Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Cảm nhận hai bài thơ bất hủ của Hàn Mặc Tử ''Mùa xuân chín'' và ''Đây thôn Vĩ Dạ”

Cảm nhận hai bài thơ bất hủ của Hàn Mặc Tử 
''Mùa xuân chín'' và ''Đây thôn Vĩ Dạ”
Trong kho tàng thơ của thi sĩ họ Hàn, “Mùa Xuân Chín” và “Đây thôn Vĩ Dạ” là hai thi phẩm bất hủ, xưa nay biết bao cây bút tiếp cận khám phá và mãi mãi vẫn còn nhiều ẩn số trong cảm thức nghệ thuật. Tôi xin mạo muội có đôi lời về hai thi phẩm này.
1. Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió đưa tà áo biếc
Trên giàn thiên lý gió xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Khách xa gặp lại mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Khổ đầu bài thơ là cảnh có hoạ. Có nắng, khói, nhà tranh, tà áo, gió xuân. Nắng ửng: nắng vừa lên đẹp rực rỡ, ngỡ ngàng, đầy sức sống. Khói mơ tan. Khói tan dần như trong mộng. Mái nhà tranh không nhiều, chỉ đôi mái, nhưng nắng xuân lấm tấm, nắng lên rắc từng hạt vàng trên mái.Tà áo biếc, tà áo xanh, tươi mới. Đó là tín hiệu của mùa xuân. Gió đưa tà áo sột soạt. Tà áo động và tác giả cảm nhận được cả âm thanh nhẹ nhàng của gió xuân. Mùa xuân đang đến trong hiện thực và trong cảm nhận, trong hồn người. Giàn thiên lý gió xuân sang. Mùa đông lụi tàn, héo hon đã khuất và xuân tươi mới đã lan toả nhẹ nhàng vào không gian chờ đợi.
Hàn Mạc Tử chỉ tả bằng những nét chấm phá. Mùa xuân mới phôi thai, bắt đầu, chưa hoàn thiện, có gì mơ hồ, ảo mộng. Cái thực và cái hư xâm nhập, đan cài nhau thật mông lung, mơ màng. Thời gian đang đi, đang đến. Không gian đang mở dần theo giác quan thi nhân và chiếu dọi vào hồn thơ bằng cảm giác tinh tế. Mùa xuân đã và đang về trong tri cảm.
Nếu khổ một, nhà thơ tả không khí mùa xuân ở gần thì khổ hai, khổ ba không gian lại mở ra tầm vũ trụ. Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. Nguyễn Du từng viết: Cỏ non xanh tận chân trời. Hai câu thơ đều tả cỏ xuân. Không gian trong hai câu thơ mở rộng dần từ gần đến xa rồi vô tận. Không gian vũ trụ. Cỏ xanh vô tận. Mùa xuân trải ra mênh mông, ngút ngát. Nhưng cỏ trong Hàn là cỏ động. Cỏ có sóng. Sóng nhẹ, mơn man đuổi nhau đi mãi tới vô cùng. Mùa xuân đến hào phóng, vô tư, vẫy chào, mời gọi. Nó gõ vào trái tim đa cảm, đa tình của thi nhân từng nhịp bồi hồi, xao xuyến.
Xuân mở ra đưới ngòi bút với một cảm nhận đột ngột:
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thẫm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Thiên nhiên phải có con người. Con người ở đây thật tươi trẻ, ứ đầy xuân màu nhiệm. Xuân của tuổi đang yêu, tuổi con gái dậy thì mơn mởn.Tiếng hát vang về từ xa (Phía trên đồi), không phải của một cô thôn nữ mà là bao cô.Con số nhiều, không đếm đo được. Cả một giàn đồng ca của mùa xuân dậy thì cất lên, vang vọng và tạo cảm giác xao xuyến, rạo rực, thôi thúc, cuốn hút. Hình như thi nhân bị hút hồn về phía ấy nên từ xa vẫn nghe ra được cái hổn hển, thầm thĩ đầy ý vị với cái thơ ngây, vô tư, hồn nhiên của tuổi trẻ.Thi sĩ bâng khuâng, bồn chồn, tiếc nuối: Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi! Xuân sẽ trôi đi mất, lấy gì níu kéo lại, ghì nó lại.Hàn gặp Xuân Diệu trong cái ham sống quá đến nỗi sợ hãi quy luật nghiệt ngã của tự nhiên: Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua ( XD).
Xuân đã đến độ chín. Chín trong cảnh sắc chín dần vào trong hồn người.
Khổ kết bài thơ, thi sĩ chuyển đột ngột:
Khách xa gặp lại mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Mùa xuân trở về với thi sĩ.Thời gian không còn nhìn ra phía trước nữa mà quay đầu lại phía sau. Mộng đang về với thực, về với chị ấy…Chị ấy thôi, không cụ thể hình hài, chỉ ước lệ nhưng gợi được thời gian và không gian đang vận hành khắc nghiệt. Thi nhân hỏi ai? Hỏi mình hay hỏi người? Cần chi biết.Hình ảnh dọc bờ sông trắng, nắng chang chang chạm khắc vào lòng người đọc.Trục thời gian hiện hữu báo hiệu cái sẽ mất đi của mùa xuân đã chín. Xuân sẽ chuyển dịch về đến đích cuối cùng là cái hư vô. Trong lòng thi nhân chỉ còn nuối tiếc, bùi ngùi, trống vắng, ngẩn ngơ. Xuân hào phóng đến độ chín, độ dư thừa rồi cũng lìa bỏ ta. Vì thế từng phút, từng giây của xuân, ta phải biết nâng niu, trân trọng, giữ gìn.
Bài thơ đi từ gần đến xa rồi lại trở về trong tâm thức, và cảm nhận cái mùa xuân chín. Dòng chảy trong cảm thức thi sĩ được Hàn phủ lên trên ý thơ và ngầm trong mạch thơ tạo ra tứ thơ độc đáo có một không hai khi viết về mùa xuân. Mùa xuân chín.
2. Đây thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?

Ông Quách Tấn trong hồi ký cho hay: Tử có mối tình với Hoàng thị Kim Cúc. Tháng 9 năm 1936, Tử đem tập Gái quê về để tặng Kim Cúc thì trước đó một tháng, Cúc đã theo gia đình vào Huế. Tử bị bênh, Cúc có tặng Tử tấm ảnh chụp cô lái đò đương chống chiếc đò không, bên cạnh khóm trúc trên dòng Hương chiều sương nhạt. Tử ra chơi Vĩ Dạ, cảm động làm bài thơ này. Bích Khê đã từng viết:
Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn,
Biếc xanh cầu trúc không buồn mà say.

Thôn vĩ Dạ bên bờ sông Hương nổi tiếng thơ mộng, hoa quả bốn mùa.Sông nước, mây trời, vườn tược hoà quyện vào nhau đã là nơi cho các thi nhân tìm thi hứng.Huống chi nơi đây lại có những bông hồng tha thướt, e ấp, thấp thoáng bóng hình ẩn hiện.Vĩ Dạ là vùng thẩm mỹ của thi ca.Thi sĩ đa tình họ Hàn vì Hoàng Cúc mà để lại Vĩ Dạ thôn bài thơ bất hủ.
Đây là bức tranh thuỷ mặc bằng thơ. Là sự giao thoa giữa đất và trời; sự mông lung huyền ảo giữa ánh trăng và sự trong sáng tinh khiết của ánh sáng; giữa mây gió theo lối đi tan hợp; giữa nhân ảnh và khói sương.Trong cái mê cung của cảnh trí, thi sĩ đặt anh và em vào để rồi tìm ra cái chân lý hữu hạn trong cái vô cùng của tạo hoá.
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi:
Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?
Ai hỏi ai? Người đẹp hỏi thi sĩ hay thi sĩ tự hỏi mình?Ai biết được! Sự trách móc nhẹ nhàng ấy lại là sự rủ rê tế nhị. Về mà nhìn nắng, nhìn cây, nhìn lá trúc…Hồn thi nhân háo hức mở toang ngôi nhà cô đơn để đến với chân trời mộng mị.
Nắng hàng cau, nắng mới lên: Hàng cau gợi cảnh làng quê truyền thống văn hoá thuần Việt.Nắng mới lên: Nắng tinh sạch, tươi mới, ấm áp.
Vườn xanh như ngọc. Màu xanh tươi non có cái lóng lánh phản chiếu ánh sáng mặt trời vừa đẹp vừa gợi cảm, cuốn hút
Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền, nét đẹp chân quê bình dị mời gọi. Thời gian như lát cắt, nhưng không gian rộng mở dần theo cảm xúc.Hàn Mặc Tử tả thiên nhiên mà như tự trong lòng mình mở ra cùng cảnh vật. Nhà thơ muốn hoà cùng, tan biến vào trong thiên nhiên để tận hưởng cái trong trẻo tinh khiết của đất trời thôn Vĩ. Vĩ Dạ thôn và người đẹp, cả hai đang mời gọi tâm hồn tươi trẻ, háo hức về thăm.
Bài thơ tức cảnh sinh tình, mượn cảnh ngụ tình.Hàn Mạc Tử chưa thoát ra khỏi hệ quy chiếu thơ cổ Phương Đông, nhưng cách nhìn của ông có nét đặc biệt.
Gió theo lối gió, mây đường mây.
Gió thường đi với mây. Gió thổi mây bay. Hình ảnh mây gió trong thơ phương Đông thường mang hàm nghĩa ước lệ nói sự đổi thay, tan hợp. Câu thơ đa nghĩa. Gió đã đi theo lối của nó rồi. Mây cũng tìm đường ly biệt. Sự chia lìa tự nhiên. Gió mây cũng như anh và em. Gặp nhau rồi lại mỗi người một nẻo. Buồn trong tâm trạng nên thi sĩ nhìn giòng nước cũng buồn thiu. Dòng sông hình như tĩnh.Hoa bắp lay động nhẹ nhàng. Cảnh như tương phản nhưng thật hài hoà, gợi không khí man mác, bâng khuâng, vời vợi. Trăng trong lòng thi nhân tràn trên bến, trùm cả lên con đò trăng huyền ảo, mộng mị. Thuyền ai? bâng quơ hỏi thế nhưng lòng thi sĩ hân hoan, háo hức muốn theo thuyền chở trăng về bến hẹn.Về kịp tối nay, đừng để trăng nhạt đi, tan đi, mất đi. Đất trời lộng lẫy, lòng hoan hỷ và hy vọng. Gió mây dù có chia xa muôn nẻo sẽ có ngày tụ hội. Cái mất, cái được, cái có, cái không, cái đợi, cái chờ… là tâm trạng chớm vị yêu của chàng trai trẻ. Khổ thơ như có hoạ, bức tranh màu tâm trạng.
Khổ thứ 3, cái thực và cái mộng đan cài nhau.Huế mộng mơ vì sương khói phủ. Nhìn càng xa, càng mờ nhân ảnh. Áo em trắng quá! Một lời khen thầm hay là trách móc? Con mắt dõi nhìn như đang nheo lại cố hút cho được hình em về trong tâm cảm.Màu áo trinh nữ chìm vào sương khói mà nuối tiếc, nhung nhớ, bâng khuâng. Hình em nhạt nhoà, ẩn hiện như mơ, như thực.
Ai biết tình em có đậm đà? Câu kết bài thơ là câu hỏi. Nhà thơ bước ra từ mộng để về với cõi thực. Cô gái Vĩ Dạ kín đáo, hư ảo, xa xôi, vời vợi, kiêu sa quá biết có đậm đà không hay chỉ như là sương khói. Thi sĩ hoài nghi nhưng không tuyệt vọng.
Không gian mộng mỵ hồn người khép bài thơ lại. Thơ Hàn, thơ trữ tình hướng nội. Thơ Hàn không dựa vào ý mà lấy tình làm điểm tựa cho cảm xúc và cấu tứ.Bạch Cư Dị nói: Thơ tình là gốc, ý là ngọn, lời là hoa, nghĩa là quả. Đó cũng là nét đặc trưng trong phép cấu tứ loại thơ tức cảnh sinh tình.
Tình cảnh trong thơ thường gắn vào một địa danh cụ thể.Địa danh ấy không chỉ có cái tên và vẻ đẹp như Thôn Vĩ mà nó còn ôm nét đẹp văn hoá cả một vùng mà nó là đại diện. Thôn Vĩ là văn hoá Huế, nó tồn tại như nó vốn có. Nhưng thơ Hàn Mặc Tử đã chắp cánh thêm, làm cho thôn Vĩ trở thành địa danh nổi tiếng trong thi ca.
NGUYỄN LÂM CẨN
Theo http://nguyenlamcan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...