Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Tìm hiểu toàn cảnh âm nhạc truyền thống Việt Nam xưa và nay

Tìm hiểu toàn cảnh âm nhạc 
truyền thống Việt Nam xưa và nay

Âm nhạc truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về các giá trị tinh thần - âm nhạc truyền thống Việt Nam, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích.
1. Âm nhạc truyền thống ngàn năm lịch sử
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã dày công sáng tạo và tạo dựng nên một nền văn hóa âm nhạc truyền thống phong phú, độc đáo và mang những đặc trưng riêng nhưng thống nhất trong đa dạng giữa các vùng miền và các tộc người anh em chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Là một bộ phận không nhỏ của nền văn hóa Việt Nam, âm nhạc truyền thống có vị trí và vai trò đặc biệt khá quan trọng trong đời sống của mỗi tộc người.
Gắn liền với vòng đời của con người, âm nhạc dân gian đã có mặt ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến khi những con người này trở về bên kia thế giới. Âm nhạc chính là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm, đạo đức cho trẻ, là phương tiện để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau. Âm nhạc cũng còn là phương tiện để những người cao tuổi, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục đạo làm người, tình yêu nước thương nòi. Được coi là phương tiện để người ta thể hiện nỗi đau mất mát khi có người thân hay người láng giềng mất đi…
Nét đẹp truyền thống Việt Nam mang vào âm nhạc
2. Sự tồn tại giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại
Với sự da dạng vùng miền, dân tộc, âm nhạc truyền thống Việt luôn phong phú và tồn tại như một thành tố quan trọng, không thể thiếu. Dòng nhạc dân tộc ra đời và tồn tại hàng nghìn năm, đồng hành cùng quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của những loại hình âm nhạc hiện đại, du nhập từ các nước Âu, Mỹ, gần đây nhất là Hàn Quốc, đã khiến đôi khi âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng bị khán giả trẻ quay lưng, thờ ơ. Tuy vậy, với những nhận thức và sự trân trọng của một thời quá khứ vàng son ngày càng được nâng cao của một phần nhỏ cá nhân hiện nay, dần dần các thể loại âm nhạc truyền thống đã quay trở lại với đời sống của nhân dân ta. 
3. Bắt gặp âm nhạc truyền thống trong khoảnh khắc nào?
Nhắc tới âm nhạc truyền thống, thì chúng ta không thể không nhắc đến đặc sản dân ca của vùng đồng bằng phía Bắc - thể loại quan họ. Quan họ thường được thấy là màn biểu diễn giữa các cặp đôi nam nữ với nhau, hay còn gọi là lối hát theo kiểu đối đáp giao duyên với những lời ca đầy tình ý, nhiều ý nghĩa thâm sâu mà rất mực duyên dáng, ngọt ngào, đậm chất trữ tình. Quan họ cũng là thể loại âm nhạc truyền thống phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng ca dao, dân ca vì mỗi bài lại có một giai điệu riêng, và cho đến nay thì đã có tới 300 bài quan họ được ký âm. Không chỉ vậy, quan họ còn tạo nét đặc trưng với những bộ trang phục dân gian của người Việt là áo tứ thân, khăn mỏ quạ hay quần lĩnh đen… và người biểu diễn được gọi là các liền anh, liền chị. 
Màn biểu diễn giữa các cặp đôi nam nữ
Nếu quan họ là đặc trưng của dân ca miền Bắc thì miền Trung cũng sở hữu loại âm nhạc truyền thống - nhã nhạc cung đình Huế, thể loại đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế được nhân loại đánh giá là thể loại âm nhạc đạt đến độ chín muồi, tinh xảo và hoàn chỉnh nhất. Không chỉ vậy, thể loại này còn mang đến một phong vị rất riêng, mang đặc trưng âm thanh của nhiều loại nhạc khí cung đình với cách chia hai phe nhạc là nhóm phe văn và nhóm phe võ, các nhạc cụ hòa tấu cũng được sắp xếp và phối âm hài hòa. Những âm thanh từ nhã nhạc cung đình Huế tạo nên một không gian rất riêng, vừa mang cảm giác hoài cổ, lại mang đến sự thanh tao, vừa nhẹ nhàng lại vừa náo nhiệt, dường như tái hiện lại một vương triều Nguyễn xưa. Có lẽ bởi chính nhã nhạc được coi như là một phương thức để bày tỏ tấm lòng và là phương tiện bày tỏ sự biết ơn, tôn kính đến các vị thần linh, bậc đế vương nên chúng mới trở nên đặc biệt như vậy.
Nhóm múa truyền thống cung đình huế
Bên cạnh quan họ của miền Bắc, nhã nhạc của miền Trung thì miền Nam nước ta cũng sở hữu một di sản phi vật thể có tên là Đờn ca tài tử - thể loại âm nhạc truyền thống đặc sắc. Xuất xứ của loại hình này là từ ca Huế sau thay đổi trở thành một loại nhạc thích phòng dân gian, thường được biểu diễn trong nhà, gia đình, làng xóm nhỏ. Sau đó, khi sự phổ biến của thể loại này tăng lên, được ưa chuộng bởi nhiều người dân chúng đã trở thành một thứ âm nhạc ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đờn ca tài tử thường được biểu diễn cùng một ban nhạc ngũ tuyệt với năm nhạc cụ chính là đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò và đàn tam có phụ họa là sáo lỗ. Trong đó vai trò của người ca sĩ và nhạc sĩ là tương đương, và vai trò của người nam và người nữ trong nhóm biểu diễn cũng giống nhau. Nhờ vào đặc trưng màu giọng và sự kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh nhạc cụ, đờn ca tài tử mang đến một sắc màu miền Nam rõ nét với sự mộc mạc, giản dị mà chân thành cùng những lời ca giàu ý nghĩa.
Đờn ca tài tử Nam Bộ
Có thể nói, âm nhạc truyền thống Việt Nam có rất nhiều thể loại đa dạng từ âm thanh, lời ca cho đến biểu diễn. Mỗi loại đều mang một đặc sắc riêng, góp phần làm phong phú kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Việc duy trì và bảo tồn các thể loại âm nhạc truyền thống cũng là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Theo https://thuamviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...