Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Nhập vào một cõi thơ

Nhập vào một cõi thơ
Một trong những lời nhắn gửi sau cùng của thi sĩ Yến Lan với những người cùng thời và hậu thế liên quan tới thế hệ các nhà thơ trẻ. Ông bảo hiện giờ người làm thơ thì nhiều mà người tạo được phong cách riêng thì ít. Thật khác với thế hệ của ông. Nhận xét lịch lãm và tâm huyết của Yến Lan đáng để chúng ta suy ngẫm.
Có dịp đọc thơ Trương Nam Hương tôi dám cả quyết là nhà thơ này thuộc trong số ít người làm thơ có bản sắc mà thi sĩ Yến Lan nhắc tới với nhiều kỳ vọng tốt đẹp. Điều này góp phần lý giải cảm giác có thể nói là khá mỹ mãn của tôi khi lần đầu đọc thơ anh. Ấy là bài “Huế và tôi” xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội năm 1989. Bài thơ lục bát trầm tĩnh, sâu lắng mà thanh thoát, cứ như mọi cảm xúc và suy nghĩ về thành phố quê hương chất chứa, dồn nén trong anh từ bao năm, giờ được dịp phát lộ một cách tự nhiên đến không thể cầm giữ nổi. Tôi mừng gọi ríu cả tên/ Mặc cho nước mắt chảy trên nụ cười.
Quả là chân thật và sâu lắng! Có điều đằng sau cái vẻ chân thật và dung dị như đến tận cùng kia là sự khéo léo có thể xem là thuần phục của tay nghề. Nhất là rất đậm và sâu. Dễ gì có thể viết được những câu như sau về núi Ngự Bình: Nỗi đau xưa hóa đá dần/ Tạc lên mặt nét phong trần núi ơi.
Bài thơ hay bởi cái tình nghĩa sâu nặng với miền đất thiêng liêng được gọi là quê hương. Nhưng ở đây tồn tại một nghịch lý khá oái ăm. Khi càng nặng nợ với một vùng đất nào thì ta lại càng khó viết. Ấy là vì phải viết sao cho hay, cho thật hay, để xứng với tấm lòng dạt dào yêu thương và chứa chan ân nghĩa của mình. Đó là lý do tôi quý bài “Huế và tôi” của Trương Nam Hương. Càng quý hơn và có phần ngạc nhiên nữa khi sau này tôi biết anh viết bài thơ này lúc còn rất trẻ, đâu mới ngoài 20 tuổi đời. Để rồi cứ thế cái tên Trương Nam Hương lừng lững nhập thẳng vào dòng chảy của thi ca Việt Nam đương đại vốn không ít những tên tuổi sáng chói. Anh liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng văn học có giá trị và trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn năm 1993.
Trương Nam Hương có hai quê, nội ở thành Huế và ngoại ở Bắc Ninh. Mặc cho trào lưu Phê bình mới ở phương Tây không ngớt xem thường những nhân tố “ngoài văn bản” khi tiếp nhận và lý giải các hiện tượng văn chương, tôi luôn tin rằng thơ, rộng ra là nghệ thuật, không thể ra ngoài dòng chảy của truyền thống và không khí của thời đại. Thơ Trương Nam Hương thật sự xác nhận lòng tin của tôi. Thơ anh có cái nhẹ nhàng mà đằm thắm của Kinh Bắc, có cái tinh tường mà thẳm sâu của Cố Đô. Tất cả đều hòa quyện trong sự nhạy cảm đến ngỡ ngàng của một hồn thơ được kết tụ trong những năm tháng thanh bình của đất nước sau thời kỳ chất chồng bao nỗi đau thương và mất mát do chiến tranh và chia cắt gây ra.
Nếu cần chọn một câu thơ (chỉ một câu thôi!) đáng nhớ nhất (nghĩa là ý nghĩa nhất, hay nhất mà Trương Nam Hương nhất) tôi sẽ không ngần ngại đưa ra câu mở đầu bài “Sông Hồng”: Mỗi đêm ngủ ta mơ thức dậy/ Khẽ quờ tay chạm cát sông Hồng.
Tôi,như nhiều người sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ khác, lớn lến từ nền văn hóa trĩu nặng phù sa của sông Hồng. Xa quê đã lâu mà lòng không nguôi ngoai nỗi nhớ. Và cứ mỗi khi cơn nhớ cồn cào thức dậy là trong tâm trí tôi lại tự nhiên vang lên những dòng thơ giàu sức gợi ấy của Trương Nam Hương. Kể ra về nghĩa tình trước sau như nhất của người dân miền Nam đối với Thủ đô và miền Bắc, người ta thường nhắc tới câu thơ sang sảng của Huỳnh Văn Nghệ ở chiến khu Đ. 1946: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc).
Câu thơ đầy hào khí của một thời đánh giặc và giữ nước. Nó có sức sống bền lâu chính vì lẽ đó. Riêng hai cẫu cũng “nhớ Bắc” của Trương Nam Hương có phần khác, vì được ra trong một thời đại khác và được viết ra bởi một ngòi bút khác. Có thể nói, sự tinh tế và nhạy cảm trong phát hiện, cùng vẻ nhẹ nhàng, dịu dàng trong cảm nghĩ là nét cơ bản làm nên chất thơ Trương Nam Hương.
Xin hãy xem nhà thơ cảu chúng ta cảm nhận thấy những gì khi hướng ra thế giới bên ngoài? Người phương Tây bảo: Đừng xem thường những cái nhỏ nhoi quanh ta, chính Thượng đế sống trong những cái nhỏ nhoi ấy đấy! Tưởng chỉ những nhà văn xuôi, những người luôn coi trọng chi tiết và chi tiết, mới thấm thía điều này. Hóa ra, các nhà thơ, những cái thoảng qua mà phập phồng, tươi rói sự sống cũng cần lắm đấy. Đọc thơ Trương Nam Hương ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh kiểu: Tháng giêng hoa xoan rơi ngần ngại (Lỗi hẹn sông Cầu) và: Cánh chuồn chuồn thấp tháy, thốt nhiên bay (Dòng sông thơ dại).
Bảo có con mắt tinh tường thôi, chưa đủ. Đúng hơn là cần có “con tim tinh tường”. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi: Sao mình cũng sống cũng quan sát đầy ý thức như bao nhà thơ khác mà mình không thấy nhiều như họ thấy. Tiếng Nga (mà có lẽ tiếng nào trên đời cũng vậy!) có hai từ tưởng gần nhau về ý mà thật ra khác nhau về nghĩa: X mốt trit (nhìn) và Vi di ét (thấy). Không phải ai “nhìn” cũng “thấy”, càng không phải ai cũng “thấy”, như các nghệ sĩ. Chính là bởi họ “thiết tha” quan sát hơn người bình thường. Kẻ khách quan lạnh lùng quá chừng mực xa lạ với nhà thơ là vì vậy! Tuy không phải tâm hồn thơ nào cũng biết rung động bởi những cái nhẹ nhàng thoảng qua như Trương Nam Hương: Nón quai thao lẳng gió chờ/ Chiếc khăn hoa lý mưa vờ ướt thôi (Mùa xuân Quan họ).
Nhà Thiền hay nói đến “trực ngộ”, “trực nhận”. Điều này thật hợp với thơ. Muốn “trực ngộ”, “trực nhận” trước cái vô thường của cảnh vật, tình huống mang tính quyết định. Nhờ thế mà thơ có sức gợi – sức gợi có được chủ yếu không ở từ hình ảnh riêng rẽ mà nhờ sự kết nối các hình ảnh tạo nên cái gọi là “không khí”. Nó chính là môi trường sống của thơ. Ý thơ Trương Nam Hương thường tạo dựng theo quy luật chung ấy mà vẫn có cái riêng ở sự xao động, sự giao hòa của từng chi tiết trong hoàn cảnh. Cái “lẳng” của “nón quai thao” trong sự “chờ” của “gió”, vẻ “vờ ướt” của “chiếc khăn hoa lý” trong “mưa” nhẹ của trời. Sự giao hòa không chỉ có ở từng câu mà bắc từ câu này sang câu khác. Chẳng có thể ngăn cách giữa “gió” của câu trên với “mưa” ở câu dưới, tương tự giữa “nón quai thao” và “khăn hoa lý” ở người thiếu nữ trong đêm Quan họ rạo rực lòng người. Dường như đó là nét riêng trong sự cảm nhận của Trương Nam Hương. Xin đưa ra một dẫn dụ khác về tia nắng Hồ Tây giữa một ngày đẹp trời: Mắt nắng nhòe lem ướt đáy hồ (Trước Hồ Tây).
Tâm của nhà thơ chắc phải bình yên lắm mới có thể đón nhận được sự yên ả thinh lặng của muôn vật. Đáng nói là cảnh vật luôn biến ảo trong sự biến ảo khôn cùng của đất trời...
Thanh âm của cuộc đời vang vọng vào thơ Trương Nam Hương thường ở cung trầm và âm nhỏ. Khẽ khàng thì thầm, dễ bỏ qua! Phải thính nhạy lắm mới nhận ra được. Nhưng khi đã nhận ra thì dễ xao động lòng người. Đây là tiếng vủa viên sỏi – vật vô tri: Viên sỏi hát lơ ngơ lời ánh mắt (Trăng mật).
Nói là “lơ ngơ” mà chả một chút “lơ ngơ”. Lời của “ánh mắt” kia mà! Cái thần của “ánh mắt” không ở chỗ tinh tường. Cái thần của nó ở chỗ hữu tình nên cả người viết lẫn người đọc mới không dửng dưng, không thể dửng dưng. Điều này bộc lộ rõ hơn qua tiếng dế yếu ớt hơn một lần xuất hiện trong thơ Trương Nam Hương: Con dế nín hơi chờ tiếng khóc đàn bà (Thiếu nữ buồn); Đèn mông lung tiếng dế hóa thiên thần (Trăng mật).
Nếu có khác chăng chỉ ở mức độ: Trong trường hợp này lòng nâng niu, trân trọng sự sống cao hơn nhiều.
Trương Nam Hương đặc biệt nhạy cảm với mùi hương. Như không giữ được lòng mình anh phải thú nhận: Mải theo em vấp mùi hương dại khờ (Chiều Hà Nội và em).
Tôi không thấy “giật mình” trước sự thảng thốt “giật mình” của Trương Nam Hương: Giật mình khói bếp thơm ngang (Dang quê).
Cũng vậy, không thấy lạ nếu biết căn cớ của nỗi “bàng hoàng” trong anh: Anh bàng hoàng thức dậy bởi làn hương (Đồng vọng).
Ưu thế ấy của Trương Nam Hương làm nên đóng góp của thơ anh vào mảng thơ viết về thành phố mộng mơ – Đà Lạt: Đã nghe thơm quá môi con gái/ Gió phía ngàn thông thấp thoáng sang (Thấp thoáng Đà Lạt).
Không dễ có những đóng góp, dẫu không nhiều, giữa bạt ngàn thi ca như bạt ngàn thông xanh Đà Lạt. Ấy là nhờ sức mạnh của trí tưởng tượng sáng tạo. Để dịp khác nhà thơ có thể cảm nhận được cả những hương vị vô hình – hương vị thời gian: Nồng nàn đêm tháng giêng ơi/ Vầng trăng chờ mật trong môi ái tình (Đêm dịu dàng).
Đọc thơ Trương Nam Hương ta như lạc vào một công viên dịu êm giữa một thành phố ồn ào sôi động chói chang nắng nóng và sắc màu. Ôi! Cái đẹp của thi ca, cái đẹp mỏng manh và yếu ớt như tia nắng và cánh hoa kia, vốn chẳng có khả năng ngăn chặn điều ác ở đời, nhưng lại có thể tiếp sức sống cho con người không thể dửng dưng trước cuộc sống, thêm sức mạnh trong ý chí và hành động, biến những điều tốt đẹp thành thực tế trong tương lai. Đúng như Trang Tử dạy: Thiên hạ dễ thấy ích lợi của những cái hữu dụng mà khó thấy ích lợi của những cái vô dụng. Càng nghĩ càng thấy thấm. Cái đẹp và nghệ thuật là vậy, không thể đem con mắt thường để nhìn nhận ý nghĩa cao xa của chúng.
Đã rõ là những cái thường nhỏ bé, thoảng qua của thế giới bên ngoài dễ dàng có chỗ đứng trong cõi thơ Trương Nam Hương, để lối bộc lộ cảm nghĩ của anh cũng ăn nhập gần như hoàn toàn làm một với lối cảm nhận của anh. “Buông hờ nhát cuốc thanh minh”, bản tính anh ưa nhẹ nhàng, sẽ sàng vậy đấy. Ta ít thấy sự cuống cuồng, sự bạo liệt trong thơ anh, ngay cả khi rơi vào những tâm trạng khó an nhiên bình tâm cho được. Chẳng hạn: nỗi lo sợ. Thói thường sự kích động của ngoại cảnh phải lớn và mạnh mới khiến cho người lo sợ. Ở Trương Nam Hương không thế! Em ngồi sợ rét lấm vào trăng (Lỗi hẹn sông Cầu).
Rồi: Lo em nhan sắc về không có đò (Lời ru năm tháng).
Tưởng chẳng có gì đáng lo đáng sợ mà nhân vật trữ tình vẫn lo vẫn sợ, lo sợ một cách thật lòng, một cách trang trọng. Cái ý thức thường trực của sự hiện tồn hóa ra lại ở ngay trong những cái tưởng vu vơ, vu khoát. Cũng vậy, những nỗi băn khoăn này: Sẽ làm sao nắng ấm ở phương này? (Viết bên thềm heo may); Hoàng hôn sợi tóc biết mềm về đâu (Dáng quê); Mắt mắc nợ một nỗi buồn không chỗ trọ (Thánh thiện).
Tôi nhớ đến Kant. Trong không ít cực đoan, cả lầm lạc nữa, nhà mỹ học người Đức ấy vẫn luôn xứng đáng là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại bởi chính những đóng góp then chốt có tính khai mở của mình về “sự vô tư của cái đẹp”. Để thử sự đúng đắn của chân lý ấy ư? Nào có khó khăn gì! Đời sống thẩm mỹ không hiếm những minh chứng hùng hồn không cần sự bình luận vào thêm. Vậy là con người cần vượt thoát mọi ràng buộc vật chất mới mong hướng tới “vương quốc tự do” của cái đẹp và nghệ thuật. Không phải ta làm ngơ trước sự tồn tại hiển nhiên của cái có ích. Cái chính là biết chế ngự nó để mọi lúc mọi nơi con người có thể ngẩng đầu về phía trước, vươn tới cuộc sống tinh thần thanh cao: Ba mươi tuổi thơ anh òa giọt khóc/ Lúc hôn lên trinh bạch ngực trăng rằng! (Trăng mật).
Người ta có thể khóc trước sự thiếu thốn, đói nghèo về vật chất. Riêng ở đây con người chưa cao hơn con vật. Khóc vì sự mòn mỏi, héo tàn về tinh thần – người bắt đầu khác vật. Tuy chưa phải là cốt lõi của sư lhác biệt vốn rằng trong cái cách thỏa mãn nhưng khao khát lành mạnh, không cùng của con người trong hiểu biết, trong tình yêu, trong sự nghiệp. Vậy nên, câu hỏi sau đây quyết không phải là diệu vợi: Hỏi mùa hoa sữa đi đâu (Chiều Hà Nội và em).
Cả nỗi khẩn khoản ở những lời thỉnh cầu này trong vài Thánh thiện: - Lạy em, xin em đừng xấu hổ/ - Tiếng gà ơi, xin gỡ hộ bàn tay.
Và đây nữa, vẻ mạnh dạn của những lời đề nghị: Em yêu! Khoan kéo trời xanh xuống (Thơ mùa Thu); Ai chỉ giùm tôi dấu chân trẻ dại (Thành phố tuổi thơ).
Người khác có thể lạ, riêng tôi không hề thấy lạ trước “đám cháy” bùng lên trong thơ Trương Nam Hương bởi những nguyên cớ “vu vơ” không đâu: Mắt đầy nghi hoặc, cháy mùa thu! (Thơ mùa Thu).
Cảm xúc mãnh liệt của thơ anh không cách biệt với ý nghĩ, nhưng có lẽ chỉ hợp với “thoáng nghĩ” trước những “khoảng lặng”: Cỏ mềm xanh thót trái tim/ Ta ngồi ngóng khoảng chiều im, thót buồn.
Thơ Trương Nam Hương tựa màu xanh của “cỏ mềm” giữa những “khoảng chiều im” mang mang một nỗi buồn của sương trắng mờ mờ ảo ảo. Trong khi cuộc đời thật sôi động và luôn biến động. Liệu có lạc lõng quá không? Đoạn thơ trong bài “Thoáng nghĩ về cỏ” góp phần đánh tan mối hoài nghi về sự cách biệt của thơ anh với thời cuộc: Người ta nói yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ/ Người ta nói chia ly, nói những điều đổ vỡ/ Cỏ lắng nghe hết – thản nhiên xanh.
Cảm quan trong thơ của Trương Nam Hương thu nhận được hầu như mọi tiếng nói và sắc điệu của cuộc đời để rồi có thể an nhiên như màu xanh của cỏ. Xin được nói rõ: Nhà thơ của chúng ta luôn có ý thức về điều đó. Anh muốn thơ mình từ một thuở có thể nói được với muôn đời nhờ sự trẻ trung của con tim “không đếm đuổi theo ngày tháng” (Thơ Phạm Thu Thủy) do vậy mà không biết đến tuổi già. Trương Nam Hương có một bài thơ thật đáng nhớ - bài “Trước Hồ Tây”. Như người viết, tôi thật sự bị cuốn theo vẻ hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ: Các em trẻ quá, hồn nhiên quá/ Sóng sánh Hồ Tây – sóng sánh chiều/ Cây si già thế còn run lá/ Ly nước dừa như cũng sóng theo.
“Chúng ta tất cả sẽ gục ngã ra khỏi tuổi thơ, không kịp nhìn táo trắng nở hoa” (Apollinaire).
Từ đó, thơ Trương Nam Hương có xu hướng “Nhón gót cho thời gian tụ lại” (Sau lưng mùa hạ cũ) hóa thành. “Lời ru năm tháng” với “Những hoài niệm không mùa”. Phải nói là anh ít nhiều thực hiện được ý nguyện của mình. Ví như đây là dấu hiệu hiển nhiên của tuổi thơ: “Thuở cúc vàng chưa biết đến đa mang”. Còn đây, một lời trách cứ có xu hướng thành vĩnh hằng: Ơ kìa sao chị ngồi im/ Máu còn biết chảy về tim để hồng (Tâm sự nàng Thúy Vân).
Trương Nam Hương từng giải bày: “Thơ tôi thường buồn – nỗi buồn mang khát vọng của niềm vui” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, trang 321). Quả có vậy: Giọt nắng vào thơ thành đốm cúc/ Buồn ta phả khói ngỡ sương mù (Thơ mùa Thu).
Ngẫm kỹ, nỗi buồn của thơ anh nằm trong ý hướng sâu xa thường trực muốn nói tiếng nói chung của ngàn đời đấy mà. Cũng có lẽ vì thế mà anh ưa trở về với thể lục bát ngàn xưa. Ý nguyện trong anh mới rõ làm sao: “Vịn lên nghìn tuổi mà qua tháng ngày”. Anh xa lạ với lối cách tân ngôn từ theo kiểu “Chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt). Nói thế không phải Trương Nam Hương không có sự tìm tòi đổi mới về thi pháp. Anh có đóng góp nhất định trong việc sáng tạo khổ thơ ba câu: Anh cuối nhặt từng viên sỏi vỉa hè/ Gom đầy túi những nỗi buồn thơ dại/ Những nỗi buồn nuôi anh lớn khôn (Viết bên thềm heo may).
Tôi tán thành với đường hướng chính trong cách tân của thi pháp thơ anh: Viết thơ theo nhịp của tim mình. Tuy phải nói cũng có lúc Trương Nam Hương thử làm thơ bằng tay, và xin thú nhận, tài hoa thì có mà vẫn chưa thể nói là đã thật sự thành công: Chim kêu thót ngực hoa vườn/ Em xa, hòn sỏi cuối đường thót đau (Khoảng lặng).
Ý hướng mở rộng chân trời thi ca nối liền với chân trời luôn mở rộng của cuộc đời có phải vẫn là một đòi hỏi chính đáng của bạn đọc với thơ Trương Nam Hương? Cần học danh họa Picasso. Ông không bao giờ tuyên ngôn, bởi nếu ông có tuyên ngôn thì chưa kịp thảo xong nó đã lỗi thời đối với chính ông. Đó là quy luật của văn chương, nhằm phù hợp với quy luật của đời sống – “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Vậy nên, tôi và đông đảo bạn đọc quý mến Trương Nam Hương còn có lý do để trông chờ vào những khám phá mới trong thơ anh.
Đà Lạt, 1/12/98
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...