Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Đà Lạt, niềm yêu cùng nỗi nhớ

 Đà Lạt, niềm yêu cùng nỗi nhớ

Có những vùng đất đầy hấp dẫn bởi nhiều danh thắng, di tích... khiến du khách mong còn có lần trở lại. Lại có những vùng đất, thiên nhiên khô cằn, khí hậu khắc nghiệt mà vẫn làm ta yêu quí, coi như chốn đi về vì ở đấy có những con người đáng quý, đáng trọng, những người bạn mà ta yêu mến. Với tôi, sự gắn bó cùng Đà Lạt ngả nhiều hơn sang lý do thứ hai, dù vẫn bị thu hút bởi cảnh sắc tuyệt vời nơi xứ sở ngàn hoa... 
Tôi có người bạn, không thể không gặp mỗi lần đến Đà Lạt. Anh quê đất lúa Thái Bình, có lẽ thuộc thế hệ đầu tiên những người trẻ đến với Đà Lạt sau ngày đất nước thống nhất và có không ít đóng góp cho vùng đất này. Mấy chục năm, làm báo, làm thơ, viết văn, cái anh để lại cho đời ngoài những cuốn sách, còn là một khoảng trống không thể bù đắp khi về cõi người hiền dịp đầu Đông vừa qua. Bạn bè như còn thấy hình ảnh anh với mái tóc pha sương, gương mặt có chút khắc khổ nhưng ánh mắt luôn hiền hòa lấp lánh niềm vui, sự ấm áp. Sự ra đi của anh, khoảng trống anh để lại nơi thành phố cao nguyên này càng cho tôi cảm nhận được vị thế một con người, một thế hệ và cộng đồng trong sự hình thành, phát triển mỗi vùng đất. 
Lại có một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn vong niên của tôi. Bỗng một ngày, anh từ bỏ công việc, chức vụ ở một tòa báo danh tiếng đất Sài Gòn đô hội, tìm về Đà Lạt với một tình yêu thiên nhiên, làm Homstay, mở trại rồng rau, trồng hoa. Và sáng tác. Ở Đà Lạt, anh có một thú vui giản dị mà không kém phần xa xỉ: Một sáng nào đó, gác mọi công việc, pha sẵn bình cà phê, vợ chồng đánh xe tìm một vạt thông bên triền núi, cùng nhau thưởng thức hương vị cà phê nồng ấm, sự yên bình trong thiên nhiên trong vắt... Nói xa xỉ là bởi để có những giây phút đó, phải có một tình yêu sâu đậm lắm với vùng đất mà mình đang sống. Mới đây, anh cùng bạn bè bày một triển lãm ảnh đường phố với tên gọi “Đà Lạt Hòa Điệu”, trên con đường từng mang tên Tình yêu, gây sự chú ý của công chúng, đồng nghiệp. Họ muốn dùng nhiếp ảnh để giãi bày tình yêu của mình với Đà Lạt và cũng là làm cho Đà Lạt thêm đẹp, thêm duyên. 
Vào một ngày Hà Nội sang thu, chợt đọc dòng statut trên FB một đồng nghiệp trẻ mà tôi quý mến.
Hôm nay tròn một năm đón em vào Đà Lạt. 
Ngày đặc biệt này được đánh dấu bằng cuộc điện thoại từ mờ sáng "em ơi máy chạy quá tải nổ ổ điện". Cảm giác của 2 năm trước, khi còn làm tiệm giặt đang đi làm nghe báo hỏng đường dẫn nước lại ùa về. Oimeoi nó hụt hẫng kinh khủng. Nhưng trong cái rủi có cái may, anh thợ điện nước của 2 năm về trước vẫn nhận ra giọng chị qua điện thoại và sẵn sàng đi sửa điện khi mới 6h sáng. 
Hình như lần này chị đã bình tĩnh hơn nhất là khi bước vào cổng trường em nói "chị chạy xe chậm thôi nha, trưa em tự về tự nấu cơm, chị đừng lo". 
Nhìn bóng em chạy vào trường, chị an tâm chạy xe đi trong gió lạnh sáng sớm. Chẳng hiểu vì lo lắng, do quên mang khẩu trang, vì lạnh hay bởi điều gì mà cảm giác rân rân trên hai gò má. 
Quãng đường phía trước chắc chắn còn rất dài, có anh chị và có em, cũng sẽ có rất nhiều lần hỏng ống dẫn nước, cháy đường điện và còn nhiều hơn thế, nhưng cũng chắc chắn rằng sẽ không sao hết...
Phải rất xin lỗi tác giả vì không đưa rõ nguồn trích dẫn, cũng bởi tôn trọng sự riêng tư của người viết. Điều mà tôi muốn nói là từ những dòng đầy cảm xúc trên, có thể hình dung ra một sự khởi đầu. Một cô gái trẻ mới ra trường, chọn thành phố cao nguyên này tạo lập cuộc sống. Gặp gỡ, yêu thương rồi có một gia đình nho nhỏ, cùng nhau lập nghiệp với những lo toan, bận rộn, thất bại, thành công. Đón em vào, chăm lo việc học hành, san sẻ bớt gánh nặng cho cha mẹ nơi quê nghèo. Và để làm được điều đó, cô đã phải cố gắng, cần mẫn và can đảm biết bao nhiêu. Cứ nghĩ vậy, là trong tôi lại dâng lên niềm yêu mến, trân trọng. Rồi lại nghĩ, Đà Lạt, Lâm Đồng và cả vùng đất cao nguyên này có bao nhiêu cô gái, chàng trai như thế?
Đó là những người từ Hà Nội đi khai phá vùng đất mới, để có một Lâm Hà trù phú như hôm nay. Và trước nữa là thế hệ người Hà Nội đầu tiên khai hoang, mở đất từ những năm 1930 của thế kỉ trước, lập nên ấp trồng hoa Hà Đông còn mãi đến bây giờ, góp cho Đà Lạt thêm nét hào hoa vùng đất Kinh kỳ. 
Đó là những người, như cô gái mà tôi quý mến, đến từ vùng đất Nghệ Tĩnh với bản chất chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, quyết tâm sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới. 
Rồi những chàng trai, cô gái từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... còn khá trẻ, tràn đầy khát vọng, niềm tin vào một cuộc sống mới khi đến với vùng đất cao nguyên này. 
Bây giờ, đến Đà Lạt, người ta hay nói đến XQ sử quán, Thiền viện Trúc Lâm hay Đường hầm đất sét... bên cạnh những danh thắng ngàn xưa như thác Prenn, hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình Yêu. Nhưng có một vỉa trầm tích khác, cùng với những danh thắng ấy, chính là những con người tứ xứ tụ hội về, mang theo những tinh hoa, tài khéo trăm miền. Từ những người bạn, tôi cứ hình dung ra một tiến trình làm nên tính cách con người Đà Lạt. Đức tính lam làm, vén khéo của người miền Bắc, sự kiên cường, nhẫn nại, cần kiệm của người miền Trung, nét ào ạt, phóng khoáng của người miền Nam cộng với bản tính hồn hậu đam mê nơi các tộc người bản địa. Tất cả được hòa quyện, pha trộn trong không khí dịu dàng, hiền hòa của đất trời cao nguyên, của rừng thông, thác nước, sương mù... làm nên những phẩm chất của con người Đà Lạt, hồn hậu, mạnh mẽ mà không kém dịu dàng, đằm thắm. Những chàng trai, cô gái của thế hệ đầu tiên, kể cả khi chỉ lấy cái mốc gần đây nhất là sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 thì nay đã lên ông, lên bà. Cháu con của họ, sinh ra trên vùng đất này đang khẳng định, bồi đắp thêm tính cách con người Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa, thành phố mộng mơ...
Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt sẽ mở rộng gấp 8,5 lần hiện nay, bao gồm diện tích huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương và một phần huyện Lâm Hà, những vùng đất có nét tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng với Đà Lạt hiện tại. Như vậy, trong tương lai Đà Lạt sẽ là thành phố rộng nhất Việt Nam với diện tích là 3.354.44 km² hơn cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với số dân hơn 700 ngàn người, đây sẽ là đại đô thị của những trung tâm thương mại, trang trại nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái... Đà Lạt hiện tại sẽ được bảo tồn, nâng cấp để xứng tầm là một trung tâm kết nối quan trọng của các đô thị vệ tinh, đồng thời có tầm ảnh hưởng của vùng với vị thế một đô thị lớn của quốc gia. Có thể nói mà không sợ quá lời, đó là một cuộc kiến tạo vĩ đại, một công việc lớn cần những bàn tay, khối óc, tình yêu và cả lòng quả cảm. Đà Lạt sẽ còn là điểm đến, vùng đất lành với bao cô gái, chàng trai, những con người giàu nghị lực, hoài bão từ mọi miền đất nước về lập nghiệp, chung tay dựng xây tương lai.
Dù còn những khó khăn, gian khó, từ những gì tôi biết và trân trọng về những con người Đà Lạt hôm nay, tôi tin một tương lai rạng rỡ sẽ đến với đất, người Đà Lạt. Tương lai ấy càng đáng mong ước và trân trọng khi ta nhớ lại, chỉ mới vài chục năm trước, có thời điểm hoa Đà Lạt phải nhường chỗ cho những luống khoai lang cứu đói. Niềm tin ấy dựa trên những phẩm chất đáng quý được hun đúc bởi những lớp người Đà Lạt năm xưa, hôm nay và mai sau. 
Những ngày cuối cùng của năm 2020 đầy biến động, tôi nhận một tin vui nho nhỏ: Cửa hàng bán các sản phẩm organic của cô gái xứ Nghệ mà tôi quý mến đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều người Đà Lạt. Và cô chủ trẻ đã pots lên FB một tấm hình mai anh đào nở rực trên đường phố với cái tut dễ thương: Sợ bạn bè hủy kết bạn vì suốt ngày đăng rau củ, quả, cá, tôm... nên phải đăng tấm hình để khẳng định Đà Lạt đang trong mùa đẹp nhất và em vẫn mộng mơ, vẫn thấy lòng rạo rực yêu thương khi chạy xe lòng vòng trên phố để như tan vào nắng lạnh, gió lạnh...
Với phong cảnh như thế, những cư dân như thế, làm sao thành phố này chẳng để nhớ, để thương... Và bảo sao tôi không luôn có niềm yêu, nỗi nhớ khôn nguôi về Đà Lạt...
12/2/2021
Tạ Việt Anh
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già Bùi Giáng (1926-1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng...