Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Con trâu trong văn học dân gian

Con trâu trong văn học dân gian

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, con trâu được nhắc đến không ít, là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của người Việt. Bởi nước ta vốn là nước nông nghiệp, và “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Có thể nói, tri thức về con trâu xuất hiện sớm nhất và đầy đủ nhất trong tri thức về loài vật của người Việt. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần và lao động sản xuất của nhân dân ta từ hàng ngàn năm qua. Truyện cổ tích Trí khôn của ta đây có sự hiện diện của con trâu, lý giải nguyên nhân của việc trâu không có răng ở hàm trên. Truyện ngụ ngôn Lục súc tranh công, nhắc tới trâu là con vật đầu tiên, cùng với các vật nuôi trong nhà có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ cho con người.
Rõ ràng, con trâu được nhà nông coi như một phần không thể thiếu trong đời sống. Nên trâu được coi như người bạn thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi với người nông dân. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh trâu xuất hiện thường xuyên, gắn với đời sống lao động sản xuất của nhà nông: Ruộng đầm nước cả bùn sâu/Suốt ngày anh với con trâu cày bừa.
Hoặc:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa gặt bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
Con trâu là đầu cơ nghiệp, là nguồn sống của người nông dân; nên người xưa đã đúc rút các câu thành ngữ, tục ngữ về kinh nghiệm để chọn được trâu tốt: Mắn đẻ cày tài, Mua trâu xem sừng, mua chó xem lưng; Trâu cổ cò, bò cổ giải; Lang đuôi thì bán, lang trán thì nuôi; Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu, chẳng tậu cũng hoài; Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, Ăn ra lôi, cày ra thép; Trâu to ngà, càng già đường kéo; Da đồng, lông mốc, Đầu thanh, mặt nhẹ, khô chân/ Vai cao, mình thẳng, mặt gân, sườn tròn/ Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi, to ngà, móng hến thì nuôi đáng tiền.
Trong nhiều câu ca dao, tục ngữ, hình ảnh trâu còn xuất hiện để răn dạy người đời, hoặc truyền đạt các kinh nghiệm sống như: Làm ruộng phải có trâu/ Làm dâu phải có chồng; Tậu trâu xem vó, lấy vợ xem nòi; Làm ruộng không trâu như làm giàu không thóc; Một trâu anh sắm đôi cày/ Một anh hai vợ có ngày oan gia/Tan đàn xẻ nghé không xa!; Có cưới thì cưới con trâu/ Đừng cưới con nghé nàng dâu không về; Vợ dại thì đẻ con khôn/ Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm; Trâu chậm thì anh bán đi/ Rựa cùn đánh lại, vợ thì làm sao.
Trâu thân thiết là thế, có sức khỏe, hiền lành là thế; nên được người nông dân rất tín nhiệm: Trâu gầy vẫn tầy bò khỏe; Yếu trâu hơn khỏe bò; Thà chết ở vùng chân trâu/ Còn hơn chết rụi ở khu đĩa đèn; Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy là cỏ vét nhưng là cỏ thơm...
Vì tín nhiệm, nên có nhiều câu ca dao, tục ngữ rất đề cao trâu. Người nông dân coi việc có được con trâu tốt là một việc hệ trọng nhất thiết phải làm trong đời người, là có được một tài sản giá trị: Tậu trâu, cưới vợ làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó thay; Ruộng sâu trâu nái;...
Con trâu không chỉ đóng vai trò quan trọng sản xuất nông nghiệp, mà còn được coi là linh vật trong nhiều lễ hội của người nông dân. Nhiều nơi tổ chức hội chọi trâu để tìm ra trâu thắng cuộc làm vật tế thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an, làm ăn tấn tới. Nên có câu ca: Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng mười tháng 8 chọi trâu thì về. Năm 2003, SEA Game 22 do Việt Nam đăng cai tổ chức cũng lấy hình tượng trâu vàng làm linh vật, là biểu tượng của thể thao Việt Nam. 
Thân thiết, gắn bó với nhà nông vốn vất vả một nắng hai sương, nên trâu xuất hiện trong nhiều câu ca với thân phận lam lũ: Kiếp trâu ăn cỏ, kiếp chó ăn dơ; Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò; Trâu lành chẳng thấy ai mừng, trâu ốm - lắm kẻ mài dao; Trâu có đàn, bò có lũ, chớ để thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu.
Đôi khi, hình ảnh trâu được xuất hiện trong những sắc thái không mấy tích cực: Trâu buộc lại ghét trâu ăn/ Quan võ lại ghét quan văn dài quần; Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã; Việc để lâu tựa cứt trâu hóa bùn; Sừng trâu cong khó uốn, kẻ ương ngạch khó dạy thành người; Đầu trâu mặt ngựa...
Đời sống tinh thần và lao động sản xuất của người Việt Nam đã ghi nhận vai trò không thể thiếu của con trâu từ xa xưa đến nay. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù, khỏe mạnh gắn liền với lũy tre làng là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt. Ngày Xuân Tân Sửu, điểm lại những hình ảnh trâu trong văn học dân gian để càng hiểu hơn nét văn hóa ấy.
7-2-2021
Ngọc Linh
Theo https://baotuyenquang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...