Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Tản mạn về thơ Nguyễn Đình Thái

Tản mạn về thơ Nguyễn Đình Thái

Vài năm gần đây, bạn đọc yêu thơ dần quen với Nguyễn Đình Thái - Một thợ lò xịn của Công ty than Hà Lầm. Tôi cũng mới thực sự biết anh ba bốn năm nay. Trước khi gặp, đọc những bài đăng lẻ tẻ của anh trên nhiều mặt báo, tôi rất mừng. Bởi có thêm một bạn viết, hơn thế, một bạn viết trong công nhân mỏ với những lo toan vất vả thường nhật giống bản thân mình là một ao ước. Nguyễn Đình Thái làm thơ với tâm trạng người trong cuộc. Những câu thơ chân thật, mộc mạc, gồ ghề như than, như gỗ trong lò, như nắng mưa khắc nghiệt một vùng than gian lao: Chẳng nơi nào mưa như ở mỏ/ Vuốt mặt dưới mưa, da lại đen thêm/ Mây ủ bọng mưa xám xịt màu than/ Nước ràn rạt quất roi theo cuồng gió. Và chính từ trong gian khó ấy, những hình ảnh quen thuộc từ công việc sàng tuyển lại hiện lên: Liền chị nhà sàng dứt áo vào ca/ Khăn mỏ quạ che ngang mày con gái/ Dải nhiễu thắt lưng làm tin gửi lại/ Đêm hôm qua còn nồng ấm tay người...
Đọc thơ Nguyễn Đình Thái, ta thấy giữa cuộc sống nhọc nhằn gian lao vẫn lấp lánh niềm tự hào của người thợ lò. Chi tiết tắm xong, tóc vẫn loáng dầu là chi tiết đắt. Không chỉ trong lò, ngay trên tầng than cũng thế. Nếu không dùng nước nóng dù là ngày hè, xát xà phòng không kỹ, dội nước không nhiều thì tóc vẫn loáng dầu và bụi vẫn nằm sâu từng lỗ chân lông, cẳng chân, bắp tay. Nhưng với thợ lò, chi tiết ấy đậm hơn, đắt hơn: Con tắm rồi, tóc loáng dầu than lò chợ/ Khói mìn đắng lùa qua hơi thở. Rồi đến những chi tiết chỉ người thợ lò đích thực mới có, mới cảm nhận rõ: Tôi gõ vách than. Em chừng nghe thấy/ Loang loáng mồ hôi hắt ngược vào gương/ Ánh đèn lò xuyên thẳm vào đêm/ Mảnh trăng non, anh neo đầu mũ. 
Nguyễn Đình Thái kém tôi chừng mười tuổi. Công nghệ khai thác lộ thiên khác với khai thác hầm lò. Chừng như chúng tôi ở hai thế hệ khác. Khi anh mới làm mỏ hai chục năm thì tôi đã nghỉ hưu. Hơn nữa, cuộc sống vật chất nói chung ngày một tốt lên. Chúng tôi làm ăn, nỗi lo toan thường trực, không như các anh còn thời gian giải trí thư giãn. Cái khó khăn vất vả dường như không khác nhưng cảm nhận mới hơn. Không biết bao lần nhìn dòng than trôi mải miết, chúng tôi không thể hình dung, không thể nghĩ như anh: Vũ điệu rumba nhún nhảy tới gương than/ Kíp lê múa tango trên băng tải/ Lò thủng, gió tươi lùa. Vance trong lò cái/ Rock. Phăm phăm, xối xả vỉa than tuôn/ Lò chợ chiều ngập vũ điệu rumba/ Mìn nổ, tựa rock sàn đang bốc lửa/ Vạm vỡ ngực trai. Than ào như suối vỡ/ Tim trai lò thậm thịch chachacha.         
Tuy nhiên, tính cách người thợ thì ở đâu cũng vậy, thẳng thắn, bỏ qua cho nhau tất tật những khúc mắc để hướng tới sự tốt đẹp, những cái lớn lao hơn: Chẳng so đo, không hề tính toán/ Sà xuống bàn bia, ai cũng anh em/ Xung khắc, tị hiềm, giận dỗi, bon chen/ Một… hai… dô… quên, cóc nhớ! Tôi rất thích những câu thơ trần trụi, khỏe khoắn, bộc lộ tính cách người thợ mộc mạc, chân thực như thế. Chính vì lẽ ấy, bất kể gặp nhau ở ngoài quán nước, ở chân tầng…dù chưa quen biết, tôi có thể sà vào, một chốc đã thành quen. Nguyễn Đình Thái viết nhiều, trăn trở suy ngẫm, thể hiện cảm xúc của mình từ nhiều góc độ. Cách thể hiện những nỗi niềm, những vấn đề xa hơn, lớn hơn từ Những ý nghĩ từ lò chợ, Ca ba dưới lò âm ba trăm, Gặp lại màu than mùa cũ, Buổi sáng cuối đông ở mỏ, Đêm ca ba… đến những Đám cưới mùa xuân, Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ, Cán búa và tượng đài, Cha con và mưa tháng bảy, Khúc thơ tình thợ mỏ, Gái Nghệ An lấy chồng thợ mỏ… Nghĩa là Nguyễn Đình Thái đã khai thác rất nhiều những mạch ngầm vỉa chìm trong than để mong muốn dâng hiến cho người yêu thơ những cảm nghĩ, những suy tư, những vui mừng, buồn tủi, những gian lao vất vả của công việc làm than. Chúng ta ghi nhận ở anh sự quan sát, tìm tòi, chiêm nghiệm trước những thử thách bởi công việc thường nhật lại còn đam mê một thứ khiến người ta thêm lo lắng, mất ăn mất ngủ là THƠ. Những chi tiết thường gặp mà trong thơ anh dù còn thật thà vụng về, ta thấy rất gợi: Bụi bốc mù trời, nắng lửa chang chang/ Mồ hôi tưới đẫm vàng đen ra cảng. (Gái Nghệ An lấy chồng thợ mỏ). Cả đến những khóm cây, bụi cây bên đường: Ta ngỡ ngàng chiêm ngưỡng cuộc hồi sinh/ Mầm đạp đá, rạch trời đứng dậy/ Lá chọc rách trời thi gan nắng cháy/ Lũ lụt thủng trời, rễ xuyên đá sinh sôi.
Những người thợ mỏ tha thiết yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống, bất chấp mọi gian khổ tưởng chừng đơn giản như những công nhân đi ca, những người thợ mỏ trực tiếp: Cả một tuần nhà ta mới gặp nhau/ Cha ca hai, con trai chuyên ca một/ Rổn rảng tiếng cười vỡ tung ngày chủ nhật/ Ông cháu, cha con, dâu rể sum vầy.(Chuyện nhà thợ mỏ). Và rồi tình nghĩa vợ chồng cũng bị san sẻ để những dòng than ra: Người đàn bà/ Lặng lẽ/ Ôm bóng đêm ngồi nghĩ/ Một mình ca ba đo thổn thức/ Chị cộng thầm/ những vết trầy đá sắc/ Trên trán người thợ trẻ.
Không chỉ viết về thợ mỏ, Nguyễn Đình Thái còn nặng tình với quê hương như tất cả chúng ta. Ở làng Gọc, Thái Thuỵ (Thái Bình) anh ra Hạ Long làm thợ lò Mỏ than Hà Lầm trong suốt 35 năm. Anh lấy vợ - chị là thợ nhà sàng - quê vùng biển Xuân Trường (Nam Định). Như vậy, tác giả này có ba vùng quê để nhớ, để nghĩ về. Đằm thắm nỗi niềm ấy, Nguyễn Đình Thái chia sẻ bằng những câu thơ gợi cảm: Ngõ xóm, đường thôn vàng rộm rơm tươi/ Sậm vàng thóc cả mái bằng, sân gạch/ Óng thơm lúa gánh gồng rậm rịch/ Vàng dát vàng, đến gió cũng vàng ươm. (Về làng ngày mùa). Cảnh sắc tươi vui của làng thôn Bắc bộ: Nắng dần phai, sương phủ trắng mờ/ Trẻ mục đồng tắm triều sông bì bõm/ Trâu lốc cốc gõ chân về ngõ xóm/ Khói bếp thơm rơm mới nồng nàn. (Bức tranh quê).
Những kỷ niệm thời xa ấy vẫn thấp thoáng hiện về với những hình ảnh chân thực: Ta thấy ta tóc khét nắng chiều/ Tồng ngỗng triền sông móc cua, đào cáy/ Ta thấy ta da hun sém cháy/ Đội bó rạ chiêm như kiến cõng hạt cơm. (Về lại ấu thơ).  Chân thực với những buồn đau xót xa trong ngày giỗ em: Em đi tất tả dại khôn/ Em về thập thõm vía hồn thoắt xa… (Hóa vàng ngày giỗ em). Tôi nhận ra giữa mấy câu thơ đang dung dị bỗng dưng: Đầu xanh con trẻ khuyết cha/ Vợ hiền khuyết tuổi, mẹ già khuyết đêm khiến bạn đọc giật mình, nhất là ở hai chữ Khuyết tuổi, khuyết đêm! Tác giả đã sử dụng rất bất ngờ và khá đắt.
Trong bộn bề những hình ảnh thấm đẫm mồ hôi của ông bà cha mẹ thời chưa xa nhưng khó tìm trong hiện thực cuộc sống hôm nay: Thảng thốt chua me kẽ ngõ/ Rưng rưng gặp lại bà xưa/ Vụm tay lòng đong tép vụn/ Con chan xì xụp cơm mùa. (Thảng thốt chua me). Bên những hình ảnh vẫn còn đọng lại: Mẹ ta tong tả chợ làng/ Chênh chênh nắng rãi rơm vàng sân phơi/ Cơm trưa cà muối, mùng tơi/ Đĩa sành cá vụn kho nồi đất nung. Hình ảnh ấy với chúng ta là thân thuộc đến không còn mới lạ nhưng biết đâu, cuộc sống đổi thay từng ngày. Nếu không đề cập, e rằng ngay con cháu chúng ta rồi cũng thấy lạ xa: Em ta sắp bữa cơm chiều/ Đĩa cà muối xổi, bát riêu cá đồng/ Mướt xanh mấy gắp cải ngồng/ Góc mâm một đĩa muối vừng, bát tương/ Vốc bùn họa nét cố hương/ Kẻo mai con trẻ lạc đường ngõ quê. (Mưa quê).
Cuộc sống đã đổi thay trên quê hương anh, quê hương chị, quê hương hết thảy chúng ta. Bên cạnh sự thay đổi lớn lao có tính chất sống còn ấy là những nét nét mờ mà tác giả đã ý tứ chỉ ra: Quê mùa giờ bớt gieo neo/ Mùng tơi tấp tểnh ngoi theo thị thành/ Vườn chanh rụng tím nụ chanh/ Í a ứ hự đã dành người ta. (Ngẫu hứng ở làng)     
Không chỉ có thế, nhiều vấn đề, nhiều miền đất, nhiều công việc…cũng được anh đề cập. Có những câu đứng được, có những câu khỏe khoắn, lực lưỡng, có những câu êm nhẹ, ý nhị mang hồn thơ mỏng manh, có những câu vạm vỡ như vồng ngực thợ lò nhưng cũng còn những câu chỉ là mực loãng.
Đây là những câu thơ khỏe viết từ vùng biên cương: Ngực Tràng Vĩ mấy nghìn năm hứng bão/ Đình vẫn đình ngạo nghễ đọ phong ba/ Chùa vẫn chùa rêu phong gạch phù sa/ Sen vẫn Việt tòa sen hồng Trà Cổ. (Làng biên cương Móng Cái) Và những câu thơ khắc họa cái khắc nghiệt một thời bom đạn: Rừng khộp cháy khô, xơ xác tuyến giao liên/ Võng dù hoa loang lổ rừng săng lẻ. (Ngằn ngặt cung đường)
Những câu thơ nhấp nhánh như người con gái khoe duyên: Ta nợ em một nửa mùa thu/ Em giấu nửa bóng mây che đầu ngõ. Hoa thôi trắng, chùm quả non mới nhú/ Lác đác lá rơi vàng nỗi sang mùa.  (Nợ lại mùa thu)
Rồi thì những nỗi lòng không thể thốt ra, đành gửi theo mây trời gió nắng: Chẳng biết khi nao lập đông trở lại. Gió neo mùa lặng lẽ lá vàng rơi/ Em trinh nguyên thiếu nữ một thời. Ta nín thở hứng mùa qua tiếng gió. (Mượn đông).
Có những câu khá thích từ những kỷ niệm về cỏ: Nửa đời. Ừ nhỉ! Nửa đời/ Ta đi ngày ấy chẳng lời biệt nhau/ Ta về, ngỡ Cỏ bạc đầu/ Vẫn nguyên bờ cũ. Vẫn mầu thuở xa. (Bái cỏ)
Hay những câu như thật sự như chơi chơi mà nao nao dạ người: Tháng Ba/ Phơ phất mưa bay/ Ta trú ngụ một tà áo thắm/ Hôm ấy lễ chùa/ Mắt nguýt đổ tam quan. (Vơ vẩn tháng ba).
Trước khi làm công nhân, Nguyễn Đình Thái đã từng là một chiến sĩ. Trở về mỏ, anh không chỉ viết về nghề thợ lò, về vùng mỏ mà còn trải lòng mình khá sâu đằm, đặc sắc về tuổi thơ ở cái làng Gọc quê hương mình, quê hương vợ, về nhiều vùng miền, biển đảo, với đến tận Trường Sa, Hoàng Sa... về mẹ, về gia đình, về quá khứ, về bộ đội, về hết thảy các tháng, các mùa trong năm, về tết và các lễ hội… Chính điều đó vừa là ưu điểm lại chính là phần chưa được ở anh. Ôm đồm nhiều thứ quá, việc chắt lọc, đào sâu có phần chểnh mảng. 
Tại Bến xe công nhân, Nguyễn Đình Thái viết Cái bến xe nghe thô kệch thế nào. Lại có anh chàng công nhân hàng ngày: Ngồi nhấm nháp/ Chén bình minh/ Đen/ Chát/ Bụi/ Bến xe tầng. Không rõ người thân của anh có yên lòng trước cảnh như thế không?
Khá nhiều câu trong tập thơ dôi lời dôi chữ. Sau đây chỉ là một vài ví dụ:
Ở dưới lò sâu anh gửi em chút ấm/ Trên ấy nhà sàng có lạnh lắm không em?/ Đêm. Gió đại hàn. Em có mặc ấm thêm?/ Anh nhớ nhiều về em lắm đấy. (Khúc thơ tình thợ mỏ). Ít nhất khổ thơ trên thừa chữ Ở. Và đây: Tôi ở dưới độ sâu âm ba trăm mét/ Nghe đâu đây biển thở rì rầm/ Nghe tiếng cựa mình của đất triệu triệu năm/ Nghe rõ cả tiếng chim gù trong thớ đá. Người yêu thơ có thể bỏ khá nhiều từ trong khổ thơ trên.
Sau Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ với 131 bài trong tập thơ đầu tay, Nguyễn Đình Thái vẫn say mê sáng tác, trước tiên tặng những người thợ mỏ, anh chị em thân thiết trong gia đình và các bạn yêu thơ. Đây là nỗi lòng, là sự tri ân của một thợ lò đích thực trước cuộc đời. Dù còn những tì vết trong một bức tranh đa sắc nhưng chắc sẽ dần dần nhòa mất đi nếu anh kiên trì kiên tâm đi với thơ suốt cuộc đời mình. Tôi trân trọng trước tấm lòng anh với thơ và hy vọng Nguyễn Đình Thái tiếp tục gặt hái được những mùa thơ, mùa than con gái trong trẻo, mát lành, tốt đẹp hơn. 
27/12/2017
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...