Nhà máy thủy điện biến năng
lượng của nước thành năng lượng điện, điều này có lẽ học sinh nào cũng biết.
Tuy nhiên, việc xây dựng, vận hành một nhà máy thủy điện như thế nào, sự ảnh hưởng
tới môi trường sinh thái và các ngành kinh tế khác của vùng ra sao thì không phải
ai cũng biết. Do vậy, trong dự án dã ngoại liên môn giữa môn Vật Lí và Địa Lí,
thầy và trò trường Trung học Wellspring đã có một chuyến thực tế tới Nhà máy Thủy
điện Hòa Bình vào ngày 27/02 vừa qua.
Cách trường Wellspring khoảng
90km về phía Tây Bắc, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình,
tỉnh Hòa Bình trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam.
Bước chân xuống khu vực nhà
khách của nhà máy đồng hồ điểm 11h10’. Đoàn chúng tôi gồm 80 học sinh và 7 thầy
cô giáo ai cũng thấy mệt và đói. Nhưng cảm giác này không có cơ hội tồn tại lâu
bởi vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ nơi đây làm chúng tôi bừng tỉnh và cảm thấy thích
thú. Lần đầu tiên tôi được nhìn gần như thế các cột điện cao áp dày đặc bên sườn
một quả núi to đồ sộ. Các bạn học sinh bắt đầu chỉ chỏ phân tích cho nhau nghe
sự hiểu biết của mình với lĩnh vực truyền tải điện năng đi xa.
Chúng tôi biết, với công suất
thiết kế 1920 MW, mỗi năm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hòa lưới điện quốc gia khoảng
8,16 tỉ kWh, chiếm 10% lượng điện cả nước. Với tám tổ máy vận hành riêng biệt bắt
đầu đi vào hoạt động từ năm 1988 (tổ máy 1) và hoàn thiện năm 1994 (8 tổ máy).
Điều đặc biệt tạo nên dấu ấn riêng của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở chỗ, toàn bộ
tám tổ máy và nhà điều hành hoàn toàn nằm trong lòng của một quả núi.
Đi bộ vào con đường hầm to,
rộng và sạch sẽ với lung linh ánh đèn tôi thật sự thấy ngỡ ngàng khâm phục tinh
thần và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân cùng xây dựng nhà máy này. Để
có được gần 20km đường hầm khang trang, thông suốt giữa khu vận hành và các tổ
máy với chỉ những mũi khoan đá thông thường, bao nhiêu con người đã ngày đêm lao
động và cống hiến.
Đường hầm vào khu đặt các tổ
máy
Tiến sâu vào đường hầm,
chúng tôi được các kĩ sư đang trực ở đây dẫn đi thăm quan các tổ máy, các phòng
trực và khu đặt các tuabin. Mọi thứ được sắp đặt gọn gàng, quy củ.
Nhà điều hành các tổ máy
Các bạn học sinh vừa
tranh thủ nghe vừa chụp lại những hình ảnh đẹp. Có vẻ như các bạn ấy đã hiểu
hơn về kiến thức từng được học trên lớp.
Sau bữa cơm trưa, đoàn chúng
tôi theo chân cô hướng dẫn viên của nhà máy di chuyển bằng ô tô tới tượng đài
Bác Hồ. Ô tô lăn bánh chậm dãi trên con đường sạch đẹp. Nó là con đường nhựa
bình thường giống bao con đường khác nhưng chỉ khi chúng tôi nhìn sang hai bên
mới thực thấy điều kì diệu. Con đường này chính là bờ đập ngăn dòng sông Đà nối
liền hai quả núi lớn. Cảnh tượng hai bên đập thật hùng vĩ. Một sự hòa quyện nhịp
nhàng, tuyệt vời gữa tự nhiên và con người. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ví sông
Đà như một con ma cà rồng đầy hung hăng, dữ tợn. Nhưng giờ đây, trước mắt chúng
tôi con sông Đà thật dịu dàng, hiền hòa. Nó nhẹ nhàng, mềm mại êm ả chảy men
theo những quả núi bên cạnh con đập hùng vĩ tạo nên vẻ đẹp nên thơ cho khung cảnh
nơi đây.
Chúng tôi đi từ ngỡ ngàng
này tới bất ngờ khác khi biết con đập cao 128m, dài 734m này chỉ làm hoàn toàn
bằng đất, đá và bê tông. Gần 50 triệu mét khối đất, đá được đổ vào con đập với
hơn sáu vạn người làm suốt 15 năm dòng dã. Bạn có hình dung được không, lượng đất
đá để làm con đập này có thể đắp thành một con đường rộng 1m cao 1m từ Hà Nội
vào Tp HCM. Lặng người đi với những con số ấn tượng, trong tôi khi đó dâng trào
cảm xúc ngưỡng mộ khâm phục tới hàng nghìn kĩ sư, công nhân đã tham gia xây dựng
công trình nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ này.
Con đập chuyển thế năng của
nước thành điện năng thông qua các tua bin. Nhưng nó còn vô cùng ý nghĩa tới nền
nông nghiệp nước ta, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng. Nó chặn ngang
dòng sông Đà, do vậy ngăn lũ lụt, thiên tai xảy ra với các tỉnh đồng bằng
bắc bô trong đó có thủ độ Hà Nội. Mặt khác, việc tích trữ nước và xả có kế
hoạch vào thời điểm tưới tiêu, con đập này đã mang lại lợi ích to lớn trong nền
nông nghiệp Việt Nam và các ngành kinh tế khác.
Cuốn theo câu chuyện của cô
hướng dẫn viên có giọng nói êm nhẹ, truyền cảm. Chỉ vài phút di chuyển, đoàn
chúng tôi đã có mặt tại chân núi Tượng, nơi đặt tượng đài bác Hồ vĩ đại. Leo
hơn 100 bậc thang, đặt bó hoa thắp hương dâng Bác, thầy trò chúng tôi dạo bộ
xung quanh sân dưới tượng đài, hòa mình vào không khí trong lành, khung cảnh
yên bình của tự nhiên và con người nơi đây.
Tượng đài bác Hồ trên núi Tượng
Năm 1960 trong một lần di
chuyển bằng thuyền trên sông Đà, bác đã chỉ tay xuống dòng sông và nói: “Phải
biến thủy tặc thành thủy lợi. Mục đích cuối cùng phải chinh phục dòng sông có lợi
ích lâu dài cho toàn dân”. Điều trăn trở, mong muốn của Bác đã thành hiện thực.
Ngày 09/01/1986 chúng ta đã chính thức ngăn được dòng chảy sông Đà lần hai để bắt
đầu xây dựng đập. Để tưởng nhớ Người và muốn lưu giữ câu chuyện lịch sử này cho
mãi mãi thế hệ sau, tượng đài Bác cao 18 mét, nặng hơn 400 tấn đã được đặt tại
đỉnh núi Tượng trong quần thể Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Hình ảnh Bác sừng sững,
hiên ngang trên đỉnh một quả núi hướng về công trình thế kỉ bên cạnh dòng sông
Đà hùng vĩ quả là một tuyệt tác.
Đứng ở độ cao 128 mét so với
mực nước biển, thu vào tầm mắt của mỗi chúng tôi là hình ảnh con sông Đà quanh
co theo các dãy núi êm đềm chảy, con đập vững chãi, mạnh mẽ như rất ý thức trách
nhiệm của mình, cùng thành phố Hòa Bình xinh đẹp đang ngày một phát triển.
Một góc thành phố Hòa Bình
Có lẽ không nơi đâu sự hòa quyện giữa con người và tự nhiên lại đẹp như nơi
đây. Sảng khoái, thư giãn kèm theo niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc làm đoàn
chúng tôi lưu luyến khi bước xuống từng bậc thang để tạm biệt ra về.
Khối bê tông bảo vệ “bức thư
thế kỉ”
Trên đường về, đi ngang qua
nhà di tích của nhà máy, chúng tôi được cô hướng dẫn viên chỉ cho nơi đặt “bức
thư thế kỉ”. Năm 2100 bức thư trong khối bê tông nặng hơn 10 tấn kia sẽ được mở
ra. Nội dung không phải là điều bí mật, nhưng ý tưởng này đã làm cho bức thư trở
nên thiêng liêng. Những con số trong đó sẽ là kì tích, những con người trong
đó, trong công cuộc xây dựng công trình thủy điện thế kỉ này sẽ là kì nhân. Sự
cống hiến và hi sinh của thế hệ cha anh nơi đây sẽ được con cháu thế hệ sau đời
đời nhớ tới. 168 con người đã vĩnh viễn vùi xương trong lòng núi, dưới đáy
sông. Sự mất mát này không có gì bù đắp được. Nhưng tôi tin họ sẽ mỉm cười vì
không những họ đã để lại cho người, cho đời một công trình vĩ đại đầy ý nghĩa
mà nó còn đang phát triển không ngừng.
Không biết là vô tình hay hữu
ý khi cô hướng dẫn viên chia sẽ “bức thư thế kỉ” để khép lại chuyến thăm quan học
tập của thầy trò chúng tôi. Ngồi trên xe về thủ đô, mỗi chúng tôi đều lặng đi với
một khoảng suy nghĩ riêng. Nhưng có lẽ, ai cũng thấy được sự may mắn của mình
khi được hưởng thụ những thành quả này, ai cũng thầm cảm ơn, ai cũng thầm tự nhủ
phải nỗ lực, phải cố gắng và phải sống có trách nhiệm hơn nữa với chính mình với
gia đình và xã hội.
Nguyễn Thị Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét