Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Văn chương 2017- Sự kiện và bình luận

Văn chương 2017- Sự kiện và bình luận
10 SỰ KIỆN CHÍNH
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017)
Hội Văn nghệ Việt Nam (thành lập năm 1948, cơ quan ngôn luận là báo Văn nghệ) là tiền thân của Hội Nhà văn Việt Nam. 
Tính đến 2017, Hội NVVN có hơn 1000 hội viên (trong đó có nhiều liệt sỹ, Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới). Từ năm 1996 đến 2017, đã có 40 nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, 113 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Không phải vô cớ mà trong cuộc gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Ủy ban Trung ương các Hội LHVHNT Việt Nam (9-2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đề cao vai trò của VHNT trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Vì thế Hội LHVHNTVN (trong đó có Hội NVVN) luôn luôn là một Hội “Chính trị - xã hội - nghề nghiệp” (mặc dù Luật về Hội chưa được Quốc hội thông qua). Cùng với sự công nhận này là sự hỗ trợ tài chính thích đáng và kịp thời cho các hoạt động của Hội LHVHNTVN và Hội NVVN.
- 60 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản số đầu tiên (1957-2017)
Văn nghệ Quân đội là một địa chỉ văn học có uy tín ở Việt Nam 60 năm qua. Từ ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội đã nuôi dưỡng nhiều tài năng văn chương nước nhà như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, Dũng Hà, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Thiều, Nam Hà, Thu Bồn, Vương Trọng, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất quang Thụy, Trần Đăng Khoa,... Ngày trước người ta gọi vui đây là “Văn đội quân Nghệ” (nhiều nhà văn quê xứ Nghệ). Lớp nhà văn mới bây giờ thì không còn “quân Nghệ” nữa. Nhưng bù lại đã có một lớp “tre già măng mọc” từ Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phùng văn Khai, Phạm Duy Nghĩa đến Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Tâm, Đinh Phương,...Văn nghệ Quân đội là một “bà đỡ” mát tay, đặc biệt đã nâng niu, nâng cánh cho nhiều thế hệ nhà văn trẻ tài năng, đặc biệt là các nhà văn nữ từ  Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Thùy Linh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Phước, Đàm  Quỳnh Ngọc, Như Bình, Trần Thanh Hà, Kiều Bích Hậu, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thanh Lịch, Tống Phú Sa,...
- Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về VHNT 2017 (Hội Nhà văn Việt Nam vinh dự có 4 nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước)
Sau đợt trao giải thưởng này nhiều ý kiến của các văn nghệ sỹ, các tổ chức VHNT trong cả nước có kiến nghị với các cơ quan chức năng cần bổ sung, sửa đổi quy chế xét giải cho phù hợp thực tiễn (như quy chế hiện nay có rất nhiều điểm bất hợp lý). Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, Giải thưởng lớn tầm quốc gia ghi nhận đóng góp to lớn của VHNT nói chung, văn học nói riêng, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và Mỹ, xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong những nền văn học chống đế quốc. Từ Đổi mới (1986) đến nay, văn học đã cố gắng đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp kiến quốc và mở mang quan hệ quốc tế trong bối cảnh một thế giới phẳng. Nhân dịp này nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã ấn hành bộ sách Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (2 tập) do nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên biên soạn. Bốn mươi (40) nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (từ 1996 đến 2017) có mặt đầy đủ trong bộ sách này. Tuy nhiên đây chỉ mới là sách tham khảo bước đầu, cần có một công trình công phu đầy đủ và sâu sắc hơn về thành tựu văn chương dân tộc thời hiện đại khúc xạ qua nhà văn.
- Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 do báo Văn nghệ tổ chức kết thúc
Cuộc thi kéo dài hơn hai năm (từ tháng 4-2015 đến tháng 11-2017) với hơn 3000 tác phẩm gửi dự thi. Báo Văn nghệ đã đăng tải hơn 400 truyện (thử so sánh với cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của Văn nghệ, chỉ có hơn 2000 tác phẩm gửi dự và đăng tải trên báo hơn 300 truyện). Nhà xuất bản Thanh niên từ đầu đã đồng hành với cuộc thi văn chương đặc sắc này. Trong một động hướng nghề nghiệp, nhà xuất bản Thanh niên đã phối hợp với báo Văn nghệ tuyển chọn và in 2 tập Tuyển truyện ngắn hay dự thi báo Văn nghệ 2015-2017 (2 tập, 2016-2017), gồm 44 truyện chọn lọc có chất lượng. Truyện ngắn luôn được coi là “đặc sản” văn chương Việt Nam thế kỷ XX, thậm chí được coi là “mặt tiền” của văn học Đổi mới từ 1986 đến nay. Cuộc trao giải sẽ vào dịp kỷ niệm 70 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên (1948-2018). Cuộc thi cho thấy sự đồng hành của nhiều thế hệ cầm bút yêu thích sáng tác truyện ngắn. Đọc truyện ngắn dự thi lần này tin hơn vào tiền đồ của thể loại “nhỏ” nhưng công năng nghệ thuật lớn.
- Tạp chí Văn nghệ Quân đội mở Trại nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học lần thứ nhất (tháng 5- 2017, tại Đại Lải, Vĩnh Phúc).
Tháng 8- 2012, Hội Nhà văn Việt Nam mở trại nghiên cứu lý luận phê bình văn học lần thứ nhất (tại Cửa Lò, Nghệ An). Đây được coi là sự kiện văn chương tính từ ngày thành lập Hội. Hoạt động nghề nghiệp của tạp chí VNQĐ, một lần nữa chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo văn nghệ đối với công tác NCLLPB văn học nước nhà. Bây giờ, người ta không còn coi phê bình là “cái roi” để quất hay phê bình là hướng dẫn sáng tác nữa. Phê bình đi giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật. Nó đồng hành với sáng tác. Mười lăm cây bút phê bình (chủ yếu từ Thừa Thiên Huế trở ra) được mời dự trại. Họ là những tên tuổi quen biết với giới sáng tác: Bùi Việt Thắng, Tôn Phương Lan, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Lê Huy Bắc, Văn Giá, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Minh Tâm, Phan Tuấn Anh, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Thụy Anh, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Đặng Thái Hà. Sản phẩm tham gia trại sau đó được đăng tải trên các báo chí Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nghiên cứu văn học, Lý luận phê bình VHNT,...
- Hội nghị lần thứ nhất “Nhà văn Việt Nam với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội NVVN tổ chức
Hội nghị diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng 10-2017, tại Hà Nội và một số địa phương như Phú Thọ, Quảng Ninh. Hơn 100 nhà văn tham dự (số nhà văn ở nước ngoài về hơn gần 30). Hội nghị này diễn ra, theo ý kiến của nhiều người, là chậm, vì đã 42 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng chậm còn hơn không, như cổ nhân vẫn dạy. Dư luận chung đánh giá cuộc gặp mặt này thành công trên phương diện văn hóa (văn chương là nhịp cầu văn hóa, hòa bình và hữu nghị). Cũng còn một vài sai sót trong quá trình tổ chức sự kiện. Nhưng trên tinh thần cầu thị thì thấy chỉ có không làm gì mới không sai sót! Thôi thì “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ” như cha ông nói. Các nhà văn Việt Nam sinh sống ở nước ngoài trong dịp trở về  Đất Mẹ đã rất vui mừng trước khung cảnh đổi mới của quê hương.
- Hội đồng LLPBVHNTTW tổ chức Hội thảo quốc gia “Các xu hướng vận động của VHNT Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển”
Hội thảo lần này của Hội đồng LLVHNTTU đi thẳng vào “định hướng phát triển” của VHNT nước nhà. Bảy mươi tham luận đã nói lên tính chất phong phú và phức tạp của nội dung thảo luận. Rất nhiều ý kiến thẳng thắn, nhiều đề xuất công tâm, nhiều sáng kiến đáng tham khảo đều nhằm hướng tới mục tiêu làm cho VHNT Việt Nam “mở mày mở mặt” được với thế giới. Một điểm rất đáng quan tâm là: các tham luận đều tập trung chỉ ra tình trạng yếu kém của sáng tác VHNT đang quay lưng, xa rời đời sống của nhân dân, tình trạng “lai căng”, học đòi những điều thế giới đã bỏ qua hàng nửa thế kỷ. Tinh thần dân tộc cần kết hợp khoa học với tinh thần quốc tế.
- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” (Đề án được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phê duyệt năm 2017)
Đây là sự kiện lớn, theo quan điểm của chúng tôi, thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo văn hóa, văn nghệ (trong đó có văn học). Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập từ năm 1979, đã trải qua thăng trầm, đến nay nép mình vào trong một khoa có tên “Viết văn – Báo chí” (thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Có những khóa gần đây chỉ có 9 sinh viên. Đã có ý kiến cực đoan nên “xóa tên” một ngôi trường, một khoa có lịch sử 38 năm. Ở Liên -xô trước đây và Nga hiện nay vẫn tồn tại Trường Viết văn Gorky (thành lập từ năm 1933, đến 1936 thì mang tên văn hào Nga). Ở CHDC Đức trước đây có trường Viết văn mang tên Bê-se. Ở Hoa Kỳ hiện có khoảng 200 địa chỉ đào tạo viết văn thường đóng đô ở các trường đại học. Một đất nước có hơn 90 triệu dân như Việt Nam, có truyền thống văn hiến - văn minh - văn chương cớ sao lại không có một địa chỉ đào tạo tài năng sáng tác văn chương (?!) Bây giờ thì người ta không còn tranh luận giữ hay bỏ cái địa chỉ này. Bây giờ chỉ bàn chuyện tuyển sinh, đào tạo cho tốt để ươm mầm, gây giống tài năng mà thôi.
- Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXHVN) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái. Tiếng nói bản địa - Tiếng nói toàn cầu”
Không thể tụt hậu nhưng cũng không thể thấy thiên hạ làm gì thì ta cũng làm. Trong Hội thảo, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong phát biểu của mình cho rằng mọi lý lẽ của giới lý luận phê bình với ông là “hoang đường”. Phê bình sinh thái với ông càng hoang đường. Mặc dù có kỷ yếu dày tới cả nghìn trang nhưng có lẽ chờ nó thấm nhuần vào thực tiễn phê bình thì còn lâu dài và khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần phê bình hay, còn nó là “sinh thái”, “nữ quyền”, “phân tâm”,...gì đi nữa thì cũng chỉ nhằm, như Hoài Thanh tâm đắc “Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp tromg nghệ thuật”.
- Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XII thành công tốt đẹp
Sau gần hai năm trì hoãn, Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (nhiệm kỳ XII, 2015-2020) đã thành công tốt đẹp (8-2017). Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được bầu làm Chủ tịch Hội NVHN. Hội NVHN hiện có hơn 600 hội viên, trong đó có hơn 200 là hội viên Hội NVVN. Ban Chấp hành mới gồm 8 nhà văn có tên tuổi và thành tựu sáng tác: Nguyễn Thị Thu Huệ (Chủ tịch), Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Sĩ Đại (Phó chủ tịch), Bùi Việt Mỹ, Y Ban, Trần Gia Thái, Hữu Việt. Hoạt động đầu tiên của Hội NVHN được văn giới và xã hội quan tâm là Giải thưởng Hội NVHN 2017 chỉ trao cho 3 tác phẩm (văn xuôi, LLPB, dịch thuật) và 1 Tặng thưởng tác phẩm đầu tay. Thơ mất mùa. Cũng đúng thôi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nộp đơn và được xét kết nạp vào Hội NVHN. Một sự kiện vui của Hội.
- Hội nghị Tổng kết công tác văn học năm 2017 của Hội NVVN
Ngày 28-11-2017, Hội nghị công tác văn học 2017 của Hội NVVN được tổ chức tại Hà Nội. Trong Báo cáo tổng kết, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội NVVN) đã nhận định: trong nửa nhiệm kỳ hoạt động của Hội, công cuộc đổi mới văn chương tiếp tục duy trì và phát triển (đường biên văn học được mở rộng, không khí hoạt động nghề nghiệp sôi nổi, sự đa dạng của văn chương đang dần rõ nét, tập hợp được nhiều nhân tố mới). Tuy nhiên hoạt động văn chương cũng đang nằm trong bối cảnh khó khăn chung (Luật về Hội sẽ ra tác động như thế nào đến các Hội, cơ chế thị trường đang xiết chặt hoạt động sáng tác, hội nhập vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn,...). Với cái nhìn khoa học, lạc quan, Báo cáo tổng kết của BCH cũng chỉ ra:  văn chương đang tiếp tục phát triển lành mạnh, xu hướng dân tộc yêu nước được đề cao, xu hướng trở về quá khứ được quan tâm nhằm tìm bài học cho hiện tại, một thế hệ mới đang hình thành và có triển vọng.
Trong 10 sự kiện trên, theo quan điểm của chúng tôi thì, Hội nghị lần thứ nhất “Nhà văn Việt Nam với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”, được coi là đáng quan tâm nhất. Vì sao? Vì tinh thần đoàn kết rất quan trọng, nó cố kết hơn 90 triệu người đều là con Lạc cháu Hồng, dù ở trong nước hay ngoài nước. Hồ Chủ tịch đã dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Tuy 42 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất chúng ta mới có động thái này. Nhưng như cổ nhân nói, chậm còn hơn không. Hội thảo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội gây men niềm tin tưởng cho văn giới và xã hội về đường hướng và tương lai lâu dài đào tạo nguồn lực sáng tác văn chương. Sự kiện này một lần nữa củng cố vị thế của VHNT nói chung, văn học nói riêng, luôn là những hoạt động của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp xứng đáng được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời. 
SÁNG TÁC:
Văn xuôi vẫn là khu vực thu hút bạn đọc nhiều hơn cả. Tiểu thuyết vẫn là thể loại vượt trội. Có thể kể ra một số cuốn được dư luận quan tâm như Đêm núm sen của Trần Dần, Cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn, Kiếp người (Tập 2) của Hữu Ước, Mối chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh), Gió xanh của Chu Lai, Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương, Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam, Chim bằng và nghé hoa của của Bùi Việt Sĩ, Sáu ngày của Tô Hải Vân, Con chim Joong bay từ A đến J của Đỗ Tiến Thụy, Những chiếc mặt nạ của Đỗ Kim Cuông, Tình không biên giới của Kim Quyên, Người trên đảo vắng của Dương thiên Lý, Triền dâu xanh thắm của Châu La Việt, Đất khát của Trác Diễm, Bạn bè một thuở của Phạm Quang Long, Núi Mẹ của Nguyễn Đức Nguyên, Chuyện tình Phja Bjooc của Bùi Thị Như Lan, Miền sáng tối của Dương Thanh Biểu, Động thổ của Lê Ngọc Minh, Hỗn danh của Nguyễn Văn Học, Khúc quanh định mệnh của Phạm Ngọc Chiểu,...
Những tập truyện ngắn có nhiều độc giả: Tuyển truyện ngắn hay dự thi báo Văn nghệ 2015-2017, Chuyến tàu sông cuối cùng của Hà Phạm Phú, Người yêu dấu và những truyện khác của Dạ Ngân, Ngày bình thường của chiến tranh của Từ Nguyên Tĩnh, Trần trụi con người của Đỗ Trọng Khơi, Hoa hồng không ở cùng mắm tôm của Kiều Bích Hậu, Con chim phượng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa, Một dải ngân hà của Nguyễn Thị Bích Vượng, Zero của Phạm Thị Bích Thủy, Sương trắng của Lê Nguyễn Quốc Việt, Người quê của Y Mùi,...
Một số tập ký được đánh giá cao: Ở đâu cũng có người Việt của Nguyễn Đắc Như, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Ký ức khoai gieo của Mai Nam Thắng, Tùy bút của Vũ Bình Lục, Giọt người ở mấy vũng mây của Hoàng Việt Hằng, Vị tướng có duyên với con số 7 (Nguyễn Huy Hiệu kể, Lục Hường ghi), Nhà sau lưng phố của Hải Thanh. Đặc biệt, phải nhắc đến Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, một tác phẩm có thể xếp vào kiểu văn học “phi hư cấu”, văn học tư liệu (non-ficition) đang rất có triển vọng trên văn đàn thế giới và Việt Nam. Một liên hệ tạt ngang – năm 2015 giải Nobel văn chương trao cho Chiến tranh không mang một khuôn mặt nữ của nhà văn Belarus Xvetlana Alexievich (Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hà Nội, 2016).
Văn xuôi vẫn được coi là “nền móng” hay “mặt tiền” của văn học Đổi mới từ 1986 đến nay. Nhưng so với 10 năm đầu sau Đổi mới thì, hiện nay văn xuôi không còn trường lực như trước. Vẫn có tác phẩm đọc được, nhưng thiếu tác phẩm tạo nên những đổi thay quan trọng trong tư tưởng và tình cảm của bạn đọc, đánh dấu bước chuyển của văn chương kiểu như Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu.
Thơ: Một hiện tượng đáng quan tâm - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017 không có giải thơ.
Lý do như Thông báo của BCH Hội Nhà văn Hà Nội: “Thơ dự Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trong hai năm qua có vẻ bình lặng hơn, mặc dù đội ngũ sáng tác thơ luôn áp đảo các nhà văn của các thể loại khác”. Tình trạng “bình lặng” này của thơ không chỉ đúng với khu vực Hà Nội, mà cả trên phạm vi toàn quốc. Không phải không có những tập thơ đọc được. Nhưng chỉ ở mức trung bình khá. Thơ hiện thời chưa bứt phá ngoạn mục như thời kỳ đầu Đổi mới. Không ít nhà thơ hôm nay chỉ mới quan tâm đi tìm những cách tân thuần túy hình thức. Hình như ngày nay các ism (Chủ nghĩa hậu hiện đại, chẳng hạn) đang ám ảnh người làm thơ. Sự cắt đứt, đôi khi thậm chí đoạn tuyệt với truyền thống, nhất là truyền thống folklore, đã khiến các nhà thơ rơi vào thế chênh vênh, đứt gãy khi cố bắt chước thế giới (cũ người người mới ta). Viết về thơ hiện thời, cụ thể là thơ 2017, như thế hẳn có người cho rằng chúng tôi bi quan và cực đoan (!?). Tuy nhiên, nếu cần, vẫn có thể chọn 10 tập thơ khá năm 2017: Cây xanh ngoài lời của Hoàng Vũ Thuật, Phía sau tưởng tượng của Mã Giang Lân, Đa thanh và phản biện của Vương Trọng, Những dấu ấn chưa qua của Trần Ninh Hồ, Dắt tháng Mười về quê của Lê Huy Mậu, Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thụy Anh, Ballad đêm của Ngô Đức Hành, Thơ Nguyễn Tùng Linh, Di chữ của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Đời đá (Trường ca) của Phạm Thúy Nga (Thy Nguyên).
Nghiên cứu, Lý luận, phê bình: Vẫn mang tiếng “thiếu và yếu”.
Bởi vì nếu nhà văn đang ngày càng xa rời đời sống thực tiễn thì NCLLPB ngày càng xa rời đời sống văn chương. Trong số hơn 1000 nhà văn Việt Nam hiện nay có gần 80 hội viên chuyên ngành NCLLPB. Nhưng họ dường như “mất tích”. Một số thì cố thủ trong cái gọi là “nhóm tinh hoa”. Nghĩa là họ chỉ quan tâm tới những “đỉnh văn chương”, còn lại những gì thuộc về đại chúng, với họ dường như không mấy ý nghĩa. Một nhóm khác, theo cách gọi thông thường, thuộc về “phê bình phong trào” (tính chất nghiệp dư). Những cách tác nghiệp này đều bất cập.
Thực ra chỉ có NCLLPB hay hoặc không hay! Nếu theo tinh thần “đãi cát tìm vàng” thì cũng có thể tìm thấy một số tác phẩm khá trong năm: Cõi học và người thầy (Phê bình – chân dung) của Hà Minh Đức, Bóng người trong bóng núi (Phê bình – chân dung) của Lê Thành Nghị, Vì ai ta mãi phong trần (Phê bình – chân dung) của Vũ Từ Trang, Chuyện thơ (Phê bình) của Hồng Diệu, Trang sách mạch đời (Phê bình – đối thoại) của Phạm Khải, Phiêu lưu chữ (Phê bình) của Hoàng Đăng Khoa, Lý luận, phê bình văn học - Một góc nhìn mới (Tiểu luận - phê bình) của Cao Hồng, Đến với thơ đương đại (Tiểu luận – phê bình) của Hà Quảng, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - Lạ hóa một cuộc chơi (Nghiên cứu) của Thái Phan Vàng Anh, Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (Nghiên cứu) của Phùng Văn Tửu, Ba tiếng cười trong văn học Việt Nam: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến (Nghiên cứu) của Nguyễn Thanh Tú, Rừng khô suối cạn biển độc và văn chương (Phê bình sinh thái) của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Giới hạn của những huyền thoại (Phê bình) của Nguyễn Thanh tâm.
Văn học dịch:
Ngoài tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017 (tiểu thuyết Búp bê của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus, Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ từ nguyên bản), nhìn chung sách dịch đang bá chủ thị trường sách. Nhưng nhìn kỹ thì thấy tình trạng  không kiểm soát được đang diễn ra khó bề khắc phục (đáng nói là không riêng gì trong lĩnh vực này, nhìn rộng ra trong tất cả các lĩnh vực khác, “cũng rứa”). Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2017), nhà xuất bản Thông tin – Truyền thông ấn hành tập thơ "Đợi anh về" của hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh (hai người đều đã sống ở nước Nga trên ¼ thế kỷ, đã thấm nhuần văn hóa Nga). Tập thơ tuyển dịch sáng tác của các nhà văn Nga về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941-1945) chống sự xâm lăng của phát xít Đức. Chỉ trong vòng bốn năm, nhân dân Nga đã chịu tổn thất hy sinh vô cùng lớn lao (27 triệu người mất, trong đó có 1/3 là chiến sĩ Hồng quân). Mỗi bài thơ được viết ra không phải bằng cảm xúc đơn thuần, mà là kết tụ mồ hôi, nước mắt và máu của Nhân Dân vĩ đại. Nhân Dân muôn đời đúng như nhà thơ Hungary S. Petofi đã viết: “Gươm một tay/Cày một tay/Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay/ Máu cứ đổ/ Mồ hôi cứ đổ” (Nhân Dân). Tập thơ đã cung cấp cho các nhà văn Việt Nam những bài học kinh nghiệm nghệ thuật quý báu khi viết về chiến tranh. Chiến tranh không phải trò đùa. Máu người không phải nước lã. Người ta sinh ra không là lính. Những người sống và những người chết lên tiếng đòi nhà văn viết đúng lương tri. Viết về chiến tranh là món nợ tinh thần của nhà văn, một món “nợ non sông”.
RÀO CẢN CẦN VƯỢT 
Nói văn chương vẫn chưa thực sự phát triển bền vững thì nguyên nhân chủ yếu thuộc về chủ quan sáng tác - văn hóa nhà văn chưa đủ tầm đáp ứng với nhiệm vụ nghệ thuật sáng tạo tác phẩm. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta vẫn có nhiều người viết văn hơn là nhà văn. Người viết sớm thỏa mãn với những gì viết ra mà không tự ý thức được sản phẩm tinh thần của mình mới chỉ được chấp nhận theo tâm thế nâng đỡ hào hiệp của công chúng. Và một rào cản khác chính là sự “già hóa” đội ngũ. Vấn đề thế hệ kế tục đang đặt ra cấp bách như một chiến lược phát triển văn chương. “Đổi gác” hay không còn là một vấn đề cần bàn luận nghiêm túc trên tinh thần khoa học và thực tiễn. Chúng ta vẫn đang duy trì một nền văn chương nặng về nghiệp dư, yếu tính chuyên nghiệp. Rất nhiều cơ hội đồng thời thách thức đặt ra cho nhà văn. Nếu nhà văn không phải là người nặng nợ với cuộc đời này, nếu nhà văn thiếu vốn liếng văn hóa thì rõ ràng chúng ta sẽ giẫm chân tại chỗ không chỉ một mà là hàng chục năm. Kế tục truyền thống văn hóa dân tộc đồng thời hội nhập tỉnh táo để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đó là con đường sáng phía trước của văn chương nước nhà.
P/S: Bài viết của chúng tôi hoàn thành khi Hội Nhà văn Việt Nam chưa công bố Giải thưởng thường niên. Có thể năm nay “không có thơ”, “không có văn xuôi” đăng quang. Nhưng nên xem đấy là chuyện bình thường. Không nên đồng thanh kêu to “Ngạc nhiên chưa?”.
Hà Nội, tháng 12-2017
Bùi Việt Thắng
Theo http://nguoibanduong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...