Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Bàn về tính hiện đại trong âm nhạc

Bàn về tính hiện đại trong âm nhạc

Từ khi bên cạnh Hò Xự Xang Xê Cống ta có thêm Do Re Mi Fa Sol La Si, nền âm nhạc Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới với sự ra đời của âm nhạc cải cách (nhạc mới, tân nhạc). Bước ngoặt này được đánh dấu bằng bài hát “Bình minh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Ngày nay năm 1938. Phải chăng lúc này nền âm nhạc nước nhà đã bắt đầu mang yếu tố hiện đại?
Mới có, mới thấy - Có phải là hiện đại?
Bảy nốt nhạc trong điệu thức của phương Tây cho đến thời điểm du nhập sang nước ta thực ra đã xuất hiện gần 10 thế kỷ. Như vậy chúng mới đối với người Việt chứ đã quá cũ ở nơi chúng sinh ra. Cũng vậy đối với các trào lưu âm nhạc khác. Chẳng hạn những nét nhạc lãng mạn trong giai đoạn “Nhạc tiền chiến” đã tràn ngập ở các nước Áo, Đức, Ý… từ giữa TK 19. Hoặc khi một số ca sĩ của ta bắt đầu tập hát các loại nhạc Rock and Roll, Pop-Rock, Country-Rock thì những người sáng tạo ra chúng ở bên kia đại dương như Jackie Brenston, Chuck Berry, Bill Haley, Alan Freed… có lẽ đã có… chắt ngoại. Còn thể loại Rap-Hiphop thì đã được các ghetto (dân giang hồ) ở Mĩ biểu diễn trên các đường phố của NewYord, Brooklyn từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng ở Việt Nam hiện nay hình như đang được cho là hiện đại (!).
Hàng ngoại nhập - Có phải là hiện đại?
Khi nghe một số album ca nhạc hiện nay, chúng ta có cảm giác rằng các nhạc sĩ và sau đó là các ca sĩ, dường như cố bắt chước cho thật giống phong cách sáng tác và biểu diễn của nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ và một số quốc gia vùng Đông Á. Từ lối viết giai điệu chuyển động ngang gồm những quãng đồng âm, thỉnh thoảng nhấn mạnh bằng các bước nhảy đi lên và phản hồi để tạo nên âm luyến, bất chấp thanh điệu tiếng Việt; từ cách kéo dài các âm tiết cuối thành các vocal (âm tượng thanh) bất kể chúng tạo nên hình tượng âm nhạc gì; từ cách nhả chữ sao cho các âm tiết dính liền nhau nghe như tiếng Tây, bất cần người nghe có hiểu được hay không… cho đến việc sử dụng tiếng nước ngoài xen kẽ trực tiếp trong lời ca, bất luận bài hát được viết cho đối tượng nào, tất cả những cái bất đó đều minh chứng cho cảm giác ở trên. Tại sao lại như thế? Tại sao lại từ chối việc sáng tác và hát bài hát Việt cho giống tiếng Việt? Lẽ nào như thế mới thật là hiện đại?
Tiết tấu sôi động có phải là hiện đại?
Do tác động từ các yếu tố văn hóa truyền thống, và có thể từ nhiều yếu tố khác nữa như nhân chủng, ngôn ngữ, môi trường…, hầu hết các làn điệu dân ca của các dân tộc Việt Nam đều mềm mại, uyển chuyển trong giới hạn nhịp độ từ chậm đến vừa, ngoại trừ một vài điệu hò sông nước. Từ đó, tiết tấu của bài hát cũng cũng thường nghiêm cách, chân phương, ít tạo nên những nhịp điệu sôi động, hoạt náo. Có lẽ vì thế mà một số nhạc sĩ khi sáng tác những ca khúc có tính dân tộc đã viết giai điệu trên những âm hình tiết tấu phá cách hơn hoặc đẩy nhịp độ tác phẩm lên nhanh hơn. Điều này dễ nhận ra trong một số ca khúc của Trần Tiến, Dương Thụ hoặc Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn sau này. Họ đã sử dụng tiết tấu như một thủ pháp hiệu quả nhất để thổi vào các chất liệu âm nhạc dân tộc, làm cho chúng trở nên có sức sống hơn. Nhiều tác phẩm như thế đã gây được những ấn tượng lâu dài. Và họ đã thành công.
Tuy nhiên, nếu hiện đại chỉ là vấn đề tiết tấu thì các thổ dân ở châu Phi, châu Mỹ la-tinh và cả ở các quần đảo ngoài Thái Bình Dương đã hiện đại từ thời… nguyên thủy. Nhiều đoạn phim tài liệu đã cho thấy rằng trong cuộc sống còn hoang dã, các bộ lạc này đều có tập quán nhảy múa theo những điệu nhạc hết sức cuồng nhiệt. Và chúng ta cũng đã biết rằng các thể loại nhạc Jazz ở Mỹ trước đây đều có nguồn gốc từ các nhịp điệu của bộ gõ do những người nô lệ da đen mang đến. Điều đó có nghĩa là tự thân tiết tấu cũng không thể mang thuộc tính hiện đại hay cổ điển.
Ca từ thông tục dễ dãi có phải là hiện đại?
Có lẽ đây là hiện tượng phổ biến tràn ngập nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất hiện nay trong các bài hát đương đại ở xứ ta. Trong một bài tham luận đọc trong một cuộc hội thảo do Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì tại Đà Nẵng, chúng tôi đã phân tích và phê phán khá… căng thẳng hiện tượng này. Nhiều “nhạc sĩ” vì thiếu tình, thiếu tứ, thiếu vốn sống và nhất là thiếu chữ nên thường ngồi tưởng tượng ra những cuộc tình dở dang, những mối tình trái ngang, những phận tình đen bạc, những người tình dối gian… rồi ca cẩm bằng những từ ngữ vô cảm, sáo rỗng, nào là “Tình đổi thay cho con tim đau ngỡ ngàng, giọt đắng cay đành tự mình tôi khóc tôi”; nào là “Lỗi lầm thuộc về cả hai, dẫu ta không muốn cũng chấp nhận thôi”… Một số khác thì mô tả tình yêu như những thứ trang sức, như đồ ăn thức uống. Chẳng rõ giới trẻ ngày nay yêu đương thế nào mà các nhà sáng tác ca khúc dạy họ ứng xử với tình yêu bằng những ca từ đại loại như: “Tình như cây cà rem”; “… đừng bận tâm từ nay đường ai nấy đi, OK ta chia tay em nhé!”; “… cứ mãi hững hờ, qua từng ngày ta cứ ngó lơ… Em cứ ngu ngơ, cứ lơ mơ tình bất ngờ…”… Đọc những câu văn như thế, những nhạc sĩ không khó tính mấy cũng phải lắc đầu nhăn mặt. Nhưng ở một đẳng cấp nào đó, nhiều người lại biện minh rằng âm nhạc là thứ để giải trí, cần chi phải cất công nghĩ ra những ca từ sâu sắc. Họ quan niệm ca khúc hiện đại phải đơn giản, dễ hiểu, thông tục như cuộc sống hiện đại. Phải chăng con người đương đại không còn và không cần những tư duy sâu sắc?
Vậy thế nào mới là hiện đại?
Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Trong mấy chục năm qua, giới âm nhạc đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo, các nhà lý luận âm nhạc cũng đã tốn khá nhiều giấy mực về vấn đề này nhưng dường như chưa có một tiêu chí nào được thống nhất. Chúng ta vẫn cứ nhận dạng tính hiện đại của một tác phẩm âm nhạc bằng những giác quan cảm tính. Theo những điều đã được phản biện ở trên, hiện đại không chỉ là cập nhật những biểu hiện hình thức của cuộc sống đương đại; không hẳn là những yếu tố mới du nhập từ bên ngoài; không cứ là phải sôi động ồn ào; và chắc chắn không phải là sự sa sút về nhân sinh quan, sự nông cạn về nhận thức, sự sáo mòn, vô cảm trong cách diễn đạt. Trên cơ sở của các khái niệm và sự tổng hợp từ các khía cạnh riêng lẻ, chúng ta có thể đúc kết thành ba tiêu chí cơ bản để có thể cảm nhận mức độ hiện đại của một tác phẩm âm nhạc, đó là tính thẩm mĩ, tính sáng tạo và tính đương đại.
Thẩm mỹ là hay, là đẹp. Một bài hát dù thời thượng đến đâu mà giai điệu không hay, lời ca không đẹp thì không thể đủ tư cách để được đặt lên bàn thẩm định. Điều đó có lẽ không cần phải phân tích và bàn cãi.
Sáng tạo là không trùng lặp, cũ kỹ, sáo mòn. Có một giai thoại rằng khi nhạc sĩ F.Schubert được một nhạc sĩ trẻ nọ nhờ góp ý các tác phẩm của mình, ông ta xem kỹ rồi nhận xét: “Các tác phẩm của anh có nhiều cái hay và nhiều cái mới. Tuy nhiên, cái hay thì không mới còn cái mới thì không hay”. Và chúng ta cũng có thể hiểu được hàm ý câu nói đó có nghĩa là: cái hay mà không mới là cái ăn cắp hoặc bắt chước người khác, còn cái mới mà không hay là thứ vớ vẩn, đáng vứt đi.
Đương đại là cuộc sống đang diễn ra ở thì hiện tại cùng những vùng phụ cận của nó. Nó không chỉ có cơ thể mà có cả tâm hồn. Tài năng của người nghệ sĩ không chỉ là giỏi mô tả chi tiết những biểu hiện rời rạc trên cơ thể đó mà phải phân tích những cung bậc phức hợp trong tâm thức của cả cộng đồng để khái quát thành những vấn đề của con người và xã hội. Giai điệu và ca từ của một bài hát hiện đại không phải chỉ là những âm thanh vật lý, những hình khối sinh lý mà là những trạng thái tâm lý của con người đương đại đang tìm cách thích ứng với thế giới đầy biến động quanh mình.
Có thể ba tiêu chí kể trên cũng không… mới mẻ gì và vẫn chưa thỏa đáng, vẫn còn cần bổ sung thêm. Dù sao, đây cũng là một sự lên tiếng cần thiết với mục đích tạo nên những cuộc trao đổi tiếp theo, kiên trì từng bước làm cho bức tranh nền ca nhạc nước nhà trở nên sáng sủa, lành mạnh hơn.
2/7/2015
Phan Văn Minh
Theo http://www.thangbinh.quangnam.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...