Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Cảm nghĩ khúc giao mùa

Cảm nghĩ khúc giao mùa 
Nước mình phía Bắc, có bốn mùa rõ rệt: Xuân hạ thu đông. Thời gian chuyển đổi từ mùa nọ sang mùa kia thường không rõ nét lắm. Cũng là điều dễ hiểu. Theo vòng quay trái đất, có thể đã là mùa thu đẹp đẽ và mơ mộng nhưng thời tiết thì vẫn oi ả của mùa hạ. Thời gian đó gọi là thời kỳ chuyển mùa, hay giao mùa. Chuyển mùa, đổi mùa, thay mùa, giao mùa vẫn đều mang một nghĩa. Nhưng tôi thích cái từ giao mùa.
Giao mùa, một ý nghĩa nào đó, như thấy trong đó có sự trao đổi, giao hoan, vấn vít. Thời tiết khi đó quấn quít, đan xen. Mưa nắng, nóng lạnh như diễn ra vòng vo, không dứt khoát. Lệch một tí là bên này, chệch một tí là bên kia. Cái không rõ ràng đó cho ta thấy sự bấu víu, dùng dằng. Đó chính là cái mà con người ta dễ cảm nhận với những rắc rối, lòng thòng của sự đỏng đảnh. Đó chính là thời tiết.
Có những kỳ chuyển tiếp của sự giao mùa dễ lay động lòng người. Mỗi người đều có những kỷ niệm đẹp về thời gian, về bốn mùa của năm. Có sự chuyển tiếp mà con người ta mong đến sớm, để rồi mong nó qua nhanh, nghĩa là muốn lẩn tránh. Cũng có những sự chuyển tiếp mà người ta muốn níu kéo,  dùng dằng, không nỡ chia xa. Với tôi, đa phần của cuộc đời, đó là sự chia tay mùa đông để đến với mùa xuân. Khúc giao mùa giữa đông và xuân.
Năm nay đầu mùa đông không lạnh. Cứ nghĩ như vậy là nó phù hợp với sự “nóng lên của trái đất”. Thì cũng nghe vậy, nên nghĩ vậy và viết vậy, chứ đâu có hiểu cái nguyên nhân sâu xa về môi trường toàn cầu, về hiệu ứng nhà kính là gì đâu. Gần đến tháng cuối năm mà vẫn khối anh “phong phanh áo vải, hồn muôn trượng”. Cả nghĩ thấy tiêng tiếc, năm nay không có mùa đông! Mất đi một cái đẹp của xứ Bắc. Mất cái gì thì mất chứ, mất đi cả một mùa thì tiếc lắm!
Chẳng hiểu sao, mình lại cứ nghĩ và tự hào về cái riêng của mùa đông mà phía Nam không có. Cũng như mỗi địa phương, mỗi nơi có một cái riêng để tự hào. Tỉ như: con gái phương Nam đẹp một cách “thời đại” với những bộ cánh mùa hè. Sức trẻ, sôi động, nhạy bén thể hiện ở phong cách ăn mặc phương Nam. Còn nét kiêu kỳ pha một chút kiêu sa, trong cái đẹp lộng lẫy có sự đoan trang, lịch lãm là cách ăn vận trong mùa đông của các bà, các cô phương Bắc. Mình thích cái mùa đông phương Bắc, có một phần là thế.
Nhưng đấy chưa phải là tất cả của sự giao mùa. Nói đến giao mùa là phải nói về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết và cả cỏ cây, chim chóc nữa. Trong đó, sự vấn víu, quấn quít của mùa đông với mùa thu hoặc mùa đông với mùa xuân, theo mình, là cái đáng suy ngẫm.

Khi những chiếc lá vàng rời cành, ta ngậm ngùi thương tiếc bâng quơ vì một sự liên tưởng. Cái mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự dịu dàng, của tình yêu sắp qua.  Nét đẹp của mùa thu để lại khiến lòng người vương vấn, không phải là cái đẹp thanh xuân, tươi trẻ mà đó là cái đẹp của sự chín chắn nhưng nhuần nhị, khiêm nhường. Ta thương mùa thu sắp qua, thương những cánh lá ta đạp dưới chân, bay bay trên phố, thương cái se se lành lạnh và thương cả cái cây đằng kia đang  khô nẻ để trơ ra sự gầy guộc.
Ta nghĩ đến mùa đông sắp tới. Mọi sự sống như bị co rút lại, ẩn mình đi như con sâu cuộn trong cái kén. Ta mường tượng sự im lìm, sự lạnh lẽo, sự trống trải… Mùa đông, mọi con đường như dài hơn, xa vời hơn, thê lương hơn. Vậy là mình không thích cái “khúc giao mùa” của mùa thu với mùa đông. Đang từ cái mơ màng bỗng chuyển sang cái giá buốt. Điêù đó cũng giống như, lảng bảng đâu đó một ý nghĩ, sự chia tay của sự già nua, xế chiều để về với lạnh lẽo, cô quạnh. Nghe hãi hãi, não ruột như về một chuyến đi xa vô định.
Viết đến đây lại nhớ ngày xưa còn bé, được xem bộ phim của Liên Xô nói về hoạt động của một nhà nữ cách mạng. Đoạn kết của bộ phim là cảnh mênh mông tuyết trắng, những vết chân trên tuyết của nhà nữ cách mạng cho thấy còn biết bao là gian nguy và thử thách đang chờ đợi trên những chặng đường tiếp theo, tương lai cũng mờ mịt ảm đạm. Lại nhớ cả Nguyễn Đình Thi, có bài thơ chia tay người yêu trong kháng chiến “Dừng chân trong mưa bay/liếp nhà ai ánh lửa/…chiều mờ gió hút/ nào đồng chí, bắt tay/ em/ bóng nhỏ/ đường lầy*” Đấy, hình như, tất cả mọi chia xa, đều lấy mùa đông để lý giải. Vậy là mùa đông có cái gì đó tượng trưng cho cái buồn, và nhiều khi cái buồn mùa đông là cho tâm hồn con người nó heo hút, rầu rĩ, não nề lắm.
Mùa đông trong tâm trí mỗi con người, cũng luôn mơ về sự đoàn tụ. Đó là nỗi niềm mong mỏi khát khao, nhưng hy vọng lại có vẻ mong manh. Hạnh phúc gì hơn trong lạnh lẽo, có được ngọn lửa sưởi ấm. Ngọn lửa đó chính là mái ấm gia đình, là sự đoàn tụ. Cái giá rét mùa đông làm cho con người muốn được gần gũi nhau, muốn được yêu thương nhau nhiều hơn. Đó là sự chống trả của con người với khắc nghiệt của thiên nhiên.
Mùa đông cũng cho những nỗi nhớ tê tái dầm dề. Tê tái dầm dề như những ngày mưa phùn gió bấc. Nỗi nhớ lặn sâu, đau buốt và dai dẳng không dứt như những cơn mưa. Nhẹ thôi, mỏng mảnh thôi nhưng khắc khoải lắm.
Ấy vậy mà tới lúc giao mùa, mọi sự lại khác. Sự bừng tỉnh như chồi bật trên cây, mắt lá xanh mướt lại đến, nõn nà phô bày, hồi sinh trở lại. Sự thay đổi kỳ diệu khiến ngỡ ngàng, khiến phải nhẹ nhàng, nâng niu. Vẫn còn đấy những sợi mưa li ti, nhưng ta lại gọi đó là những sơi tơ trời. Tơ trời ràng buộc ta với nhau. Những sợi tơ trời đó chỉ đủ làm long lanh những giọt sương. Nhìn những ngọn cỏ ngậm sương, ta mới thấy đất trời thật trong veo. Cảnh tượng đó cho lòng ta thư thái. Đấy là khoảng thời gian giao mùa của mùa đông với mùa xuân. Những tia nắng chiếu vào những hạt sương cho ta nhận biết sự lung linh, kỳ ảo của mùa xuân sắp tới.
Trong khoảng giao mùa giữa đông và xuân, không thể không nhắc đến tiếng chim hót đầu cành. Người thành phố ít được hưởng những phút thảnh thơi khi nghe các loại chim hót ríu ran vào những sớm mai. Nó là một dàn hợp xướng đang ca khúc giao mùa. Người già có thể hình dung đó là tiếng lũ trẻ đanh chạnh choẹ cãi nhau. Tiếng chim hót xua đi tất cả những mệt nhọc và ưu phiền. Tiếng chim hót ngày xuân còn bay bổng hơn, thú vị hơn khi ta nhìn lên bầu trời cao xanh. Lúc đó, ta nhận được từ tâm hồn ta sự thư thái, tự do và cao sang lắm
Nói đến chim lại phải nói đến hoa. Chẳng mùa nào nhiều hoa như mùa xuân. Những gì cao quý, sang trọng nhất đều dồn cho “khúc giao mùa” này. Mùa xuân là mùa hoa. Nhà nhà đều có hoa. Đi chợ hoa để ngắm hoa và để chuẩn bị đón xuân về là một chuyến đi chơi thú vị với nhiều người trong thời điểm này. Ở nơi đây, ta gặp nhiều nụ cười. Nụ cười nào cũng tươi như hoa. Chỉ thi thoảng, chỉ đôi khi, cũng gặp những nụ cười vất vả, âu lo. Những lúc đó, ta cũng trạnh lòng. Nhưng hơn hết thảy vẫn là hoa. Hoa cho ta thấy sức sống mới đang bật dậy. Ước mong sao cuộc đời mỗi chúng ta là những mùa hoa!
Cũng không phải không còn rét. Vẫn còn đó những luồng gió bấc tràn về. Nhưng ta đã cảm nhận được một sự hứng khởi, một khí sắc mới. Cho dù có “tháng ba bà già chết cóng” chăng nữa, ta vẫn thấy hơi ấm của mùa xuân. Cho dù còn rét Nàng Bân. Cái rét Nàng Bân là cái rét hạnh phúc. Chờ đợi, mong mỏi hạnh phúc và cũng muốn được chia sẻ hạnh phúc là bản tính vốn có của con người. Ta gọi những hạt mưa đầu năm kia là những hạt mưa xuân. “Mưa xuân cho cây tốt tươi, búp chen lá trên cành*”. Ta mường tượng những tiếng “ồ” vui vẻ khi mọi người hồ hởi nắm tay nhau, nhìn những vạt nắng vàng rải trên cánh đồng, chan hoà khắp ngõ xóm. Nắng mới lên, đấy là sự giao mùa của mùa đông với mùa xuân. Một mùa xuân mới bắt đầu.
*Thơ Nguyễn Đình Thi và lời một bài hát trong trí nhớ của tác giả.
Vinh Anh
Theo http://trannhuong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...