Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Dòng sông mơ trong nhạc Trịnh

Dòng sông mơ trong nhạc Trịnh

Đã 19 năm nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh vĩnh biệt chúng ta, nhưng dòng sông mơ trong những ca khúc của ông vẫn da diết chảy trong trái tim những người yêu dòng nhạc trữ tình lãng mạn. Sử dụng ca từ tinh tế, góc quan sát mới lạ, những ca khúc của Trịnh Công Sơn luôn được ví như những áng thơ dạt dào xúc cảm và gợi những trường liên tưởng. 
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh Công Sơn có thể viết lời và nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã có nhạc, hay trước khi phổ nhạc thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ hoàn chỉnh kể cả về ý tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn không phải là một nhà thơ bình thường, anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt”.
NHỮNG LIÊN TƯỞNG ĐẦY CHẤT THƠ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có những liên tưởng khác lạ, đặc biệt rất “thơ” và rất “mơ” trong những ca khúc của mình: “Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm/ Rồi có hôm nào mây bay lên” (Nắng thủy tinh) Hay: “Gọi nắng/ Cho tóc em cài/ Loài hoa nắng rơi/ Nắng đưa em về/ Miền cao gió bay/ Áo em bây giờ/ Mờ xa nẻo mây/ Gọi tên em mãi/ Suốt cơn mê này…” (Hạ trắng).
Cũng là nói về thiên nhiên với nắng, mưa, mây, gió nhưng ngôn ngữ trong nhạc Trịnh đã trở thành của riêng ông, không giống bất cứ ai khác. Những lạ hóa này vừa đủ sự nhuần nhị, mơ màng, không lạ đến độ dị, độ quái. Có lẽ vì thế mà tác phẩm của ông đến được với nhiều độ tuổi, nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội: “Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu/ Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm/ Mây âm thầm mang gió lên” (Mưa hồng) và: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh/ Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ Cho mây hờn ngủ quên trên vai/ Vai em gầy guộc nhỏ/ Như cánh vạc về chốn xa xôi” (Như cánh vạc bay).
Cứ thế, những thi ảnh lung linh, mờ ảo, nhẹ nhàng hiện lên trong các ca khúc nhạc Trịnh dẫn dắt người nghe vào một cõi mơ đẹp đẽ, không quá cầu kỳ nhưng cũng không thể tầm thường: “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại/ Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây/ Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa...” (Tình xa). Bởi thế, nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định: “Toàn bộ âm nhạc của anh Sơn đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực”.
DÒNG SÔNG MƠ CHẢY VỀ VÔ HẠN
Những ám ảnh mơ ấy không chỉ là vu vơ hay phút cao hứng của người nghệ sĩ. Dòng sông diễm lệ trong nhạc Trịnh là tổng hòa của sự cảm nhận và chiêm nghiệm, là chứng nhân cho khổ đau cũng như hạnh phúc của phận người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi/ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi” (Cát bụi). 
Phạm Tuyên đã gọi Trịnh Công Sơn là “đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý” - Những triết lý, logic trong nhạc Trịnh không quá cao siêu, quá phức tạp nhưng lại gợi mở nhiều trường suy tưởng cho người nghe: “Dưới ngọn đèn một bóng chim qua/ Giữa đường đi một người đứng gọi/ Có biết gì về ngày chưa tới/ Những ngày ngồi rủ tóc âm u/ Nghe tiền thần về chào bóng lạ/ Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu” (Cỏ xót xa đưa). Ông chỉ ra sự hữu hạn của một kiếp người để nhận ra sự vô hạn của tình yêu: “Tình yêu mật ngọt/ Mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng/ Mật đắng trong đời/ Tình yêu như biển/ Biển rộng hai vai/ Biển rộng hai vai/ Tình yêu như biển/Biển hẹp tay người/ Biển hẹp tay người lạc lối” (Lặng lẽ nơi này).
Có lẽ cũng vì điều này, những ai yêu nhạc Trịnh đều là những người trưởng thành hoặc là muốn hoàn thiện mình hơn: “Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá/ Hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa/ Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ/ Ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu/ Hãy ru nhau trên những lời gió mới/ Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui/ Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi/ Dù mai nơi này người có xa người” (Hãy yêu nhau đi).
Nhạc sĩ họ Trịnh từng chia sẻ: “Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm”. 
Trước khi rời cõi tạm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời hơn 600 nhạc phẩm với nhiều thể loại khác nhau, phần lớn là những bản tình ca. Nhiều nhà chuyên môn đã phân tích sâu sắc về nhạc Trịnh. Dù ở góc nhìn nào thì mối giao cảm giữa âm thanh và ngôn ngữ chính là điểm nổi bật trong các tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa này. Nhạc sĩ Văn Cao viết rằng: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Thôi thì chúng ta cùng tĩnh tâm để thả hồn vào những ca từ lấp lánh mơ của nhạc sĩ họ Trịnh để thấu hiểu hơn về cuộc đời này: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa).
11/4/2020
Vũ Thanh Hoa
Theo http://www.baobariavungtau.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...