Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Hồn quê trong trẻo và thuần phác

Hồn quê trong trẻo và thuần phác
Đã nhiều năm nay, bắt đầu từ cái ngày tôi đọc bài ca dao này, thì cứ mỗi độ xuân về, dù muộn mằn, tôi cũng phải tìm mua cho được mười cành tầm xuân. Và khi đã có mười cành tầm xuân nụ hoa xanh biếc, cắm trong chiếc bình gốm hình lục lăng cũng màu xanh thẫm, là sâu thẳm lòng tôi lại khẽ ngân lên một tiếng thơ, hiển hiện một gương mặt người từ xa ngái. Cứ thế, màu xanh biếc của nụ tầm xuân lặng lẽ đưa tôi đến một xứ sở xa xôi, có ánh nắng chan hòa, có mảnh vườn xanh thắm, những cánh hoa e ấp trước gió xuân, có mối tình đang nồng nàn đã đầm đìa nước mắt của đôi trai gái thôn quê từng thề non hẹn biển sẽ đi với nhau đến hết cuộc đời, mà thoắt đấy đã chia ly. Để rồi người con trai suốt cuộc đời lận đận, dằn vặt, đi tìm một bóng hình trong tiếc nuối: 
Nụ tầm xuân 
xanh biếc
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Rút trong tập “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Còn người con gái ôm mối giận hờn, than trách người con trai cháy chẳng hết mình, yêu mà lừng khừng, toan tính:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Đến nỗi phải bật lên tiếng kêu đau đớn, xót xa về sự ly biệt, về lệ đời, về phong tục dưới thời phong kiến như bức tường thành kiên cố, ở đó người con gái không được quyền vượt qua, không có quyền quyết định hạnh phúc lứa đôi, để mối tình đến chỗ sầu thảm, bi thương:
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Nhưng thôi! Trần gian chẳng đã an bài những tử, biệt, sinh, ly, biết bao chuyện đời ngang trái, biết bao chuyện tình cạn khô nước mắt mà vẫn không đi hết đoạn đường.

Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói đến cái hồn vía của làng quê Việt trong bài ca dao. Bởi nếu gác lại yếu tố tình yêu nam nữ thì bài ca dao “Nụ tầm xuân xanh biếc” sẽ chỉ còn lại một làng quê Việt Nam trong trẻo và thuần phác, khiến ta cho dù đang đứng ở chỗ nào, khi đọc "Nụ tầm xuân xanh biếc" cũng thấy rưng rưng, nhớ thương ai da diết, nhớ mảnh vườn ấm áp, thân thương:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Cái tài tình của bài ca dao ở chỗ chỉ cần vài câu thơ, ông cha ta đã tạo lập được hình ảnh một khu vườn bình dị, rất đời thường mà thơ mộng.
Xưa đã thế và bây giờ cũng thế. Ở các vùng nông thôn, dường như bao giờ mỗi gia đình cũng có một mảnh vườn, trong mỗi mảnh vườn người ta chỉ trồng vài loài cây thiết thực phục vụ đời sống thường nhật với một vài cây ăn quả, một vài luống rau, luống cà. Cây bưởi thì hầu như vườn nhà ai cũng có. Bưởi được trồng ở góc vườn hoặc thành hàng. Dưới chân những gốc bưởi là rau, cà xen hàng ớt đỏ, trước cái sân gạch hồng hồng giàn trầu không lá xanh mướt quấn quanh gốc cau, trước hiên nhà cắm một khóm hồng hay bụi tầm xuân. Hầu hết các loài cây trong khu vườn ấy đều trổ hoa cùng một mùa: mùa xuân.
 Xuân về, hoa bưởi nở từng chùm trắng muốt, trắng cả một góc vườn, ngõ xóm. Hương bưởi không ngào ngạt, nhưng thanh khiết như người thôn nữ, nhìn thì bình dị mà rất dễ làm rung động lòng người, làm cho người xa quê đến mấy mươi năm, mỗi lần nhớ đến mùa xuân không thể quên hoa bưởi, thế là lòng rưng rưng, thèm một lần được trở về quê cũ:
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu

(thơ Phan Thị Thanh Nhàn)
Bên những chùm hoa bưởi ngọc ngà là màu xanh biếc của nụ tầm xuân, màu tím của hoa cà, màu đỏ của ớt, màu xanh của trầu cau. Trong sắc nắng vàng, chỉ cần một làn gió xuân thoảng nhẹ cũng đủ làm xao động cả hoa lá trong vườn, làm lay động mặt nước dưới ao. Mảnh vườn quê nhỏ nhắn ấy cho ta hình dung ra một không gian tươi sáng, sự vận động đầy sắc thái, sự biến hóa, cái bất diệt nằm trong cái thường diệt của vũ trụ. Và hoa lá khiến ta nhớ đến nao lòng những gương mặt người xưa. Nó chứng tỏ, ông bà ta từ xa xưa không chỉ biết lam làm để duy trì cuộc sống, mà còn có cả khối óc thẩm mỹ, có khát vọng vươn tới cái nhân, cái đẹp, mới bố cục mảnh vườn chỉ gồm những cây trái giản dị, đời thường mà vẫn đủ sức cuốn hút lòng người:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm qua

Ca dao Việt Nam còn rất nhiều bài khác nữa đưa ta về với những khu vườn quê bình dị, ấm áp mà đằm sâu vào hồn người. Những khu vườn là khởi nguồn của sự sống, là quê hương, giống nòi, tổ tiên, bởi cây trái của vườn đã bền bỉ nuôi dưỡng thể chất, tâm hồn, nâng bước bao thế hệ vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thiên nhiên, của nạn xâm lăng mà trường tồn cùng đất đai, sông núi.
VŨ TUYẾT MÂY
 Theo http://baohaiduong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...