10 tác phẩm văn học
không thể bỏ qua trong đời
“Trên thế gian này không có cuốn sách nào mà ai cũng phải đọc,
chỉ có những cuốn sách mà một cá nhân phải đọc vào một thời điểm ở một nơi nhất
định trong một hoàn cảnh nhất định, và vào một giai đoạn trong cuộc đời.” - Lâm Ngữ Đường
Thế nhưng đối với 10 tác phẩm văn học sau đây bạn có thể đọc
bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào trong cuộc đời, thời niên thiếu với “Tuổi thơ dữ
dội”, tuổi trẻ dấn thân với “Trên đường”, tình yêu cháy bỏng với “Tiếng Chim
Hót Trong Bụi Mận Gai” và còn nhiều hơn thế nữa..
1/ Tuổi Thơ Dữ Dội
Nhắc đến Phùng Quán, người ta sẽ nhớ ngay tới một cây bút lạ
kỳ trong nền văn học Việt Nam với một tác phẩm thiếu nhi vô cùng chân thực và
xúc động về một thế hệ trẻ anh hùng.
Tuổi thơ dữ dội - Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu
và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh
sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng
da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt
huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời
còn rất trẻ.
Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết
thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc
tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư,
thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc
tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm
thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt
Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng
ký ức tuổi thơ…
Nhận định
“… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con
người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh,
không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao
giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho
thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp
ra đời…”
(Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường)
2/ Trên Đường
Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean
Moriarty dựa trên những chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady, hai
trong số những gương mặt quan trọng nhất của Beat Generation. Đó thực chất là
hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng
sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa
tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và
cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz.
Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng,
đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack
Kerouac đã bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bột phát”
(Spontaneuos Prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức
phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân
rất cao.
Bất chấp những tranh cãi dữ dội từ khi mới ra đời, Trên đường
là bằng chứng sống động nhất cho một giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ, một phong
trào trí thức. Cuốn sách được công nhận như một trong những tiểu thuyết vĩ đại
nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ và thế giới.
3/ Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai
Tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai xuất bản vào mùa
xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London, Sydney – Ít lâu sau
đã được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê
bình đánh giá cao. Suốt mấy năm là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Đây là
tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học thế giới hiện đại.
Colleen McCulough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước
đó hầu như không ai biết tiếng. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận
gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCulough vẫn chỉ là một nhân viên y tế
bình thường. Bà sinh ở Úc, bang New South Wales, trong gia đình công nhân xây dựng
xuất thân từ Ireland. Thời thanh xuân McCulough ở Sydney, đã từng học trường của
nhà thờ công giáo, từ bé – bà mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng không có điều kiện
để qua đại học y. Bà đã thử làm một số nghề- làm báo, công tác thư viện, dạy học
rồi trở lại nghề y, qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh lý học thần kinh. Sau
đó, bà đã làm việc bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London,
Birmingham, rồi sang Mỹ, làm việc tại một trường y thuộc trường đại học Yale.
Năm 1974 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì. Tiếng chim
hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè 1975,
bà bắt tay vào viết liền một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận
túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.
Tác phẩm này có thể gọi là “Xaga về gia đình Cleary”. Xaga là
hình thức văn xuôi cổ có tính anh hùng ca, kể chuyện một cách điềm đạm về những
con người hùng dũng. Cuốn tiểu thuyết này viết về lịch sử nửa thế kỷ của ba thế
hệ một gia đình lao động – gia đình Cleary. Loại tiểu thuyết lịch sử gia đình từ
trước đã có những thành công như thiên sử thi vè dòng họ Foocxaitơ của
Gônxuocthy, “Gia đình Tibô” của Rôgiê Mactanh duy Gar. “Gia đình Artamônôp” của
M. Gorki. Đặc điểm chung của các tác phẩm đó là số phận gia đình tiêu biểu cho
số phận của giaia cấp tư sản, các thế hệ sau đoạn tuyệt với truyền thống của
gia đình. So sánh với những tác phẩm kể trên thì tác phẩm của McCulough có sự
khác biệt, có cái độc đáo riêng của nó. Trước hết, đây là lịch sử của một gia
đình lao động. Sự phát triển, tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình
này là hình mẫu thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau kế thừa những nét tốt
đẹp nhất của gia đình – tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận những đòn
ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình, song đồng thời có những đổi khác nhịp
bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận
thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời,
và Jaxtina, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức
hoàn toàn khác.
Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý – đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp – xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật – Fiona, Meggie – con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.
Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý – tinh thần của nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt.
Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý – đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp – xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật – Fiona, Meggie – con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.
Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý – tinh thần của nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt.
Tính hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm này hòa lẫn vào
nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống,
cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp
sống hàng ngày…, lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác
phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19. Nhưng những tính cách phi
thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc
lãng mạn rất rõ nét. Môt tác phẩm văn học Mỹ thời nay xa lạ với những cảnh hung
bạo, với “sex”, với “phản nhân vật” đưa bạn đọc trở về với những vấn đề “nhà”
(theo nghĩa quê hương), “cội nguồn”, “cha và con” mà lại được ham chuộng như thế
ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng
làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.
4/ Ba Gã Cùng Thuyền
1 trong 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại do NXB
Penguin tổ chức bình chọn.
1 trong 10 tác phẩm hài hước nhất trong lịch sử theo
AbeBooks.
Bọn hắn có bốn mạng (tính cả con chó), và bọn hắn tiến hành
chuyến du hành sông Thames để đời này với một lý do chính đáng không để đâu cho
hết: để thư giãn. Quả thật, nếu không tính đến sự cứng đầu cứng cổ của mớ hành
lý, sự vô ơn của con thuyền, sự quỷ quyệt của cái ấm trà, sự om sòm của bầy
thiên nga… thì ái chà, bọn hắn quả đã được thư giãn thật. Thêm vào đó, bọn hắn
còn được biết thế nào là một chuyến du hành đích thực…
Nhờ đó, độc giả có thể ngấu nghiến từng câu từng chữ những
câu chuyện ly kỳ hấp dẫn mà gã J. ấy đã vui lòng kể lại, có thể xuýt xoa trước
tầng tầng lớp lớp kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý trong tác phẩm, có thể tấm
tắc trước văn phong, có thể cười lăn trước những chi tiết khôn lường, có thể vỗ
đùi đánh đét mà ngưỡng mộ văn tài của tác giả. Và, xin nhắc độc giả rằng, đây
không phải một câu chuyện, đây là bản tường thuật chân thực không thể bỏ lỡ về
một chuyến du hành sông nước “độc nhất vô nhị”…
5/ Ông Già Và Biển Cả
Ông già và Biển cả (tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea)
là một tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951 và xuất bản
năm 1952. Nó là truyện ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng được viết bởi Hemingway.
Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp
sáng tác của nhà văn. Tác phẩm này đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm
1953. Nó cũng góp phần quan trọng để nhà văn được nhận Giải Nobel văn học năm
1954.
Trong tác phẩm này, ông đã triệt để dùng nguyên lý mà ông gọi
là “tảng băng trôi”, chỉ mô tả một phần nổi còn lại bảy phần chìm, khi mô tả sức
mạnh của con cá, sự chênh lệch về lực lượng, về cuộc chiến đấu không cân sức giữa
con cá hung dữ với ông già. Tác phẩm ca ngợi niềm tin, sức lao động và khát vọng
của con người.
6/ Trăm Năm Cô Đơn
Cho đến nay Trăm năm cô đơn vẫn là cuốn tiểu thuyết lớn nhất
của Gabriel Garcia Márquez, nhà văn Columbia, người được giải Nobel về văn học
năm 1982.
Trăm năm cô đơn ra đời (1967) đã gây dư luận sôi nổi trên văn
đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Sau gần hai mươi năm, Trăm
năm cô đơn đã có mặt ở khắp nơi trên hành tinh chúng ta để đến với mọi người và
mọi nhà.
Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy
thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng bị kiến ăn, một
dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để trốn tội loạn luân. Trong cõi cô đơn ấy,
những Accađiô, Aurêlianô, Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống với số phận
bi đát như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm
lo phạm tội loạn luân. Nhưng rồi họ yêu nhau mãnh liệt và lấy nhau với hy vọng
tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình. Nhưng họ vẫn đẻ ra những đứa con có đuôi lợn
và chính nó đã kết liễu dòng họ Buênđya.
Trăm năm cô đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất
người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – của mình, hãy vượt qua mọi định kiến,
thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự
hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên
bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua
cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để
chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một
thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi
không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình
yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ
bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái
sinh trên mặt đất này.
Người đọc tìm đến với Trăm năm cô đơn bởi đó là cuốn sách văn
học thực sự mang hơi thở đời sống hiện đại – cuốn sách của niềm tin và những số
phận con người.
7/ Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà
Victor Hugo (26/2/1802 - 22/5/1885) là một nhà văn, nhà thơ,
nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời
là một nhà chính trị, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX.
Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà - dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Notre
Dame de Paris của nhà văn Hugo. Tác phẩm ra đời xuất phát từ biệc tác giả muốn
viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris. Ông đã nhiều
lần đến nhà thờ Đức Bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ này.Cuốn tiểu
thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà
thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Tác phẩm
đã thể hiện được sự vươn lên đến một tầm cao triết lý, qua cách mô tả một định
mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy
diệt. Chính cảm hứng bi quan này đã đêm đến cho tác phẩm vẻ lớn lao và hoang dại.
Tác phẩm được chia làm 11 quyển.
8/ Kẻ Trộm Sách
Kẻ trộm sách - tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản
năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của
The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một
sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách
khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học
trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới –
cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 – nhưng Markus Zusak vẫn gây bất ngờ cho người
đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết – một “gương mặt” quen thuộc
của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu
chuyện mà Thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với
chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở
những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một
nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi
mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái
chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn. Dù vậy, nội
dung chính của câu chuyện không lột tả những cảnh chiến trường đẫm máu của thế
chiến II, những cảnh giết chóc man rợ… mà đây là câu chuyện về Liesel, cô bé
gái mồ côi được làm con nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich. Chính tại
thị trấn nhỏ nghèo nàn với vẻ ngoài bình yên của những trận đá bóng của trẻ
con, những phi vụ ăn trộm nho nhỏ của đám trẻ đói khát, tình bạn tuyệt đẹp của
Liesel và cậu bé Rudy đầy cá tính… đã toát lên không khí của nước Đức căng thẳng
đầy những xung đột 0 một nước Đức đang trải qua một trong những giai đoạn kinh
hoàng nhất của lịch sử nhân loại.
Từ cuộc sống nghèo tại phố Thiên Đàng nhỏ bé, Liesel đã phải
– trực tiếp và gián tiếp – chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, sự man rợ đến
rùng mình của chế độ phát xít đối với những người Do Thái vô tội. Ngay trong số
các công dân nước Đức luôn bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng mọi
lúc mọi nơi thì đó vẫn có những con người như Hans Hubermann – cha nuôi của
Liesel – lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên Do Thái trước sự truy lùng
của chế độ Đức quốc xã. Và vì hành động đó, Hans và gia đình ông đã phải sống
trong những tháng ngày căng thẳng, sợ hãi tột độ. Có biết bao bất hạnh ập xuống
những con người vô tội ở phố Thiên Đàng, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp
đẽ và tuyệt vời như Rudy cũng phải lãnh chịu số phận bi thương. Chứng kiến cảnh
đó, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo và khiến ông bật khóc. Trước
những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy
sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại
có thể mang cả hai thuộc tính này.”
Trong câu chuyện về Liesel, điều ấn tượng nhất với thần chết
chính là niềm say mê sách của cô bé. Liesel ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi
nào có thể. Trong cuốn sách này còn có những tác phẩm của các nhân vật của
chúng ta – những tác phẩm viết tay với hình minh họa đầy thú vị, cho thấy niềm
say mê ngôn ngữ đồng thời đây là một ẩn dụ của tác giả về sức mạnh của ngôn từ.
Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống
trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết.
Ngôn từ trong Kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những
nốt nhạc của một bản giao hưởng.
Kẻ trộm sách được viết nên bằng một văn phong đặc biệt, lôi
cuốn. Sự thành công của Kẻ trộm sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của
Zusak – ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến
cho họ – tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy – vẫn sống động
và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ,
và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng.
Đúng như lời khẳng định các nhà phê bình văn học, Kẻ trộm sách là một tác phẩm
mà bạn sẽ khó lòng bỏ xuống nửa chừng một khi đã bước vào câu chuyện kể của vị
thần chết đầy vui tính…
9/ Đồi Gió Hú
Cuốn tiểu thuyết dữ dội và bí ẩn về Catherine Earnshaw, cô
con gái nổi loạn của gia đình Earnshaw, với gã đàn ông thô ráp và điên rồ mà
cha cô mang về nhà rồi đặt tên là Heathcliff, được trình diễn trên cái nền những
đồng truông, quả đồi nước Anh cô quạnh và ban sơ không kém gì chính tình yêu của
họ. Từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó của họ ngày càng trở nên ám ảnh. Gia đình, địa vị
xã hội, và cả số phận rắp tâm chống lại họ, bản tính dữ dội và ghen tuông tột độ
cũng hủy diệt họ, vậy nên toàn bộ thời gian hai con người yêu nhau đó sống
trong thù hận và tuyệt vọng, mà cái chết chỉ có ý nghĩa khởi đầu. Một khởi đầu
mới để hai linh hồn mãnh liệt đó được tự do tái ngộ, khi những cơn gió hoang vắng
và điên cuồng tràn về quanh các lâu đài trong Đồi Gó Hú.
Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Emily Bronte là cuốn sách đã tới
tay công chúng với nhiều lời bình trái ngược vào năm 1847. Thông qua mối tình
giữa Cathy và Heathcliff, với bối cảnh đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải,
Đồi Gió Hú đã tạo nên cả một thế giới riêng với xu hướng bỏ qua lề thói, vươn tới
thi ca cũng như tới những chiều sâu tăm tối của lòng người, giúp tác phẩm trở
thành một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất, bi thương nhất mà con người từng
viết ra về nỗi đam mê cháy bỏng. Xuất hiện trên văn đàn thế giới và khẳng định
dấu ấn như một hiện tượng độc đáo của văn học cổ điển.
Nhà văn W.SOMERSET MAUGHAM đã chọn “Đồi Gió Hú” là một trong
mười cuốn tiểu thuyết ông cho là hay nhất thế giới. Ông viết: “Đồi Gió Hú”
không phải là một cuốn sách để chúng ta đàm luận, nó là một cuốn sách để chúng
ta đọc… Nó chứa đựng một thứ mà rất ít tiểu thuyết gia có thể cho chúng ta, ấy
là năng lực. Tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào mà nỗi buồn rầu thống khổ,
niềm vui sướng điên cuồng, tính độc ác vô tình, sự ám ảnh của ái tình được diễn
tả một cách kỳ diệu như trong “Đồi Gió Hú”.
Và vào tháng 08 năm 2007 câu chuyện tình lãng mạn giữa hai
nhân vật Cathy Earnshaw và Heathcliff trong “Đồi gió hú” đã được hơn 2.000 độc
giả của kênh UKTV Drama (Anh) chọn là chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại trong
văn học.
Ngoài ra thì cho đến nay, cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn
học Anh đã được chuyển thể rất nhiều lần lên phim ảnh, truyền hình, nhạc kịch
và opera
Emily Bronte (1818 – 1848) – Tác giả của Đồi Gió Hú là con của
một vị mục sư nghèo và nghiêm khắc người Ái Nhĩ Lan (Ailen) phụ trách giáo khu
Yóosio thuộc vùng Hoaơth & mẹ là người Anh. Bà là người thứ tư trong số sáu
chị em, năm gái một trai (người anh trai là Pat’rick Branoel, ngay trên nàng)
trong đó chị là Charlotte và em gái là Anne đều là văn sĩ danh tiếng. Gia đình
bà sống ở Thornton, một ngôi làng xa xôi khuất nẻo thuộc Yorkshire (Anh), ngôi
nhà bà trông ra nghĩa trang của xứ đạo và dựa lưng vào một ngọn đồi trọc lộng
gió. Các chị em bà sinh trưởng ở đấy như những cô gái cấm cung ít được tiếp xúc
với đời.
10/ Bác Sĩ Zhivago
Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956,
nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy
giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối,
các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà
văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.
Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng
tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương
Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn
bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn
chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải
thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản
tại Nga.
Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu
thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến
tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.
Vnwriter
Theo https://vnwriter.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét