Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Chùm tản văn Phùng Hoàng Anh

Chùm tản văn Phùng Hoàng Anh
Bức tranh của chú hải cẩu!
Tặng con gái Phương Khanh    
Hè năm nay sẽ là một kỉ niệm đẹp trong kí ức tuổi thơ của con gái tôi.Lần đầu tiên con gái tôi được nhìn thấy biển trời Hạ Long mênh mông tít tắp.Biển xa lạ đối với tuổi thơ của con.Nó xa xôi như chuyện cổ tích,thật kì bí.Đến Hạ Long con chỉ thấy đá và nước nối đuôi nhau chạy dài tít tắp tới tận chân trời xa thẳm.
Ngày đầu tới biển,buổi sáng con được ngắm mặt trời mọc lúc ban mai và trông mặt trời lặn lúc hoàng hôn.Tuổi thơ hồn nhiên,con hỏi cha: - Cha ơi! Sao ông mặt trời lại nhô lên từ mặt biển vào buổi sáng và cũng lặn sâu vào lòng biển lúc hoàng hôn?
Cha đọc con nghe câu thơ của ông Huy Cận:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa…

Và thế là con nheo nheo đôi mắt ra vẻ ngẫm nghĩ và miên man trong  suy tưởng về thiên nhiên,về vũ trụ rộng lớn và bao la. Ở quê, con chỉ cảm nhận được bầu trời cao và rộng  có ông trăng, ông sao hiện lên trong những đêm hè con ra sân hóng mát cùng cha. Còn đất trời Hạ Long thì khác hẳn,ồn ào và tấp nập, nhộn nhịp và hối hả.Cả cha và con cùng hòa mình vào thiên nhiên, vào sóng biển, mặc cho sóng to sóng nhỏ đùa rỡn. Con đằm mình trên bãi cát mịn màng và trải rộng ven biển. Lần đầu tiên con tắm mình trong nước biển mặn nồng vị muối. Từng đợt sóng nô rỡn con làm con hoảng sợ. Nhưng chính những đợt sóng ấy lại tiếp thêm lòng dũng cảm cho con. Con sẽ bơi và cưỡi lên những đợt sóng trong cuộc sống mai này. Con sẽ vượt lên những đợt sóng lớn của biển cả bao la.
Đêm xuống, biển trời Hạ Long hiện lên lung linh huyền ảo trong ánh trăng thượng tuần,và ánh điện đêm hòa trộn muôn màu muôn sắc, xanh, đỏ, tím, vàng. Cha và con hòa mình vào dòng người đông như kiến để vào xem chương trình biểu diễn của các chú cá voi, hải cẩu và sư tử biển ở sân khấu nước ngoài trời. Nơi đây đã diễn ra các cuộc thi  hoa hậu, tại đây các cô gái thi thố tài năng và phô diễn sắc đẹp để rồi đoạt vương miện hoa khôi. Còn con gái tôi, con cũng có một niềm vui nho nhỏ sau đêm xem các chú cá voi, hải cẩu và sư tử biển biểu diễn kết thúc. Con tôi đã  là chủ nhân của bức tranh do chú hải cẩu biển vẽ.
Sau màn trình diễn ấn tượng của hai chú cá voi,sư tử biển là chú hải cẩu tung mình đấm bóng trên không ngoạn mục, rồi chú ngậm miệng một chiếc bút lông và màu vẽ đã được chuẩn bị sẵn, chú vẽ lên bức giấy trắng chuẩn bị trên giá vẽ, chú vẽ hình trái núi với những nét uốn lượn lên xuống bằng ba màu mực khác nhau, xanh, đỏ, vàng. Bức tranh do chú hải cẩu vẽ xong. Cả biển người vỗ tay hò reo tán thưởng cho tiết mục đặc biệt này. Cuối cùng nhất của đêm biểu diễn là đấu giá bức tranh do chú sư tử vẽ.Giá khởi điểm của bức tranh là 100.000 VNĐ.
Người dẫn chương trình hô to:
- Lần đấu giá thứ nhất của bức tranh là 100.000 VNĐ.
Cả khán đài sôi lên ,có ai đó trả giá: 150.000 VNĐ
Tôi trả: 200.000 VNĐ cho bức tranh do chú hải cẩu biển vẽ.
- Lần đấu giá thứ hai:
Khán đài lại nhao nhao lên trả giá: 210.000 VNĐ.
Tôi lại trả tăng giá: 250.000 VNĐ.
- Lần đấu giá thứ ba:
Đến đây MC của ban tổ chức bắt đầu chốt giá và hô: 250.000 VNĐ Lần thứ nhất, Cả khán đài im lặng,không ai trả giá cao hơn.
Người dẫn chương trình lại hô tiếp: 250.000 VNĐ Lần thứ hai, Cả khán đài  vẫn im lặng,không ai trả giá cao hơn.
Và đến lần thứ ba, người dẫn chương trình lại hô tiếp:  250.000 VNĐ Lần thứ ba, lần này khán đài im lặng, và chờ đợi xem ai là chủ nhân của bức tranh, không ai trả giá cao hơn. Cuối cùng tôi là người thắng cuộc trong đêm đấu giá bức tranh hôm ấy.
Chàng MC đã thuyết minh bức tranh này do chú hải cẩu vẽ theo trường phái trừu tượng đã thuộc về anh Hoàng Anh với mức chốt giá đỉnh là 250.000 VNĐ, tên tôi được xướng lên trong khán đài, bức tranh đã tìm được chủ sở hữu.Tôi bước lên nhân bức tranh từ tay anh MC, với bao ánh mắt dõi theo.Một tên hâm đã thắng trong cuộc đấu giá,đó là tôi. Mặc cho những lời bàn tán khen chê, có người tò mò xúm đến đòi xem bức tranh.

Và thế là con gái tôi tỏ vẻ tự hào và kiêu hãnh khi mang trên tay mình bức tranh do chú hải cẩu biển vẽ, mà những đứa trẻ khác không bao giờ được sở hữu.
Hai mươi mốt giờ đêm, chương trình biểu diễn kết thúc.Mọi người rời khán đài ra về. Họ thi nhau chen lại gần chủ nhân của bức tranh có một không hai này để xem nó như thế nào cho thỏa chí hiếu kỳ. Được thể ,con gái tôi lại càng kiêu hãnh khi mình được sở hữu bức tranh đó,tự hào và mãn nguyện.
Đương lúc  con tôi cao hứng,tôi hỏi: con có thích không?
 Con tôi đáp: _  Phương Khanh rất thích cha ạ !
Trông nét mặt trẻ thơ rạng rỡ một nụ cười hồn nhiên và mãn nguyện,tôi cũng vui lây.Một cảm xúc dâng trào khó tả khi con tôi tỏ ra thích thú bức tranh ấy.
Rời sân khấu để ra xe về nhà nghỉ,các bác cùng đoàn xúm vào mà đùa bé:
- Nhất Phương Khanh nhé! Có riêng bức tranh do chú hải cẩu vẽ! Đẹp thật!
Con tôi sung sướng nhân lên gấp bội.Cả đêm hôm ấy,trở về phòng ngủ, con tôi thấp thỏm không ngủ được vì thích quá.
Tôi nghĩ rằng ,con tôi sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc hiếm hoi này của tuổi thơ.Bức tranh ấy giờ tôi treo trang trọng  bên cạnh góc học tập của con như một kỉ vật nhỏ ghi dấu thời gian một kỳ nghỉ hè đã qua!
Viết trong đêm mưa! Mùa Thu năm Canh Dần
Tình mẹ vẫn vẹn nguyên trong trái tim con
Năm nào cũng vậy, khi học sinh được nghỉ hè lúc ấy chúng tôi mới có dịp về quê thăm cha mẹ,vì cả hai vợ chồng tôi cùng làm nghề dạy học. Nơi ở không cách xa cha mẹ nhiều lắm về khoảng cách nhưng mỗi lần về quê, vợ chồng tôi lại lục tục chuẩn bị đồ đạc cho chuyến về quê ít nhất là khoảng thời gian độ hai ba ngày. Bởi thế mà một năm tổng thời gian chúng tôi có mặt ở quê dồn lại cũng chỉ độ hai tháng là nhiều, đó là những ngày chủ nhật, ngày nghỉ, ngày hội làng, ngày giỗ họ, và dài hơn là mấy ngày Tết, cả vợ con và các em tôi tụ họp ở gia đình.
    Cha mẹ tôi sinh ra được bốn anh em,hai cô em gái đã lấy chồng có con,mỗi cô ở một nơi.Mẹ tôi muốn thăm con cháu phải đi ô tô một ngày đường.Tôi là cả ,đã lấy vợ và sinh con, thời gian mẹ tôi lên ở với chúng tôi cũng chỉ được độ hai tháng tổng thời gian những lần lên chơi là nhiều.
    Khoảng thời gian còn lại,cả cha và mẹ gắn bó  với làng quê,gia đình ,làng xóm họ tộc trên mảnh đất gần 500 mét vuông của tổ tiên nhiều đời để lại.Ngày ngày mẹ vui thú bên ruộng đồng,vườn tược ,con gà con qué.Nhiều lần tôi muốn đón mẹ lên ở với chúng tôi nhưng mẹ không muốn đến nơi phố xá,ở chỗ ấy người ta đóng cửa,,đóng cổng suốt ngày ,chẳng ai chơi nhà ai.Vả lại vợ chồng tôi đi làm suốt ngày,cháu lại ở lớp bán trú.Mẹ ở nhà một mình buồn và không quen.Mẹ  ở quê, đi ra khỏi nhà là gặp người thân.Quan hệ chằng chịt,xưng hô đủ các thứ bậc,cuộc sống nơi ấy phù hợp với mẹ hơn,người ta sống có tình hơn.
   Tôi ra trường, nhận công tác xa nhà chừng ba mươi cây số,rồi gặp bạn trăm năm kết duyên vợ chồng,tiện đâu ở đó luôn.Vậy là tôi lập nghiệp xa quê.Mẹ tôi đã nhiều lần nói: - Con sống xa quê,theo quan niệm ngày xưa người ta thường nói là thằng bỏ làng!Ôi ! thằng bỏ làng nghĩa là con có tội với làng.Và tất cả những ai xa làng họ đều có chung tâm trạng như thế ư!Tôi nghĩ vậy nhưng không đáp lại câu nói ý của mẹ.Mẹ tôi cứ kể cho tôi nghe mỗi lần về quê: - Nhà ông trưởng họ tốt phúc,một mái ấm “tứ đại đồng đường”,có ông có cháu,có cha có con cùng ăn ở một nhà.Còn nhà ta,mỗi đứa mỗi nơi,chỉ có cha và mẹ ở quê!Mẹ tôi dừng lời,tôi chợt buồn bởi lẽ cha mẹ đã đến tuổi già,những lúc ốm đau bệnh tật lấy ai chăm chút bên cạnh.

Và lời cảnh báo từ mẹ không phải là không có lý. Mùa này năm ấy là năm Mậu Dần, tôi đã học xong, ra trường công tác được một năm thì mẹ tôi đột ngột phải nhập viện. Các em tôi khi đó còn nhỏ, đứa học trường huyện, đứa học trường làng. Tôi là cả nhất lại vắng nhà,nhận được điện thoại báo tôi tức tốc phi xe về nhà,người nhà bảo: - Các chú đã đưa mẹ cháu vào viện. Lúc ấy chiều gần tối,nắng đã tắt ,trời cuối thu se lạnh.Khói lam chiều bay bảng lảng trên những mái bếp của làng quê. Tôi chỉ kịp dặn dò các em dăm câu rồi lại tức tốc phi ngay xuống bệnh viện Thị xã.
   Đèn đường đã sáng,bụng đói chưa ăn cơm,nhưng lo tính mạng của mẹ quan trọng hơn cả nên tôi quên hết cả đói và đường xa…Đến cổng viện, người ta bắt đầu đi ăn đêm. Tôi tìm vào phòng mẹ nằm cấp cứu thì cũng vừa lúc ấy mẹ tỉnh lại. Tôi lên tiếng chào mẹ nhưng trong khóe mắt rưng rưng lệ. Mẹ không biết tôi khóc. Nuôi con khôn lớn nhưng lúc nguy hiểm nhất của cuộc đời thì con lại vắng mặt. Thấy tôi xuất hiện, mẹ mừng lắm,mẹ nói: - Cu mới xuống đấy à? (Mẹ vẫn thường gọi tôi là Cu để phân biệt với hai em gái ).Tôi đáp nhẹ: - Vâng ạ! Từ đêm hôm ấy, tôi luôn ở bên mẹ. Ngày vào trường dạy học,tan trường lại có mặt ở viện chăm mẹ. Hơn mười ngày,mẹ tôi được suất viện vì vết mổ đã lành.Những ngày tháng mới ở viện về mẹ còn yếu.Tôi thường hay đi về an ủi,chăm sóc mẹ.
      Mấy năm sau sức khỏe của mẹ dần dần được hồi phục.Tôi như vừa đi qua một trận cuồng phong ,lo âu và sợ hãi.Nuôi con trưởng thành,lo cho con yên bề gia thất đó như là nghĩa vụ của cha mẹ theo quan niệm từ trước tới nay. Em gái tôi lên xe hoa về nhà chồng là việc khởi đầu của cha mẹ tôi. Ngày em tôi về nhà chồng ,xe hoa đi qua Hà Nội,người vào sân Mỹ Đình chật như nêm , họ chuẩn bị xem trận chung kết có đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam, SEGEM 22.Sau đám cưới của em gái tôi,cha mẹ lại lo cưới cho tôi một người vợ hiền , dâu thảo.Năm sau,cha mẹ tôi đón tin mừng,cả hai con đều sinh cháu.Vậy là cha mẹ lên chức ông bà. Như các cụ đã từng nói:
- Có con rồi mới có cha/Có cháu trong nhà rồi mới lên ông.
    Mùa xuân Ất Dậu,cả cha và mẹ đều lên chức ông , bà vì đã có hai cháu,một cháu nội và một cháu ngoại.Cha mẹ đón xuân trong niềm vui phấn khởi.
Qua tết Đinh Hợi cô em gái út lên xe hoa về chồng ,vậy là  cha mẹ đã thở phào nhẹ nhõm.Trong nhà  đã xử lý được hai quả bom nổ chậm! Sang xuân Kỷ Sửu, ngày 3.2.2009 mẹ đón đứa cháu thứ ba chào đời, và là đứa cháu ngoại thứ hai được bà bồng bế, yêu thương. Tuy vậy, mẹ vẫn chưa hết lo bởi còn chú em tôi chưa có tổ ấm. Mẹ lo lắm. Bởi em tôi đã quá tuổi “băm” rồi mà vẫn chưa chịu lấy vợ nhưng do điều kiện công tác nay đây mai đó.Lúc ở thủy điện Tuyên Quang,lúc lại lên thủy điện Sơn La…
Cuộc đời mẹ thật giản dị ,sinh ra và lớn lên bên dòng sông Tích thơ mộng, con sông được khởi nguồn từ dãy núi Tản Viên linh thiêng, quê hương của ngài Tiến sỹ họ Phùng- Phùng Thế Triết, ông Tiến sỹ này là bạn với ông Thám hoa họ Giang làng Mông Phụ xã Đường Lâm – Sơn Tây.Làng Thanh Lũng xã Tiên Phong huyện Ba Vì nơi xưa kia cụ Phan Kế Toại và gia đình có một thời gian gắn bó với mảnh đất này.Đó là những kí ức tuổi thơ của tôi được nghe mẹ kể về lịch sử vùng đất,nơi mẹ sinh ra.Mẹ có mặt trên cõi đời này thật ngắn ngủi,chào đời năm Quý Tỵ ( 1953 ),ra đi vào ngày 30 Tết Xuân Canh Dần ( 2010) Mọi người mọi nhà được sum họp vui vẻ,còn anh em chúng con lại phải vấn lên đầu chiếc khăn tang trở mẹ trong suốt mấy ngày tết.Không khí gia đình ta thật sầu  thảm!Ôi! Kiếp đời phù du.Mẹ ơi! Tài sản lớn nhất của mẹ để lại trên cõi đời này là bốn đứa con ngoan hiền, dù chỉ làm được những việc nhỏ nhưng hữu ích cho xã hội. Mẹ ơi! Chúng con tự hào về mẹ,tài sản của mẹ để lại cho chúng con là những bài học sống cho ra người!.
Phùng Hoàng Anh
Ký ức Phương Khê
Tôi muốn mượn những vần thơ trong bài thơ Sông Lấp của nhà thơ – tú tài Trần Tế Xương để bàn về sự đổi thay của làng quê Việt Nam nói chung và làng Phương Khê, quê tôi nói riêng:
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

Sự đổi thay của làng quê theo thời gian là quy luật tất yếu của vận động tự nhiên.Từ thiên nhiên đến sự vật, con người luôn luôn vận động theo vòng quay của thời gian một đi không trở lại. Bởi vậy mà khi người ta có tuổi, họ chợt giật mình mà nhớ về những quá khứ của tuổi thơ. Nơi ta sinh ra góc phố, đầu làng. Từ cậu bé thưở nào mới oe oe cất tiếng khóc chào đời nay đã trở thành những cử nhân, bác sỹ, kỹ sư…làm chức nọ, chức kia. Bỏ cái tổ ấm thưở nào ta được sinh ra, rồi trưởng thành, đủ lông đủ cánh mà bay đi khắp mọi phương trời nước Việt, trong Nam ngoài Bắc và cả năm châu, bốn biển.
Và rồi, họ lại nhớ về quê hương bản quán, nơi ấy cha ông họ, tổ tiên họ sinh cơ lập nghiệp, sinh ra ở đất ấy và ra đi cũng từ đất ấy. Bởi thế mà những năm gần đây, việc họp họ, xây dựng từ đường, nhà thờ họ, đình, chùa, cổng làng lại được con em của quê hương làm ăn ở xứ người quan tâm góp công, góp của để xây mới nâng cấp những công trình mang tính chất cộng đồng làng xã, họ tộc ấy. Vì vậy mà bộ mặt nông thôn, làng quê ở những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI được đổi thay rõ rệt.
Làng tôi – thôn Phương Khê, một làng ven đồng bằng sông Hồng của nước Việt đã được học giả Nguyễn Hiến Lê kể lại rất tỉ mỉ trong cuốn Hồi kí của mình về những ấn tượng, những kỉ niệm tuổi thơ của ông đã sống ở thế kỉ XX đã qua. Nào là ngôi đình cổ có tấm hoành phi của cụ Đỗ Uẩn làm quan Phó sứ công đức vào đình làng hiện còn treo ở gian giữa ngôi đình, vì cụ là rể của làng. Cụ Đỗ Uẩn là anh rể ông nội của học giả Nguyễn Hiến Lê. Rồi chuyện về ông đồ Đặng Trần Thường lúc còn hàn vi, ông đã ngao du sơn thủy tới làng Phương Khê được cụ tổ đời thứ 5 của học giả họ Nguyễn làm tiệc rượu mời cụ Đặng, rồi xin cụ cắm hướng nhà cho. Cụ Đặng nhận lời và cắm hướng cho ngôi nhà thờ sau này. Theo như lời truyền thì: “Đống mối bên hông nhà thờ mà thầy phong thủy gọi là Kim tinh, phát về văn học”. Điều đó đúng hay sai không ai dám khẳng định, chỉ biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê, nhờ sự dạy dỗ của người cha, và bác Hai của mình về Hán học, để rồi từ một công chức ngành Thủy lợi, ông chuyển sang dạy học và viết văn. Ông đã sống và làm việc từ năm 1935 cho đến ngày cuối đời 1984, tại miền Nam nước Việt, nhưng tấm lòng không nguôi nhớ về đất Bắc. Trong hồi kí của ông có nhiều đoạn tả về quê hương, những địa danh như Ngã Ba Hạc ở Cổ Đô, bến đò Vân Sa, thăm Đền Hùng, những lần đi chơi chợ Dốc, chợ Mơ…Nơi ông đã từng đặt chân tới từ những ngày còn thơ ấu. Văn chỉ của làng thờ đức thánh Khổng Tử, nơi ông đã từng nằm đọc sách hóng mát những trưa hè tuổi thơ. Tất cả, tất cả đã mất dần theo thời gian, do tạo hóa và con người vô tình đã phá hủy. Để đến hôm nay, tôi về làng mê mải đi tìm những dấu tích thưở xưa còn sót lại ít nhiều. Cụ Lê đã mất từ lâu, phần mộ của cụ nằm ở chùa Phước Ân, miền Nam đất Việt, còn người cha của cụ nằm yên nghỉ tại nghĩa trang của làng Phương Khê từ những năm 1920 của thế kỉ trước, hai cha con mỗi người mỗi ngả, cha ở miền Bắc, con ở miền Nam, xa cách nghìn trùng. Bởi thế, mà cô cháu gái gọi cụ Lê là bác đã vượt qua hàng nghìn cây số từ Cần Thơ để về Bắc tìm lại quê hương, bản quán lúc tuổi đã xế chiều. Bà Nguyễn Thị Hạnh sinh năm 1946, con gái duy nhất của ông Nguyễn Hữu Hùng – em trai học giả Nguyễn Hiến Lê, còn ở Việt Nam. Vì con trai duy nhất của học giả Nguyễn Hiến Lê là ông Nguyễn Nhật Đức sống ở bên Pháp từ lâu chưa về. Thế mới biết quê hương là chùm khế ngọt…để cho những người xa xứ thổn thức không nguôi nhớ về đất Mẹ.
Làng tôi… không nổi tiếng như làng Cổ Đô, bởi Cổ Đô có tới hai ông Thượng Thư: Nguyễn Sư Mạnh và Nguyễn Bá Lân hay làng Mai Trai xã Vạn Thắng liền vách với làng tôi có Tham Tụng Lê Anh Tuấn làm quan dưới triều chúa Trịnh Cương, làng Phong Châu xã Phú Châu có hai ông Tiến sỹ Trần Thế Vinh và Phan Nhuệ. Tất cả các vị ấy đều có tên ở bia tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Còn làng Phương Khê trải suốt các kỳ thi Hương, Hội, Đình của nhà nước phong kiến chỉ có hai cụ đỗ trung khoa, đó là cụ Phùng Đức Long đỗ Hương cống đời Lê, được kiệu võng vua ban kèm sắc phong (bổ nhiệm) làm quan Tri huyện huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ ngày nay, và ông nội của học giả Nguyễn Hiến Lê đỗ Tú tài, không thi tiếp mà ở nhà dạy học trong tổng Phú Xuyên phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội).
Các công trình văn hóa cổ như đình, chùa, miếu mạo của làng tôi cũng không đồ sộ như các làng khác bởi làng tôi ít dân (nay khoảng 2500 nhân khẩu), các nhà thờ họ cũng khiêm tốn bởi các dòng họ không có ai làm quan to. Hầu hết là huy động tiền của và công sức của người dân trong làng và con em xa quê đóng góp. Mấy năm vừa rồi, làng tôi đã dựng chùa mới,vì chùa cũ đã phá hủy từ lâu. Duy chỉ còn ngôi đình cổ và mấy nhà thờ họ là còn cho tới ngày nay. Các họ tộc đã đóng góp sửa sang, nâng cấp nhà thờ tổ, to đẹp hơn. Đường làng ngõ xóm xưa kia chỉ là đường đất thì nay nhân dân đóng góp đã được đổ bê tông sạch sẽ. Nhà cao tầng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa,bộ mặt quê tôi thay đổi nhiều.
Làng tôi… có hai chiếc sân kho thời hợp tác xã rộng như sân Mỹ Đình – Hà Nội ngày nay, ở đó người ta thu lượm lúa má của cả xã về đó mà tuốt thành hạt,rồi hong phơi ,rồi cho vào kho dự trữ. Sau khoán 10, sân kho là nơi tụ họp các sinh hoạt cộng đồng làng xã. Những đêm xem hát chèo, cải lương của các đoàn nghệ thuật về biểu diễn, tôi rất mê giọng hát của các nghệ sỹ, diễn viên mỗi khi vào vai các nhân vật của vở diễn như: Thầy đồ và tên tướng cướp – một vở kịch đến giờ tôi vẫn còn nhớ…Tôi còn nhớ những ngày Quốc khánh của dân tộc, họ lại cho thịt những con trâu già thải loại không còn sức kéo phục vụ sản xuất. Cảnh đánh bắt cá ở ao cá Bác Hồ về xẻ thịt chia phần, những con cá nặng vài chục cân, chia cho nhiều hộ gia đình. Mỗi gia đình đều được chia phần mang về liên hoan. Ấn tượng nhất tuổi thơ tôi là được theo ông nội vào vườn cây các cụ, hái những quả vải chín to bằng cái chén hoa hồng thủa trước, cùi dày và mọng nước, ngon ngọt như vải tiến vua thủa xưa. Những đêm rằm Trung thu, cả xã có hơn chục chiếc kiệu hoa được các nghệ nhân nghiệp dư của làng kết bằng đèn hoa kỳ (loại đèn thắp bằng dầu hỏa, ngày nay vẫn còn một số gia đình sử dụng), được các anh chị đoàn viên lớp trên khiêng đi dạo vài vòng trên con đê sông Hồng mùa nước, soi bóng xuống mặt nước, ánh trăng hòa với ánh đèn hiện lên lung linh huyền ảo. Đám trẻ chúng tôi theo sau kiệu thành hai hàng mà hát vang bài hát: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…Rước đèn ông sao…Cho đến lúc trăng soi trên đỉnh đầu, lúc bấy giờ ban tổ chức chấm và công bố kết quả Kiệu nào đạt giải Nhất, Nhì, Ba…Chúng tôi cũng hồi hộp lắm, chờ xem kiệu của mình được chấm giải gì không, sau đó là cảnh rước kiệu tập kết về sân kho phá cỗ Trung Thu cùng chú Cuội và chị Hằng…
Làng tôi… còn có cả trại chăn nuôi lợn, trâu bò, lò gạch, lò ngói, lò lung vôi, lò thuốc lá từ những năm 1965 của thế kỷ XX, bởi xã tôi là một trong số những xã điển hình của miền Bắc lúc bấy giờ. Bà chủ tịch, sau này là Bí thư Đảng ủy xã, là cháu gái của họ chúng tôi nhiều lần được về thủ đô dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Năm 2005 người dân xã tôi cũng vui mừng phấn khởi được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lựng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Làng tôi …ngày nay đã đổi thay rất nhiều,những địa danh tôi vừa kể trên nay đã thay hình đổi dạng. Ao của trường học ngày xưa nay là chợ xã mọc lên với quán xá sầm uất, tấp nập kẻ mua người bán tứ xứ đổ về. Bến xe chạy về Hà Nội, Hà Đông ngày dăm ba chuyến…Tiếng còi xe rú báo khách làm huyên náo cả một làng quê vốn yên tĩnh bao năm. Trường Trung học cơ sở nay được xây dựng trên nền sân kho hợp tác xã thủa nào, nó đã xóa đi dấu vết một thời đã qua, giờ đây chỉ có những người thuộc lứa chúng tôi mới hình dung nổi. Trẻ em hôm nay không còn hình dung được trước đây nó sân phơi thóc lúa của cả xã. Giờ kể lại, nghe nó xa xôi như nghe chuyện cổ tích.
Tôi xa quê nhiều năm,mỗi khi nhớ quê kí ức tuổi thơ lại ùa về trong nỗi nhớ làng, nơi ấy tuổi thơ tôi gắn bó một phần đời.

Phùng Hoàng Anh
Theo http://trannhuong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...