vang lên sang sảng trong
bản trường ca có tên là Quê hương, như:
Ôi quê hương!
Quê hương
Hơi thở từ không hư lớn dậy
đến vô cùng
Hơi thở trầm sâu tạo hình đất
nước
Giữa đêm tối dày mò “đất nước
hình tia chớp”
Trong ánh sáng vờ oà, đất nước
đậm nổi đường cong
xanh
Châu thổ vàng hai đầu - đòn
gánh miền Trung
Thơ Lương Định được in hằn bởi
một cá tính sáng tạo khá sâu và mạnh. Nhiều vần thơ gây được ấn tượng cho chúng
ta hy vọng vào những chặng đường thơ kế theo của anh. Duy sự giao hòa giữa “bài
ca riêng” với “bài ca chung” vẫn còn khiến nhiều người e ngại. Thơ anh có xu hướng
khoét sâu vào nỗi buồn tha hương. Nhiều câu âm âm một nỗi buồn đau không dứt:
Nửa đời tôi sống con tim
Nửa trong quằn quại nửa tìm
yên vui
Nửa đi đất khách quê người
Nửa về tạ lỗi núi đồi mẹ cha
(Một nửa)
Bất giác tôi cứ muốn hỏi
anh: lẽ nào cái phần đất nước rộng lớn góp phần làm nên hồn anh
và thơ anh lại xa lạ, cách biệt đến vậy? Có thể hiểu đây chỉ là cái cớ
giúp anh hướng về lũng núi quê hương. Nhưng có lẽ ở đây anh đã đẩy cái tôi đi
quá xa chăng?
2. CẦN VƯỢT THOÁT KHỎI
TẦM NHÌN HẠN HẸP
Nhà thơ Vương Anh có lần tâm
sự: “Cha tôi dẫu là nhà nho nghèo, là người Mường nho học chút ít, nên người
nói rất nghiêm trang… Tôi không trách gia tài người để lại cho con cái chỉ vỏn
vẹn một cái siêu đồng, đấu giá bán với vài mươi hào. Tôi ơn người để lại cái
câu di chúc: “Hãy học đi để chân biết nhìn!” (1-6). Đúng, lời nhắn gửi ấy của
người cha quý hơn mọi thứ trên đời. Nó có giá trị như một sự định hướng lớn. Những
ai từng lầm lẫn mới thấm thía cái giá của hướng đi vốn quyết định tới mọi thành
đạt trên đường đời và cả đường văn.
Trong số các nhà văn dân tộc
thiểu số tôi được gặp và may mắn kết thân có nhiều người khiến tôi cảm phục bởi
cái chí lớn cứ như Đăm Xăn hăm hở đi bắt nữ thần mặt trời làm vợ dẫu biết rõ rất
nhiều thách thức ở phía trước. Họ luôn ấp ủ những dự đồ sáng tạo táo bạo. Và họ
không quản cực nhọc dốc tâm, dốc trí, dốc sức để thực hiện chúng. Họ học tập mọi
người cả những nhà văn lớp trước lẫn các bạn văn cùng thời cùng lứa. Họ trau dồi
nghề viết không biết mệt mỏi. Họ sẵn lòng xé bỏ hàng tập bản thảo dày cộp khi
không thấy hài lòng để lại bắt đầu từ trang giấy trắng phau. Họ chú trọng
trang bị lý luận sáng tác coi như một thứ tiềm năng không thể thiếu làm nên sức
bật mới. Đọc văn Ma Trường Nguyên tôi biết anh từng nghiền ngẫm thi pháp M.
Bakhtin. Giọng điệu đa thanh của tiểu thuyết hiện đại đang thẩm thấu vào nhiều
trang văn xuôi của anh cùng bao cây bút khác. Tôi cũng rất mừng khi được biết
Lò Ngân Sủn từng gối đầu lên Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Thi học
cổ điển Trung Hoa rất thâm thúy. Đọc, hiểu, và vận dụng được đâu có dễ. Nhưng
trong nghệ thuật nào có con đường thênh thang. Và tôi biết trong những thành
công được nhiều người thừa nhận của anh có công sức anh bỏ ra hàng ngày lần từng
bước trên vách đá để tìm đến với nhân loại. Lần đầu đọc bài Nàng của
Lò Ngân Sủn tôi hoàn toàn bị chinh phục:
Cha mẹ sinh ra nàng
Gọi nàng là người con gái
Nghệ thuật sinh ra nàng
Gọi nàng là thần vệ nữ
Nàng sinh ra lần thứ nhất-
để chết
Dương Thuấn cũng có nhiền
bài thơ mang sức khái quát cao buộc người đọc phải ngẫm nghĩ, như bài Đàn
ông đàn bà: Đàn ông/ Như vạt trầm/ Càng cũ lại càng thơm/ Đàn
bà/ Như bờ mương/ Lúa gặt rồi rậm cỏ.
Có thể kể ra nhiều, rất nhiều
những bài thơ hay có sức rung động và sức lan tỏa như vậy. Các nhà văn, nhà thơ
của chúng ta đủ tự tin để chẳng phải ganh đua với ai trừ việc ganh đua với
chính mình. Tuy nhiên, tôi còn gặp những cây bút khác chưa hẳn đã hết mặc cảm tự
ti. Họ cứ thích yêu cầu người khác chiếu cố đến mình. Trong đánh giá nghệ thuật,
không nên và không thể ban ơn. Tạo điều kiện cho nhau, giúp nhau trên tình đồng
nghiệp thì được, bao nhiêu cũng không đủ. Mong mỏi sự gia ân của người khác thì
chớ nên. Thẩm định nghệ thuật là việc của thời gian và công chúng. Chả ai được
quyền ban phát chân lý. Chờ đợi vào điều không thể là không tưởng. Mà lòng tự
trọng cũng không cho phép. Tôi nghĩ ta cần sống bằng thực tài của mình. Ai chẳng
thích được khen, vấn đề là lời khen ấy ra sao, và vì thế có hữu ích hay không. Ở
đời chả thiếu gì kẻ “chết” (“chết” thật sự theo nghĩa đen) bởi những lời bốc
thơm không đâu ấy đấy.
Tôi còn muốn nhấn mạnh tới
một khía cạnh khác của vấn đề. Đó là sự bình đẳng. Khi còn phân biệt là còn thiếu
bình đẳng. Dạo mới sang Liên Xô vào năm 1981, tôi có để ý tới chuyện này. Trường
tôi thực tập lúc ấy có nhiều cán bộ khoa học thuộc các nước cộng hòa vùng Trung
Á đến bồi dưỡng. Mỗi tầng chỉ có một phòng xem tivi chung, tối đến thường đông
người. Các bạn Nga có thói quen nhường chỗ cho tôi và các thực tập sinh
Kazacxtan. Tôi không thấy vui mà thấy ngường ngượng thế nào ấy. Sao các bạn Nga
lại quá quan tâm tới chúng tôi như vậy. Hãy xem bọn tôi như các bạn ấy đi,
chúng tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều… Vì lẽ đó, tôi thích tên tuổi của các
nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số đứng cùng và đứng ngang với những tên tuổi
khác ở trong và ngoài nước. Nào, hãy cùng đọc họ. Có sự khác biệt nào đâu về
trình độ và khuynh hướng. Một lần mở báo Văn nghệ tôi sung sướng đến
trào nước mắt khi đọc chùm thơ của Mai Liễu. Phải nói, chúng đã làm sang
và làm sáng trang thơ. Người ta cứ trở đi trở lại với vấn đề chất lượng của thơ
trong thời mở cửa. Thì đây, hãy đọc đi, ngay trên tờ báo quen thuộc của Hội.
Hàng trăm bài thơ nhợt nhạt vẫn không thể làm tan đi ấn tượng của tôi về các
bài Mùa bông và Bài ca riêng của nhà thơ Mai Liễu.
Đêm giấu tiếng họa mi tìm bạn
ở nơi nào?
Tôi cứ nghĩ tới hòn đá hữu ý
trong tay nhà thơ chao xuống mặt nước xao động trong lòng người đọc. Không
chút vô tình nếu được biết sẽ có nhiều, rất nhiều con sóng lan tỏa sau câu hỏi
hữu tình tưởng như dung dị ấy.
Từ lâu, tôi có thói quen xem
xét nhà văn qua ý thức nghề nghiệp ở họ. Một trong những biểu hiện của ý thức
nghề văn là lòng tin vào vốn liếng sẵn có trong mình. Các nhà văn dân tộc thiểu
số có những cái mà các nhà văn người Kinh có nằm mơ cũng không thấy. Đó là chất
miền núi trong cảm nhận đời sống. Một nhà thơ đã chỉ ra rất đúng rằng: “Rất thô
sơ mà trong trắng, tự nhiên như tiếng lá rừng cây, như tiếng suối chảy. Nó giản
đơn mà như hoa nở mùa xuân, lấp lánh như sao trời” (1-7). Tôi còn bắt gặp chất
núi rừng thân thuộc và quý giá kia trong một bài thơ của anh Nguyễn Khôi - người
Kinh mà gắn bó với đời sống người dân tộc như bất cứ người dân tộc thiểu số
nào. Bài thơ bốn câu với tựa đề Trưa rừng ấy:
Trưa rừng ấy cùng em nằm yên
ả
Mây trời xanh cây lá cả ngàn
xanh
Chỉ có nắng ở trên lưng ngọ
nguậy
Con ong vàng ve vẩy mắt long
lanh
Nói vậy, không phải đội ngũ
các cây bút dân tộc thiểu số chúng ta không còn cái yếu và cái thiếu. Đó chủ yếu
là gì vậy? Tôi nhận ra khá rõ điều ấy khi đọc ý kiến tưởng như “sách vở” sau của
nhà thơ Triều Ân: “Yêu cầu về nhận thức, về tư tưởng, về tâm hồn của nhà
văn thật cao, đó là sự đòi hỏi cần thiết cấp thiết về nghề nghiệp” (1-8).
Và đây nữa, suy nghĩ của nhà văn người Êđê H’linh Niê: “Phải chăng điều ấy xuất
phát từ cấp độ văn hóa?” (1-9). Hãy cứ đọc, chẳng hạn, văn xuôi của một số các
cây bút dân tộc thiểu số thì sẽ thấy sự thể thế nào. Tài liệu ngồn ngộn; sắc
thái dân tộc đậm đà; ngôn ngữ khá giàu có… Vậy tại sao chưa đọng, chưa sâu,
chưa cao, chưa lay động như cần phải có? Mọi chuyện có lẽ tùy thuộc ở khả năng
xử lý chất liệu theo một ý tưởng nghệ thuật có tầm khái quát mang ý nghĩa triết
lý lớn lao. Tôi xin được kể hầu các nhà văn một mẫu mực - có thể nói như
vậy - trong việc thể hiện ý đồ sáng tạo của văn hào Ts. Aitmatôv – người Kiếcghidia.
Ông là nhà văn của Núi đồi và thảo nguyên, chuyên viết về con người và cuộc
sống ở quê hương ông. Nhưng truyện ngắn Con chó khoang chạy ven bờ biển lại
viết về cuộc sống của người Nipkh thuộc miền Đông bắc Xibéria. Chả là ông có một
người bạn vốn là nhà văn đầu tiên của dân tộc Nipkh. Có lần người bạn kể cho
ông nghe một câu chuyện có thật sau đây: “Khi lên bảy tuổi anh ấy ra biển săn hải
cẩu cùng với ba người lớn nữa. Họ lạc trong sương mù dày đặc và mất hết đồ đoàn.
Hơn hai ngày họ bị trôi dạt và hết hy vọng thoát nạn. “Thế là hết” - người ông
của anh ấy nói và bảo mọi người thôi chèo. Lúc ấy một con chim lớn bay qua và
những người trên thuyền chú ý theo dõi hướng bay của nó. Họ chèo theo hướng ấy
và chẳng bao lâu đất liền hiện ra”. Câu chuyện thật xảy ra như vậy, nhưng trong
truyện của mình, Ts. Aitmatôv chỉ cho con chim bay qua bầu trời sau khi đã xảy
ra một loạt bi kịch. Người ông, người bác, cuối cùng là người cha đã lần lượt
nhảy xuống biển để dành giọt nước ngọt cuối cùng cho cậu bé. Nếu cuộc sống còn
tiếp tục thì cậu bé phải là người sống sót. Giải thích về sự hư cấu của mình,
nhà văn nói: “Tôi không viết một truyện mạo hiểm. Tôi muốn mời người đọc suy
nghĩ về những quy luật đạo đức của lòng nhân ái, về lương tâm, bổn phận, tóm lại
về tất cả những gì làm cho con người có tính người”. Và triết lý của truyện ngắn
đã được một nhà phê bình văn chương phát hiện ra: “Con người chỉ sống theo
nghĩa cuộc đời họ được tiếp diễn qua cậu bé chừng nào họ sẵn sàng hy sinh chính
mình” (3). Mượn ý thơ của Dương Thuấn, tôi muốn nói: tắm nước suối, anh mới là
người của làng bản, tắm nước sông, anh trở thành người của quốc gia, và: Đóng
con tàu đi ra bể/ Tắm giữa đại dương/ Mới thành người muôn nơi.
Để kết thúc, cho phép tôi được
đặt niềm tin tưởng vào sự thành đạt của những nhà văn dân tộc thiểu số và sự thịnh
vượng của nền văn chương dân tộc thiểu số trong nền văn chương dân tộc - hiện đại
Việt Nam khi bước vào thiên niên kỷ mới.
(1) Nhiều tác giả – Tiếng nói các nhà văn dân tộc thiểu số, Nxb Văn hoá Dân tộc,
H., 1998. (1-1) tr.133; (1-2) tr.55; (1-3) tr.167; (1-4) tr.178 và
tr.179; (1-5) tr.105; (1-6) tr.40; (1-7) tr.132; (1-8) tr.52; (1-9) tr.86.
(2) Eđuardax Megielaitix và Raxun Gamzatôp – Con người và những ngôi sao xa,
Nxb Lao động, H., 1983, tr. 68 và tr.69.
(3) Nhiều tác giả – Nhà văn bàn về nghề văn, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam
- Đà Nẵng xuất bản, 1983, tr.20 và tr.21.
Đà Lạt, 24/5/1999
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét