Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Đường khuya gót nhỏ

Đường khuya gót nhỏ
Tôi ngạc nhiên nhìn cô gái trước mặt. Từ lúc cô nhỏ nhẹ "Em chào anh!" và kéo cái ghế ngồi xuống, đối diện với tôi bằng một đôi mắt đen tròn. Một đôi mắt ẩn chứa một niềm vui, đồng thời cũng phảng phất một nỗi buồn, một đôi mắt có thể làm cho một ai đó xao lòng, cũng có thể gợi nên một sự trắc ẩn, thương xót. Một đôi mắt biết gửi những tiếng lòng sâu kín, biết trần tình những ngọt đắng nông sâu, đồng thời cũng biết âm trầm một tâm cảm. Tóm lại là một đôi mắt có sự phong phú của thứ ngôn ngữ riêng. Nhưng lúc này, tôi không thể nhận biết được đôi mắt kia đang muốn nói với tôi điều gì, mà chỉ rõ nhất một ánh khắc khỏai, đợi chờ ở tôi một điều gì đó. Có vẻ …mà cũng không có vẻ. Cho dù nơi tôi đang ngồi là một quán cà phê. Không phải là một quán cà phê đèn mờ, là bởi chủ trương của anh bạn thân của tôi, cũng là chủ quán không dung chứa các lọai hình tệ nạn, hơn nữa có là đèn mờ thì giờ cũng không phải là lúc, khi ánh sáng mặt trời đang chói lọi khắp nơi.Trong khoảnh khắc, một loạt câu hỏi dậy lên trong bộ óc nhỏ bé, chúng không đủ cả thời gian và dữ liệu để trả lời. Cô gái này là ai ? từ đâu đến ? tìm tôi có việc gì ? Liệu tôi đã từng gặp gỡ chưa ? đã từng vương mắc nợ nần gì chưa ? 
_ Anh không nhận ra em cũng phải. Mười năm rồi, lại chỉ một lần… 
Thôi chết tôi rồi ! Mười năm trước tôi đã gây nên tội nợ gì đây ? Cái dấu chấm lửng sau câu nói làm cồn lên trong ruột tôi một cảm giác như lo lắng. Không lo lắng làm sao được, khi bất kỳ ai trong một thời tuổi trẻ ít nhất cũng mắc một vài sai lầm nào đó. Có những sai lầm vặt vãnh có thể qua rất nhanh, không dể lại dấu vết gì nghiêm trọng, nhưng có thể sẽ có những sai lầm mà hệ quả của nó thì thật khôn lường, có khi gây một ảnh hưởng tai hại cho những gì đang có trong hiện tại. Đây thuộc về trường hợp nào ? Và… 
…chỉ một lần với khỏanh khắc thật là ngắn ngủi, mà cả cuộc đời này em cũng không thể quên được anh. 
Chết thật rồi ! Trong quá khứ tôi và cô gái này đã xảy ra chuyện gì? Sao tôi chẳng có một mảy may nào sự nhắc nhớ cả. Liệu có phải … 
_ Cô có nhầm tôi với ai không đấy ? 
_ Không anh ạ. Em không thể nào nhầm được. Dù bây giờ anh có hơi khác ngày ấy một chút, nhưng em vẫn nhận ra anh ngay. 
Quái nhỉ ? Có vẻ như cô ta có một kỷ niệm sâu đậm lắm về tôi thì phải. Nhưng tôi lại mịt mờ quá về một hình ảnh. Làm sao nhớ hết tất cả những ai đã từng gặp gỡ trong đời mình. Nhất là những gương mặt của một thời xa xưa bay nhảy. Không lẽ đây là một cô gái mà tôi đã từng cao hứng hẹn hò gì chăng ? và cuộc hẹn hò ấy đã bắt đầu và kết thúc như thế nào nhỉ ? Thanh niên bồng bột, vui đâu chầu đấy, chuyện yêu đương vớ vẩn thì khác chi quà vặt hàng ngày. Cứ thấy em nào xinh xinh thì ngứa miệng chọc chơi, đa phần chỉ là những trò đùa tán tụng vu vơ nào đấy. Nhiều khi không phải từ sự chủ động của tôi, mà còn là những sự tấn công nhiều kiểu dáng từ "phía bên kia". Tôi không dám tự phụ đâu, nhưng thực tình, nhờ sự ưu đãi của tạo hóa, mà tôi có được một dáng dấp khá bảnh bao, lịch thiệp, điểm số được chấm theo thang bậc khách quan nhất là "trung bình khá". Vì vậy mà thành phần "hội chợ phù hoa" của tôi luôn là sự ganh tị với các bạn cùng phái. Nếu mà phải chịu trách nhiệm với tất cả thì chắc tôi chỉ còn có nước thăng thiên hoặc độn thổ mất thôi. Không biết….Tôi chợt lạnh tóat người khi nghĩ đến một khả năng, nhưng ngay lập tức tôi tự trấn tĩnh, là bởi khả năng ấy sẽ không thể nào. Nói không phải khoe, chứ thực tình ngày còn trẻ (mặc dù bây giờ tôi vẫn chưa già lắm đâu) đương nhiên cái gọi là thanh niên tính chẳng dễ gì thóat khỏi chuyện bông đùa mây gió, nhưng thú thật là chỉ dám bông đùa cái miệng thôi, lắm lúc cũng tức anh ách khi bạn bè giễu cợt là "gan thỏ", "gà mái", "còn chưa rời tí mẹ", nhiều lắm những cách nói khích bác chuyện tôi không " lập thành tích" với các nàng. Nhưng họ nói mặc họ, mình sao mặc mình. Có lẽ do ảnh hưởng lề lối giáo dục của gia đình, nhất là mẹ tôi, nên tôi đã có ý thức sớm về những hành vi không lành mạnh. Những hành vi mang tính xốc nổi, ngẫu hứng, thiếu suy xét, kềm chế của bản thân mình, thường gây ra những hậu quả đáng tiếc không chỉ cho mình mà cả cho người. Xưa nay vẫn không hiếm những người phụ nữ và những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu tội nghiệt từ những hành vi thiếu ý thức và trách nhiệm ấy. Ngày đó ở gần nhà tôi có một trường hợp như thế. Cả hai mẹ con đều rất tội nghiệp vì cuộc sống thiếu hụt, vì mặc cảm tội lỗi, vì những điều tiếng mỉa mai của bao người, vì những thua thiệt mà mặc nhiên cái nhìn thông thường của xã hội tạo ra. Mẹ tôi luôn lấy một minh chứng cụ thể đó mà giáo dục con cái, cả trai lẫn gái. Chính vì thế mà tôi không vấp phải bất kỳ điều đáng tiếc nào tương tự. Nghĩ đến còn đỏ mặt, tôi như một "tú nữ phòng khuê" cho đến ngày cùng tân nương giao bái. Có nghĩa là sẽ không có chuyện một cô nàng nào đó ôm một đứa nhỏ đến gõ cửa nhà tôi. Cũng có nghĩa là " sư tử" nhà tôi sẽ không có cơ hội để dựng bờm, trợn mắt. Nhưng chưa hẳn. Nếu cô gái trước mặt tôi đây có sự lập lờ về một mối quan hệ không minh bạch nào đó trong quá khứ, thì vẫn tiềm tàng một cơn sóng gió bất thường trong ngôi nhà be bé của tôi. Một nơi mà lòng tôi luôn cảm thấy ấm áp tươi vui mỗi khi trở về. Có người nói " Con người hạnh phúc nhất là luôn có một nơi chờ đón, và luôn cảm thấy sung sướng khi trở về nơi ấy". Vậy thìđúng tôi là một người hạnh phúc rồi. Tôi không biết mình có phải là một người chồng lý tưởng chưa ? Nhưng vợ tôi thì đúng là một người vợ lý tưởng. Một người vợ luôn biết chồng mình yêu gì ? muốn gì ? cần gì ? Chúng tôi đã có một thời gian dài tình sâu nghĩa nặng truớc khi tiến đến hôn nhân. Chúng tôi biết rõ chúng tôi thuộc về nhau, giả sử có phải làm lại, thì tôi cũng chọn vợ tôi mà thôi. Mọi người hay có câu cửa miệng " sợ vợ", mỗi khi thấy một người đàn ông nào đó tỏ ra có tình thương yêu và trách nhiệm với gia đình. Đôi khi chỉ vì một sĩ diện hão, một thứ chí khí rởm, mà một người đàn ông không nghĩ rằng mình đã làm tổn thương dến những người thân yêu nhất của mình. Và rồi để lập luận cho những buông tuồng là " mất gì đâu". Có mất đấy. Nhiều hay it thì cũng là đánh mất niềm tin, tình cảm, hòa khí, và cả một phần tư cách của mình nữa. Tôi không dại gì đánh đổi những giá trị đích thực của cuộc sống cho những cuộc chơi vô bổ, để rồi sẽ đến một lúc nào đó biết hối tiếc thì đã muộn. Không cứ gì là nam hay nữ, biết yêu thương tôn trọng một nửa của mình thì không có gì là đáng xấu hổ cả. Tôi không muốn làm vợ tôi phải đau vì tôi, mà lòng dạ tôi cũng xốn xang khó chịu lắm. Bởi ý nghĩ mình là một người tệ hại, một người vô lương tâm, vô trách nhiêm. Lương Tâm. Trách Nhiệm. Đúng thế, đó là những yếu tố cơ bản để làm nên một người đàn ông thực thụ. Phải nói một cách rất trung thực rằng : trong tôi luôn có một ý thức trách nhiệm rất cao, không chỉ ở một lĩnh vực, mà hầu như trong tất cả các vấn đề quan thiết, tôi luôn đặt tính trách nhiệm lên hàng đầu. Trách nhiêm giúp con người ta có một đời sống vững chãi, tôn kỷ, dũng cảm và cả sự chừng mực nữa. Và trách nhiêmđối với những người thân yêu của mình luôn là một trách nhiệm cao cả và cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên mà thành câu "Đàn ông là trụ cột của gia đình". Cái gọi là trụ cột ở đây không chỉ là sức mạnh, là khả năng bảo bọc vật chất, mà cái chính là niềm tin và sự trông đợi về mặt tinh thần. Tôi không chỉ làm một người chồng, một chỗ dựa vững chắc cho một người phụ nữ yếu đuối đã giao phó tòan bộ buồn vui, được mất, sướng khổ của cuộc đời cho mình, mà tôi còn là một người cha. Ít nhất cũng là một hình mẫu cho các con tôi vin vào trong những bước chập chọang đầu tiên vào đời. Nói thì ra vẻ mô phạm, nhưng đúng vô cùng với một luận điểm " Sự giáo dục của gia đình là nền tảng nhân cách của mỗi người". Mà chính bản thân tôi đã là một chứng nghiệm thực tế nhất . Vì vậy, tôi lại càng không thể để những chuyện vu vơ, vớ vẩn làm ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các con tôi. Lại còn một điều nữa. Phụ nữ vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Các bà thường rất vội vàng, chưa tường tận đầu đuôi câu chuyện, đã vội mặt bấc mày chì, trách hờn, vặn vẹo, u sầu khóc lóc, vật vã mình mẩy, để những người đàn ông chúng tôi vã mồ hôi, lồi con mắt mà thanh minh, thề thốt. Và đến khi tỏ rõ ngọn nghành, oan ưng phân giải thì cũng đã tan lòng nát ruột, trong cái tổ ấm xinh xinh ấy cũng đã vắng đi những tiếng cười. Cái không khí êm đềm, ấm áp làm dịu đi những lo toan bực dọc, những áp lực công việc cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Đừng nghĩ rằng đàn ông điều quan trọng nhất là sự nghiệp, rất đúng, nhưng gia đình cũng quan trọng không kém. Bởi bên cạnh sự nghiệp còn phải có những nhu cầu đời sống khác, không ai có thể suốt đời chỉ biết sống với công việc, với sự đàn đúm bạn bè, mà một nửa tâm tư nguyện vọng thuộc về gia đình, và cũng chính nơi ấy đã hỗ trợ phần lớn tinh thân, sức lực, động cơ cho người đàn ông đạt được những thành quả. Thử nghĩ xem, nếu không có gia đình, ta sẽ về đâu những khi mệt mỏi, những khi cần được một bàn tay dịu dàng âu yếm, những vành môi bé thơ cho ta cảm giác lâng lâng thích thú, làm sống trong ta sự mạnh mẽ, sức phấn đấu và cả sự trao gửi nữa.Chẳng hay ho và dễ chịu gì khi về già lại hết sức khổ sở, đôi khi cả bất lực với những hậu quả của một thời tuổi trẻ buông tuồng, sa đọa. Chính vì thế mà tôi càng phải ngăn ngừa hậu họa, càng sớm càng tốt. 
_ Xin lỗi cô …thật không phải, nhưng quả tình tôi không thể nhớđược là tôi đã hân hạnh được quen biết cô từ bao giờ … 
Cô gái không vội trả lời, ngước đôi mắt to đen ấy lên bầu trời một khắc, rồi lại chập mắt nhìn xuống, một hơi thở dài nhè nhẹ thóat ra. Tôi càng bối rối : 
_ Tôi…tôi xin lỗi… 
Đôi mắt ấy lại hướng về tôi, nhưng bây giờ nó lấp lánh thêm hai giọt lệ : 
_ Anh không có lỗi gì cả. Em chỉ muốn được gặp lại anh một lần để nói lên một lời cảm ơn. Một lời cảm ơn tự đáy lòng em mà thôi. 
Tôi càng không hiểu gì cả. Trong một thóang, nỗi lo đè nặng trong tôi biến mất, chí ít là cô ấy tìm đến tôi không phải là một sự đòi nợ. Nhưng tôi đã có ơn gì đối với người con gái xa lạ này ? Cô gái không để tôi phải mất thêm nhiều thời gian nghĩ ngợi nữa. Cô trầm giọng, giọng nhẹ như gió thỏang, nhưng rất rõ ràng : 
_ Anh còn nhớ không, đêm ấy bên một dòng sông, khi ấy em là… 
Một chút nghẹn ngào chẹn qua giọng nói. Một ánh chớp vút ngang qua tâm não tôi, tôi nhớ rồi.Tôi nhìn trực vào gương mặt cô gái, bây giờ thì tôi nhận ra cô rồi. Đường nét khuôn mặt có già dặn hơn, có sự từng trải và chín chắn hơn, nhưng vẫn còn nguyên vẻ bầu bĩnh, nhuốm một chút thơ ngây hồn nhiên của ngày xưa. Cảm xúc tôi lẫn lộn, vui vui vì gặp lại một người xưa cũ, người mà không chóan quá nhiều trong bộ nhớ của tôi, nhưng cũng thi thỏang dậy lên trong tôi một chút khắc khỏai « không biết… », đồng thời cũng có một chút lo ngại vì quá khứ của cô ấy. Cho dù mười năm qua, có thể câu chuyện đã khác đi rất nhiều, nhưng nói thật, với cương vị và cuộc sống hiện tại của tôi, thì thật không hay một chút nào, nếu lan truyền một câu chuyện. Người ta không thể làm lại tất cả khi đã ngòai bốn mươi tuổi. Cái tuổi không còn nhiều sức lực, nhuệ khí cũng như cơ hội. Những gì mang tính nền tảng và củng cố chỉ có thể trong giai đọan từ hai mươi đến bốn mươi. Ngòai bốn mươi người ta phát triển tôt lên những gì đã có, nếu vì bất kỳ một lý do gì làm suy sụp thì sẽ rất khó cho sự phục hồi. « Làm lại từ đầu . » Đó là một thách thức vô cùng lớn mà không phải ai cũng có thể thực hiện trong đọan tuổi như tôi bây giờ. Một chặng đường khá dài đã qua, không biết bao là những gập ghềnh, khúc khủyu, bao là vết tích của những va vấp, mà nếu phải đặt chân bước lại, chắc có lẽ sẽ rất khó cho tôi. Vì vậy , thận trọng vốn luôn là sự không thừa với bất kỳ ai, bất kỳ giai đọan nào, trong trường hợp này nó lại càng là sự đúng đắn. 
_ À vâng. Tôi nhớ ra rồi. Vậy bây giờ cô … 
Một nụ cười nhóm lên gương mặt một niềm ấm áp, tươi vui. 
_ May quá, anh vẫn còn nhận ra em. Anh…anh có ngại gì không , khi em đường đột gặp anh thế này ? 
_ Ồ không, không sao, chỉ là tôi hơi ngạc nhiên thôi. Bây giờ… 
Tôi lại bỏ giở câu nói, nhưng cô gái đã mỉm cười : 
_ Anh yên tâm, bây giờ em không còn làm cái việc như ngày đó nữa. Em đã bỏ ngay sau cái hôm gặp anh ấy. 
_ Thế á ? 
_ Vâng ! Những gì anh đã xử sự với em trong tối hôm ấy đã làm thay dổi cả cuộc đời em. Em thật lòng mang ơn anh suốt đời, nếu không được gặp anh, không biết bây giờ em ra sao nữa. 
Cô gái cúi đầu, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi thực sự bất ngờ khi nghe cô nói vậy. Bây giờ thì trang ký ức đã lật lại nguyên cảnh tượng của buổi tối hôm ấy. 
Chẳng biết từ bao giờ hình thành cái lệ, là cứ sau một buổi tiệc vui như đám cưới, sinh nhật, mừng thăng chức…là kéo nhau đi tăng hai. Thường thì hay rủ nhau đi hát karoke, một lọai hình vừa thư giãn, giải trí, vừa giải quyết được nhu cầu xả thóat năng lượng. Đúng là có chút hơi men vào mà được hát ca thỏai mái, đẫm mình trong một không gian âm nhạc thì thật sảng khóai làm sao. Mọi lần tôi cũng không mấy khi từ chối những cuộc vui như vậy. Đang còn là thanh niên độc thân, đương nhiên nhu cầu vui chơi là không thể thiếu. Lại nữa, tôi còn nhớ hôm ấy tôi vừa chia tay một cô bạn gái, cũng hơi buồn, nên sau một bữa tiệc mừng thôi nôi con người bạn, chúng tôi độ gần chục người cả nam lẫn nữ kéo nhau đi hát. Khi dần về khuya, các cô ra về cùng một vài chàng trai của họ, số còn lại là bốn người, trong đó có tôi. Một anh bạn cao hứng đề xuất tăng ba. Tôi vội tìm cớ thóai thác. Nhưng những người bạn dứt khóat lôi tôi đi bằng được. Bảo để cho tôi giải buồn sau một cuộc tình đổ vỡ. Không thể cưỡng lại sự lôi kéo của họ, tôi đành lòng đi theo, thầm nhủ thôi thì tùy vào tình huống sẽ tìm cách liệu sau vậy. 
Đến một ngôi nhà nằm sâu trong một ngõ hẻm, phía trước là những cành cây giăng mắc những ngọn đèn màu chớp nháy, bước qua khoẳng sân lơ thơ những bộ bàn ghế nhựa là một gian phòng nhỏ, trên tường bài trí một số tranh ảnh nghệ thuật, còn có vài bức thư pháp với những nét chữ bay lượn, trong ắnh đèn mờ mờ ảo ảo, những nét chữ bỗng trở nên một thứ bùa ma quái. Tôi lẳng lặng đi theo mấy người bạn, họ có vẻ quá thông thuộc nơi này. Tôi không muốn quy chụp về mặt đạo đức của họ, nhưng thành thật mà nói, có một cái gì đó tạo ra một lằn ranh lờ mờ, tất nhiên là người ta không thể chi phối nhau trong những lĩnh vực rất riêng tư, chỉ có thể tự nhiên gần hay tự nhiên xa mà thôi. Một người phụ nữ khá đứng tuổi từ gian nhà trong bước ra, vỗ vai mấy anh bạn tôi cười nói rất thân thiết. Chị ta cũng hồ hởi kép tay tôi với những câu chào lẳng lơ, suồng sã. Một anh bạn ghé vào tai chị ta nói nhỏ, rồi cả hai cùng phá ra cười, chị ta tỏ ra thân mật với tôi « Hàng nguyên đai nguyên kiện thì phải hết sức chu đáo chứ. Em đừng lo, chị bảo đảm là em sẽ hết sức vừa ý » Tôi không phản bác cũng không hưởng ứng, dù sao thì cũng không đễ dàng quay trở ra, có lẽ cũng nên một lần cho biết thế nào là một góc khuất của con người. Quanh co qua những hành lang chập chờn nữa thì mỗi chúng tôi được đưa vào một phòng. Tôi muốn buồn nôn khi một thứ mùi hỗn tạp xộc vào mũi, đó là mùi nước hoa rẻ tiền mùi hơi người, mùi bia rượu và cả mùi thuốc lá. Trời ơi là trời ! Không tưởng tượng nổi là người ta sẵn sàng bỏ hàng đống tiền để đem thân vùi vào những chỗ như thế này. Tôi vô cùng ân hận vì đã cả nể mà bước vào đây. Càng thấy rõ trong tôi là một sự phản kháng kịch liệt, không thể nào thỏa hiệp được với khung cảnh và tính chất của vấn đề này, dù chỉ là một ý nghĩ. Tôi nén mình ngồi xuống mép giường, chỉ nhìn cái giương cũng đã hình dung ra bao điều tởm lợm đã từng diễn ra trên nó. Nhu cầu. Đúng là con người ta sống cần quá nhiều nhu cầu, những nhu cầu thuộc về bản năng lại chiếm phần nhiều hơn, nó luôn hối thúc, chi phối và dẫn dắt, rất nhiều khi người ta không thóat được sự quyền chế của nó, và để làm thỏa mãn một sự đòi hỏi của thân xác mà phải đánh đổi nhiều đến thế ư ? Nào là danh dự, sức khỏe, phẩm chất và tiền bạc. Cơn buồn nôn trong tôi lại dội lên, cộng với độ cồn trong ruột, lần này thì tôi phải vào vội nhà vệ sinh. Sau khi đã tháo trút những thứ khó chịu trong người, những vốc nước mát vã lên mặt, tôi thấy tỉnh táo hơn, và quyết định phải ra khỏi chỗ này ngay, dù với bất cứ điều kiện nào. 
Tôi bước trở ra, hơi sững sờ một chút khi thấy một cô gái với một manh áo mỏng khóac hờ trên mình, trên cái bàn nhỏ là một cái khay có sẵn một chai rượu ngọai lọai 100ml, hai cái ly và một cái « OK » . Tôi thấy rõ nó khi cô gái nhẹ nhàng đứng dậy cầm cái chai lên mở nút , một cái hất nhẹ của bờ vai làm rơi manh áo hững hờ kia xuống đất. Tôi cảm thấy nghẹt thở, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cơ thể của một người đàn bà, cho dù trên đó vẫn còn sót lại hai mảnh vải. Một thứ cảm giác lẫn lộn trồi lên, những dấu hiệu của giới tính xuất hiện, như một cơn lũ đang chực lao tôi cuốn phăng tôi. Nhưng bỗng có một cái gì rất lạ, vút qua tôi như một sự đánh thức, Tôi biết, nếu không tỏ rõ một thái độ kịp thời, tôi sẽ bị ngã hẳn về một bên trong sự giằng kéo. Tôi vụt quay hẳn lưng lại phía cô gái, có lẽ là sự bất ngờ lớn cho cô gái, vì tôi nghe một khỏang lặng rơi ngang rồi chợt cảm nhận bước chân cô gái đến sau lưng, tôi nói nhỏ nhưng rõ ràng : 
_ Xin lỗi cô, nhưng cô có thể mặc quần áo vào và đến một nơi khác cùng tôi không ? 
Một tiếng cười khe khẽ : 
_ Tưởng gì ? Dạ được, anh đợi em một chút nhé. 
Tôi vẫn im lặng, không quay lại, thở ra một hơi dài thóat nạn khi có tiếng cửa phòng khép lại. Tim tôi vẫn còn thình thịch, tôi đưa hai tay chà xát mạnh trên da mặt, sự tỉnh tảo đã trở lại. Tôi phải đưa cô gái ấy đi cùng, vì đó là cách tốt nhất để tôi có thể ra khỏi đây nhanh chóng và yên ổn. Dù chưa bao giờ gặp phải, nhưng tôi vẫn biết ở những nơi như thế này thường có một vài gương mặt lầm lì, lạnh lẽo nào đấy lảng vảng, sẽ sẵn sàng nghe lệnh chủ khi có việc bất như ý. Cô gái đã trở lại trong một chiếc váy bó sát người. Tôi đi cùng cô ra phòng ngòai thanh tóan tiền cho người chủ, chị ta nheo mắt chúc tôi vui vẻ. Tôi chỉ mỉm cười. Khi chiếc xe lăn ra đến ngòai đường, làn gió mát rượi khiến tôi sảng khóai, thấy như mình vừa được giải thóat khỏi một nơi tù đày vậy. Cô gái ngồi sau lưng tôi vòng tay ôm lấy người tôi, làm tôi thóang nhớ đến người bạn gái lúc trước. Cuộc chia tay êm ả, chỉ với một lý do không hợp nhau là đủ để kết thúc một mối tình. Tôi cũng hơi buồn buồn, nhưng đành vậy, tình cảm là thứ khó nắm bắt. Có lẽ chưa phải là một nửa của mình. Tôi lan man tâm tư một chút về cô gái đang đi cùng mình. Cô ta với thân phận là một món hàng, mặc nhận những gì sẽ đến bằng một thái độ phục tùng tuyệt đối. Cô ta có một hòan cảnh ra sao nhỉ ? Có đáng thương lắm không ? Đã dấn thân vào nơi mịt mờ tăm tối này bao lâu rồi ? Liệu cô ta có còn cái gọi là tâm hồn và trái tim ? Thật quá rẻ mạt khi chỉ cần vài tờ bạc làđã có thể mua được một con người và mặc tình vùi dập. Trong tôi chợt dậy lên một sự thương hại, đương nhiên là cô ta vì tiền, mặc lòng và tự nguyện, nhưng ắt hẳn cũng có một nguyên nhân đáng buồn nào đó mới đẩy một con người, một cuộc đời mà lẽ ra hòan tòan có một giá trị nhân cách, một hạnh phúc, và một sự trân trọng như bao người con gái khác. Rời những con phố khuya tĩnh lặng dưới những ngọn đèn vàng, tôi rẽ hướng đi ra bờ sông. Một con sông không lớn và cũng không cách xa thành phố là mấy, nơi tôi thường thả hồn ưu tư vào những lúc một mình, cũng thi thỏang đưa cô bạn gái ra đấy nhìn ánh trăng mơn man trên mặt nước, nghe tiếng cá quẫy, dựa vào nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, trao nhau những nụ hôn nồng nàn, hoặc im lặng để lắng nghe những âm giai không lời từ bao lung linh huyền diệu chung quanh. 
Tôi dừng xe trên một bãi cỏ, cô gái bước xuống ngạc nhiên nhìn tôi : 
_ Sao anh lại đưa em ra đây? Ở đây đâu có…. 
Tôi hiểu cô gái muốn nói gì, mỉm cười, tôi phủi sơ một mảng cỏ rồi bảo: 
_ Em ngồi xuống đây đi. 
Vẫn đôi mắt hình dấu hỏi, cô gái ngoan ngõan bỏ đôi giày nhọn gót ra rồi ngồi xuống. Tôi phủi một mảng cỏ cho mình, ý tứ chừa một khỏang cách với cô gái. 
_ Em yên tâm đi, ở đây không có thú dữ đâu, em hãy thư giãn một chút, để xem nơi này có gì khác với những nơi em hay đến. 
Nói xong, tôi cũng thư giãn mình trong tư thế chống hai tay ra sau lưng và ngả người. Tia mắt tôi phóng lên bầu trời đêm, một mảnh trăng non chung chiêng giữa những gợn mây, tôi thấy lòng thật nhẹ nhõm, hầu như không còn chút dấu vết gì về nơi tôi vừa mới bức thóat ra. Rồi tôi chuyển tầm mắt mình ra mặt nước, con sông như chao động, chuyển mình trong những làn gió nhẹ, lòng sông không quá rộng, để thấy rõ cả những bụi cây ở bờ bên kia. Chung quanh chỗ tôi ngồi cũng có những bụi cây lớn nhỏ như thế, hình như chúng đang rì rào một bản tình ca. Một thóang se lòng khi tôi nhớ đến những lúc tôi cùng cô bạn gái bên nhau nơi này. Lạ nhỉ ? Một tình yêu đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh, như một đụn rơm bén lửa, bốc ào lên rồi lụi tắt. Người ta bảo đấy chưa phải là duyên là nợ, có lẽ đúng, chỉ là một chút heo may thóang qua chiều thu muộn, để lại chút bâng khuâng lòng người. Tôi chợt giật mình khi nghe : 
_ Cô chú mua giùm con mấy con mực đi cô chú. 
Nhìn lại, thấy một chú bé con độ 10 tuổi, phong phanh trong một manh áo không khép kín được hai tà, một tay chú xách một lò than đong đưa bởi cái quai bằng dây thép quấn, còn tay kia bê một cái rổ lỏng chỏng mấy con mực khô vênh vểnh những sợi râu. Cô gái nhìn tôi, không cần đợi cái nhìn ấy, chỉ với bộ dạng của chú bé trong cảnh trời khuya này cũng đủ làm tôi không thể chối từ rồi. Tôi vui vẻ nói : 
_ Ừ con nướng cho chú hai con đi, chọn con nào ngon ngon ấy nhé. 
Chú bé mừng rỡ nhanh nhảu : 
_ Dạ, cô chú đợi con chút, con nướng chút xíu là xong liền. 
Với một thao tác thành thạo, chú bé lấy ra một cái vỉ nướng và một cái quạt xếp trong cái giỏ đeo bên mình, rồi ngồi nhổm nhổm vừa quạt vừa nhanh tay trở con mực. Tôi trìu mến nhìn chú bé, thật đáng thương mà cũng đáng trân trọng biết bao khi cái tuổi lẽ ra phải được tung tăng, hồn nhiên vô tư lự, và giờ này phải được phủ mình trong chăn ấm, thì lại biết góp chút sức bé bỏng của mình vào cuộc sống. Tôi bật hỏi : 
_ Cháu bao nhiêu tuổi rồi? 
_ Dạ, cháu gần mười một tuổi rồi. 
_ Cháu có đi học không? 
_ Dạ có, cháu học đến lớp năm rồi đó chú. 
_ Thế cháu học giỏi không? 
Chú bé cười bẽn lẽn : 
_ Dạ, cũng …được được. 
_ Vậy lớn lên cháu muốn làm gì ? 
Chú bé bỗng mơ màng : 
_ Ba má cháu nói ráng học cho giỏi, lớn lên thi vào đại học công an. Cháu thích làm công an lắm chú ơi ! 
Tôi phì cười : 
_ Là Đại học An Ninh. Sao cháu thích làm công an ? 
_ Dạ, làm công an để đi bắt cướp đó chú. 
Những đứa trẻ thường có khuynh hướng chọn cho mình một hình mẵu. Có lẽ chú bé này đã gặp hình mẵu của mình trong cuộc sống cũng như trong phim ảnh, để rồi mang theo một ước vọng tương lai. 
_ Ừ cháu cứ học cho giỏi đi, rồi cháu sẽ dược làm công an. 
Gương mặt chú bé hồng lên trong ánh hắt từ lò than, chú mỉm cười sung sướng vì được động viên : 
_ Dạ. Chắc chắn cháu sẽ được làm công an phải không chú ? 
_ Ừ, chắc chắn, khi hết sức cố gắng thì sẽ có được thành công mà. Vậy ba má cháu làm gì mà để cháu phải đi bán khuya vầy ? 
_ Dạ ba cháu đi quăng lưới, còn má cháu đi bán cá ban ngày, khuya phải ở nhà coi em, cháu đi học một buổi, còn một buổi thì đi bán. 
_ Thường ngày cháu bán đến khi nào thì nghỉ ? 
_ Dạ, khoảng mười hai giờ đêm cháu mới về, khi đó người ta hết đi chơi ngoài đường rồi. 
Chú bé vẻ như rất vui vì được hỏi chuyện nên liến láu, tôi cũng thấy vui vui và càng cảm tình với chú hơn. Mùi mực nướng thơm nồng ngào ngạt cả không gian. Chú bé lại nhanh nhẹn lấy ra một thỏi gỗ cùng một mẩu thớt, chú dằn con khô mực đã nướng lên mặt thớt, day qua day lại dưới những nhát đập. Xong chú bỏ hai con mực lên một mảnh giấy bìa và dốc một ít tương ớt vào bên cạnh. Tôi cố hỏi thêm : 
_ Mỗi đêm vầy cháu bán được nhiều không ? 
_ Dạ, có hôm nhiều có hôm ít. 
_ Vậy làm sao mai có sức đi học ? 
_ Dạ hổng sao hết. Cháu quen rồi mà. Thôi , cô chú ăn đi cho nóng. 
Tôi móc ra một tờ tiền, mà biết chắc nó nhiều hơn giá trị của hai con mực, đưa cho chú bé và nói : 
_ Cháu cầm hết đi, có dư thì coi như chú tặng để mua thêm sách vở nhé. 
Chú bé tần ngần nhìn tờ tiền, tôi nhét vào tay chú và vỗ vỗ vào vai, chú bé tóet miệng cười nói lời cảm ơn rồi thu dọn những vật dụng của mình. Tôi dõi mắt theo bóng dáng nhỏ bé ấy cho đến khi mất hút. Rồi sực nhớ đến cô gái và hai con mực, tôi quay lại, xé con mực ra làm mấy mảnh, vừa quẹt vào tương ớt vừa nói : 
_ Ăn đi em, mực nướng phải ăn nóng mới ngon. 
Im lặng. Một chút cảm giác lạ khiến tôi nhìn lên, đôi mắt cô gái vẫn hướng về phía chú bé vừa đi khuất, dưới ánh trăng nhàn nhạt, tôi vẫn thấy rõ nét long lanh của ngấn nước. Cô gái cũng xúc cảm trước một hình ảnh như tôi. Từ đôi mắt long lanh ấy, trên gương mặt bầu bĩnh, trong không gian tĩnh lặng , phang phác màu trăng, tôi bỗng có một cái nhìn khác về cô. Đây chưa phải là một cô gái ăn sương dạn dầy, trong cô có vẻ còn ẩn nấp một mảng tươi đẹp nào đó. Tôi nhẹ nhàng đặt miếng mực vào tay cô, nói khẽ : 
_ Ăn đi em, đây không chỉ là một thứ thực phẩm, mà nó còn chứađựng cả một ước mơ nữa đó. 
Hai giọt lệ lăn dài trên má cô gái, cô không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa miếng mực vào miệng, chầm chậm nhai. Tôi cũng im lặng, phần để thưởng thức chất vị ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm của một thứ sản vật, vừa để cho cô gái có không gian cho những suy tư. Bất chợt một giọng nữ thanh và ấm vọng vào bao la một câu hò đằm thăm, mượt mà của vùng sông nước. Giọng hò khiến cả hai chúng tôi cùng ngỏanh ra. Giữa dòng sông, một chiếc thuyền con trôi nhè nhẹ, trên đó có hai người, một nam mọt nữ, mỗi người một đầu, người đang cầm mái chèo khóat nước chắc là cô gái đang hò, còn người kia là một chàng trai đang tung một mảnh lưới xuống làn nước lăn tăn. Có lẽ đó là một đôi vợ chồng đi đánh cá đêm. Khung cảnh thật nên thơ và lãng mạn đã cuốn tôi theo âm thanh và hình ảnh ấy. Tôi ngơ ngẩn trước một vẻ đẹp rất đơn sơ, rất tự nhiên, rất thường tình của đời sống. Cuộc sống vẫn vô vàn cái đẹp, có những cái đẹp lỗng lẫy, sang trọng hào nhóang, những cái đẹp ấy dễ cuốn con người vào những tham vọng, kéo theo cả một chuỗi hành động để đạt cho được những tham vọng ấy. Nhưng cũng có những cái đẹp bình dị và thanh thản, mộc mạc và sâu lắng, yên bình và thanh khiết. Những cái đẹp ấy đã trả lại cho tâm hồn con người lòng nhân ái, bao dung và hướng thiện. Trong không trung bây giờ là giọng hò đáp lại của người nam. Một chất giọng Nam bộ, trầm và ấm. Đôi câu hò ấy như mật như hương ướp vào tâm cảm tôi, tôi mang mang một cảm giác bềnh bồng, bềnh bồng, một thứ xúc cảm diệu kỳ lan tỏa khắp tâm thân. Tôi bỗng muốn thốt lên một lời tha thiết, bỗng muốn bật lên một câu thơ nồng nàn. Có lẽ tôi đã làmđược điều ấy, nếu không có sự lôi tôi về thực tại một cách bất thường. Sự bất thường ấy là một thứ âm thanh mà lẽ ra không nên có trong khung cảnh này một chút nào, nhưng nó đã bật ra, bật ra một cách như không thể kềm nén được nữa. Tôi sững sờ khi nhìn cô gái đang úp mặt xuống đôi tay vòng qua hai đầu gối mình, đôi vai rung lên theo tiếng nấc. Tiếng nấc tăng cường độ rất nhanh, từ thổn thức, tấm tức, vụt trở nên nức nở, xót xa. Như tuôn trào một chất chứa xâu xa nào đó. Hình như tôi đã đóan đúng, cô gái này ắt hẳn có một mối thương tâm, và con đường lầm lạc hiện tại của cô có lẽ vẫn còn hy vọng đổi thay. 
Tôi ngồi vào cạnh cô, choàng tay ôm nhẹ vai cô, hình như đó là sự chờ đợi của cô gái, cô ngả vào người tôi và tiếp tục cơn nức nở của mình. Tôi cứ ngồi im thế chờ cho cơn xúc động của cô gái đi qua. Một lúc lâu cô nguôi dần, và chỉ còn những tiếng nấc. Bấy giờ tôi mới đỡ nhẹ cô lên, cô gái kéo tay áo chậm những giọt nước mắt của mình. Tôi thận trọng: 
_ Có vẻ như cô đã từng có một quãng thời gian tươi đẹp lắm thì phải? 
Những giọt nước mắt lại lăn dài trên gò má. Một câu nói nghẹn ngào:
_ Em đã từng là một sinh viên năm nhất khoa Y. 
_ Trời! 
Tôi thật sự bị chóang khi nghe câu nói ấy. Là bởi thông thường những cô gái sa chân vào hòan cảnh này có những nguyên do khác cơ, phần lớn là gia cảnh khó khăn, hoặc bị lừa, hoặc tự nguyện, nhưng cốt lõi là giải quyết vấn đề kinh tế. Còn đây … 
_ Vậy ư ? Vì sao… 
Dường như có một nhu cầu bức thiết ở cô gái, là một sự ăn năn, giãi bày, hay tháo trút những ẩn ức sâu xa, cô bộc bạch cho tôi nghe câu chuyện của cô, rất nhiều đọan ngắt quãng cho những tiếng nấc, cuối cùng thì tôi cũng hiểu được tòan bộ sư thể. Ngay khi mới bước vào năm nhất, cô đã vấp ngay vào chuyện tình cảm, cũng là một chuyện bình thường thôi với cái tuổi ấy, lại trong một cảnh ngộ xa nhà, các cô gái thường muốn được dựa dẫm vào một sự chở che nào đó. Nhưng điều không may của cô gái là đã gặp phải một tay không ra gì, chỉ sau mấy tháng qua lại, hắn đã chiếm đọat được cô và bỏ rơi cô một cách không thương tiếc. Xấu hổ, nhục nhã, tuyệt vọng, cô lăn mình vào những nơi mà trước kia gã bạn trai đã đưa cô đến, rồi cô buông thả mình trong rượu, trong thuốc lắc, trong những cuộc vui trụy lạc. Điều tất yếu là những gì cô đang dấn thân vào. Và cô cho rằng mọi thứ đã thật sự kết thúc . Lời cô vừa kể dứt, hình ảnh cậu bé bán mực nướng bỗng ập về trong tôi, cùng lúc với hình ảnh cô gái gần như lõa thể trong căn phòng nhơ nhớp, hai hình ảnh đối lập nhau đến kiệt cùng ấy đã làm trỗi lên trong tôi một cơn giận dữ. Tôi vụt đứng phắt dậy, phũ phàng tóm lấy cánh tay cô, lôi cô đứng dậy, và rồi rất thẳng tay, tôi tát một cái thật mạnh vào má cô, cái tát làm cô lọang chọang súyt ngã, nhưng đôi mắt to đen của cô lại mở to hết cỡ, chiếu vào tôi một cái nhìn kinh ngạc. Cơn giận của tôi không hề dừng lại, nó tiếp tục bằng một lọai các từ ngữ : 
_ Hèn nhát, nhu nhược, bẩn thỉu. Tại sao lại có thể như thế hả ? Chi vì một tên đàn ông hèn mạt vô trách nhiệm mà cô hủy họai cả tương lai mình, vứt bỏ cả cuộc đời mình, có đáng không ? Cô có nghĩ đến cha mẹ cô, anh em, họ hàng bà con chú bác của cô, thầy cô, bạn bè của cô không ? Những người đã hết mực thương yêu cô, chăm chút và trông đợi, kỳ vọng vào cô biết bao điều tốt đẹp. Vậy mà cô đã đáp trả lại họ những gì hả ? Cô đánh đổi tất cả mọi giá trị đẹp đẽ nhất trên đời này lấy một cuộc sống sa đọa, tối tăm, nhơ nhớp. Cô có biết tủi hổ với từng giọt sữa của mẹ, hạt cơm của cha, và cả tâm sức của những người thầy không hả? 
Giọng tôi bừng bừng giữa bốn bề vắng lặng, như muốn đánh thức cả thế giới. Tôi chưa từng nóng giận đến thế, nhưng quả tình lúc đó tôi không thể nào kềm chế được, một phần từ quan điểm sống của bản thân, một phần là khi đối sánh hai hình thái, một chú bé đêm khuya đi bán từng con khô mực, vẫn nuôi trong lòng một ước mơ đẹp, và sẽ hết sức để vươn tới, còn một người con gái đang có một tương lai sáng lạn trước mắt thì lại tự tay xé bỏ chính bản thân mình, không những chỉ bản thân mà còn phí phạm cả bao nhiêu công sức và tình cảm của những người dã dành cho cô. Không giận làm sao được. Đã không ít lần, qua đài truyền hình, tôi từng nhìn thấy bao nhiêu gương mặt đang phơi phới tuổi xuân, đang ngập tràn sức sống, đang rờ rỡ tương lai, vậy mà mê muội đốt cháy mình trong những thứ tệ nạn kinh khủng, ngụp lặn vào những chốn ma quái không còn ra hình người, không chỉ tốn phí bao công sức mẹ cha, mà còn là một hiểm họa của xã hội. Một ngày mai của đất nước này sẽ ra sao khi ngày càng đẻ ra những lọai khuẩn trùng ¨gớm guốc ấy.Những lúc ấy tôiđã hết sức bức xúc, chỉ muốn lôi cổ những tên nghiệt súc ấy ra mà táng cho một trận. Bây giờ hiển hiện trước mặt tôi một thực chứng, bảo sao tôi không thể không nổi giận. Cơn giận của tôi hình như đã gây cho cô gái một sự chấn động mạnh. Cô vẫn một tay ôm má, nhưng không hề khóc, cô từ từ ngồi xuống im lặng. Bộ dạng cô trông vừa như một con thú bị thương, vừa thật sự yếu đuối bất lực trước những phong ba bão táp cuộcđời. Bộ dạng ấy không làm tôi thương xót, hay nói đúng hơn vì quá xót xa và tiếc rẻ mà cơn giận của tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhìn những miếng mực chỏng chơ, tôi nhặt lên một miếng, dư dứ vào mặt cô. 
_ Cô nhìn đi, nhìn đi, nhìn đi … 
Cô gái bỗng ngước lên nhìn tôi, cái nhìn thật khó tả, tôi bỗng bối rối, ngọn lửa trong tôi hạ xuống, rồi bất chợt cô nhổm người, nhặt đôi giày mang vào chân rồi đứng lên trước mặt tôi, tôi bất ngờ vì hành động đó nên nhất thời không có phản ứng. Cô gái cất giọng, một chất giọng mà tôi dễ dàng cảm nhận được sự chuyển biến tâm tư cô qua một quá trình diễn biến phức tạp. 
_ Em xin lỗi anh, em đã hiểu rồi, hiểu ra tất cả rồi. Em cảm ơn anh. Em chào anh. Thật lòng chúc anh mọi sự tốt đẹp nhất. Em xin phép anh, em về. 
Sau câu nói, cô cúi người chào tôi, xong ngẩng lên, cô nhìn tôi mấy giây rồi quay đi. Tôi bàng hòang trước những diễn biến đột ngột, nên đứng lặng một lúc nhìn dáng người con gái liêu xiêu trên đôi giày nhọn gót. Rồi tôi sực tỉnh, chạy đến lấy xe nổ máy và đuổi theo. 
_ Tôi xin lỗi vì đã quá nóng giận. 
Cô gái nhẹ lắc đầu : 
_ Không. Anh hòan tòan không có lỗi gì cả. Mà chính anh đã mở toang cánh cửa cho một luống sáng ùa vào em. Em phải cảm ơn anh mới đúng . 
Tôi thở nhẹ một hơi, hẳn đã có một sự tác động nhất định vào suy nghĩ của cô gái, tôi dấy lên một hy vọng, có lẽ …mong là thế. Tôi dịu giọng: 
_ Thôi được rồi, thực lòng tôi chỉ thấy rất tức giận vì những người con gái nônt nổi như cô đã đánh mất cả cuộc đời mình chỉ vì những điều không đáng. Nếu cô đã hiểu ra, và suy nghĩ nhiều hơn cho chính bản thân mình, thì tôi đã rất vui rồi. Nhà cô ở đâu? lên xe tôi đưa về. Có xa lắm không? làm sao đi bộ được. Thôi, lên xe đi, tôi đưa về. 
Mảnh trăng đã chênh chếch về phía tây, cô gái lưỡng lự một chút rồi ngoan ngõan ngồi lên xe, nói với tôi một địa chỉ. Suốt đường về, không ai lên tiếng. Đến đầu một con hẻm, cô gái bảo tôi dừng xe. Cô bước xuống ra phía trước mặt tôi, đôi mắt thăm thảm một ánh nhìn rất lạ. Tôi cầm tay cô, thân tình : 
_ Em ạ ! Hãy biết trân trọng lấy chính mình. Một lần vấp ngã không phải là đã hết tất cả. Còn biết bao điều tốt đẹp đang chờ em phía trước kia, hãy biết tìm tới nó và đón nhận nó nhé. 
Từ hai khóe mắt lóng lánh hai hạt sương, giây phút ấy, tôi cảm giác cô gái trở lại nét tinh khôi của sự mở đầu. Cô khẽ gật đầu nói : 
_ Em cảm ơn anh rất nhiều. Suốt đời em sẽ không bao giờ quên cái tát ấy. Thôi anh về nghỉ đi. 
Tôi im lặng nhìn cô bước những bước chân chầm chậm khuất dần trong ngõ nhỏ. Sự kiện đó theo tôi trong một thời gian, cũng có lúc tôi hơi ân hận vì đã can thiệp một cách thô bạo vào chuyện của người khác, nhưng tôi không hề hối tiếc hay cảm thấy mình có lỗi. Trong thâm tâm, tôi cho là mình đã làm đúng. Thế rồi câu chuyện cũng chìm khuất đi giữa bao bộn bề và biến chuyển .Giờ đây… 
Ngắm nhìn gương mặt đầy vẻ tự tin và chững chạc, tôi rộn lên một niềm vui. 
_ Vậy bây giờ em làm gì ?Và cuộc sống ra sao ? 
Một cương vị đáng kể trong một công ty cùng một cuộc sống tương đối đầy đủ và hạnh phúc là những gì cô đang có. Sau những lời kể, cô gái im lặng một chút rồi nói : 
_ Trong cuộc đời, đôi khi người ta phải được nhận những cái tát đúng lúc phải không anh? 
Đúng đấy cô bé ạ! Nhìn theo những bước chân rắn rỏi, vững chãi của cô khi cô từ biệt, những bước chân khác hẳn một đêm xưa, tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc, tựa như một người làm vườn được nhìn thấy một bông hoa tươi đẹp nở trên một thân cành mà có lúc tưởng đã chết khô. 
Đàm Lan 
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...