Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê

Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê
1. Khi bàn về thơ Bích Khê, các nhà nghiên cứu thường nghĩ rằng thơ Bích Khê chịu ảnh hưởng sâu sắc thi pháp thơ Tây Phương mà rõ nhất là chủ nghĩa tượng trưng. Đến nỗi, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã “choáng ngợp” trước sự cách tân của thơ Bích Khê mà thảng thốt cho rằng vừa bước vào vũ trụ thơ Bích Khê “đã thấy vàng ngọc sáng ngời, như thế. Ai không tin đây là biệt thự một nhà triệu phú.” (1) 
Và từ sự tri nhận này, Hoài Thanh cho rằng: “Thơ Bích Khê đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc” (2) Điều cảm nhận của Hoài Thanh về ảnh hưởng của thi pháp thơ Tây phương trong thơ Bích Khê có thể tìm hiểu trong các bài viết: “Nhân nhớ Bích Khê và đọc thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng” của Tam Ích, “Nhạc và họa trong thơ Bích Khê” của Đinh Cường (Văn số 46/1966); “Tinh huyết của Bích Khê” của Lê Huy Oanh, “Thế giới thơ tượng trưng Bích Khê” của Phan Kim Thịnh (Văn học số đặc biệt về Bích Khê, 1974)... Hơn thế, để xác quyết ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Bích Khê, Lê Huy Oanh cho rằng: “Trong thế kỷ XX, nhất là thời tiền chiến, tại Việt Nam, hiện tượng thơ tượng trưng nổi bật trong các thi phẩm của thi sĩ danh tiếng như Phạm Hầu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, và nhất là Bích Khê. Mấy vị này tài nghệ rất cao, mỗi người đều có vẻ đặc sắc riêng của mình, chúng ta khó có thể phân định ai hơn ai kém. Tuy nhiên trong lĩnh vực tượng trưng, Bích Khê đáng được coi như đứng hàng đầu với thi phẩm Tinh huyếtcủa chàng, một thi phẩm tiêu biểu nhất cho thơ tượng trưng thế kỷ XX tại xứ ta” (3)
Thiết tưởng, ảnh hưởng của thi pháp thơ Tây phương trong thơ Bích Khê là điều không thể phủ nhận. Bởi trong khí quyển văn chương của công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, mà phong trào Thơ Mới là điển hình cho sự cách tân và hiện đại hóa đó, Bích Khê là một trong những gương mặt tiêu biểu. Song, cho dù thơ Bích Khê có chịu ảnh hưởng sâu sắc thi pháp thơ Tây phương nhưng hồn thơ Bích Khê vẫn thấm đẫm thi cảm Đông phương và đây là một phẩm tính trong thơ Bích Khê.
Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê thể hiện ở cái nhìn của thi nhân về thiên nhiên, thế sự, con người... được quán chiếu từ tư tưởng triết học Đông phương mà rõ nhất là tư tưởng Phật giáo, Lão giáo, được hiển lộ qua thi đề, thi ảnh, thi cảm, qua cách sử dụng thể thơ, kiến tạo ngôn ngữ, nhạc điệu... và qua những tình tự dân tộc được Bích Khê thể hiện trong thơ...  Chính điều này đã tạo cho thơ Bích Khê một thi pháp riêng, giọng điệu riêng: mới lạ mà không xa cách, cầu kỳ nhưng không bí hiểm, tắt tỵ. Nói như GS. Lê Đình Kỵ: “Cái ý thức về Đông phương, về truyền thống dân tộc đã giúp cho Bích Khê cởi mở hơn, tránh bưng bít, khó hiểu.” (4) Có thể nói, thi pháp thơ Tây phương như con thuyền chuyên chở cái cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê và đây là sự hợp hôn nhiệm mầu giữa Đông và Tây trong thi giới Bích Khê như chính thi nhân đã tự ý thức trong bài thơ Duy tân, được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của Bích Khê:
Và mới mẻ - trên viện cổ Đông phương!
(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)
(Duy Tân)
2. Quả thật, đọc thơ Bích Khê nếu ta để dòng tâm tưởng tan chảy trong thơ ông và để tâm cảm mình lắng đọng như đứng trước một tình yêu mà ta hằng tôn thờ, trân quý, ta sẽ thấy cái hồn của thi cảm Đông phương trong thơ Bích Khê ám ảnh tâm thức mình như thế nào!? Vì vậy, khám phá vũ trụ thơ Bích Khê, ta sẽ thấy trong đó những thi ảnh quen thuộc trong thơ cổ điển Phương Đông như: trăng, mùa thu, mùa xuân, mộng, hoa, tiên, liễu yếu đào tơ, ngựa hồng, chân hoa, Thiên thai, Lưu Nguyễn, cõi trời, chùa, bến đò, làng, nấm mộ... Các thi ảnh này là chất liệu làm nên cái hồn của cảm thức phương Đông trong thơ Bích Khê mà khi đọc lên ta không khỏi cảm thấy mang mang một nỗi u hoài trong cõi “sầu vạn cổ”.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ...
(Mộng Cầm Ca)
Đọc những câu thơ trên, có lẽ không ai không cảm thấy một chút se lòng khi nghĩ về những mùa thu mộng mơ, lãng mạn đã đi qua đời mình mà dư ba của nó vẫn còn lãng đãng trong hồn. Điều này chỉ có thể có ở những mùa thu phương Đông, những mùa thu đẹp nhưng buồn, một nỗi buồn mênh mông, xa vắng, để rồi ta bỗng nhớ đến một câu thơ khác của Bích Khê cũng viết về mùa thu mà Hoài Thanh cho rằng đó là “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ ca Việt Nam” (5)
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông
(Tỳ bà)
Không chỉ có những câu thơ viết về mùa thu thấm đẫm thi cảm Đông phương mà trong thơ Bích Khê ta cũng bắt gặp nhiều bài thơ, câu thơ ngập tràn cảm thức Đông phương mà rõ nhất là âm hưởng Đường thi. Điều này tạo nên những mỹ cảm đặc sắc của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong thơ Bích Khê thể hiện ở các bài thơ: Tỳ bà, Tranh lõa thể, Thơ bay, Cuối thu, Mộng, Dưới trăng ngồi gãy đàn, Băng Tuyết Ngũ Hành Sơn (hậu), Đề bia trước mộ, Mộng trong hương... mà chỉ cần đọc qua một số câu thơ ta cũng cảm nhận được cái âm hưởng Đông phương ấy:           
Nửa cánh giang hồ bạc nhớ thương
Đêm nay buồn lắm! gục bên giường
Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng,
Sau khói phù dung mộng cố hương
(Mộng trong hương)
Vâng! cái “mộng cố hương” cũng là một biểu hiện của cảm thức Đông phương luôn ám ảnh thi giới Bích Khê. Vì thế, trong thơ Bích Khê, cái hồn quê, tình quê luôn chan chứa và là cảm hứng sáng tạo của thi nhân mà ta có thể cảm nhận qua các bài thơ: Trên núi Ấn nhìn Sông Trà, Trăng sáng bến đò Xưa, Chùa Ông Thu Xà, Làng em, Ngũ Hành Sơn...
Bài Làng em của Bích Khê là những hoài niệm về một làng quê êm đềm, quạnh vắng nhưng ẩn chứa bên trong là một hồn quê diệu vợi như một ám ảnh của vô thức và tâm linh mà chỉ có những tâm hồn mang nặng tâm thức Đông phương mới có những cảm nhận tinh tế như vậy:
Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh
Anh có khi nào trở lại chưa
Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
Cùng sáng trong trời sợi sợi mưa
Nơi đây thành phố đời ngưng mạch
Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
Dường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?
(Làng Em)
Quê hương hiện lên trong thơ Bích Khê với những tình cảm sâu nặng, là biểu hiện sinh động cảm thức phương Đông, một cội nguồn tạo nên những mỹ cảm trong diễn ngôn thơ Bích Khê. Song vốn là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm trước cái đẹp, và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Đông phương, vì vậy, bên cạnh những bài thơ chứa đựng tình tự dân tộc, cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê còn biểu hiện ở cái nhìn của thi nhân về thế giới tự nhiên. Đó là cái nhìn của sự hài hòa, sự cộng sinh giữa con người và tự nhiên, ảnh hưởng bởi tâm thức văn hóa phương Đông: “Thiên - Nhân hợp nhất”, chứ không phải là cái nhìn chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên của văn hóa phương Tây. Điều này ta cũng cảm nhận được trong thơ Bích Khê qua các bài: Ngũ Hành Sơn, Dưới trăng ngồi gãy đàn, Nhặt hoa, Tỳ bà, Chùa Ông Thu Xà, Trăng sáng bến đò xưa, Dặm mòn, Nấm mộ... mà bài thơ Trăng sáng bến đò xưa là một minh chứng sinh động cho cái cảm thức Đông Phương ấy:
Trăng sáng giữa trời trong
Soi về miền cổ độ.
Lòng ta bến đò xưa,
Bóng trăng sao chẳng tỏ?
(Trăng sáng bến đò xưa)
Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và con người, giữa sự huyền ảo của thơ ca với thế giới tâm trạng của thi nhân. Câu hỏi tu từ cuối bài thơ như một lời tự vấn, một sự đối thoại tri âm giữa con người với tự nhiên. Điều mà ta chỉ bắt gặp ở cảm thức thi ca Đông phương. Thiên nhiên, vì thế là không gian tâm tưởng để thi nhân giải bày tâm hồn mình. Thế nên, những hình ảnh: bóng trăng, bến đò, dòng sông, bầu trời... đều hiện lên trong thơ Bích Khê với một vẻ đẹp diệu kỳ, giàu cảm thức phương Đông: thẳm sâu và huyền bí...
Còn bài thơ Chùa Ông Thu Xà lại đưa ta vào trong không gian thiêng  của chốn Phật đài. Cái không gian thiêng ấy như bao trùm cả cảnh vật và con người. Bởi nơi đây không còn thấy bụi bặm của cõi trần mà chỉ thấy một không gian trong trẻo, thanh cao của chốn từ bi, vô ưu, vô lượng... Cho nên, "Sắc cỏ" cũng "thơm mùi kinh sách xưa". Và không khí trầm mặc của chốn thiền môn này cũng là biểu hiện của cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê mà người đọc có thể cảm nghiệm được:
Mây trắng bay về núi Thạch Chưa?
Chùa Ông chim hót ở ngoài mưa
Ngồi trên gò mả nghe chuông vọng
Sắc cỏ thơm mùi kinh sách xưa.
(Chùa Ông Thu Xà)
3. Bây giờ, Bích Khê đã đi ra ngoài cõi sống. Nhưng thơ ông vẫn tồn sinh, vẫn hiện hữu với cuộc đời dẫu trải qua bao thử thách khắc nghiệt của thời gian và những thăng trầm của thế sự. Phải chăng, điều làm nên sức sống diệu kỳ của thơ Bích Khê chính là cái cảm thức phương Đông được chuyển tải trong thơ qua những hình ảnh thơ mới lạ của thi pháp thơ Tây phương mà ông tiếp nhận và vận dụng một cách sáng tạo. Bích Khê là một thiên tài thi ca không bao giờ muốn lặp lại mình và lặp lại người khác, khiến người ta cứ nghĩ thơ ông là thơ của “ngôi biệt thự” Tây phương mà quên rằng cái hồn của “ngôi biệt thự” ấy vẫn là cái cảm thức Đông phương như nhà thơ Chế Lan Viên, một người bạn tâm giao của Bích Khê đã xác quyết: “Chính nhờ cái sức tiềm tàng của Đông Phương, chưa ai hiểu hết, kể cả thầy Tây, nhờ Khê quá nửa đời người, quá nửa tâm hồn thân thể đắm mình trong Đông Phương, trong dân tộc ấy, mà Khê đã tìm ra cái mới.” (6)
Đây có thể xem là một hệ giá trị trong thơ Bích Khê và cũng là tâm nguyện của thi nhân như lời thơ đề trước mộ của ông:
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi
(Đề bia trước mộ)
Ánh trăng, mùa thu bao giờ cũng là thi ảnh đẹp, huyền diệu và quyến rũ trong thi ca cổ điển Đông phương. Những thi ảnh ấy mãi mãi là người bạn cố tri ôm ấp tâm linh và hình hài Bích Khê, một thiên tài thi ca mà ý thức cách tân luôn là một khát vọng sáng tạo. Nhưng sự cách tân trong thơ Bích Khê không bao giờ cắt đứt với mạch nguồn của cảm thức Đông phương và tình tự dân tộc. Và đây là một yếu tính làm nên sự hằng cửu của đời và thơ Bích Khê trong nền văn học dân tộc...
Chú thích:
(1) (2) (5) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, H, 2003, tr.228,  tr.228, tr.227
(3) Lê Huy Oanh “Tinh huyết của Bích Khê”, Văn học số đặc biệt về Bích Khê, 1974, tr.51
(4) Lê Đình Kỵ, Thơ Bích Khê, Tuyển tập, Hội Nhà văn, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi Xuất bản, 2006, tr.180
(6) Chế Lan Viên, Thơ Bích Khê, Tuyển tập, Hội Nhà văn, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi Xuất bản, 2006, tr. 158.
Trần Hoài Anh
Theo http://khoahocthoidai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...