Nhân chuyến về dự ra mắt
Trường ca Thương lắm quê mình của nhà thơ Trần Hồng Giang tại Nam Định, nhà thơ
Chử Thu Hằng đã tặng Trần Mỹ Giống và nhà thơ Lại Quang Phục tập thơ “Cõi
riêng” (NXB Hội Nhà văn, 2012). Theo Trần Mỹ Giống và nhà thơ Lại Quang Phục,
thì bài “Có gì đâu” chưa phải là hay nhất trong tập “Cõi riêng”, mà còn rất nhiều
bài khác hay hơn. Cảm nhận về bài chưa phải là hay nhất, nếu bạn đọc đồng cảm
thì có nghĩa là những bài chưa được giới thiệu còn thú vị hơn nhiều… và sẽ càng
thú vị hơn khi chính bạn đọc khám phá “Cõi riêng” của nhà thơ Chử Thu Hằng…
(Nguồn: Blogtiengviet của Trần Mỹ Giống).
CÓ GÌ ĐÂU
Thơ Chử Thu Hằng
Có gì đâu… Mới chỉ mấy mùa
trăng
Như ảo ảnh… có gì đâu… mà nhớ
Sao ngẩn ngơ hoài như kiếp
này mắc nợ
Sao cứ thắt lòng vì nhung nhớ…
Người ơi
Có bao giờ người thầm nghĩ đến
tôi
Có xót lòng không khi đọc những
dòng thơ- nước mắt
Nghẹn từng câu nỗi đau tôi quặn
thắt
Mà trước người, có dám nói
gì đâu
Chỉ một mình mình vò xé trái
tim đau
Chắt lệ đắng kết thành thơ-
không gửi
Cố giấu lòng mình, sao không
giấu nổi
Run rẩy câu thơ, run rẩy nỗi
niềm
Lời yêu thương cất vào đáy
con tim
Chỉ chực trào dâng, ngàn vạn
lần, bỏng cháy
Cắn chặt môi, ngàn vạn lần,
run rẩy
Đừng, tôi ơi! Xin giữ lại
cho mình
Có gì đâu… đau đáu một chữ
tình
Quay quắt nhớ thương, vụng
thầm hờn dỗi
Đứng trước người, tôi vụng về
bối rối
Ngoảnh mặt đi, sợ cả ánh mắt
nhìn
Có gì đâu… mà làm khổ con
tim
Cứ bối hổi, cứ buồn vui, cay
đắng
Tôi mộng du trong giấc mơ đằng
đẵng
Đau thắt lòng khi thầm lặng
gọi… Người ơi.
LỜI BÌNH CỦA LẠI QUANG PHỤC:
Không ngờ
ngày hội sách của nhà thơ Trần Hồng Giang, một kỳ nhân của đất Nam Định (giới
thiệu trường ca: Thương lắm quê mình) tại nhà hàng cà phê Rôma trên đường Lê Hồng
Phong góc tây nam hồ La Két tp. Nam Định ngày 19-10-2014 lại hoành tráng đông
vui như vậy. Ở đây ta gặp nhiều gương mặt thơ trẻ trên văn đàn hiện nay như Thủy
Hướng Dương, Chử Thu Hằng hay Phạm Phương Thảo v.v… và rất đông Blogers từ nhiều
vùng miền trên cả nước về dự. Nói như nhà thơ Vũ Ngọc Phác: - “Có lẽ phải kể từ
năm 1977 đến nay mới có một ngày hội sách có ý nghĩa và hoành tráng như vậy”…
Trong
ngày hội sách, tôi lần đầu gặp trực tiếp nữ nhà thơ Chử Thu Hằng. Sau cái bắt
tay làm quen, Chử Thu Hằng nói với tôi: “Dầu gì anh và em cũng đã nghe tên, gặp
nhau trên mạng rồi…”. Kiểu quen đó ở thời này chúng ta chấp nhận, vì bây giờ tiếng
nói, hình ảnh có thể vang đến bên kia bán cầu chỉ trong tích tắc… Chử Thu Hằng
tặng tôi tập thơ Cõi riêng. Đọc Cõi riêng càng củng cố cho tôi sự nhận thức về
một nhà thơ nữ có tầm trạng và đang ở giai đoạn phát lộ, tỏa sáng trên văn đàn.
Tôi trân trọng hồn thơ của tác giả qua những câu thơ mà nói như nhà thơ Trần
Đăng Khoa: “Thân xác của vỏ chữ nhìn bằng mắt thì hiện đại, nhưng hồn vía, tâm
hồn lại cổ điển hoang sơ”. (Ngắm Chử Thu Hằng trong Cõi riêng - Trần Đăng
Khoa). Với tôi, nó như những viên đá quý đầy hoạt tính, ngời ngời trong khoảng
không gian đa chiều.
Thoạt đầu
tôi cho rằng: tập thơ Cõi riêng của Chử Thu Hằng là hữu hạn, có một lim đã định
sẵn, một thế giới riêng, một khoảng trời riêng và cái gì cũng riêng cho mình.
Nhưng không,
nhập vào Cõi riêng của Chử Thu Hằng, tôi như gặp biển cả mênh mông, cuồn cuộn
những con sóng đa chiều mê mải vỗ rì rầm thổn thức. Ở đấy, ta gặp một trái tim
mẫn cảm cháy bỏng, rung động trước khát vọng của cái tôi bản thể, liên hồi quẫy
đạp, khiến biển hoang dã tung trào bọt sóng với những ảo ảnh mung lung lạc vào
cõi nhớ xa xăm. Bài thơ “Có gì đâu” như một lời tâm sự và cũng là câu tự trả lời
cho cõi lòng mình đang khát khao đòi hỏi sự bù đắp, sự chia sẻ nâng niu chở che
cho trái tim mẫn cảm mềm yếu. Hồn cốt của bài thơ là sự hoài niệm về một ảo ảnh
rất xa, đã xảy ra và sẽ xảy ra, với những món nợ trong nhau cứ âm thầm chi phối
cùng với sự quăng quật va đập của cuộc đời này, để bắt buộc chúng ta phải suy
nghĩ:
Có gì đâu… mới chỉ mấy mùa
trăng
Như ảo ảnh… Có gì đâu… mà nhớ
Sao ngẩn ngơ hoài như kiếp
này mắc nợ
Sao cứ thắt lòng vì nhung nhớ…
Người ơi.
Trong thực tại,
con người luôn luôn mâu thuẫn giằng co vò xé, đòi giải thoát để tìm về cõi thực.
Vì vậy ngôn ngữ thơ của tác giả thấm đậm nước mắt, tâm can giằng xé… muốn đấy
mà không dám nói ra, bởi có những điều thầm kín “Sống để bụng, chết mang
đi”.
Nghẹn từng câu nỗi đau tôi
quặn thắt
Mà trước người, có dám nói
gì đâu.
Lang thang
trong “Cõi riêng” ấy, gặp “Có gì đâu”, bảo rằng chẳng có gì mà “Sao ngẩn
ngơ hoài như kiếp này mắc nợ… Người ơi!”. Tiếng lòng bật ra, đẩy cái tôi bản thể
trượt trên nấc thang thời gian với bao trăn trở thẳm sâu cùng với sự vò xé, đau
đớn kìm hãm đến độ tê dại, run rẩy, cố giữ lại nỗi trăn trở dằn vặt đầy uẩn
khúc không được bật ra, chấp nhận một mình mình chịu. “Đừng, tôi ơi. Xin
giữ lại cho mình”. Đó là mệnh lệnh của trái tim tự trọng khi hờn dỗi đạt đến
đỉnh điểm. Phải chăng chỉ vì sự vô tình, thờ ơ hay cả sự phản bội nhưng ta cứ
chấp nhận lặng lẽ và chịu đựng, hồn vía thiền đã chi phối nữ thi sỹ bởi chữ Nhẫn
đã khởi phát, trải qua nhiều cung bậc:
“Chắt lệ đắng kết thành thơ
không gửi…”
“Run rẩy câu thơ, run rẩy nỗi
niềm…”
“Lời yêu thương cất vào đáy con
tim…”
“Cắn chặt môi, ngàn vạn lần,
run rẩy…”
Sự kìm nén tưởng chừng bật
máu, quay quắt nỗi niềm thăm thẳm bởi một chữ tình. Vì nợ tình là món nợ nặng
nhất mà khó ai trả nổi. Tôi nợ anh đấy chắc gì đã trả được cho anh hay lại trả
cho người khác. Sự nhầm địa chỉ nhiều khi trở thành nỗi đau thế kỷ neo chặt cuộc
đời. Quy luật ngẫu nhiên này bị chi phối bởi cái duyên nợ ba sinh, bởi nhớ
thương nhiều khi quay quắt mà tiếng vọng không có hồi đáp lửng lơ bay trong cõi
đa chiều. Vì quá xúc động, hay cảm xúc đạt đến đỉnh giới hạn làm người ta luống
cuống vụng về, bối rối, sợ sệt và lảng tránh: “Ngoảnh mặt đi, sợ cả ánh mắt
nhìn”. Đến đây ta cứ tưởng rằng: Phải chăng tác giả đang chạy trốn tìm về ẩn
náu trong cõi sâu thẳm của lòng mình tránh sự đổ vỡ. Tác giả đi tìm câu trả lời
để giải tỏa những khát khao, những giằng xé không hồi kết kia:
Tôi mộng du trong giấc mơ đằng
đẵng
Đau thắt lòng khi thầm lặng
gọi… Người ơi…
Có bao giờ người chợt nhớ đến
tôi?
Ai đó đang tồn tại trong cõi
nhớ của tác giả, đang chi phối tâm thức của tác giả cả trong cõi thực và cõi ảo.
Tiếng gọi Người ơi! vẫn còn vang vọng mãi. Để giải mã điều này quả là khó bởi tất
cả không nằm trong ý chí chủ quan, nó mơ hồ ảo ảnh trong cõi mộng thi ca. Thôi
nàng Thơ hãy cứ kiếm tìm để xoa dịu trái tim đang nhỏ máu…
“Có gì đâu” trong “Cõi
riêng” của Chử Thu Hằng chưa phải là bài thơ hay nhất, nhưng đọc nó, ta gặp một
hồn thơ đầy tâm trạng bi lụy băn khoăn, khao khát thiết tha, giằng co quẫy đạp để
giải thoát khỏi xiềng xích vô hình. Thật tâm trạng. Một lăng kính hội tụ đã được
lắp đặt cho Cõi riêng cái cõi đa chiều không bình yên phẳng lặng, sự vận động của
một tiểu vũ trụ thăm thẳm tình người đang tìm về với không gian mở để giải
thoát. Tác giả đã tạo ra hệ quy chiếu cho riêng mình. Thơ vốn là vậy. “Cõi
riêng” thật ảo diệu, lung linh lan tỏa…
Cảm ơn tác giả.
Cuối thu 2014
Lại Quang Phục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét