Hải trình chí lược và sự chuyển mình
của những quan niệm văn hóa nơi người
trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX
của những quan niệm văn hóa nơi người
trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX
Hải trình chí lược [1] là
một trong những tác phẩm sớm nhất ghi chép về những điều tai nghe mắt thấy trên
hành trình đường biển đi về phương Nam, đến những nước có sự hiện diện của người
phương Tây. Đặc biệt đối với Phan Huy Chú, một nhà văn có tư duy khoa học và óc
quan sát tinh tế, sắc sảo, người từng viết bộ sách được xem là bách khoa thư thời
Nguyễn – Lịch triều hiến chương loại chí, chuyến đi công cán vào năm 1832
đến Tân Gia Ba (Singapore) và Giang Lưu Ba (Batavia, một đảo trong quần đảo Nam
Dương, tức Indonesia ngày nay) là một cơ hội tốt để ông được tiếp xúc với một
thế giới mới lạ, thỏa mãn lòng say mê hiểu biết, khám phá và ghi lại đầy đủ những
gì mình quan sát được để mở rộng tầm mắt cho mình và cho dân tộc mình.
Chí là thể văn ghi chép
tỉ mỉ, chính xác về sự vật, sự việc mà người viết hiểu biết qua tra cứu sách vở
hoặc tự bản thân trải nghiệm. Chí có nhiều loại. Có thể là loại ghi
chép về lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí, Nam triều công nghiệp diễn
chí. Có thể là loại ghi chép về địa lý như Dư địa chí, Gia Định thành
thông chí. Cũng có thể là loại ghi chép về phong tục, luật lệ, hiến chương… của
một quốc gia như Lịch triều hiến chương loại chí. Cũng đồng thời là ghi
chép người thật, việc thật, nhưng ký có đôi chỗ khác với chí. Nếu chí là
những ghi chép mang tính khoa học, khách quan (trừ loại chí lịch sử
thường có thêm thắt tình tiết theo những lời kể dân gian và đã trở thành như những
tiểu thuyết lịch sử) nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho người đọc, thì ký phóng
khoáng, tự do hơn và mang đậm dấu ấn chủ quan của người viết qua cách cảm nhận
về sự vật, sự việc và những lời bình luận hay phát biểu cảm nghĩ xen vào đó, với
mục đích chính là ghi lại những gì mà mình thấy có cảm xúc, cảm hứng, theo nhu
cầu tình cảm của cá nhân. Do vậy khi đi xa, người ta thường chọn cách ghi chép
của ký hơn là chí – có thể là ghi chép bằng văn xuôi như Thượng
kinh ký sự hay ghi chép bằng thơ như rất nhiều bài thơ sứ trình đã quen
thuộc với độc giả. Tuy nhiên, Phan Huy Chú đã chọn thể chí và gọi
khiêm tốn công trình ghi chép của mình trong chuyến công cán sang vùng biển
phương Nam là Hải trình chí lược. Thay vì viết du ký để có
thể ghi chép tùy hứng những cảnh sắc đẹp đẽ, đáng ưa trên bước hành trình và bộc
lộ cảm xúc cá nhân trước những cảnh sắc đó, ngay cả có thể bằng những bài thơ,
câu thơ xen vào, học giả họ Phan lại chọn cách thể hiện khoa học, khách quan,
thậm chí có phần khô khan để cố gắng lưu lại đầy đủ nhất những gì mà ông nhìn
thấy và cho là đáng quan tâm.
Tuy tác giả không phân chia
ra nhưng người đọc Hải trình chí lược sẽ cảm nhận có hai phần khá rõ:
phần ghi chép những quan sát, cảm nhận của tác giả khi đi dọc theo vùng biển của
các tỉnh phía nam kinh thành Huế, từ Quảng Nam trở vào đến vịnh Thái Lan, và phần
ghi chép lại Tân Gia Ba và Giang Lưu Ba.
Ở phần thứ nhất, cảnh vật
quan sát được tuy là trên đất nước mình nhưng cũng là hoàn toàn mới đối với
Phan Huy Chú, vì trước nay đại đa số các chuyến sứ trình là đi về phía bắc, đến
đất nước Trung Hoa. Do đó đối với những người quê quán ở đất Bắc như sứ giả họ
Phan thì vùng đất phương Nam và vùng biển phương Nam thực sự mới lạ. Cái mới
làm con mắt ngắm nhìn và ngòi bút ghi chép trở nên hào hứng, nhất là nó còn được
vun bồi bởi tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Cảnh sắc đất nước
với những hải cảng và hải đảo trên đường đi được ghi chép chi tiết và thú vị.
Đây là những trang viết giàu cảm xúc nhất trong tập chí, kết hợp hài hòa giữa
tính khoa học và chất văn chương.
Thử quan sát hình ảnh của Cù
Lao Chàm và Cù Lao Ré:
“ Đảo Đại Chiêm ở Quảng Nam
là một ngọn núi tiêu chí thứ nhất của hải trình tục gọi là Cù Lao Chàm. Đảo này
cách cửa tấn ước hơn một canh bằng thuyền. Trên đảo có phường Tân Hợp cư dân
khá trù mật. Trên núi có nhiều yến sào. Triều trước đặt ra đội Hoàng Sa để lấy
tổ yến. Một xóm dân ở chiếm riêng một cõi mây nước sóng gió này. Đây cũng là một
nơi thắng cảnh. Từ Đà Nẳng vượt biển một ngày đêm mới tới đây. Trông xa chỉ thấy
núi non xanh thẳm. Qua chỗ này, vượt qua các đảo Hòn Nam, Bàn Than đến cửa Tiểu
Ấp. Ngoài là Tiểu Man mới hết vùng biển Quảng Nam. Gần cửa tấn Thái Cần ở Quảng
Ngãi có đảo tục gọi là Cù Lao Lý, nó là tiêu chí ngoài biển của tỉnh thành này.
Thuyền đi hơn hai canh mới đến bờ biển của đảo này. Trên đảo cây cỏ um tùm, đất
cát bằng phẳng. Hai ấp An Vĩnh và An Hải dân cư nộp thuế dầu lạc. Sinh sống nơi
mặt nước chân mây, phong tục chất phác, cổ sơ như người thời Vô Hoài, Cát Thiên
vậy. Thuyền đi qua đây, trời đã xế chiều, nhìn xa chỉ thấy khói mây và
sóng cả nhấp nhô giữa đảo xanh biếc tưởng như bãi biển. So với Đại Chiêm, cảnh
trí ở đây đẹp hơn”.
Mũi Kê Gà (Kê Khê) và Mũi Né
ở Bình Thuận:
“Cửa tấn Vị Nê của Bình Thuận
dân cư trù mật, tôm cá nhiều. Thuyền biển qua đây thường tạm đỗ lại để mua sắm
thực phẩm. Từ đây đi qua các vùng biển Kê Khê, Ma Ly, La Di nhân tiện đi thẳng
tới Côn Lôn không theo hướng tây qua cửa Cần Hải của Gia Định. Bên cạnh cửa tấn
Vị Nê có một dãy núi đâm ngang tục gọi là Mũi Nê. Ngoài ra đều là cồn cát, nhìn
thấy sáng lấp lánh”.
Và đây là Côn Đảo nhìn từ
xa:
“ Đảo Côn Lôn và cửa Cần Hải
đối nhau. Đảo ấy là nơi làm tiêu chí cho các thuyền đi lại ở biển nam định hướng.
Nghe nói nơi ấy xóm làng trù mật, dân cư đông dúc. Núi có nhiều yến sào.
Phong cảnh thật là đẹp. Xưa nay đã đặt thủ ngự ở đó để tuần phòng mặt biển. Gần
đấy có thuyền bè đi lại. Đó là một nơi quan yếu. Lần này thuyền đi từ Vị Nê thẳng
ra ngoài biển đi xa cách Côn Lôn nên ban đêm vượt qua mà không biết. Sáng ra thấy
đàn chim bay lượn vòng tròn mấy vòng rồi bay về hướng đông. Trời rộng, chim mất
hút, bấy giờ biết đảo này đã cách xa. Đường biển xa vời, không thể quay nhìn lại
được nữa. Vì vậy trong lòng vừa tiếc lại vừa buồn”.
Có phần chắc những ghi chép
thực tế này đã bổ sung thêm cho những hiểu biết qua tra cứu sách vở của Phan
Huy Chú để ông biên soạn bộ Hoàng Việt dư địa chí hoàn tất vào năm
1833.
Ở phần thứ hai, có dung lượng
dài gấp bốn lần phần thứ nhất, tác giả dành 6 mục để nói về Tân Gia Ba, 23 mục
nói về Giang Lưu Ba.và 5 mục nói về các đảo khác. Điều này cho thấy có lẽ thời
gian Phan Huy Chú công cán ở Giang Lưu Ba là lâu nhất trong chuyến hành trình.
Về Giang Lưu Ba, tác giả đã ghi chép khá chi tiết về nhiều phương diện, từ lịch
sử, địa lý, tình hình xã hội, quân sự, pháp luật, tiền tệ, khoáng sản – tài
nguyên đến khí hậu, thực phẩm, y phục, chữ viết, lịch pháp, xe cộ, máy móc,
nông thôn, đô thị, chợ búa, tập tục…
Bài viết chú ý nhiều đến phần
thứ hai này, vì nó thể hiện những điều mới mẻ đầy ý nghĩa trong cách nhìn, cách
cảm, cách nghĩ của một nhà văn – nhà nho Việt Nam ở đầu thế kỷ XIX.
Xuất thân từ cửa Khổng sân
Trình, tắm mình trong không khí văn hóa Nho gia lâu đời của gia đình, dòng tộc
và xã hội Việt Nam thời trung đại, việc nhìn thấy một nền văn hóa văn minh hoàn
toàn khác hiện diện nơi một nước thuộc địa của phương Tây quả là một cú sốc văn
hóa đối với Phan Huy Chú. Trong con mắt của đa số các nhà nho, từ phong tục tập
quán, trang phục đến cách tổ chức xã hội nơi đảo quốc phương Nam này hẳn là khó
chấp nhận và có nhiều điều đáng phê phán vì nó trái ngược với những gì thuộc về
truyền thống mà dân Việt vẫn quen nhìn, quen nghĩ, quen sống. Nhưng với con mắt
của một nhà khoa học, học giả họ Phan của chúng ta đã điềm tĩnh quan sát, suy
ngẫm và ghi lại một cách trung thực, khách quan những gì ông nhìn thấy. Tuy vẫn
là một đệ tử của đạo học Khổng – Chu và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, Phan
Huy Chú đã tỏ ra công bằng khi nhận xét người Hà Lan nói riêng và người phương
Tây nói chung có nhiều cái hay, vượt hẳn Trung Hoa. Phan Huy Chú không bỏ sót
lĩnh vực nào trong tầm quan sát của mình, từ cách tổ chức xã hội, hành chính,
quân sự, kinh tế thương mại, tiền tệ đến phong tục, văn hóa thể hiện qua trang
phục, cách cư xử, giao tiếp, đến khoa học kỹ thuật phương Tây thể hiện qua số
đo biển, cách chế tạo xe cộ, tàu thuyền và các vật dụng, cách làm lịch… Nhận
xét của tác giảHải trình chí lược về những gì mình khái quát được có thể
chia thành ba loại:
1.
Khen ngợi những cái mới, hay, tinh xảo, đáng học hỏi của người phương Tây, cụ
thể là người Hà Lan, đang giữ chủ quyền ở Giang Lưu Ba, và cho rằng những cái
này hơn hẳn của Trung Hoa:
- Người Hà Lan có chế
độ tiền giấy rất thuận tiện, đó là một “việc làm thông biến, hợp với lòng dân”
và là “một thể chế có tính sáng tạo” (tr. 164).
- Luật pháp Giang Lưu
Ba “có thể chế nhất định, lập pháp không có thiên lệch nên xử đoán công bằng,
do đó dễ chế ngự dân chúng” (tr. 162).
- Cách tổ chức xã hội
quy củ, trật tự. Ban đêm có người đi tuần để giữ an ninh cho dân. “Rõ ràng mà đầy
đủ, khoan dung mà có thể chế, đó cũng là quy mô của một nước vậy” (tr. 168).
Cách cai trị của người Hà Lan đã làm cho Giang Lưu Ba có cuộc sống phồn hoa, thịnh
vượng.
- Lễ tục giản dị, bình
đẳng: “Khi lên xe, khi ngồi ghế thì quan và dân đều ngang hàng nhau. Lúc gặp
nhau chỉ bắt tay nhau bằng tay phải để tỏ kính trọng. Người dưới yết kiến người
trên không có lễ sụp lạy khấu đầu” (tr. 167).
- Xe cộ người phương
Tây “rất tinh xảo, vừa nhẹ vừa chắc, so với xe cộ Trung Quốc thì hơn hẳn” (tr.
162).
- Người phương Tây biết
“lượng cung độ của trời để đo khoảng cách trên biển và chia mặt biển thành “độ”
để định xa gần” (tr. 165).
- Khoa thiên văn, địa
lý của người phương Tây rất tiến bộ. Lị Mã Đậu (Matteo Rici) năm Sùng Trinh đời
nhà Thanh (thế kỷ XVII) đã vào Trung Quốc sửa đổi lịch pháp, viết ra sách Khôn
dư đồ thuyết và vẽ ra bản đồ thiên cầu và địa cầu mà đến nay người Trung Hoa vẫn
theo. Đó là một người “kiến thức trác việt, lời bàn kỳ lạ, vượt hẳn xưa nay”
(tr. 165).
- Tranh vẽ của người
Hà Lan rất tinh tế, đẹp đẽ, “đến như Vương Ma Cật, Ngô Đạo Tử thời xưa chưa dễ
đã hơn được. Có lẽ cái tinh hoa sắc sảo của họ là do trời phú chứ không phải nhờ
ở học thuật Trung Hoa” (tr. 166).
- Đồ dùng của người Hà
Lan đều tinh xảo, như đồng hồ, tàu chạy bằng hơi nước, máy xẻ gỗ bằng sức nước
(Các loại máy móc này đều được miêu tả rất chi tiết về hình dáng, các bộ phận,
cách vận hành).
Về vấn đề này, tưởng cũng cần
nói thêm, theo lịch sử ghi lại, vào năm 1837, 1838, theo kiểu mẫu phương Tây,
thợ thủ công nhà nước đã chế tạo được máy cưa gỗ và xẻ gỗ bằng sức nước, máy
hút nước tưới ruộng và còn có cả xe cứu hỏa. Đặc biệt là vào năm 1839, dựa trên
các kiểu mẫu phương Tây, các đốc công Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trinh cùng các thợ
của ông đã đóng thành công chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên, được vua Minh Mạng
hết sức khen ngợi”[1]. Những thành tựu này tất nhiên có được qua quá trình tìm
học, nghiên cứu, thử nghiệm lâu dài nhưng ý tưởng ban đầu hẳn không thể không
khởi nguồn từ những quan sát, ghi chép của học giả họ Phan trong Hải trình
chí lược.
2.
Không trực tiếp khen ngợi những cái mới của phương Tây hơn của Trung Hoa nhưng
tỏ ý cho thấy phương Tây cũng có những cái hay riêng, khác với Trung Hoa. Tuy
không giống đạo “thánh hiền”, quan niệm của “thánh hiền”, nhưng nó có sự hữu
lý, đáng để tâm xem xét:
-
Phụ nữ ăn mặc đẹp, sang trọng và được quý trọng – “Mỗi khi đi ra ngoài, lúc
lên xe thì chồng phải đỡ vợ lên trước. Khi đến chơi nhà, cười nói thân mật,
không có thói phụ nữ phải lánh mặt trong buồng riêng” (tr. 167).
-
Việc làm lịch khác người Trung Hoa, cho thấy trời tây “là một vũ trụ riêng”,
“không thể lấy phép làm lịch của thánh vương ngày xưa để buộc họ phải theo được”
(tr. 165).
3.
Bên cạnh đó, có những ghi chép không kèm theo một ý kiến nhận định nào. Tuy
nhiên, ở những đề mục có màu sắc trung tính này, sự ghi chép tỉ mỉ về những
cách tổ chức công việc, hoạt động… cũng cho thấy được ít nhiều sự thán phục của
người viết đối với những gì mình quan sát được.
Từ một góc tiếp cận khác, có
thể thấy thái độ, tình cảm của tác giả Hải trình chí lược đối với những
con người, chủ thể sống trên đảo Giang Lưu Ba như sau:
Đối với người Đồ Bà, tức dân
bản địa, tác giả mô tả họ “chất phác, nhu thuần” và dành cho họ nhiều thiện cảm.
Lý do khá dễ hiểu, vì họ cũng là dân châu Á, một nước láng giềng, cùng người Việt
có nhiều gần gũi về chủng tộc, văn hóa (“da mặt tuy đen nhưng trạng mạo cũng
không khác người nước ta” (tr. 152)). Họ lại đang là dân bị trị của người
phương Tây, một giống người hoàn toàn xa lạ.
Đối với người phương Tây, có
hai sắc dân đang có mặt ở Giang Lưu Ba. Thứ nhất là người Hồng Mao (người Anh),
tác giả tỏ ra thiếu thiện cảm, nếu không muốn nói là ghét – “Người Hồng Mao thì
tóc đỏ, râu xoăn, mũi to, mắt sâu (…) phần nhiều hung hãn, giảo quyệt” (tr.
152). Thứ hai là người Hòa Lang (Hà Lan), tác giả tỏ ra có nhiều thiện cảm hơn
qua sự khen ngợi tài năng và phẩm chất của họ thể hiện trong cách tổ chức xã hội,
trong giao tiếp và trong sáng tạo kỹ thuật. Tựu trung lại, đối với người Tây
dương nói chung, tuy cảm tình của tác giả có chỗ khác nhau nhưng có một điểm
chung nhất quán là thán phục và khẳng định nhiều cái hay, cái mới đáng học hỏi ở
họ.
Đối với người Hoa, mà Hải
trình chí lược gọi là người Thanh, có một số điểm đáng chú ý:
Trước hết, tác phẩm dành
riêng hẳn một số mục đề cập đến người Hoa – nơi họ tập trung sinh sống, những
sinh hoạt, tập quán của họ…, vì theo sự quan sát của tác giả, người Hoa đến
Giang Lưu Ba rất đông, khoảng vài chục vạn, “có lẽ bằng nửa số dân Đồ Bà” (tr.
169).
Thứ đến, tác phẩm cho thấy sự
quan tâm của Phan Huy Chú đối với việc người Hoa đã ứng xử như thế nào trước sự
du nhập của văn minh, văn hóa phương Tây. Người phương Tây sang, đem đến cho
Giang Lưu Ba nhiều tiện nghi vật chất, làm cho thuơng nghiệp, tiền tệ phát triển,
tạo điều kiện làm giàu cho những người có đầu óc kinh doanh. Người Hoa ở đây
kinh doanh, buôn bán rất thành công và cũng ăn chơi, hưởng lạc hết mức (tr.
171).Tác giả đã chú ý thấy người Hoa có nhiều quán đình thờ phụng Đạo giáo, chỉ
có một nơi thờ Chu Tử (Chu Hi) nhưng lại bỏ hoang phế, không ai viếng thăm. Thờ
phụng thần tiên của Đạo giáo là cốt để cầu tài, cầu lộc. Còn thờ phụng Chu Tử
là thể hiện sự tôn vinh Nho học và đạo lý thánh hiền. Hiện tượng này cho thấy sự
quên lãng đối với việc trau dồi đạo đức, phẩm chất và óc thực dụng, chạy theo lợi
ích vật chất của người Hoa đương thời – “thấy lợi quên nghĩa, tệ bạc đến thế,
thật đáng than thở” (tr. 173). Với đối tượng này, không còn bắt gặp sự đồng điệu,
đồng cảm giữa những dân tộc “đồng văn” như xưa nay thường thấy mà nổi rõ lên sự
thất vọng và coi thường của tác giả khi phê phán “số đông trong họ vui thích
làm giàu mà không hoài niệm đến nước nhà” (tr. 169).
Mặc dù là một đệ tử của “đạo
thánh hiền” và vẫn có thái độ kính trọng đối với tiên thánh như Khổng – Chu
nhưng trong quá trình tiếp xúc, nơi tác giả Hải trình chí lược đã
không tránh khỏi diễn ra một cuộc giao tranh văn hóa âm thầm, và đầu óc công bằng,
khách quan của một nhà khoa học đã khiến ông bày tỏ thái độ thiện cảm đối với
quan niệm bình đẳng của người phương Tây trong giao tiếp giữa người và người
(không cách biệt địa vị giữa quan và dân), giữa nam và nữ (phụ nữ được xem trọng,
có quyền tự do ngang với nam giới). Một cái mới văn hóa nữa cũng được Phan Huy
Chú ghi nhận và khẳng định là sự coi trọng con người và quyền hưởng thụ cuộc sống
của người phương Tây: họ làm việc một tuần thì nghỉ ngày cuối tuần và đây hoàn
toàn là một ngày dành cho vui chơi, giải trí thoải mái với gia đình, bè bạn (“cứ
bảy ngày một lần tụ tập nhau đi chơi ăn uống, gọi là “du yến”” (tr. 154)). Đây
thực sự là những cái mới trong suy nghĩ mà nơi các nhà nho Việt Nam cho đến thế
kỷ XIX hầu như hiếm thấy. Mãi đến thời Tự Đức, chúng ta mới lại bắt gặp cái
nhìn cởi mở và thiện cảm của Cao Bá Quát dành cho người phụ nữ Tây Dương đang
nũng nịu với chồng mà ông nhìn thấy trên thuyền.
Tác giả Hải trình chí
lược cũng khen ngợi sự phồn hoa của Giang Lưu Ba – “Từ bến cảng trở lên,
nhà ngói chen chúc ước tới vài mươi dặm. Hai bên đường thì nhà lầu đối nhau,
hàng hóa la liệt. Dọc theo phố có sông thông với cảng, thuyền bè qua lại. Trên
bộ xe ngựa như nước chảy. Kẻ mặc áo trắng như tuyết ngồi nệm hoa qua lại nhìn
thấy hàng ngày trên đường. Đến như các phố Hòa Lang thì lại càng tân kỳ hoa lệ.
Nhà thì bốn phía tường, tranh, kính lung linh chói mắt. Đầy nhà các đồ vật quý
giá sáng loáng. Nhà nào giàu sang thì có vườn đẹp, các thứ hoa và đá lạ, trông
rất thanh thú.“ (tr. 160). Sự thịnh vượng này được lý giải từ những nguyên
nhân: thương mại phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ và cách tổ chức xã hội tốt.
Những nhân tố này xét đến cùng bắt nguồn từ đầu óc, tầm nhìn, tài năng của những
người lãnh đạo phương tây ở Giang Lưu Ba. Cách tổ chức hành chính, kinh tế, thuế
khóa, quân sự… của họ đều được Phan Huy Chú ghi chép tỉ mỉ và phần chắc là sau
chuyến công cán, những ghi chép, tường trình này đã được dâng lên để vua ngự
lãm. Minh Mạng là một ông vua thông minh và quyết đoán. Nhà vua đã mạnh dạn cải
cách về nhiều lĩnh vực để đưa xã hội phát triển đi lên, nhưng mặt khác lại cũng
tỏ ra thành kiến và cố chấp trong nhiều việc, đặc biệt là không muốn có quan hệ
ngoại giao thương mại với người phương Tây, thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng”
và cấm đạo nghiêm ngặt. Chính điều này đã làm cho đất nước Việt Nam không có được
sự giao tiếp bình thường và tích cực đáng lẽ phải có trong xu thế chung của thời
đại và dần trở thành một ốc đảo với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trì trệ .
Và những điều mới mẻ về các phương diện xã hội mà tác giả Hải trình chí lược đã
tâm huyết ghi lại cuối cùng trở thành vô nghĩa.
Chọn thể chí có phần
khô khan, giá trị văn chương của Hải trình chí lược chắc hẳn không thể
sánh bằng Thượng kinh ký sự hay Vũ trung tùy bút, nhưng điều này
không phải là chủ đích của tác giả. Đặc trưng và chức năng thể loại của tác phẩm
đã tỏ rõ ưu thế riêng và là cách lựa chọn phù hợp nhất để giúp tác giả ghi lại
một cách khách quan, thuyết phục những gì là hoàn toàn mới đáng để suy nghĩ, học
hỏi và vận dụng cho việc canh tân đất nước. Tuy không có một lời bình luận ngoại
đề nhưng bản thân tác phẩm đã nói hộ một cách sâu sắc những mong muốn và tấm
lòng của học giả họ Phan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét