Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Tập thơ “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX” - Tôn vinh thơ hay

Tập thơ “100 bài thơ hay nhất 
thế kỷ XX” - Tôn vinh thơ hay…
Nhân đọc hai bài viết: “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX” - một sự tôn vinh không thoả mãn” của Yến Nhi và “Đã đúng là 100 bài thơ Việt Nam hay nhất ở thế kỷ XX chưa?” của Lê Xuân (trước đó đã đọc trên mạng vuhong.com ngày 11-3) trên Văn Nghệ số 12 ra ngày 24-3-2007 trang 22. Tôi cũng xin viết đôi dòng để nói rõ thêm, vì nhận thấy các bài báo đã viết không thấy đề cập một dòng nào về hai bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến và “Thương vợ” của Tú Xương có đúng là ở thế kỷ XX. Và khi nhìn vào danh sách 100 nhà thơ gắn liền với 100 bài thơ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Thứ nhất: Tiêu chí bình chọn không rõ ràng, duy nhất chỉ có một bài thơ chữ Hán “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh được Xuân Thuỷ dịch sang bản tiếng Việt và được dùng trong sách giáo khoa (SGK) lâu nay. Nếu như đã bình chọn bài thơ của Bác thì cớ gì không chọn các bài thơ chữ Hán của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… Phải chăng tập thơ ra mắt đúng dịp Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần thứ 5 tại Văn Miếu nên… Còn đã chọn thơ hay bằng tiếng Việt thì bài “Cảnh khuya” (1947) được Bác sáng tác bằng tiếng Việt thì rõ ràng hơn.
Thứ hai: Về phía NXB Giáo Dục – thương hiệu uy tín nhất được “độc quyền” in SGK lại chẳng biết bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ. Ông được vua Tự Đức ban cờ hiệu và hai chữTam Nguyên (vì đỗ đầu cả ba kỳ thi: Hương, Hội, Đình-NT), ông ghép làng quê của mình vào thành “Tam Nguyên Yên Đỗ”, qua đó càng cho chúng ta thấy ông là nhà thơ yêu nước khác với Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Trãi từ quan về ở ẩn.
Thứ ba: Bài “Thương vợ” của Trần Tế Xương còn gọi là Tú Xương (vì ông chỉ đỗ đến Tú tài), tên thật Trần Duy Uyên, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, sinh ngày 10-8-1871 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Định và mất ngày 20-1-1907 ở làng Địa Tứ cùng huyện… Như vậy hai ông sống ở thế kỷ cuối XIX đầu XX. Nhìn lại năm sinh của Tú Xương thì ông sống qua thế kỷ XX 7 năm (mất 1907) và Nguyễn Khuyến sống qua thế kỷ XX 9 năm (mất 1909).
Nhưng liệu 2 bài thơ của ông có sáng tác trong những năm cuối đời đó không?
Về bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến được Xuân Diệu đánh giá là “hay nhất trong chùm thơ 3 bài viết về mùa thu” (còn có Thu vịnh, Thu ẩm). Bài thơ được dùng giảng dạy trong nhà trường và tuyển chọn làm đề thi môn Văn cho bậc trung cấp, cao đẳng và đại học nhưng về thời gian sáng tác thì dường như trong các sách không thấy bàn luận đến. May thay trong cuốn tài liệu “Giảng văn tập 2” của Khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm I Hà Nội (NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1982) trang 37, giáo sư Đào Nguyên Tụ viết: “Trong quảng đời cáo quan về nhà (1884-1909), Nguyễn khuyến đã làm nhiều thơ về mùa thu gồm cả thơ quốc âm và chữ Hán. Thơ quốc âm có Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.
Thời gian sáng tác bài “Thương vợ” thì cụ thể và rõ ràng hơn. Trong cuốn “Tú Xương – tác phẩm giai thoại”, Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, 1987, trang 66 viết: “Bài thơ này làm khoảng 1896-1897 khi nhà thơ đã có năm con (một gái và bốn trai)”.
Như vậy không thể đưa vào danh sách bài “Thương vợ” (theo thứ tự 100) là bài thơ hay nhất thế kỷ XX là không chính xác(?!). Còn thời gian sáng tác “Thu điếu” chưa cụ thể rõ ràng chỉ phỏng đoán thì có nên chăng đưa vào danh sách số thứ tự 46 (?!).
Trước đó, trong cuốn “Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX” (NXB Văn hoá Thông tin và Công ty Văn hoá Trí tuệ Việt, quý II-2006) do hai nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và Quang Huy tuyển chọn đưa ra danh sách 150 bài thơ cũng có “Thu điếu”. Phải chăng các tác giả bình chọn đã lấy cái mốc thời gian ông từ quan về ẩn dật (năm 1884) với tâm trạng bất mãn, bế tắc, sống trong cảnh thiên nhiên quê nhà nên đã sáng tác ba bài thu về mùa thu bất hủ chăng? Nhưng nói gì thì nói nhiều nhà nghiên cứu, phê bình vẫn xếp ông là nhà thơ cổ điển.
Tập thơ mà theo nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, thành viên BTC cuộc thi cho biết quá trình bình chọn rằng: “Gần 10.000 (tôi không nhớ con số chính xác) thư bình chọn đã gửi đến BTC (…) đối tượng bầu chọn là tất cả những ai yêu thơ nhưng thực tế vẫn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia” (Tuổi Trẻ, ngày 7-3-2007).
Nếu vậy xin thử đặt câu hỏi:
1. Ngoài gần 10.000 phiếu bình chọn độc giả gởi đến, vậy danh sách hội đồng thẩm định sao không nêu đích danh.
2. Nếu đa số là học sinh sinh viên thì các tác giả là nhà thơ Việt kiều, tiền chiến chiếm nhiều, lấn át cả thơ cách mạng cũng như thơ trữ tình giai đoạn sau này như: Thu Trang, Nguyễn Bá Chung, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…  liệu bài “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán đã được phép công bố hay chưa? vậy các bài thơ được tuyển từ nguồn ở đâu, nhà xuất bản nào và lý lịch của họ liệu đã rõ ràng chưa?...
3. Có ba nhà thơ và bài thơ lạ hoắc xuất hiện: Bài “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui, “Em tắm” của Bạc Văn Ùi và “Đêm mưa” của Hoàn. Người viết bài này hỏi thăm dường như tất cả các nhà thơ và nhà nghiên cứu đều không nghe và chưa biết họ bao giờ. Có người nhắc nhớ, Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi đó chỉ là một người N.A, khi làm tập hợp “Tuyển tập văn học thiểu số” có bịa ra hai bài thơ. Nhưng nếu 2 tác giả này có thật thử hỏi sao không chọn Inrasara (người đoạt giải văn học ASEAN với tập thơ “Tẩy trần tháng tư”… Chúng tôi cố tra cứu các từ điển, sách như: “Từ điển Nhân vật lịch sử” của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999; “Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX”, tác giả Trần Mạnh Thường biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 2003; “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan, Xuất bản Thăng Long, Saigon 1960; “Thơ Việt Nam 1945-1985”, NXB Văn học, Hà Nội, 1985; “Nhà văn hiện đại Việt Nam”, NXB Hội Nhà văn, 1995… vẫn không tìm thấy. Vậy rất mong NXB Giáo Dục cung cấp tiểu sử của hai tác giả trên.
Nhiều nhà thơ được tuyển bài thơ của mình vào liệu họ đã tâm đắc, ưng ý nhất chưa. Hay do ban giám khảo “ưu ái” đưa vào, nếu vậy bản thân nhà thơ thấy việc “đánh đu dâu bể” mà ‘lên tiếng’ như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết trên mạng Diễn đàn, nhà thơ Thanh Thảo viết trên báo Thanh Niên…, vì đó là lòng tự trọng. Công tâm thì NXB Giáo Dục có đóng dấu trên mỗi phiếu bình chọn để công bố.
Xem ra văn học giai đoạn sau giải phóng 1975 đến 2005 không thấy một lớp thơ của thời thanh niên xung phong như: Nguyễn Nhật Ánh với “Tình yêu và nỗi nhớ” (Phạm Minh Tuấn phổ nhạc), Đỗ Trung Quân với “Bài học đầu cho con' được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành "Quê hương”… hay Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương… càng không có một bóng dáng nhà thơ trẻ nào cả. Tại sao, vì như nhà thơ Lê Lựu cho biết: “đối tượng bầu chọn là tất cả những ai yêu thơ nhưng thực tế vẫn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia”, nhà thơ trẻ gần với “đối tượng” bình chọn nhưng vẫn không có, còn những tên tuổi và lý lịch dường như mù tịt lại xuất hiện, động cơ gì đây?
Viết đến đây tôi chợt nhớ hai câu thơ mà sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên: “Đây là nơi bán buôn. Nên ta dễ dãi tâm hồn”. Càng thấy đúng như hiện nay việc tuỳ tiện tuyển chọn truyện ngắn hay, thơ... nhiều khi không xin phép tác giả, đó là vi phạm bản quyền khi đất nước đã gia nhập WTO. Nói như Trần Nhương thì: “Cái tên 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 là cái tên cho việc bán sách thì đúng hơn” (trannhuong.com). Vậy tập thơ '100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX' khi được phát hành trong nhà trường liệu có là tài liệu để sau này các nhà soạn sách giáo khoa căn cứ để thay đổi chăng. Bộ GD-ĐT nên thanh tra và thẩm định lại tập thơ này.
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
 Nguyễn Tý 
Theo http://4phuong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...