Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Chất thơ trong "Thành phố thấp thoáng"

Chất thơ trong "Thành phố thấp thoáng"
Xuân Thiều lấy văn xuôi làm nghiệp chính, nhưng thỉnh thoảng, như một đòi hỏi nội tâm không thể cưỡng nổi, ông còn làm thơ. Năm 1973, ông cho in tập Trước giờ ra trận, và mới đây vào năm 1998, tập Và nỗi nhớ của ông ra đời. “Với tôi, thơ là nỗi nhớ”, ông giải thích lên tập thơ của mình như vậy. Và quả thật, thơ là mối duyên đầu sâu đậm không thể phai mờ trong ông. Sau này, khi đã thật sự khẳng định mình trong văn xuôi, “nỗi nhớ” không nguôi ấy đôi lúc lại vật vã trở mình... Đó là lẽ thường tình! Cũng là thường tình Khi ta nhớ, mưa giăng mờ núi biếc...  (Gửi em). Tôi muốn nói tới chất thơ trong nhiều trang văn xuôi của Xuân Thiều – chính nó góp thêm một nhân tố định hình phong cách riêng của ông.
Có điều kiện đọc những truyện vừa và truyện dài của Xuân Thiều, tôi thấy chưa khi nào con người thi sĩ ẩn trong con người văn sĩ của ông lại có dịp bộc lộ đến tận cùng như khi viết Thành phố thấp thoáng. Phải chăng vì Đà Lạt – “thành phố sương mù”, “thành phố mộng mơ”, là mạch chính của câu chuyện tình và là nền chung cho sự hiện hữu của các nhân vật trong truyện?
Thành phố thấp thoáng kể về mối tình éo le không thành của Bích và Trinh. Mối tình xứng đôi của họ nảy nở trong dịp Bích cùng Trung đoàn 569 của mình tham gia chiến dịch chống di cư vào Nam ở Nghệ An sau 1954. Họ yêu nhau tự nguyện và chân thành. Song do nhiều nguyên nhân, khách quan có mà chủ quan cũng có, họ không thể nên vợ nên chồng. Để rồi tại Đà Lạt 20 năm sau, họ gặp nhau trong sự ngỡ ngàng với bao kỷ niệm đẹp đẽ mà đắng cay của mối tình thời trẻ. Lúc này Bích đã ly dị vợ, còn Trinh đã là một góa phụ, vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm của người đàn bà bước vào tuổi hồi xuân... Nhưng rồi họ không thể “tái hồi Kim Kiều” bởi như Bích nói: “Cái gì chứ tình yêu đã để mất đi thì khó bề tìm lại được cho nguyên vẹn”.
Chuyện thì đơn giản chỉ vậy. Có điều, vấn đề xã hội của truyện Thành phố thấp thoáng thì lại không đơn giản chút nào. Xuân Thiều viết truyện vừa này vào những năm sau 1975. Cuộc sống ngổn ngang bao điều, đòi hỏi phải giải quyết; cái mới và cái cũ cùng hiện hữu, tranh chấp ở khắp mọi nơi. Thật âm thầm mà cũng thật quyết liệt. Bao điều đang giã từ và bao điều đang manh nha theo quy luật tự nhiên của đời sống. Đúng là một thời “thấp thoáng”...
Ngòi bút Xuân Thiều tập trung khám phá bản chất của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam – người chiến thắng trong cuộc chiến lịch sử vừa kết thúc. Họ quả cảm, lẫm liệt là vậy, nhưng tâm hồn họ cũng giàu có và tinh tế lắm. Cứ xem sự cảm nhận của họ trước thiên nhiên Đà Lạt cũng đủ rõ. Và ở đây, chất thơ của truyện có cơ sở phát lộ như thứ sương mờ mờ ảo ảo của Đà Lạt bao phủ lên nhiều chi tiết trọng yếu tạo nên sức quyến rũ đặc biệt của Thành phố thấp thoáng.
Người ta gọi Đà Lạt là “Thành phố hoa”. Không đâu trên đất nước ta lại có nhiều loài hoa, mà loài nào cũng có vẻ đẹp riêng như ở đây. Sắc màu và hương thơm của hoa Đà Lạt lạ lắm, tự nhiên lắm, cứ như đất ấy, trời ấy phải có hoa ấy vậy. Đây là những chùm hoa bướm “lúc nào cũng rung rinh như chính chúng phát ra tiếng rì rào chứ không phải là những đồi thông bắt gió ngoài xa” trong cảm giác của nhân vật người kể chuyện vốn là một trung tá quân đội. Ông còn kinh ngạc trước một loài hoa có tên là Trạng nguyên, chúng “cao bằng tầm đầu người, lá xòe đều, càng lên cao càng vén lại thánh chòm, lạ nhất là cũng thứ lá màu xanh ấy nhưng đã trở nên đỏ thắm phía trên chòm”. Ông nhận xét rất đúng rằng đó là “lá chứ không phải là hoa, nhưng gọi là hoa cũng không sai”. Tôi, một người Đà Lạt, thật sự thích thú trước liên tưởng sau của ông: “Hoa Trạng nguyên! Tuyệt thật! Cái tên gọi mới thông minh làm sao! Nó mang hình tượng một con người đội vòng nguyệt quế đỏ thắm trên đầu. Nó còn biểu thị một cái gì đó chỉ ở trên đỉnh cao rực rỡ”. Kể ra ở vùng núi phía Bắc đất nước như ở Sơn La cũng có thứ cây – hoa loại này, không như nhân vật Xuân Thiều từng nghĩ. Trong nhiều bài thơ của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm ở đây có hình ảnh của nó nhưng với biểu tượng khác: “Nhạn lai hồng”, nghĩa là loài chim nhạn trở về báo hiệu mùa xuân... Điều tôi muốn nói, ở Đà Lạt, phải liên tưởng như tác giả mới là xác đáng. Cũng vậy, cảm giác của những người lính cách mạng về loài hoa có thể xem là đặc trưng số 1 của Đà Lạt – hoa mimôsa. Nhân vật của Xuân Thiều kể mà không quên biểu lộ cảm nghĩ của mình như các nhà thơ từng làm : “Ngoài đó là một hàng cây “mimôda” gợi cho tôi có cảm giác mơ màng, cảm giác bắt gặp những cặp mắt buồn, tư lự”. Có lẽ ý thức được cái riêng biệt Đà Lạt của loài hoa này nên nhà văn còn nối dài cảm nghĩ qua nhân vật Bích: “Khi tôi bảo hàng cây “mimôda” là cặp mắt buồn tư lự thì anh gật đầu và nói thêm rằng cái cảm giác kia là do từ màu lá cây, đấy là màu sương. Sương bao giờ cũng gợi cái mơ màng ẩn hiện nửa hư nửa thực. Và nếu cây “mi môda” kia không phải là ở Đà Lạt sương mù để hòa với nhau như sự phối âm trong âm nhạc, mà đặt ở Huế, hoặc Hà Nội chẳng hạn, thì ta có cảm giác khác: cảm giác bắt gặp một người ăn diện không hợp tuổi”. Phải thừa nhận sự tinh nhạy của lời nhận xét này. Tôi còn muốn lưu ý đến cái lẽ đời thấm sâu trong câu nói ấy nữa. Thì ra, người lính cách mạng không chối từ cái buồn, lại còn biết giá trị của những vẻ đẹp ẩn chứa nỗi buồn ở bên trong. Xuân Thiều – nhà chính luận từng viết: “Có một thời, chúng ta tưởng rằng chỉ có niềm vui, sự phấn chấn cùng với tiếng cười mới làm cho con người đứng dậy được, vươn lên được. Sự liêm khiết ấy đã tước mất một phần sức mạnh tình cảm con người” (Những giọng văn mới mẻ). Còn Xuân Thiều - nhà thơ? Tôi nhớ tới bài Vô đề  4 câu của ông:
Tôi buồn để biển buồn lây
Dã tràng xe cát hao gầy đêm đêm
Bạc đầu con sóng không yên
Bạc đầu tôi ngẩng mặt lên nhìn trời
Xin đừng tước đi cái quyền được buồn một cách chính đáng nơi con người. Vả chăng, khi không tồn tại cái buồn, nỗi bất hạnh thì liệu còn không phạm trù đối lập trong sự thống nhất với nó là niềm vui và hạnh phúc? Gắn với nỗi buồn là sự cô đơn. Xin trở lại với Thành phố thấp thoáng. Tôi vừa thích thú vừa ngỡ ngàng trước ý nghĩ hóm hỉnh của vị đại tá nọ:
- Anh biết cái đất Đà Lạt này không? Đấy là đất của thơ mộng, của tình yêu. Tôi ở Đà Lạt này lâu rồi, tôi biết. Con người đến đất nay sợ nhất là cô đơn.
Tuy ở Đà Lạt chưa thật lâu, mới gần 20 năm, nhưng tôi xin được xác nhận lời nói của ông. Người ta thường bảo muốn ở Đà Lạt lâu phải có đôi. Ngay những cặp vợ chồng nếu có ý ly dị nhau cũng khó. Được đôi ba bữa, lạnh qua, lẻ loi quá, tự nhiên lại về với nhau. Con người sợ nỗi cô đơn như sợ chính sự lạnh lẽo...
Sự cảm nhận của Xuân Thiều đối với Đà Lạt không dừng lại ở ban ngày, dẫu là một ngày đẹp trời. Nhà văn còn lưu lại nhiều ấn tượng về Đà Lạt - ban đêm. Ông viết: “Đà Lạt về đêm thật ưa nhìn (Ôi! Cứ như đang nhận xét một mỹ nhân nào đấy!). Những ngọn đèn xa gần cao thấp lẫn vào những vì sao. Những vùng ánh sáng thấp thoáng sau rặng cây hoặc bất chợt hiện ra dưới một thung lũng. Có nhiều mảng trời trắng mờ chẳng biết đấy là mặt hồ hay sương trôi. Đường vắng vẻ trải ra dưới ánh điện cao áp gây cảm giác mình vừa lạc vào thế giới huyền bí xa lạ nào”. Đọc những dòng này, chúng tôi – những người Đà Lạt, cứ thấp thỏm một nỗi áy náy: mình đã phát hiện được những gì mới về Đà Lạt để cho nghệ thuật được thăng hoa như bao nghệ sỹ từ nhiều vùng quê khác đến? Món nợ tinh thần luôn thôi thúc những văn nghệ sĩ như tôi. Song, ngẫm cho đến cùng, Đà Lạt đâu chỉ của riêng người Đà Lạt. Đó là mảnh “đất xanh” mà trời đã dâng tặng cho người Việt đó mà!
Có lẽ Xuân Thiều ý thức rõ được sứ mệnh nghệ sĩ – công dân nên ông không hề giới hạn bút lực của mình. Hãy ghi lại thật nhiều, thật đúng, thật đủ như mong mỏi không cùng của lòng mình. Và đây, Đà Lạt hiện lên trong mưa: “Cơn mưa lắc rắc, chúng tôi náu dưới mái hiên hè phố. Chợt thấy những chiếc dù màu ẩn hiện đó đây, nhiều chiếc dù màu thấp thoáng sau rặng thông”. Trong đoạn văn có mưa nhẹ và có những cánh dù màu ẩn hiện giữa chập chùng thông xanh... Thiếu những cái đó, ấn tượng về Đà Lạt sao gọi là đủ đầy! Thế rồi, cảm quan nghệ sĩ của tác giả phóng nhanh về phía trước với những giả định sâu sắc mà cũng thật đáng phải suy ngẫm: “Nếu không còn đồi thông và những chiếc dù màu thì thành phố này có nên gọi là Đà Lạt nữa không? Sẽ trở nên kinh khủng nếu Đà Lạt trơ trụi như thành phố công nghiệp và cư dân ở đây chỉ còn biết đội nón lá áo tơi...”. Mấy chục năm trời đã trôi qua, kể từ khi Xuân Thiều đặt bút viết những dòng chữ này, giờ đây, có dịp nhìn lại, ta càng thấy quý khả năng dự cảm của một người nghệ sĩ giàu tài năng và tấm lòng như ông.
Tất cả những cảm nhận đầy thi vị của Xuân Thiều về Đà Lạt giúp người đọc thấy “khả năng nhận xét tinh tế và tâm hồn đa cảm” không chỉ của Bích, và thật sự đánh tan đi cái định kiến cũ không chỉ của nhân vật – người kể chuyện về những người chỉ huy quân sự “có vẻ thiên về tư duy lô gich chính xác và thường khô cứng, thiếu nhạy cảm trong lĩnh vực tình cảm”. Đó là cơ sở tồn tại của chất thơ đậm đà trong Thành phố thấp thoáng. Đó còn là một đóng góp hiển nhiên của Xuân Thiều vào mảng văn chương viết về thành phố Đà Lạt của chúng ta.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/
                                                     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...