1.ĐẶT VẤN ĐỀ
Nguyễn Huy Thiệp là một tên
tuổi nổi bật trên văn đàn Việt Nam trong giai đoạn đổi mới sau kháng chiến chống
Mỹ. Mảng sáng tác nổi bật nhất và thu hút được sự quan tâm rộng rãi nhất của
nhà văn chính là truyện ngắn.
Nói đến cái hay của truyện
Nguyễn Huy Thiệp là nói đến cái hay của cách kể chuyện, hay nói đúng hơn là
cách xây dựng hình tượng người kể chuyện, loại hình tượng không thể thiếu của bất
kỳ một tác phẩm tự sự nào. Đa phần người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp xuất hiện ở ngôi thứ nhất. Các tác phẩm kể theo ngôi thứ nhất của Nguyễn
Huy Thiệp không lấy tình tiết làm trọng mà chú ý thể hiện đời sống nội tâm của
các nhân vật. Sức lay động của các thiên truyện đến từ cái nhìn bên trong được
thể hiện qua giọng điệu kể chuyện trầm buồn, suy tư và từng trải của người kể.
Trong số các truyện ngắn kể
theo ngôi thứ nhất của Nguyễn Huy Thiệp thì chiếm phần lớn là những truyện kể
theo điểm nhìn đơn tuyến (18 truyện). Ở số ít truyện còn lại, câu chuyện được kể
theo điểm nhìn đa tuyến.
2.NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1 Người kể chuyện trong
các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn đơn tuyến
Trong các truyện kể này, tác
giả chọn một nhân vật xưng “tôi” để kể chuyện. Nhân vật “tôi” ấy có thể đóng
vai trò người dẫn chuyện trong tác phẩm hoặc một phần tử trong hệ thống nhân vật
tham gia vào các tình huống của truyện. Bản thân hình tượng “tôi” – người kể
chuyện còn có ý nghĩa nhân đôi. “Tôi” vừa là người kể chuyện về các nhân vật
khác, đồng thời là đối tượng nhận thức trở lại của chính mình. Các nhân vật xuất
hiện trong câu chuyện của nhân vật “tôi” cũng được thể hiện trong sự kết hợp giữa
việc miêu tả hành động, lời nói với những diễn biến tâm lý phức tạp bên trong của
nhân vật. Trong tác phẩm, “tôi” – người kể chuyện thường có sự trao đổi điểm
nhìn với các nhân vật khác trong khi kể chuyện, đồng thời xuất hiện hiện tượng
một sự vật, sự việc được nhìn nhận từ nhiều điểm nhìn khác nhau từ các nhân vật
trong truyện.
Để có được cái nhìn cụ thể
hơn về loại hình tượng người kể chuyện này, chúng ta thử đi vào tìm hiểu một số
truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp.
Các truyện Kiếm sắc, Phẩm
tiết, Mưa Nhã Nam, Cún, Trương Chi
Cả năm truyện ngắn đều được
kể bởi một người kể chuyện xưng “tôi”. Nhưng người kể chuyện này chỉ đóng vai
trò người dẫn chuyện chứ không tham gia vào các tình huống, sự kiện trong truyện.
Anh ta đóng vai trò là người quan sát, cảm nhận và kể lại những điều nghe được,
thấy được dựa vào điểm nhìn cá nhân của mình. Mô típ dẫn chuyện của cả năm trường
hợp này là: người kể chuyện xưng “tôi” được nghe kể về cuộc đời của các nhân vật
trong truyện bởi một nhân chứng lịch sử có lai lịch cụ thể, được cung cấp những
tư liệu mà theo anh ta là có căn cứ thực tế, rồi sau đó sắp xếp, dàn dựng lại để
tạo thành câu chuyện hiện tại mà độc giả tiếp cận. Điều đó cho thấy, người kể
chuyện xưng “tôi” trong khi luôn cố ý gợi cho người đọc cảm giác tin tưởng rằng,
những điều anh ta kể ra ở đây là có thật, đồng thời gián tiếp thừa nhận rằng những
câu chuyện được kể lại xuất phát từ cảm thụ cá nhân của anh ta, dựa vào điểm
nhìn hạn chế của anh ta để kể.
Lối dẫn chuyện này có thể
gây nhầm lẫn cho người đọc trong khi tiếp nhận tác phẩm, nhất là các tác phẩm lấy
cảm hứng từ những nhân vật có thật trong lịch sử mà cách hiểu về cuộc đời và
nhân cách đã được “đóng khung” trong cách hiểu của người đọc (Kiếm sắc, Phẩm Tiết,
Mưa Nhã Nam), rằng đây không phải là những sáng tác hư cấu văn học mà là những
truyện ghi chép lại những hiện thực khách quan có thật. Nhưng sự thật hoàn toàn
ngược lại. Những câu chuyện được kể ở năm tác phẩm này đều là những truyện kể
mang tính chất hư cấu, là những hiện thực đã được lọc qua lăng kính sáng tạo chủ
quan của tác giả. Ngay cả nhân vật “tôi” dẫn chuyện cũng chỉ là một hình tượng
hư cấu, nó có thể chứa đựng những định hướng nghệ thuật và quan niệm cá nhân của
tác giả về đời sống và con người nhưng bản thân hình tượng này lại thuộc về thế
giới hư cấu của tác phẩm.
Tuy nhiên, cách kể của người
kể chuyện xưng “tôi” ở các tác phẩm trên không giống nhau. Trong hai truyện ngắn Kiếm
sắc và Phẩm tiết, người kể chuyện sau khi giới thiệu hoàn cảnh trần
thuật của mình thì đóng vai trò là người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài trong
câu chuyện tiếp theo sau đó. Tính cách, phẩm chất của các nhân vật hiện lên
thông qua sự miêu tả khách quan ngoại hình, hành động, lời nói trong mối quan hệ
với các nhân vật khác. Câu chuyện được kể ở thì hiện tại, không xuất hiện những
đoạn thể hiện cảm xúc, tâm trạng hay sự hồi cố của nhân vật. Lời kể chủ yếu là
lời tả. Còn ở ba truyện ngắn còn lại, “tôi” – người kể chuyện lại dựa vào điểm
nhìn bên trong của nhân vật để trần thuật. Hình ảnh của nhân vật được thể hiện
chủ yếu qua thế giới nội tâm của chúng. Lời người kể thường xuyên xen lẫn lời nội
tâm của nhân vật.
Các truyện Chảy đi sông
ơi, Con gái thủy thần, Quan âm chỉ lộ, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu
“Tôi” trong các truyện ngắn
này vừa là người kể chuyện, vừa là một nhân vật trong thế giới tác phẩm, nhưng
mức độ tham dự của anh ta ở từng tác phẩm có sự khác nhau. Anh ta không chỉ là
người chứng kiến mà còn là người trong cuộc, trực tiếp tham dự vào các tình tiết
của truyện. Anh ta có thể không phải là một nhân vật chính nhưng là một hình tượng
nghệ thuật độc lập, có thể được nhận diện rõ ràng trong tác phẩm. Xét trên một
phương diện nào đó, người kể chuyện trong tác phẩm còn có vai trò là “chất xúc
tác”, góp phần làm bộc lộ tính cách của các nhân vật trong truyện. Ngược lại,
các nhân vật kia cũng có vai trò tích cực thúc đẩy quá trình nhận thức và tự ý
thức của nhân vật “tôi”. Bên cạnh đó, khi truyện được kể từ điểm nhìn của người
kể chuyện xưng “tôi” thì người kể có điều kiện tự do bộc lộ cá nhân, biểu đạt
tình cảm chủ quan. Khi đó, cái “tôi” một mặt là cái “tôi” khách quan, mặt khác
cũng là cái “tôi” chủ quan, cái “tôi” nội tâm, cái “tôi” tâm lý. Một mặt anh ta
hướng ra thế giới của các nhân vật, sự kiện để trần thuật, mặt khác hướng vào
thế giới nội tâm của mình để bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm bản thân.
Để kể những câu chuyện của
mình, người kể chuyện trong năm tác phẩm trên không chỉ dựa vào điểm nhìn chủ
quan của bản thân. Hình thức tự sự trong các truyện kể khá đa dạng. Người kể có
khi đứng ra kể chuyện, có khi trao quyền trần thuật lại cho các nhân vật khác,
để họ tự nhận xét về nhau; có khi một sự kiện, hiện tượng được nhìn nhận từ các
góc nhìn khác nhau của nhiều nhân vật; “tôi” cũng có khi dựa vào điểm nhìn của
mình, có khi lại dựa vào điểm nhìn của người khác để kể chuyện. Sự đan xen nhiều
hình thức tự sự dựa trên các kết cấu điểm nhìn khác nhau tạo cho các tác phẩm
nhiều tầng ý nghĩa phong phú, đa dạng và sâu sắc. Người đọc không buộc phải hướng
theo một quan điểm trần thuật duy nhất mà cùng lúc được đối thoại với nhiều
nhân vật. Điều đó làm tăng khả năng khái quát hiện thực của truyện ngắn, đồng
thời dành nhiều sự chủ động suy nghĩ hơn cho độc giả khi đọc tác phẩm.
Nhân vật chính trong các
truyện ngắn này đều là những người đàn ông. Họ đều cảm thấy lạc loài, cô đơn và
bế tắc trước hiện thực đời sống biến hóa, phức tạp. Nhưng họ không bao giờ ngừng
hoạt động, ngừng khám phá những giới hạn không gian mới giải thoát mình tình trạng
tù đọng, bất lực. Tuy vậy, những kết thúc dành cho họ lại thường là bi kịch.
Khi tái hiện lại những quãng đời của các nhân vật này, điểm nhìn của người kể
chuyện thường di chuyển theo những chiều kích không gian rộng lớn trong những
khoảng thời gian tương đối dài. Trong đó, những biến cố, những sự kiện xảy ra
trong cuộc đời nhân vật được liệt kê ở mức độ khá dày bên cạnh những chi tiết độc
thoại hay miêu tả nội tâm của nhân vật. Người kể chuyện có khi kể về một người
khác, có khi kể về chính mình. Ở những truyện mà “tôi” vừa là người kể chuyện,
vừa là nhân vật chính, cái “tôi” nội tâm, cái “tôi” tâm lý chiếm phần ưu trội
hơn cái “tôi” khách quan.
2.2 Người kể chuyện trong
các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn đa tuyến
Tự sự ngôi thứ nhất theo điểm
nhìn đa tuyến là hình thức tự sự mà ở đó điểm nhìn có sự dịch chuyển trên hai
hay nhiều người kể chuyện xưng “tôi”. Những cái “tôi” này không phải là sự phân
thân của một cái “tôi” nào đó. Chúng tồn tại với tư cách là những chủ thể độc lập,
thể hiện rõ sự mâu thuẫn nội tại trong ý thức. Nói cách khác, mỗi cái tôi được
miêu tả như một ý thức. Có trường hợp, trong truyện ngắn xuất hiện hai người kể
chuyện xưng “tôi”. Trong đó, một chủ thể giữa vai trò người kể chuyện chính,
còn chủ thể kia giữ vai trò của người dẫn truyện, anh ta đóng vai một người được
nghe kể lại câu chuyện từ người kể chuyện xưng “tôi” thứ nhất và chỉ trần thuật
lại một cách khách quan những gì nghe được. Cũng có trường hợp, một truyện kể
xuất hiện nhiều nhân vật – người kể chuyện kể những câu chuyện khác nhau. Mỗi
người kể chuyện là một chủ thể nhận thức mang điểm nhìn và quan niệm khác nhau
về hiện thực. Song những câu chuyện nhỏ ấy đều được sắp xếp theo định hướng của
“tôi” – người kể chuyện nhằm làm nổi bật nội dung, tư tưởng của một câu chuyện
lớn hơn bao trùm các mẩu chuyện đó. Điểm nhìn bao quát vẫn thuộc về “tôi” – người
kể chuyện, nhưng anh ta không áp đặt điểm nhìn của mình lên những người kể chuyện
khác, anh ta luôn cố ý tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa các câu chuyện được kể
trong tác phẩm. Trong các tác phẩm này thường có từ hai người kể chuyện trở
lên, những câu chuyện được sắp xếp xen kẽ, tạo ra khả năng đối thoại to lớn giữa
các ý thức với nhau.
Thuộc về hình thức tự sự này
là các truyện: Những bài học nông thôn, Chú Hoạt tôi, Thổ cẩm, Vàng lửa,
Mưa.
Những bài học nông thôn là
một truyện ngắn xúc động và sâu sắc lấy đề tài đời sống nông thôn của Nguyễn
Huy Thiệp. Người kể chuyện xưng “tôi” giữ vai trò là người kể chuyện chính, những
sự kiện, hiện tượng trong truyện đều được nhìn theo điểm nhìn và cảm xúc của
“tôi”. Nói cách khác, truyện được kể chủ yếu từ góc độ chủ quan của người kể
chuyện. Đồng thời anh ta cũng là nhân vật chính tham gia vào mọi sự kiện, diễn
biến xảy ra trong tác phẩm. Thông qua mối quan hệ với các nhân vật khác, nhân vật
“tôi” tìm kiếm được những chất liệu đời sống để xây dựng nên câu chuyện của
mình. Ngoài câu chuyện của “tôi”, xen kẽ trong mạch truyện là những câu chuyện
do các nhân vật chị Hiên, bà Lâm và anh giáo Triệu lần lượt thuật lại. Mỗi câu
chuyện gắn bó với những cảm xúc, ký ức, quan điểm riêng của mỗi nhân vật về cuộc
đời, về lẽ sống và cả những chiêm nghiệm triết lý riêng tư. Trong quá trình trần
thuật này, người kể chuyện xưng “tôi” chỉ đóng vai trò người quan sát, lắng
nghe và tường thuật lại, anh ta không can dự vào ý thức của chủ thể đang kể
chuyện. Như vậy, trong lòng một câu chuyện lớn của “tôi” – người kể chuyện là
những câu chuyện nhỏ độc lập nhưng xét trong tổng thể tác phẩm, chúng vẫn có mối
liên quan chặt chẽ với câu chuyện lớn về mặt tư tưởng và định hướng nghệ thuật.
Vì xét cho cùng, điểm nhìn bao quát và vai trò kể chuyện chính vẫn thuộc về chủ
thể xưng “tôi”.
Hai truyện ngắn Chú Hoạt
tôi và Thổ cẩm đều xuất hiện hai người kể chuyện xưng “tôi”. Người
kể chuyện xưng “tôi” thứ nhất giữ vai trò là người kể chuyện trong phần chính của
truyện ngắn, còn người kể chuyện xưng “tôi” thứ hai xuất hiện ở vị trí người lắng
nghe câu chuyện của “tôi” trên kia và tường thuật lại. Người kể chuyện thứ nhất
đồng thời cũng là một nhân vật trong truyện, anh ta là người kể chuyện duy nhất
trong toàn bộ phần chính của câu chuyện. Mọi sự việc, diễn biến trong đó đều được
quan sát và kể lại từ điểm nhìn chủ quan của anh ta. Còn người kể chuyện thứ
hai hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện được kể lại, anh ta chỉ tường thuật những
gì được nghe kể mà thôi. Thực chất, anh ta là người dẫn chuyện nhưng vì xuất hiện
ở cuối tác phẩm nên vai trò dẫn dắt của anh ta không thể hiện rõ ràng, anh ta
giống như một thính giả thụ động hơn. Một người đang đối thoại với người kể
chuyện chính. Hình thức này mang lại cho người đọc cảm giác rằng những nhân vật
và câu chuyện trên kia là có thực, mang tính khách quan cao.
Hai truyện ngắn Vàng lửa và Mưa đều
có kết cấu truyện lồng truyện. Trong truyện ngắnVàng lửa là sự đan xen giữa
ba câu chuyện được kể bởi ba người kể khác nhau, còn trongMưa, hai câu chuyện của
hai người kể riêng biệt cũng khéo léo hòa quyện vào nhau suốt mạch truyện.
Người kể chuyện xưng “tôi”
đóng vai trò người kể chuyện ngang hàng với những người kể còn lại. Trong Vàng
lửa, người kể xưng “tôi” không đồng thời là nhân vật trong truyện, anh ta kể một
câu chuyện lớn và câu chuyện này được thêu dệt nên bởi hai câu chuyện nhỏ khác
đan cài bên trong. Các nhân vật kể chuyện đều là những chủ thể độc lập và toàn
quyền với câu chuyện của mình, “tôi” – người kể chuyện hoàn toàn đứng ngoài.
Nhưng dù là hai câu chuyện nhỏ riêng biệt song chúng vẫn nằm trong mạch tư tưởng
chủ đề chung của tác phẩm, cùng phục vụ cho một định hướng nghệ thuật thống nhất
của người kể chuyện xưng “tôi”. Ở Mưa, bên cạnh câu chuyện giữa hai nhân vật
“anh” và em” là câu chuyện của cô gái tên M. kể cho người bạn tên N. của mình
nghe. Câu chuyện thứ hai được lồng vào trong mạch kể của câu chuyện thứ nhất
theo dòng tự sự của người kể chuyện chính là nhân vật xưng “anh”. Xét về mặt kết
cấu thì đây cũng là hai câu chuyện độc lập được sắp xếp xen kẽ nhau theo dụng ý
nghệ thuật của người kể chuyện, nhưng cũng như Vàng lửa, chúng cùng hướng
đến một nội dung tư tưởng theo quan điểm của người kể chuyện chính.
3.KẾT LUẬN
Nhìn chung, hình thức tự sự
ngôi thứ nhất ở các truyện ngắn này khá đa dạng. Có khi trong truyện chỉ xuất
hiện một người kể chuyện xưng “tôi”, có khi xuất hiện từ hai cái “tôi” kể chuyện
trở nên. Trong nhiều trường hợp, người kể chuyện còn trao điểm nhìn trần thuật
lại cho nhân vật và kể chuyện từ góc nhìn của nhân vật này. Hơn nữa, các điểm
nhìn ở “tôi” – người kể chuyện không cố định mà luôn có sự di động. Sự kết hợp
nhiều hình thức tự sự đa dạng đã đem lại cho tác phẩm cái nhìn đa chiều hấp dẫn,
đồng thời mở rộng tầm khái quát hiện thực của truyện ngắn. Tự sự ngôi thứ nhất
giúp người kể chuyện thể hiện được tính cá thể cao trong lời kể và các kể chuyện
của mình. Cái “tôi” của người kể chuyện có khả năng bộc lộ chiều sâu trong nhận
thức và thể hiện sâu sắc quá trình tự vấn của bản thân. Sự tương tác, đối thoại
giữa những ý thức chủ thể độc lập góp phần tạo nên tiếng nói đa thanh, đa giọng
điệu trong tác phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Hồng Hạnh (tuyển chọn),
2005. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp.Hồ Chí Minh.
[2] Phạm Xuân Nguyên, 2001. Đi
tìm Nguyễn Huy Thiệp. Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[3] Nguyễn Huy Thiệp, 2006. Giăng
lưới bắt chim. Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.
[4] Trần Đình Sử (chủ biên),
2003, Tự sự học – Một số vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Đại học sư phạm,
Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét