Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Rong chơi chiều ba mươi

 Rong chơi chiều ba mươi

Tôi vẫn không bỏ được thói quen ra đi loanh quanh trong chiều ba mươi tết. Bốn mươi tuổi, buổi chiều cuối cùng của năm, ngực cứ phập phồng, rộn rã như một cô bé. Trước giờ, dù có những năm, cuộc sống có nhiều lao đao thì nao nao vẫn là cảm giác cố hữu. Đã thành thói quen dĩ bất biến, chiều ba mươi, không ra khỏi nhà hẳn là có tội với mẹ mùa. Nhất định phải dạo một vòng khắp xóm. Không đi bộ như ngày xưa nữa, bây giờ tôi thành dân thị xã chứ không phải cô bé sống trong một cái xóm nhỏ chật hẹp nữa, tôi đạp xe xuống phố.
Vẫn là cái cảm giác “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ…”. Chắc chắn phải lạ rồi, vì đây là chiều ba mươi tết mà. 
Chiều 30, tết đã cận kề nhưng ba có lệ ra đồng thăm ruộng. Ba bảo phải kiểm tra, đắp trổ giữ nước, ruộng lúa tươi tốt, bờ cõi đàng hoàng, ăn tết mới ngon. Và tôi, cô gái út không giấu được háo hức, sẽ chễm chệ ngồi sau xe, ra đồng cùng ba. 
Chiều ba mươi, đứng giữa cánh đồng lúa bạt ngàn, gió từng cơn lướt qua, những đọt mạ cùng chao về một hướng, rập rờn đều đặn. Cánh đồng mênh mông, màu xanh non tơ rợn tới chân trời, những cánh cò bay lả, những mái nhà lấp ló sau những lùm cây, mọi thứ hòa hợp, trữ tình đến lạ. Đây không phải lần đầu tiên được ra đồng, được đứng tại bờ ruộng ngắm nhìn từ gần ra xa, từ cao xuống thấp nhưng lần này, mọi thứ thân thương, vừa đẹp đẽ vừa mới mẻ, cảm giác cực kỳ dễ chịu. Và tôi nghĩ đó là cảm xúc của riêng chiều ba mươi.
Vâng. Chẳng thể tìm được một buổi chiều nào đặc biệt như chiều ba mươi tết - lao xao, rộn ràng, bồi hồi - những cảm giác đó pha trộn vào nhau khiến lồng ngực cứ nao nao, nhìn gì, nhìn đâu cũng có xúc cảm. 
Chiều ba mươi, buổi chiều bản lề của năm, dường mọi thứ đều ở trạng thái đẹp nhất. Dù cánh đồng vào mùa đang cấy dở, dù chái bếp sau mùa mưa bão không kịp sửa sang vẫn thấy dễ thương. Dù cô thôn nữ đang gập người, dù bác nông dân đầm đìa mồ hôi bên ruộng lúa vẫn rất tình. Cảnh dễ thương, người tươi duyên. Hay tại đến lúc nghỉ ngơi mà người ta vẫn làm việc nên bùn đất, nên giọt mồ hôi trở nên lấp lánh ? Chắc là vậy, vẻ đẹp cuộc sống là lao động chứ không phải sự nghỉ ngơi.
Phải ra đường vào chiều ba mươi mới thấy công năng thay đổi tuyệt vời của mùa xuân. Kì lạ, cũng đoạn đường đó nhưng chiều ba mươi thấy ngắn quá, phải gồng người, ấn chặt mông lên ba ga, hy vọng tạo độ ì làm khó ba, để xe được chậm thêm một chút ngoài đường. Tôi thích được đi chơi chiều ba mươi, thích được ngắm đường sá. Hay lắm, khác với mọi ngày. Ngoài đường lớn nhộn nhịp, ai nấy đều khẩn trương, chỉ mong mau mau chu toàn mọi việc bên ngoài để bon bon chạy về cho kịp bữa cơm chiều ba mươi. Vào trong xóm, những hàng rào thường ngày xum xuê tua tủa lá cành hôm nay được cắt gọn gàng ngay ngắn, quét sạch như lau. Những ngôi nhà thôn quê chiều ba mươi, vẫn đơn sơ mộc mạc nhưng rất tình, rất ấm. Một bình lay ơn to hay một chậu vạn thọ, sống đời làm ngôi nhà bừng sáng. Nôn nao là vậy nhưng giáp mặt nhau trên đường đều nán lại, không chỉ chào nhau mà hỏi thăm rất nhiều về những dự định tết nhứt rồi mời nhau tết đến nhà chơi. Cười nói rất thân tình, rất rôm rả. Chiều ba mươi kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.
Khi trở thành công dân của vùng kinh tế mới, chiều ba mươi nào tôi cũng xênh xang áo quần đi một vòng khắp xã để nhìn để ngắm, để tìm lại cảm giác của những chiều ba mươi ngày xưa, ở nơi chôn nhau cắt rốn. Vùng núi heo hút, tết không rộn ràng dọn đường dọn ngõ, không có cánh đồng lúa xanh rợn mà chỉ là những bông mắc cỡ trổ hoa ở cánh đồng hoang. Không có nhiều người quen để hỏi thăm tình hình tết nhứt, dù vậy thì gặp người lạ vẫn nhoẻn miệng cười, và nhận lại một nụ cười tươi rói. Vậy là đủ rồi, muốn nhận được nụ cười thì phải cho đi nụ cười. Không còn nữa cái không khí của quá khứ nhưng vẫn còn trong tôi cái cảm giác chiều ba mươi vẫn là một buổi chiều thật đặc biệt…
9/2/2021 
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già Bùi Giáng (1926-1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng...