Luận về đôi bàn chân
1. Trong văn hóa người Việt,
nếu như đôi bàn tay thường được coi là tượng trưng cho khả năng lao động, sức lực
và những đam mê thì đôi bàn chân hay hướng người ta đến những di chuyển, những
sự vượt lên thử thách, không ngại khó khăn để chinh phục những gian khó, những
đỉnh cao. Tính vận động và hướng ngoại của đôi chân cao hơn đôi tay, vì thế mà
không gian của đôi bàn chân cũng trở nên bát ngát hơn. Sự kết hợp hài hòa giữa
tứ chi (hai tay và hai chân) tạo ra một khả năng tổng thể và toàn diện để một
người bình thường có thể dễ dàng sinh hoạt và sáng tạo. Trong bài viết trước,
tôi đã luận về đôi bàn tay, bởi thế lần này, xin được luận tiếp về đôi bàn
chân
Những bàn chân của con người
đã bước vào thế giới và từ đó khai sinh ra những thế giới khác theo cách của
riêng mình, từ cuộc đời đến thi ca và âm nhạc.
Trong mối quan hệ giữa con
người và thiên nhiên, đôi bàn chân được nói tới với ước mơ chinh phục, vượt lên
ngoại cảnh và luôn chiến thắng, như trong câu ca dao của ngưởi Việt thuở xưa:
Trông trời trông đất trông mây/Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/Trông
cho chân cứng đá mềm/Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng. Trong thời kỳ chống Mỹ,
đôi bàn chân của người lính được ca ngợi và hiện lên trong nhiều tác phẩm văn
chương cũng như âm nhạc, thể hiện sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sẵn
sàng vượt qua muôn ngàn chông gai hiểm trở: Ta vượt lên triền núi cao Trường
Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn/Ta đi nhằm phương Nam gió ngàn đưa chân ta về
quê hương/Ta về trong gió đang dâng triều lên (Bước chân trên dải Trường Sơn –
Nhạc và lời: Vũ Trọng Hối). Những dấu chân ấy nối tiếp nhau cùng ra chiến trường,
như là sự kế tục của lớp lớp người con đất Việt, lớp cháu con lại nối bước ông
cha, quyết chiến đấu cho tới ngày toàn thắng: Lối mòn như sợi chỉ giăng/Còn in
đậm đặc vô vàn dấu chân/Dấu chân ai đọc nên vần/Nên nào ai biết đi gần đi xa/Cuộc
đời trải mút mắt ta/Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường (Dấu chân qua trảng cỏ
- Thanh Thảo). Hình tượng dấu chân người lính còn được gặp qua tiểu thuyết cùng
tên của Nguyễn Minh Châu, mà ở đó cha và con đã trở thành những người đồng đội.
Nhưng rồi người con ngã xuống trước (Lữ hy sinh), người cha (chính ủy Kinh) phải
gạt nước mắt, dằn lại nỗi đau vô vàn trong lòng, tiếp tục giữ cương vị một thủ
trưởng kiên cường, làm điểm tựa tinh thần cho bao con người khác. Đôi chân người
lính có khi hiện lên trong những câu thơ thật rạng rỡ, phơi phới một bút pháp
lãng mạn kỳ vĩ và tráng lệ: Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung
câu quân hành/Anh đi xuôi ngược tung hoành/Bước dài như gió lay thành chuyển
non (Tiếng hát sang xuân – Tố Hữu). Dấu chân của tiền nhân còn trở thành nỗi biết
ơn vô vàn trong lòng muôn thế hệ sau khi nhớ về Bác Hồ - người ra đi tìm đường
cứu nước: Dấu chân không nhẹ như mây/Dấu chân không êm không ấm/Dấu chân không
là dấu nắng/Mười ngón trăn trở bầm sâu/Dấu chân của dáng đứng lâu/Nặng hai vai
là tổ quốc (...)Bác đã là người đi trước/Khai rừng băng sông mở lối/Cho tôi có
cả cuộc đời (Dấu chân phía trước – Nhạc: Phạm Minh Tuấn, Thơ: Hồ Thi Ca).
Khép lại chiến tranh, bước
vào thời bình, tôi bắt gặp đôi chân lao động lam lũ vất vả, đôi chân trong cuộc
mưu sinh tất bật hàng ngày, nhưng ở đó, sáng lên một lòng hy sinh vô bờ bến, dồn
hết tình thương cho đứa con thân yêu: Tôi muốn quên đi/Đôi chân trần/Cha đi lượm
từng hạt thóc/Cho con một bữa cơm chiều (...) Đôi chân cồng kềnh/Cha đi giữa rừng
hoang vu (Đôi chân trần – Nhạc và lời: Y Phon).
Và đôi chân còn có thể gắn với
những nỗi buồn hoang hoải của một kẻ lữ hành đang tìm một bờ bến cho cuộc đời
mình. Vì thế mà mới có một bài thơ với tựa đề Hát về đôi chân mỏi của nữ sĩ
Bình Nguyên Trang: Đôi khi mệt quá tôi quỳ gối/Mơ dáng người xưa trên lá
vàng/Đôi khi buồn quá tôi nhìn phố/Trôi những loài hoa sắc dở dang/Tôi thương
đôi bàn chân lang thang/Mười năm chưa đến nơi cần đến/Người xa lỗi cũ thuyền đỗ
bến/Trước mặt đường ơi ngút ngát dài. Ngước về quá khứ, đôi chân có khi còn gắn
với cả bi kịch của một kiếp người. Đó là Tôn Tẫn thời Chiến quốc bị Bàng Quyên
chặt chân. Nhưng rồi con người tưởng chừng như bị vùi xuống bùn đen ấy vẫn bất
khuất đứng lên, báo được mỗi thù cũ, rạng rỡ sự nghiệp và lưu danh muôn thuở.
2. Phía trên, tôi chủ yếu
nói đến bàn chân với khí chất mạnh mẽ của những người đàn ông, luôn xác lập một
tư thế mạnh mẽ để lập thân, lập công danh khi bước vào đời. Còn đối với bàn
chân người phụ nữ, hình như đó là một thế giới khác hẳn. Bàn chân người phụ nữ
khi đi vào thơ ca dựng lại cho ta cả một trời mê ảo thướt tha. Đó là những “bước
đi thong thả hoàng cung” như khi Trịnh Công Sơn hồi tưởng về người con gái tên
Diễm thuở nào: “nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi
qua dưới những vòm cây long não (...) Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc
qua dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để
cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì...”. Tôi
tin những bước chân của một thuở ấy đã bước mãi vào trái tim, vào nỗi lòng của
người nhạc sĩ tài danh, để sau này, nó hóa thành muôn hình nghìn trạng những
cung bậc với bao nỗi vui buồn. Có khi là những bước chân cô đơn: Trên bước chân
em âm thầm lá đổ (Diễm xưa), Em qua công viên bước chân âm thầm (Nắng thủy
tinh), Chìm dưới cơn mưa bàn chân nhỏ bé (Chìm dưới cơn mưa). Có khi là những
bước chân khoan thai dìu dặt: Đi nhẹ vào đời thì thầm gót chân (Tôi ru em ngủ),
Một chiều kia có em nhẹ nhàng/Đi không nhanh chân không vội vàng (Níu tay nghìn
trùng), Ta nghe đời rất mênh mông. Trong chân người bước chậm chậm (Cho đời
chút ơn). Và điều chắc chắn là, tất thảy những bước chân ấy bao giờ chúng mềm mại
và thướt tha: Những bước chân mềm mại, đã đi vào đời người. Như từng viên đá cuội,
rớt vào lòng biển khơi (Tình nhớ). Tôi đưa em về chân em bước nhẹ, trời buồn
gió cao (Hạ trắng). Hơn một lần, Trịnh đã gọi những bàn chân của của những người
đẹp, người tình trong mộng ấy là chân ngà hoặc gắn với ngọc ngà: Xin chân em
qua từng phiến ngà/Xin mây se thêm màu áo lụa (Còn tuổi nào cho em), Em đứng
lên gọi mưa vào hạ. Từng cơn mưa từng cơn mưa từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới
chân ngà (Gọi tên bốn mùa). Dường như khi bước chân của người đẹp đi đến đâu
thì đất trời ưu ái đến đó, như khẽ nâng bước cho nàng để mỗi bước chân không
bao giờ biết đến đớn đau thương tổn, để những bụi bặm của trần gian không chạm
được vào nàng: Đường dìu chân em đi đến những miền xa (Tuổi đời mênh mông), dù
những bước chân ấy có đôi khi dày xéo trái tim người: Vì từng bước em là từng
mũi đinh cuồng điên (Tưởng rằng đã quên).
Khác với bàn chân nam giới,
bàn chân người nữ đôi khi hiện lên chỉ cần qua một điểm nhìn: gót chân. Phụ nữ
Trung Hoa thời xưa hay có tập tục bó chân từ bé để cho từ bàn chân đến gót chân
hay ngón chân đều nhỏ nhắn, xinh đẹp, chân càng nhỏ lại càng đẹp. Những gót
chân người đẹp khi đi vào thi ca cũng vậy: Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
(Ru tình – Trịnh Công Sơn), Một thời yêu dấu đã qua/Gót hồng em muốn quay về
(Đóa hoa vô thường -TCS). Nhạc sĩ Bảo Phúc còn viết nguyên một bản nhạc với tựa
đề Gót hồng, biến gót chân người đẹp thành trung tâm của hình tượng và nguồn cảm
hứng: Gót hồng! Dịu dàng xoay giữa khung trời. Để sắc hương xô nghiêng dòng đời.
Gót hồng! Nhẹ nhàng xoay theo lời hát. Cùng bước em rực cháy lên rạng ngời.
Từ một góc nhìn khác, bàn
chân hay tổng thể là cả đôi chân luôn được xem là một trong những tiêu chí đánh
giá vẻ đẹp hình thức người phụ nữ, vì thế mới có cụm từ “chân dài và đại gia” để
chỉ những cô gái đẹp. Khoa Nhân tướng học cũng đánh giá cao yếu tố chân dài qua
câu: Trường túc bất tri lao (Chân dài không biết mệt). Trong thơ tình những năm
gần đây, xuất hiện nhiều ý thơ táo bạo của những cây bút nữ liên quan đến miêu
tả cặp chân. Yên Trang trong bài Thơ xưa lục bát (rút từ tập Môi cong, NXB Hội
nhà văn, HN, 2006) đã viết: Thương người đêm ngóng đò đưa/Thơ xưa lục bát em
chưa có chồng/Đêm dài hơn gió mùa đông/Kéo lên úp mặt chân trông hơi người. Ý
thơ táo bạo ở cụm từ “chân trông hơi người”. Không chỉ là nhớ hơi nhau như những
câu thơ cổ của Khóc Bằng Phi mà đây là hai bàn chân nhớ hai bàn chân, hai cặp
chân nhớ hai cặp chân. Mặt có thể sát mặt, tóc có thể sát tóc, ngực có thể sát
ngực, môi có thể kề môi (như trong bài Xa cách của Xuân Diệu) song chân có thể
sát chân mới là biểu đạt trần tục và lôi cuốn nhất của luyến ái mà Yên Trang đã
khéo léo thể hiện được qua âm điệu của thể thơ dân tộc. Vi Thùy Linh, ngược lại,
thể hiện mạnh mẽ và dữ dội với những miêu tả nóng bỏng như thể một tuyên ngôn về
tình yêu khai sinh và duy trì thế giới: Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ
chân lý (Anh ru em ngủ). Đôi chân của người nữ trong thơ họ Vy còn hiện lên
trong nhiều câu thơ táo bạo khác, từ phần cao nhất có thể (đùi) đến phần thấp
nhất có thể (gan bàn chân): Chỉ cần anh gối lên đùi/Mình ôm lấy anh ôm mình/Biết
sự bình yên của mặt đất (Chân dung), Ruỗi chân dài, em nối những ranh giới, những
núi đồi, sông biển nhịp nhịp qua cầu đùi muốt/Vào lúc Anh lên Em lên Anh/Thụ tạo
giấc mơ ấp ủ/Em đạt khát khao làm mẹ (Nơi ánh sáng), Cái lưỡi mềm của anh nơi
gan bàn chân em/ Làm thế giới hóa lỏng (Sinh ngày 4 tháng 4).
3. Tóm lại, những bàn
chân của con người đã bước vào thế giới và từ đó khai sinh ra những thế giới
khác theo cách của riêng mình, từ cuộc đời đến thi ca và âm nhạc. Chúng ta đi,
chúng ta tiễn những bước chân đi và thầm mong biết bao những bàn chân nào đó sẽ
trở về trong cuộc đời chúng ta: Tôi đợi em về bàn chân quen quá/Hàng lá me vàng
lại bước qua... (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui – Trịnh Công Sơn).
Đỗ Anh Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét