Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Nắng trong thơ và trong những bản tình ca

Nắng trong thơ và trong những bản tình ca
Không phải ngẫu nhiên mà tôi nghĩ đến nắng, không có gì trong cuộc đời này mà không duyên không cớ lại làm cho con người ta hoài nhớ miên man, day dứt vì nó…Có chút gì của tâm linh con người lại không vương màu nắng, có nắng…
Có ai đó đã từ giã cõi nhân gian trong một chiều nhạt nắng, lại có ai đó chào đời trong một ngày nắng trong veo, có ai đó chia tay nhau đớn đau để 
“Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc mà lời từ biệt chẳng lên môi…” (Chia tay hoàng hôn - Thuận Yến).
”Một ngày nắng mới - ngàn tia nắng lung linh” 
Tràn ngập nắng trong một ngày mới, tràn ngập nắng trong các bản tình ca, trong thơ và trong lòng ta…
Biết bao cung bậc nắng, sắc màu nắng, hình thái nắng…trong các bản tình ca, trong những áng thơ… làm rung động trái tim ta, làm ta thổn thức, làm ta say mê, làm ta yêu ,ghét thế gian này. Một năm mới bắt đầu từ mùa xuân, chúng ta hãy bắt đầu từ chút nắng ấm dịu dàng của nàng xuân khi nàng nhẹ bước xuống cõi nhân gian
“Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong
Cỏ non biếc, giật mình rụng chờ nắng rụng” 
(Chế lan Viên)
Còn Nguyễn Hữu Quý thì lại cảm nhận được ở mùa xuân cái nắng thật lạ, thật nhẹ nhàng, thanh kiết như mùa xuân vậy
“Tháng giêng tôi nhớ dịu dàng
Sầu đông chưa tím, nắng còn đang non”
Cái nắng tháng giêng, cái nắng của mùa xuân còn mang theo cái giá rét, cái lạnh còn sót lại ví như có gì đó dù đau đớn, dù buồn khổ dễ gì ta vất bỏ ngay những gì đã là của ta, đã đi qua quãng đời ta trong chốc lát để có thể đón ngay niềm vui, niềm hạnh phúc mới. Phảng phất trong cái nắng tháng giêng, cái nắng đầu xuân một nỗi nhớ khó giải thích bằng lời, bởi:
“Tháng giêng rét mướt vẫn còn
Có ai đan áo mắt mòn chân mây’ 
(Nguyễn hữu Quý)
“Cái rét chưa qua chim én đã bay về
Tia nắng ấm như là nỗi nhớ”
Cũng như Nguyễn hữu Quý, có nhà thơ khác đã nhận thấy ở mùa xuân:
“Tháng xuân rét lộc mưa phai
Nắng non nũng nịu núi ngoài ngọn tre” 
(Nguyễn ngọc Chung)
Nếu Hàn Mặc Tử nhẹ nhàng gọi mời:
“Sao anh không về chơi Thôn vĩ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan”
“một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm” thì Xuân Diệu lại hỏi: 
“Ngoài ấy vui không, anh của em? 
Trong này đã có nắng vàng êm
Mỗi ngày nắng dọi, em ra cửa’ 
(Đơn sơ - Xuân Diệu)
Từ cái nắng mùa xuân còn vương vấn chút lạnh lẽo, chút rét mướt ta rộn ràng đến với cái nắng ‘hết mình’ của mùa hè. Nắng hè mới thực sự là nắng. Giờ đây cái nắng không còn dịu dàng, e ngại nữa mà bùng lên dữ dội như thể đã bị kìm nén ,tù túng bao ngày. Và đây cái nắng mà Nguyễn xuân Thâm đã nhận ra:
“Tháng năm lửa đỏ
Phượng một trời rưng rưng"
Còn nhà thơ Anh Thơ thì miêu tả thật đầy đủ:
“Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ buớm vàng lơ đãng lướt bay qua”
Cùng với sự cảm nhận tinh tế, tài tình mà Nguyễn Đức Mậu đã làm cho cái nắng gắt của mùa hè cũng trở nên quến rũ, nhẹ nhàng hơn:
“Chuồn chuồn ớt chấm đỏ vào đám lá
Mắt hạt cườm bắt sợi nắng vàng rơi”
Tố Hữu, nhà thơ cách mạng nổi tiếng cũng mượn hình ảnh “nắng” hạ để thể hiện niềm vui:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim…”
Ngay cả nhà thơ Thâm Tâm trong khi miêu tả một cuộc chia tay đầy cảm động ở thời điểm mùa hè cùng với sự có mặt của sen thì vẫn không quên “nắng”, làm cho chúng ta cảm nhận được, hình dung được cái nắng của buổi hoàng hôn một mùa hè thấm đậm không gian:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Mà sao thấy nắng ở trong lòng
Nắng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao hoàng hôn đầy trong mắt trong”
Cái nắng rực rỡ của mùa hè thật náo nức, chói chang đến nỗi Nguyễn Đức Mậu bật lên: ”Mùa hạ hát ra lời”. Còn trong các bản tình ca của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn ta có: “Nắng thuỷ tinh” như màu mắt của nàng thiếu nữ, có “nắng hồng” tựa màu môi “em”, có “hạ trắng”…, có các cung bậc thăng trầm của nắng :nắng lung linh huyền ảo, nắng chói chang ,nắng nhạt màu, nắng cũng mang tâm trạng của những sắc thái tình cảm như con người. Nắng đã có từ thưở hồng hoang của đất trời khi nàng Âu cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng để có con Rồng, cháu Tiên ngày nay: 
“Âu cơ địu nắng theo chồng
Bế trăm tiếng khóc qua sông sóng cồn” 
(Nguyễn Ngọc Bích).
Nắng cũng reo vang bản hùng ca chiến thắng trong thời khắc linh thiêng của dân tộc, nắng cũng là chứng nhân của lịch sử: 
”Phút kỳ diệu bay lên, 
ta ngất ngây như Tổ quốc 
Nắng bên kia cuồn cuộn nước sông Đà” 
(Vũ Quần Phương).
Nắng cũng vui cùng con người, cùng con người đón chào một ngày mới với: 
“Nhẹ nhàng tia nắng hồng
Em hân hoan chào đón”. 
(Huy Tuấn)
Nắng cũng biết xẻ chia niềm vui nỗi buồn như con người vậy, để Bùi văn Duy bày tỏ nỗi lòng mình: “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ”, để muốn “gửi nắng cho em, gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay”. Trong bài “Hương nắng”, nhà thơ Lê huy Quang đã có một cái nhìn thật ngộ nghĩnh “Hương nắng tròn vo con mắt” Ước gì trong cuộc đời này ta có nhiều nắng để gửi gắm cho nhau qua mọi chông gai của kiếp người, để sưởi ấm trái tim nhau qua giá lạnh cuộc đời. Với nắng nhà thơ Phạm Trọng Thanh lại ưu tư về hình ảnh người Thầy, đồng cảm với cuộc sống của người thầy đã đón đưa bao khách qua sông, có ai trong số họ còn nhớ về người chở đò năm xưa nay mái tóc đã phai màu sương gió:
“Chữ thầy trong cõi người ta
Dặm dài hoa nắng trời xa biển đầy
Tóc thầy lẫn với màu mây
Cho con nương tựa tuổi thơ ngây tìm về”
Những khi vui buồn con người ta lại níu kéo, dựa vào nắng để mong chút tình người, vì vậy mà Xuân Diêu mới ước ao: “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất”. Có người lại mượn nắng để thở than:
                   “Nắng nhạt màu và hạnh phúc trôi mau
                    Tôi là kẻ hưởng sầu trong đoạn kết”.
Với nhạc sĩ Thanh Tùng thì nắng cũng là hoài niệm, là những gì mà nhạc sĩ vẫn nhớ về miền ký ức xa xưa để trong “Lối cũ ta về” tác giả diễn tả đầy cảm xúc: “Lối cũ ta về. Chiều nghiêng mắt nắng…” và hương hoa Ngọc Lan thoảng về trong gió, trong lòng người nghệ sĩ sâu lắng, chơi vơi..
“Bây giờ ngoài ấy lạnh chưa?
Đây heo may mấy cho vừa nhớ thương
Cho tê tái mọi nẻo đường
Cho hương nắng cũng giá sương quê nhà”. 
(Trần Ninh Hồ)
Đó chính là nỗi lòng xa xứ, xa quê hương của Trần Ninh Hồ, đến nhìn nắng cũng cảm nhận được cái giá rét của quê nhà, cũng cảm nhận được hương quê quanh mình. Chứng tỏ tác giả đã yêu quê hương, nhớ thương quê hương mình đến nhường nào…Còn Trần bá Chung thì nhận ra được “Nắng miền Trung -nghiệt ngã”
Tạm biệt cái nắng đong đầy những cung bậc nhớ thương, đầy tình người, tình quê, tạm biệt “giọt nắng bên thềm” ngất ngây của Thanh Tùng, ta đến với cái nắng của mùa thu chứa chan hoài niệm, nhẹ vương chút heo may se lạnh mà nhà thơ Lương Hữu đã thể hiện:
                “Kinh kỳ nay mới hồn thu ấy
                 Xác lá rơi hơn mọi giã bày
                Thu ở nghìn thu tà áo trắng
                Em ngồi chia nắng với heo may”.
Còn Xuân Diệu thì lại thấy: “Hoa thu không nắng cũng phai màu” trong “hoa nở để mà tàn”để miêu tả sự chia tan xót xa. Và cũng chính nhà thơ cảm được “nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì’ trong một chiều thu “mơ hồ… một tiếng chim qua”, và “từng nhà mở cửa tương tư nắng”trong “ngẩn ngơ”…
Chúng ta ai chẳng nhớ đến một ngày thu đầy lá vàng mà “người ra đi đầu không ngoảng lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” của Nguyễn Đình Thi trong thời điểm tạm biệt Hà thành…
“Mùa lại thu rồi em thấy không
Trời xanh như lọc nắng giữa dòng…
Nắng cứ bạc đầu trên tóc mẹ
Gió trở mùa thoảng như lời nói khẽ
Mùa lại thu rồi…
hằn trán mẹ
Thời gian”
Đó là những lời tâm sự của Hoàng thị Hằng về mùa thu có bóng dáng người mẹ già bạc tóc trong nắng thu gợi bao niềm thương nhớ, bao ưu tư…
Cũng là nắng của mùa thu, Phạm phương Lan lại diễn tả: “Ngập ngừng nắng dậy lưu luyến- Ngập ngừng lá rơi phân vân…”để ta nhận ra những chiếc lá vàng đã rơi như thế nào trong một ngày thu đầy nắng nhuốm chút buâng khuâng, tiếc nuối…      
Bốn mùa của đất trời, mùa nào chẳng có nắng. Vậy cái nắng của mùa đông giá lạnh thì sao? Chắc hẳn nó cũng nhuốm lạnh, lạnh đến nỗi Phong Lan đã thầm nhớ, nhớ đến nao lòng:
     “Những ngày đông Hà nội rét se lòng
     Em bỗng nhớ nắng Nha trang biết mấy
     Sắc nắng vàng êm, sắc trời xanh tận đáy
     Vương trên môi thơm mắt ướt vai hiền”
Ở tận phương trời nam ấm áp, Phú Quang vẫn có “Nỗi nhớ mùa đông”, không hẳn chỉ nhớ về những cơn gió mùa đông rét mướt mà còn nhớ nhiều về những sợi nắng vàng sau những đợt gió mùa, sưỏi ấm những bàn tay, làm ửng hồng gò má người thiếu nữ…Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang,nhạc sĩ tài danh của đất Hà thành ta lại chợt nhớ đến giai điệu sầu lắng của “Một dại khờ, một tôi” mà trong đó là “trời chang chang nắng tôi về héo khô” như trút bỏ nỗi lòng của những nhà thơ, những hồn thơ…
 Còn nhiều lắm “nắng’ trong thơ và trong các bản tình ca ngọt ngào sâu lắng.Nắng không chỉ là hiện tượng của tự nhiên mà còn là bao cung bậc thẳm sâu của lòng người với bao sắc thái chứa chan, vang lên, trầm xuống, huyền ảo, lung linh, chói sáng, nhạt màu, mông lung, sáng trắng…Tất cả những cung bậc đó, những sắc thái đó khi được các thi nhân, các nhạc sĩ, các hồn thơ chạm đến thì “nắng” thành một cõi tâm linh của tâm hồn con người. Nắng cũng rạo rực, nắng cũng vàng lay, nắng cũng buồn cũng vui,cũng suy tư, nắng cũng thăng hoa, cũng day dứt khổ đau… và nắng cũng chứa chan hương thơm của tinh tú đất trời
“Ai bảo nắng không có mùi hương
Nắng chỉ vàng tươi lấp lánh
Ai bảo nắng đẹp là nhờ màu sắc
Nắng còn đẹp vì nắng có hương thơm” 
(Lê thanh Tuyền)
Thật ngây ngất khi trong một ngày chớm xuân ta được ngồi nhặt những giọt nắng, gom bao sắc nắng, cảm nhận được hương nắng trong cõi lòng ta…Dường như nắng xuân đang đến cùng ta.
Đà nẵng, xuân 2010.
Nguyễn Thị Ngọc Lan
Theo http://phuonglanvmd.violet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...